Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Cái giá của biểu tình

Phạm Hồng Sơn

Một tòa nhà sắp sập, không còn cách nào khác phải tức khắc cùng nhau: Chống nhà cứu người.

Kẻ cướp phá nhà lúc nửa đêm, không ai còn ngại phá tan giấc ngủ hàng xóm để không tri hô: Cướp, cướp!

Biểu tình (manifestation, demonstration) để yêu sách một vấn đề xã hội về bản chất cũng là một hoạt động có tính cấp cứu, ngoại lệ. Vì vậy nó phải được phép, và vốn tự lương năng của nó đã hiểu, được vượt qua những luật lệ, phép tắc thông thường.

Giống như chống nhà cứu người, biểu tình nhiều lúc phải khẩn trương, cấp thời, không bỏ lỡ một phút giây cơ hội. Tương tự như chống cướp, biểu tình buộc phải có đặc tính hô hoán, náo động, thậm chí làm ngưng trệ các hoạt động khác của xã hội - nhằm đánh động, ngăn chặn, tố cáo, kêu gọi, tập hợp quan tâm, mổ xẻ, phụ giúp của công luận, cộng đồng trong nước và quốc tế.

Dĩ nhiên, vẫn có những tuần hành câm, những tọa kháng, thắp lửa âm thầm. Nhưng đó chỉ là những biến thể hạ cố của biểu tình. Và sẽ là vô nghĩa khi những hình ảnh, sự kiện biểu tình câm không được loan tải để thông tri, thức tỉnh công luận.

Cố nhiên, một hoạt động ngoại lệ sẽ có những hậu quả ngoại lệ, có thể tuột khỏi kiểm soát của ngay chính những người biểu tình điềm tĩnh nhất. Chính đó là nơi thể hiện vai trò của người được trao trách vụ quản trị xã hội. Để giảm thiểu các hệ lụy không nên có, nhà quản trị xã hội phải cần đến luật và các biện pháp khuyến cáo, đề phòng nhưng phải trên cơ sở minh bạch và tuyệt đối không cản trở, thủ tiêu các hiệu lực, thuộc tính cơ bản của biểu tình.

Những hậu quả ngoại lệ thường có vẻ gây tổn hại, hoặc thực sự gây thiệt hại trong ngắn hạn, của biểu tình lại không hoàn toàn tai hại nếu nhìn sâu hơn và được kê tính trên lợi ích chung của toàn xã hội.

Giữa việc đình trệ lưu thông khu trung tâm đô thị trong nhiều ngày hoặc dài ngày để đổi lấy một lực lượng cảnh sát, công chức tuyệt đối không có 'anh hùng Núp', không đòi hối lộ; Và cuộc sống cứ trôi đi đều như thường nhưng với hệ thống cảnh sát, công chức luôn là lực lượng 'còn đảng, còn mình', luôn sẵn sàng 'hành dân' hơn 'hành chính', bạn chọn điều gì?

Giữa một bên toàn bộ công sở, công ty, cơ sở kinh doanh tại một số khu vực phải đóng cửa trong nhiều tuần hoặc nhiều lần để đổi lấy một chính quyền không dối trá, không bán nước, không dám không từ chức khi mắc lỗi; Và một xã hội cứ thờ ơ, cúi đầu, phi biểu tình, phi ngưng trệ nhưng toàn xã hội phải nơm nớp sống trong lo hãi bị 'cướp ngày', phải sống với hiện tại và tương lai đầy chất độc trên lãnh thổ chủ quyền mỗi ngày bị thu hẹp do xâm lấn, xà xẻo cho ngoại bang, bạn chọn bên nào?


Những nhà quản trị xã hội, những người cầm quyền (thực sự) “của dân, do dân và vì dân” không thể không thấu hiểu các giá trị sâu xa cao cả như thế của biểu tình, với những cái giá không dễ chịu phải đối mặt và phải trả, để vừa phải hành xử trách nhiệm với quyền lực phục vụ được ủy thác và lương bổng đặc lợi được chu cấp bởi dân, và vừa phải tôn trọng quyền biểu tình tất yếu khi dân bất bình, lại vừa phải có nghĩa vụ làm dịu những tác dụng phụ không thể tránh khi biểu tình xảy ra. Đó là một nhiệm vụ cốt tử, cũng là bổn phận và vinh hạnh, không thể thoái thác của những kẻ được gọi, hay tự nhận, là: Công Bộc.

Chỉ có kẻ cướp, kẻ cầm quyền, chính quyền bất chính-phản động mới tìm cách cấm ngặt biểu tình, mới vu cho người biểu tình ôn hòa đủ mọi tội trạng, và đang tâm trấn áp, hăm dọa, đánh đập cả đàn bà, trẻ em.

Chính khi đó, Biểu Tình càng quí giá.


Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Sự biến hóa của Đế quốc



Le Monde
Phạm Trọng Tri dịch

Phóng viên Michel Lefebvre của Le Monde phỏng vấn hai sử gia Mĩ, Jane Burbank và Frederick Cooper, về sự chìm nổi của các thực thể chính trị có tên Đế quốc (Empire).

Michel Lefebvre (Le Monde): Các ông đã làm việc rất lâu về các đế quốc để viết cuốn Đế quốc, từ Trung Hoa cổ đại cho tới ngày nay, do Payot ấn hành năm 2011[i]. Các ông có thể cho biết một đế quốc thường được hình thành như thế nào?

Frederick Cooper (F.C.): Quan hệ giữa các thực thể chính trị ít khi đối xứng. Khi một nhóm xã hội này mạnh hơn một nhóm khác, điều này sẽ tạo ra một trạng thái bất ổn có thể gây ra một tình trạng bất bình đẳng gia tăng về chính trị. Sẽ có một vài cộng đồng có một số lợi thế so với các cộng đồng khác về: sự gần gũi các huyết mạch thương mại, một khả năng sinh sản nhiều hơn một chút hoặc một lãnh đạo quyến rũ. Họ bắt đầu tìm kiếm các đồng minh, thông qua hôn nhân chẳng hạn, và như thế họ khởi sự một công cuộc mở rộng quyền lực. Nếu, như hầu hết mọi nơi trên thế giới, đó là các xã hội đa nguyên, không chỉ chấp nhận một nền văn hóa, người ta sẽ bắt tay vào việc tạo ra các cấu trúc đế quốc. Đó là các cấu trúc quyền lực có tính bất đối xứng và bành trướng nhằm duy trì một sự phân biệt nào đó giữa các dân tộc đã bị nhập vào trong hệ thống.

Le Monde: Trong cuốn sách có một so sánh có tính phát hiện về Trung Hoa và La Mã. Các ông có thể cho biết tóm tắt các khác biệt giữa hai đế quốc này, một ở châu Á, một ở phương Tây?

