Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Luật sư TRẦN LÂM

                                                            

Phạm Đình Trọng

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra khi anh thanh niên Trịnh Đình Tráng, sau này là luật sư Trần Lâm, vừa tròn hai mươi tuổi và anh đã mang cả tri thức và nhiệt huyết của tuổi hai mươi được học hành chu đáo đi với cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc. Với vốn tri thức khá cao còn hiếm hoi lúc đó, với lí tưởng cách mạng thuở ban đầu tinh khôi, trong sáng, với nỗ lực học hỏi, rèn luyện của bản thân, anh trở thành nhà lí luận cách mạng cộng sản, đảm nhiệm nhiều trọng trách của đảng Cộng sản: Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh ủy, Hiệu trưởng trường đảng tỉnh.

Luật sư Trần Lâm năm 2008
Photo:PHS
Trên con đường gập ghềnh gian nan của cuộc cách mạng nhiều cam go, trắc trở giành chính quyền và cuộc chiến tranh khốc liệt giữ chính quyền, nhà cách mạng Trịnh Đình Tráng của đảng Cộng sản Việt Nam trở thành luật sư Trần Lâm đảm trách Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao của Nhà nước Cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng với vốn tri thức, với lí tưởng cách mạng trong sáng tinh khôi, với sự mẫn cảm của một lương tâm và với kiến thức pháp luật của nhân loại đã tích lũy được, luật sư Trần Lâm đã là một trong số rất ít những người Cộng sản ở cấp cao có đủ trí tuệ và lương tâm để đau xót nhận ra rằng người dân Việt Nam đã phải đổ máu hi sinh nhiều thế hệ trong cuộc chiến đấu lâu dài giành độc lập lại phải đón nhận một thể chế mang danh dân chủ nhưng thực chất lại là một thể chế đảng trị, chuyên chính khắc nghiệt với dân, một dân tộc đã thoát khỏi thân phận nô lệ, lại bị cai trị bởi một Nhà nước mang danh của dân, do dân, vì dân nhưng thực tế lại là một Nhà nước độc tài, chỉ có dân chủ hình thức, còn thực chất dân không có cả những quyền dân chủ cơ bản, tối thiểu mà ở thân phận nô lệ dưới sự đô hộ của thực dân Pháp người dân còn được hưởng.

Điềm tĩnh, ôn hòa và khúc triết, luật sư Trần Lâm đã bền bỉ lên tiếng chỉ ra sự khốn cùng của xã hội thiếu dân chủ. Trong bài Sự Thay Đổi Đã Đến Gần, trí tuệ và lương tâm Trần Lâm viết:

“Nguyên nhân sự sa sút quá đáng của văn hóa, tư tưởng có phải là kết quả sự lãnh đạo của Đảng: Mọi việc phải theo ý lãnh đạo, một hình thức toàn trị về tinh thần, tư tưởng. Nó thui chột mọi sáng tạo cá nhân. Trước đây còn lờ mờ, nay đã lộ rõ.”

Chỉ ra nguyên nhân sâu xa của sự khốn cùng, lương tâm, trí tuệ Trần Lâm còn chỉ ra hiện trạng khốn cùng diễn ra hàng ngày trong xã hội Việt Nam hôm nay:

“Gần đây việc dùng bạo lực tràn lan: bắt bớ, giam cầm, xét xử các nhà dân chủ, với các tội gán ghép; xô xát, đàn áp giáo dân, phật tử, tu sĩ; bịt miệng, mạt sát các trí thức, bắt bớ, xét xử các nhà báo… Có nghĩa là đánh tất cả. Không hiểu nhà nước, Đảng dựa vào ai để tồn tại? Hay là như người ta nói: khi sắp tan rã thường một chính quyền tăng cường đàn áp?

Dựa vào công an để tồn tại? Không được, vì một khi trong Bộ chính trị đang có sự chia rẽ thì Công an nghe ai? Công an thi hành các mệnh lệnh đơn lẻ thì được, nhưng đại cục, lúc có biến động lớn thì không thể tin được. Nhân dân biểu tình, ngực đeo biển “Tôi là nhân dân”, tay họ cầm hoa… Liệu những người cầm súng có chúc mũi xuống đất như ta đã thấy khi bức tường Berlin bị rỡ bỏ không?

Dựa vào Trung Quốc để tồn tại? Tôi chưa hiểu dựa như thế nào, không biết kịch bản Trung Quốc cứu sự đổ vỡ của Đảng và chính quyền Việt Nam ra sao. Tôi chỉ thấy con đường duy nhất: tồn tại trong thân phận tôi đòi cho Trung Quốc. Không thể nói là tồn tại mà phải nói là đã bán đứt linh hồn cho quỷ sứ.”

Lương tâm và trí tuệ Trần Lâm cảnh báo những kẻ đã và đang rắp tâm bán linh hồn cho quỷ:

“Xét trong phạm vi thế giới, cái hoạ Trung Quốc coi như cái hoạ toàn cầu, thiên hạ đã dứt khoát như thế.

Xét trong phạm vi trong nước, nếu một lòng để Trung Quốc sai khiến thì coi như mất nước; mất một lúc cả độc lập, tự do, hạnh phúc. Có nghĩa là ta một lúc gạt bỏ lịch sử 4000 năm. Hậu quả là sẽ có biến động, bạo động, ly khai, nổi loạn ở trong nước… Đó là chắc chắn. Không cần biện luận. Đừng hòng có ai sống yên thân.”

Lương tâm và trí tuệ Trần Lâm chỉ ra rằng chỉ có những kẻ vì quyền lợi ích kỉ mà tước đoạt dân chủ của nhân dân để mặc sức tham nhũng và dấm dúi bán linh hồn cho quỷ. Chỉ có dân chủ mới phát huy và tập hợp được sức mạnh dân tộc để giữ nước trước sự mưu đồ bành trướng không cần giấu diếm của Trung Quốc. Lương tâm và trí tuệ Trần Lâm tin tưởng:

“Dân chủ hoá lúc này là có thể. Người Việt Nam không bao giờ chịu làm nô lệ. Dân chủ hoá, chỉ có các quan tham phản đối vì lo sợ mất tài sản, lo bị trả thù… Một khi lòng yêu nước trỗi dậy họ chấp nhận dân chủ hoá, thế là 100% dân Việt Nam một lòng giữ nước.

Can đảm chấp nhận dân chủ hoá là con đường duy nhất. Có bàn cãi chăng chỉ là ở điểm: chuyển đổi như thế nào.”

Với lương tâm và trí tuệ đó, luật sư Trần Lâm đã dõng dạc lên tiếng bảo vệ những chiến sĩ dân chủ dũng cảm như luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài…trong những phiên tòa phản dân chủ, chống nhân dân của Nhà nước chuyên chính đảng trị. Với lương tâm và trí tuệ đó, luật sư Trần Lâm đã thay mặt nhân dân Việt Nam đang bền bỉ đấu tranh giành dân chủ thống thiết đọc lời đưa tiễn người chiến sĩ đi đầu trong cuộc đấu tranh cho dân chủ của nhân dân Việt Nam, cụ Hoàng Minh Chính.

Mùa hè nóng bỏng năm nay, một chiều cuối tháng năm nắng lửa và gió Lào đốt cháy dải đất miền Trung, tôi tìm đến bệnh viện Phục hồi chức năng ở đường Trường Sa thành phố Đà Nẵng thăm luật sư Trần Lâm. Vững vàng đi qua mọi biến động, mọi trắc trở của cách mạng, vững vàng đi qua mọi bom đạn khốc liệt của chiến tranh, vững vàng đi qua mọi cạm bẫy, cám dỗ, mọi đe dọa, mọi giả dối, lừa mị của thể chế chính trị không còn vì dân nhưng cái tuổi xấp xỉ chín mươi và căn bệnh tim mạch đã đánh gục cơ thể cao gần một mét tám mươi của luật sư Trần Lâm.

