Hội nghị tiếp tục bàn luận về đề xuất do Ủy ban Ưu tú đưa ra về cách thức đại diện của các bang trong cơ quan lập pháp quốc gia (quốc hội). Theo đó quốc hội gồm hai viện. Sự đại diện của các bang trong một viện dựa trên số dân. Theo đó mỗi bang sẽ có 01 đại diện cho mỗi 40.000 dân. Sự đại diện của các bang trong viện kia là như nhau cho tất cả các bang. Tranh cãi giữa các bang lớn và nhỏ về vấn đề này đã diễn ra suốt mấy tuần lễ.
Các bang nhỏ đã thực sự lo rằng họ sẽ mất quyền vào tay các bang lớn trong chính quyền trung ương. Các bang nhỏ nhiều lần đã đe dọa từ bỏ Hội nghị để phản đối đề xuất đó.
William Paterson của New Jersey , một bang nhỏ, đã phát biểu:”Một số quí vị đại biểu đã cho biết là nếu các bang nhỏ không đồng ý với kế hoạch đó thì các bang lớn sẽ tự thành lập một liên hiệp với nhau. Được, hãy để họ tự liên hiệp với nhau nếu họ muôn! Họ không thể cưỡng bức người khác làm việc đó.”
Benjamin Franklin của Pennsylvania , một người có tuổi và ốm yếu, đang ngồi yên lặng ghi chép cuộc tranh luận, bỗng hỏi mọi người có thể để ông phát biểu được không. Sau đó Franklin đã nhờ James Wilson, cũng đến từ Pennsylvania , đọc hộ ý kiến của ông: “Tại sao các bang nhỏ lại nghĩ rằng họ sẽ bị nuốt chửng nếu các bang lớn có nhiều đại diện hơn trong Quốc hội? Chả có lý do nào cho nỗi sợ đó cả. Các bang lớn sẽ chả có lợi gì nếu nuốt chửng các bang nhỏ. Họ biết điều đó. Và tôi cũng thế, tôi tin là họ sẽ không cố làm điều đó đâu.”
Các đại biểu mãi vẫn không thể nhất trí về vấn đề đại diện trong quốc hội. Sau đó họ chuyển qua các phần khác.
Về việc đặt tên cho hai viện của quốc hội. Các đại biểu đưa ra nhiều cái tên khác nhau. Nhưng phần lớn lúc đó chỉ gọi một cách đơn giản là “nghành thứ nhất” và “nghành thứ hai”. Mãi sau này hai viện mới được gọi là the House of Representatives (Hạ Viện) và the Senate (Thượng Viện).
Hai câu hỏi tiếp theo là: ai sẽ được bầu vào Hạ Viện và Thượng Viện? Và ai sẽ bầu ra họ?
Các đại biểu không mất nhiều thời gian để trả lời cho câu hỏi đầu. Tất cả đồng ý là thành viên của Hạ Viện sẽ phải có ít nhất 25 tuổi đời, phải là công dân Mỹ được 07 năm. Và vào lúc bầu cử, họ phải đang sống tại bang ứng cử.
Thành viên của Thượng Viện phải có ít nhất 30 tuổi đời, phải là công dân Mỹ được 09 năm. Và vào lúc bầu cử, họ phải đang sống tại bang ứng cử.
Nhiệm kỳ của những nhà lập pháp quốc gia (đại biểu quốc hội-ND) kéo dài bao lâu? Roger Sherman của Connecticut cho rằng thành viên của Hạ Viện nên bầu lại hàng năm. Elbridge Gerry của Massachusetts đồng ý với ý kiến này. Ông ta nghĩ rằng nhiệm kỳ dài hơn sẽ dẫn đến độc tài.
James Madison của Virginia phản đối: “Chỉ mỗi việc đi lại giữa các bang và chính quyền trung ương các nhà lập pháp sẽ phải mất gần 01 năm rồi!“ . Madison đề nghị nhiệm kỳ 03 năm. Cuối cùng các đại biểu đồng ý nhiệm kỳ là 02 năm.
Có nhiều ý kiến khác nhau về nhiệm kỳ của thượng nghị sỹ. Một vài đại biểu cho rằng thượng nghị sỹ nên có nhiệm kỳ hết đời. Cuối cùng Hội nghị đồng ý nhiệm kỳ 06 năm cho các thượng nghị sỹ.
Tiếp theo là câu hỏi về lương của các đại biểu quốc hội. Họ nên được nhận lương bao nhiêu? Hoặc họ có nên được trả lương không?
Một số đại biểu cho rằng các bang nên trả lương cho đại diện của họ trong quốc hội. Những người khác lại cho rằng quốc hội nên tự quyết định trả lương từ ngân quĩ quốc gia.
James Madison cho rằng ý kiến đó rất kỳ cục. Ông cho rằng số tiền lương phải do Hiến pháp qui định. Một lần nữa Madison lại thua cuộc. Cuối cùng Hiến pháp qui định rằng các nhà lập pháp sẽ được trả lương cho sự phục vụ của họ và số tiền này được lấy từ ngân quĩ quốc gia.