Jane Burbank (J.B.): Có một thời điểm hết sức quan trọng khi La Mã quyết định trao quyền công dân cho các thần dân không phải người La Mã. Đó là sự kiện có tầm vóc lịch sử vĩ đại cho toàn bộ thế giới. Trung Hoa chưa bao giờ làm điều đó vì nó được xây dựng trên những nguyên lý khác hẳn. Chủ quyền là một thuộc tính của hoàng đế, kẻ cai trị thông qua sự trợ giúp của nhóm cận thần. Và trong lịch sử đế quốc của Trung Hoa không có ý tưởng đó, ý tưởng mà chúng ta cho là “phương Tây”, mở rộng quyền lực cho các công dân.

F.C.: Tuyên bố của Caracalla[ii] năm 212 đã mở rộng quyền công dân cho tất cả mọi cá nhân tự do thuộc sự quản lý của đế quốc, không bao gồm nô lệ và phụ nữ. Trước khi có tuyên bố này, vẫn có thể đạt được tư cách công dân nhưng khó khăn hơn. Trong các vùng bị chinh phục, để trở thành công dân La Mã, các thần dân nơi đó phải học tiếng La Tinh, hội nhập văn hóa La Mã và xây dựng quan hệ với giới chức La Mã.

Le Monde: Như thế, Trung Hoa đã đi theo một con đường rất khác, vậy điều gì là đặc biệt?

J.B.: Ở Trung Hoa, tham vọng đế quốc chưa bao giờ vắng bóng ngay cả lúc đất nước không do một dòng tộc nào khống chế trong nhiều thế kỉ. Hoàng đế là người đảm bảo hòa bình, định ra luật pháp, bảo đảm trật tự. Một nét đặc biệt khác ở Trung Hoa là thiết chế quan liêu-hành chính (bureaucratie) được hình thành trước rất lâu so với các nơi khác. Trở thành quan viên, nghĩa là thành người phục vụ hoàng đế, đã là một tham vọng của giới tinh hoa. Nhưng đối với hoàng đế, hệ thống hành chính là một phương tiện để kiểm soát quyền lực địa phương và để tạo ra giới quí tộc. Người Trung Hoa đã sáng chế ra sự kiểm soát bằng hệ thống quan liêu, bởi thế họ đã cai trị thành công các vùng đất rất trù phú trong thời gian dài.

Le Monde: La Mã, thông qua việc trao quyền công dân cho các dân tộc bị chinh phục, đã sáng tạo ra một ý niệm về chủ quyền[iii] có tính đặc trưng cho phương Tây; các đế quốc khác, từ Mông Cổ cho tới Abbasside[iv], đã thu nhập nhiều dân tộc có các phong tục và tôn giáo khác nhau nhưng lại bằng một cách khác…

J.B.: Chúng ta có thể nhớ đến một loạt các đế quốc “Á-Âu” được xây dựng dựa trên các văn hóa cai trị của các nhóm người du cư ở vùng hoang nguyên (Con đường Tơ lụa). Đối với người Mông Cổ hoặc người Thổ của châu Á, hoàng đế là hoàng đế của tất cả mọi người nhưng ông ta lại trao nhiều quyền cho giới tinh hoa địa phương và chấp nhận các tôn giáo khác nhau. Tính đa dạng tạo nên sự vĩ đại cho hoàng đế. Ngay cả khi đang thôn tính các đô thị ở trung Á, người Mông Cổ tránh đụng tới các giáo sỹ địa phương và giới thợ. Đối với các nhà chinh phục Mông Cổ, những người đó là những nhân vật hết sức hữu dụng. Còn khi đế quốc La Mã bị Cơ đốc hóa thì tôn giáo lại trở thành một bộ phận của văn hóa đế quốc, gây khó khăn cho sự tồn tại công khai của các tôn giáo khác. Nhưng dưới con mắt của người Mông Cổ, người Nga, người Ottoman, sự đa dạng về dân tộc trong đế quốc là điều tự nhiên và có lợi.

Le Monde: Đó cũng đúng với các đế quốc Omeyyade[v] và Abbasside?

F.C.: Các đế quốc Hồi giáo đã được sinh ra bên cạnh các đế quốc khác, đế quốc Byzantin và đế quốc Ba Tư. Đầu tiên, họ còn ở cách khá xa trung tâm quyền lực của các đại cường đó, điều này cho phép họ củng cố quyền lực trước khi đối đầu với những đế quốc cổ xưa hơn và hùng mạnh hơn họ trên phương diện quân sự. Thời kỳ lúc các caliphat[vi] tự hình thành và phát triển sau khi Mahomet qua đời, ban đầu họ chỉ là một nhóm tinh hoa rất giới hạn, hoàn toàn là người Ả Rập và tạo lập quanh một vài bộ tộc trong vùng. Nhưng họ đã đạt được sự bành trướng rất nhanh và không phải quá vất vả trong việc cải giáo các dân tộc bị chinh phục. Caliphat của Omeyyade đã sử dụng một số cấu trúc của Byzantin để cai trị một số vùng trong đế quốc của mình. Nhưng sau này, chính sách đó đã thay đổi do nhiều người tự cải sang Hồi giáo và các caliphat đã triển khai nhiều phương thức cai trị phức tạp hơn. Khi caliphat Omeyyade bị thay bằng caliphat của Abbasside vào năm 750 thì nảy sinh ra vấn đề làm thế nào để cai quản được một cấu trúc quá rộng và quá đa dạng. Đầu tiên, họ sử dụng người Ả Rập – những người thuộc dân tộc sáng lập đế quốc -, sau đó, với thời gian và nhiều thành công, họ làm theo chiều ngược lại. Ví dụ, để có các nô bộc trung thành, họ dùng những đàn ông trẻ tuổi không phải Ả Rập cũng không phải Hồi giáo nhưng phải trở thành những người lệ thuộc hoàn toàn, bị cải thành Hồi giáo và đào tạo thành các viên quản lý cho caliphat. Đó là một biến thể của giới quan lại Trung Hoa, nhưng khác biệt ở chỗ con người có nguồn cội riêng biệt trước đó trở thành lệ thuộc tuyệt đối vào caliphat.

Le Monde: Chúng ta vừa nói về các đế quốc Trung Hoa, La Mã và Hồi giáo, chúng đã biến đổi ra sao, có buộc phải biến mất hay tự tái sinh không?

J.B.: Để tiếp tục tồn tại, các đế quốc đều phải điều chỉnh các chính sách để đối phó với các thách thức mới. La Mã ban đầu là một nước cộng hòa, sau đó là principat[vii] và, với thời gian, đã trở thành một đế quốc Cơ đốc. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh, đó là chính sách của đế quốc thường rất linh hoạt, rất năng động. Một đế quốc có thể mất một phần lãnh thổ nhưng không để mất tất, đó là trường hợp đế quốc Anh. Vào cuối thế kỉ XVIII, nó phải nhả các thuộc địa tại Bắc Mĩ nhưng vẫn giữ được các sở hữu ở vùng Ca Ri Bê cho tới tận những năm 1960. Những nơi đó cho sản lợi nhiều hơn các vùng ở Bắc Mĩ. Hơn nữa, Đại Anh quốc vẫn còn cả bán đảo Ấn Độ.

Le Monde: Nếu nhìn lại thế kỉ XVII, những đại cường nằm ở đâu?