Tôi biết và gặp luật sư Trần Lâm khi cụ đã ở tuổi ngoài tám mươi. Cụ không biết sử dụng internet nhưng đọc những bài viết của tôi được in ra từ trên các trang mạng internet, cụ coi tôi như người bạn trẻ chia sẻ được với cụ nỗi niềm đầy vơi. Con gái người anh trai mà cụ nuôi từ tấm bé nay làm ăn khá giả dành cho cụ ở căn hộ rộng trên tầng mười tòa nhà cao tầng khu đô thị Văn Quán gần Hà Đông. Cụ gọi điện bảo tôi khi nào tôi về Hà Nội cứ đến ở với cụ. Cụ hẹn tôi bố trí đi Hải Phòng với cụ, cụ sẽ đưa tôi đến nghỉ trong ngôi nhà ở bãi biển đẹp Đồ Sơn, Hải Phòng, ngôi nhà cụ mua đã lâu nhưng thường xuyên khóa cửa và nhờ hàng xóm là nhà văn Đoàn Lê trông nom. Cụ hẹn tôi nhiều lần, đến lúc cụ bán ngôi nhà ở Đồ Sơn, tôi vẫn chưa có dịp đi Hải Phòng với cụ. Nhưng cuối năm 2011, tôi đã được đi với cụ về quê Nho Quan, Ninh Bình của cụ. Cụ dẫn tôi về mảnh đất rộng có vườn, có ruộng, có ao cụ mới mua và mới xây ngôi nhà nhỏ. Cụ dẫn tôi đến ngôi nhà cũ gần thị trấn Nho Quan nơi đặt bàn thờ những người thân yêu của cụ đã khuất. Ở quê mấy ngày cụ lại ngồi xe ôm ra thị trấn Nho Quan đón xe đò về Hà Nội. Cụ hẹn mùa hè năm 2012 sẽ đón tôi đến tắm biển Đà Nẵng rồi cụ đi ô tô vào Đà Nẵng với con gái.

Mùa hè năm 2012, tôi liên tục nhận được phone của cụ hỏi khi nào đi Đà Nẵng. Cụ bảo tôi chỉ cần lo vé máy bay Sài Gòn – Đà Nẵng còn việc ăn, ở, vé máy bay trở về Sài Gòn, tôi không phải lo. Cụ dặn đến sân bay Đà Nẵng thì phone cho cụ, cụ sẽ cho ô tô ra đón. Cụ thông báo con gái cụ đã xây xong khách sạn và cô con gái giỏi giang đó đã mua cho cụ căn hộ, cụ dành cho tôi một phòng trong căn hộ đó. Nhưng mùa hè cụ Trần Lâm chờ đón tôi thì tôi lại chần chừ chưa đến Đà Nẵng được với cụ. Mùa hè qua đi, tôi phone cho cụ thì không thể liên lac với cụ được nữa. Lần nào gọi cũng “hướng cuộc gọi tạm thời gián đoạn”. Gọi đi nhiều hướng khác hỏi về cụ tôi mới được biết cụ bị đột quị.

Phải đến thăm cụ Trần Lâm! Tôi tự hứa với lòng mình nhưng mãi tháng năm nóng bỏng năm 2013 này tôi mới đến được với cụ thì cụ không còn nói được nữa, cụ không còn tự ngồi dậy được nữa. Cục máu đông chèn nghẽn mạch máu làm cho một bên chân cụ phải tháo khớp đến đầu gối. Tôi xưng tên và gọi mãi, cụ mới cố hé mắt nhưng đôi mắt đục mờ không định được hướng nhìn rồi mi mắt già nua lại sập ngay xuống và nước mắt ứa ra.

Dù bị Nhà nước Đảng trị trấn áp tàn bạo nhưng lực lượng dân chủ đang phát triển mạnh mẽ và đang trẻ hóa đầy sức sống. Những luật sư, bác sĩ, kĩ sư, nhà báo… tuổi ba mươi, bốn mươi, những sinh viên, học sinh tuổi hai mươi đã trùng trùng có mặt trong đội ngũ nhân dân đấu tranh đòi dân chủ. Đó là điều mà những người đi trước như luật sư Trần Lâm gửi gắm, trông đợi. Nhìn cụ Trần Lâm, tôi nhớ đến các bậc tiền bối khả kính Trần Độ, Nguyễn Hộ, Hoàng Minh Chính,… Cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa đất nước mà các cụ đi đầu và dấn thân đã có lớp lớp những người trẻ bước tiếp. Xin các cụ cứ thanh thản.○




Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Điểm tới hạn – Breaking point


(Bilingual)

Kết quả phiên tòa phúc thẩm tại Vinh lần nữa cho thấy mỗi con người đều có một giới hạn chịu đựng nhất định. Điểm đó gọi là điểm tới hạn. Con người không phải là thánh thần cũng không phải là gỗ đá nhưng con người vẫn có thể đẩy điểm tới hạn đó cao lên bằng nguyên tắc: không sợ, cũng không bao giờ coi thường đối thủ và không bao giờ tự mãn. Tôi tin những anh Hồ Đức Hòa, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật và Nguyễn Đình Cương trong phiên tòa vừa kết thúc là những người đã biết và tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc đó.

Everyone has his/her own breaking point at which he/she can no longer stand upright. However there is a simple principle to overcome/avoid the breaking point that is never fear nor under-estimate your opponent and never be complacent. So I believe Mr Ho Duc Hoa, Mr Thai Van Dung, Mr Tran Minh Nhat and Mr Nguyen Dinh Cuong are men who knew and have strictly observed that principle.

Note: The results of the recent trial on appeal in Vinh city:  sentences unchanged for Ho Duc Hoa (13 years in prison), Thai Van Dung (4), Tran Minh Nhat (4) and Nguyen Dinh Cuong (4); sentences commuted for Paulus Le Van Son (reduced by 9 years to 04 years in prison), Nguyen Xuan Anh (by 01 year to 2 years), Ho Van Oanh (by 6 months to 2.5 years), Nguyen Van Duyet (by 6 months to 3.5 years).○


Nguồn/Source: Facebook Pham Hong Son

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Phước lớn – Great grace


(Bilingual)


  
Không bậc bố mẹ nào lại mong con mình có ngày đi tù. Nhưng chỉ có Phước lớn mới có được những người con có tinh thần như Phương Uyên và Nguyên Kha đã thể hiện.

Respectively sentenced to 06 years in prison with 03 years of house arrest and 08 years in prison with 03 years of house arrest for just exercising the right to freedom of expression in patriotic spirit, Nguyen Phuong Uyen, a 21-year old female student and her associate Dinh Nguyen Kha, 25 years old, still appear upbeat.

