Có thể nói rất nhiều
người Việt Nam hiện nay, kể cả trong lực lượng an ninh, đã rất chán chường chế
độ chính trị hiện tại, nhưng việc hình dung và tin tưởng vào một chế độ mới
(thường được nhiều người gọi là “dân chủ”) thì có lẽ không nhiều người, cả
trong những người chán chường đó, cảm thấy chắc chắn hay an tâm. Bài viết tâm
huyết sau đây có thể phần nào đáp ứng được tâm lý băn khoăn đó. Như Cây Tre Việt
Nam hân hạnh giới thiệu:
Một
Viễn Tượng Chuyển tiếp Dân Chủ Ở Việt Nam
Khải
Minh
Qua quan sát các diễn
tiến chính trị trên thế giới trong khoảng nửa thế kỷ qua, các mô thức chuyển tiếp
dân chủ đã xảy ra thường là: Cách mạng, đảo chính, thương thảo đàm phán giữa
các lực lượng chính trị cũ mới, hay những thay đổi tiệm tiến thông qua cải cách
của chế độ độc tài (quân sự hay toàn trị…) hợp tác với các lực lượng chính trị
khác trong nước, cùng tất cả các hệ quả phát sinh của từng mô thức có thể cực kỳ
khác nhau tại các khu vực hay quốc gia khác nhau.
Diễn biến Dân chủ tại
Việt Nam sẽ theo mô thức nào? Sẽ thuộc một trong các mô thức cổ điển (đã diễn
ra) hay sẽ theo một mô thức hoàn toàn mới? Hay sẽ không bao giờ xảy ra vì sẽ bị
xóa tên và sát nhập vào Trung Quốc? Đến nay, tất cả mọi khả năng đó vẫn hoàn
toàn bỏ ngỏ cho Việt Nam. Nhưng đó không phải là trọng tâm của bài viết này. Ở
đây chúng tôi chỉ xin đề cập tới một số vấn đề cơ bản trên giả định lạc quan rằng
Diễn biến Dân chủ ở Việt Nam sẽ tiến tới thời điểm chuyển tiếp (transition) giữa
chế độ cũ và chế độ dân chủ mới đang hình thành.
Rất ít các trường hợp Diễn biến Dân chủ thành công mà không tạo ra sóng gió, chao động xã hội trong mọi
chiều trong một thời gian.
Tuy vậy, điều này không
có nghĩa là các rối ren xã hội trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển tiếp
dân chủ là nguyên nhân chính của các thất bại sau đó. Cũng vậy, các khó khăn
trong việc quản trị các yêu cầu, đòi hỏi, kỳ vọng quá mức của xã hội trong thời
gian đầu cũng không phải là nguyên nhân chính của các sự thất bại dân chủ hóa.
Nguyên nhân chính của các cuộc Diễn biến Dân chủ (đã tới giai đoạn chuyển tiếp)
bị thất bại hay bị trì trệ thường là do thiếu khả năng cải cách và xây dựng
nhanh chóng các cơ cấu dân chủ trong cấu trúc công quyền tân lập, hoặc sự thiếu
quyết tâm của giới lãnh đạo để tiến hành dân chủ hóa, hoặc các mâu thuẫn chính
trị nội tại trong chế độ tân lập.
Quản
trị các hệ quả của việc thay đổi cấu trúc chế độ
Vấn đề gai góc cơ bản
trong sự chuyển tiếp từ chế độ toàn trị sang chế độ dân chủ là việc quản lý sự
thay đổi cấu trúc mà trước đó, toàn thể xã hội chỉ dựa lên một cột chống duy nhất,
hoặc là giới quân đội trong các chế độ độc tài như Philippines hay Indonesia,
hoặc là Đảng Cộng sản như trong trường hợp Việt Nam.
Nhưng trong trường hợp
Việt Nam, vốn bị cai trị dưới chế độ cộng Sản lâu dài dưới một chính quyền có
cơ chế phản tự do, phi dân chủ và hoàn toàn bị kiểm soát trong các thiết chế do
Đảng Cộng sản lập ra thì không thể thực hiện dân chủ trong xã hội nếu không có
các thay đổi căn bản và có hệ thống.
Dĩ nhiên các cơ chế dân
chủ sẽ được xây dựng trên nguyên tắc tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp,
tư pháp) với hệ thống kiểm tra và quân bình quyền lực sẽ được lắp đặt thông qua
luật lệ hay cấu trúc quản trị như hệ thống hành chính hay các cơ quan công quyền
phụ trách quản trị xã hội.
Như vậy những cá nhân
lãnh đạo và làm việc trong hệ thống quản trị xã hội tân lập cần phải ý thức sâu
sắc về sự vận hành của cơ chế tân lập, qua đó, quyền hạn hành xử công vụ và tiến
trình làm quyết định sẽ thông qua ba cơ chế hành pháp tư pháp độc lập và công
khai, với sự giám định, kềm chế lẫn nhau chứ không còn lệ thuộc vào một trụ cột
lãnh đạo như đảng cộng sản theo kiểu chỉ đạo từ Bộ chính trị hay họp kín lấy
quyết định trong chi bộ như trước nữa. Thêm vào đó, cơ chế tân lập nhằm đảm bảo
an ninh và công bằng xã hội cho mỗi người dân chứ không phải là lý cớ để tạo ra
một bộ máy hành chính thư lại cồng kềnh và kém hiệu năng.
