Le Monde
Phạm Trọng Tri dịch
Phóng viên Michel Lefebvre của Le Monde phỏng vấn hai sử gia Mĩ, Jane Burbank và Frederick Cooper, về
sự chìm nổi của các thực thể chính trị có tên Đế quốc (Empire).
Michel Lefebvre (Le Monde): Các ông đã làm việc rất lâu về các
đế quốc để viết cuốn Đế quốc, từ Trung
Hoa cổ đại cho tới ngày nay, do Payot ấn hành năm 2011[i].
Các ông có thể cho biết một đế quốc thường được hình thành như thế nào?
Frederick Cooper (F.C.): Quan hệ giữa các thực thể chính trị
ít khi đối xứng. Khi một nhóm xã hội này mạnh hơn một nhóm khác, điều này sẽ tạo
ra một trạng thái bất ổn có thể gây ra một tình trạng bất bình đẳng gia tăng về
chính trị. Sẽ có một vài cộng đồng có một số lợi thế so với các cộng đồng khác
về: sự gần gũi các huyết mạch thương mại, một khả năng sinh sản nhiều hơn một
chút hoặc một lãnh đạo quyến rũ. Họ bắt đầu tìm kiếm các đồng minh, thông qua
hôn nhân chẳng hạn, và như thế họ khởi sự một công cuộc mở rộng quyền lực. Nếu,
như hầu hết mọi nơi trên thế giới, đó là các xã hội đa nguyên, không chỉ chấp
nhận một nền văn hóa, người ta sẽ bắt tay vào việc tạo ra các cấu trúc đế quốc. Đó là các cấu trúc quyền lực có
tính bất đối xứng và bành trướng nhằm duy trì một sự phân biệt nào đó giữa các dân
tộc đã bị nhập vào trong hệ thống.
Le Monde: Trong cuốn sách có một so sánh có tính phát hiện về Trung
Hoa và La Mã. Các ông có thể cho biết tóm tắt các khác biệt giữa hai đế quốc này, một ở châu Á, một ở phương Tây?
Jane Burbank (J.B.): Có một thời điểm hết sức quan trọng
khi La Mã quyết định trao quyền công dân cho các thần dân không phải người La
Mã. Đó là sự kiện có tầm vóc lịch sử vĩ đại cho toàn bộ thế giới. Trung Hoa
chưa bao giờ làm điều đó vì nó được xây dựng trên những nguyên lý khác hẳn. Chủ
quyền là một thuộc tính của hoàng đế, kẻ cai trị thông qua sự trợ giúp của nhóm
cận thần. Và trong lịch sử đế quốc của Trung Hoa không có ý tưởng đó, ý tưởng mà chúng ta cho
là “phương Tây”, mở rộng quyền lực cho các công dân.
F.C.: Tuyên bố của Caracalla[ii] năm 212 đã mở rộng quyền
công dân cho tất cả mọi cá nhân tự do thuộc sự quản lý của đế quốc, không bao gồm nô lệ và phụ nữ. Trước
khi có tuyên bố này, vẫn có thể đạt được tư cách công dân nhưng khó khăn hơn.
Trong các vùng bị chinh phục, để trở thành công dân La Mã, các thần dân nơi đó
phải học tiếng La Tinh, hội nhập văn hóa La Mã và xây dựng quan hệ với giới chức
La Mã.
Le Monde: Như thế, Trung Hoa đã đi theo một con đường rất khác, vậy
điều gì là đặc biệt?
J.B.: Ở Trung Hoa, tham vọng đế quốc chưa bao giờ vắng bóng ngay cả lúc đất
nước không do một dòng tộc nào khống chế trong nhiều thế kỉ. Hoàng đế là người
đảm bảo hòa bình, định ra luật pháp, bảo đảm trật tự. Một nét đặc biệt khác ở
Trung Hoa là thiết chế quan liêu-hành chính (bureaucratie) được hình thành trước
rất lâu so với các nơi khác. Trở thành quan viên, nghĩa là thành người phục vụ
hoàng đế, đã là một tham vọng của giới tinh hoa. Nhưng đối với hoàng đế, hệ thống
hành chính là một phương tiện để kiểm soát quyền lực địa phương và để tạo ra giới
quí tộc. Người Trung Hoa đã sáng chế ra sự kiểm soát bằng hệ thống quan liêu, bởi
thế họ đã cai trị thành công các vùng đất rất trù phú trong thời gian dài.