It is insane when any parents expect their children would go imprisoned. However those who have children like Phuong Uyen or Nguyen Kha must have been given a great grace from God.○

Nguồn/Source: Facebook Pham Hong Son

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Các kịch bản cho thế giới năm 2030 (phần 2)


Tạp chí La Revue (Pháp)*
Hà Vi dịch

DÂN SỐ

5 tỷ thị dân

Gần 60% cư dân của hành tinh chúng ta sống ở thành phố. Vùng cận ngoại ô sẽ phát triển nhanh hơn các khu trung tâm truyền thống.
Dominique Mataillet

Thế giới đang tiến tới giai đoạn dân số cứ 10 năm lại tăng thêm 1 tỷ người. Sau khi tăng từ 3,7 tỷ vào năm 1970 lên 6,1 tỷ năm 2000, dân số thế giới vào năm 2010 là 6,8 tỷ và có lẽ vào năm 2030 sẽ là 8,3 tỷ người. Những thách thức tới đây không nằm ở số dân đông mà ở vấn đề thành phần và sự phân bố dân cư. Nghiên cứu của Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ nhấn mạnh tới 3 biến động dân số lớn, đó là dân số nói chung bị già đi, di cư các loại tăng đột biến, thị dân hóa gia tăng trên toàn hành tinh.

Vào năm 2012, hơn 80 nước có tuổi trung bình thấp hơn hoặc bằng 25 tuổi. Trong 20 năm nữa, sẽ chỉ còn 50 nước và chủ yếu ở vùng châu Phi cận hoang mạc Sahara. Ngoài khu vực này, Afghanistan là một trong số hiếm hoi các quốc gia có chỉ số sinh sản vào loại cao trên thế giới (vào năm 2011 là 6,8 con/1 phụ nữ), và dân số lên đến 50 triệu vào năm 2030, đây sẽ là một quốc gia duy nhất đông dân và có tuổi trung bình «trẻ».

Những dòng di cư mới

Ở những nước có thu nhập cao là thành viên của OCDE, tuổi trung bình của người dân sẽ tăng từ 37,9 lên 42,8. Và sẽ lên đến 45 ở phần đông các quốc gia châu Âu cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc. Hậu quả của việc dân số già đi đã quá rõ. Những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đức và Nhật Bản sẽ phải chịu gánh nặng ngày càng lớn về hưu trí và y tế. Tăng trưởng kinh tế của các nước đó do vậy sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thụt giảm người lao động.

Thậm chí ngay cả ở Hoa Kỳ, nước phát triển duy nhất hiện nay còn giữ được mức tăng trưởng tự nhiên về dân số khá tốt, tỷ lệ người dân ở độ tuổi 15-24 sẽ thay đổi từ 14% hiện nay còn 12,8% trong ¼ thế kỷ tới, và sẽ không tránh khỏi tình trạng dân số già đi.

Khi đó người ta hiểu rằng vấn đề di cư toàn cầu sẽ mang một tầm vóc mới. Các dòng di dân mới sẽ có các điểm đến khác so với bây giờ. Những nước mới nổi hiện nay như Trung Quốc, Brésil và Thổ Nhĩ Kỳ nơi mà dân số đang già đi với tốc độ nhanh chóng, sẽ thu hút lực lượng lao động rẻ của các nước khác nhất là vùng châu Phi cận hoang mạc Sahara và Đông Nam Á.

Sự di dân từ hai vùng đó có nguy cơ càng lớn hơn khi đó vẫn là những nơi phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và lại phải chịu hậu quả nặng nề của hiện tượng khí hậu nóng lên.

Báo cáo của NIC cũng đề cập đến vấn đề di cư từ các quốc gia đạo Hồi, nơi mà tỷ lệ sinh còn ở mức cao nhất. Đà gia tăng của nạn di cư này có thể sẽ gây ra những »cọ xát về chính trị và xã hội» tại các nước tiếp nhận. Châu Âu sẽ là nơi đầu tiên bị ảnh hưởng vì dân Hồi giáo chiếm 8% toàn bộ dân số vào năm 2030. Tỷ lệ này thậm chí sẽ xấp xỉ 10% ở Pháp, Thụy Điển, Áo và Bỉ.

Di dân ngay trong nội bộ quốc gia cũng sẽ có bước tăng mới, nhất là ở Trung Quốc, dân nông thôn tiếp tục đổ dồn về các đô thị tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn. Con số 250 triệu dân di cư nội địa hiện nay sẽ sớm trở thành lạc hậu.

Năm 2012 có gần 50% dân số toàn cầu sống ở thành phố, con số này sẽ lên đến 60% vào năm 2030. Số dân thị thành như vậy sẽ tăng từ 3,5 tỷ ngày nay lên 4,9 tỷ.

Đà tăng này sẽ lên mạnh nhất ở nơi mà tỷ lệ tăng dân số cao nhất và tỷ lệ đô thị hóa còn ở mức thấp nhất, nghĩa là ở châu Á và nhất là châu Phi. 5 khu vực của châu lục này sẽ chứng kiến hiện tượng đô thị hóa tăng vọt, đó là lưu vực sông Nil, vịnh Guinee, các khu vực Bắc hồ Victoria, Bắc của Nigeria, Addis-Abeba và các khu lân cận.

Một vài con số khiến ta chóng mặt. Dân thành thị sẽ tăng thêm 276 triệu người ở Trung Quốc và 218 triệu người ở Ấn Độ. 9 quốc gia khác cũng có số dân đô thị tăng thêm 25 triệu người (một vài nước tăng thêm 75 triệu) như : Bangladesh, Brésil, Cộng hòa dân chủ Công gô, Hoa Kỳ, Mê-hi-cô, Nigeria, Pakistan và Philippines. Số các siêu thành phố trên 10 triệu dân hiện nay là 27 chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng.

Nhưng sự tăng trưởng đô thị sẽ có một diện mạo khác nhiều so với một vài thập niên vừa qua. Sự bành trướng của các «con quỷ đô thị» tới đây có đặc tính là do thiếu đất và bị cản lại bởi vấn nạn tắc ngẽn xe ô tô và chi phí cao cho cơ sở hạ tầng. Các vùng cận đô thị do vậy sẽ phát triển nhanh hơn chính các đô thị.

10 nước đông dân nhất thế giới năm 2030
Toàn thế giới :  8.517 (triệu)

Ấn Độ :             1.485
Trung Quốc :    1.462
Hoa Kỳ :           370
Indonesia :        271
Pakistan:           266
Nigeria:             227
Brésil:               217
Bangladesh:      203
Éthiopie:         132
Nga:              129

Nguồn: Liên hợp Quốc và Cơ quan dân số

Không gian đô thị tăng gấp ba lần

Chúng ta sẽ tham dự vào quá trình hình thành các vùng đô thị xuyên quốc gia. Vào năm 2030, có lẽ sẽ có khoảng 40 siêu đô thị kiểu này giữa hai đến ba quốc gia liền nhau.

Một trong những hậu quả chính của sự phát triển này là sự mở rộng các không gian đô thị. Trong khoảng từ năm 2000 đến 2030, diện tích đô thị sẽ tăng gấp 3 lần và sẽ đạt đến 1,2 triệu km² tương đương hơn hai lần diện tích nước Pháp.

Ngoài những ảnh hưởng môi trường trực tiếp, ví như tình trạng phá rừng, tình trạng đô thị hóa phi mã này còn tác động trực tiếp tới các khu vực ở phía sau các đô thị. Cư dân thành thị tiêu thụ nhiều thịt hơn dân nông thôn chẳng hạn. Do đó cần dự tính cả đến nhu cầu gia tăng các sản phẩm thịt với tất cả những hệ lụy như tăng khí mê-tan do chăn nuôi và vấn đề xử lý chất thải gia súc. Các nhà sinh thái học sẽ có nhiều việc và mệt mỏi hơn nhiều hiện nay.

