Khải Minh
Câu
chuyện Lư Sinh nằm mộng được thành đạt lẫy lừng, rồi tiếp theo sau đấy lại bị
đầy ải khổ nhục hết biết. Đến khi choàng dậy tỉnh mộng, Lư thấy sư phụ Lữ ông,
vẫn đang lui cui rang chảo kê chưa kịp chín! Điểm khác nhau giữa câu
chuyện nước Tầu và Lư sinh là khi tỉnh ngộ, biết được lẽ vinh nhục đáo
đầu, chàng Lư bèn lập tâm tu tập, còn các Hoàng Đế Thiên Triều thì không. Họ
dần đưa nước Tầu nếm mùi nhục nhiều hơn vinh ngay trong đời thường mà vẫn u mê.
Cha truyền con nối, họ tiếp tục dẫn đưa nước Tầu nối tiếp kinh qua những trường
đại…ác mộng!
Tập đi
Trung đông, chuyến này là chuyến đi đầu tiên sau khi lên cầm quyền từ ba năm
trước, cũng là một chứng thực rằng lịch sử thì hay tái lập. Bay một vòng
qua các nước Ai cập, Saudi Arabia và Iran trong tuần qua (từ 19/1/2016 đến
23/1/2016) cũng có thể xem tương tự như cuộc tìm kiếm thuộc địa của Trung Quốc
hai nghìn năm trước tại vùng Trung và Tây Á.
Đến Ai
cập để nhắc lại ‘tình xưa nghĩa cũ’. Ai Cập là một trong những nước đầu
tiên công nhận Trung Quốc năm 1956 và cũng lại là đồng hội đồng thuyền trong
cái gọi là tổ chức các quốc gia phi liên kết (non-aligned). Hai nước Iran và
Saudi Arabia là hai nước cung ứng dầu cho Trung Quốc lớn nhất trong hơn hai
thập niên qua đến nay.
Mục đích
chuyến đi, được ‘công bố’ là nhằm thúc đẩy chương trình tái lập một mạng lưới
‘con đường tơ lụa’ kết nối các khu vực thương mại trong vùng, từng chính thức
lập ra trong đời Hán (206 BC-220 AD).
Mộng mà.
Tha hồ thả hồn theo tham vọng dẫn đưa.
Tập cầu
tìm quan hệ kinh tế chặt chẽ về năng lượng, xuất khẩu, an ninh năng lượng. Tập
lại muốn xây dựng quan hệ về chính trị, quân sự, ngoại giao …để tạo ấn tượng Trung
Quốc ngày nay đã đến lúc trở về vị trí là một quyền lực quan trọng trên thế
giới, như hơn hai ngàn năm trước.
Có những
thực tế vạch ra nguyên nhân vì sao giấc mộng kê vàng này tái sinh. Là một công
xưởng cho thế giới, và là nền kinh tế số 2 trên toàn cầu, lại bàn cứ trên một
vùng đất cạn sạch tài nguyên so với nạn nhân mãn, hẳn nhiên Trung Quốc khát
dầu, mà Trung Đông lại là nơi cung ứng hơn nửa số dầu để Trung Quốc có thể giữ
nền kinh tế của họ vận hành.
Khi những
kẻ độc miệng phê phán rằng trước giờ Mỹ xen lấn vào tình hình Trung Đông vì Mỹ
muốn cầm nắm nguồn cung ứng dầu tại đó. (Operation Iraqi Freedom, viết
tắt là OIF, tên gọi chính thức của chiến dịch đánh Iraq lật đổ Saddam Hussein - bước đầu của chiến dịch lớn hơn là Operation Enduring Freedom, để chống khủng bố toàn cầu - bị mỉa mai sửa thành Operation Iraqi Liberty, viết tắt là OIL, Dầu, để ám
chỉ Mỹ khuấy đảo Trung đông vì dầu. Trung Quốc cũng không ít lần kết án,
tố cáo Mỹ.)
Có thể
không sai, miễn đừng quên là Mỹ chỉ nhập khẩu dưới 13%
nhu cầu về dầu khí của họ từ Trung đông. Trung Quốc lại là nước
ngốn nhiều dầu Trung Đông nhất!
