Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Tạm biệt nắm đấm, chào bàn tay đầy mồ hôi!



The Economist
17/11/2012

Tổng thống Obama sắp có chuyến thăm đặc biệt chưa từng có tới Miến Điện

Picture: The Economist

Chỉ còn chưa đầy một ngày nữa Tổng thống Obama sẽ đặt chân tới Miến Điện. Khi Obama tới Miến Điện, một trong ba điểm dừng chân tại ba quốc gia trong hành trình tới Đông Nam Á lần này, vào ngày 19 tháng Mười một tới đây, đó sẽ là một thời khắc lịch sử: chuyến thăm lần đầu tiên của một tổng thống Mỹ đang tại vị, sự kiện đánh dấu cho một trong những hồi phục quan hệ nhanh nhất với một cựu thù của Mỹ.

Cách đây không lâu Mỹ vẫn còn gọi Miến Điện là “tiền đồn của bạo quyền” và là “một đe dọa đặc biệt và ghê gớm cho an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ.” Nhưng đó là chuyện xảy ra trước khi Aung San Suu Kyi được trả tự do khỏi án quản thúc tại gia vào cuối năm 2010 và năm sau đó vị tổng thống mới lên Thein Sein đã hứa sẽ đưa đất nước theo hướng mở cửa và cải cách.

Những ngày này một không khí hữu nghị đang ngập tràn giữa hai quốc gia. Các sự kiện biến chuyển thật nhanh, mới chỉ hai tháng trước đây cái tên Theinsein mới được vội bỏ ra khỏi bản danh sách đen dài ngoằng cấm cấp visa vào Mỹ để Theinsein có thể gặp được những người bạn mới thuộc nội các của Obama ở New York.

Có thể là quá nhanh đối với một số người. Obama nói ông ta sẽ tới Miến Điện để tưởng thưởng cho chính quyền vì những thay đổi theo hướng dân chủ đã được thực hiên trong hai năm vừa qua và để thúc đẩy cải cách hơn nữa. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động và những người Miến Điện lưu vong lại phê phán sự hối hả của Obama. Mặc dù thừa nhận Miến Điện đã có những tiến bộ nhưng họ cho rằng còn quá sớm để một tổng thống Mỹ phải thân chinh đến thăm một chế độ vẫn còn cầm giữ bao nhiêu tù chính trị và đang tiến hành chiến tranh chống lại chính nhân dân của nó-người dân tộc Kachin.

Đúng là đang nổ ra nhiều va chạm bạo lực giữa các phe phái tôn giáo ở bang Rakhine phía Tây, nơi có nhóm người thiểu số Hồi giáo Rohingya đang sinh sống. Từ khi nổ ra va chạm trong tháng Sáu đến nay đã có hàng trăm người chết và hơn 130.000 người mất nhà cửa. Sự bất lực, hoặc thiếu quyết tâm, của chính phủ trong việc loại trừ các gây hấn đối với người Rohingya – những người không chấp nhận chính quyền mặc dù đã sống ở Miến Điện từ rất lâu, làm dấy lên những nghi ngờ về sự thành thực của chế độ trong việc thay đổi theo hướng tôn trọng nhân quyền và các khác biệt về sắc tộc.

Trong khi đó những quan ngại tương tự cũng làm nổi lên các phàn nàn về một điểm dừng chân khác của Obama: Cambodia.  Obama cũng sẽ ở Phnompenh trong ngày 19 và 20 tháng Mười một để tham dự Thượng đỉnh Đông Á thường niên. Nhưng có nhiều người, trong đó có cả các thành viên Quốc hội thuộc cả Cộng hòa và Dân chủ, đều đặt dấu hỏi về sự khôn ngoan trong việc Obama tỏ ra quá gần gũi với Hunsen – người đàn ông quyền lực đã cai trị Cambodia trong gần ba chục năm qua bằng bàn tay sắt. Chỉ có điểm dừng ở Thailand là Obama gần như không gây ra tranh cãi gì.

Tuy nhiên, loại bỏ mọi quan ngại là chính sách “điểm then chốt” của Mỹ trong chính sách hướng về châu Á và trong cuộc đua tìm kiếm bạn hữu và ảnh hưởng địa chính trị trong việc đối mặt với một Trung Quốc đang lên. Vì thế Miến Điện với 2 000 km biên giới với Trung Quốc đang được xem là một mục tiêu quan trọng trong cuộc đua tranh đó. Bước chân nóng vội của Obama tới Miến Điện đã phát ra một thông điệp rất rõ ràng về ý định của Mỹ.

Chuyến thăm đó cũng sẽ được dùng để chứng minh cho sự đúng đắn trong chính sách đối ngoại theo hướng hòa giải nhiều hơn như ông ta đã hứa trong bài diễn văn nhậm chức vào tháng Một năm 2009, sau những chính sách quá hiếu chiến của người tiền nhiệm George W. Bush. Từ đó, Obama đã giơ tay ra cho các chế độ đã từng có “ý muốn mở nắm đấm.” Thực tế, chính sách đó không có mấy kết quả ở Bắc Triều tiên và Iran, nhưng ít nhất Obama cũng đã có được một bàn tay mở ra đầy mồ hôi ở Miến Điện.

