Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Liêm sỷ và năng lực Quốc hội ở đâu?


Phạm Hồng Sơn


Ngày hôm qua, 21/11/2012, trong kỳ họp thứ 4, khóa 13, với tỷ lệ 474/478, Quốc hội Việt Nam đã gần như tuyệt đối thông qua một nghị quyết lịch sử. Nghị quyết này gồm nhiều điểm chi tiết nhằm cụ thể hóa qui trình cũng như phạm vi, đối tượng mà Quốc hội có thể bãi nhiệm chức vụ.

Nói một cách ngắn gọn và bình dân là: từ 01/02/2013 Quốc hội có thể đuổi việc tất cả công chức chính quyền từ ông thủ tướng, chủ tịch nước, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cho tới ông chủ tịch phường, cô thư ký xã. Dĩ nhiên, nghị quyết này không thể áp dụng đối với chức vụ tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực ra, nghị quyết này chỉ là một cụ thể hóa thêm cho thẩm quyền bãi chức, đuổi việc của Quốc hội đối với các viên chức công quyền thiếu tư cách và/hoặc kém năng lực đã được Hiến pháp (Điều 83 Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung 2001) và chính Luật tổ chức Quốc hội (năm 2002, sửa đổi 2007) đã giao cho từ lâu.

Photo: Internet

Như vậy, một trọng trách đã được minh định trên văn bản nhưng chưa bao giờ được thực thi đã vừa được Quốc hội củng cố thêm cũng bằng văn bản. Việc thực thi lần này ra sao (nếu có) chắc chắn vẫn còn phải đợi thời gian trả lời.

Nhưng vấn đề quan trọng là nếu chính bản thân Quốc hội thiếu tư cách và/hoặc mất năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước” (Điều 83 Hiến pháp), thì Quốc hội có tự bãi nhiệm, từ chức không?

Nếu không, làm sao Quốc hội có đủ tư cách, uy lực để phán xét, buộc người khác từ chức?

Khi một quốc hội đã không dám cất tiếng phản đối kẻ sỷ nhục quốc thể, xâm lấn chủ quyền quốc gia, một quốc hội chưa bao giờ cứu xét những tiếng kêu oán thán của dân chỉ cách tòa nhà quốc hội vài bước chân, một quốc hội đã hoàn toàn im lặng trước lời mời thống thiết hãy “vi hành” với dân có là một quốc hội còn liêm sỷ hay đủ năng lực?○


Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Tạm biệt nắm đấm, chào bàn tay đầy mồ hôi!



The Economist
17/11/2012

Tổng thống Obama sắp có chuyến thăm đặc biệt chưa từng có tới Miến Điện

Picture: The Economist

Chỉ còn chưa đầy một ngày nữa Tổng thống Obama sẽ đặt chân tới Miến Điện. Khi Obama tới Miến Điện, một trong ba điểm dừng chân tại ba quốc gia trong hành trình tới Đông Nam Á lần này, vào ngày 19 tháng Mười một tới đây, đó sẽ là một thời khắc lịch sử: chuyến thăm lần đầu tiên của một tổng thống Mỹ đang tại vị, sự kiện đánh dấu cho một trong những hồi phục quan hệ nhanh nhất với một cựu thù của Mỹ.

Cách đây không lâu Mỹ vẫn còn gọi Miến Điện là “tiền đồn của bạo quyền” và là “một đe dọa đặc biệt và ghê gớm cho an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ.” Nhưng đó là chuyện xảy ra trước khi Aung San Suu Kyi được trả tự do khỏi án quản thúc tại gia vào cuối năm 2010 và năm sau đó vị tổng thống mới lên Thein Sein đã hứa sẽ đưa đất nước theo hướng mở cửa và cải cách.

Những ngày này một không khí hữu nghị đang ngập tràn giữa hai quốc gia. Các sự kiện biến chuyển thật nhanh, mới chỉ hai tháng trước đây cái tên Theinsein mới được vội bỏ ra khỏi bản danh sách đen dài ngoằng cấm cấp visa vào Mỹ để Theinsein có thể gặp được những người bạn mới thuộc nội các của Obama ở New York.

Có thể là quá nhanh đối với một số người. Obama nói ông ta sẽ tới Miến Điện để tưởng thưởng cho chính quyền vì những thay đổi theo hướng dân chủ đã được thực hiên trong hai năm vừa qua và để thúc đẩy cải cách hơn nữa. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động và những người Miến Điện lưu vong lại phê phán sự hối hả của Obama. Mặc dù thừa nhận Miến Điện đã có những tiến bộ nhưng họ cho rằng còn quá sớm để một tổng thống Mỹ phải thân chinh đến thăm một chế độ vẫn còn cầm giữ bao nhiêu tù chính trị và đang tiến hành chiến tranh chống lại chính nhân dân của nó-người dân tộc Kachin.

Đúng là đang nổ ra nhiều va chạm bạo lực giữa các phe phái tôn giáo ở bang Rakhine phía Tây, nơi có nhóm người thiểu số Hồi giáo Rohingya đang sinh sống. Từ khi nổ ra va chạm trong tháng Sáu đến nay đã có hàng trăm người chết và hơn 130.000 người mất nhà cửa. Sự bất lực, hoặc thiếu quyết tâm, của chính phủ trong việc loại trừ các gây hấn đối với người Rohingya – những người không chấp nhận chính quyền mặc dù đã sống ở Miến Điện từ rất lâu, làm dấy lên những nghi ngờ về sự thành thực của chế độ trong việc thay đổi theo hướng tôn trọng nhân quyền và các khác biệt về sắc tộc.

Trong khi đó những quan ngại tương tự cũng làm nổi lên các phàn nàn về một điểm dừng chân khác của Obama: Cambodia.  Obama cũng sẽ ở Phnompenh trong ngày 19 và 20 tháng Mười một để tham dự Thượng đỉnh Đông Á thường niên. Nhưng có nhiều người, trong đó có cả các thành viên Quốc hội thuộc cả Cộng hòa và Dân chủ, đều đặt dấu hỏi về sự khôn ngoan trong việc Obama tỏ ra quá gần gũi với Hunsen – người đàn ông quyền lực đã cai trị Cambodia trong gần ba chục năm qua bằng bàn tay sắt. Chỉ có điểm dừng ở Thailand là Obama gần như không gây ra tranh cãi gì.