Nhưng cũng thông qua
quá trình chuyển biến sẽ trỗi lên nhiều lực lượng chính trị. Các lực lượng phe nhóm đã tham gia vào công
cuộc đấu tranh cần phải có khả năng thống nhất về quan điểm phân quyền, để góp
phần xây dựng xã hội mới theo mô thức dân chủ thay vì chống đối nhau trên căn bản
chia chác quyền lực, quyền lợi, rồi từ đó nêu ra đòi hỏi phải lắp đặt thêm nhiều
cấu trúc công quyền hữu danh vô thực chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu "trả nợ công
thần cách mạng". Vấn đề này nói qua nghe chừng rất ngắn gọn và đơn giản
nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều vì nhiều cuộc cách mạng dân chủ đã đổ bể hay
trì trệ ở ngay giai đoạn chuyển tiếp chỉ vì nhiều cá nhân thấy “công lao, đóng
góp” của mình quá lớn so với những “quyền lực, danh vọng” của mình đạt được. Vì
vậy viễn tượng dân chủ sẽ càng xán lạn nếu có nhiều người đấu tranh hôm nay coi
việc đóng góp, hy sinh đã là một vinh hạnh chứ không phải là một bước đặt chân
vào quyền lực tương lai.
Ngoài ra, có một điểm
chính yếu nữa là các thành phần chính trị cầm quyền cần giữ vững lập trường xem
trọng những khác biệt quan điểm trên toàn xã hội như một cơ hội thăng hoa sáng
kiến, cung ứng cho xã hội một sự lựa chọn với nhiều giải pháp, thông qua tuyển
cử các nhân vật lãnh đạo, đầu phiếu tại nghị trường cho các bộ luật, thay vì
xem hình thái khác biệt quan điểm là dấu hiệu của rối loạn, rồi thực thi các biện
pháp khống chế, giới hạn, vô tình hay cố ý đưa đến các hậu quả áp đặt phi dân
chủ nhằm loại bỏ hay làm suy yếu các đối thủ - nguy cơ đưa xã hội vòng trở lại
độc tài.
Một vấn đề cấu trúc hậu
kỳ nữa là việc hội nhập cấu trúc công quyền cũ vào cấu trúc tân lập. Đây cũng
là vấn đề lớn nhằm tiết kiệm chi phí, gánh nặng đóng góp của người dân, nhưng
cũng cần có những quan tâm đúng mức để sự hội nhập không dẫn đến các mâu thuẫn,
va chạm xã hội không cần thiết trong các vấn đề nhân dụng.
Kết quả Diễn biến Dân
chủ cũng bị ảnh hưởng tùy thuộc vào việc ứng phó với các cơ chế toàn trị của xã
hội cũ. Nhanh chóng ly khai với bộ máy toàn trị cũ rất cần thiết cho tiến trình
dân chủ hóa. Trong trường hợp Việt Nam, cần phải được tháo gỡ tức khắc những gì
thuộc về:
1/ Xây dựng chính danh
cho chế độ toàn trị đã được cài đặt trong pháp chế cũ, bắt đầu từ Hiến Pháp cho
đến tất cả các luật lệ, qui định.
2/ Toàn bộ hệ thống quản
trị của Đảng Cộng Sản đan chéo vào các cơ quan công quyền và quân đội, cùng với
3/ Toàn bộ các bộ phận trực thuộc bộ máy an ninh, công an dùng để thực hiện việc khống chế, trấn áp xã hội.
Tuy nhiên thực hiện điều
trên đây không có nghĩa là trấn áp, tù đày hay tiêu diệt nhân sự của đảng CSVN
hay của các cơ quan an ninh, công an của chế độ CSVN. Ngược lại, toàn bộ số nhân sự này cũng nhất
thiết phải được đối xử như một pháp nhân bình đẳng trước pháp luật trong nền
pháp chế tân lập.
Tuy thế, hẳn nhiên là sẽ
có sự đề kháng từ các thành phần này, sẽ liên kết với các thành phần trung
thành cũ, vì lo sợ bị ảnh hưởng, xâm phạm đến an sinh cá nhân như cựu chiến
binh, công chức, đảng viên hưu trí,v.v. Nhưng điều này cũng không phải là lý do
gây ra thất bại nếu trong xã hội có đủ lực lượng công chúng cương quyết thực
thi dân chủ để làm đối trọng, để kềm chế, làm an tâm các bất an, nghi kỵ và hóa
giải các nỗ lực phá hoại.
Vượt
qua các khó khăn của việc thiếu kinh nghiệm thực thi dân chủ
Có thể nói Việt Nam có
rất ít kinh nghiệm về thực hiện dân chủ mặc dù trong nhiều năm qua các trao đổi
về vấn đề dân chủ trong khối quốc dân toàn quốc cùng những người Việt ở hải ngoại
đã tạo nên một số căn bản, ít nhất là trong một số khái niệm căn bản về cơ cấu,
thực thi, và ích dụng của một cơ chế chính quyền dân chủ.
Nhìn lại lịch sử Việt
Nam từ năm 1945 đến nay thì chỉ có người dân ở miền Nam mới được biết bằng thực
tế và được hưởng thực sự dân chủ. Tuy vậy, thể chế dân chủ tại Miền Nam trước
1975, trong khoảng thời gian hai mươi năm dưới một chính thể dân chủ còn rất
non trẻ, nhiều khiếm khuyết, và vừa bị phá hoại liên tục, lại luôn bị gián đoạn
từ sau cuộc chính biến 1963 lật đổ nền đệ nhất cộng hòa dưới quyền Tổng Thống
Ngô Đình Diệm để sau đó thay thế và kế tục bằng nền dân chủ đệ nhị cộng hoà với
các chính phủ nặng ảnh hưởng của giới quân nhân. Ngoài ra, trong chiến tranh Việt
Nam đã có các nỗ lực quyết liệt phá hoại chính quyền dân chủ tại Miền Nam Việt
Nam do chế độ cộng sản Miền Bắc phát động, và sự khuynh đảo của các thành phần
cộng sản và thân cộng sản. Do đó, cùng với thời gian 37 năm qua phải sống dưới
chế độ cộng sản và một số lớn trí thức miền Nam đã di cư ra nước ngoài, những
gì còn ghi nhận được trong tâm trí người dân Miền Nam về dân chủ còn rất ít và
cũng chỉ có rất ít ích dụng thực tiễn trong việc xây dựng một thể chế dân chủ
tân lập hậu cộng sản, ngoại trừ sức đề kháng chính quyền độc tài vẫn còn và
cùng đang tăng lên với nhân dân Miền Bắc hiện thời.