Hơn nữa,
người ta đồ rằng, Trung Quốc quan tâm về khu vực Trung Đông vì nơi này có thể
là địa bàn để đào tạo, cung ứng phương tiện, là hậu phương cho các tổ chức Hồi
giáo ly khai phía Tây Trung Quốc, nơi có khoảng hơn 40 triệu người Hồi giáo.
Nghe có lý. Thế sao họ chả lo từ sớm, mà đợi mãi đến nay?
Chính
sách của Hoa Kỳ dưới các nhiệm kỳ chính phủ của Obama ‘có vẻ’ muốn nhường việc
thiên hạ cho thiên hạ lo. Sự rút quân vội vã ra khỏi Iraq và sự thay đổi
sách lược ngoại giao tại vùng Trung Đông do vậy đã tạo ra một khoảng trống
quyền lực quân sự và chính trị tại đó. Rối ren các loại được dịp bùng
lên. Một trong các hệ quả là Nga chụp lấy cơ hội, nhân danh chống IS để
nhảy vào bành trướng ảnh hưởng. Âm mưu gì chưa rõ, nhưng ai cũng thấy rõ là Nga
đang ‘ôm đầu máu’.
Nhưng chuyện
Nga đang cố đóng vai trò quan trọng hơn tại Trung Đông khiến anh Tập bâng
khuâng … Anh sợ mất thời cơ!
Trước
giờ, họ Tập luôn mồm cổ xúy cho Chương Trình Con Đường Tơ Lụa, còn gọi là ‘một
vành đai, một con lộ’ (One Belt, One Road – Nhất Đái, Nhất lộ). Theo đấy,
Trung Quốc có tham vọng thành lập một hành lang kinh tế thương chạy dọc theo
con đường tơ lụa ngày xưa, xuyên qua Tây Á, Trung Á, Trung Đông, đến tận Âu
châu. Chương trình này còn bao gồm một tuyến thủy lộ nối liền Trung Quốc với
các hải cảng ở Phi châu, lên kênh đào Suez, và tiến vào Địa Trung Hải.
Thủy lộ xuyên vùng biển Đông của Việt Nam là một phần quan trọng của
tuyến thủy lộ này vì nằm ngay cửa ngõ giao thương chiến lược của Trung Quốc.
Dưới thời
nhà Hán, con đường tơ lụa được xem như con đường thương mại chính của vùng
trung tâm Á châu. Thương mại phát triển phồn thịnh dẫn theo các trao đổi, phát
triển ngoại giao, văn hóa, kiến trúc … Hôm thứ Tư tuần qua, Trung Quốc công bố
hồ sơ ‘Chính Sách Ả Rập’, nội dung có nhắc lại hào quang ngày cũ, với hàm ý
rằng những ngày vàng ấy có thể tái lập lại thời nay.
Các sử
gia thì ghi nhận giá trị quan trọng nhất của con đường tơ lụa là sự trao đổi về
văn hóa và tư tưởng giữa các nước trong vùng. Các nhà nghiên cứu thì lại kết
luận là văn hóa tư tưởng Trung Quốc hiện nay rất xa lạ với văn minh Ả Rập, nếu
không muốn nói thậm chí chống chọi nhau. Ngày xưa, dưới các triều đại Hán, Đường, văn minh văn hóa, tôn
giáo, của Trung Hoa có nhiều thứ để đóng góp vào nền văn minh Đông phương.
Ngày nay dưới triều đại Cộng sản Trung Quốc thì chẳng những vô thần mà
còn triệt phá tôn giáo. Sự đàn áp dã man dân Hồi giáo vùng Tân cương, các
giáo phái Cơ đốc, và Pháp Luân Công đủ nói lên điều này. Ngược lại, văn minh Ả Rập lại hội nhập tôn giáo
vào đời sống hằng ngày, ngay cả trong cơ chế chính trị và luật pháp.
Ngày xưa,
nước Trung Hoa mở con đường tơ lụa mang bán cho thiên hạ. Ngành thời
trang của nước Ý vẫn ‘khét tiếng’ đến ngày nay vì Ý là cửa ngõ của Âu châu
trông ra Địa Trung Hải. Ngày nay anh Tập không đi bán hàng, anh vác tiền
đi mua dầu. ‘Vai mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá, người nghe ầm ầm’.
