Cách đây chưa đến 20 năm những người đi chợ thường khổ sở về chuyện cân đo hàng hóa khi mua bán. Hàng hóa khan hiếm làm tăng thói « buôn gian bán lận », « cửa quyền », « hống hách » của người bán hàng. Những gian thương thường sử dụng những chiếc cân sai lệch (không đúng tiêu chuẩn đo lường và dĩ nhiên phải có lợi cho người bán) hoặc dùng những thủ thuật làm lệch cân khi cân hàng hóa để kiếm lợi bất chính. Gian thương có những cách cân như thế cũng thường là những người giỏi nài gọi, chèo kéo khách và luôn kèm thói dọa nạt, cưỡng ép những khách đã chót sa chân. Gian thương không bao giờ để cho khách kiểm tra cân hay tự cân lấy. Nhiều khách hàng biết là bị lừa nhưng trước sự bặm trợn, ầm ĩ, phiền phức giữa chợ, cũng đành chậc lưỡi mua « cho xong chuyện » với ý nghĩ sẽ « cạch đến già ». Nhưng cũng có những khách hàng không chấp nhận bị lừa và quyết « chống trả ». Gặp phải những người « đáo để » như thế, những gian thương thường cũng biết « tìm đường rút lui », để giành công sức cho những « con gà » khác dễ « xơi » hơn. Nhưng cũng có trường hợp dẫn đến xô xát và nghe nói có cả án mạng chỉ vì chuyện không « thuận mua, vừa bán ». Tuy nhiên, trong bối cảnh « gạo châu củi quế » như thế, vẫn có những người (tất nhiên không thể nhiều) buôn bán lương thiện, quyết lấy chữ tín làm lãi. Những người thiện thương luôn dùng những chiếc cân đúng tiêu chuẩn (quốc gia hoặc quốc tế), sẵn lòng chiều khách trong việc cân đo hàng hóa và luôn vui vẻ để khách tùy ý quyết định. Những cửa hàng như thế thường lặng lẽ nhưng tấp nập, lời mời chào (nếu có) luôn nhã nhặn, ôn tồn và tuyệt không có lời chèo kéo hay to tiếng.
Việc cân đo hàng hóa (những vật có thể sờ mó được) còn tế nhị và nan giải đến thế thì việc cân đo công lý - phán xét đúng-sai, thật-giả, chắc chắn càng không đơn giản hơn. Chưa chắc chiếc cân công lý đã được đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Chưa chắc những người cầm cán cân công lý đã là người tôn trọng sự thật. Nhất là trong hiện trạng công lý đã khan hiếm đến độ có cả dịch vụ « chạy án » thì việc tìm được công lý sẽ phải khó khăn gấp bội. Những nài gọi, chèo kéo, tán tụng, bặm trợn cho thứ « công lý » rởm luôn huyên náo, ồn ào trong xã hội cũng là điều chẳng lạ. Nhưng Công lý đâu cần nhiều đến ngôn từ. Biểu tượng nhân cách hóa của Công lý (theo triết lý phương Tây) là một nữ thần bị bịt mắt, nét mặt bình thản, miệng khép, với một bàn tay giơ lên chiếc cân có hai đĩa ngang bằng và bàn tay kia nắm đốc kiếm. Trong các định chế tư pháp ở Việt Nam như tòa án, bộ tư pháp hay hội luật gia cũng thấy thấp thoáng hình chiếc cân hai đĩa ngang bằng. Nhưng tịnh không thấy bất kỳ dấu hiệu hay biểu tượng nào cho âm thanh phán xét, sự hả hê hay hằn học của Công lý. Khi chiếc cân là chuẩn và người cầm cân là công tâm (bịt mắt) và nghiêm cẩn (tay nắm đốc kiếm) thì chỉ cần giơ chiếc cân cho « bách gia trăm họ » « mục sở thị » là đủ biết bên nào nặng bên nào nhẹ, bên nào đúng bên nào sai, đâu là sự thật đâu là giả dối. Còn khi cân đã không chuẩn và người cầm cân chỉ là đệ tử của phường danh lợi thì mọi lời tán dương kẻ cầm cân hay bài bác nạn nhân, có dụng công đến mấy, cũng chỉ làm cho sự gian trá thêm phần lố bịch. Huống hồ khi chưa ai được quyền phán quyết mà các màn phụ họa tán dương và bài bác đã ầm ĩ thì thật khôi hài.
Một nhà nước biết tôn trọng pháp luật không bao giờ hằn học khi bất lực với nghi can và càng không bao giờ tỏ vẻ hả hê khi có được lời thú tội. Nếu không chứng minh được nghi can có tội có nghĩa là đã có một công dân chắc chắn biết tuân thủ pháp luật. Còn nếu chứng minh được nghi can có tội có nghĩa là hệ thống pháp luật đã bị coi thường. Vậy tại sao phải hằn học khi pháp luật được tuân thủ và hả hê khi pháp luật bị coi thường? Và ngay lời thú tội của nghi can (nếu là sự thật) cũng không có giá trị quyết định cho việc kết tội . Một nhà nước biết yêu quí công lý chỉ nên chú tâm để đảm bảo có một cán cân công lý hợp chuẩn quốc tế (hệ thống pháp luật minh bạch, phù hợp với các công ước, thông lệ có tính phổ quát toàn cầu) và đảm bảo có những người cầm cán cân công lý thật công tâm (không bị ảnh hưởng, chi phối bởi quan điểm chính trị, phe nhóm lợi ích, tôn giáo hay sắc tộc) và nghiêm cẩn (nguyện bảo vệ hiến pháp và pháp luật đến cùng). Một nhà nước quang minh, chính đáng không cần những màn phô diễn, chèo kéo ầm ĩ chỉ để chứng tỏ công lý thuộc về mình. Và cả khi muốn cứu lại sự chính đáng đã mất cũng không nên làm như thế. Nên để việc đó cho chiếc cân công lý. Nhưng xin nhớ Công lý không bao giờ liên quan tới đổi chác hay mua bán.
Phạm Hồng Sơn
23/08/2009