Journal of Democracy (Tạp chí Dân
chủ) số mới nhất 07/2012 vừa có bài "The Transformation of the Arab World" (Sự chuyển mình của
thế giới Ả-rập) của
Olivier Roy, giáo sư chính trị học và xã hội học tại Viện Đại học Châu Âu ở
Florence, Ý. Olivier Roy viết: “Trong cuộc
Cách mạng Mùa xuân Ả-rập đã xảy ra những điều không thể đảo ngược được. Bất kể
điều gì sẽ đến tiếp theo, tốt hay xấu, chúng ta cũng đang được chứng kiến sự khởi
đầu của một quá trình mà dân chủ đã bắt đầu bén rễ vào các xã hội Ả-rập.”
Như
Cây Tre Việt Nam đã dịch phần “A world of change” của bài viết trên sang tiếng
Việt. Xin trân trọng giới thiệu:
Một thế giới đang chuyển mình
Động lực đầu tiên của sự
chuyển mình đó đến từ vấn đề dân số học. Như Philippe Fargues đã chứng minh, hiện
cả thế giới Ả-rập đang có sự suy giảm mạnh về tỷ lệ sinh đẻ.[i]
Tốc độ tăng trưởng dân số ở Tunisia còn thấp hơn cả ở Pháp kể từ năm 2000 đến
nay. Trong khi đó giới nữ lại đã đi học ở cấp đại học và đi làm. Còn giới trẻ thì
được học nhiều hơn cha mẹ chúng nhưng lại lập gia đình muộn hơn. Khoảng cách về
tuổi tác và học vấn giữa vợ và chồng không còn quá xa cách nữa. Số con trong một
gia đình lại ít dần đi và kiểu gia đình hạt nhân bố mẹ-con cái đang thay thế
cho kiểu gia đình cồng kềnh gồm nhiều thế hệ. Điện thoại di động, chương trình
TV vệ tinh và Internet đã giúp giới trẻ tiếp xúc, hội họp và tranh luận với
nhau dễ dàng hơn và quan trọng hơn là các trao đổi, tranh luận được thực hiện
trên nguyên tắc bình đẳng hơn là theo kiểu áp đặt, kiểu rót kiến thức từ trên
xuống một cách độc đoán. Giới trẻ không còn bị bó chặt vào đầu óc gia trưởng và
các tập quán cổ hủ - những cái đã thể hiện không đủ khả năng để giải quyết những
vấn đề, những đòi hỏi của các xã hội Trung Đông đương thời.
Từ những thay đổi trong
lĩnh vực dân số là các thay đổi về văn hóa chính trị. Giới trẻ đã trở nên cá
nhân hóa hơn và không dễ bị lôi kéo bởi các tuyên truyền có tính ý thức hệ dù
là Hồi giáo hay dân tộc. Cùng với sự suy thoái của tinh thần gia trưởng là sự
suy sụp của sự hấp dẫn, cuốn hút của các thủ lĩnh ăn to, nói lớn, có tài hùng
biện. Thất bại của nền chính trị kiểu Hồi giáo, mà tôi đã chỉ ra cách đây 20
năm, đã trông thấy rõ ràng.[ii]
Tuy nhiên, điều đó
không có nghĩa là các đảng chính trị Hồi giáo sẽ vắng mặt trên sân khấu chính
trị, mà ngược lại là đằng khác. Nhưng lý tưởng của họ về một “nhà nước Hồi
giáo” tuyệt hảo đã không còn uy tín gì nữa. Không những thế ý thức hệ Hồi giáo
hiện còn phải vật lộn với hai yêu sách khác: yêu cầu dân chủ hóa – những yêu
sách bác bỏ sự độc quyền về quyền lực bởi bất kỳ một đảng hay một tư tưởng nào,
và những tuyên bố của những người theo giáo phái Salafist tân chính thống (neofundamentalist
Salafists) đang đòi hỏi chỉ có cái cá nhân nghiêm khắc làm cốt lõi cho việc tế
tự mới có thể làm nền tảng cho một “xã hội Hồi giáo”. Thậm chí ngay cả trong tổ
chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brothers), các thành viên trẻ tuổi cũng đã bác bỏ
sự tuân phục mù quáng đối với lãnh đạo. Thế hệ Hồi giáo mới đang đòi hỏi phải được
tranh luận, đang yêu cầu phải có tự do, dân chủ và có cách quản trị xã hội một
cách tử tế.