J.B.: Thay vì xếp các đế quốc thành tiền hiện đại hoặc hiện đại, chúng ta sẽ thấy thú vị hơn nếu tìm hiểu sự cạnh tranh giữa các đế quốc qua chiều thời gian và không gian. Vào thế kỉ XVI, đầu tiên ta có Đế quốc Ottoman[viii]. Kẻ thù chính của Charles Quint[ix] chính là Soliman Xa hoa[x]. Người Ottoman đã đoạt được một phần lớn Đế quốc La Mã và có một vị thế rất lớn trong nền kinh tế toàn cầu lúc đó. Họ là những người quyền thế ở khu vực Địa Trung Hải, ở một phần châu Âu và có nhiều lợi thế để hướng về phương Đông, đối mặt với Trung Hoa - một nơi giàu có của thế giới. Người Ottoman đã biết nhiều cách để cai quản các lãnh thổ của họ. Như chúng ta đã đề cập, họ biết biến nô lệ thành các viên quản lý cao cấp. Đồng thời họ còn tạo ra một hệ thống hậu duệ triều đại hết sức đặc biệt. Đó là những người được sinh ra chỉ từ hoàng đế với các bạn tình không giá thú để tránh được các vấn đề liên đới tới các quyền lợi hôn nhân trong giới quí tộc. Như vậy, vào thế kỉ XVI, chúng ta có các đế quốc hùng mạnh Ottoman, Habsbourg[xi] và Trung Hoa thuộc nhà Minh và sau đó là Thanh, hai triều đại đã thống nhất Trung Hoa.

Le Monde: Chúng ta đã đến từ bờ bên kia của Đại Tây Dương vào năm 1492. Các ông giải thích thế nào về việc Hoa Kì đã được sinh ra từ phong trào chống chế độ thực dân Anh rồi chính họ lại trở thành một đế quốc thực dân?

F.C.: Hoa Kì đã hiện ra từ một cuộc nổi loạn chống lại một đế quốc và cuộc cách mạng đó đã được hỗ trợ bởi một đế quốc kẻ thù của Anh, đó là Pháp. Ở châu Mĩ lúc đó còn một đế quốc thứ ba rất mạnh, đó là đế quốc Tây Ban Nha. Các nhà lập quốc Hoa Kì đã có ý thức rất sâu về các rủi ro phải sống trong một thế giới gồm nhiều đế quốc hùng mạnh; đó chính là lý do tại sao 13 thuộc địa đã quyết định không tạo thành 13 Nhà nước-dân tộc mà cùng liên kết tạo thành một liên hiệp để có thể sống sót trong một không gian đầy các đế quốc. Thomas Jefferson đã bảo vệ ý niệm “đế quốc tự do”. Nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới sự tự do đó cũng dành cho người nô lệ và người bản địa Indien. Đó là đế quốc tự do dành cho người Âu-Mĩ. Khái niệm đó có tính nền tảng đối với họ. Người Mĩ, người Âu, người da trắng tự cho họ quyền bành trướng lãnh thổ của họ, đó là cái chúng ta gọi là Định mệnh Khai hóa (Manifest Destiny)[xii].

Le Monde: Chúng ta đang sống trong một hệ thống chính trị còn rất mới, Nhà nước-dân tộc, trong khi các đế quốc đã có một lịch sử rất dài lâu. Một số đế quốc cổ xưa đã có những phương cách chúng ta có thể gọi là các sách lược đế quốc. Liệu các sách lược này có đe dọa các Nhà nước-dân tộc?

J.B.: Đã có những trường hợp khá rõ ràng, như nước Nga. Đó là một ví dụ tốt cho thấy một đế quốc có những biến chuyển gây mất hẳn một số nguyên tắc trong suốt thế kỉ XX. Đế quốc Nga, như nó tự xưng một cách chính thức, đã bị thay thế bằng Liên Xô. Người cộng sản đã tìm được một công thức để quản lý sự đa dạng về sắc tộc – thậm chí cả về dân tộc – bằng một cách thức khá hiệu quả trong suốt 74 năm tồn tại của chế độ của họ thông qua việc tạo ra một liên hiệp các dân tộc khác nhau. Chúng ta có thể thấy lại trong đế quốc đó nguyên tắc cai trị của người Mông Cổ hoặc Á-Âu – tư duy thu nhận các dân tộc khác nhau vào một thực thể chính trị minh thị thừa nhận tính chất tạp chủng. Ngày nay, Nga vẫn còn là một liên bang và vẫn thành công trong việc tạo dựng một thực thể chính trị với nhiều tôn giáo và nhiều dân tộc khác nhau. Liên bang Nga hiện đang cố giành lại các lãnh thổ đã có ở “Đế quốc Xô Viết” cũ.

F.C.: Vấn đề dân tộc đã được đặt ra vào thế kỉ XIX. Nhưng khái niệm này liệu đã có tính quyết định cho chính trị chưa? Thế giới vẫn còn là thế giới của các đế quốc trong suốt thế kỉ XIX và ít nhất kéo dài cho tới giữa thế kỉ XX. Khái niệm thế giới gồm các Nhà nước-dân tộc, trong đó mỗi thành viên là một thực thể pháp lí tương đương với mỗi thành viên khác, là một khái niệm khá mới. Vào đầu thế kỉ XX, toàn thế giới có chưa tới 10 đại cường, tất cả đều có cấu trúc phức hợp và đa dạng, tất cả đều cạnh tranh với nhau. Trong nội bộ nhiều đế quốc lớn còn có các kình địch về dân tộc tính. Trong Đế quốc Áo-Hung, các kình địch đó ít nhiều đã được quản lí. Trong Đế quốc Đức, thực thể được hình thành vào cuối thế kỉ XIX, còn có các vùng trực thuộc nói tiếng Đan Mạch, Ba Lan, Pháp, Yiddish[xiii] và gồm nhiều thuộc địa hải ngoại tại châu Phi, Đông Á, Thái Bình Dương. Đó là một cấu trúc rất phức tạp. Đầu thế kỉ XIX, Đế quốc Ottoman bị suy yếu nhiều so với trước mặc dù vẫn rất rộng lớn và nằm ở ngay vị trí chiến lược. Đế quốc Anh có nhiều thuộc địa, nhiều vùng bảo hộ và các dominion[xiv] được quản lí bằng phương cách rất khác, trong đó chính quyền Anh phải dùng giới tinh hoa địa phương.

Thế chiến đầu tiên là cuộc chiến giữa các đế quốc, không phải giữa các dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc đã lớn lên qua cuộc chiến này. Nhưng sự kết thúc chiến tranh lại làm gia tăng quyền lực cho các đế quốc chiến thắng và phá tan các đế quốc bại trận; sự tái định hình này đã gây ra bất ổn trong nội tại cựu Đế quốc Áo và cựu Đế quốc Ottoman. Chính trong bối cảnh đó đã nảy ra một đế quốc mới – Quốc xã (nazi). Với quan điểm phân biệt chủng tộc, nó bắt đầu gây chiến chống lại các đế quốc khác, là Pháp, Anh, Xô Viết và Mĩ - những thực thể, rốt cuộc, đã chiến thắng vì biết thu nhận các dân tộc thay vì tiêu diệt họ.