Thế là,
cả ba quốc gia nói trên đều đồng thanh ủng hộ chương trình tơ lụa, giấc mộng
vàng của họ Tập. Sao không được chứ? Người Hoa mại bản hay nói ‘đồng tiền đi trước là đồng tiền
khôn’. Vài mươi tỉ đô hứa hẹn đầu
tư tại Ai Cập, và hợp đồng mua bán dầu khổng lồ hàng 600 tỉ đô tại mỗi nước
kia, và một lô mấy chục hợp đồng hợp tác kinh tế, thì khác biệt chống chọi văn
hóa, tư tưởng, tôn giáo gì gì cũng dường như được san bằng, giũa tròn, và làm
sáng mắt, dịu giọng mọi phe trong cuộc. Ít ra trong giai đoạn này, khi
giá dầu lao dốc không phanh, Saudi rất cần khách hàng ổn định, vì lổ
thủng ngân sách quá lớn, và phải lâm chiến với IS để giữ ngai vàng, còn Iran
thì đang lóp ngóp bước ra khỏi cấm vận, còn quẩn quanh chưa biết bán dầu cho
ai! Từ căn bản đồng thuận này Trung Quốc hy vọng sẽ nhân lên thành một sự đồng
thuận với tất cả các quốc gia trong vùng Trung Á về chương trình con đường tơ
lụa.
Về phần Trung
Quốc, thì việc toàn cầu hóa đồng Nhân Dân Tệ (NDT) có lẽ cũng là một mục tiêu. Giá
dầu được định bằng NDT, nếu xẩy ra, là một thắng lợi chiến lược cho Trung Quốc
trong việc đưa ra một cấu trúc tài chính mới xây dựng trên đồng NDT. Từ đó Trung
Quốc sẽ sử dụng cơ sở tại Trung Đông để kiêm luôn vai trò là cửa ngõ tài chính
trên thực tế cho khối các nước Phi châu kế bên, vốn là một địa bàn quyền lợi
rất lớn và béo bở của Trung Quốc mà họ đã âm thầm xâm thực lâu nay.
Về chính
trị và quân sự, trước giờ Trung Quốc chỉ phải lo những chuyện phên dậu, phiên bang (Tây Tạng, Mông Cổ,
Việt Nam …) Hiện nay họ tin là đến lúc họ phải bành trướng thế lực lên
mức chiến lược toàn cầu cho xứng tầm với sức mạnh kinh tế và quân sự đang có
trong tay! Việc nhẩy vào Trung Đông cũng là hành động ứng phó với sự hiện
diện quân sự của Hoa Kỳ trong sân sau của họ tại Thái Bình Dương, và đối với vị
trí thượng phong và quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và hầu hết các nước trong
vùng Trung Đông bấy lâu nay, nhất là từ sau trận chiến tại Iraq và chiến dịch
chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Các dữ kiện
này khiến Trung Quốc luôn cảm thấy thất thế. Họ tìm mọi cách hóa giải. Từ việc
xây ống dẫn dầu xuyên Trung Á cho đến xây cảng dầu khí ở Miến Điện, Trung Quốc
muốn đi tắt, khỏi phải qua thủy lộ biển Đông, vòng qua eo biển Malaca, ra Ấn Độ
Dương, là các nơi Hải quân Hoa Kỳ luôn luôn có khả năng khống chế.
Ngay
trước chuyến đi Trung đông, có vấn đề Trung Quốc sẵng sàng gởi quân qua tham
chiến ở nước ngoài trong cuộc chiến chống khủng bố. Động thái này được xem
như một cách làm dáng, ra vẻ ta đây cũng sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp công
ích hòa bình thế giới.
-
Trung Quốc lo lắng vì Việt Nam?
Điều khôi hài đáng ghi nhận mà không sợ lạc đề ở
đây, là đang khi anh Tập làm dáng oai phong cho chuyến đi Trung Đông, thì tại
Việt Nam, giữa lúc cơn
lên đồng giành giật ngai vàng cao nhất của Đảng Cộng sản, nhiều tin đồn đoán thứ
thiệt thật giả được rỉ rò, bú mớm, xào xáo, tung ra tứ phía làm rối mù con mắt
thiên hạ. Người bảo kẻ này theo Tàu, kẻ bảo người kia tham nhũng không xứng
ngai vàng. Mớ bòng bong bùn lầy tứ tung không biết đâu mà lường. Nhưng có một
cái rõ ràng và đã dứt khoát bất biến, bất cứ cái ngai vàng của Đảng sắp tới giật
về cho ai, đó chính là: “dân chủ xã hội chủ nghĩa” – dân được quyền làm chủ xuống hố cả nút vì...Đảng.