Le Monde: La Mã, thông qua việc trao quyền công dân cho các dân tộc bị
chinh phục, đã sáng tạo ra một ý niệm về chủ quyền[iii] có tính đặc trưng cho
phương Tây; các đế quốc khác, từ Mông Cổ cho tới Abbasside[iv],
đã thu nhập nhiều dân tộc có các phong tục và tôn giáo khác nhau nhưng lại bằng
một cách khác…
J.B.: Chúng ta có thể nhớ đến một loạt
các đế quốc “Á-Âu” được xây dựng dựa trên các văn hóa cai trị của các nhóm người
du cư ở vùng hoang nguyên (Con đường Tơ lụa).
Đối với người Mông Cổ hoặc người Thổ của châu Á, hoàng đế là hoàng đế của tất cả
mọi người nhưng ông ta lại trao nhiều quyền cho giới tinh hoa địa phương và chấp
nhận các tôn giáo khác nhau. Tính đa dạng tạo nên sự vĩ đại cho hoàng đế. Ngay
cả khi đang thôn tính các đô thị ở trung Á, người Mông Cổ tránh đụng tới các
giáo sỹ địa phương và giới thợ. Đối với các nhà chinh phục Mông Cổ, những người
đó là những nhân vật hết sức hữu dụng. Còn khi đế quốc La Mã bị Cơ đốc hóa thì
tôn giáo lại trở thành một bộ phận của văn hóa đế quốc, gây khó khăn cho sự tồn
tại công khai của các tôn giáo khác. Nhưng dưới con mắt của người Mông Cổ, người
Nga, người Ottoman, sự đa dạng về dân tộc trong đế quốc là điều tự nhiên và có
lợi.
Le Monde: Đó cũng đúng với các đế quốc Omeyyade[v] và Abbasside?
F.C.: Các đế quốc Hồi giáo đã được sinh
ra bên cạnh các đế quốc khác, đế quốc Byzantin và đế quốc Ba Tư. Đầu tiên, họ
còn ở cách khá xa trung tâm quyền lực của các đại cường đó, điều này cho phép họ
củng cố quyền lực trước khi đối đầu với những đế quốc cổ xưa hơn và hùng mạnh
hơn họ trên phương diện quân sự. Thời kỳ lúc các caliphat[vi]
tự hình thành và phát triển sau khi Mahomet qua đời, ban đầu họ chỉ là một nhóm
tinh hoa rất giới hạn, hoàn toàn là người Ả Rập và tạo lập quanh một vài bộ tộc
trong vùng. Nhưng họ đã đạt được sự bành trướng rất nhanh và không phải quá vất
vả trong việc cải giáo các dân tộc bị chinh phục. Caliphat của Omeyyade đã sử dụng
một số cấu trúc của Byzantin để cai trị một số vùng trong đế quốc của mình.
Nhưng sau này, chính sách đó đã thay đổi do nhiều người tự cải sang Hồi giáo và
các caliphat đã triển khai nhiều phương thức cai trị phức tạp hơn. Khi caliphat
Omeyyade bị thay bằng caliphat của Abbasside vào năm 750 thì nảy sinh ra vấn đề
làm thế nào để cai quản được một cấu trúc quá rộng và quá đa dạng. Đầu tiên, họ
sử dụng người Ả Rập – những người thuộc dân tộc sáng lập đế quốc -, sau đó, với
thời gian và nhiều thành công, họ làm theo chiều ngược lại. Ví dụ, để có các nô
bộc trung thành, họ dùng những đàn ông trẻ tuổi không phải Ả Rập cũng không phải
Hồi giáo nhưng phải trở thành những người lệ thuộc hoàn toàn, bị cải thành Hồi
giáo và đào tạo thành các viên quản lý cho caliphat. Đó là một biến thể của giới
quan lại Trung Hoa, nhưng khác biệt ở chỗ con người có nguồn cội riêng biệt trước
đó trở thành lệ thuộc tuyệt đối vào caliphat.
Le Monde: Chúng ta vừa nói về các đế quốc Trung Hoa, La Mã và Hồi
giáo, chúng đã biến đổi ra sao, có buộc phải biến mất hay tự tái sinh không?