Le Monde: Một phương diện khác của đế quốc, đó là khái niệm chủ nghĩa đế quốc do John Hobson, nhà nghiên cứu Anh, đề xuất, sau đó được Lê Nin dùng lại. Chủ nghĩa đế quốc về kinh tế vận hành như thế nào?

F.C.: Khái niệm chủ nghĩa đế quốc thị trường – là nhan đề của một bài báo, The Imperialism of Free Trade (chủ nghĩa đế quốc của tự do thương mại) – đã được hai sử gia, John Gallagher và Ronald Robinson, sử dụng cách đây hơn nửa thế kỉ. Đối với họ, thời điểm quan trọng là đầu thế kỉ XX, khi Đại Anh quốc trở thành một siêu cường kinh tế sau khi Napoléon thất thế và Đế quốc Tây Ban Nha bị tan rã ở Nam Mĩ. Anh là nước duy nhất có năng lực hàng hải khống chế các đại dương. Ý tưởng của các chiến lược gia Anh là thực hiện một loại soft power (quyền lực mềm) bằng cách đầu tư ra khắp thế giới. Nhưng trong cấu trúc bất đối xứng này, chủ nghĩa đế quốc tự do thương mại có thể rất nhanh chóng biến thành một dạng thuộc địa hóa kinh điển. Trong một chừng mực, đó chính là những điều đã xảy ra vào cuối thế kỉ XIX. Đầu tiên là sự thôn tính và chia chác châu Phi, tiếp theo là Thế chiến thứ nhất. Chúng ta cần phải xem xét kĩ lưỡng hơn những thay đổi trong các tương quan giữa kinh tế và quyền lực do chủ nghĩa đế quốc kinh tế, xuất hiện vào cuối thế kỉ XIX, đã tạo ra.

Sau Thế chiến hai, sau thất bại của Đức và Nhật, cùng với sự bất lực của Pháp và Liên hiệp Vương quốc Anh trong việc duy trì sức mạnh quân sự và kinh tế và, cuối cùng, với sự sụp đổ của các đế quốc thuộc địa, người ta đã có thể nghĩ đến một nguyên tắc dựa trên sự bình đẳng giữa các Nhà nước có chủ quyền được điều chỉnh thông qua các mối quan hệ thị trường xuyên quốc gia. Đó là một viễn tưởng không tương thích với hiện thực. Hiện thực là chúng ta đang sống trong một thế giới bất bình đẳng. Chúng ta đang sống trong một thế giới trong đó có những thực thể mạnh nhất vẫn khát khao mạnh hơn. Đó là những gì Hợp Chúng Quốc đang thực hiện bằng các phương tiện kinh tế, văn hóa và quân sự. Đó là những gì đang diễn ra từ Trung Hoa, quốc gia đã thành một quyền lực kinh tế và cũng là nước có năng lực đế quốc thông qua kinh nghiệm đế quốc của riêng nó trong hai nghìn năm với các kỹ năng hành chính. Hiện nay còn có mối hi vọng phục dựng một thực thể chính trị Hồi giáo, do người theo đạo Hồi ý thức được việc họ đã mất quá nhiều, nhất là sau khi Đế quốc Ottoman sụp đổ. Đó là nơi xuất phát của ý tưởng về một caliphat mới hoặc một Tân Ottoman bên bờ Đông Địa Trung Hải. Tại châu Âu, người ta cũng đang hi vọng về một sức mạnh mới. Không phải Tân Đế quốc La Mã, mà là một cấu trúc liên bang bao gồm sự hiện tồn của tất cả mọi Nhà nước thành viên của Liên hiệp châu Âu với một chính sách mới vượt hẳn trên các Nhà nước. Đó là một giải pháp phi đế quốc, phi quốc gia.

Le Monde: Các ông muốn nói rằng các đế quốc không bao giờ chết?

J.B.: Thật sự không có câu trả lời cho vấn đề cáo chung của đế quốc. Người ta có thể đã nhiều lần cho rằng đế quốc đã chết trong lịch sử Trung Hoa nhưng rồi ngày hôm nay nó đang quay lại một cách ấn tượng sau một thời kỳ suy yếu. Lịch sử quan tâm đến khoảng thời gian dài. Có thể là ý tưởng Nhà nước-dân tộc sẽ bị thay thế bằng những thực thể chính trị khác phức tạp hơn, lấy tên hoặc không lấy tên đế quốc. Chúng ta cũng nên nhớ rằng từ này trong nửa đầu thế kỉ XX mang một nghĩa tích cực. Chúng tôi đang sống ở tiểu Bang New York và cái tên gốc của nó là Nhà nước (tiểu bang) Đế quốc (Empire State), tên này có từ thế kỉ XVIII. Tòa nhà chọc trời Empire State Building được xây dựng vào khoảng năm 1931, là thời kỳ từ đế quốc vẫn còn dùng để biểu tỏ tầm quan trọng và sức mạnh của New York. Nhớ tiếc đế quốc không ích gì nhưng cần phải chú ý tới sự phức tạp trong những biến hóa của chính trị, những điều đã tạo nên hiện thực hôm nay. Sự phân chia quyền lực trên thế giới rất bất bình đẳng và sự bất bình đẳng trong nội tại mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau vẫn còn rất lớn.

Nguồn: Pour durer, les empires doivent transformer leur politique, Le Monde bản giấy, số đặc biệt, tháng 10-12/2015.

(Các chú thích là của người dịch)



