Trong xã hội ta thời gian gần đây đã cho thấy rõ một điều tưởng chừng như vô
lý: Phê phán chính quyền độc tài chưa hẳn đã khó hay sợ hơn phê bình người cùng
đấu tranh chống độc tài. Cái khó, cái sợ đó đến từ cả vấn đề thực dụng lẫn vấn
đề kỹ thuật. Chúng ta ngại có thể gây chia rẽ, mất đoàn kết, phân tán sức mạnh
vốn đã mỏng lại còn yếu giữa những người đấu tranh. Chúng ta sợ bị cô lập, cô
đơn ngay chính trong nhóm người vốn đã bị cô đơn, cô lập. Và chúng ta ngại vì
không đủ kỹ thuật diễn đạt để tránh hết được những hiểu lầm, ngộ nhận… Những
quan ngại đó đều chính đáng và cần thiết. Nhưng một xã hội không biết phản
biện, ngại phản biện, một xã hội thiếu một dư luận thẳng thắn và nghiêm chỉnh
là một xã hội dung dưỡng độc tài đương quyền và ươm mầm cho độc tài tương lai.
Do vậy, không còn cách nào khác, dù ngại hay sợ, chúng ta vẫn nên cùng nhau học
phản biện. Và đây một kinh nghiệm đáng học từ chính người Việt chúng ta, dù
đã trên 80 năm:
AI NÓI DƯ LUẬN AN NAM KHÔNG CHÍNH ĐÁNG?*
Phan Khôi
Ông đảng
trưởng đảng Lập hiến đã bị công kích một cách công nhiên!
Vì một việc mới xảy ra trong làng
báo làm cho chúng tôi phải mở ra cái đầu đề trên kia. Mà khi đặt bút xuống viết
cái đầu đề nầy, chúng tôi không thể nào quên được chuyện chúng tôi đã làm cách
ba tháng trước đây.
Ấy là chuyện báo Trung lập nầy
đã công kích đảng Lập hiến Nam kỳ. Còn nhớ lúc bấy giờ chúng tôi viết cả thảy
hơn mười bài mà kể sự bất lực của đảng ấy và có phân trần lợi hại cùng các ổng.
Nói chi thì nói, chớ trong mười bài
đó, chúng tôi chưa hề nói động đến cá nhân của đảng viên Lập hiến. Dầu chúng
tôi biết chắc các ổng có nhiều người làm việc ám muội, không xứng đáng với lòng
tin cậy của quốc dân, nhưng chúng tôi chưa hề đặt miệng nói đến những điều tư
đức của các ổng bao giờ, ấy là vì có lẽ khác buộc ngòi bút chúng tôi phải như
vậy.
Việc tư đức, việc cá nhân mặc lòng,
mà nếu nó có quan hệ đến đồng bào xã hội thì cũng nên bới ra mà công kích.
Nhưng hồi đó, chúng tôi mở đầu làm việc ấy, thật là việc lạ tai lạ mắt người
ta. Rất đỗi chúng tôi không hề nói động đến một điều tư đức của ông nào như vậy
đó, mà còn có người cho chúng tôi là kịch liệt quá thay; huống chi đem chuyện
tây riêng ra mà nói thì làm thế nào cho có người tin lời chúng tôi là phải
được? Ấy, cái khổ tâm của nhà ngôn luận xứ ta thường thường như vậy đó mà
có ai hiểu biết cho chăng?
Đại phàm sự trái lẽ, sự phản thường
làm chướng tai gai mắt người ta, thì may lắm chỉ được che đậy trong một hồi,
chớ rốt lại rồi cũng không thể nào bắt kẻ bàng quan nhịn miệng được. Như những
cái cử động của đảng Lập hiến đã bị tờ báo nầy chỉ trích độ nọ rồi; còn về phần
riêng các đảng viên đảng ấy, có nhiều chuyện đáng nói là khác nữa, hễ nhắm là
có quan hệ đến xã hội rồi cũng chẳng ai tha.
Cụ Bùi Quang Chiêu, đảng trưởng Lập
hiến, từ hồi ở bên Pháp về, quốc dân ngửa trông nơi cụ là dường nào; mà nhiều khi
ở giữa công chúng, cụ cũng vỗ bụng đương lấy cái trách nhiệm dìu dắt anh em lên
đường tấn bộ, thế mà ngày nay thành ra láo toét ráo, gẫm đà quá ngán!
Phụ nữ tân văn số 75, ra ngày 23 Octobre mới rồi, có một bài đề là Ông
Bùi Quang Chiêu năm 1930 xin độc giả cứ lật ra mà coi, thì đủ thấy ông
lãnh tụ, ông thượng lưu, ông chí sĩ, ông tân nhân vật đầu sổ ở xứ ta ngày nay
ra sao, chúng tôi không cần thuật lại ở đây làm chi.