J.B.: Để tiếp tục tồn tại, các đế quốc đều
phải điều chỉnh các chính sách để đối phó với các thách thức mới. La Mã ban đầu
là một nước cộng hòa, sau đó là principat[vii]
và, với thời gian, đã trở thành một đế quốc Cơ đốc. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh,
đó là chính sách của đế quốc thường rất linh hoạt, rất năng động. Một đế quốc
có thể mất một phần lãnh thổ nhưng không để mất tất, đó là trường hợp đế quốc
Anh. Vào cuối thế kỉ XVIII, nó phải nhả các thuộc địa tại Bắc Mĩ nhưng vẫn giữ
được các sở hữu ở vùng Ca Ri Bê cho tới tận những năm 1960. Những nơi đó cho sản
lợi nhiều hơn các vùng ở Bắc Mĩ. Hơn nữa, Đại Anh quốc vẫn còn cả bán đảo Ấn Độ.
Le Monde: Nếu nhìn lại thế kỉ XVII, những đại cường nằm ở đâu?
J.B.: Thay vì xếp các đế quốc thành tiền
hiện đại hoặc hiện đại, chúng ta sẽ thấy thú vị hơn nếu tìm hiểu sự cạnh tranh
giữa các đế quốc qua chiều thời gian và không gian. Vào thế kỉ XVI, đầu tiên ta
có Đế quốc Ottoman[viii].
Kẻ thù chính của Charles Quint[ix] chính là Soliman Xa hoa[x].
Người Ottoman đã đoạt được một phần lớn Đế quốc La Mã và có một vị thế rất lớn
trong nền kinh tế toàn cầu lúc đó. Họ là những người quyền thế ở khu vực Địa
Trung Hải, ở một phần châu Âu và có nhiều lợi thế để hướng về phương Đông, đối
mặt với Trung Hoa - một nơi giàu có của thế giới. Người Ottoman đã biết nhiều
cách để cai quản các lãnh thổ của họ. Như chúng ta đã đề cập, họ biết biến nô lệ
thành các viên quản lý cao cấp. Đồng thời họ còn tạo ra một hệ thống hậu duệ
triều đại hết sức đặc biệt. Đó là những người được sinh ra chỉ từ hoàng đế với
các bạn tình không giá thú để tránh được các vấn đề liên đới tới các quyền lợi
hôn nhân trong giới quí tộc. Như vậy, vào thế kỉ XVI, chúng ta có các đế quốc
hùng mạnh Ottoman, Habsbourg[xi] và Trung Hoa thuộc nhà
Minh và sau đó là Thanh, hai triều đại đã thống nhất Trung Hoa.
Le Monde: Chúng ta đã đến từ bờ bên kia của Đại Tây Dương vào năm
1492. Các ông giải thích thế nào về việc Hoa Kì đã được sinh ra từ phong trào
chống chế độ thực dân Anh rồi chính họ lại trở thành một đế quốc thực dân?
F.C.: Hoa Kì đã hiện ra từ một cuộc nổi
loạn chống lại một đế quốc và cuộc cách mạng đó đã được hỗ trợ bởi một đế quốc
kẻ thù của Anh, đó là Pháp. Ở châu Mĩ lúc đó còn một đế quốc thứ ba rất mạnh,
đó là đế quốc Tây Ban Nha. Các nhà lập quốc Hoa Kì đã có ý thức rất sâu về các
rủi ro phải sống trong một thế giới gồm nhiều đế quốc hùng mạnh; đó chính là lý
do tại sao 13 thuộc địa đã quyết định không tạo thành 13 Nhà nước-dân tộc mà
cùng liên kết tạo thành một liên hiệp để có thể sống sót trong một không gian đầy
các đế quốc. Thomas Jefferson đã bảo vệ ý niệm “đế quốc tự do”. Nhưng ông chưa
bao giờ nghĩ tới sự tự do đó cũng dành cho người nô lệ và người bản địa Indien.
Đó là đế quốc tự do dành cho người Âu-Mĩ. Khái niệm đó có tính nền tảng đối với
họ. Người Mĩ, người Âu, người da trắng tự cho họ quyền bành trướng lãnh thổ của
họ, đó là cái chúng ta gọi là Định mệnh Khai
hóa (Manifest Destiny)[xii].
Le Monde: Chúng ta đang sống trong một hệ thống chính trị còn rất mới,
Nhà nước-dân tộc, trong khi các đế quốc đã có một lịch sử rất dài lâu. Một số đế
quốc cổ xưa đã có những phương cách chúng ta có thể gọi là các sách lược đế quốc.
Liệu các sách lược này có đe dọa các Nhà nước-dân tộc?