Các thử thách bao gồm việc
cởi bỏ tâm lý người dân vốn đời sống thường đã bị Cộng sản lâu đời khống chế và
chi phối toàn diện, với hệ quả là xã hội quen với kiểu làm ăn và sinh hoạt
tránh né các quan hệ với chính quyền hoặc thậm chí tìm cách móc ngoặc hối lộ để
tìm các lợi thế. Ngoài ra, phần đông dân số còn nuôi nhiều tâm lý sợ hãi. Sợ
hãi phải tự bươn chải kiếm sống trong thị trường lao động và kinh doanh tự do,
sợ hãi khi thực thi quyền tự do ngôn luận, phát biểu, bày tỏ quan điểm hay phê
bình, chỉ trích công khai các nhân sự, cơ quan chính phủ thì sẽ bị trù dập, trả
thù, sợ hãi bộ máy an ninh cảnh sát và tư pháp khi giải quyết các tranh chấp và
khiếu tố các bất công dân sự và xã hội,...
Mặt khác, có một thử
thách khác là sau 70 năm dưới chế độ độc đảng và toàn trị, xã hội sẽ không có
kinh nghiệm sinh hoạt lành mạnh trong một môi trường cạnh tranh chính trị đa
nguyên. Cho nên sẽ dễ phát sinh ra các xu hướng nhân danh sinh hoạt dân chủ mà
thực tế là gây ra nạn kéo bè kết cánh để loại trừ nhau giữa các thế lực nội bộ
một nhóm, một đảng phái chính trị hay giữa các nhóm, các đảng phái chính trị với
nhau tạo nên một hình thái manh mún ba người năm đảng hay chia rẽ phân liệt. Hậu quả là công chúng sẽ chán ghét và xa lánh
các sinh hoạt chính trị.
Điều này từng xẩy ra
trong một thời gian dài trong các cộng đồng người Việt Nam tại hải ngoại, đặc
biệt là tại Hoa Kỳ mặc dù chính họ là các nhân tố đã có ít nhiều kinh nghiệm bản
thân về chế độ dân chủ tại Miền Nam Việt Nam, họ vẫn không tránh khỏi các khiếm
khuyết về kinh nghiệm khi bỗng chốc được sống ngay trong một môi trường lạ lẫm
nhưng hết sức tự do tại hải ngoại trong khi đi tị nạn cộng sản, khiến nhiều tác
nhân đã có các lầm lẫn tai hại giữa quyền hạn và nghĩa vụ dưới một chính thể
dân chủ mở rộng tại Hoa Kỳ, khiến gây ra nhiều mâu thuẫn nội tại hơn là cùng
nhau tìm được cách hóa giải các vấn đề mà họ muốn giải quyết. Ở đây tạm không
nói đến các tác nhân phá hoại chủ động do Đảng Cộng sản từ trong nước điều khiển.
Kết quả là sự phân hóa xẩy ra trầm trọng đến độ nhiều người dân trong các cộng
đồng này cho đến nay vẫn còn né tránh các sinh hoạt chính trị, bao gồm cả các
sinh hoạt dòng chính trong xã hội Hoa Kỳ.
Do vậy, trong trường hợp
Việt Nam, thiếu kinh nghiệm quá khứ trong việc xây dựng các cơ cấu dân chủ cũng
chưa hẳn là vấn đề nan giải nhất vì các kinh nghiệm (ít ỏi) này, nếu có, cũng sẽ
chẳng mang lại nhiều ích lợi cụ thể ngoài các tác động tích cực lên yếu tố tinh
thần và nhận thức của công chúng.
Những điều nêu trên đây
cũng sẽ khiến cho Việt Nam phải đối phó với các khó khăn tương đối trong việc
xây dựng các cơ cấu dân chủ và khuyến khích người dân tham gia vào các cơ chế
này một cách năng động. Tuy nhiên Việt Nam cũng có ít nhất hai lợi thế (công cụ)
để hóa giải các khó khăn đó. Thứ nhất, nguồn trí tuệ của các chuyên gia có gốc gác
Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn cá nhân về các cơ chế dân chủ tại hải ngoại
và các học giả, nhà nghiên cứu (cả trong và ngoài nước) thiết tha với dân chủ
trong mấy chục năm qua sẽ giúp ích không ít trong việc đề nghị các giải pháp xây
dựng các cơ cấu của cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp cùng với một cơ
cấu kinh tế tự do thích hợp. Thứ hai, lịch sử Việt Nam có thể cung cấp một số tấm
gương, bài học có những tương đồng với tinh thần tôn trọng dân chủ tự do (theo
ý niệm hiện đại) để quảng bá và khuyến khích người dân tham gia vào các tiến
trình thực thi dân chủ như bầu cử và hành xử các quyền tự do căn bản sẽ giúp
cho người dân dễ dàng thiện cảm và tự tin hơn trong các sinh hoạt thực hành dân
chủ từ đó việc tiếp cận của toàn xã hội với cơ chế dân chủ dưới các hình thái cập
nhật đương đại sẽ thuận lợi hơn.