[i] Bản đang nói là bản dịch tiếng Pháp. Nguyên bản Anh ngữ: Jane Burbank, Frederick Cooper, Empires in World History: Power and the Politics of Difference. Princeton: Princeton University Press, 2010. (Jane Burbank là Giáo sư về lịch sử Nga tại Đại học New York, các nghiên cứu mới nhất tập trung vào pháp luật và chủ quyền; Frederick Cooper là Giáo sư lịch sử tại Đại học New York, chuyên nghành sử châu Phi thế kỷ XX, quan tâm nhiều về các vấn đề lao động, thực dân luận, quá trình giải thực dân và tư cách công dân.)
[ii] Biệt danh nổi tiếng của Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius Severus Antoninus Augustus (188 –217), trị vì trong thời gian 198-217.
[iii] Chủ quyền của nhân dân (populaire souveraineté), không chỉ vua-hoàng đế mới có uy lực, tiếng nói về quốc gia-đế quốc.
[iv] Đế quốc Hồi giáo của người Ả Rập do Abu al-Abbas Abd Allah sáng lập, tồn tại trong khoảng 750-1258 với trung tâm quyền lực nằm tại khu vực thuộc Iraq hiện nay.
[v] Đế quốc Hồi giáo của người Ả Rập, có trung tâm nằm tại Damas (thủ đô hiện nay của Syrie) từ năm 661-750.
[vi] Thủ lĩnh Hồi giáo được cho hoặc tự cho là người nối nghiệp giáo chủ Mahomet.
[vii] Chế độ chính trị của La Mã sau khi thể chế cộng hòa bị Julius Caesar xóa bỏ. Chế độ này tồn tại trong hai thế kỷ đầu tiên của Đế quốc La Mã, đặc trưng bằng sự cầm quyền của các hoàng tử, được gọi là người công dân thứ nhất, với các thiết chế cộng hòa được khôi phục về mặt hình thức.
[viii] Đế quốc do người Thổ sáng lập, kéo dài hơn 600 năm, từ thế kỷ XV cho tới năm 1922. Thời kỳ cực thịnh trong thế kỷ XV, XVI, Đế quốc Ottoman có lãnh thổ bao trải trên ba châu lục, Âu, Á, Phi.
[ix] (1500-1558), một trong những người có quyền lực nhất tại châu Âu trong thế kỷ XVI, cai trị Hà Lan, trị vì Đế quốc Tây Ban Nha và Đế quốc La Mã Thần thánh.
[x]  (c.1494-1566) Hoàng đế Thổ thứ mười của Đế quốc Ottoman, trị vì trong khoảng 1520-1566.
[xi] Một dòng họ hoàng gia tại châu Âu nổi tiếng vì có rất nhiều người làm hoàng đế hoặc vua ở nhiều vùng châu Âu suốt từ thế kỷ XV – XVIII.
[xii] Manifest Destiny là thuật ngữ chỉ quan điểm có tính ý thức hệ (ideology) xuất hiện tại Hoa Kì vào giữa thế kỷ XIX, cho rằng người dân Hoa Kì có sứ mệnh và bổn phận truyền bá dân chủ và văn minh sang khắp lục địa Bắc Mĩ bằng việc xâm lấn, mở rộng lãnh thổ thêm sang phía Tây.
[xiii] Là một ngôn ngữ của một tộc người Do thái sống ở vùng Trung và Đông Âu, có sự pha trộn giữa các phương ngữ Đức trung cổ và một số tiếng châu Âu, Do Thái cổ khác.
[xiv] Các quốc gia (vùng đất) tự trị nhưng vẫn thừa nhận quyền lực của Hoàng gia Anh.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

Anh Tập đi Trung Đông

Khải Minh

Giấc mơ bá chiếm thiên hạ của Thiên tử nòi Hán quả là một giấc mộng  kê vàng.  

Câu chuyện Lư Sinh nằm mộng được thành đạt lẫy lừng, rồi tiếp theo sau đấy lại bị đầy ải khổ nhục hết biết. Đến khi choàng dậy tỉnh mộng, Lư thấy sư phụ Lữ ông, vẫn đang lui cui rang chảo kê chưa kịp chín!  Điểm khác nhau giữa câu chuyện nước Tầu và  Lư sinh là khi tỉnh ngộ, biết được lẽ vinh nhục đáo đầu, chàng Lư bèn lập tâm tu tập, còn các Hoàng Đế Thiên Triều thì không. Họ dần đưa nước Tầu nếm mùi nhục nhiều hơn vinh ngay trong đời thường mà vẫn u mê. Cha truyền con nối, họ tiếp tục dẫn đưa nước Tầu nối tiếp kinh qua những trường đại…ác mộng!

Tập đi Trung đông, chuyến này là chuyến đi đầu tiên sau khi lên cầm quyền từ ba năm trước, cũng là một chứng thực rằng lịch sử thì hay tái lập.  Bay một vòng qua các nước Ai cập, Saudi Arabia và Iran trong tuần qua (từ 19/1/2016 đến 23/1/2016) cũng có thể xem tương tự như cuộc tìm kiếm thuộc địa của Trung Quốc hai nghìn năm trước tại vùng Trung và Tây Á.

Đến Ai cập để nhắc lại ‘tình xưa nghĩa cũ’. Ai Cập là một trong những nước đầu tiên công nhận Trung Quốc năm 1956 và cũng lại là đồng hội đồng thuyền trong cái gọi là tổ chức các quốc gia phi liên kết (non-aligned). Hai nước Iran và Saudi Arabia là hai nước cung ứng dầu cho Trung Quốc lớn nhất trong hơn hai thập niên qua đến nay.

Mục đích chuyến đi, được ‘công bố’ là nhằm thúc đẩy chương trình tái lập một mạng lưới ‘con đường tơ lụa’ kết nối các khu vực thương mại trong vùng, từng chính thức lập ra trong đời Hán (206 BC-220 AD).

Mộng mà. Tha hồ thả hồn theo tham vọng dẫn đưa.

Tập cầu tìm quan hệ kinh tế chặt chẽ về năng lượng, xuất khẩu, an ninh năng lượng. Tập lại muốn xây dựng quan hệ về chính trị, quân sự, ngoại giao …để tạo ấn tượng Trung Quốc ngày nay đã đến lúc trở về vị trí là một quyền lực quan trọng trên thế giới, như hơn hai ngàn năm trước.

Có những thực tế vạch ra nguyên nhân vì sao giấc mộng kê vàng này tái sinh. Là một công xưởng cho thế giới, và là nền kinh tế số 2 trên toàn cầu, lại bàn cứ trên một vùng đất cạn sạch tài nguyên so với nạn nhân mãn, hẳn nhiên Trung Quốc khát dầu, mà Trung Đông lại là nơi cung ứng hơn nửa số dầu để Trung Quốc có thể giữ nền kinh tế của họ vận hành.

Khi những kẻ độc miệng phê phán rằng trước giờ Mỹ xen lấn vào tình hình Trung Đông vì Mỹ muốn cầm nắm nguồn cung ứng dầu tại đó.  (Operation Iraqi Freedom, viết tắt là OIF, tên gọi chính thức của chiến dịch đánh Iraq lật đổ Saddam Hussein - bước đầu của chiến dịch lớn hơn là Operation Enduring Freedom, để chống khủng bố toàn cầu - bị mỉa mai sửa thành Operation Iraqi Liberty, viết tắt là OIL, Dầu, để ám chỉ Mỹ khuấy đảo Trung đông vì dầu.  Trung Quốc cũng không ít lần kết án, tố cáo Mỹ.)

Có thể không sai, miễn đừng quên là Mỹ chỉ nhập khẩu dưới 13%  nhu cầu về dầu khí của họ từ Trung đông.  Trung Quốc lại là nước ngốn nhiều dầu Trung Đông nhất!

Hơn nữa, người ta đồ rằng, Trung Quốc quan tâm về khu vực Trung Đông vì nơi này có thể là địa bàn để đào tạo, cung ứng phương tiện, là hậu phương cho các tổ chức Hồi giáo ly khai phía Tây Trung Quốc, nơi có khoảng hơn 40 triệu người Hồi giáo.  Nghe có lý. Thế sao họ chả lo từ sớm, mà đợi mãi đến nay?

