Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Biển Đông đã mất? (1)

Phạm Hồng Sơn

Đừng để người ta cười (phần 1)

Hổ thẹn


Theo tôi, bất cứ ai có trí tuệ bình thường đã đọc kỹ hai văn bản này và là người có lòng công bằng, bất thiên vị, vẫn thừa nhận tính chính đáng của chính thể cộng sản Việt Nam đều phải công nhận:

Hoàng Sa, Trường Sa cùng những chủ quyền liên quan theo luật quốc tế hiện nay là thuộc Trung Cộng – tức Trung Hoa cộng sản, quốc gia vừa từng là “anh em răng môi”, vừa vẫn là “bạn vàng bốn tốt”, “đối tác chiến lược toàn diện” của Nhà nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam (tức Đảng Lao động Việt Nam vào lúc Công hàm của chính thể Hồ Chí Minh được công bố – chính thể Việt Nam hợp pháp duy nhất từ năm 1945 tới nay dưới nhãn quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.)

Bởi vì:

-Một: Ta không thể tự mâu thuẫn khi vẫn thừa nhận tính chính đáng, tính đại diện của một nhà nước, một chính phủ lại vừa phủ nhận hành động của nhà nước đó, chính phủ đó khi tự xác định “có trách nhiệm tôn trọng triệt để” tuyên bố công khai của một chính phủ khác khi chúng ta đã hoàn toàn im lặng vào lúc cam kết đó được lập nên.

-Hai: Việc cố diễn giải nhằm bác bỏ tính ràng buộc của một cam kết (có tính khế ước) của một tổ chức mà ta thừa nhận tính chính đáng của nó, và khế ước đó còn tiếp tục được minh định thêm nhiều lần khác, bằng nhiều cách khác của chính tổ chức đó, không chỉ là sự ngạo ngược với tinh thần Pháp trị phương Tây mà còn phỉ báng chữ Tín phương Đông.

-Ba: Người còn liêm sỷ không thể vẫn coi một chính thể là “ngụy” – tức bác bỏ tính chính đáng của chính thể đó – nhưng lại dùng những phát ngôn, hành động của chính chính thể (bị coi là) “ngụy” đó để biện hộ cho sự “chính đáng” của bản thân.

Tất nhiên, cứ có kẻ cầm quyền thì có biện sỹ - những người nhiều kiến thức, giỏi biện luận, chuyên phò tá kẻ quyền thế để mưu bổng tước bất chấp đúng sai, đức nghĩa. Tuy nhiên cái lý trí cùng đạo đức sơ đẳng của con người đều phải biết không thể nào tuyên bố chấp nhận một toàn thể, rồi sau đó lại phủ nhận phần tử của cái toàn thể đó; người ta cũng không thể kiện, không thể đòi lại vật đã bán, đã cho bằng việc nại ra những hình ảnh về sở hữu vật đó trước khi bán hay cho. Những kiểu lý luận này chỉ là lối biện luận phi logic một cách ngang ngược mà dân gian đã đặt tên: cãi chày cối lấy được.

Biện sỹ là nghề đã xuất hiện cách đây hàng ngàn năm nay cả ở Đông lẫn Tây, sự sai lầm của con người càng không mới, nhưng đến thời này mà chúng ta vẫn thấy hạng biện sỹ đó còn đất dụng võ thì thật kỳ lạ, lối biện luận đó ta lại thấy ở những danh sỹ khoa bảng thì thật hãi hùng.

Vô ơn

Nhìn vào quan hệ của hai chính thể cộng sản Việt, Trung, ngoại trừ một giai đoạn khoảng hơn 10 năm (1979-1990), người ta không thể không thấy bao trùm lên quan hệ đó là sự gắn bó thân tình đặc biệt của hai nước láng giềng và Trung Cộng là bên đã giúp đỡ rất nhiều cho Việt Nam cộng sản. Ngắn gọn có thể nói, mỗi thành tựu quan trọng của chính thể Việt Nam cộng sản trước năm 1990 đều không thể thiếu sự trợ giúp của Trung Cộng.