Tuy nhiên, loại bỏ mọi quan ngại là chính sách “điểm then chốt” của Mỹ trong chính sách hướng về châu Á và trong cuộc đua tìm kiếm bạn hữu và ảnh hưởng địa chính trị trong việc đối mặt với một Trung Quốc đang lên. Vì thế Miến Điện với 2 000 km biên giới với Trung Quốc đang được xem là một mục tiêu quan trọng trong cuộc đua tranh đó. Bước chân nóng vội của Obama tới Miến Điện đã phát ra một thông điệp rất rõ ràng về ý định của Mỹ.

Chuyến thăm đó cũng sẽ được dùng để chứng minh cho sự đúng đắn trong chính sách đối ngoại theo hướng hòa giải nhiều hơn như ông ta đã hứa trong bài diễn văn nhậm chức vào tháng Một năm 2009, sau những chính sách quá hiếu chiến của người tiền nhiệm George W. Bush. Từ đó, Obama đã giơ tay ra cho các chế độ đã từng có “ý muốn mở nắm đấm.” Thực tế, chính sách đó không có mấy kết quả ở Bắc Triều tiên và Iran, nhưng ít nhất Obama cũng đã có được một bàn tay mở ra đầy mồ hôi ở Miến Điện.

Trước đây, Mỹ đã cố gắng cách ly chế độ độc tài quân sự bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế tổng thể bắt đầu sau khi chính quyền trấn áp phong trào dân chủ vào đầu thập niên 1990 và quản thúc nhà lãnh đạo phong trào, Bà Suu Kyi. Chính quyền Obama đã hứa vẫn duy trì trừng phạt nhưng  cũng xác nhận sẽ đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Miến Điện, với sự ủng hộ của Bà Suu Kyi.

Sự “can dự thực dụng” đó đã mang lại kết quả rất rõ ràng. Các chuyến thăm của quan chức Mỹ và các đề nghị trợ giúp đã được đáp lại tương ứng bằng các nhượng bộ của chính quyền: nhiều đợt thả tù nhân chính trị (trong đó có một đợt vừa thực hiện ngay trước khi Obama đến), tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ một cách tự do và công bằng, nới lỏng kiểm soát truyền thông. Những bước đi thay đổi đã được tăng tốc hơn sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Hillry Clinton vào cuối năm ngoái. Nhưng một điều quan trọng đối với Mỹ là ngài Theinsein đã từ bỏ quan hệ quân sự với Bắc Triều tiên.

Nhưng điều quan trọng là giới tướng lĩnh cầm quyền của Miến Điện đã thực sự muốn can dự vào quá trình cải cách. Tình trạng tồi tệ ở phía Tây của đất nước và một nền kinh tế èo uột khiến họ cảm thấy rất hổ thẹn khi sát vai cùng những đồng sự trong khu vực Đông Nam Á. Họ cũng muốn chấm dứt sự dựa dẫm, lệ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung Quốc. Và cũng vì người Mỹ đã nhận thấy các biện pháp trừng phạt đã đẩy Miến Điện vào vòng tay của Trung Quốc nên các tướng lĩnh càng ngày càng khó chịu hơn với sự ôm ấp của Trung Quốc. Trong khi đó các doanh nghiệp Trung Quốc lại đang tiến tới việc khống chế thị trường Miến Điện, nhất là ở phía Bắc Miến Điện, nơi người Trung Quốc đang phá bĩnh để hòng triển khai những dự án rất có hại. Vì vậy cả hai bên, Mỹ và Miến Điện, đều có những lý do rất tốt để giúp đỡ lẫn nhau.

Trong khi Mỹ đang tìm cách tăng cường quan hệ trong khu vực lân cận thì về phần mình Trung Quốc lại tỏ ra im lặng một cách kỳ lạ trước việc Miến Điện đã chuyển hướng về phía phương Tây. Trung Quốc buộc phải im lặng có lẽ là do Miến Điện có ý nghĩa quan trọng cho Trung Quốc hơn tất cả mọi thứ trong vấn đề vận chuyển khí đốt trong tương lai. Các kế hoạch này đã được triển khai với các đường ống đang lắp đặt. Còn về Bà Suu Kyi thì nhiều người Trung Quốc gần như không biết gì. Nhưng một khi Bà Suu Kyi lên cao thêm nữa thì chắc chắn mọi sự sẽ thay đổi. Ngoài ra, những xu hướng thiên về thế giới nói tiếng Anh và người chồng quá cố của bà đã hết sức nhiệt thành trong việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng, sẽ là những điều không thể không làm cho Trung Quốc quan ngại về Bà.

Trong khi đó, những chuyên gia về đối ngoại ở Trung Quốc lại từ chối đặt mình vào những diễn từ hùng hồn của Mỹ về vấn đề dân chủ, nhân quyền. Như Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, phàn nàn rằng Mỹ luôn luôn có mối quan ngại chiến lược với Trung Quốc ở khu vực, và cho rằng Mỹ đang muốn sử dụng “Miến Điện làm bàn đạp ra Ấn độ dương.” (giả định này không phải không có lý.)

Do vậy chuyến thăm của Obama dường như chỉ làm nặng thêm cho cảm giác của Trung Quốc về một cuộc bao vây đang triển khai âm thầm. Các chuyên gia Trung Quốc cũng nhắc đến một tuyên bố rất đặc biệt trong tháng trước về việc quân đội Miến Điện sang năm có thể tham gia, với tư cách quan sát viên, các cuộc tập trận thường niên Hổ mang Vàng của Mỹ cùng các bạn hữu trong khu vực. Cuộc tập trận năm nay ở Thailand gồm các lực lượng đến từ Nam Hàn, Indonesia, Nhật Bản và Singapore. Nếu như Miến Điện lại kết thân với nhóm này thì có thể những diễn giải ngày càng nghi kỵ hơn về “điểm then chốt” của Mỹ sẽ ngập tràn các làn sóng vô tuyến ở Bắc Kinh.

