Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Đừng lầm “Tù nhân” với “Phạm nhân”

Phạm Hồng Sơn

Đọc thông tin trên mạng gần đây thỉnh thoảng thấy cả những người thân của một số tù nhân lương tâm gọi người nhà của mình đang bị cầm tù là “phạm nhân”. Cách gọi này nên được nhìn nhận lại.

 “Phạm nhân” (person who breaks law, who commits a crime) là từ chỉ thấy dùng đại trà đối với mọi người tù từ khi chế độ độc tài cộng sản hình thành trên đất Việt. “Phạm nhân” là từ có ý miệt thị, thiên lệch ngầm khẳng định một cách tùy tiện người đó đã “phạm tội” bất biết oan-sai. “Phạm nhân” đã tước đi nguyên tắc suy đoán vô tội của luật pháp và chà đạp phẩm giá con người.

“Tù nhân” (prisoner) là một từ trung tính, chỉ người bị cầm tù bất cứ vì lý do gì, có tội thực hay bị oan sai, bị bách hại.

Trong các hệ thống tư pháp dân chủ, một người bị tòa án tuyên là có tội (found guilty) cũng chỉ bị gọi là người đã bị kết tội, người đã có án (convict, convicted) chứ không bị gọi với  ý khẳng định tuyệt đối rằng họ đã phạm tội, phạm luật – vẫn để mở cho mọi khả năng xem xét lại vấn đề và tránh tối đa việc động chạm tới nhân phẩm.

Rất mong chúng ta – những người muốn có Nhân quyền, Công lý – đừng sử dụng nhầm hai từ này.○