Thành
lập cơ cấu kiểm tra dân chủ đối với cơ chế công quyền đặc biệt là quân đội và
ngành an ninh và trị an
Những thành phần, bộ phận
thuộc quân đội và thuộc bộ máy an ninh trị an của chế độ cộng sản vẫn có thể
tham gia và có những đóng góp tích cực trong suốt quá trình chuyển biến dân chủ.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là cơ chế hoạt động tùy tiện, bạo lực của các
bộ máy, thành phần này sẽ được lưu dụng hay được đối xử ưu đãi hơn trong hậu kỳ
xây dựng cơ chế dân chủ tân lập.
Nhân sự thuộc các thành
phần này dĩ nhiên sẽ có ưu tiên hội nhập hay lưu dụng vào cơ chế mới, nhưng
cũng phải thông qua quá trình tái huấn luyện chung cho toàn bộ nhân sự còn được
lưu dụng để tạo ra một môi trường làm việc và sinh hoạt trật tự và có kỷ luật với
nguyên tắc và trong tinh thần dân chủ. Thêm vào đó, việc tái huấn luyện này
cũng giúp giảm thiểu các trì trệ cố ý, và những đề kháng thuộc xu hướng
"ngựa quen đường cũ".
Như trên đây đã có đề cập
qua, tất cả các cơ chế độc đoán, bí mật, trấn áp đã được lắp đặt trong hệ thống
quân đội hay an ninh cũ nhằm vào mục đích bảo vệ, củng cố chế độ toàn trị cần
phải được nhanh chóng tháo bỏ. Và để bảo đảm các bộ phận còn lại của quân đội
và an ninh vận hành đúng đắn, nghiêm minh trong cơ chế dân chủ tân lập, nhất
thiết phải có bộ máy thanh tra mà cấu trúc tổ chức phải có tính thượng tôn tinh
thần dân chủ pháp trị để ngăn ngừa mọi trường hợp lạm quyền, ngược đãi hay trả
thù.
Và như mọi cơ chế dân
chủ phổ thông khác trên thế giới, nhân sự thuộc quân đội, an ninh và trị an sẽ
hành xử nhiệm vụ của mình luôn luôn một cách thống nhất, đặt dưới quyền hạn trực
thuộc của các viên chức dân tuyển (tổng thống, tỉnh trưởng, quận trưởng là các
viên chức chính quyền được bổ nhiệm thông qua dân tuyển ...) Ngoài ra, bộ máy thanh tra kể trên còn có
trách nhiệm về mặt qui định và chế tài để bảo đảm tính vô tư trong khối nhân sự
của chính quyền là không có sự lạm dụng chính trị thuộc quân đội hay trong bộ
máy an ninh, trị an. Các quan chức lãnh đạo quân đội, an ninh trị an cũng như tất
cả các nhân viên công quyền khác, tuyệt đối không được phép dùng phương tiện
công quyền hay tư nhân để quảng bá sự ủng hộ cá nhân hay tập thể đối với một
phe phái chính trị nào, kể cả phe đương quyền. Ngắn gọn lại thì bộ máy cảnh
sát, an ninh và quân đội phải được phi chính trị hóa tuyệt đối, tất cả chỉ phục
vụ tổ quốc và nhân dân.
Việc thành lập bộ máy
kiểm tra và thanh tra trực thuộc cơ chế tư pháp và toà án, đặc phái công vụ dưới
các ngành công quyền liên hệ, với đầy đủ thẩm quyền hành xử nhiệm vụ độc lập
không lệ thuộc vào hệ thống chỉ huy hàng dọc của ngành công tác thì sẽ có tinh
minh bạch trong một cơ chế công quyền dân chủ.
Và trong khi chuyển hóa
từ một chế độ toàn trị cộng sản lâu đời với nhiều hệ lụy di căn trầm trọng về
nhũng lạm, tham ô, lộng quyền ...thì công việc này cần phải nhanh chóng thực hiện
với ưu tiên cao nhất.
Thực
hiện các cuộc tuyển cử dân chủ đầu tiên
Khi xã hội đã bắt đầu
vãn hồi trật tự tối thiểu, hệ thống quân đội, an ninh trị an đã tạm thời ổn định
thì cũng là lúc cuộc Diễn biến Dân chủ nên tiến hành các cuộc tuyển cử thực sự
tự do đầu tiên.
Thử thách về thời điểm
tổ chức là nếu những cuộc tuyển cử xẩy ra sớm quá, thì dân tình chưa được ổn định,
đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn, và những thành phần xã hội khác cũng
chưa đủ thời giờ chuẩn bị để cùng toàn dân tham gia. Mặt khác, các việc tổ chức tuyển cử quá sớm
cũng giống như tạo ra một sân chơi không bình đẳng theo đó các phe nhóm chính
trị có thực lực mạnh hơn có thể áp lực khuynh đảo những kết quả bầu cử, khiến
xã hội sau đó sẽ phải sinh hoạt trong một môi trường chính trị khá phiến diện,
đơn điệu.
Tuy không có một ghi nhận
nào trước đây về ảnh hưởng tốt xấu của việc tổ chức tuyển cử sớm hay muộn trong
một cuộc Diễn biến Dân chủ, nhưng những lợi ích thực tiễn của việc tổ chức các
cuộc tuyển cử hay trưng cầu dân ý (để kiện toàn hay ban hành một hiến pháp mới
tiếp theo sau bằng các cuộc tuyển cử) qui định bởi bản hiến pháp dân chủ một
cách đúng lúc là một trong những việc thiết yếu nhằm kiện toàn nền móng dân chủ.