Vấn đề liên quan đến việc ai sẽ bầu ra các đại biểu quốc hội đã nêu ra một đề tài thú vị, liên quan đến thiết chế dân chủ. Vào năm 1787, từ “Dân chủ” chỉ những điều rất khác với nghĩa của nó của ngày hôm nay. Đối với nhiều đại biểu trong Hội nghị, “Dân chủ” có nghĩa là sự cai trị của đám dân chúng tầm thường, ít hiểu biết. Việc trao quyền lực cho dân chúng như thế sẽ là lời mời gọi cho tình trạng hỗn loạn.
Roger Sherman tuyên bố:”Dân chúng nên liên đới tới chính quyền càng ít càng tốt.” Còn Elbridge Gerry lại nói “Những tồi tệ mà chúng ta đang thấy đều xuất phát từ việc có quá nhiều dân chủ.”
Với những phát biểu như thế, mọi người có thể hiểu được tại sao các tranh luận thường rất gay gắt đối với các đề xuất để cho dân chúng bầu ra các đại biểu quốc hội.
George Mason của Virginia ủng hộ việc dân chúng tham gia bầu cử. “Người dân sẽ có đại diện của họ do đó họ sẽ phải là người chọn ra các đại diện đó.” James cũng đồng ý như thế:”Tôi muốn thấy quyền lực của chính phủ được đến ngay từ nguồn lực hợp pháp của sức mạnh đó, sức mạnh của nhân dân.”
James Madison khẳng định chắc chắn là người dân phải là người bầu ra ít nhất một viện của quốc hội. Theo ông, đó là điều kiện cơ bản để có một chính quyền tự do. Đa số trong Hội nghị đều đồng ý với Mason, Wilson và Madison . Cuối cùng các đại biểu đồng ý các thành viên của Hạ Viện sẽ do dân bầu trực tiếp.
Hội nghị tiếp tục xem xét cách thức chọn ra các thượng nghị sỹ. Có 04 ý kiến được nêu ra. Do Hạ Viện, do tổng thống, do cơ quan lập pháp tại các bang hoặc do chính dân bầu. Các tranh luận đồng ý và phản đối đều giống như trong việc định ra cách lựa chọn các hạ nghị sỹ.
Cuối cùng, đa số các đại biểu đã đồng ý để cơ quan lập pháp tại các bang bầu ra các thượng nghị sỹ trong quốc hội. Điều này cũng được ghi vào Hiến pháp và cách thức bầu này đã được duy trì trong hơn 100 năm. Tới năm 1913, các bang đã thông qua Tu chính thứ 17 của Hiến pháp, cho phép dân bầu trực tiếp các thượng nghị sỹ.
Sau cùng là lúc Hội nghị phải đối mặt với vấn đề đại diện trong Hạ Viện và Thượng Viện. Các bang lớn thì muốn đại diện dựa trên số dân còn các bang nhỏ lại muốn đại diện bình đẳng như nhau.
Các đại biểu đã bỏ phiếu rất nhiều lần cho vấn đề này ngay từ khi Hội nghị bắt đầu. Nhưng cả hai quan điểm đều không thay đổi. Đến lúc này họ biết rằng không thể tiếp tục để bỏ phiếu mãi được.
Ngày 05 tháng Bảy, Ủy ban Ưu tú đã trình ra một thỏa hiệp gồm hai phần dựa trên ý tưởng của Roger Sherman. Thỏa hiệp mang lại lợi ích cho cả bang lớn và bang nhỏ. Thỏa hiệp đưa ra đề nghị đại diện trong Hạ Viện dựa trên số dân còn đại diện trong Thượng Viện thì bình đẳng như nhau.
Ủy ban đề nghị cả hai phần của thỏa hiệp buộc phải được cùng đồng ý hoặc cùng bị bác bỏ. Ngày 16 tháng Bảy, Hội nghị đã tổ chức bỏ phiếu lần cuối cùng. Và thỏa hiệp đã được thông qua, với tên gọi Đại Thỏa hiệp[2].
Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 05/2009
(Nguồn: program #22 of THE MAKING OF A NATION
[1] Hội nghị lập Hiến của Mỹ diễn ra từ ngày 25/05/1787 đến ngày 17/09/1787 tại Philadelphia . Hội nghị bàn nhiều vấn đề về xây dựng một mô hình mới cho chính quyền liên bang Mỹ sau 11 năm tuyên bố Độc lập khỏi sự đô hộ của Anh quốc (ND).
[2] Hạ Viện hiện nay gồm 435 thành viên (hạ nghị sỹ) với nhiệm kỳ 02 năm. Thượng Viện hiện có 100 thành viên (Thượng nghị sỹ, chia đều cho 50 bang), nhiệm kỳ 06 năm, nhưng cứ 02 năm có 1/3 số Thượng nghị sỹ được bầu lại.(ND)