“The Beauty of Humanity Movement” là cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn, người Canada , Camilla Gibb, do Doubleday Canada xuất bản lần đầu tháng 09/2010 và vừa tái bản tại Mỹ và Anh đầu năm 2011. Tiểu thuyết này đã được BBC tiếng Việt giới thiệu, nhưng sau khi trực tiếp đọc cuốn truyện tôi thấy những gì BBC giới thiệu chưa đủ nói lên được những điều quan trọng cuốn truyện muốn truyền tải tới bạn đọc – những điều, theo đánh giá của cá nhân tôi, đang rất cần cho sự phát triển của Việt Nam. Vậy xin giới thiệu và chia sẻ thêm với độc giả.
Trung tâm của cuốn tiểu thuyết “The Beauty of Humanity Movement” (tạm dịch: Vẻ đẹp của Phong trào Nhân văn) xoay quanh một ông già bán phở rong tại Hà Nội có biệt tài trong cách chế biến nước dùng phở vào thời điểm khoảng năm 2007. Nhưng câu chuyện sẽ dẫn ta qua một quãng thời gian trải dài từ những năm 40, 50 của thế kỷ trước, qua các thời kỳ “cải cách ruộng đất”, “bao cấp”, qua “đổi mới” và tới tận sát thời điểm cuốn sách được xuất bản. Ông già Hưng bán phở rong chính là một nhân chứng, một người bạn, một người học trò và là ân nhân của một nhóm thực khách quen thuộc ở quán phở của ông tại Hà Nội vào những năm 1950. Những thực khách quen xa xưa đó là những họa sỹ, nhà thơ, nhà văn, nhà tư tưởng không chấp nhận sự chỉ đạo, áp đặt, nô dịch về suy nghĩ, sáng tác của chế độ mới hình thành trên miền Bắc Việt Nam sau cuộc “cách mạng” do những người cộng sản lãnh đạo. Nhân vật thứ hai là một cô gái Việt kiều người Mỹ, có tên Maggie Lý, trở lại Việt Nam để tìm lại bố, đúng hơn là đi tìm lại quá khứ và hình ảnh của người bố đã bị mất liên lạc với mẹ con cô, khi cô (lúc đó mới vài tuổi) và mẹ vội vã lên máy bay sang Mỹ trong những giây phút hỗn loạn của thời khắc 30/04/1975. Một trong những điều thôi thúc Maggie Lý đi tìm lại quá khứ của bố mình là ký ức tuổi thơ của cô về những ngón tay cong queo như những móng chim của bố cố quặp chiếc bút để vẽ cho cô những bức tranh. Bố của Maggie Lý chính là một cộng tác viên của phong trào “Nhân văn”, ông đã trốn thoát vào Nam và sau đó bị kẹt lại Sài gòn trong những giây phút định mệnh cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, rồi mất tích. Gặp nhiều trắc trở và có nhiều lúc Maggie Lý định bỏ cuộc, không chỉ vì thấy vô vọng mà cô còn phát hiện ra bố cô chỉ là một trong số hàng triệu nạn nhân của chế độ mà bố cô đã phải chạy trốn và bố cô cũng chưa phải là nạn nhân bất hạnh nhất. Cuối cùng, Maggie Lý đã xác định lại được đúng lịch sử của bố mình, một họa sỹ không khuất phục bạo quyền đã bị “người ta” cố tình loại bỏ khỏi nghề nghiệp (bằng những viên gạch đập lên các ngón tay cho đến nát) và tẩy đi mọi dấu vết đã hiện diện trên đời dù là nhỏ nhất (như cái tên sinh viên trong hồ sơ lưu trữ của một trường mỹ thuật). Từ hai nhân vật chính này độc giả sẽ gặp thêm nhiều nhân vật với những tính cách, quá khứ, quan niệm, trăn trở khác nhau về cuộc sống, xã hội thuộc nhiều thời kỳ của Việt Nam, từ thời “xếp hàng cả ngày để mong mua được vài miếng thịt tiêu chuẩn rồi cuối cùng được trả lời là “hôm nay không có thịt” “, thời của những thanh niên đắm đuối với Việt Nam Idol, hay những nhân vật, những cái tên chỉ xuất hiện thoáng qua cũng đủ gợi lên những suy nghĩ trái ngược hay làm nhớ đến những biến cố, biến chuyển lớn, phức tạp của Việt Nam trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.
Nhưng “The Beauty of Humanity Movement” không chỉ làm nổi lên sự bi tráng, bi kịch của “Nhân văn-Giai phẩm” hay những nhẫn tâm, ác độc, xảo quyệt trong việc dập tắt khát vọng tự do của giới nghệ sỹ, trí thức. Với cách tiếp cận đa diện về chính trị, kinh tế[1], văn hóa, lịch sử, truyền thống, “The Beauty of Humanity Movement” còn làm bật lên những thiếu hụt nhận thức có tính nền tảng cho một Việt Nam dân chủ như sự nhận thức đúng về tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm (responsible capitalism), hòa giải, hòa hợp giữa người Việt Nam với nhau hay việc hiểu được đúng hậu quả mối quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh…
Khi gập cuốn truyện lại, lúc không còn trang nào để lật nữa, độc giả Việt Nam vẫn có thể phải vấn vương mãi trong đầu nhiều điều mà các nhân vật hay người kể chuyện đã nói đến hay gợi ra. Ta đã hiểu đúng về tự do ngôn luận chưa nếu ta không muốn để người khác được nói ra điều mà ta cho là lố lăng, là có hại cho xã hội? Đất nước có “đứng lên” (emerging) được không, có chống được cái ác không, nếu ai cũng chỉ coi gia đình mình là quan trọng nhất? Phải chăng sự trì trệ, lạc hậu trong chính suy nghĩ của ta là nguyên nhân của những bất công, ngang trái ngoài xã hội? Tư lợi (self-interest) có luôn luôn là điều xấu như ta vẫn nghĩ? Một đất nước sẽ ra sao khi nó tự xóa đi lịch sử của mình, xóa đi hết thảy những gì trái ngược với Đảng? v.v.
Có thể nhiều nhà văn Việt Nam cũng để ý, trăn trở tới những vấn đề tương tự kể trên, nhưng để có một tác phẩm văn học Việt nêu lên được những vấn đề như thế, đến nay, vẫn không phải là điều dễ dàng. Vì vậy “The Beauty of Humanity Movement” là một tác phẩm văn học không chỉ hữu ích cho người Việt Nam mà còn rất xứng đáng được người Việt Nam trân trọng, cảm ơn. Chỉ tiếc rằng “The Beauty of Humanity Movement” chưa được dịch sang tiếng Việt và nếu có được dịch cũng chưa thể xuất bản một cách hợp pháp tại Việt Nam .
Phạm Hồng Sơn
18/09/2011