J.B.: Đã có những trường hợp khá rõ ràng,
như nước Nga. Đó là một ví dụ tốt cho thấy một đế quốc có những biến chuyển gây
mất hẳn một số nguyên tắc trong suốt thế kỉ XX. Đế quốc Nga, như nó tự xưng một
cách chính thức, đã bị thay thế bằng Liên Xô. Người cộng sản đã tìm được một
công thức để quản lý sự đa dạng về sắc tộc – thậm chí cả về dân tộc – bằng một
cách thức khá hiệu quả trong suốt 74 năm tồn tại của chế độ của họ thông qua việc
tạo ra một liên hiệp các dân tộc khác nhau. Chúng ta có thể thấy lại trong đế quốc
đó nguyên tắc cai trị của người Mông Cổ hoặc Á-Âu – tư duy thu nhận các dân tộc
khác nhau vào một thực thể chính trị minh thị thừa nhận tính chất tạp chủng.
Ngày nay, Nga vẫn còn là một liên bang và vẫn thành công trong việc tạo dựng một
thực thể chính trị với nhiều tôn giáo và nhiều dân tộc khác nhau. Liên bang Nga
hiện đang cố giành lại các lãnh thổ đã có ở “Đế quốc Xô Viết” cũ.
F.C.: Vấn đề dân tộc đã được đặt ra vào
thế kỉ XIX. Nhưng khái niệm này liệu đã có tính quyết định cho chính trị chưa? Thế
giới vẫn còn là thế giới của các đế quốc trong suốt thế kỉ XIX và ít nhất kéo
dài cho tới giữa thế kỉ XX. Khái niệm thế giới gồm các Nhà nước-dân tộc, trong
đó mỗi thành viên là một thực thể pháp lí tương đương với mỗi thành viên khác,
là một khái niệm khá mới. Vào đầu thế kỉ XX, toàn thế giới có chưa tới 10 đại
cường, tất cả đều có cấu trúc phức hợp và đa dạng, tất cả đều cạnh tranh với
nhau. Trong nội bộ nhiều đế quốc lớn còn có các kình địch về dân tộc tính.
Trong Đế quốc Áo-Hung, các kình địch đó ít nhiều đã được quản lí. Trong Đế quốc
Đức, thực thể được hình thành vào cuối thế kỉ XIX, còn có các vùng trực thuộc
nói tiếng Đan Mạch, Ba Lan, Pháp, Yiddish[xiii]
và gồm nhiều thuộc địa hải ngoại tại châu Phi, Đông Á, Thái Bình Dương. Đó là một
cấu trúc rất phức tạp. Đầu thế kỉ XIX, Đế quốc Ottoman bị suy yếu nhiều so với
trước mặc dù vẫn rất rộng lớn và nằm ở ngay vị trí chiến lược. Đế quốc Anh có
nhiều thuộc địa, nhiều vùng bảo hộ và các dominion[xiv]
được quản lí bằng phương cách rất khác, trong đó chính quyền Anh phải dùng giới
tinh hoa địa phương.
Thế chiến đầu tiên là cuộc chiến giữa các đế quốc, không phải
giữa các dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc đã lớn lên qua cuộc chiến này. Nhưng sự kết
thúc chiến tranh lại làm gia tăng quyền lực cho các đế quốc chiến thắng và phá
tan các đế quốc bại trận; sự tái định hình này đã gây ra bất ổn trong nội tại cựu
Đế quốc Áo và cựu Đế quốc Ottoman. Chính trong bối cảnh đó đã nảy ra một đế quốc
mới – Quốc xã (nazi). Với quan điểm phân biệt chủng tộc, nó bắt đầu gây chiến
chống lại các đế quốc khác, là Pháp, Anh, Xô Viết và Mĩ - những thực thể, rốt
cuộc, đã chiến thắng vì biết thu nhận các dân tộc thay vì tiêu diệt họ.
Le Monde: Một phương diện khác của đế quốc, đó là khái niệm chủ nghĩa đế quốc do John Hobson, nhà
nghiên cứu Anh, đề xuất, sau đó được Lê Nin dùng lại. Chủ nghĩa đế quốc về kinh
tế vận hành như thế nào?
F.C.: Khái niệm chủ nghĩa đế quốc thị trường
– là nhan đề của một bài báo, The
Imperialism of Free Trade (chủ nghĩa đế quốc của tự do thương mại) – đã được
hai sử gia, John Gallagher và Ronald Robinson, sử dụng cách đây hơn nửa thế kỉ.