Tuổi vàng quốc gia: rồi sẽ đến lượt

Theo các nhà dân số học, tuổi vàng dân số học của mỗi nước tương ứng với khoảng thời gian 30 năm trong đó tỷ lệ trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) thấp hơn 30% tổng dân số trong khi tỷ lệ người cao tuổi (trên 65 tuổi) thấp hơn 15%. Các nước châu Âu đã trải qua giai đoạn tươi sáng này (cho kinh tế) ngay sau Thế chiến lần II. Sau đó là đến nước Nhật trong giai đoạn 1965-1995. Hiện nay là Trung Quốc và Bra-xin. Tiếp đến là Ấn Độ, rồi Châu Phi cận hoang mạc Sahara.


Tuổi trung bình
 vào năm 2030
Tuổi vàng
Brésil
35
Từ năm 2000 tới 2030
Ấn Độ
32
Từ năm 2015 tới 2050
Trung Quốc
43
Từ năm 1990 tới 2025
Nga
44
Từ năm 1950 tới 2015
Iran
37
Từ năm 2005 tới 2040
Nhật Bản
52
Từ năm 1965 tới 1995
Đức quốc
49
Trước 1950 tới 1990
Anh quốc
42
Trước 1950 tới 1980
Hoa Kỳ
39
Trước 1970 tới 2015

Nước Nga: khuyến khích sinh sản hay là hết

Các chuyên gia Hoa Kỳ, nhất là những chuyên gia thân cận với CIA, đã có một kinh nghiệm có một không hai trong đoán định tương lai của nước Nga. Họ đã lo lắng dò xét kỹ lưỡng trong một giai đoạn dài khi mà hai siêu cường đang thống trị thế giới. Nhưng mọi thứ đã phải thay đổi, ít ra là từ khi Liên-xô sụp đổ cách đây 20 năm. Liệu các chuyên gia Hoa Kỳ có còn sáng suốt hoàn toàn như trước đây?

Chúng ta chỉ có thể tán thành với việc Hội đồng Tình báo Quốc gia (NIC) nhấn mạnh đến thách thức mà nước Nga đang phải đối mặt là phải làm trẻ hóa lại “bộ máy” sinh đẻ. Với sắc thái này thì gần như là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Nga không phải là món thuốc trị được bách bệnh. Sự biến chuyển trung-dài hạn của thị trường năng lượng toàn cầu (với việc Nga vẫn sẽ còn nguồn tài nguyên lớn về khí hydrocarbure) sẽ còn chi phối lâu dài khả năng của nước Nga trong việc đạt được các nguồn lực thiết yếu cho sự hiện đại hóa. Về vấn đề nguồn nhân lực, NIC dựa vào tiên lượng u ám về dân số do một người Mỹ tên là Murray Feshbach nhận định từ những năm 1970. Các nguyên nhân của sự u ám xa xưa đó – sinh sản suy giảm, tử vong rất cao ở nam giới, di cư – còn diễn biến xấu thêm trong giai đoạn chuyển đổi vào những năm 1990. Nhưng những vấn đề đó không phải là không có thuốc chữa. Chính sách sinh sản «gia đình có 3 con là chuẩn» do Kremlin lăng-xê và mới đây lại được Putin nhắc lại đã có những kết quả tích cực. Như một chuyên gia của Chatham House nói, kiểm soát sự biến đổi về dân số cũng khó như việc điều khiển con tàu chở dầu nhưng không phải là không thể điều khiển được. Còn về cách ứng xử trên trường quốc tế trong tương lai của nước Nga, NIC gợi ý đó sẽ là: một đối tác xa cách, một láng giềng tăng động, một kẻ hiếu chiến tiềm tàng. Nhưng những kịch bản đó, đối với tôi, dường như đã không tính đến một cách đầy đủ khuynh hướng chuyển hướng khá rõ trong các chọn lựa thời hậu Stalin của Kremlin muốn đưa nước Nga xa dần khỏi ý muốn thống trị để hướng về những đòi hỏi thúc bách của phát triển. Georges Sokoloff


Chấm dứt ngoại lệ của nước Pháp

Với chỉ số sinh sản hơn 2 con/phụ nữ, ngày nay, nước Pháp đang là một ngoại lệ trong một châu Âu nơi mà chỉ số này phần lớn chỉ được gần 1,5. Nước Pháp là một trong số các nước phát triển hiếm hoi có mức tăng trưởng dân số dư do sinh sản cao hơn tử vong, chứ không phải từ số dư do di cư.

Sự «bùng nổ mini» này chắc chắn là do sinh đẻ tăng vụt từ năm 1997, năm mà chỉ số sinh đẻ của nước Pháp đạt ngưỡng thấp nhất (1,73), nhưng sự bùng nổ cũng còn bởi khối dân số ở tuổi chết già lúc đó còn nhỏ, nhất là số dân từ đợt sinh sản rất thấp của những năm 1930. Năm 2012 có lẽ đánh dấu bước quay ngoặt. Số sinh sản trong năm ngoái đã giảm 20 000 so với kỷ lục được ghi nhận trong năm 2010 (830 000) bởi vì dân số ở độ tuổi sinh sản, những người sinh trong những năm 1980, đã ít đi. Song song với điều đó, số tử vong tăng lên đáng kể, khoảng 20 000 trường hợp, do dân số ở độ tuổi tử vong bắt đầu nhiều lên. Kết quả là tăng trưởng dân số tự nhiên phải sụt giảm khoảng 230 000 trong năm 2012 so với 280 000 trong năm 2006. Nếu sinh sản không tái tục đà tăng trưởng, tăng trưởng tự nhiên sẽ giảm theo thời gian và chạm ngưỡng 0.

Trừ phi có tăng lên do số dân nhập cư, nước Pháp có thể sẽ đến lượt bị ảnh hưởng bởi hiện tượng giảm dân số mà hiện nay nhiều nước đông Âu và trung Âu đang gánh chịu. D.M.

XUNG ĐỘT

Những khúc gãy mới

Tái cân bằng hành tinh có lợi cho châu Á sẽ diễn ra với nhiều căng thẳng. Vùng Trung Cận Đông sẽ tiếp tục bất ổn và các cuộc chiến chiếm đoạt các nguồn lực, nhất là nguồn nước sẽ quyết liệt hơn.
ÉTIENNE COPEL

Từ nhiều thập niên qua, số các cuộc xung đột vũ trang giữa các quốc gia đã giảm đi một cách đều đặn, và ngay cả ở nơi mà các cuộc xung đột có qui mô nhỏ còn tồn tại thì số thương vong về dân thường và binh lính cũng không ngừng xuống thấp. Mọi phân tích đều cho thấy xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong các cuộc xung đột giữa các quốc gia; đặc biệt các quốc gia giầu có nhất sẽ giảm xu hướng thực hiện những cuộc phiêu lưu chiến tranh có rủi ro quá lớn cho phát triển kinh tế của họ. Ngoài ra, trong mắt họ, rủi ro của một cuộc leo thang hạt nhân cũng khiến cho giá của một cuộc chiến trở nên không chịu đựng được.