Nhưng sự lôi cuốn của
dân chủ ở đây lại không phải đến từ sự xuất khẩu quan niệm dân chủ từ phương
Tây giống như sự hình dung của những người đã từng ủng hộ việc can thiệp của Mỹ
vào Iraq. Sự lôi cuốn đó chỉ là hệ quả hệ chính trị của những thay đổi trong
lĩnh vực xã hội và văn hóa của chính các xã hội Ả-rập (cho dù các thay đổi đó,
đương nhiên, là một phần của quá trình toàn cầu hóa).
Chính xác là chính vì
Mùa xuân Ả-rập là sự nối tiếp của các chồng chất rối loạn bạo lực ngay tại bản
địa, xoay quanh cái lõi nhà nước-dân tộc đặc thù và tách rời khỏi các xâm lấn
phương Tây, mà dân chủ đã được người dân nhìn nhận như một giá trị vừa đáng
khao khát lại vừa được thừa nhận là thích hợp với họ. Đó cũng là lý do vì sao mà
những lễ nghi rất trang nghiêm đã từng được tiến hành để tố cáo kịch liệt chủ
nghĩa đế quốc – như những kiểu lên án cho rằng chủ nghĩa phục quốc Do thái là
nguồn gốc của những bất ổn tại thế giới Ả-rập - đã vắng mặt hoàn toàn một cách
hết sức ngoạn mục trong các các cuộc biểu tình vừa qua tại Ả-rập. Điều đó cũng lý
giải cho sự vắng mặt hoàn toàn của al-Quaeda trong bức tranh toàn cảnh của Mùa
xuân Ả-rập: giáo phái Jihad đã bị bật gốc ở mức độ toàn cầu không còn là mô
hình hấp dẫn đối với các nhà hoạt động trẻ tuổi của thế giới Ả-rập nữa và Jihad
cũng đã thất bại trong việc tuyển mộ các chiến binh cho các đặc vụ toàn cầu (al-Quaeda
tại Iraq đã bị các chiến binh địa phương trục xuất khỏi Iraq). Trên thực tế, al-Quaeda
chỉ còn tồn tại được ở các khu vực riềm lề trong thế giới Ả-rập như Somalia,
Yemen và Sahel. Nói một cách ngắn gọn thì al-Quaeda hiện chỉ là một phần của thứ
văn hóa chính trị lỗi thời- “chủ nghĩa chống đế quốc” – cái mà thế giới Ả-rập tại
Trung Đông đang bỏ lại phía sau.
Dĩ nhiên, các thay đổi
về mặt xã hội không hoàn toàn là bằng phẳng và thuần nhất và cũng không nhất
thiết sẽ làm gia tăng “đầu óc dân chủ”. Tác động về dân chủ của chúng được thấy
sớm nhất, rộng nhất và mạnh nhất ở các thành phố lớn và ở trong giới trẻ có học
đồng thời có sự tiếp cận được với Internet. Tuy nhiên vẫn có thể có những người
khác lại cảm thấy bị loại ra ngoài những ảnh hưởng tích cực đó, như những người
sống ở các vùng nông thôn của Ai-cập, những thị dân thất nghiệp ở miền nam của Tunisia
hoặc những chủ cửa hiệu, những người buôn bán, kinh doanh lại sợ biến động
chính trị sẽ làm hỏng công việc của họ hoặc thậm chí có cả những người có đầu
óc bảo thủ cảm thấy khó chịu đối với những biểu hiện về tình dục dễ dãi của một
số người biểu tình. Và còn nhiều thứ khác nữa.
Tóm lại, Mùa xuân Ả-rập
mới che đi được những mảng lớn của cái nền móng bảo thủ trong các xã hội Ả-rập.