Các sự kiện này sẽ giúp thống nhất ý chí quốc gia trong toàn dân và ngăn ngừa
được những ý đồ phá hoại.
Điều này đặc biệt quan
trọng đối với Việt Nam, khi toàn bộ cơ cấu chính quyền của Việt Nam đã được đặt
dưới cấu trúc quản trị kiểu cộng sản rất lâu, theo đó, bộ máy công quyền gồm tất
cả cơ chế lập pháp, hành pháp tư pháp đều đã bị cài đặt theo hệ thống tập quyền
cực độ. Bên cạnh đó, gần như song lập và song hành trên mọi cấp độ, lại là một
hệ thống quản trị cực quyền khác là cơ chế Đảng, lại có nhiều quyền lực hơn để
khống chế hệ thống công quyền. Các thay đổi vá víu và chắp nối trong cơ chế
công quyền trong thời kỳ “đổi mới” từ năm 1986 đến nay để gọi là bổ sung cho việc
quản trị cơ chế “kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã chứng tỏ không giúp ích
gì khác hơn là phát sinh thêm vô số những tròng tréo rối ren cho cấu trúc chính
trị và tạo thêm cơ hội cho những kẻ đục khoét, phá hoại quốc gia nặng nề hơn.
Cho nên những cuộc tuyển
cử, bắt đầu bằng việc tổ chức một cơ chế quốc dân đại biểu lâm thời, để thông
qua một bản hiến pháp mới là một nhu cầu bức thiết. Tuy vấn đề mở rộng để bao gồm
tất cả các thành phần chính trị quốc dân trong cơ chế đại biểu quốc dân lâm thời
trên đây là rất cần thiết, điều cần lưu tâm là các thành phần lãnh đạo phong
trào dân chủ cần phải giữ quân bình trong khi thương lượng các điều kiện tham
gia với tất cả mọi thành phần chính trị, để bảo đảm bản hiến pháp tân lập là một
bản hiến pháp trung thực phản ảnh ý chí độc lập, dân chủ của quốc dân với các
cơ chế hành pháp, lập pháp và tư pháp phân lập, có kiểm tra, có quân bình quyền
lực thực tiễn.
Thanh
lý các bất công trong quá khứ
Cơ chế toàn trị độc đảng
của Việt nam hẳn nhiên khi trải qua một Diễn biến Dân chủ sẽ phô bày toàn bộ những
bất công dồn lại từ gần hoặc trên 70 năm. Trách nhiệm thanh lý các bất công này
không phải là nhỏ. Các quyết định hành chính, tư pháp liên quan đến việc thanh
lý bất công trong quá khứ sẽ là một thử thách chính trị cho quyền lực của chế độ
dân chủ và cho cơ chế công quyền tân lập trong việc thực thi công lý dân chủ.
Xử lý bất công bao gồm
việc xác định, kê khai, tổng hợp và xử lý tư pháp đối với các cá nhân, đoàn thể,
tổ chức phe nhóm đã vi bội quyền lợi quốc gia, đã bức hại công dân trong quá khứ,
và việc đánh giá, giải quyết các thiệt hại về quyền lợi quốc gia, công
dân.
Nhiều cuộc Diễn biến
Dân chủ gần đây trên thế giới đã nhanh chóng đưa các cá nhân lãnh đạo chế độ cũ
ra tòa xét xử. Việc này thường được công chúng nhất thời hoan nghênh cao vì tạo
được tâm lý là công lý được nhanh chóng thực thi. Nhưng thủ tục tố tụng gấp
gáp, bên cạnh việc bất khả thi đối với những trường hợp các cá nhân có trách
nhiệm trong chế độ cũ đã đào thoát và việc dẫn độ có thể gặp khó khăn, trì trệ,
có khi nhiều năm, có thể dẫn đến kết luận không chính xác thì lại sinh ra phản
tác dụng đối với niềm tin của công chúng về năng lực của ngành tư pháp mới và
chế độ dân chủ tân lập.
Ngoài ra, việc loại bỏ
một số lớn các nhân viên thừa hành trong hệ thống quốc doanh cũ cũng có thể tạo
nên thử thách cho chính quyền mới vì thiếu nhân viên chuyên nghiệp, có kinh
nghiệm chuyên môn hay kỹ năng trong công việc thường nhật.
Trên hết, là xử lý các
thiệt hại đã gây ra cho quốc gia và công dân trong quá khứ. Trong nhiều trường hợp, các khó khăn về thủ tục
tố tụng trong chế độ dân chủ lại nằm ở chính tính chất chi li hơn, thận trọng
hơn của dân chủ nhằm bảo đảm công lý được áp dụng bình đẳng với mọi pháp nhân,
kể cả đối với các nghi can. Điều đó chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn cho chế độ
dân chủ tân lập về thời gian, nghiệp vụ và công quỹ. Các khó khăn mặt khác sẽ
còn nhiều và phức tạp hơn khi muốn truy tìm và thu hồi tài sản bất chính tại
ngoại quốc.
Nhưng cũng không thể
tuyên bố bỏ qua quá khứ để hướng đến tương lai theo kiểu tuyên truyền phiến diện.
Những tồn đọng về lịch sử, tâm lý và những mất mát thiệt hại hữu hình về con
người và vật chất trong quá khứ đối với toàn bộ các thành phần người dân gộp lại
thường quá lớn, chưa kể một tâm lý trông ngóng công lý quá nóng bỏng của dân
chúng, để chính quyền mới có thể bỏ mặc, hoặc thanh lý theo kiểu đáp ứng từng
phần, nhỏ giọt.