Bên cạnh đó, những cuộc nội chiến và các xung đột bạo lực nội quốc gia nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm ở tất cả những nước mà cấu trúc về tuổi tiệm cận với tuổi trung bình của thế giới, như khu vực châu Mỹ La tinh và châu Á. Ngược lại, những khó khăn về tự nhiên (nguồn nước, đất canh tác…) sẽ làm tăng rủi ro xung đột bạo lực ở những quốc gia mà tuổi trung bình rất thấp: châu Phi vùng cận hoang mạc Sahara, Trung Cận Đông, Đông Nam Á. Sự tương quan như thế giữa hai yếu tố về tuổi trung bình của một quốc gia và rủi ro bạo lực là một điểm rất độc đáo của bản báo cáo «Xu hướng toàn cầu 2030». Việc thông qua Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP) cũng đã làm thuận lợi cho việc hình thành một chuẩn mực quốc tế mới và được củng cố thêm bởi lệnh áp dụng việc trừng phạt trong trường hợp không tuân thủ Hiệp ước. Tuy vậy, bản báo cáo cũng lo ngại rằng việc Bắc Triều Tiên và nhất là Iran sở hữu được vũ khí hạt nhân sẽ gây ra làn sóng sở hữu vũ khí hạt nhân. Tiến xa hơn, bản báo cáo còn dự kiến trong trường hợp này, sẽ có sự xói mòn Hiệp ước TNP, như vậy có thể sẽ hủy hoại dần dần tất cả mọi thỏa ước quốc tế. Nếu Iran trở thành một cường quốc hạt nhân, các quốc gia láng giềng như Ả-rập Xê-út, cũng có thể sẽ cố gắng sở hữu để cân bằng mối đe dọa này. Nhưng đó không hẳn sẽ là thảm họa như một số người cảnh báo. Hạt nhân sẽ khiến ta biết kiềm chế hơn! Nếu coi Pakistan và Ấn Độ đã thành công trong việc tránh được nhiều xung đột lớn thì phần lớn là nhờ hai bên đã cùng biết cân bằng được sự đe dọa hạt nhân. Mặt khác, việc có một hay nhiều quốc gia tham gia thêm vào câu lạc bộ cường quốc hạt nhân có lẽ không nhất thiết sẽ làm hỏng Hiệp ước TNP mà hiệu quả của nó đã được chứng minh qua nhiều năm tháng. Cũng đừng quên rằng cách đây 40 năm, phần lớn các chuyên gia đều nhận định rằng đầu thế kỷ 21 sẽ có hơn 30 quốc gia sở hữu một trái «bom» hạt nhân!

Việc các vũ khí có điều khiển rơi vào tay của nhiều chủ thể nhà nước và phi nhà nước sẽ khiến cho rất nhiều cấu trúc hạ tầng quan trọng trở nên mỏng manh. Mối nguy hiểm đó là rất hệ trọng và bản báo cáo đã có lý khi nêu lên điều đó. Như thế chúng ta sẽ không thể tránh được bị khủng bố nếu nghĩ đến việc hiện có nhiều tên lửa liên tiếp cùng được nhắm lao vào một điểm trên mái vòm của một nhà máy điện hạt nhân. Chúng ta cũng có thể phải nghĩ tới những nguy cơ của việc quân khủng bố sử dụng máy bay không người lái tấn công các tư gia, nơi trú ẩn của các lãnh đạo cao cấp, và các sân vận động … Bản báo cáo cũng lo ngại cho các tàu chiến có trang bị tên lửa tầm xa dễ bị tấn công. Việc này sẽ đặt ra ngày càng nhiều bài toán cho Hoa Kỳ và NATO trong việc triển khai quân lực. Nhưng ít có chuyên gia nhấn mạnh điểm yếu này của hải quân hiện đại: bảo vệ các tàu chiến khỏi bị các tên lửa có vận tốc siêu thanh tấn công là là mặt nước đã là rất khó, đảm bảo sự an toàn đầy đủ cho tất cả các tầu tiếp viện cần thiết cho một cuộc chiến hiện đại là điều gần như không thể … tất nhiên, trừ khi đối phương không có nhiều phương tiện hơn phiến quân Taliban.

Việc tấn công mạng gia tăng khiến cho các tác giả của bản báo cáo thực sự lo lắng nhất là khi những hoạt động này được tiến hành bởi các nhóm khủng bố do các chính quyền điều khiển hay nuôi dưỡng. Quân đội các nước phương Tây đang đặc biệt lưu ý tới kiểu tấn công này. Và chắc là họ đã có đủ phương tiện để đối phó. Vấn đề còn lại là họ không nên « ngủ » quá nhiều và nên nhớ rằng một ngày nào đó họ sẽ phải đấu đầu với những đối thủ «tinh nhuệ» hơn những đối phương họ đã gặp hiện nay ở đầu thế kỷ 21.

Tóm lại, nếu như còn có rất nhiều hiểm họa đe dọa hòa bình thế giới thì may thay, xu hướng chung vẫn là hướng tới giảm bạo lực chiến tranh.○

 (còn tiếp)
*Nguồn : La Revue (bản giấy, tạp chí quan hệ quốc tế ra hàng tháng của Pháp) No 29, tháng Hai, 2013.
Xem phần 1 ở đây

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Khắc khoải Quyền Con người


Phạm Đình Trọng

Sáng chủ nhật 5.5.5013, tôi rất muốn phone rủ vài ông bạn già cùng đến điểm hẹn Quyền Con Người nhưng gọi nhau trên sóng điện rồi lại lọt vào tai công an thêm rắc rối nên hơn bảy giờ sáng, tôi lặng lẽ ra khỏi nhà.

Mới đi một đoạn ngắn tôi thấy một phụ nữ bên chiếc xe máy đứng bên đường ngóng nhìn lại suốt dọc đường. Đàn ông thấy phụ nữ bao giờ cũng muốn ngắm một gương mặt đẹp. Nhưng mặt người phụ nữ này che kín trong lớp vải đen và chiếc kính đen to. Chợt nhận ra điều bất thường ở người đàn bà trong buổi sáng chủ nhật êm ả, tôi ngoái nhìn lại thấy chị ta đang áp điện thoại vào má.

Xuôi theo đường một chiều Nguyễn Thị Minh Khai đến ngã tư đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vừa lúc đèn đỏ nhưng vì rẽ phải nên tôi vẫn chạy xe vào đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đến trước dinh Độc Lập, vừa rẽ trái sang đường Lê Duẩn thì hai cảnh sát giao thông trên chiếc mô tô trắng chạy trước chặn đầu xe tôi, cây gậy trắng trong tay viên cảnh sát chỉ xuống đường bảo tôi dừng xe. Hai cảnh sát giao thông trên chiếc mô tô chạy sau áp sát đến. Họ đòi kiểm tra giấy tờ xe của tôi. Tôi hỏi: Tôi có lỗi gì mà các anh dừng xe và kiểm tra giấy tờ tôi. Sau hai, ba lần họ đòi và hai, ba lần tôi hỏi lại họ mới bảo rằng rẽ phải mà tôi không bật tín hiệu báo rẽ gây nguy hiểm cho người sau.Thật vô lí nhưng tôi vẫn đưa giấy tờ cho họ xem. Điều bất thường nữa là họ còn hỏi tôi định đi đâu! Sao cảnh sát giao thông lại quan tâm đến việc tôi sẽ đi đâu nhỉ?

Nhận lại giấy tờ, tôi đến nhà Văn hóa Thanh niên gửi xe máy rồi đi bộ đến điểm hẹn Quyền Con Người, dải thảm cỏ và rừng cây đại thụ giữa nhà thờ Đức Bà và dinh Độc lập. Đang đi trong vườn cây, tôi quay lại thay đổi hướng đi thì phát hiện một thanh niên còn trẻ, dáng to đậm, mặc bộ đồ xám nhạt, áo có mũ trùm đầu thả sau gáy, bám theo tôi. Mấy lần tôi dừng lại, ngồi xuống ghế bên lối đi, cậu ta đều dừng lại gần tôi, không cần giấu giếm sự đeo bám của cậu ta.