Tư trang, quân dụng cho tất cả những người lính miền Bắc vào những thời kỳ đó, đặc biệt trong cuộc “kháng chiến chống Mỹ-Ngụy”, từ lính tới tướng, từ đầu tới chân, từ trong ra ngoài, cho tới cái ba-lô, bi-đông, lương khô, thuốc tăng lực, v.v. đều của Trung Hoa. Tình hữu nghị Việt-Trung còn được hiện thân vào những ca từ, những điệp khúc thiết tha, hào hùng: “Việt Nam, Trung Hoa núi liền núi sông liền sông, chung một biển Đông với tình hữu nghị sáng như rạng đông…Nhân dân ta ca muôn năm Hồ Chí Minh-Mao Trạch Đông. Hồ Chí Minh-Mao Trạch Đông.”

Ngay năm 1979, giữa lúc quan hệ hai đảng xuống tới mức thấp nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ:

“Năm 1950, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trung Quốc là nước viện trợ vũ khí, trang bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp Nhân dân Trung Quốc, mặc dầu còn có nhiều khó khăn, nhất là trong những năm đầu của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã dành sự giúp đỡ to lớn cho nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống bọn đế quốc xâm lược…, những người cầm quyền Bắc Kinh thường hay nhắc đến việc Trung Quốc viện trợ cho nước Việt Nam, thậm chí khoe rằng quân đội của họ đã “chiến đấu ở Điện Biên Phủ”, v.v….[i] (tôi-PHS nhấn mạnh những chỗ tô đậm)

Đó chỉ là góc nhìn hẹp từ phía Việt Nam. Vậy, một người Trung Hoa dân tộc chủ nghĩa sẽ nghĩ gì về những người Việt Nam hôm nay vừa ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam vừa bác bỏ Công hàm Hồ Chí Minh 1958, vừa lớn tiếng hô hoán cáo buộc Trung Cộng xâm lấn Hoàng Sa, Trường Sa?

Nguy hiểm

Như đã thấy, nếu căn cứ vào lý, tức đưa vụ việc ra kiện tụng, chắc chắn Trung Hoa cộng sản (Trung Cộng) sẽ có lý hơn – tức sẽ thắng Việt Nam (cộng sản). Còn nếu tranh cãi cứ tiếp tục leo thang, kể cả chỉ bằng phương pháp chính trị-ngoại giao và không phải là đóng kịch, nguy cơ xung đột quân sự vẫn rất có thể xảy ra. “Chiến tranh chỉ là sự tiếp tục của một chính sách chính trị bằng một phương tiện khác thôi.” (Clausewitz)[ii]

Chưa kể, hai chính thể toàn trị cộng sản Việt và Trung đều có những nhu cầu tự thân trong việc cải hóa tính chính đáng đang có chiều sa sút. Mà chiến tranh luôn là một vị có thể phải gia thêm trong thang thuốc bốc cho độc tài bất an.

Tuy nhiên, dù chưa bàn đến chênh lệch sức mạnh giữa hai quốc gia cũng như các yếu tố quốc tế, một cuộc chiến trên những cơ sở như thế, dù ở mức độ nào, chắc chắn không thể mang lại được ích lợi gì cho dân Việt Nam, ngoại trừ kẻ chuyên quyền.

Như vậy bất kỳ ai vừa thừa nhận tính chính đáng của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (chính là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) lại vừa cố đòi chủ quyền Biển Đông liên quan tới Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam, họ vừa không chỉ tự mâu thuẫn, chống lại công lý mà còn có nguy cơ đẩy xung đột đi tới chỗ chém giết lẫn nhau, tai hại thêm cho lợi ích quốc gia của chính Việt Nam. Còn nếu tranh cãi chỉ dừng ở kiện tụng, đó cũng sẽ là những cuộc kiện tụng tốn kém tiền bạc, công sức của dân với một phán quyết gần như chắc chắn: Việt Nam (cộng sản) ít lý hơn.