Phần lớn các khó khăn
trên sẽ phải được giải quyết bằng những quyết định trên mặt chính sách và hành
chính được hỗ trợ bằng các phương tiện tố tụng tư pháp cùng với việc áp dụng
các luật lệ ban hành thông qua ngành lập pháp đặt định riêng biệt cho một
trương mục: thanh lý bất công.
Nói đơn giản hơn, là quốc
gia thông qua các cơ quan lập pháp và hành chính sẽ đưa ra các chính sách, luật
lệ về thanh lý bất công, và bộ máy tư pháp sẽ xây dựng một cơ chế đặc biệt phụ
trách và công bố kết quả tác dụng của chính sách này nhằm tạo được sự an tâm
trong công chúng rằng công lý sẽ được thực hiện đến kỳ cùng, trên mọi mặt nhưng
cũng cần phải khẳng định việc thực hiện công lý là nhằm để ổn định xã hội, xây
dựng một tinh thần công bằng chứ không phải hướng tới sự trả thù, làm thỏa mãn
tâm lý cay nghiệt. Nhưng các công việc này do được tổ chức độc lập với cơ chế đặc
nhiệm, sẽ không ảnh hưởng đến bộ máy công quyền và sinh hoạt quốc dân trong đời
sống hàng ngày phải đương đầu với các khó khăn với những điều tiết, thay đổi
trong cơ chế dân chủ mới. Đồng thời với một hệ thống báo chí tự do và quyền
ngôn luận tự do được tôn trọng, mọi ý kiến, quan điểm, triệt để cũng như trung
dung, cực đoan cũng như nhân từ, sẽ đều được bày tỏ trên công luận sẽ mang lại
một sự tham chiếu đầy đủ các mặt cho những người làm chính sách hòng tránh được
các quyết định phiến diện, thiên vị, nương tay hay quá tay đối với những tội ác
cần bị trừng phạt và sẽ giúp cho xã hội nhanh chóng thoát khỏi tâm lý hận thù,
ân oán hay sợ hãi, lẩn tránh để tiến tới một xã hội hòa giải, bình ổn, cùng sống
hòa bình trong sự khác biệt – cái đích của dân chủ.
Vấn đề thanh lý bất
công và tạo dựng sự bình ổn xã hội trong giai đoạn hậu toàn trị cũng có thể
tham khảo, áp dụng nhiều kinh nghiệm, bài học từ những diễn biến thành công đi
trước trên thế giới như tại Nam Phi hay sau nội chiến Hoa Kỳ.
Đối
phó với các vấn đề kinh tế
Sự chính danh của chế độ
cộng sản hiện nay trong thực tế chỉ còn vịn được vào những thành tựu kinh tế.
Nhưng các thành tựu kinh tế được thổi phồng lên qua hệ thống báo cáo và thống
kê theo kiểu tăng thành tích, giấu thất bại qua bộ máy tuyên truyền một chiều trên
các phương tiện truyền thông cho đến nay đã thất bại để trơ ra trước mặt quốc
dân các khung sườn kinh tế bại hoại, mục rữa, mà công khố thì rỗng, nợ nần ngoại
bang tăng vọt, còn sinh hoạt người dân trong xã hội thì ngày càng sa vào cảnh
khó khăn, hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội mỗi ngày thêm sâu thẳm.
Những khó khăn, tàn phá
kinh tế lên đời sống kinh tế quốc dân dưới thời kỳ toàn trị độc đảng, đặc biệt
là tệ nạn, bất công xã hội là một trong những tác nhân quan trọng nhất đã thúc
đẩy nhu cầu thay đổi và yêu cầu Diễn biến Dân chủ. Do đó cải cách kinh tế là một
vấn đề hết sức thiết yếu và luôn được chú tâm đối với quốc dân trong một chế độ
tân lập sau toàn trị cộng sản.
Trong một cơ chế kinh tế
thị trường tự do dưới chế độ dân chủ tân lập các thử thách trong việc tháo bỏ
các thành phần thuộc bộ máy kinh tế quốc doanh cũng sẽ phát sinh. Thêm vào đó,
tiến trình chuyển đổi cơ chế kinh tế cũng sẽ phát sinh ra các thử thách mới về
quản lý nhân dụng, tổ chức khai thác phân phối tài nguyên và các nỗ lực để san
định, tạo ra một sân chơi bình đẳng, công bình cho mọi giới đầu tư trong và
ngoài nước cũng sẽ sinh ra nhiều thử thách mới mẻ. Tất cả các khó khăn mới này,
có thể trong thời gian đầu, chưa cho phép cải thiện thu nhập, đời sống kinh tế
của người dân.
Nhưng vạch ra và công bố
một cách chi tiết tất cả các khó khăn này sẽ làm gia tăng sự hiểu biết minh bạch
của toàn dân để vận động tham gia, đóng góp sáng kiến giải quyết thì sẽ tránh
được các thất vọng, hiểu lầm cho rằng đây là thất bại của chế độ dân chủ tân lập.
Tuy nhiên chưa nhất thời
cải thiện được tiêu chuẩn đời sống kinh tế bình quân cho toàn dân thì không có
nghĩa là sẽ có nhiều người đói nghèo hơn dưới thời cộng sản toàn trị. Việc duy
trì lương hưu và các chế độ đãi ngộ đối với các công chức tại vị hoặc đã hưu
trí cũng không phải là một vấn đề quá khó khăn nếu hình dung rằng các nguồn lực
đã từng bị nhũng lạm hàng chục ngàn tỷ đồng như hiện nay được đưa vào các quĩ
hưu trí hay phúc lợi xã hội.