Nói vì Tàu, vì anh Tập đã sang tận nơi chỉ đạo, đã thao túng, đã chọn lựa, chỉ
định sẵn trước Đại hội thì cũng không hoàn toàn sai. Vì nếu không có sao phát
ngôn nhân của Đảng lại phải thanh minh thanh nga rằng “Trung Quốc không thể tác
động vào đại hội 12 của Đảng”. Nhưng đổ hết cho Tàu và anh Tập thì có lẽ
hơi…oan quá. Hãy nhìn lại chuyến vượt biên đơn độc lén lút của Hồ sang Tàu vào
đầu năm 1950 hay cả bầu đoàn thê tử có cả đệ tử ruột của Hồ sang chầu chực ở
Thành Đô năm 1990 thì hỏi là do ai xúi bẩy, ai lôi kéo hay tự Đảng tự nguyện
chui vào rọ…Tàu? Lại có người biện minh tại những hồi đó Đảng lẻ loi, cô độc
nên bĩ cực làm…liều. Vậy thử hỏi hiện nay Đảng đã làm gì trước sự mời gọi của
Hoa Kỳ, Liên Âu, Phi Luật Tân? Lại nói “phe thân phương Tây” phải chấp nhận bỏ
cuộc, thúc thủ trước kết quả bầu bán như thế là vì phe thân Tàu quá mạnh cũng
không phải không đúng. Nhưng biết là yếu sao không lấy sức mạnh vô song của dân
chủ, nhân quyền để “thế thiên hành đạo” hay cũng chỉ rặt một phường lấy vỏ bọc
thân Tây để lụy Tàu cho đẹp mặt?
Vì vậy anh Tập đang còn phải sắm vai quân tử Tầu
đi mua dầu, ai rảnh đâu lo cho việc xem như đã xong ở xứ cựu An Nam!
Nhưng có, anh Tập đã đồng ý cho hầu cận sang để úy lạo mừng “Đại hội
thành công” rồi đấy.
Trung Quốc luôn luôn trị quốc bằng biến pháp.
Trong lịch sử cận đại từ Tôn Dật Tiên, đến Mao, đến Đặng, chính sách đối với
các dân tộc thiểu số và đối với các phiên bang dã man như thế nào bất tất phải
nói thêm. Riêng đối với Việt Nam, chính sách của Trung Quốc hiện nay chưa có
bất cứ một thay đổi gì từ biến pháp của Đặng. (Khi Liên Xô tan vỡ đầu thập niên
1990s, có kẻ lãnh đạo Việt Nam chạy qua quỳ lạy van, xin nhưng Đặng không thèm
tiếp, chỉ nhắn lời vắn tắt đại khái là: Trung Quốc –Việt Nam vẫn là đồng chí,
hết là đồng minh!) Ai nói người Cộng sản Việt Nam không biết mơ nào?
Có điều, rặt những ‘giấc mộng con’, nhỏ mọn ti tiểu, chỉ giỏi ức hiếp,
hợm hĩnh với...dân mình.
-
Trở lại
vấn đề, lâu nay quan hệ của Trung Quốc trong vùng Trung đông và Phi châu cũng
chỉ là quan hệ trục lợi về kinh tế. Dù người Hoa có bị IS bắt chém đầu tại Syria, dù tàu bè Trung
Quốc có bị bắn phá, thủy thủ bị bắt làm con tin tại Phi châu, họ có vẻ muốn
dành các việc ấy cho các nước khác lo. Năm ngoái anh Tập cũng đã hủy chuyến đi
Trung Đông vì ‘né’ không dám dây vào đang lúc cuộc nội chiến tại Yenmen đang
bùng lên, có sự tham gia chi
phối của Saudi Arabia và Iran. Và
tại Trung đông, chưa bao giờ Trung Quốc dám len vào rắc rối lớn nhất, lâu đời
nhất là xung đột giữa Do thái- Palestine. Nên lần này, nhìn vẻ mặt thân thiện
của Tập với lãnh đạo Saudi Arabia và Iran, là hai nước có xung đột nghiêm trọng
và đang trên bờ chiến tranh -
vì vụ xử tử một giáo sĩ Hồi giáo, phái cực đoan Shiite nổi tiếng tại Riyadh - thì cũng chả ai dám tin là Trung Quốc sẽ đóng
một vai trò trung gian hòa giải thành thật gì đâu. Anh Tập còn đang mơ chuyện
khác…
Anh Tập
lại có vẻ muốn chơi sang kiểu Mỹ. Chưa bao giờ Trung Quốc đưa ra một hồ sơ về
chính sách tại Trung đông. Lần này chẳng là Tập muốn tỏ ra là một nhà lãnh đạo
quốc tế có trọng lượng, quang minh chính đại, bằng việc công bố hồ sơ chính
sách nêu trên.