Người dịch: Quang Trung

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Tại sao Bạc Hy Lai đổ và Tập Cận Bình biến mất? (phần 2)



 Lin Feng
11/10/2012

Nội tình phía sau sự biến mất của Xi Jingping trong 14 ngày

Xi Jingping, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, 
người kế vị bất đắc dĩ cho Hu Jintao 
ngày 29/09/2012. Photo: Feng Li/GettyImages/The Epoch Times
Xi Jinping dù đã được cơ cấu làm chủ tịch của ĐCSTQ trong nhiệm kỳ tới đã cố rút khỏi chức vụ đó vì ông ta sợ mình chỉ là con bài bất đắc dĩ của một cuộc đấu đá trong Đảng nhưng cuối cùng Xi Jinping cũng chấp nhận trước các lý lẽ từ các lão thành của Đảng. Phần này sẽ tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này. Phần 1  xin xem ở đây.


Ngày 15 tháng Tám một nhóm 14 người đi thuyền từ Hong Kong tới nhóm đảo đang tranh chấp với Nhật Bản, Trung Quốc gọi là Diaoyu (Điếu Ngư) còn Nhật gọi là Senkaku. Bảy người đổ bộ xuống đảo cắm cờ Trung Quốc và tuyên bố các đảo đó thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Những người đó ngay lập tức bị phía Nhật Bản bắt giữ.

Cuộc đổ bộ đó như một tia lửa xoẹt vào đám củi đã rất khô của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc khiến sự hận thù giữa hai dân tộc Nhật Bản và Trung Quốc bùng lên. Các cuộc biểu tình rầm rộ của Trung Quốc chống Nhật Bản đã nổ ra ở khắp các thành phố lớn. Trong số biểu ngữ biểu tình xuất hiện những câu: “Diaoyu là của Trung Quốc, Bo Xilai là của nhân dân.”

Truyền thông thế giới đều đưa tin về các cuộc biểu tình đó với ngầm ý cho rằng đó là sự thể hiện mới nhất của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn tấn chiếm Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông – ND). Nhưng các nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã cho The Epoch Times biết một câu chuyện khác.

Hu Jintao, với tư cách đang là Chủ tịch ĐCSTQ, đã xem việc đổ bộ lên đảo như một lời tuyên chiến từ Zhou Yongkang và phe cánh của Jiang Zemin nhằm chống lại bộ ba, bản thân Hu, Thủ tướng Wen Jiabao, Xi Jinping - Chủ tịch tương lai của ĐCSTQ- và những người trung thành với họ.

Một cuộc gặp được tổ chức trong tháng Năm trước đó tại khách sạn Jingxin ở Bắc Kinh với mục đích dàn hòa. Gần 200 nhân vật cao cấp nhất của ĐCSTQ ngồi cùng với Hu Jintao trong cuộc gặp đó đã đạt được một thỏa thuận cho cả hai phe.

Theo đó, Zhou Yongkang và những thuộc hạ của ông ta sẽ được phép không còn dính líu tới vụ Bo Xilai, nhưng thỏa thuận này không nói gì tới việc hạ bệ Bo Xilai. Zhou Yongkang cũng được đồng ý vẫn tại vị trước công luận cho đến Đại hội 18 nhưng sau đó sẽ phải rời khỏi mọi chức vụ sau Đại hội. Zhou cũng đồng ý từ bỏ quyền bổ nhiệm người kế vị mình (trưởng Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) – một cơ quan của ĐCSTQ có quyền kiểm soát hầu hết mọi lực lượng thực thi pháp luật).

Nhóm bảo thủ của Đảng đồng ý ủng hộ một số cải cách chính trị có giới hạn, bao gồm cả dự án “bầu cử tự do ở cấp cao”, với thí điểm tại tỉnh Guangdong.

Mặc dù các cựu lãnh đạo Đảng đã tiếp tay để tạo ra buổi gặp dàn hòa đó nhưng cả hai phe đều có những thâm ý riêng.

Trong những tháng tiếp sau sự kiện đào tẩu bất thành của Wang Lijun vào Lãnh sự quán Mỹ (ngày 06/02/2012) Zhou đã liên tục bị Hu Jintao và Wen Jiabao chèn ép mạnh. Ông ta bị đặt dưới sự kiểm soát chặt và không còn có tiếng nói quyết định trong PLAC nữa. Những kẻ thân cận với Zhou trong bộ máy đầy uy quyền đó cũng dần dần bị sa thả và đã có một nhất trí cải tổ cắt bớt quyền lực của PLAC.

Zhou đã nhận ra rằng nếu không đồng ý với những thỏa thuận đó thì sẽ bị trừng phạt như Bo Xilai.

Nhưng Hu Jintao cũng biết các tội ác của Bo Xilai dính tới quá nhiều quan chức của Đảng. Nếu tất cả các tội của Bo bị đem ra truy tố thì sẽ có nguy cơ Đảng sẽ bị tan rã. Cuối cùng Hu đã phải đồng ý với thỏa thuận tại Jingxi để cứu Đảng.

Cùng lúc đó, các tin tức về kinh tế của Trung Quốc lại rất tồi tệ. Trưởng ban tham mưu của Hội đồng Nhà nước trong một cuộc họp đã công bố các đầu tàu kinh tế Shanghai và tỉnh Zhejiang không đạt được 7% tăng trưởng trong năm trước như đã được báo cáo. Nghĩa là thực tế nền kinh tế đã bị sụt giảm.

Nhiều công ty ở thành phố đã từng rất thành công về kinh tế Dongguan đã bị phá sản. Một số chính quyền địa phương còn không trả được lương. Các kinh tế gia còn đưa ra dự đoán về một cuộc “tiếp đất chấn động” của nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu có thể bất chợt rơi tự do.

Cả hai phe đều nhận ra khó khăn về kinh tế đang là đe dọa sống còn của Đảng nên cuối cùng cả hai đã đồng ý bắt tay nhau.