Xấu hơn

Với lòng tự tôn dân tộc chúng ta có thể vẫn không tin, không chấp nhận thực trạng u ám trên đây. Nhưng sự thật tồn tại đâu cần sự đồng ý của chúng ta. Những văn bản, luận cứ bất lợi cho chủ quyền Việt Nam, như đã biết hoặc chưa biết, có thể đều đang nằm trong tay chính quyền Trung Cộng.

Cũng trong sách đã dẫn, tháng 10/1979 Đảng Cộng sản Việt Nam tiết lộ thế này:

Những người cầm quyền Trung Quốc đã nhận ngồi vào đàm phán với phía Việt Nam… Mặt khác họ đặt điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải từ bỏ đường lối độc lập, tự chủ của mình, từ bỏ chủ quyền của mình đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ mới đi vào bàn bạc các vấn đề khác.”[iii] (tôi nhấn mạnh chỗ tô đậm)

Một dấu hỏi: Hội nghị Thành Đô 1990 chỉ là bước kế tiếp sau “điều kiện tiên quyết” vừa nói đã được thỏa mãn? Không ai có thể trả lời được nghi vấn này, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết một chi tiết khác:

“…Không có gì đáng ngạc nhiên là họ đã khước từ một hiệp định quân sự bí mật giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo hiệp định này về nguyên tắc đến tháng 6 năm 1965, phía Trung Quốc phải gửi phi công sang giúp Việt Nam. Nhưng…”[iv] (tôi nhấn mạnh chỗ tô đậm)

Như thế, không thể loại trừ Trung Cộng đã thủ đắc nhiều chứng cứ khác kiểu Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng” [sic]?

Vụ bạo động xảy ra một cách bất ngờ trong mấy ngày liên tiếp ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng trong tháng Năm vừa qua còn cho thấy một viễn cảnh xấu hơn. Dù nguyên nhân gốc từ đâu, như một số nhà phân tích đã nêu, do tình báo Trung Cộng giật dây hay do chính quyền Việt Nam cố tình tạo ra để lấy cớ dẹp biểu tình, chúng đều chỉ rõ: hoặc Việt Nam đã bị Trung Cộng thâm nhập, kiểm soát rất sâu tới mức chính quyền bất lực, hoặc chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam rất sắt máu với dân – sẵn sàng chịu một tổn thất không nhỏ cả về kinh tế lẫn chính trị (đối ngoại) để có cớ phòng và đè bẹp những nhen nhúm dân chủ đối lập còn rất nhỏ và yếu.

Vô âm

Vấn đề Biển Đông trong những năm qua cho thấy chủ nghĩa dân tộc kém tỉnh táo ở Việt Nam vẫn rất mạnh.

Khi vụ Giàn khoan HD981 xảy ra, khi báo đài của Đảng mới đổi giọng cao lên một chút, đã có nhiều người bày tỏ sẵn sàng vác súng ra trận bất biết đó sẽ là cuộc chiến vệ quốc hay lại vệ đảng (?).

Chỉ bằng một phát biểu có tính dân tộc chủ nghĩa, một ông thủ tướng bạo quyền đã rất nổi tiếng về hứa đẹp và chỉ hứa đẹp vẫn làm chao đảo dư luận, vẫn làm nhiều thức giả ngưỡng mộ, kỳ vọng ngất ngây.

Quá lo lắng cho quyền lợi dân tộc Việt đã khiến cả những người có trí tuệ không tầm thường chấp nhận một khẩu hiệu có nhân sinh quan cạn hẹp dễ khích động tha nhân: “Thoát Trung”.

Nhưng chủ nghĩa dân tộc không phải là thứ có thể độc quyền. Những người Hoa dân tộc chủ nghĩa quá khích chắc chắn không thể không thấy những phản ứng kể trên của người Việt. Họ cũng không thể không thấy những hiện tượng lạ lùng khác: Truyền thông nhà nước gọi nhân sỹ, trí thức đi biểu tình là “phản động”; người của Đảng đi biểu tình bị đạp mặt; những nhân vật như Lê Chí Quang vẫn trong vòng kiểm soát, Điếu Cày còn gần chục năm tù, Anh Ba Sàm chắc sẽ phải tù lâu, còn Bùi Hằng “hoa hậu biểu tình” sắp hầu tòa, v.v.