Chính sách của Hoa Kỳ dưới các nhiệm kỳ chính phủ của Obama ‘có vẻ’ muốn nhường việc thiên hạ cho thiên hạ lo.  Sự rút quân vội vã ra khỏi Iraq và sự thay đổi sách lược ngoại giao tại vùng Trung Đông do vậy đã tạo ra một khoảng trống quyền lực quân sự và chính trị tại đó. Rối ren các loại được dịp bùng lên. Một trong các hệ quả là Nga chụp lấy cơ hội, nhân danh chống IS để nhảy vào bành trướng ảnh hưởng. Âm mưu gì chưa rõ, nhưng ai cũng thấy rõ là Nga đang ‘ôm đầu máu’.

Nhưng chuyện Nga đang cố đóng vai trò quan trọng hơn tại Trung Đông khiến anh Tập bâng khuâng … Anh sợ mất thời cơ!

Trước giờ, họ Tập luôn mồm cổ xúy cho Chương Trình Con Đường Tơ Lụa, còn gọi là ‘một vành đai, một con lộ’ (One Belt, One Road – Nhất Đái, Nhất lộ).  Theo đấy, Trung Quốc có tham vọng thành lập một hành lang kinh tế thương chạy dọc theo con đường tơ lụa ngày xưa, xuyên qua Tây Á, Trung Á, Trung Đông, đến tận Âu châu. Chương trình này còn bao gồm một tuyến thủy lộ nối liền Trung Quốc với các hải cảng ở Phi châu, lên kênh đào Suez, và tiến vào Địa Trung Hải.  Thủy lộ xuyên vùng biển Đông của Việt Nam là một phần quan trọng của tuyến thủy lộ này vì nằm ngay cửa ngõ giao thương chiến lược của Trung Quốc.

Dưới thời nhà Hán, con đường tơ lụa được xem như con đường thương mại chính của vùng trung tâm Á châu. Thương mại phát triển phồn thịnh dẫn theo các trao đổi, phát triển ngoại giao, văn hóa, kiến trúc … Hôm thứ Tư tuần qua, Trung Quốc công bố hồ sơ ‘Chính Sách Ả Rập’, nội dung có nhắc lại hào quang ngày cũ, với hàm ý rằng những ngày vàng ấy có thể tái lập lại thời nay.

Các sử gia thì ghi nhận giá trị quan trọng nhất của con đường tơ lụa là sự trao đổi về văn hóa và tư tưởng giữa các nước trong vùng. Các nhà nghiên cứu thì lại kết luận là văn hóa tư tưởng Trung Quốc hiện nay rất xa lạ với văn minh Ả Rập, nếu không muốn nói thậm chí chống chọi nhau. Ngày xưa, dưới các triều đại Hán, Đường, văn minh văn hóa, tôn giáo, của Trung Hoa có nhiều thứ để đóng góp vào nền văn minh Đông phương.  Ngày nay dưới triều đại Cộng sản Trung Quốc thì chẳng những vô thần mà còn triệt phá tôn giáo.  Sự đàn áp dã man dân Hồi giáo vùng Tân cương, các giáo phái Cơ đốc, và Pháp Luân Công đủ nói lên điều này. Ngược lại, văn minh Ả Rập lại hội nhập tôn giáo vào đời sống hằng ngày, ngay cả trong cơ chế chính trị và luật pháp.

Ngày xưa, nước Trung Hoa mở con đường tơ lụa mang bán cho thiên hạ.  Ngành thời trang của nước Ý vẫn ‘khét tiếng’ đến ngày nay vì Ý là cửa ngõ của Âu châu trông ra Địa Trung Hải.  Ngày nay anh Tập không đi bán hàng, anh vác tiền đi mua dầu.  ‘Vai mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá, người nghe ầm ầm’.

Thế là, cả ba quốc gia nói trên đều đồng thanh ủng hộ chương trình tơ lụa, giấc mộng vàng của họ Tập.  Sao không được chứ?  Người Hoa mại bản hay nói ‘đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn’. Vài mươi tỉ đô hứa hẹn đầu tư tại Ai Cập, và hợp đồng mua bán dầu khổng lồ hàng 600 tỉ đô tại mỗi nước kia, và một lô mấy chục hợp đồng hợp tác kinh tế, thì khác biệt chống chọi văn hóa, tư tưởng, tôn giáo gì gì cũng dường như được san bằng, giũa tròn, và làm sáng mắt, dịu giọng mọi phe trong cuộc.  Ít ra trong giai đoạn này, khi giá dầu lao dốc không phanh, Saudi rất cần khách hàng ổn định,  vì lổ thủng ngân sách quá lớn, và phải lâm chiến với IS để giữ ngai vàng, còn Iran thì đang lóp ngóp bước ra khỏi cấm vận, còn quẩn quanh chưa biết bán dầu cho ai! Từ căn bản đồng thuận này Trung Quốc hy vọng sẽ nhân lên thành một sự đồng thuận với tất cả các quốc gia trong vùng Trung Á về chương trình con đường tơ lụa.

Về phần Trung Quốc, thì việc toàn cầu hóa đồng Nhân Dân Tệ (NDT) có lẽ cũng là một mục tiêu. Giá dầu được định bằng NDT, nếu xẩy ra, là một thắng lợi chiến lược cho Trung Quốc trong việc đưa ra một cấu trúc tài chính mới xây dựng trên đồng NDT. Từ đó Trung Quốc sẽ sử dụng cơ sở tại Trung Đông để kiêm luôn vai trò là cửa ngõ tài chính trên thực tế cho khối các nước Phi châu kế bên, vốn là một địa bàn quyền lợi rất lớn và béo bở của Trung Quốc mà họ đã âm thầm xâm thực lâu nay.

Về chính trị và quân sự,  trước giờ Trung Quốc chỉ phải lo những chuyện phên dậu, phiên bang (Tây Tạng, Mông Cổ, Việt Nam …)  Hiện nay họ tin là đến lúc họ phải bành trướng thế lực lên mức chiến lược toàn cầu cho xứng tầm với sức mạnh kinh tế và quân sự đang có trong tay!  Việc nhẩy vào Trung Đông cũng là hành động ứng phó với sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong sân sau của họ tại Thái Bình Dương, và đối với vị trí thượng phong và quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và hầu hết các nước trong vùng Trung Đông bấy lâu nay, nhất là từ sau trận chiến tại Iraq và chiến dịch chống khủng bố toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo.  

Các dữ kiện này khiến Trung Quốc luôn cảm thấy thất thế. Họ tìm mọi cách hóa giải. Từ việc xây ống dẫn dầu xuyên Trung Á cho đến xây cảng dầu khí ở Miến Điện, Trung Quốc muốn đi tắt, khỏi phải qua thủy lộ biển Đông, vòng qua eo biển Malaca, ra Ấn Độ Dương,  là các nơi Hải quân Hoa Kỳ luôn luôn có khả năng khống chế.

Ngay trước chuyến đi Trung đông, có vấn đề Trung Quốc sẵng sàng gởi quân qua tham chiến ở nước ngoài trong cuộc chiến chống khủng bố. Động thái này được xem như một cách làm dáng, ra vẻ ta đây cũng sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp công ích hòa bình thế giới.

-
Trung Quốc lo lắng vì Việt Nam?