Kinh nghiệm tại các nước
Đông Âu đã chứng minh điều này. Mặc dù, do các thiệt hại kinh tế đã gây ra, phải
mất một thời gian khá lâu cho các nước này khởi sự có các chỉ dấu cải thiện đời
sống kinh tế toàn dân và mức thu nhập bình quân, nhưng nhất thời các thành phần
nghèo khó nhất đã ngay lập tức được cung ứng các trợ cấp nhà cửa, lương thực, dịch
vụ y tế, học vấn cho con em, và giúp kiếm việc làm...
Và cũng theo kinh nghiệm,
thì chính những chính sách này đã ngay lập tức giúp giảm áp lực xã hội lên đời
sống thường nhật và thay đổi tư duy của một số đông các thành phần có quan điểm
bảo thủ hơn trong xã hội. Để giúp phần lớn cho việc tài trợ các chính sách công
ích xã hội này thành công, các giới đồng bào hải ngoại cũng sẽ là một lực lượng
đáng kể nếu không muốn nói là lực lượng quyết định, bên cạnh các chương trình
ngoại viện trợ giúp xã hội thông thường.
Trên một ý nghĩa nào
đó, các chính sách xã hội, cứu tế trong trường hợp các nước toàn trị cộng sản
Diễn biến Dân chủ, lại mang tác động tích cực về kinh tế, và gia tăng kết nối
trong xã hội, nhất là trong trường hợp Việt Nam, vốn có truyền thống “lá lành
đùm lá rách” và được thoát khỏi những lo ngại bị chính quyền chụp mũ là “trợ
giúp cho phản động”. Sau nữa, những chính sách khuyến khích và giúp tổ chức các
hoạt động dân vụ như vậy, trong một chính thể dân chủ tân lập, cũng sẽ giúp củng
cố ý chí dân chủ cho toàn dân.
Ứng
phó với môi trường đối ngoại
Trong trường hợp Việt
Nam, các hứng khởi tạo ra trước các Diễn biến Dân chủ tại các nước Ả rập sẽ
giúp ích thực tiễn về các kinh nghiệm chiến thuật trong việc tổ chức, vận hành
chuyển biến. Cũng vậy, các chuyển biến tại các lân bang trong vùng Đông Nam Á
như Philippines, Indonesia cũng giúp ích cho việc có một viễn kiến trung thực
hơn về các giai đoạn của một cuộc Diễn biến Dân chủ. Nhưng tựu trung, các cuộc
chuyển biến chính trị tại Trung Đông mang nặng màu sắc độc tài quân phiệt và
tôn giáo và các hiện tượng chuyển đổi đã xảy ra ở Đông Nam Á đều ở các quốc gia
độc tài không cộng sản. Trong khi đó cuộc Diễn biến Dân chủ tại Việt Nam lại
mang mầu sắc đối phó với chế độ độc tài toàn trị kiểu cộng sản, nên ở những nơi
đã đề cập sẽ có rất ít ứng dụng chiến lược thực tiễn vì khác đối tượng đấu
tranh.
Trường hợp Trung Quốc,
tuy có điểm tương đồng về đối tượng đấu tranh như tại Việt Nam là chế độ cộng sản
tập quyền độc trị, nhưng Trung Quốc với tầm vóc và khả năng khác hẳn với Việt
Nam trên quá nhiều phương diện, chưa kể Trung Quốc lại là một đối thủ chính của
Việt Nam nên sự phân tích có nhiều khúc mắc, đòi hỏi một công trình nghiên cứu
tìm hiểu riêng biệt. Nhưng có thể chắc chắn rằng Trung Quốc, một khi vẫn còn giữ
chế độ độc tài, sẽ làm hết sức để cản trở, phá hoại Diễn biến Dân chủ ở Việt
Nam. Nhưng ngược lại, nếu một khi Việt Nam chứng tỏ được sự dứt khoát hoặc khi
đã dứt được khỏi chế độ toàn trị độc đảng thì lĩnh vực ngoại giao của Việt Nam,
kể cả trong vùng lẫn trên toàn cầu, sẽ được tiếp cận với những cơ hội vô cùng lớn
để triển khai các mối quan hệ hết sức cởi mở, trung thực và hữu ích cho quốc
gia và dân chúng, hoàn toàn không bị ràng buộc hay bị nghi kỵ bởi vấn đề ý thức
hệ cộng sản khi quan hệ với các quốc gia khác hoặc phải quá trông chừng thái độ
của Trung Quốc. Ngay kể cả các cá nhân cầm quyền nếu chứng tỏ được sự thành thật
và quyết tâm đi theo lý tưởng tự do dân chủ sẽ tức khắc có được ủng hộ và yểm
trợ mạnh mẽ, hiệu quả từ thế giới dân chủ và Liên Hợp Quốc. Dĩ nhiên, dân chủ
hóa Việt Nam không đồng nghĩa với việc trở thành thù địch hay chống lại Trung
Quốc, kể cả Trung Quốc độc tài như hiện nay. Một chính sách khôn ngoan, hòa hảo
và độc lập như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí như Đài Loan với Trung Quốc là một
chính sách đáng tham khảo. Khi đó dù Trung Quốc có không hài lòng thì cũng
không thể thực hiện được mưu đồ phá hoại hay cản trở dân chủ tại Việt Nam. Tất
nhiên một cái giá của dân chủ hóa Việt Nam phải trả cho quan hệ bang giao với Trung
Quốc sẽ là những tài trợ, hỗ trợ ngầm từ Trung Quốc cho các cá nhân cầm quyền
và những thân hữu của họ như hiện nay sẽ không còn nữa. Nhưng đổi lại cả quốc
gia và những người cầm quyền mới sẽ không bị phụ thuộc, ràng buộc vào một chính
thể hoang dã và luôn là đối thủ của dân tộc suốt hàng ngàn năm qua nữa.