Quan sát như thế và lại nghe thấy “Thoát Trung”, những người Trung Hoa dân tộc chủ nghĩa không thể không nộ khí:

“Chúng mày đang bị chính chúng mày trói chân, trói cả tay cả đầu, thế mà vẫn còn hùng hổ 'Thoát Trung'. Ai cho thoát? Thoát đi đâu? Ngàn đời còn khổ các con ạ!”

Đó có thể là tưởng tượng phóng đại, quá khích, ác khẩu. Nhưng không thể lấy một chủ nghĩa dân tộc mù quáng để chống lại một chủ nghĩa dân tộc (lớn hơn nhiều) cũng mù quáng. Không thể tìm kiếm công lý, an bình cho dân tộc mình bằng sự trí trá, chà đạp một công lý khác.

Luồn vào chính sách uốn éo của cường quyền lệ thuộc phản trắc để đối phó với xâm lăng sẽ vừa vô ích, vừa rót thêm hoang mang vào lầm than của dân chúng, vừa dễ mắc bẫy, lại vừa bị người ta cười. Tất nhiên, không ai cười thành tiếng.

-Việt Nam phải câm lặng, chịu mất Biển Đông?- ○

(Còn tiếp)

Bài đọc thêm:




[i] Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự Thật, 10/1979, trang 28, 98, 101.
[ii] Triết gia quân sự Carl von Clausewitz (1780-1831) đã phát biểu (được dịch ra Anh ngữ): “War is the continuation of policy by other means. It is not only a political act, but also a true political instrument.”, Martina Sprague, Lessons in the art of war, Tuttle Publishing, 2011, trang 06.
[iii] Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự Thật, 10/1979, trang 94.
[iv] Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự Thật, 10/1979, trang 47.

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Từ chợ Đồng Xuân tới 53 Nguyễn Du

Phạm Hồng Sơn

Cùng chia sẻ một nghịch cảnh hình như khiến người ta trở nên tin cậy nhau hơn. Trước đây, khi có dịp sống trong một căn buồng kín với một số người thuộc lớp người bị gạt ra lề xã hội, tôi đã được họ bộc bạch nhiều tâm tư, trong đó có cả những ngón nghề đặc biệt. Có một anh từng hành nghề bất hảo ở chợ Đồng Xuân đã tâm sự cả những ngón cướp đồ.

Anh ta nói làm ăn trước những năm 1990, tức trước khi “đổi mới”, khó hơn bây giờ nhiều, bao giờ cũng phải có ít nhất hai người. Khi phát hiện ra “con mồi”, một người sẽ phải tiếp cận làm động tác giả để làm con mồi mất cảnh giác hoặc gây chú ý lạc hướng, còn kẻ kia sẽ ra tay hành động. Anh ta bảo, thời đó làm ăn “thu nhập” vừa hẻo, vừa rất nguy hiểm vì người dân xung quanh thường phản ứng rất mạnh, không thờ ơ như bây giờ, nhiều người sẵn sàng bỏ cả cửa hàng để đuổi bắt hoặc đón đánh kẻ hành sự.

Có những “vụ”, anh ta nói, phải thêm tiết mục giúp người bị nạn. Đấy là sau khi đồng bọn giật đồ rồi thì các đồng bọn khác phải xúm ngay đến hỏi thăm nạn nhân hoặc cùng hô hoán, tỏ vẻ bức xúc, chia sẻ, vỗ về nạn nhân thậm chí cùng lao đi đuổi bắt nhưng kỳ thực là nhằm cản đường, che chắn cho đồng bọn, khống chế, xoa dịu nạn nhân và cả những người muốn giúp đỡ thực sự, không để cho đồng bọn bị tóm hay bị nện. Anh ta bảo tiết mục giúp đỡ đó đôi khi cũng phiền phức và chả thú vị gì vì nhiều lần lại làm cho dân chúng đến đông quá và có khi lại phải ở lại lâu hơn để nhận lời cảm ơn và hầu chuyện, trong khi thực bụng chỉ muốn biến cho nhanh. Những nhân vật vào vai “giúp đỡ” thường phải diện quần áo và bộ dạng càng nghiêm chỉnh càng tốt và có cả phương án, nếu người dân bắt được kẻ hành sự thì phải xúm ngay vào “bắt cùng” để đánh tháo, kể cả việc phải xuống tay ngay với những ai có thực tâm bắt giữ đồng bọn.

