Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

Bauxite đang thử thách lãnh đạo


Có thể những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có những lý do riêng không dễ thổ lộ với dân chúng khi phải đồng ý cho đối tác Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác Bauxite. Nhưng sự đồng ý đó đang ngày càng chứng tỏ là một sai lầm lớn.

Chưa bao giờ một dự án đã được lãnh đạo chính phủ tuyên bố là một «chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước » như dự án khai thác Bauxite tại Tây nguyên lại vấp phải sự bức xúc và phản đối ngày càng gia tăng từ nhiều tầng lớp dân chúng, đặc biệt là giới trí thức, các cụ lão thành cộng sản và đồng bào Công giáo. Tuyệt đại đa số các trí thức, chuyên gia quân sự, an ninh và giới chuyên môn đã lên tiếng đều chứng minh và ủng hộ cho việc cần phải dừng dự án khai thác Bauxite đang triển khai tại Tây Nguyên.

Lịch sử đất nước rất nhiều lần phải ngậm ngùi nhìn chân lý thuộc về thiểu số cô đơn. Nhưng trong vấn đề Bauxite hiện nay, chân lý đang thuộc về đa số. Chỉ với trí tuệ đại chúng cũng có thể thấy quyết định cho khai thác Bauxite tại Tây nguyên hiện nay là hết sức mạo hiểm. Nếu Tây nguyên đã được ví là «nóc nhà » của Đông Dương (với ý nghĩa che chở và kiểm soát) thì các hồ chứa bùn đỏ độc tính, sẽ có trong nay mai trên Tây nguyên khi công nghệ «ướt» khai thác Bauxite được triển khai, có thể được ví như những quả «bom nguyên tử». Người bình thường không bao giờ làm tổn hại đến nóc nhà của mình và đặt lên đó những quả bom nguyên tử ghê rợn. Người bình thường càng không thể để những kẻ đang lấn chiếm đất đai của mình vào bám trụ trên nóc nhà mình.

Có thể có những người vì lợi ích cá nhân hoặc cục bộ vẫn đang ủng hộ việc triển khai các dự án Bauxite Tây nguyên. Nhưng những người giữ cương vị lãnh đạo quốc gia (Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay), khó có thể không nhận thấy việc khai thác Bauxite Tây nguyên hiện nay sẽ gây hại nhiều hơn lợi cho đất nước, trong đó có cả những đại họa cho sinh mệnh của cả dân tộc. Không có lãnh đạo quốc gia nào có thể yên tâm khi người ngoại bang thiếu thành thực và đầy ác ý đặt được các cơ sở kiên cố tại các địa thế quốc gia chiến lược.

Có thể có lãnh đạo trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã quên mất những cảnh báo của lớp cha anh về nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc[1]. Nhưng các sự kiện ngư dân Việt Nam bị xua đuổi và bị bắn chết ngay tại biển nhà, nhiều hợp tác dầu khí tại biển Đông bị tan vỡ, lãnh thổ, hải đảo của Tổ Quốc vẫn đang bị người Trung Quốc chiếm giữ và xâm lấn thì không ai là người Việt Nam còn sống có thể quên được. Dưới góc độ lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân có thể hiểu được lý do trong việc chính quyền hạn chế sự hiện diện của người Mỹ trên Tây Nguyên. Nhưng dưới góc độ lợi ích dân tộc, không ai có thể tìm được lý do chính đáng để biện minh cho việc chính quyền buông lỏng để người Trung Quốc tràn vào Tây Nguyên. Như thế, rất có thể những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải chịu một áp lực không nhỏ từ bên ngoài khi thông báo dự án khai thác Bauxite Tây nguyên (có sự tham gia của Trung Quốc) đã là một « chủ trương lớn » « nhất quán » ngay từ Đại hội IX. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ để cho dân biết «chủ trương lớn» đó sau khi đã được triển khai và sau gần 2 nhiệm kỳ của Đảng cũng thể hiện phần nào sự đắn đo, lo ngại dư luận của những người ra quyết định.

Người dân thường khó có thể hiểu hết những rắc rối, áp lực đang đè lên những người đang nắm giữ quyền lực quốc gia. Nhưng người dân, với hướng đạo của giới trí thức, có thể làm điểm tựa chắc chắn cho lãnh đạo quốc gia giữ vững được ý chí độc lập, tinh thần ái quốc trước mọi áp lực đến từ bên ngoài. Việc Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25 tháng Tư mới đây ra kết luận theo xu hướng gần lại với lợi ích dân tộc sau khi một loạt các trí thức danh tiếng đồng ký tên vào một Kiến nghị Bauxite là một ví dụ minh họa tích cực. Chắc chắn áp lực từ bên ngoài sẽ gia tăng lên các lãnh đạo quốc gia Việt Nam và những nhân tố đối kháng tại bên trong cũng sẽ trỗi dậy để thúc dự án Bauxite phải tiếp tục đi theo «chủ trương lớn». Nhưng điều rõ ràng là ngay phía sau Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện một sức mạnh tổng hợp sẵn sàng hậu thuẫn cho người lãnh đạo có quyết định sáng suốt. Truyền thống nhân văn lâu đời «người trong một nước phải thương nhau cùng » của người Việt chắc sẽ càng làm cho mọi người dân thấu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh mệnh những lãnh đạo quốc gia ái quốc vào lúc nguy cấp của dân tộc.

Vì vậy Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đang đứng trước một thử thách lịch sử. Thời gian tới, dù Bộ Chính trị sẽ đi đến quyết định như thế nào về dự án Bauxite Tây nguyên, cho dừng hay cho tiếp tục, và bằng cách nào, tự ra quyết định hay thông qua Quốc hội, dự án Bauxite Tây nguyên cũng sẽ là một phép thử cho thấy lãnh đạo nào của Đảng Cộng sản Việt Nam còn đứng với Tổ Quốc và đại biểu nào trong Quốc hội Việt Nam còn đứng về nhân dân. Ủng hộ chân lý, bảo vệ Tổ Quốc không bao giờ là việc quá muộn.

Phạm Hồng Sơn
30/04/2009


[1] - “…Nhưng trong thực tế, thái độ của phía Trung Quốc lại trái ngược hẳn. Thi hành chính sách bành trướng đại dân tộc và học đòi thái độ hống hách đè nén các dân tộc, các nước láng giềng của các triều đại phong kiến trước đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh trong nhiều năm nay đã gây ra bao nhiêu vụ khiêu khích biên giới, lấn chiếm đất đai của Việt Nam, phá hoại các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1974 và năm 1977-1978…”, Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, tr.03, Nxb Sự Thật, Hà nội, 1979.
- «...Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược đã lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như những người lãnh đạo Trung Quốc. », Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, tr.03, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1979.