Một khi đã bước chân được
vào con đường dân chủ thì vấn đề đồng minh chiến lược toàn diện với những siêu
cường như Mỹ hay Anh, Pháp sẽ không còn bất kỳ một cản trở nào ngoài sự chuẩn
thuận của quốc hội hay trưng cầu ý dân. Sức mạnh ngoại giao của Việt Nam sẽ ở một
tầm cao theo đúng năng lực và yêu cầu của dân tộc mà không còn phụ thuộc vào ý
chí hẹp hòi, tư lợi của một cá nhân hay một đảng chính trị như đã và đang thấy
nữa.
Một trong những điều cần
quan tâm nữa là trong suốt quá trình diễn biến, khởi đầu từ trong giai đoạn chuẩn
bị đấu tranh, các giới lãnh đạo phong trào dân chủ cần nhất thiết giữ mối liên
hệ và các kênh thông tin với tất cả các quốc gia có quan hệ chiến lược trong vùng
với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Quảng bá các bước đi chiến lược,
các lộ đồ, và các dự án kiến tạo dân chủ với họ
sẽ giúp tạo ra một khối đồng minh, sẽ thu nhận được những hỗ trợ, khuông viện
trên mọi mặt.
Ngoài ra, về phương
kinh tế, với nguồn thông tin minh bạch và trực tiếp từ phong trào dân chủ, giới đầu tư ngoại quốc sẽ yên tâm về một viễn cảnh là một khi
Diễn biến Dân chủ thành công, quyền lợi sẵn có của họ tại Việt Nam sẽ được bảo
đảm, tương lai kinh doanh của họ sẽ đạt được nhiều cơ hội phát triển trong sự ổn
định của một cơ chế thị trường tự do, trên một sân chơi có tính bình đẳng, công
bằng vượt trội so với thời toàn trị cộng sản.
Tạm
kết
Đối với người dân thường
thì việc trình bày tất cả dự kế đấu tranh sẽ giúp người dân hiểu rõ mục tiêu của
phong trào dân chủ là một công cuộc đóng góp của mọi người dân trong xã hội chứ
không phải của riêng ai, và công cuộc đấu tranh tiếp theo đó để cứu nước và kiến
thiết, canh tân xứ sở, xây dựng đời sống thực sự tự do, hạnh phúc cho mỗi người
dân Việt Nam cũng đều là trách nhiệm và vinh dự của tất cả mọi người.
Đối với các cá nhân hay
đoàn thể, tổ chức tự nhiệm vai trò lãnh đạo phong trào, đề nghi, một kế sách
minh bạch như trên là kế sách khiêm tốn để tất cả các cá nhân, tổ chức lãnh đạo
phong trào có cơ hội thấy rõ tầm vóc qui mô sừng sững thách thức của cuộc Diễn
biến Dân chủ so với vai trò, năng lực khiêm tốn của mình trước đại sự quốc gia
để cùng nhau gắng góp sức trong giới hạn khả năng của bản thân. Không một cá
nhân hay đoàn thể cá biệt nào có thể đủ khả năng tự nhiệm toàn bộ công việc và
trọng trách quốc gia. Và vì có kế sách công khai nên những phương cách lèo lái đại cuộc vì những mục
đích tư ích đều sẽ sớm bị phát hiện và ngăn chặn bởi toàn dân, cho nên
cách tốt nhất là tất cả cần phải hướng tới sự hợp tác chân thành vì công ích.
Đối với quốc tế, sự
minh bạch của phong trào dân chủ sẽ giúp các quốc gia khác có những đáp ứng
thích ứng. Mặc dù Diễn biến Dân chủ là một chuyển biến ý chí tự quyết, độc lập
của người dân trong nước, các quốc gia khác trên thế giới, về mặt đối ngoại có
thể dự kiến các phương thức hợp tác hữu hiệu, và các chiến thuật yểm trợ đối
ngoại nếu cần.
Sau cùng, đối với những
cá nhân thuộc bộ máy cai trị của Đảng và Nhà nước Cộng Sản Việt Nam thì các
phân tích, đề nghị đưa ra ở đây sẽ chí ít giúp họ khẳng định thêm một nhận thức
quan trọng: Công cuộc Diễn biến Dân chủ
để cứu đất nước ra khỏi hoàn cảnh sinh hoạt xã hội tụt hậu mọi mặt cực kỳ ngặt
nghèo và các nguy cơ bị diệt vong rất cận kề nhất thiết phải tiến hành, dù bằng
mô thức nào, dù nhanh hay chậm, nhất thiết phải thành công. Do vậy, mọi sự bất hợp
tác hay chống đối, vi bội công trình kiến thiết chính thể dân chủ đa nguyên cho
nước nhà sẽ không có giá trị ngăn chặn hay dẹp bỏ được trào lưu thời đại và ý
chí người dân, mà chỉ có giá trị duy nhất là tự thân bước vào chỗ tiêu vong. Ngược lại, nếu họ hợp tác thì mỗi cá nhân họ tự ban
cho bản thân một cơ hội để đóng góp, hội nhập vào xã hội theo chính thể dân chủ.
Như đã thưa, bài viết
này hẳn nhiên không có tham vọng đề ra một kế hoạch, một dự kế cho phong trào
dân chủ tại Việt Nam, bài viết này chỉ là những gợi ý, góp nhặt qua kinh nghiệm
quan sát các phong trào và các Diễn biến Dân chủ trong thời gian gần đây trên
thế giới.
Mục tiêu chính của bài
viết này chỉ là một gợi ý để tham khảo và thảo luận. Những thảo luận và những gì nối tiếp sau những
cuộc thảo luận như thế để đưa đến những kết luận to lớn và đích xác hơn trong
tương lai mới đích thực là quan trọng.○