Thực ra câu chuyện lưu manh vặt trên đây không xa lạ với nhiều người. Nhưng câu chuyện này có một chi tiết đáng nói về sinh học. Cơ thể con người bình thường khi gặp một sự cố bất ưng, hiểm nguy, bị xúc phạm, bị đe dọa, bị chấn thương, nồng độ chất Adrenaline trong máu tự động tăng lên rất nhanh. Chất Adrenaline có tác dụng làm tăng chuyển hóa, tăng nhịp tim, nhịp thở,… nói chung là giúp cơ thể gia tăng khả năng chịu đựng, làm mạnh thêm dũng khí, sự táo bạo, tính quyết đoán. Vì vậy đã có trường hợp người ta cần làm cho một người bị chấn thương nặng sống sót bằng cách làm người đó tức bực lên để gia tăng Adrenaline hầu giúp người bị nạn chịu được đau đớn, nếu không sẽ có khả năng bị chết vì sốc do đau trước khi tới được nơi cấp cứu.

Quay lại câu chuyện giang hồ kể trên. Trò giúp đỡ, xoa dịu của mấy anh thảo khấu đó có một tác dụng ngược với trường hợp cứu người bị chấn thương vừa kể, tức làm giảm Adrenaline – đối tượng tự nhiên sẽ trở nên hòa hoãn, an tâm hơn tức nhụt khí đi một cách tự nhiên – rất có lợi cho kẻ bất hảo.

Nhìn vào vấn đề Trung Cộng xâm lấn trong vài năm qua, chúng ta có thể thấy chính quyền Việt Nam cũng làm nhiều việc “giúp đỡ” như câu chuyện kể trên. Họ đã cho tổ chức nhiều hoạt động, rất đa dạng, từ trong nước ra ngoài nước, từ hội thảo, triển lãm, thành lập chính quyền cho Hoàng Sa, kêu gọi đóng góp “sỏi đá”, lập quĩ cho tới việc hỏi thăm ngư dân, lên án Trung Cộng hay thậm chí chuẩn bị kiện Trung Cộng, v.v. Nhưng điều cốt lõi nhất là phải tôn trọng quyền dân, thay đổi nền chính trị theo hướng phi độc tài – những yếu tố nền tảng bậc nhất để chống Trung Cộng trước mắt cũng như lâu dài – thì chưa bao giờ chính quyền này tỏ ra muốn thực hiện, tương tự như mấy anh giang hồ đóng kịch kể trên, họ chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng, xoa dịu dư luận, ngăn chặn người công chính và (vô hình chung) làm giảm Adrenaline của xã hội.

Tọa đàm “Làm sao để thoát Trung” [i]ngày 05/06/2014 tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, 53 Nguyễn Du, Hà Nội, theo tôi, cũng thuộc một dạng hoạt động giống như tiết mục “giúp đỡ” kể trên.

Cách đây không lâu, tôi có tiếp xúc với một số anh em làm trong ngành công an và quân đội ở cấp không cao lắm, nhưng không một ai mơ hồ về ác tâm của Trung Cộng, chỉ có điều mọi người tỏ ra bế tắc và chán nản, rồi nói “Thôi im đi cho nó lành, anh ạ!”

Như vậy, tôi tin rằng vấn đề phải rời xa Trung Cộng không còn là vấn đề khó nhận ra hay còn khó về mặt lý luận nữa. Thực tế cuộc sống đường phố hàng ngày cũng quá đủ để cho những người như các bà nội trợ, các chị osin đều trả lời: Phải thoát Trung Cộng!