Thiết quân luật

Nhưng thỏa thuận đó vẫn không làm thay đổi được các khó khăn cho phe Jiang. Zhou Yongkang, Bộ trưởng Tuyên truyền Li Changchun và các thuộc hạ khác của phe Jiang rất khó tránh được việc phải mất quyền.

Và nếu như Đảng lại được lãnh đạo bởi Xi thì rất có thể việc trấn áp Falun Gong sẽ chấm dứt vì Xi không mặn mà lắm với chuyện đó. Mà một khi trấn áp dừng lại thì các áp lực đòi hỏi phải truy tố tội ác do phe Jiang gây ra sẽ tăng lên rất khủng khiếp.

Trong khi đó hàng triệu người Trung Quốc đã bị tra tấn và bị tẩy não chỉ vì tập Falun Gong. Trung tâm Thông tin Dafa đã xác nhận có trên 3.500 người tập Falun Gong đã bị hành hạ đến chết nhưng thừa nhận rằng con số thực tế có thể là hàng chục ngàn người và nhiều người khác bị thương nặng.

Theo một nghiên cứu thực hiện bởi cựu Bộ trưởng Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas, trong khoảng thời gian 2000-2005 có 42.000 người tập Falun Gong có thể đã bị giết để lấy nội tạng. Luật sư Matas cho biết kể từ 2005 đến nay mỗi năm có khoảng 8000 người bị giết thêm để lấy nội tạng, như vậy con số tổng cộng bị giết hại là khoảng 100.000 người. Thảm họa đó đã tạo ra một thế hệ trẻ mồ côi, gây tan nát rất nhiều gia đình.

Phe Jiang biết rằng để tránh không bị truy cứu thì chỉ có một cách là phải cố giữ bằng được quyền lực. Sau cuộc gặp Jingxi, các thủ lĩnh của phe này liên tục gặp nhau để bàn mưu tính kế.

Và phe Jiang đã nhìn thấy một cơ hội tốt trong vấn đề tranh chấp nhóm đảo Diaoyu với Nhật Bản.

Trong cả mùa hè đã có rất nhiều tàu thuyền muốn đưa người Trung Quốc tới quần đảo đang tranh chấp với Nhật đã bị chính quyền Trung Quốc chặn lại. Nhưng ngày 15 tháng Tám cuộc đổ bộ lên đảo đã được tiến hành với sự chuẩn thuận của Trưởng đặc khu hành chính Hongkong Leung Chung-ying. Chính Leung đã cùng với Sở Lao động Mặt trận Thống nhất (UFWD) sắp xếp để các tàu cá của Hong Kong xuất phát.

Leung là một đệ tử của Zeng Qinghong-một kẻ thân cận từ lâu của Jiang Zemin. Còn Zeng, là cựu Ủy viên của Ủy ban thường trực Bộ chính trị và hiện đang nắm chức Chủ tịch Quốc hội, đã từ lâu nắm ảnh hưởng tới mọi chính sách đối với Hongkong.

Sở Lao động Mặt trận Thống nhất (UFWD) hiện đang giữ vai trò thiết lập quan hệ giữa các tổ chức còn chưa có liên đới với ĐCSTQ và phối hợp với họ để tấn công các đối thủ của ĐCSTQ. Cơ quan này cũng nắm giữ một hệ thống tình báo rộng lớn.

UFWD là tổ chức của Đảng duy nhất còn nằm dưới sự kiểm soát của phe Jiang và do Du Qinglin, nhân vật trung thành với Jiang, lãnh đạo.

UFWD đã sử dụng các cơ quan truyền thông Trung Quốc ở hải ngoại để khuấy động thêm tranh chấp về Diaoyu nhằm kích động tinh thần dân tộc và xúi giục hành động.

Phe Jiang muốn sử dụng các cuộc biểu tình rầm rộ để ép Hu Jintao và Xi Jinping bằng cách đẩy Trung Quốc tới bờ vực chiến tranh với Nhật Bản rồi phe Jiang sẽ kêu gọi chuẩn bị chiến tranh, gồm cả tình trạng thiết quân luật. Khi đó Đại hội 18 sẽ phải lùi lại và Zhou Yongkang cùng với những bộ hạ khác sẽ được tiếp tục tại vị thêm một thời gian nữa.

Cuộc chiến thông tin đã gia tăng thêm nhiều sức mạnh cho phe Jiang. Cuối tháng Tám, qua các đầu mối của UFWD, phe Jiang đã tung ra một tin cho rằng Hu Jintao sẽ từ bỏ việc kiểm soát quân đội sau Đại hội 18 để làm gia tăng cảm giác phe Hu đang mất dần khả năng kiểm soát tình thế.

Bản thân Zeng Qinghong cũng ngầm cho truyền một tin trong nội bộ là Đảng sẽ phải cần đến thiết quân luật để xử lý vụ tranh chấp đảo Diaoyu và các khủng hoảng kinh tế.
Các sự kiện xảy ra ở Hong Kong đã gây cho bộ ba Hu, Wen và Xi nhiều khó khăn.

Còn Leung Chun-ying, sau khi nhậm chức vào ngày 30/06, đã tiến hành ngay việc khuyếch trương cho chương trình Giáo dục Quốc gia. Nhưng dân Hong Kong đã coi chương trình giáo dục đó là một kế hoạch nhằm tẩy não trẻ em nên đã liên tục biểu tình rầm rộ suốt mấy tuần để chống lại chương trình đó.

Nhưng sự thực thì việc khuyếch trương Giáo dục Quốc gia tại Hong Kong là nhằm khiêu khích dân Hong Kong để gây ra bất ổn, tăng thêm khó khăn cho Hu và Wen trước Đại hội Đảng.

Trong khi Gu Kailai bị tuyên án treo vào ngày 20/08 vì tội sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood thì UFWD bắt tay vào việc dựng ra các thông tin trên toàn cầu nhằm bác bỏ tính chất pháp lý của phiên tòa xử Gu Kailail và khiến cho mọi dự định kỷ luật Bo Xilai trở nên mất tính chính nghĩa.

