Phạm Hồng
Sơn
Tôi
đã lắng nghe được nhiều phản hồi (khen, chê) sau khi bài trả
lời phỏng vấn của tôi với BBC Việt ngữ (Góp
ý hiến pháp: hơn một sự ngộ nhận.) được đăng
tải vào ngày 02/03/2013. Dưới
đây là một phản hồi (góp ý) tôi nhận được trực tiếp và đã hồi đáp, trao đổi. Được
sự đồng ý của người trao đổi, tôi xin trân trọng giới thiệu với quí vị:
Thư trao đổi với anh Phạm Hồng Sơn
Nguyễn Huy Canh
Vào trang Quechoa thấy
có bài của anh trả lời BBC khi được hỏi về công cuộc đóng góp ý kiến cho Dự thảo
sửa đổi hiến pháp 1992, cũng như kiến nghị 72, xin được có 2 ý nhỏ trao đổi
thêm với anh.
1, Trong phần trả
lời đó, anh có nói gây ấn tượng nhất cho anh là ý kiến của ông Nguyễn Trung, và
tôi (Nguyễn huy Canh-Hải Phòng), thành thật cảm ơn anh về nhận xét đó. Nhưng
cũng tiếc rằng khi nói về cách thức, phương pháp cho một công cuộc cách tân đất
nước, anh đã không đúng, hay gọi là nhầm lẫn cũng thế, khi cho rằng “luật hóa
điều 4 HP” là con đường,
là biện pháp ưu tiên của tôi.
Nếu anh có dịp đọc
những bài viết của tôi như “Trao đổi thêm với đại biểu Dương Trung Quốc”,”Nqtw4
và nỗi đau lịch sử” hay “đảng và Hiến pháp”, “Trao đổi với 2 ông Bùi Đức Lại và
Trần Mạnh Hảo” anh sẽ thấy phương pháp hay dự án mà tôi đưa ra đều là nguyên tắc
phải thay đổi cái cấu trúc quyền lực của đảng từ tw đến các cơ sở. Đó là việc
phải bỏ đi tính quyền lực tự cấu tạo, khép kín của BCHTW, BCT, BBT...và cấp ủy đảng ở
các cấp. Một quán tính lịch sử trong việc thiết kế quyền lực chính trị của đảng
giờ đã trở thành một câu hỏi quá lớn của xã hội và của một thể chế gọi là dân
chủ. Người dân đã hiểu ra rằng “mọi quyền lực đều không đi ra từ những lá phiếu
bầu của cử tri đều không chính danh” và với tôi xem đây là lộ trình cần thiết
cho một quá trình cách tân của thực tiễn chính trị VN trên con đường dân chủ
hóa thể chế quyền lực được ý thức...
Xin nói với anh,
chưa bao giờ tôi đưa ra yêu cầu cần “luật hóa điều 4 HP” như một phương pháp tối
ưu của quá trình đổi mới “tái cấu trúc toàn hệ thống” thậm chí tôi còn phê phán
mạnh mẽ các loại ý kiến này như ông Bùi Đức Lại, ông Vũ Mão đã đưa ra...tôi coi
đó là kết quả của những ý chí điên rồ. Rằng khi cấu trúc quyền lực của đảng,
cũng như của hệ thống chính trị, đảng đã đứng trên Nhà nước, và HP thì làm sao
nhân dân thông qua QH của mình để có thể luật hóa được sự lãnh đạo của đảng.
2, Tôi cũng nhất
trí với anh ở một khía cạnh, và chỉ một khía cạnh thôi, xây dựng cho được một bản
hiến pháp chuẩn và đẹp-đó không phải là điều quan trọng. Rằng quyền lập hiến
nguyên thủy chỉ có giá trị sau những chính biến của lịch sử, và do đó điều cốt
lõi phải ở công việc phê phán hiện thực bởi những hành động hiện thực. Xin nói
thêm, tôi phê phán ông TMH khi ông nói về những mâu thuẫn nền tảng trong việc
duy trì điều 4HP cũng nằm trong chiều nhận thức này.