Còn cách thoát sự kiểm soát, ảnh hưởng xấu của Trung Cộng, đây là vấn đề phức tạp hơn, cũng không phải quá khó để tìm ra những giải pháp tối ưu nếu bất cứ ai muốn thoát thực sự. Dĩ nhiên, các hoạt động nghiên cứu, lý luận và các sự kiện nhằm duy trì, gia tăng chú ý của công luận luôn luôn cần thiết. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, một hoạt động nhằm mục đích “thoát Trung” mà lại được thực hiện ngay trong khuôn khổ kiểm soát, từ địa điểm cho tới sự bảo trợ, của chính “người bạn vàng” của Trung Cộng, và lại được khai mạc bởi quí ông “lạc quan vô tận”, thì sao có thể có động cơ ngay chính được, nói gì đến việc thoát khỏi Trung hay Cộng.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến vết thương trên đầu của Luật sư Nguyễn Văn Đài vẫn còn chưa mọc đủ tóc và vết thương phẫu thuật đầu gối của chị Trần Thị Nga vẫn chưa cắt chỉ, với các vết đụng dập tím bầm. Và còn bao người khác suốt Trung Nam Bắc vẫn đang bị rình rập ngày đêm hoặc ăn đòn bất cứ lúc nào. Lý do?  Nói lại thì đau lòng thêm. Nhưng cần phải nhớ lại những cú đánh đó đã diễn ra ngay tại Hà Nội, chỉ cách số nhà 53 Nguyễn Du không xa lắm và không phải do bàn tay của người Tàu. Những đòn thù đó diễn ra ngay lúc cả cái tổ hợp giàn khoan khổng lồ của Trung Cộng đang chễm chệ khuấy đảo biển Việt Nam.

Tôi có cảm tưởng một số những nhà hoạt động xã hội hiện nay cả tin đến mức như những chú chim hồn nhiên mới bị nhốt vào một ngôi nhà lớn, cứ thấy vệt sáng “dân chủ”, “nhân quyền”, “Hoàng Sa”, “Trường Sa”, “thoát Trung”,… là lao tới, không biết đó là khung trời thật hay chỉ là bầu trời vẽ, khung kính cửa sổ hay một lối thoát dẫn sang một cái lồng khác.

Nhưng đó chưa hẳn là những hệ lụy thâm sâu nhất.

Vào cuối câu chuyện trong buồng kể trên, anh giang hồ cho biết sau này người dân cũng nhận ra những trò đóng kịch “giúp đỡ” đó, nhưng lạ là người dân cứ dần dần lảng tránh rồi thờ ơ trước những tiếng kêu “Ối, cướp, cướp!”. Anh ta bảo, sau năm 1990, phần vì công an kém “hăng” hơn trước, chỉ những gì có “màu”, nhiều “màu” thì họ mới để tâm, phần vì dân “sợ bị lẫn với chúng tôi” hoặc “lớ xớ quá là chúng tôi ục cho bỏ mẹ!”. Cả căn buồng lặng băng.

Khi lòng tốt của con người bị hắt hủi, nghi ngờ hay lừa gạt người ta đều cảm thấy nhói lên trong lòng. Trọng Lang, tác giả của thiên phóng sự đặc sắc Hà Nội lầm than vào những năm 30 của thế kỷ trước, cũng đã trải nghiệm cảm xúc này. Một lần ra chợ Đồng Xuân, Trọng Lang gặp hai đứa trẻ lang thang:

Chúng nhướng lông mày lên, chớp mắt rất thong thả, rồi thở dài; chỉ trong một giây đồng hồ, cái đói âm thầm hiện dưới những nét đau đớn, ngây thơ…

Tôi lại gần chúng nó, để vào tay thằng bé lớn nhất một hào bạc:

-         Các em đói?

Nó mỉm cười như đứng trước cái kẹo của một thày đội cảnh sát, nhìn đồng hào mà nói:

-         Bịa!