Đối với họ, thời điểm quan trọng là đầu thế kỉ XX, khi Đại Anh quốc trở thành một
siêu cường kinh tế sau khi Napoléon thất thế và Đế quốc Tây Ban Nha bị tan rã ở
Nam Mĩ. Anh là nước duy nhất có năng lực hàng hải khống chế các đại dương. Ý tưởng
của các chiến lược gia Anh là thực hiện một loại soft power (quyền lực mềm) bằng cách đầu tư ra khắp thế giới. Nhưng
trong cấu trúc bất đối xứng này, chủ
nghĩa đế quốc tự do thương mại có thể rất nhanh chóng biến thành một dạng
thuộc địa hóa kinh điển. Trong một chừng mực, đó chính là những điều đã xảy ra
vào cuối thế kỉ XIX. Đầu tiên là sự thôn tính và chia chác châu Phi, tiếp theo
là Thế chiến thứ nhất. Chúng ta cần phải xem xét kĩ lưỡng hơn những thay đổi
trong các tương quan giữa kinh tế và quyền lực do chủ nghĩa đế quốc kinh tế, xuất
hiện vào cuối thế kỉ XIX, đã tạo ra.
Sau Thế chiến hai, sau thất bại của Đức và Nhật, cùng với sự
bất lực của Pháp và Liên hiệp Vương quốc Anh trong việc duy trì sức mạnh quân sự
và kinh tế và, cuối cùng, với sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa, người ta đã
có thể nghĩ đến một nguyên tắc dựa trên sự bình đẳng giữa các Nhà nước có chủ
quyền được điều chỉnh thông qua các mối quan hệ thị trường xuyên quốc gia. Đó
là một viễn tưởng không tương thích với hiện thực. Hiện thực là chúng ta đang sống
trong một thế giới bất bình đẳng. Chúng ta đang sống trong một thế giới trong
đó có những thực thể mạnh nhất vẫn khát khao mạnh hơn. Đó là những gì Hợp Chúng
Quốc đang thực hiện bằng các phương tiện kinh tế, văn hóa và quân sự. Đó là những
gì đang diễn ra từ Trung Hoa, quốc gia đã thành một quyền lực kinh tế và cũng
là nước có năng lực đế quốc thông qua kinh nghiệm đế quốc của riêng nó trong
hai nghìn năm với các kỹ năng hành chính. Hiện nay còn có mối hi vọng phục dựng
một thực thể chính trị Hồi giáo, do người theo đạo Hồi ý thức được việc họ đã mất
quá nhiều, nhất là sau khi Đế quốc Ottoman sụp đổ. Đó là nơi xuất phát của ý tưởng
về một caliphat mới hoặc một Tân Ottoman bên bờ Đông Địa Trung Hải. Tại châu
Âu, người ta cũng đang hi vọng về một sức mạnh mới. Không phải Tân Đế quốc La
Mã, mà là một cấu trúc liên bang bao gồm sự hiện tồn của tất cả mọi Nhà nước
thành viên của Liên hiệp châu Âu với một chính sách mới vượt hẳn trên các Nhà
nước. Đó là một giải pháp phi đế quốc, phi quốc gia.
Le Monde: Các ông muốn nói rằng các đế quốc không bao giờ chết?
J.B.: Thật sự không có câu trả lời cho vấn
đề cáo chung của đế quốc. Người ta có thể đã nhiều lần cho rằng đế quốc đã chết
trong lịch sử Trung Hoa nhưng rồi ngày hôm nay nó đang quay lại một cách ấn tượng
sau một thời kỳ suy yếu. Lịch sử quan tâm đến khoảng thời gian dài. Có thể là ý
tưởng Nhà nước-dân tộc sẽ bị thay thế bằng những thực thể chính trị khác phức tạp
hơn, lấy tên hoặc không lấy tên đế quốc.
Chúng ta cũng nên nhớ rằng từ này trong nửa đầu thế kỉ XX mang một nghĩa tích cực.