Rõ ràng,
là muốn chơi trội, để cả thế giới Trung Đông hiểu rằng, anh Tập là dân chơi
quốc tế thứ thiệt, anh không phải chủ tiệm mì hoành thánh, anh không rao bán
phá xắn hay tơ lụa gì, anh có
tiền và anh có quyền, muốn gì
là báo thẳng, có giấy tờ, chứ không úp mở. Anh Tập mơ làm Hán Vũ Đế, anh mơ là
Đường Minh Hoàng…
Trong giấc mộng vàng, làm gì có chiến tranh hay
các rắc rối khác, thực tế thì anh Tập với thói tinh ranh ích kỷ hại nhân cố hữu
của một tay mại bản người Hoa, muốn tránh né mọi trách nhiệm, mọi khó khăn trở
ngại để theo đuổi việc tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế bên ngoài để xây dựng
bên trong theo biến pháp của họ Đặng đề ra từ cuối thập niên 1970.
Nhưng, được thế hay không lại là chuyện khác. Cả Iran và
Saudi Arabia đều có trong tay rất nhiều phe đảng. (Iran có lực lượng cố vấn
quân sự nằm vùng tại Iraq, chí nguyện quân tại Syria, bộ hạ tại Palestine và
tay chân trong Hezbollah …vốn rất chuyên nghiệp trong các công tác ủy
nhiệm. Saudi qui tụ được lực lượng khoảng 30 nước trong một liên minh chống IS
gần đây…) Trong bối cảnh xung đột chính trị và tôn giáo triền miên trong khu vực
Trung Đông và trong tình huống đang sôi sục hiện nay, coi bộ anh Tập khó tránh
được bị cuốn vào những trận can qua như mong ước. Một khi quyền lợi Trung Quốc
gia tăng mạnh, cũng có nghĩa là có ngày các quyền lợi ấy sẽ bị đánh phá nếu anh
Tập không có lời đáp thỏa đáng. Ngày ấy là ngày khi một hay nhiều bên có
xung đột hỏi thẳng Tập câu hỏi ‘Người ấy và em, anh chọn ai?’
Giời ạ,
hãy nhìn xem Trung Quốc hôm nay! Kinh tế hàng thứ nhì trên thế giới là
tính theo sản lượng cả nước, nhưng tính theo bình quân thu nhập đầu người,
ngoại trừ tham quan và bọn doanh gia nhóm lợi ích đầu sỏ (vested interests), đa
số cháo không có mà ăn mỗi bữa. Kinh tế đứng hàng thứ nhì, mà biến đất nước
thành cái bãi rác công nghiệp khổng lồ, và hơn hai trăm ngày khói ô nhiễm phủ đen
trời ngay tại thủ đô Bắc Kinh! Nợ công trong nước là hơn 28 ngàn tỉ Đô hiện
không hề có một cách gì giải quyết thỏa đáng. Ngoại tệ dự trữ đang là 4.500 tỉ
Đô, giữ trong US Treasury Bonds như một loại 'của để dành', mà nay chỉ còn khả
năng chi tiêu dưới một ngàn tỉ trong số ấy. Số này vẫn là tiềm năng lớn
ư? Nhầm đấy, chỉ riêng tuần qua, chính phủ Trung Quốc phải bù lỗ gần 50
tỉ Đô cho thị trường chứng khoán khỏi thở hắt ra chết tốt. Theo đà này, dưới
ngàn tỉ Đô đủ bù lỗ được bao lâu? Mau lắm hả?
Thì đã
bảo là giấc mộng kê vàng đó thôi.⃝