Cả hai đứa nắm tay nhau, âu yếm nhìn nhau, rồi âu yếm quàng vai rắt nhau quay đi.

Thằng bé nhất còn quái cổ nói với tôi rằng:

-         Bác đùa làm gì thế?

Tôi hiểu lắm: cũng như con chó bị đòn nhiều quá đều ngờ vực sự vuốt ve, âu yếm, chúng nó hai con “người ngay” ấy, sợ cả đến tấm lòng tử tế của loài người.” (sic)[ii]

Dân Việt suốt từ năm 1945 đến nay cũng đã phải “ăn đòn” không ít, từ Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, rồi Bù giá vào lương, Cải tạo công thương, Z30,…, đã gặp phải quá nhiều đồ giả, từ giả bằng, giả người, giả lời, giả quốc hội, giả tòa án, giả yêu nước..., và đang bị tràn ngập hàng giả, hàng nhái Made in China, không, đã thành Made in PRC rồi[iii]. Nhưng, những dấu hiệu như tọa đàm trên đây cho thấy dân ta chưa hẳn đã có sự thận trọng cần thiết như hai đứa trẻ của Trọng Lang.

Và một điều khác cũng không kém phần đáng sợ: niềm tin ít ỏi vào cái thật, người thật của chúng ta có thể sẽ cạn, những nhà hoạt động nghiêm túc có năng lực có uy tín của chúng ta vốn đã hiếm có thể sẽ không còn.○





[i] Có thể xem thêm một số tường thuật khác về tọa đàm này: (1), (2) nhưng đã bị xóa, xin xem ở đây.
[ii] Trọng Lang, Trong làng “chạy”, báo Ngày Nay, năm 1935, trích lại trong Phóng sự Việt Nam 1932-1945, Tập 3, Nxb Văn học, 2000, tr.553-554.
[iii] PRC viết tắt của People’s Republic of China – Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhiều sản phẩm sản xuất ở Trung Cộng đã dùng chữ Made in PRC thay cho Made in China.

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Câu hỏi của hậu thế

Phạm Hồng Sơn

Bertrand Russell (1872-1970) trí thức quí tộc người Anh, thuộc số những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Suy tư của ông đi sâu vào nhiều địa hạt tri thức của nhân loại như toán học, luận lý học, triết học, phản biện xã hội*, v.v. Đương thời Russell còn là một trí thức dấn thân, một nhà hoạt động nhiệt thành vì hòa bình, chống vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, Russell quyết liệt chống sự can dự của Hoa Kỳ, cũng như phương Tây, vào cuộc chiến tại Việt Nam. Năm 1965 Russell công khai xé toạc tấm thẻ Đảng Lao Động (Labor Party) mà ông đã gắn bó trên 50 năm chỉ vì ông hồ nghi chính phủ Anh đương thời (do Đảng Lao Động lãnh đạo) có dự định đưa quân tham chiến Việt Nam. Năm 1966 Russell, cùng với Jean-Paul Sartre –triết gia Pháp, thành lập một tổ chức riêng gọi là “Tòa Án Russell” để vận động chống Hoa Kỳ tham chiến, tố cáo tội ác chiến tranh của phía phương Tây tại Việt Nam.

Cho tới nay tính đúng-sai, khách quan-thiên lệch hay thiển cận-viễn kiến của Russell trong cương vị một nhà hoạt động chống chiến tranh Việt Nam có thể còn là một đề tài bỏ ngỏ nhưng khó có thể phủ nhận sự thành thật, triệt để của nhà hoạt động xã hội Bertrand Russell.

Người như Russell, đương nhiên, phải được (bị) chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các trí thức đi theo đảng cộng sản nhận là “người bạn” quí. Cách đây không lâu, một số tờ báo của Việt Nam vẫn còn nhắc đến “người bạn của chúng ta” – Bertrand Russell – một cách rất trân trọng.