Điều khôi hài đáng ghi nhận mà không sợ lạc đề ở đây, là đang khi anh Tập làm dáng oai phong cho chuyến đi Trung Đông, thì tại Việt Nam, giữa lúc cơn lên đồng giành giật ngai vàng cao nhất của Đảng Cộng sản, nhiều tin đồn đoán thứ thiệt thật giả được rỉ rò, bú mớm, xào xáo, tung ra tứ phía làm rối mù con mắt thiên hạ. Người bảo kẻ này theo Tàu, kẻ bảo người kia tham nhũng không xứng ngai vàng. Mớ bòng bong bùn lầy tứ tung không biết đâu mà lường. Nhưng có một cái rõ ràng và đã dứt khoát bất biến, bất cứ cái ngai vàng của Đảng sắp tới giật về cho ai, đó chính là: “dân chủ xã hội chủ nghĩa” –  dân được quyền làm chủ xuống hố cả nút vì...Đảng. Nói vì Tàu, vì anh Tập đã sang tận nơi chỉ đạo, đã thao túng, đã chọn lựa, chỉ định sẵn trước Đại hội thì cũng không hoàn toàn sai. Vì nếu không có sao phát ngôn nhân của Đảng lại phải thanh minh thanh nga rằng “Trung Quốc không thể tác động vào đại hội 12 của Đảng”. Nhưng đổ hết cho Tàu và anh Tập thì có lẽ hơi…oan quá. Hãy nhìn lại chuyến vượt biên đơn độc lén lút của Hồ sang Tàu vào đầu năm 1950 hay cả bầu đoàn thê tử có cả đệ tử ruột của Hồ sang chầu chực ở Thành Đô năm 1990 thì hỏi là do ai xúi bẩy, ai lôi kéo hay tự Đảng tự nguyện chui vào rọ…Tàu? Lại có người biện minh tại những hồi đó Đảng lẻ loi, cô độc nên bĩ cực làm…liều. Vậy thử hỏi hiện nay Đảng đã làm gì trước sự mời gọi của Hoa Kỳ, Liên Âu, Phi Luật Tân? Lại nói “phe thân phương Tây” phải chấp nhận bỏ cuộc, thúc thủ trước kết quả bầu bán như thế là vì phe thân Tàu quá mạnh cũng không phải không đúng. Nhưng biết là yếu sao không lấy sức mạnh vô song của dân chủ, nhân quyền để “thế thiên hành đạo” hay cũng chỉ rặt một phường lấy vỏ bọc thân Tây để lụy Tàu cho đẹp mặt?

Vì vậy anh Tập đang còn phải sắm vai quân tử Tầu đi mua dầu, ai rảnh đâu lo cho việc xem như đã xong ở xứ cựu An Nam!  Nhưng có, anh Tập đã đồng ý cho hầu cận sang để úy lạo mừng “Đại hội thành công” rồi đấy.

Trung Quốc luôn luôn trị quốc bằng biến pháp. Trong lịch sử cận đại từ Tôn Dật Tiên, đến Mao, đến Đặng, chính sách đối với các dân tộc thiểu số và đối với các phiên bang dã man như thế nào bất tất phải nói thêm. Riêng đối với Việt Nam, chính sách của Trung Quốc hiện nay chưa có bất cứ một thay đổi gì từ biến pháp của Đặng. (Khi Liên Xô tan vỡ đầu thập niên 1990s, có kẻ lãnh đạo Việt Nam chạy qua quỳ lạy van, xin nhưng Đặng không thèm tiếp, chỉ nhắn lời vắn tắt đại khái là: Trung Quốc –Việt Nam vẫn là đồng chí, hết là đồng minh!)  Ai nói người Cộng sản Việt Nam không biết mơ nào?  Có điều, rặt những ‘giấc mộng con’, nhỏ mọn ti tiểu, chỉ giỏi ức hiếp, hợm hĩnh với...dân mình.
-
Trở lại vấn đề, lâu nay quan hệ của Trung Quốc trong vùng Trung đông và Phi châu cũng chỉ là quan hệ trục lợi về kinh tế. Dù người Hoa có bị IS bắt chém đầu tại Syria, dù tàu bè Trung Quốc có bị bắn phá, thủy thủ bị bắt làm con tin tại Phi châu, họ có vẻ muốn dành các việc ấy cho các nước khác lo. Năm ngoái anh Tập cũng đã hủy chuyến đi Trung Đông vì ‘né’ không dám dây vào đang lúc cuộc nội chiến tại Yenmen đang bùng lên, có sự tham gia chi phối của Saudi Arabia và Iran. Và tại Trung đông, chưa bao giờ Trung Quốc dám len vào rắc rối lớn nhất, lâu đời nhất là xung đột giữa Do thái- Palestine. Nên lần này, nhìn vẻ mặt thân thiện của Tập với lãnh đạo Saudi Arabia và Iran, là hai nước có xung đột nghiêm trọng và đang trên bờ chiến tranh - vì vụ xử tử một giáo sĩ Hồi giáo, phái cực đoan Shiite nổi tiếng tại Riyadh - thì cũng chả ai dám tin là Trung Quốc sẽ đóng một vai trò trung gian hòa giải thành thật gì đâu. Anh Tập còn đang mơ chuyện khác…

Anh Tập lại có vẻ muốn chơi sang kiểu Mỹ. Chưa bao giờ Trung Quốc đưa ra một hồ sơ về chính sách tại Trung đông. Lần này chẳng là Tập muốn tỏ ra là một nhà lãnh đạo quốc tế có trọng lượng, quang minh chính đại, bằng việc công bố hồ sơ chính sách nêu trên.

Rõ ràng, là muốn chơi trội, để cả thế giới Trung Đông hiểu rằng, anh Tập là dân chơi quốc tế thứ thiệt, anh không phải chủ tiệm mì hoành thánh, anh không rao bán phá xắn hay tơ lụa gì, anh có tiền và anh có quyền, muốn gì là báo thẳng, có giấy tờ, chứ không úp mở. Anh Tập mơ làm Hán Vũ Đế, anh mơ là Đường Minh Hoàng…

Trong giấc mộng vàng, làm gì có chiến tranh hay các rắc rối khác, thực tế thì anh Tập với thói tinh ranh ích kỷ hại nhân cố hữu của một tay mại bản người Hoa, muốn tránh né mọi trách nhiệm, mọi khó khăn trở ngại để theo đuổi việc tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế bên ngoài để xây dựng bên trong theo biến pháp của họ Đặng đề ra từ cuối thập niên 1970.

Nhưng, được thế hay không lại là chuyện khác. Cả Iran và Saudi Arabia đều có trong tay rất nhiều phe đảng.  (Iran có lực lượng cố vấn quân sự nằm vùng tại Iraq, chí nguyện quân tại Syria, bộ hạ tại Palestine và tay chân trong Hezbollah …vốn rất chuyên nghiệp trong các công tác ủy nhiệm. Saudi qui tụ được lực lượng khoảng 30 nước trong một liên minh chống IS gần đây…) Trong bối cảnh xung đột chính trị và tôn giáo triền miên trong khu vực Trung Đông và trong tình huống đang sôi sục hiện nay, coi bộ anh Tập khó tránh được bị cuốn vào những trận can qua như mong ước. Một khi quyền lợi Trung Quốc gia tăng mạnh, cũng có nghĩa là có ngày các quyền lợi ấy sẽ bị đánh phá nếu anh Tập không có lời đáp thỏa đáng. Ngày ấy là ngày khi một hay nhiều bên có xung đột hỏi thẳng Tập câu hỏi ‘Người ấy và em, anh chọn ai?’