Nhưng chúng ta có thể thấy ngay cả một số những góc rất bảo thủ trong cái nền
móng đó cũng đang phải tham dự vào trào lưu cá nhân hóa. Một nghiên cứu thực địa
nổi tiếng gần đây đã cho thấy nhiều dân làng ở Ai-cập đã gạt tên các thành viên
của tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brothers) trong cuộc bầu cử vừa qua vì các
thành viên đó đã thể hiện quá hẹp hòi trong vấn đề đoàn kết và có tư tưởng lãnh
đạo theo kiểu quá tập trung.[iii]
Những cử tri tôn giáo
và thường được coi là có đầu óc bảo thủ đó lại thích bầu cho nhóm Salafist vì họ
thấy nhóm này có quan điểm cởi mở hơn về chính trị. Sự ủng hộ mới đây, dù ngắn
ngủi, của Đảng Salafist al-Nur cho ứng cử viên tổng thống Abdel Moneim Abul
Futuh (là cựu thành viên của Muslim Brothers) –với tư cách ứng cử viên tự do-
đã cho thấy nhận thức chính trị của những dân làng đó có thể đã có những biến đổi
quan trọng.
Sự thay đổi trong thế
giới Ả-rập cũng làm biến đổi cả tôn giáo. Salafist, giống như những người theo
trường phái tân-chính thống ở những nơi khác, đang thể hiện tôn giáo qua một diện
mạo mới - như một bộ luật, một bộ các qui chuẩn rành mạch nhưng tách rời khỏi
truyền thống và văn hóa. Vì vậy nhóm chính trị Hồi giáo này cũng đã được đánh
giá là không phải thuộc cái di sản cực đoan của Hồi giáo truyền thống mà là những
người muốn làm cho Hồi giáo thích nghi với sự hiện đại và quá trình toàn cầu
hóa.[iv]
Đương nhiên, sự thích
nghi đó không nên hiểu theo nghĩa thần học – một đề xuất mới về tôn giáo-mà nên
hiểu theo tính chất hùng hồn của giáo lý và sự ngoan đạo. Như vậy, làn sóng tái
Hồi giáo hóa hiện nay (tại thế giới Ả-rập-ND) đang âm thầm chuyên chở một yếu tố
hết sức quan trọng: một thúc đẩy thêm cho việc đa dạng hóa và cá nhân hóa lãnh
địa tôn giáo trong thế giới Ả-rập.
Tuy nhiên, Hồi giáo, với
tư cách là một thực thể thần học, thì chưa thay đổi nhưng tính mộ đạo của nó
thì đã biến đổi. Và tính mộ đạo đó, dù là tự do hay không, thì cũng đang thể hiện
sự tương thích với quá trình dân chủ hóa bởi nó đang tách dần đức tin cá nhân
ra khỏi những tập quán cũ, khỏi bản sắc tập thể và rời khỏi những quyền thế áp
đặt từ bên ngoài. Những quyền thế tôn giáo thường lệ (ulama và các thủ lĩnh Hồi
giáo) đang mất đi rất nhiều tính chính danh trong xu thế đang lên của những thủ
lĩnh tự phong, những người thường tự khai mở cho bản thân về tôn giáo.
Giới trẻ Hồi giáo “mới
tái sinh” đã vừa tìm thấy được con đường riêng của họ bằng cách lướt mạng
Internet hay tham gia vào các nhóm đồng đẳng tại địa phương. Giới trẻ Hồi giáo
đó đã dám lên tiếng phê phán cái văn hóa Hồi giáo của bậc phụ huynh và thế hệ
trẻ đó đang cố xây dựng cho họ một loại Hồi
giáo riêng – loại nhấn mạnh vào đức tin hơn là sự kế thừa. Như vậy, một điều rõ
ràng đang cho thấy là tôn giáo ở thế giới Ả-rập đang ngày càng trở thành một sự
lựa chọn cá nhân, dù là lựa chọn kiểu nghiêm ngặt của Salafist hay là lựa chọn theo
kiểu hỗn hợp nhưng lỏng lẻo. Và còn có cả những người đang mong muốn đổi đạo-chuyển
đổi hẳn sang các đạo khác nữa.○
Người dịch: Phạm Hồng
Sơn
[i] Philippe Fargues, Générations
arabes: L’Alchimie du nombre (Paris: Fayard, 2000)
[ii]
Olivier Roy, The Failure of Political Islam, trans. Carol Volk (Cambridge:
Harvard
University Press,
1994).
[iii]
Yasmine Moataz Ahmed, “Who Do Egypt’s Villagers Vote For? And Why?” Egypt
Independent, 10 April
2012.
[iv]
Olivier Roy, Globalized Islam: The Search for a New Ummah (New York: Columbia
University
Press, 2004).