Vừa bước chân ra khỏi nhà tắm, chuông cửa nhà kêu: “boong, boong.” Vợ tôi nói vọng xuống từ tầng trên: “Chắc anh L. công an khu vực đấy, anh ạ. Lúc tối đã đến nhưng anh chưa về.” Nhìn đồng hồ, đúng 11h. Tôi vội xuống tầng một, bật đèn cổng và mở cửa. “Chắc lại đến “chuyện trò” trước biểu tình giống như hôm 18/06 vừa rồi”. Nhìn qua cửa cổng thấy đúng anh L., công an khu vực, nhưng lại có một bóng người lấp ló phía sau, hóa ra là một dân phòng mặc bộ đồng phục màu nâu xám. “Anh L. đấy à, có việc gì không anh?”, tôi vừa hỏi vừa xỏ dép đi ra sân, tiến sát vào cửa cổng. “Chào anh Sơn, có chút việc.”, “Việc gì mà muộn thế anh?”, “Cho tôi vào để kiểm tra nhân khẩu.” “Sao lại kiểm tra muộn thế này. Thôi tôi biết rồi, anh không phải lo. Anh cứ về đi, coi như là anh xong việc rồi, cho đỡ mệt.” “Không, anh cứ mở cửa để chúng tôi kiểm tra nhân khẩu.” “Sao lại kiểm tra muộn thế này. Tôi từ chối. Các con tôi đã đi ngủ rồi. Bây giờ vào không tiện lắm. Có gì anh cứ trao đổi luôn ở đây đi.”, “Nhưng, chúng tôi không làm gì ảnh hưởng đến các cháu đâu.”, “Nếu thế thì anh cứ nghe tôi luôn ở đây là nhân khẩu hiện đủ, không có người nào khác ở đây cả. Còn nếu không thì các anh phải đi kiểm tra từng phòng thì mới biết được có người nào trốn ở đâu không chứ?”, “Nếu vậy thì chúng tôi khám nhà à? Không. Chúng tôi chỉ kiểm tra nhân khẩu thôi.”, “Ồ, nếu vậy thì các anh cứ nghe tôi luôn ở đây là đủ rồi.”, tôi cười: “Mà có gì anh cứ nói luôn ra đi.”, “Thôi…” , anh L. ấp úng, “Thôi, nói thật với anh là ngày mai anh đừng ra đấy nữa.”, “Đấy, tôi biết ngay mà. Có gì anh cứ nói luôn ngay có phải đỡ mất thời gian không. Nhưng, các anh không phải lo chuyện đó.”, “Anh đừng ra để tránh phiền hà.”, “Thế ai chỉ đạo anh phải nói với tôi như thế? Anh có thể cho biết tên và chức vụ không?”, “Không…Không có ai.”, tôi cười: “Tôi không tin. Anh đâu phải là người kém hiểu biết như thế. Thôi, tôi biết anh đang phải thực hiện nhiệm vụ, nhưng anh nên biết đang phải làm một việc trái pháp luật và trái đạo lý đấy.”, tôi lại cười: ”Thôi các anh cứ yên tâm, có gì mà phải lo. Tôi đi hay không đó là vấn đề của riêng tôi. Mà nói thật nếu tôi không muốn đi thì các anh có đến giục tôi cũng không đi đâu.”, “Thôi anh Sơn à. Tôi cũng đang muốn về nhà nhanh vì ở nhà đang có việc cần.”, “Vâng, vậy anh nhé. Anh nên về sớm, không gia đình mong. Hôm nào tiện hơn thì mời anh và bác vào nhà.”
Anh công an khu vực L. với cả bộ sắc phục và quân hàm trung tá, cùng người dân phòng từ lúc đến chỉ im lặng nghe, lặng lẽ quay người đi ra.
Thú thực là từ tối đến giờ tôi cứ suy nghĩ mãi về việc ngày mai có nên “biểu tình” hay không, nếu đặt giả thiết mình là người được ra quyết định về vấn đề này vì mới có một diễn biến mới khá hay. Vào lúc sát nút (đầu giờ tối nay, 09/07/2011) phía chính quyền đã có một “thiện chí”, đúng hơn là một “nhượng bộ” trước yêu cầu kiên quyết của một số nhân sỹ, trí thức về việc Em Phương (người đọc tuyên cáo ngày 3/07 tại Nhà Hát Lớn) bị mời đi làm việc. Trước đó, các nhân sỹ, trí thức đã xác quyết sẽ bày tỏ “biểu tình” mạnh hơn nếu Em Phương vẫn bị mời vào ngày mai (10/07/2011). Vậy, khi chính quyền đã có “thiện chí” như thế thì người biểu tình cũng nên có một “thiện chí” đáp lại thì hay hơn. Đó cũng là cách thể hiện của người quân tử theo Nho Giáo và cũng đúng với lý thuyết hiện đại về dân chủ cần phải xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau (mutual trust) giữa các bên, nhất là các bên đang không tin lẫn nhau.
“Biểu tình” thì không biểu tình hôm nay thì có thể biểu tình hôm khác, tuần khác, tháng khác, còn rất nhiều thời gian và những vấn đề khác để biểu tình. Nhưng cơ hội để xây dựng “lòng tin” thì rất hiếm, và nếu lỡ hôm nay thì sẽ rất khó cho tương lai. Vậy, ngày mai (10/07/2011) nên không “biểu tình” thì hay hơn, mọi người sẽ cùng tận hưởng những phút giây đặc biệt “chủ động không biểu tình” và cũng là để các anh chị em an ninh, dân phòng, cảnh sát cơ động,v.v.” và cả “chính quyền vì dân” được một Chủ Nhật đỡ căng thẳng, dù đó là chỉ là cái căng thẳng chả cần thiết.
Vậy, đối với riêng tôi, tôi sẽ không đi biểu tình vào ngày mai 10/07/2011.
Phạm Hồng Sơn
09/07/2011