Chúng tôi đang sống ở tiểu Bang New York và cái tên gốc của nó là Nhà nước (tiểu
bang) Đế quốc (Empire State), tên này có từ thế kỉ XVIII. Tòa nhà chọc trời
Empire State Building được xây dựng vào khoảng năm 1931, là thời kỳ từ đế quốc
vẫn còn dùng để biểu tỏ tầm quan trọng và sức mạnh của New York. Nhớ tiếc đế quốc
không ích gì nhưng cần phải chú ý tới sự phức tạp trong những biến hóa của
chính trị, những điều đã tạo nên hiện thực hôm nay. Sự phân chia quyền lực trên
thế giới rất bất bình đẳng và sự bất bình đẳng trong nội tại mỗi quốc gia và giữa
các quốc gia với nhau vẫn còn rất lớn. ⃝
Nguồn: Pour durer, les
empires doivent transformer leur politique, Le Monde bản giấy, số đặc biệt,
tháng 10-12/2015.
(Các chú thích là của người dịch)
[i]
Bản đang nói là bản dịch tiếng Pháp. Nguyên bản Anh ngữ: Jane Burbank,
Frederick Cooper, Empires in World History: Power and the Politics of
Difference. Princeton: Princeton
University Press, 2010. (Jane Burbank là Giáo sư về lịch sử Nga tại Đại
học New York, các nghiên cứu mới nhất tập trung vào pháp luật và chủ quyền;
Frederick Cooper là Giáo sư lịch sử tại Đại học New York, chuyên nghành sử châu
Phi thế kỷ XX, quan tâm nhiều về các vấn đề lao động, thực dân luận, quá trình
giải thực dân và tư cách công dân.)
[ii]
Biệt danh nổi tiếng của Hoàng đế La Mã Marcus
Aurelius Severus Antoninus Augustus (188 –217), trị vì trong thời gian 198-217.
[iii]
Chủ quyền của nhân dân (populaire souveraineté), không chỉ vua-hoàng đế mới có
uy lực, tiếng nói về quốc gia-đế quốc.
[iv]
Đế quốc Hồi giáo của người Ả Rập do Abu al-Abbas Abd Allah sáng lập, tồn tại
trong khoảng 750-1258 với trung tâm quyền lực nằm tại khu vực thuộc Iraq hiện
nay.
[v]
Đế quốc Hồi giáo của người Ả Rập, có trung tâm nằm tại Damas (thủ đô hiện nay của
Syrie) từ năm 661-750.
[vi]
Thủ lĩnh Hồi giáo được cho hoặc tự cho là người nối nghiệp giáo chủ Mahomet.
[vii]
Chế độ chính trị của La Mã sau khi thể chế cộng
hòa bị Julius Caesar xóa bỏ. Chế độ này tồn tại trong hai thế kỷ đầu tiên của
Đế quốc La Mã, đặc trưng bằng sự cầm quyền của các hoàng tử, được gọi là người công dân thứ nhất, với các thiết
chế cộng hòa được khôi phục về mặt hình thức.
[viii]
Đế quốc do người Thổ sáng lập, kéo dài hơn 600 năm, từ thế kỷ XV cho tới năm
1922. Thời kỳ cực thịnh trong thế kỷ XV, XVI, Đế quốc Ottoman có lãnh thổ bao
trải trên ba châu lục, Âu, Á, Phi.
[ix]
(1500-1558), một trong những người có quyền lực nhất tại châu Âu trong thế kỷ
XVI, cai trị Hà Lan, trị vì Đế quốc Tây Ban Nha và Đế quốc La Mã Thần thánh.
[x] (c.1494-1566) Hoàng đế Thổ thứ mười của Đế quốc
Ottoman, trị vì trong khoảng 1520-1566.
[xi]
Một dòng họ hoàng gia tại châu Âu nổi tiếng vì có rất nhiều người làm hoàng đế
hoặc vua ở nhiều vùng châu Âu suốt từ thế kỷ XV – XVIII.
[xii]
Manifest Destiny là thuật ngữ chỉ
quan điểm có tính ý thức hệ (ideology) xuất hiện tại Hoa Kì vào giữa thế kỷ
XIX, cho rằng người dân Hoa Kì có sứ mệnh và bổn phận truyền bá dân chủ và văn
minh sang khắp lục địa Bắc Mĩ bằng việc xâm lấn, mở rộng lãnh thổ thêm sang
phía Tây.
[xiii]
Là một ngôn ngữ của một tộc người Do thái sống ở vùng Trung và Đông Âu, có sự
pha trộn giữa các phương ngữ Đức trung cổ và một số tiếng châu Âu, Do Thái cổ
khác.
[xiv]
Các quốc gia (vùng đất) tự trị nhưng vẫn thừa nhận quyền lực của Hoàng gia Anh.