Thông tin được rỉ ra nói rằng bị cáo xuất hiện trước tòa không phải là Gu Kailai mà là một người thế mạng. Câu chuyện cũng được dựng ra là phiên xử Gu Kailai đã bị “cưỡng ép” bởi những đối thủ của Bo và chỉ là một âm mưu nhằm hủy diệt Bo thôi.

Một tin đồn khác cũng lan tỏa cho rằng Zhou Yongkang sẽ giúp Bo lật ngược tình thế và tổ chức một phiên tòa khác cho Gu Kailai.

Nhiều websites tiếng Trung ở hải ngoại đã dẫn lời một trong những “trợ lý thân tín” của Zhou cho biết vào ngày 03 tháng Chín rằng Zhou Yongkang đã nói riêng với ông ta rất nhiều lần là Gu Kailai không phải là người giết Heywood.

Và “trợ lý thân tín” đó cũng nói thêm chính Zhou Yongkang đã vài lần tới thăm Bo Xilai và Gu Kailai trong mấy tháng gần đó. Có nguồn tin còn cho biết Zhou Yongkang nói rằng Bo vẫn tin tưởng là mọi chuyện sẽ sớm ổn thỏa và Bo chắc chắn sẽ trở về một cách huy hoàng.

Phản công

Ngày 29 tháng Tám: chuyến bay số hiệu CA981 của hàng không Air China đã đột ngột bị buộc phải quay lại và hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay tại Bắc Kinh sau khi đã bay được 07 giờ đồng hồ trên lộ trình Bắ Kinh-New York.

Một nguồn tin cho The Epoch Times biết rằng một điệp viên nữ tên Ding, người đang làm việc cho UFWD, đã bị bắt ngay khi phi cơ đáp xuống Bắc Kinh và người ra lệnh buộc chuyến bay quay lại chính là Hu Jintao.

Ngày 01 tháng Chín: ĐCSTQ công bố ba thay đổi nhân sự quan trọng trong cùng một ngày, một sự kiện rất bất thường.

Du Quinglin bất ngờ bị buộc về hưu rời khỏi vị trí giám đốc UFWD. Người được chỉ định thế Du là Ling Jihua - tham mưu thân tín của Hu Jintao và là người đã điều hành việc hạ bệ vây cánh Bo Xilai. Còn Li Zhanshu, một đồng sự trung thành từ thời Đoàn Thanh niên Cộng sản của Hu và được biết là gần gũi với Xi Jinping, thay Li ở vị trí trưởng ban tham mưu của ĐCSTQ.

Ngày 05 tháng Chín: Xinhua (Tân Hoa Xã) đưa tin Wang Lijun sắp được đưa ra xét xử.

Ngày 09 tháng Chín: Leung thông báo chương trình Giáo dục Quốc gia tại Hong Kong đã bị rút lại.

Cũng vào ngày 05 tháng Chín Hu Jintao ra lệnh cấm Leung Chun-ying đi Nga để dự hội nghị APEC. Sự kiện này cho thấy ĐCSTQ không tin tưởng gì Leung và đã làm bẽ mặt trưởng đặc khu Hong Kong trước dư luận quốc tế. Động thái này đã đánh tín hiệu cho dân Hong Kong thấy rằng Leung đã không tuân theo mệnh lệnh của Hu và Wen.

Ngày 09 tháng Chins: Leung công bố kế hoạch Giáo dục Quốc gia bị rút khỏi Hong Kong.

Các hành động của phe Jiang trước đó đã đẩy Xi Jinping và phe cánh của ông ta vào bước đường cùng.

Xi có thể đã nhận thấy rõ là nếu tình hình vẫn tiếp tục như thế thì có thể ông ta và phe cánh của mình sẽ cùng bị đánh từ cả trong lẫn ngoài Đảng. Không còn đường rút, Hu Jintao và Xi Jinping buộc phải đấu lưng với nhau để phản công.

Cái lưng đau của Xi

Vào lúc Hu Jintao và Xi Jinping bắt đầu phản công lại phe cánh của Jiang thì Xi đưa ra đề nghị là ông ta sẽ rút lui khỏi việc được đề cử kế vị chức chủ tịch Đảng.

Tại một cuộc họp Bộ chính trị vào cuối tháng Tám, Xi nói rằng ông ta chỉ muốn được là ủy viên trung ương Đảng và muốn được tham gia, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Đảng thôi. Phát biểu này đã gây choáng váng cho tất cả mọi người ở Trung Nam Hải (nơi đặt trụ sở đầu não của ĐCS và chính quyền Trung Quốc-ND) và bất cứ ai nếu biết được.

Ngày 04 tháng Chín: Xi hủy cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và biến mất dạng, khiến cả thế giới bắt đầu đoán già đoán non về điều chuyện gì đã xảy ra.

Nguyên ủy việc Xi được chọn vào chức chủ tịch đảng là do Xi là người có thể chấp nhận được đối với cả hai phe. Và không còn ai có thể thay được Xi và nếu Xi lại rút lui thì cả hai phe đều nghĩ ĐCSTQ sẽ sụp đổ ngay lập tức.

Các lão thành của Đảng phải nhảy vào cuộc và cố dàn hòa. Qiao Shi, Li Ruihuai, Zhu Rongji và cả gia đình đầy quyền lực Ye Xuanning cùng can thiệp và đi đến một thống nhất cùng với việc bày tỏ ủng hộ cho Xi.

Trong 14 ngày Xi biến mất khỏi công luận cũng là lúc Đảng đạt được một đồng thuận mới: Đại hội 18 sẽ nhóm họp vào ngày 08 tháng Mười một; sự nghiệp chính trị của Bo Xilai coi như xong; Đảng sẽ loại bỏ một cách có hệ thống mọi di hại của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa và dần dần cũng sẽ loại bỏ Tư tưởng Mao và chủ nghĩa Marx-Lenin; và v.v.

Ngày 19 tháng Chín: Tung Chee-hwa, cựu trưởng đặc khu Hong Kong trả lời một cuộc phỏng vấn bất ngờ của CNN.

Tung nói rằng Xi Jinping đã bị thương ở lưng khi bơi và vì thế ông ta đã không xuất hiện được trước công luận suốt hai tuần. Bên cạnh thông tin đó, Tung cũng đề cập một cách thường tình là dư luận nói chung vẫn cho rằng Ông Xi chắc chắn sẽ trở thành chủ tịch Đảng trong nhiệm kỳ tới.