Nhưng tôi và ông
cũng cần nên hiểu rằng, không nên tuyệt đối hóa nhận thức đó khi ông cho rằng
công cuộc góp ý sửa đổi HP hiện nay là một động thái kì cục của nhân dân, của
các nhân sĩ, trí thức. Vì rằng:
a) những ý kiến,
tâm nguyện đó của nhân dân chính là sự thể hiện, biểu hiện trực tiếp nguyện vọng
và nhu cầu dân chủ của đời sống, là tiếng kêu đau đớn của thực tiễn lịch sử tự
lộ ra, tự phát ra trong một thể chế chuyên quyền, đảng trị.
b) cái nhu cầu
sinh động ấy sẽ trở thành những áp lực chân chính của lịch sử dội lên thái độ và
quan điểm độc tài, độc quyền của giai tầng lãnh đạo. Đó sẽ là những giá trị tạo
ra nội dung dân chủ của thời đại chúng ta. Theo ý nghĩa ấy, chính nhân dân, các
tầng lớp nhân sĩ ,trí thức đang là những lực lượng, những chủ thể sáng tạo chân
lí của lịch sử này. Nhân đây tôi cũng nói thêm với anh là, chân lí
không phải là cái gì ẩn lấp sâu, ở đâu đó có sẵn trong thực tại, còn chủ thể chỉ
đóng vai trò tìm kiếm, phát hiện ra nó như các loại Duy thực, Duy vật luận của
các thế kỉ trước quam niệm. Con người trong tính chủ quan-hiện thực của nó, nó
đang tham dự tích cực vào trong quá trình hình thành, sáng tạo lên chân lí đời
sống, chân lí của lịch sử này. Rằng họ xuất hiện ra hoàn toàn không còn như những
quần chúng được hiểu như những bộ phận vật chất thụ động cần phải có các trí tuệ
dẫn đường, lãnh đạo như họ đã xuất hiện ra trước đây trong lịch sử như thế...
Vì vậy với tư
cách một người nghiên cứu, một chủ thể tham dự như ông, ông phải thấy đó là sự
kiện tiến bộ, là hiện tượng tiến bộ cần phải được đem vào trong những cảm xúc,
những thể hiện của mình cũng như trong những lí giải về đời sống cùng với những
hành động thúc đẩy nó hơn nữa.
Trên đây là những
ý kiến mong muốn chúng ta cùng trao đổi với nhau trên tinh thần tôn trọng, cùng
chung sống của các quan niệm, niềm tin nơi mỗi chúng ta như một tồn tại
đang...như là trong hành động, rằng đừng làm điều gì tổn hại tới dòng chủ lưu
dân chủ của thời hiện đại đang dần lớn lên trong đời sống lịch sử còn nhiều đau
thương của chúng ta. Chúc ông khỏe.
huycanh
Kính gửi
ông Nguyễn Huy Canh,
Thưa ông, trước tiên tôi xin rất
cảm ơn ông đã e-mail (ngày 06/03/2013) góp ý đối với bài trả lời phỏng vấn của
tôi trên BBC Việt ngữ (Góp
ý hiến pháp: hơn một sự ngộ nhận.) Xin được thưa lại với ông như sau:
I. Tôi xem lại tư liệu và tôi đã nhận ra sai lầm
khi cho rằng ông “kỳ vọng vào luật hóa Điều 4”. Trước tiên, tôi thành thật xin lỗi ông và mong ông
hiểu đây là sự sơ suất ngoài ý muốn của tôi trong khi tìm hiểu. Tôi sẽ thực hiện đính chính[i] và xin
lỗi ông công khai trên blog Như Cây Tre Việt Nam.
II. Trong e-mail của ông có một số điểm tôi xin được trao đổi lại trên tinh
thần tranh biện thẳng thắn như sau:
1. Ông viết: “Người
dân đã hiểu ra rằng “mọi quyền lực đều không đi ra từ những lá phiếu bầu của cử
tri đều không chính danh” và với tôi xem đây là lộ trình cần thiết cho một quá
trình cách tân của thực tiễn chính trị VN.”