Giời ạ, hãy nhìn xem Trung Quốc hôm nay!  Kinh tế hàng thứ nhì trên thế giới là tính theo sản lượng cả nước, nhưng tính theo bình quân thu nhập đầu người, ngoại trừ tham quan và bọn doanh gia nhóm lợi ích đầu sỏ (vested interests), đa số cháo không có mà ăn mỗi bữa. Kinh tế đứng hàng thứ nhì, mà biến đất nước thành cái bãi rác công nghiệp khổng lồ, và hơn hai trăm ngày khói ô nhiễm phủ đen trời ngay tại thủ đô Bắc Kinh! Nợ công trong nước là hơn 28 ngàn tỉ Đô hiện không hề có một cách gì giải quyết thỏa đáng. Ngoại tệ dự trữ đang là 4.500 tỉ Đô, giữ trong US Treasury Bonds như một loại 'của để dành', mà nay chỉ còn khả năng chi tiêu dưới một ngàn tỉ trong số ấy.  Số này vẫn là tiềm năng lớn ư?  Nhầm đấy, chỉ riêng tuần qua, chính phủ Trung Quốc phải bù lỗ gần 50 tỉ Đô cho thị trường chứng khoán khỏi thở hắt ra chết tốt. Theo đà này, dưới ngàn tỉ Đô đủ bù lỗ được bao lâu?  Mau lắm hả?


Thì đã bảo là giấc mộng kê vàng đó thôi.

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

Ai? Đảng nào?

Phạm Hồng Sơn

Trong tác phẩm Chính trị học (Πολιτικά) viết cách đây hơn 2300 năm, Aristotle đã có những nhận xét thẳng thắn nhưng không mấy sáng sủa về con người:  “con người muốn cầm quyền mãi mãi”, “luyến ái thường gây chao đảo lòng người”,  “con thú dục vọng và tham vọng luôn gây hủ bại trí não và tâm hồn kẻ cầm quyền, ngay cả khi họ là những người tốt nhất”, “con người dễ hư hỏng”.[i]

Cũng trên tinh thần cảnh giác đó, năm 1788, trong Luận về chính quyền (Federalist) số 51, tác giả Publius[ii] đã nêu ra nhận định:

Nếu con người là thiên thần, chính quyền sẽ thừa. Nếu thiên thần quản trị con người, các phương tiện kiểm soát chính quyền, cả trong lẫn ngoài, đều không cần.” Vì tất cả chúng ta không phải là thiên thần, hay thánh thần, Publius viết tiếp một cách sáng suốt và công bằng thế này:

Nhưng khi phải thiết kế một chính quyền để con người quản trị con người thì nan giải lớn nhất nằm ở đây: Đầu tiên phải tạo điều kiện để chính quyền kiểm soát được người bị trị. Tiếp theo là phải buộc được chính quyền tự kiểm soát được chính nó. Và, chắc chắn, kiểm soát cơ bản đối với chính quyền là bắt nó phải lệ thuộc vào nhân dân.

Nhìn vào các chính quyền, với nhiều tên gọi và nhiều “đổi mới” khác nhau, do người cộng sản thiết kế và dựng lên ở Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta phải công tâm thừa nhận rằng: Lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã xuất sắc tạo ra các phương tiện và điều kiện để kiểm soát chặt chẽ dân chúng - người bị họ cai trị. Song, vế bên kia, như đề xuất của Publius, hầu như không có một cơ chế nào để Đảng Cộng sản Việt Nam biết tự tiết chế, kìm hãm những hành vi đục khoét, sách nhiễu, trấn áp hoặc kiểm soát quá đà nhân dân. Còn, “kiểm soát cơ bản” - bắt chính quyền phải lệ thuộc vào nhân dân, như Publius nhấn mạnh - thì hoàn toàn không.

Đến như báo chí tư nhân hợp pháp, đã có nhiều ở thời thuộc Pháp và có rất nhiều trong thời Việt Nam Cộng Hòa, người cầm quyền cộng sản cũng không để cho tồn tại, thì nói gì tới những công cụ “kiểm soát cơ bản” khác như hội đoàn tư nhân, biểu tình, đảng đối lập, tư pháp độc lập hay bầu cử tự do và công bằng, v.v.

Có lẽ trong sự quẫn bách âu lo cho vận mệnh dân tộc, nhiều người vẫn đang cố kiên trì đánh tiếng cổ xúy, vận động cho ông này, ông kia, thuộc phe (giả định) này, phe (giả tưởng) kia lên nắm chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ngoại trừ các cổ xúy có ngòi bút đã bị xoắn theo chiều bổng lộc, đã để ngọn lửa ân oán riêng tư bốc quá cao hoặc là một hỗn hợp của cả hai, những tiếng nói đó, quả thực, không phải không gây cảm kích lòng người.

Nhưng lấy gì để đảm bảo cho những kẻ, là con người chứ không phải thiên thần, đoạt được quyền trong một chính thể hoàn toàn vắng “kiểm soát cơ bản” gạt được các dục vọng của bản thân và vượt lên được những hiểm nguy của cá nhân để phụng sự nhân dân, đất nước?

Lấy gì để chắc chắn những kẻ thâm như Tàu đã tỏ rõ quyết tâm xâm lược, quen trấn áp, tàn sát chính đồng bào của chúng sẽ không rắp tâm hăm dọa, mua chuộc, trừ khử mọi mầm độc lập, tiến bộ (nếu có) trong một chính thể đã thề nguyền “răng môi”, “16 vàng, 4 tốt”?

Ai, đảng cầm quyền nào có thể dựa vào lòng dân khi chính quyền của họ chuyên chĩa mũi súng “chống khủng bố” vào nhân dân; và luôn gọi đổng nhân dân tiến bộ là “thù địch”?

Ai? Đảng nào?



[i]       Aristotle, Politics, Books III-V, The Great Books Foundation, Chicago, 1955, trang 13, 33, 37, 100. Quí vị có thể đọc bản dịch Anh ngữ tại đây. Hoặc mua bản dịch Việt ngữ tại đây.
[ii]      Publius là bút danh chung của ba chính trị gia người Mỹ, Alexander Hamilton (1755-1804), James Madison (1751-1836) và John Jay (1745-1829). Tác giả của bài luận số 51 này đến nay vẫn chưa xác định được chính xác là ai giữa hai người, Madison và Hamilton. Các trích dẫn ở đây thuộc bản dịch (chưa xuất bản) của Phạm Hồng Sơn. Quí vị có thể xem nguyên bản Anh ngữ tại đây.