Cái bóng của Bo Xilai

Kể từ khi hạ bộ thân tín của Bo Xilai và là phó thị trưởng kiêm giám đốc cảnh sát Wang Lijun trốn vào tòa Lãnh sự quán Mỹ ở Chengdu ngày 06 tháng Hai, những lựa chọn về người lãnh đạo cho ĐCSTQ ngày càng trở nên khó khăn.

Việc phơi bày những tội ác do phe của Jiang gây ra chắc chắn sẽ làm cho uy tín của Đảng bị tổn thương tới mức có thể làm Đảng mất khả năng lãnh đạo.

Nhưng nếu không bạch hóa những tội ác của phe Jiang thì lại làm cho phe này vẫn duy trì được uy thế chính trị. Và phe Jiang ý thức rất rõ rằng nếu mất hết quyền tất họ sẽ bị truy tố vì những tội ác dã man đã phạm. Phe này chỉ còn mỗi cách phải bám lấy quyền lực để tự bảo vệ mình.

Nhưng nếu phe Jiang được để tiếp tục nắm quyền lực thì cũng có nghĩa mọi hy vọng cho cải cách sẽ tắt. Với sự bất mãn của công chúng đang ngùn ngụt dâng cao mỗi ngày thì không cải cách cũng đồng nghĩa với việc kết thúc Đảng.

Trong cuộc gặp tại khách sạn Jingxi hồi tháng Năm, Hu Jintao đã cố mập mờ rằng: phe của Jiang sẽ không bị trừng phạt để đổi lại cuộc đấu đá sẽ chấm dứt và bắt đầu cho cải cách chính trị.

Nhưng trong mùa hè vẫn thấy phe Jiang cố gắng bám lấy quyền lực và đe dọa cả Hu và Xi.

Trong hai tuần đầu tháng Chín, sau việc Xi muốn rút lui, Đảng đã quyết định tập trung giải quyết vụ Bo Xilai. Nhưng một lo lắng lớn vẫn nổi lên là làm sao để cứu được Đảng.

Các phản ứng trước thông báo của Xinhua vào ngày 28 tháng Chín rằng Bo sẽ bị xử chủ yếu vì tội tham nhũng đã cho thấy đồng thuận mới đạt được của Đảng rất mong manh.

Giới chức cấp tỉnh đã không tỏ ra “ủng hộ nhiệt tình cho Ủy ban Trung ương” như khi họ thấy Bo bị loại khỏi Đảng Ủy tỉnh ở Chongqing vào ngày 15 tháng Ba hay bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị vào ngày 10 tháng Tư.

Các tội trạng mà Bo bị cáo buộc là rất phổ biến trong giới chức ĐCSTQ. Như vậy nhiều người khác cũng có thể bị truy tố như Bo đang bị. Hơn nữa, chỉ truy tố về tham nhũng thì sẽ không thể kết thúc được sự nghiệp chính trị của Bo. Cửa vẫn hoàn toàn để ngỏ cho Bo quay lại.

Đồng thời việc truy tố Bo nhưng không loại được phe cánh đã chống lưng cho Bo thì rất có thể trong tương lai Hu Jintao, Wen Jiabao và cả Xi Jinping cũng sẽ bị cáo buộc vì  đã “xử lý sai” vụ Bo.

Sau Đại hội 18, nếu Xi Jinping vẫn thuộc về nhóm thiểu số và không đủ khả năng loại được các đối thủ chính trị của bản thân thì giới chức địa phương sẽ phải tự bảo vệ lấy thân bằng cách ngập ngừng bày tỏ trung thành với Xi Jinping.

Trong khi đó những đảng viên theo tư tưởng Maoist vẫn còn quẩn quanh đâu đó. Trong các cuộc biểu tình chống Nhật rầm rộ vào trung tuần tháng Chín đã cho thấy điều này, khẩu hiệu “Bo Xilai là của Nhân dân” vẫn được trưng ra mạnh mẽ.

Nếu logic tình thế đã buộc phe nhóm của Jiang phải cố bám lấy quyền lực vì mục đích sống còn thì Xi Jinping có thể đã thấy sự tồn vong của ông ta sẽ phụ thuộc vào việc có đưa được các tội ác của phe Jiang ra trước ánh sáng công lý hay không.○

Người dịch: Việt Hùng

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Tại sao Bạc Hy Lai đổ và Tập Cận Bình biến mất? (phần 1)



Lin Feng
11/10/2012

Bắt đầu từ tin tức

Cuộc đấu đá quyền lực kéo dài 13 năm trên tầng chóp bu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đến hồi gay cấn, và giới lãnh đạo ĐCSTQ đã đến thời điểm phải quyết định.

Sự hồi hộp đồn đoán, trông đợi đang lan tỏa khắp nơi trong xã hội Trung Quốc. Vụ Bạc Hy Lai (Bo Xilai) và Wang Lijun (Vương Lập Quân) nổ ra với hết bí mật này đến bí mật khác bị phơi trần đã làm cho công luận Trung Quốc choàng tỉnh và bắt đầu tìm hiểu thực hư đằng sau những vụ tai tiếng đó.

Tờ Study Times (Thời báo Nghiên Cứu), một ấn phẩm của Trường Đảng của ĐCSTQ – lò đào tạo lãnh đạo cho Đảng, trong một bài báo đăng ngày 2 tháng Bảy viết rằng Trung Quốc đang đối mặt với “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong vòng 3 ngàn năm qua.”