Trước đây, Mỹ đã cố gắng cách ly chế độ độc tài quân sự bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế tổng thể bắt đầu sau khi chính quyền trấn áp phong trào dân chủ vào đầu thập niên 1990 và quản thúc nhà lãnh đạo phong trào, Bà Suu Kyi. Chính quyền Obama đã hứa vẫn duy trì trừng phạt nhưng  cũng xác nhận sẽ đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Miến Điện, với sự ủng hộ của Bà Suu Kyi.

Sự “can dự thực dụng” đó đã mang lại kết quả rất rõ ràng. Các chuyến thăm của quan chức Mỹ và các đề nghị trợ giúp đã được đáp lại tương ứng bằng các nhượng bộ của chính quyền: nhiều đợt thả tù nhân chính trị (trong đó có một đợt vừa thực hiện ngay trước khi Obama đến), tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ một cách tự do và công bằng, nới lỏng kiểm soát truyền thông. Những bước đi thay đổi đã được tăng tốc hơn sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Hillry Clinton vào cuối năm ngoái. Nhưng một điều quan trọng đối với Mỹ là ngài Theinsein đã từ bỏ quan hệ quân sự với Bắc Triều tiên.

Nhưng điều quan trọng là giới tướng lĩnh cầm quyền của Miến Điện đã thực sự muốn can dự vào quá trình cải cách. Tình trạng tồi tệ ở phía Tây của đất nước và một nền kinh tế èo uột khiến họ cảm thấy rất hổ thẹn khi sát vai cùng những đồng sự trong khu vực Đông Nam Á. Họ cũng muốn chấm dứt sự dựa dẫm, lệ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung Quốc. Và cũng vì người Mỹ đã nhận thấy các biện pháp trừng phạt đã đẩy Miến Điện vào vòng tay của Trung Quốc nên các tướng lĩnh càng ngày càng khó chịu hơn với sự ôm ấp của Trung Quốc. Trong khi đó các doanh nghiệp Trung Quốc lại đang tiến tới việc khống chế thị trường Miến Điện, nhất là ở phía Bắc Miến Điện, nơi người Trung Quốc đang phá bĩnh để hòng triển khai những dự án rất có hại. Vì vậy cả hai bên, Mỹ và Miến Điện, đều có những lý do rất tốt để giúp đỡ lẫn nhau.

Trong khi Mỹ đang tìm cách tăng cường quan hệ trong khu vực lân cận thì về phần mình Trung Quốc lại tỏ ra im lặng một cách kỳ lạ trước việc Miến Điện đã chuyển hướng về phía phương Tây. Trung Quốc buộc phải im lặng có lẽ là do Miến Điện có ý nghĩa quan trọng cho Trung Quốc hơn tất cả mọi thứ trong vấn đề vận chuyển khí đốt trong tương lai. Các kế hoạch này đã được triển khai với các đường ống đang lắp đặt. Còn về Bà Suu Kyi thì nhiều người Trung Quốc gần như không biết gì. Nhưng một khi Bà Suu Kyi lên cao thêm nữa thì chắc chắn mọi sự sẽ thay đổi. Ngoài ra, những xu hướng thiên về thế giới nói tiếng Anh và người chồng quá cố của bà đã hết sức nhiệt thành trong việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng, sẽ là những điều không thể không làm cho Trung Quốc quan ngại về Bà.

Trong khi đó, những chuyên gia về đối ngoại ở Trung Quốc lại từ chối đặt mình vào những diễn từ hùng hồn của Mỹ về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Như Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, phàn nàn rằng Mỹ luôn luôn có mối quan ngại chiến lược với Trung Quốc ở khu vực, và cho rằng Mỹ đang muốn sử dụng “Miến Điện làm bàn đạp ra Ấn độ dương.” (giả định này không phải không có lý.)

Do vậy chuyến thăm của Obama dường như chỉ làm nặng thêm cho cảm giác của Trung Quốc về một cuộc bao vây đang triển khai âm thầm. Các chuyên gia Trung Quốc cũng nhắc đến một tuyên bố rất đặc biệt trong tháng trước về việc quân đội Miến Điện sang năm có thể tham gia, với tư cách quan sát viên, các cuộc tập trận thường niên Hổ mang Vàng của Mỹ cùng các bạn hữu trong khu vực. Cuộc tập trận năm nay ở Thailand gồm các lực lượng đến từ Nam Hàn, Indonesia, Nhật Bản và Singapore. Nếu như Miến Điện lại kết thân với nhóm này thì có thể những diễn giải ngày càng nghi kỵ hơn về “điểm then chốt” của Mỹ sẽ ngập tràn các làn sóng vô tuyến ở Bắc Kinh.

Người dịch: Quang Trung