Tờ Tia Sáng, tạp chí của Bộ Khoa học và Công nghệ, với nhóm cộng tác viên có những cái tên vang tiếng như Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, Tương Lai, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Sĩ Dũng,…, ra ngày 15/05/2014, hai tuần sau sự kiện Giàn khoan Haiyang 198 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đăng lại một bài viết đã công bố năm 1988 của giáo sư Hà Văn Tấn, Lịch sử, sự thật và sử học, trong đó có đoạn: “…Ngay người bạn của chúng ta là Bertrand Russell cũng nói rằng:’Sử học chỉ là dẫn ra những ngu xuẩn ngày hôm qua để giúp con người chịu đựng được những ngu xuẩn ngày hôm nay.’” Tháng 3 trước đó, Xưa & Nay, tạp chí của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cũng đăng lại bài viết vừa kể với câu trích đầy ấn tượng vừa dẫn[i]. Nhưng cả hai tờ tạp chí không nói tới hành động ly khai chính trị của Bertrand Russell.

Trong nhiều năm qua ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều trí thức, như Bertrand Russell, ngoài chuyên môn, còn dấn thân cho các vấn đề chính trị, xã hội, đặc biệt là vấn đề chủ quyền quốc gia bị Trung Cộng xâm hại. Nhìn vào các cuộc xuống đường, các vận động xã hội, các chữ ký trong các thỉnh nguyện thư, thường rộ lên sau mỗi cuộc gây hấn của Trung Cộng, có thể thấy nhiều người vừa là giáo sư, tiến sỹ hoặc thạc sỹ, nhà nghiên cứu, nhà văn lãnh đạo,… lại vừa là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự kiện Giàn khoan Haiyang 981 đang diễn ra chỉ là một dấu mốc mới nhất trong hành trình Bắc thuộc hóa Việt Nam trên 60 năm qua:

Chiến dịch Biên giới 1950-Hiệp ước Genève 1954-Công hàm Phạm Văn Đồng 1958-Hoàng Sa 1974-Gạc Ma 1988-Thành Đô 1990-Hiệp ước biên giới 1999-Hiệp định vịnh Bắc Bộ 2000-Tam Sa 2007-Bauxite Tây nguyên 2007-Cho thuê rừng đầu nguồn 2010-Cắt cáp 2011-Giàn khoan Haiyang 981.

Nhìn một cách khác, những dấu mốc có tính tượng trưng này sẽ khoát ra hình ảnh một chiếc thòng lọng nhiều tròng, có lõi là Đảng Cộng sản Việt Nam, đang ngày càng thít chặt vào dân tộc Việt do một bàn tay kéo là Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lẽ tự nhiên, người Việt Nam yêu nước, cùng nhiều trí thức đảng viên cộng sản, sẽ còn dấn thân, lên tiếng, thỉnh cầu, kiến nghị hoặc sẽ làm nhiều việc khác trước nguy cơ diệt vong, Bắc thuộc đang cận kề. Cũng không loại trừ khả năng toàn ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại sẽ gióng giả hiệu triệu “chống quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh”. Những việc như thế chắc chắn đang và sẽ được ghi lại rất chi tiết để dòng giống người Việt mai hậu biết được người Việt hôm nay đã làm gì, đã can đảm, nguy nan, vất vả ra sao trong việc lên tiếng, gìn giữ giang san, chống trả những âm mưu vừa xảo quyệt vừa quyết liệt của giặc trong lẫn giặc ngoài. Nhưng rất có thể những con người của ngày mai lại hỏi: “Khi nước nhà đã lâm nguy như thế, quí ông, quí bà đã không làm gì?”○


Bài liên quan:



*Cáo lỗi và đính chính: chữ "phản biện xã hội" đã được thay cho "xã hội học" (trong bản đăng đầu tiên), vì Bertrand Russell là người tích cực tranh biện các vấn đề xã hội đương thời hơn là người nghiên cứu hay đề ra lý thuyết về sự tương tác của con người trong xã hội. 8:45 giờ Hà Nội 05/06/2014.


[i] Tôi (PHS) không chắc chắn câu trích dẫn này là của Bertrand Russell.