Tại thời điểm này, mọi con mắt đều đang đổ dồn vào vụ xử Bo Xilai, xem ông ta sẽ bị trừng phạt như thế nào. Nhưng tình hình đang có chiều trở nên rất rối ren và phức tạp. Dựa vào những nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo ở cấp cao nhất trong ĐCSTQ, bổn báo Epoch Times xin tường trình diễn tiến của câu chuyện này như sau:

Bo Xilai nguyên là bí thư ĐCSTQ của thành phố cấp tỉnh Chongqing (Trùng Khánh) thuộc vùng trung tây Trung Quốc đồng thời là một lãnh đạo cánh tả trong ĐCSTQ. Còn Wang Lijun nguyên là giám đốc công an, phó thị trưởng và là tay chân thân tín của Bo. Sau khi Bo được Wang cho biết về việc vợ Bo, bà Gu Kailai (Cốc Khai Lai), đã dính líu tới vụ giết doanh nhân người Anh Neil Heywood, Bo đã giáng cấp Wang và tiến hành cô lập, kiểm soát tất cả những ai từng gần gũi với giám đốc công an và cho giết vài người trong số đó.

Lo sợ cho tính mạng của mình, ngày 6 tháng Hai, Wang đã chạy trốn vào tòa Lãnh Sự Mỹ tại Chengdu. Dự định đào tẩu bỏ Đảng đó của Wang đã làm phơi ra cho nhân dân Trung Quốc biết được trên tầng lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ đang có những cuộc đấu đá, thanh trừng quyết liệt.

Hình phạt dành cho Bo đã nhanh chóng được thực hiện. Ngày 15 tháng Ba Bo bị tước hết các chức vụ Đảng và phải chịu những cuộc chất vấn kiểu đấu tố khét tiếng của Đảng. Sau nhiều tháng trì hoãn với rất nhiều dấu hiệu phập phù, ngày 28 tháng 9, truyền thông nhà nước đã đưa tin rằng Bo sẽ bị khai trừ đảng và sẽ bị đưa ra tòa hình sự cho tội danh “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” liên quan tới tham nhũng và quan hệ tình dục bất chính.

Wang Lijun (domino thứ nhất), Bo Xilai (domino thứ hai), Zhou Yongkang (domino thứ ba). Photo: AFP/Getty Images/The Epoch Times.

Những cáo buộc đã được tuyên bố công khai như thế chỉ là một nước cờ thí mạng do hàng ngũ lãnh đạo đang bị chia rẽ chưa thể giải quyết dứt điểm được vụ việc. Nhưng dù sao thì các lãnh đạo chóp bu của Đảng đã biết được những gì Wang đã tiết lộ sau vụ Chengdu: Đó là Bo, cùng với ông trùm nội an Zhou Yongkang, đã lên kế hoạch làm đảo chánh để tước lấy quyền lực khỏi tay nhân vật được cho là sẽ nắm chức vụ chủ tịch đảng Xi Jinping (Tập Cận Bình). Những lãnh đạo Đảng còn biết Bo là nhân vật chủ chốt đứng đằng sau những vụ bách hại dân chúng hết sức tàn bạo và ghê rợn: cưỡng bách lấy nội tạng sống của những người tập FaLun Gong (Pháp Luân Công).

Nhưng số phận của Bo lại là một vấn đề mấu chốt trong một cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực đã xảy ra từ lâu rồi, cuộc đấu giữa một bên gồm chủ tịch đương nhiệm Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào), thủ tướng Wen Jiabao (Ôn Gia Bảo), Xi Jinping cùng những người ủng hộ họ với một phe khác do cựu chủ tịch Đảng Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) tạo ra. Và bây giờ cuộc đấu đá này đã dính tới toàn bộ các quan chức cao cấp đang tại vị của Đảng và ông cựu chủ tịch Đảng.

Lẩn trốn trách nhiệm

Quyết định trước đây của Jiang Zemin cho triệt hạ phong trào rèn luyện tinh thần của Falun Gong (còn được biết với tên gọi khác là Falun Dafa – Pháp Luân Đa Pha) là vấn đề cốt lõi đã dẫn đến cuộc đấu đá trong ĐCSTQ ngày nay.

Falun Gong lần đầu tiên đuợc truyền dạy công khai tại vùng đông bắc Trung Quốc vào năm 1992. Theo phái này thì học viên sẽ thực tập những bài tập với những động tác chậm rãi, tham thiền, và học cách sống theo ba nguyên tắc chân thật, từ bi, và kiên nhẫn. Môn học này đã nhanh chóng trở nên rất phổ biến. Khoảng năm 1999, theo ước lượng của giới chức nhà nước, có từ 70 đến 100 triệu người theo pháp Falun Gong – đông hơn cả số đảng viên của ĐCSTQ.

Khi Jiang bắt đầu chiến dịch triệt tiêu pháp Falun Gong vào tháng 7 năm 1999, ông ta dự tính là sẽ hoàn toàn triệt tiêu được Falun Gong trong vòng ba tháng. Thế nhưng, vào năm 2002 khi Jiang đang được sắp xếp để về hưu, vẫn không có một dấu hiệu nào chứng tỏ pháp Falun Gong đã bị diệt sạch.

Tình thế đó đã làm nảy sinh ra một rắc rối. Chiến dịch triệt tiêu Falun Gong của ông Jiang đã vô tình đưa ĐCSTQ vào thế đối đầu với rất nhiều người Trung Quốc, với tỉ lệ ĐCSTQ có thù hằn với một trên mười hai người Trung Quốc. Hàng triệu người sau đó đã bị đưa vào những trại lao động nơi họ bị hành hạ và tẩy não. Hàng ngàn người trong số đó đã bị giết chết. Còn hàng ngàn người khác thì bị giết để lấy nội tạng sống.

Như vậy nếu như Jiang hoặc những người trung thành với ông ta không nắm được quyền lực, thì rất có thể những tội ác do chiến dịch triệt trừ đó gây ra đã bị phơi bày ra ánh sáng rồi và những thành viên trong phe của Jiang đã bị truy tố, trừng phạt. Do đó tất cả những cuộc đấu đá sau hậu trường xung quanh kì đại hội đảng lần thứ 16 vào năm 2002, lần thứ 17 năm 2007, và lần thứ 18 sắp đều xoay quanh nỗ lực của phe nhóm của Jiang muốn thâu tóm quyền lực để tránh bị buộc trách nhiệm.

Năm 2003 Hu Jintao trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ, nhưng suốt một thời gian dài ông ta vẫn không nắm được thực quyền. Jiang Zemin, là chủ tịch Quân ủy Trung ương, mới là người cầm chịch mọi chuyện.