Tôi cứ tạm giả thiết nhận định này của ông là đúng,
thì theo tôi trong sự “hiểu ra” này đã có sự lạc hậu khoảng ba thập niên về lý
thuyết và kinh nghiệm về dân chủ tự do trên thế giới. Thưa ông, việc lấy lá phiếu của cử tri
(dù là bầu cử phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, tự do và trung thực) làm tiêu chí
cơ bản để đánh giá một xã hội (thể chế) dân chủ tự do là quan điểm thịnh hành
vào thập niên 1980 của thế kỷ trước. Đến nay, quan điểm này đã được rút kinh
nghiệm và bị phê phán (đại diện phê phán có thể kể ra là Samuel P. Huntington
và Fareed Zakaria). Ngắn gọn thì có thể hiểu rằng: một chính quyền có thể là
hoàn toàn chính danh (do bầu cử tự do tạo ra) nhưng chưa hẳn đã là một chính
quyền mang lại tự do, nhân quyền cho nhân dân.
Dĩ nhiên, kể cả cái chính quyền
chính danh phi tự do này cũng đã là điều đáng ước mơ cho nhiều người Việt Nam chúng ta rồi.
Do đó, tôi đồng ý với ông “lá phiếu cử tri tự do, bình đẳng và trung thực” có thể
là bắt đầu cho lộ trình cách tân chính trị Việt Nam. Nhưng, chúng ta cũng không
nên quên cái lợi thế của những nước dân chủ hóa muộn là việc được quyền không vấp
lại những cái giá do phải lần mò của những nước đi trước nếu chúng ta cùng biết
tìm hiểu và cùng gắng học tập, rút kinh nghiệm từ những nước đó.
2. Ông viết: “không
nên tuyệt đối hóa nhận thức đó khi ông cho rằng công cuộc góp ý sửa đổi HP hiện
nay là một động thái kì cục của nhân dân, của các nhân sĩ, trí thức.”
Tôi cho đây là một sự diễn dịch nhầm, có thể nói
là quá xa so với nguyên văn phát biểu của tôi. Thưa ông, tôi không tuyệt đối
hóa như ông viết. Tôi xin trích lại một phần nhận định của tôi:
“Với
cái nền “rule of law”, cả từ đáy cho tới hiện tại, như thế thì sao có thể nói đến
hiến pháp hay sửa hiến pháp được? Do đó, theo tôi, một cách thẳng thắn, nếu bàn
đến xây dựng hay ủng hộ việc cải cách hiến pháp với chính quyền Việt Nam hiện tại
là một việc làm kỳ cục, gần như vô ích hoặc hết sức ảo tưởng.”
Như vậy nhận định này của tôi là trên phương diện mục đích tối thượng (hoặc
tối ưu) và căn cứ vào thực tế hiển nhiên của hơn 60 đã năm qua và nhận định này nếu áp dụng
vào hiện thực những ngày hôm nay của Việt Nam thì cũng chỉ đúng với một số cá
nhân chứ không thể đúng đối với tất cả “nhân dân” hay tất cả “nhân sĩ, trí thức”.
Tôi hiểu, bất kỳ cá nhân nào, kể cả bản thân tôi, khi áp dụng (đúng hoặc nhầm) nhận
định đó vào bản thân mình cũng sẽ có cảm giác không dễ chịu. Nhưng đứng trên
góc độ trách nhiệm phải cố tránh những sai lầm cho một dân tộc vốn đã phải chịu
nhiều khổ đau vì ngộ nhận hoặc lừa gạt thì tôi nghĩ cảm giác không dễ chịu đó sẽ
không còn quan trọng nữa. Tôi cũng hiểu việc tiếp cận chân lý và việc huy động,
tập hợp dân chúng đều là hai việc quan trọng đối với một xã hội muốn thoát khỏi kìm
kẹp, chia rẽ. Nhưng nếu chúng ta coi nhẹ, lãng quên hoặc đặt việc tiếp cận chân lý xuống
dưới việc huy động dân chúng thì ngộ nhận hay lừa gạt, nhiều phần, sẽ lại chờ
đón chúng ta.