Thấy một thanh niên mặt mũi sáng sủa, bên người có chiếc túi nhỏ như túi sách của sinh viên, ngồi một mình trên chiếc ghế đúc bằng gang tôi hỏi xin ngồi nửa ghế trống và được chấp nhận. Tôi bắt chuyện: Cháu đi chơi hay đến đây tham gia sinh hoạt Quyền Con Người? Cháu có quan tâm đến hoạt động đó không? Cậu thanh niên nói rằng có nghe nhắc đến việc đó nhưng Quyền Con Người vẫn bình thường, đầy đủ, có gì đâu phải quan tâm. Tôi nói Quyền Con Người là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, dân mình đâu có. Cậu thanh niên bảo: Bác nói chuyện với cháu, thế là tự do tư tưởng rồi còn gì nữa – Nói chuyện riêng thì có thể nói được mọi điều nhưng nói trên điễn đàn, trên truyền thông thì đâu có được. Người dân biểu tình hợp pháp chống Trung Quốc xâm lược thì bị bắt bớ, đánh đập, tù đày. Người dân đâu có được bộc lộ chính kiến – Cháu chỉ quan tâm đến học hành, tương lai thôi – Quan tâm đến học thì cháu phải học để biết Quyền Con Người của cháu. Cháu chỉ quan tâm đến tương lai thôi à? Quyền Con Người của cháu không có thì tương lai làm gì có – Cháu thấy mọi cái đều tốt cả mà. Đất nước đã thay đổi, tốt lên rất nhiều – Có thay đổi nhưng quá chậm chạp, không tương xứng với tiềm năng đất nước và mồ hôi, xương máu của dân đã đổ ra. Cháu có thấy Nhật Bản, Hàn Quốc điều kiện tự nhiên đâu bằng mình mà chỉ hai mươi năm sau chiến tranh họ đã trở thành con rồng, con phượng kinh tế thế giới. Còn ta, chiến tranh kết thúc gần bốn mươi năm rồi, gấp đôi thời gian của họ mà dân vẫn đói khổ, có người mẹ trẻ phải tự tử vì nghèo đói không nuôi nổi con. Trẻ con miền núi nhịn đói, mùa đông chỉ có manh áo mỏng đi học trong những lớp học rách nát như cái lều vịt, cháu có biết không? Có thể cháu có hai, ba bằng đại học, cháu đi làm lương tháng vài chục triệu đồng nhưng lớp trẻ như cháu cả thì đất nước nguy khốn quá cháu ạ. Tôi nói thế và chờ nghe cậu thanh niên phản ứng, nhưng im lặng giây lát rồi cậu ta bỏ đi.

Thấy anh Phan Đắc Lữ đi một mình, tôi liền vẫy anh lại. Tôi và anh Phan Đắc Lữ đã ngồi ở chiếc ghế gang trong vườn cây phía trái trước dinh Độc Lập hơn nửa tiếng. Đến tám giờ rưỡi, giờ hẹn của buổi sinh hoạt Quyền Con Người, chúng tôi đi sang vườn cây bên kia đường, nơi tập trung đông bạn trẻ. Nhưng đông hơn cả là những sắc áo công cụ nhà nước: Cảnh sát cơ động. Cảnh sát giao thông. Thanh niên xung phong. Dân phòng. Thanh tra xây dựng...

Ngày chủ nhật mà nhân viên vườn cây xả nước lênh láng những lối đi, phun ướt hết ghế ngồi nhưng các bạn trẻ vẫn rải báo ngồi kín gờ xi măng hai bên lối đi trong vườn cây. Nhân viên vườn cây lại giở trò đốn hạ cành cây, lấy cớ xua đuổi các bạn trẻ khỏi khu vực cành cây sẽ rơi xuống. Tôi liền nói to: Này các anh. Ngày thường sao các anh không làm? Chủ nhật, người dân đến vườn hoa nghỉ ngơi, các anh lại giở trò phun nước, chặt cây để xua duổi dân là sao? Nhà nước khốn quẫn quá rồi nên phải giở trò thô thiển, lộ liễu, hèn hạ đối phó với dân. Các nhân viên vườn cây biết rằng việc họ làm là bất thường nhưng làm theo lệnh nên họ cứ im lặng làm.

Chợt tôi chú ý đến người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, da đen xạm, mặc đồ dân sự đứng cạnh tôi. Tay cầm bộ đàm, ông đưa lên miệng, nói: Cơ động di chuyển sang bên kia đường! Cơ động di chuyển sang bên kia đường! Tôi nhìn sang bên kia đường, nơi quần tụ khá đông người nhưng vẫn yên tĩnh. Cảnh sát 113 di chuyển đến khá đông dưới lòng đường. Bỗng trên hè đường, ngay cạnh chỗ cảnh sát 113 tập trung, lộn xộn xảy ra. Thanh niên xung phong, dân phòng, thanh tra xây dựng xô vào một điểm, nhấp nhô, xô đẩy. Những nắm đấm vung lên. Những dùi cui phóng xuống.

Khi tôi và anh Phan Đắc Lữ đến chỗ xảy ra lộn xộn, mọi việc đã yên. Mấy chậu hoa đặt mép vỉa hè đổ nghiêng xuống lòng đường. Bên mép đường, một thanh niên xung phong mở chiếc túi ni lông đen, lôi những tập giấy trong túi ra, xé vụn. Mọi người cho tôi biết Nguyễn Hoàng Vi và hai bạn trẻ đi với Vi vừa bị bắt ở đây và chiếc túi ni lông đen đựng những tập giấy viết về Quyền Con Người là của nhóm Nguyễn Hoàng Vi.

Khát vọng Quyền Con Người đã bị bắt đi và lời văn Quyền Con Người đang bị xé vụn!○

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Các kịch bản cho thế giới năm 2030

La Revue (tạp chí Pháp)*
Hà Vi dịch

Thế giới của chúng ta sẽ ra sao vào năm 2030? La Revue đang xem kỹ bản báo cáo mới nhất của giới tình báo Hoa Kỳ về các vấn đề: tăng trưởng, siêu đô thị, khủng bố, năng lượng,…

Các nhân viên tình báo Hoa kỳ là những người có trí tưởng tượng thật phong phú. Trong bản báo cáo định kỳ 4 năm một lần, dày 140 trang vừa công bố, Hội đồng Tình báo Quốc gia tại Washington (NIC) đã phác ra bức chân dung toàn cảnh của hành tinh chúng ta vào năm 2030 theo nhiều kịch bản đầy sáng tạo. Họ dùng lăng kính xã hội học để xem xét các vấn đề như các siêu đô thị, vai trò của các mạng xã hội trong địa chính trị hoặc tác động của công nghệ mới đối với năng suất lao động và khả năng sở hữu các vũ khí ngày càng nguy hiểm của con người cá nhân.

Những vấn đề gây quan ngại cho các nhà chiến lược Hoa Kỳ cũng là những vấn đề không mấy xa lạ: kỷ nguyên của một nước Trung Hoa lớn mạnh sẽ đồng nghĩa với hòa bình hay xung đột? Giới trung lưu toàn cầu sẽ có qui mô lớn như thế nào? Cuộc tranh đoạt các nguồn năng lượng, nước hoặc thực phẩm có dẫn tới các cuộc đối đầu không? Tiến bộ về công nghệ liệu có bù đắp kịp cho sự già đi của dân số, của đô thị hóa với tốc độ phi mã và sự nóng lên của khí hậu? Liệu khí đốt nguồn gốc từ đá phiến dầu (schiste) có giải quyết được triệt để sự nan giải một khi dầu lửa cạn kiệt?