Vả Phụ nữ tân văn là
cái cơ quan ngôn luận của đám đờn bà, ít hay dính tới việc chánh trị, mà ngày
nay cũng phải cầm giáo đương tiên đâm ông lãnh tụ như thế, thì đủ biết là việc
đã không hèn, việc đã quá lắm, không nói không đặng vậy.
Trước đây, trong khi Trung
lập công kích đảng Lập hiến, không có một bạn đồng nghiệp nào đặt
miệng vào đó hết, chúng tôi tưởng là trên đàn ngôn luận đã mờ ám lắm rồi, sự
phải quấy ở xứ nầy đã không ai cần phân biện nữa hết. Ngờ đâu nay có bạn đồng
nghiệp Phụ nữ cũng có đồng một cái luận điệu với chúng tôi,
thì lẽ phải há chẳng nhờ đó thêm rõ rệt ra sao?
Về việc cụ Bùi thất tiết với quốc
dân, với đảng Lập hiến, thì hầu hết ai ai cũng biết. Nhưng người ta biết
mà chỉ nghị luận riêng với nhau thôi. Sự nghị luận ấy chẳng có bổ ích gì cho
thế đạo nhân tâm cả. Mới đây thấy có người viết ra cuốn sách nhỏ nói xa nói
gần, kể cũng là hữu tâm, nhưng chưa gọi là một cái dư luận chánh đáng được. Vì
họ nói một cách tiếu mạ, chỉ chọc tức người ta, chớ không phải là có danh chánh
ngôn thuận như bài của Phụ nữ tân văn.
Bạn đồng nghiệp Phụ nữ làm
được việc nầy, thật là một việc vẻ vang cho làng báo chúng ta lắm. Từ nay còn
ai nói được rằng dư luận An Nam ta là không chánh đáng? Từ nay những người to
đầu lớn mặt làm một việc gì há chẳng nên coi chừng trước ngọn bút của tờ
báo quốc âm?
Hôm trước thấy ông Phạm Quỳnh có viết
trả lời cho ông Phan Khôi trong Phụ nữ tân văn nói rằng sự thanh đông kích tây,
nay công kích người nầy mai công kích người nọ, chỉ làm cho vui mắt kẻ bàng
quan, chớ không được việc chi hết. Lời ông Phạm nói đó, chúng tôi còn chưa
chịu.
Ở trong một xã hội như xã hội ta
đây, còn lộn xộn lắm, thế thì phải nhờ ở sự khuyến thiện trừng ác của nhà báo
mới được. Vậy nên mình phải xét xem sự người ta công kích đó là phải hay quấy;
quấy thì thôi, nếu phải thì mình nên để ý đến sự công kích của người ta. Chớ nhứt
thiết mạt sát đi hết cho là chỉ làm vui mắt kẻ bàng quan, sao được?
Như Phụ nữ tân văn công
kích cụ Bùi Quang Chiêu lần nầy thật là chánh đáng lắm. Những lời của bạn đồng
nghiệp nói đó chẳng khác nào đại biểu cho cả nhân dân xứ nầy mà nói ra. Một cái
nghị luận của nhà báo công bình chánh trực như vậy đó, mà nếu người bị công
kích cũng coi như không, không có ý hồi đầu[i] lại
cho đến kẻ bàng quan cũng cho là việc tầm thường, việc nói xấu nhau, thì thôi,
hết mong gì nữa!
Riêng phần chúng tôi là kẻ mở đầu
công kích đảng Lập hiến trước nhứt, tuy được nhiều người hoan nghinh lẽ thật
của chúng tôi mà cũng bị những người cạn nghĩ chê bai chúng tôi lắm lời. Dầu
vậy mặc lòng, tờ Trung lập nầy cũng vẫn giữ cái thái độ thẳng như giây đờn mà
không hề núng. Ước gì bạn đồng nghiệp cũng nhứt tâm nhứt đức như chúng tôi,
trước sau giữ vững cái luận điệu cho quang minh chánh đại mà không thay đổi,
thì thật là một “tin lành” cho ngôn luận giới xứ ta.
TRUNG LẬP
Trung lập, Sài gòn, s.6281
(24.10.1930) ○
*Bài này rút từ Phan Khôi,
Tác phẩm đăng báo 1930 do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn. Nxb Hội
nhà văn, Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây, 2006. Bản điện tử xem tại đây.
[i] hồi đầu : ăn năn, bỏ chuyện cũ (theo Huỳnh
Tịnh Paulus Của, Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895-1896. Chú
thích của Lại Nguyên Ân.).