3. Ông viết: “những
ý kiến, tâm nguyện đó của nhân dân chính là sự thể hiện, biểu hiện trực tiếp
nguyện vọng và nhu cầu dân chủ của đời sống”
Đúng, đó có thể là biểu hiện của một “nguyện vọng và nhu
cầu dân chủ”. Nhưng một nguyện vọng, một ước muốn dù khát khao đến mấy chưa đảm
bảo cho việc có cách tiếp cận đúng (hoặc tối ưu) để đạt được ước muốn, nguyện vọng
đó, đặc biệt khi không gian trao đổi về tư tưởng, ngôn luận còn hạn hẹp hoặc bị
trấn áp.
Ngoài ra, câu này cũng lặp lại sự diễn dịch sai giống như
tôi đã trình bày ở trên về cụm từ “của nhân dân”. Tôi nghĩ, chúng ta rất cần phải
chia tay với lối mòn lâu nay trong việc gán từ “nhân dân” hay nhân danh “nhân
dân” khi bày tỏ hay đánh giá ý kiến của bất kỳ nhóm người nào, dù là lớn nhỏ
hay uy danh đến mấy, trong xã hội. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục dễ dàng ngộ
nhận chân lý với số lượng và tiếp tục không thấy quyền lợi, ý kiến của thiểu số
cũng cần phải được tôn trọng và có thể cũng rất quan trọng.
4. Ông viết: “chân
lí không phải là cái gì ẩn lấp sâu, ở đâu đó có sẵn trong thực tại, còn chủ thể
chỉ đóng vai trò tìm kiếm, phát hiện ra nó như các loại Duy thực, Duy vật luận
của các thế kỉ trước quan
niệm.”
Tôi xin bổ sung: Nhưng gọi được đúng tên và tìm được đúng
“chân lý” vẫn mãi là vấn đề cần và phải tranh luận của con người.
5. Ông viết: “Con
người trong tính chủ quan-hiện thực của nó, nó đang tham dự tích cực vào trong
quá trình hình thành, sáng tạo lên chân lí đời sống, chân lí của lịch sử này.”
Tôi đồng ý và vui sướng vì ý nghĩ lạc quan này của ông
về con người. Tôi chỉ xin bổ sung: nhưng con người cũng đừng nên quá vui, quá tự
tín để quên mất con người có đặc tính sai lầm, kể cả nhầm về “chân lý” hoặc lầm
về cách hình thành, sáng tạo “chân lý”.
6.
Ông viết: “rằng đừng làm điều gì tổn
hại tới dòng chủ lưu dân chủ”.
Vâng, nếu thực sự và chính xác 100% có một “dòng chủ
lưu dân chủ” ở Việt Nam thì mong ông hãy tin rằng chắc chắn tôi sẽ thuộc những người
đầu tiên bảo vệ nó. Nhưng sẽ rất dễ sai lầm nếu ta mặc định
hình thức/bản
chất cho một sự vật, hiện tượng trước (hoặc
trong) khi ta (còn đang) tìm hiểu để đánh giá đúng về chúng. Hơn nữa, theo tôi, ”bảo vệ” không luôn tương đương với “đồng ý”,
cũng như “phản đối” không luôn tương ứng với “tổn hại”. Tuy vậy lo lắng này của
ông, và chắc cũng là của nhiều người khác, tôi hoàn toàn chia sẻ.
Những ý kiến khác của ông tôi xin trân trọng cảm ơn và coi
đó là một phản biện đối trọng, gợi ý học tập, chia sẻ hay là lời nhắc nhở, cảnh báo tích cực cho bản thân tôi trong công việc
nghiên cứu
hay trong sự mong muốn đóng góp chút gì đó cho tiến bộ chung của “lịch sử nhiều đau thương này.”
Xin cảm ơn ông một lần nữa về sự góp ý thẳng thắn,
lịch thiệp.
Kính chúc ông sức khỏe,
Phạm Hồng Sơn
○
[i] Đính chính đã được thực
hiện trước khi bài này được đăng tải. Tôi (Phạm Hồng Sơn) chân thành xin lỗi
quí vị độc giả vì sơ suất này.