Bản báo cáo không nhằm vào việc đưa ra các giải đáp, vì các «siêu xu hướng» được nhận định rất có thể lại bị xoay chuyển bởi những «kẻ tráo bài» - những tảng băng chìm hãi hùng của tương lai. Đối với 16 cơ quan thành viên của NIC, đứng đầu là CIA, chắc chắn họ đã phải hiểu rõ rằng một khi chấp nhận dấu chấm hết cho sự thống trị đơn cực của Hoa Kỳ, thì vấn đề là trật tự thế giới mới sẽ dịch chuyển như thế nào: Một cường quốc bá chủ mới sẽ nổi lên? Chủ nghĩa đa phương hóa lên ngôi? Hoa Kỳ co mình lại? Hay hỗn loạn? Bản báo cáo đề cập nhiều vấn đề, nhưng những gì nó không đề cập cũng rất đáng quan tâm. Nhưng bản báo cáo cho thấy điều rõ ràng là Hoa Kỳ không mấy lo ngại về châu Âu và cũng không tin rằng châu Phi có thể trở thành một tay chơi đáng gờm trên bàn cờ mới. Stéphane Marchand



(Phần 1)
VIỄN CẢNH

Tương lai dưới con mắt CIA
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đang nghiên cứu kỹ diện mạo tương lai của thế giới và cố dự đoán những bất trắc có tính chiến lược. Họ đã tiết lộ bốn kịch bản có tính cực điểm nhất. Stéphane Marchand

Quí vị hãy nhắm mắt lại. Hãy thử hình dung một thế giới trong đó Hoa Kỳ không tìm được các đồng minh có khả năng để lập lại hệ thống quốc tế trong khi sự bá chủ của Hoa Kỳ đã hết. Khi đó Hoa Kỳ sẽ phải thu mình lại. Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, tất cả đều trong trạng thái mất cân bằng vì sự bốc hơi của trật tự cũ, sẽ cố  khẳng định ưu thế của mỗi nước trong cuộc tranh giành các nguồn lực. Đặc biệt là Trung Quốc, với tăng trưởng kinh tế không được đúng như lời hứa của giới lãnh đạo, sẽ phải đối diện với cơn thịnh nộ bạo lực của xã hội. Khu vực tiếp giáp giữa ba quốc gia hùng mạnh này sẽ xuất hiện sự đe dọa từ các nhóm vũ trang, tự chủ hay bị giật dây, nhất là khi các nhóm này dễ dàng có được những « khí cụ chiến tranh » như đạn dược thông minh hay vũ khí sinh học. 

Nếu quý vị không thích thế giới đó thì hãy nhắm mắt lại và mơ về một thế giới khác. Hoa Kỳ đã quay ngược trở lại trên trường quốc tế, nhất là ở châu Á. Còn Trung Quốc lại biết ơn Hoa Kỳ về điều này, nhất là khi các lãnh đạo tại Bắc Kinh đang phải cố kiểm soát bằng được quá trình chuyển đổi dân chủ không thể đảo ngược, như vẫn thường thấy trong Lịch sử, lúc thu nhập đầu người vượt ngưỡng 15.000 đô la tính theo ngang bằng sức mua. Còn khắp thế giới là sự gia tăng dân số, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa ồ ạt tạo ra một kỷ nguyên tăng trưởng lớn mạnh do những làn sóng đầu tư ào ạt rót vào các công trình công cộng và giao thông.

Nhìn từ Mát-xcơ-va

Mỗi người đều nhìn thế giới theo cách của riêng mình. Bản báo cáo tương tự thực hiện năm 2011 của Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế của Nga (IMEMO, tương đương với NCI của Hoa Kỳ, nơi đào tạo các nhân viên tình báo Nga FSB) cũng cho thấy những điều thú vị. Nếu như người Mỹ và Nga thống nhất với nhau về sức mạnh mới của Trung Quốc thì những dự đoán của họ rất khác nhau khi liên quan đến bản thân họ. Đối với người Nga, «những nước phát triển nhất về cấu trúc sáng tạo và đầu tư sẽ là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Ngược lại, những vấn đề đó lại bị suy thoái ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản ». Người Mỹ thì cho rằng nền kinh tế của họ vẫn sẽ được duy trì mặc cho sức mạnh Trung Quốc gia tăng, và «các nền kinh tế châu Âu, Nhật Bản và Nga sẽ tiếp tục đà suy thoái từ từ»… J.M.

Đa dạng, chính xác và bao quát

Hai kịch bản địa chính trị-viễn tưởng vừa mô tả ở trên được lấy ra từ bản báo cáo «Xu hướng Toàn cầu 2030» (Global Trends 2030), của một cơ quan tư vấn với những nguồn thông tin có lẽ là thuộc loại phong phú nhất thế giới, đó là Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ (NIC) - một cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ, đứng đầu là một Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) phụ trách tất cả các cơ quan tình báo thành viên. NIC có thể lấy mọi tin từ những nguồn tốt nhất của 16 ban thông tin cực kỳ độc lập và đôi khi còn cạnh tranh nhau, trong số đó phải kể đến Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) rất nổi tiếng, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) bí mật nhưng cũng rất bề thế, và tất cả các cơ quan phản gián nằm rải rác trong hệ thống hành pháp. Nghiễm nhiên là phần lớn các công việc khổng lồ của Hội đồng Tình báo Quốc gia là bí mật. Nhưng cứ bốn năm một lần Hội đồng Tình báo Quốc gia vẫn cho công bố một bản báo cáo có tên «Xu hướng toàn cầu» (Global Trends) nhằm dự đoán những hướng phát triển trong tương lai của cả hành tinh. Đây là bản báo cáo lần thứ năm, được công bố cuối tháng 12 năm 2012 về giai đoạn từ nay đến 2030. Bản báo cáo không phải luôn luôn thuyết phục được độc giả vì quan điểm của nó quá tập trung vào việc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ và quá dựa vào tính ưu việt giả định của nền dân chủ phương Tây, tuy nhiên công trình này vẫn xứng đáng được xem xét. Những dữ liệu mà Hội đồng Tình báo Quốc gia có được rất đa dạng, chính xác và sâu rộng, bao quát vào bậc nhất thế giới.

Những ván bài của tương lai

Bản báo cáo này tránh được những khuyết điểm mang tính truyền thống trong sự đoán định. Ở đây, không có hàng loạt những dự báo, cũng không có cả mớ hổ lốn kiểu tương lai học. Bản báo cáo không phải là một tài liệu bày sẵn mọi thứ, mà đơn thuần là cuốn cẩm nang cho cách nhìn nhận, đánh giá về thế giới. Sẽ vô ích nếu ta kỳ vọng thấy một danh sách các kết luận trong bản báo cáo này. Hội đồng Tình báo Quốc gia chỉ gợi ý một danh mục các thay đổi có tính chiến lược và những cách đánh giá để hướng sự phân tích thăm dò của bạn tới tầm nhìn toàn cầu. Tóm lại, « GT 2030 » là một loạt các « ván bài của tương lai » trong đó những người có trách nhiệm đưa ra quyết định phải xây dựng quan điểm của mình dựa trên 4 công cụ : «các siêu xu hướng», «những đảo lộn về kiến tạo địa chất», «những kẻ tráo bài» và «các thiên nga đen»!

Theo Hội đồng Tình báo Quốc gia, chỉ riêng các siêu xu hướng cũng đủ làm thế giới biến đổi một cách sâu sắc, nhưng khi vận hành, nó sẽ gặp các trở ngại, là «những kẻ tráo bài », làm lệch hướng: rủi ro của một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể xảy ra; sự điều hành thế giới mong manh có thể bị nhấn chìm bởi những biến đổi trong các tương quan sức mạnh của thế giới và các cuộc xung đột có thể xảy ra từ đó. Một số tình huống «những kẻ tráo bài» khó nhận ra hơn và mang tính bạo lực hơn. Đó là những sự kiện hiếm, gọi là «thiên nga đen», mà Hội đồng Tình báo Quốc gia khuyến nghị nên đưa vào bàn cờ chiến lược: những nguy cơ xấu nhất (một bệnh dịch nghiêm trọng hoặc một sụp đổ của khu vực đồng tiền Euro), các nguy cơ khó đoán định nhất (tấn công mạng hoặc các cơn bão địa từ đến từ mặt trời). Nhưng cũng có một số hiện tượng hiếm «thiên nga đen» có thể mang lại những điều tốt lành: một Trung Quốc dân chủ hóa vượt lên hoặc một Iran tiến hành cải cách. Tất cả những yếu tố đó có thể ghép lại tạo thành nhiều tổ hợp khác nhau tương ứng với những kịch bản thay thế khác nhau cho thế giới – theo cách thức «trò chơi chiến tranh» rất được ưa chuộng với những người ra quyết định ở Hoa Kỳ.

Những siêu xu hướng đã khởi động

Trách nhiệm hóa mang tính chất cá nhân: sự giảm nghèo đói và sự gia tăng tầng lớp trung lưu đang đi cùng với sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ các khu vực truyền thông và công nghiệp.

Sự hùng mạnh đã lan tỏa: từ nay đến 2030, châu Á sẽ vượt cả châu Âu và Hoa Kỳ gộp lại trên mọi lĩnh vực của sức mạnh như PIB, dân số, chi tiêu cho quân sự và đầu tư cho công nghệ. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn đầu toàn thế giới, kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc nhiều hơn, so với ngày nay, vào những nhân tố mới như Colombie, Indonesie, Nigeria, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự lan truyền sức mạnh này còn được gia tăng bởi sự nổi lên của các mạng lưới vô định hình giữa các Nhà nước và các Tổ chức phi chính phủ với sự hướng tâm vào quyền lực mềm.

Dân số già đi và vấn đề đô thị hóa: các nước đang già đi phải chống chọi để duy trì mức sống hiện nay và những nước có tỷ lệ cao về dân số trẻ dưới 25 tuổi sẽ ít hơn, chủ yếu nằm trong vùng hoang mạc châu Phi Sahara.

Mối liên quan ngày càng chặt giữa thực phẩm, nước và năng lượng: nhu cầu về năng lượng có lẽ sẽ tăng 50% từ nay tới 2030, chủ yếu phụ thuộc vào khí đốt và dầu đốt sản xuất từ đá phiến. Hạn hán sẽ trầm trọng hơn ở châu Phi và nhiều nơi khác, những nơi có năng suất nông nghiệp đang bị đình đốn và, dù cho có tăng trưởng, nền kinh tế cũng đang rất khốn khó. S.M.

Bốn kịch bản mang tính cực điểm:

1.     «Động cơ bị chết»: đây hẳn là một trong những kịch bản tồi tệ nhất. Hoa Kỳ sẽ kết giao với chủ nghĩa tự cô lập. Còn Liên minh châu Âu sẽ sa lầy trong khủng hoảng và suy thoái sau khi đồng Euro sụp đổ. Châu Á  phân ly, chia rẽ và tiếp đến là toàn cầu hóa bị khựng lại.

2.     «Sát nhập»: Để giúp cho các xung đột ở vùng Nam Á không tệ hại hơn, Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc phải can thiệp. Điều đó dẫn đến sự thành lập nhóm G3, và còn được thuận lợi hơn nhờ những bước tiến về dân chủ ở Trung Quốc. Kinh tế thế giới lại tìm ra con đường tăng trưởng.

3.     «Ông thần màu nhiệm bước ra từ miệng bình»: những bất bình đẳng làm hủy hoại trật tự thế giới. Khu vực đồng Euro phải chia tay với các nước thành viên yếu kém. Hoa Kỳ an tâm trở lại vì tìm được sự độc lập về năng lượng dẫn đến việc Hoa Kỳ tách rời khỏi các nước sản xuất năng lượng và đẩy các nước đó vào tình trạng bất an. Thế giới trở nên giàu có hơn nhưng cũng kém liên kết và kém an toàn hơn.

4.     «Một thế giới vắng bóng Nhà nước»: Các tổ chức phi chính phủ, các công ty đa quốc gia, các viện-hàn lâm, những cá nhân giầu có, ngay cả những cấu trúc vượt trên quốc gia, được hỗ trợ bởi công nghệ cao, sẽ chủ động đối mặt với các thách thức toàn cầu. Sự linh hoạt bền vững của thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào sức mạnh tư nhân, vốn tư nhân và sự từ tâm của con người hơn là các hỗ trợ phát triển từ nhà nước.
… và bây giờ, đến lượt dự đoán của quí vị!

Thế giới đơn cực sẽ chấm dứt!

Sẽ có một cú nhảy vọt cuối cùng về ngôi vị bá chủ hay sẽ hướng đến một thế giới hợp tác đa cực? Sẽ xuất hiện chủ nghĩa tân tự cô lập hay là một sự sụp đổ? Đó chính Vấn Đề. Vai trò của Hoa Kỳ sẽ biến đổi ra sao trong một thế giới không còn siêu sức mạnh? Đối với Hội đồng Tình Báo quốc gia, «khả năng có thể nhất là Hoa Kỳ vẫn sẽ dẫn đầu các cường quốc vào năm 2030».

Trên trường quốc tế, lợi thế chủ chốt của các cường quốc không chỉ nằm ở sức mạnh kinh tế mà còn ở «ưu thế nổi trội trong tất cả các lĩnh vực của quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm». Điều đó nói lên một điều chắc chắn rằng với sự nổi lên của các siêu cường mới, thời kỳ thế giới đơn cực sẽ chạm tới điểm tận cùng.», và rằng nền « hòa bình kiểu Mỹ » thời hậu 1945 đang tan rã. Đồng thời các đối tác truyền thống của Washington, chủ yếu là thành viên nhóm G7, cũng phải chứng kiến «sự suy thoái tương đối về ảnh hưởng chính trị và kinh  tế của họ». Trong 20 năm tới, Hoa Kỳ sẽ phải kết giao liên minh tạm thời với nhiều quốc gia vì tính cấp bách. Việc có một cường quốc nào đó thay thế Hoa Kỳ vào khoảng năm 2030 là ít có khả năng xảy ra. «Các cường quốc mới nổi đều nóng lòng muốn có chỗ trong các thể chế đa phương lớn như Liên hiệp quốc, Quĩ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, nhưng họ không tự đẩy tới chỗ va chạm đối đầu». Các quốc gia này muốn theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế và củng cố vị thế chính trị cho chính họ hơn là phản đối sự dẫn dắt của Hoa Kỳ đang trên đà suy thoái. Bởi vì, Hội đồng Tình báo Quốc gia kết luận gần như thẳng thắn rằng «tất cả đều hiểu rõ rằng một sự sụp đổ bất thần của Hoa Kỳ sẽ mở ra một giai đoạn hỗn loạn kéo dài trên toàn hành tinh ». S.M.

(còn tiếp)
*Nguồn: La Revue (bản giấy, tạp chí quan hệ quốc tế ra hàng tháng của Pháp) No 29, Tháng Hai, 2013.