Thêm vào đó, với Zeng Oinghong là kẻ đút lót chạy chọt xưa nay của Jiang lại được nắm cương vị phó chủ tịch ĐCSTQ, nên Hu Jintao và Thủ tướng Wen Jiabao đã rất khó khăn để có thể vượt được khỏi các bức tường rào của trụ sở Đảng.

Sau khi Jiang về hưu hẳn năm 2004 và Hu được trở thành chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhưng Hu cũng chỉ có quyền thăng chức các tướng lãnh thôi.

Về vấn đề Falun Gong, Hu và Jiang có những quan điểm khác biệt.

Để duy trì việc đàn áp những học viên Falun Gong, ĐCSTQ đã phải chi ra những món tiền khổng lồ và đã đẩy toàn bộ hệ thống luật pháp Trung Quốc đến bờ vực sụp đổ.

Cựu phó giám đốc Cục Công an Liu Jing cho hay rằng tại một cuộc họp vào năm 2001 Jiang bày tỏ mong muốn lập thêm Văn phòng 610 vào tất cả các cấp của hệ thống công an (Văn phòng 610 là cơ quan vi hiến của Đảng do Jiang thành lập để thực hiện việc đàn áp Falun Gong. Văn phòng này có mặt ở mọi cấp và có thẩm quyền cao hơn mọi cấp của Đảng cũng như nhà nước).

Hu phản đối vì cho rằng “thêm Văn phòng 610 là phải thêm rất nhiều nhân lực và như vậy sẽ rất tốn kém.”

Khi nghe thế Jiang đã nổi tam bành và quát vào mặt Hu với những câu cho thấy Jiang rất sợ loại hoạt động tinh thần ôn hòa này, “Falun Gong sắp lật đổ quyền lực của chúng ta, thế mà đồng chí còn ngồi đó nói về nhân sự và ngân sách được à?” Từ đó Hu giữ im lặng.

Nhưng sau vụ ám sát hụt Hu vào năm 2006, cán cân quyền lực bắt đầu nghiêng về phía Hu.

Vào tháng năm 2006, Hu Jintao đã thực hiện một chuyến công du tới biển Hoàng Hải để thẩm định một hạm đội. Ngay khi Hu đang thị sát trên con tàu có chức năng phá hủy hỏa tiễn bằng điều khiển thì bỗng nhiên nhiều loạt súng máy bắn xối xả tới từ hai tàu chiến bên cạnh. Vụ bắn súng đã giết chết 6 thủy thủ.

Chiếc tàu phá hủy hỏa tiễn chở Hu đã phóng hết tốc lực để thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Để tránh những âm mưu ám sát khác, Hu không quay về Bắc Kinh ngay, mà bay thẳng đến tỉnh Yunnan ở phía tây nam. Và mãi một tuần sau đó Hu mới quay trở về Bắc Kinh.

Sau sự kiện đó, Hu Jintao bắt tay vào việc củng cố quyền kiểm soát quân sự của mình, khởi đi từ Bắc Kinh, rồi đến Quân ủy trung ương, kế là Chongqing.

Đấu đá quanh vụ Xi

Trong cuộc chơi sát phạt giữa Jiang và Hu, những nước đi quyết định kế tiếp liên quan đến việc xác định thành phần nhân sự của Ủy Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị - Ủy ban gồm 9 nhân vật cầm đầu ĐCSTQ – và ai là người kế vị của Hu, cả hai nội dung này phải được công bố tại Đại hội Đảng lần thứ 17 vào năm 2007.

Lúc đó Zeng Qinghong người ủng hộ trung thành của Bo đã bị buộc phải rời khỏi Ủy ban thường vụ rồi. Hu Jintao muốn đưa Li Keqiang, lúc ấy đang là tỉnh ủy tỉnh Liaoning, và Xi Jinping, tỉnh ủy tỉnh Zhejiang vào trong Ủy ban thường vụ. Cuối cùng Hu đã thành công trong việc cấy cả hai nhân vật đó vào trong Ủy ban thường vụ và muốn Li Keqiang được đề cử làm người kế vị mình.

Jiang và Zeng tiếp tục khống chế Hu Jintao và không bằng lòng để Li Keqiang leo cao hơn lên nấc thang quyền lực. Nhưng Jiang không có ai trong Ủy ban thường vụ để có thể đề cử thay thế vào vị trí của Li, nên ông đành đề cử Xi Jinping.

Hu Jintao và Thủ tướng Wen Jiabao không có trở ngại nào trong việc chấp nhận Xi Jinping, bởi vì quan điểm nói chung của họ đều giống nhau. Cả ba đều tự nhận là đệ tử của Hu Yaobang, cựu Tổng bí thư Đảng - người đã giúp mang lại cải cách kinh tế cho Trung cộng, và mong muốn thực hiện cải cách chính trị.

Nhưng việc tiến cử Xi của Jiang, hẳn nhiên, chỉ là một ngụy kế để mua thời gian.

Mọi hy vọng thực của Jiang đều đã được đặt hết vào Bo Xilai. Bo đã phát triển được “Mô hình Chongqing,” một chương trình chính trị chủ trương củng cố trật tự và luật pháp qua việc tiêu diệt các băng đảng xã hội đen và hồi phục uy thế cho ĐCSTQ bằng việc cổ xúy trở lại những lời kêu gọi cống hiên tận lực cho Đảng của Mao trước đây.

Bộ sậu của Jiang đã có hẳn kế hoạch đưa Bo vào danh sách nhân sự Đại hội 18 để làm người kế vị cho trùm an ninh nội chính Zhou Yongkang trong Ủy ban thường trực Bộ chính trị đồng thời kế vị chức vụ của Zhou là trưởng Ủy ban các vấn đề luật pháp và chính trị (PLAC). Ủy ban này kiểm soát ngành tòa án, viện công tố, Bộ công an, Bộ Tư Pháp, Cảnh sát vũ trang nhân dân và những cơ quan, sở ngành tương ứng.

Jiang và Zhou đã cùng nhau gia tăng ngân sách và qui mô hoạt động cho PLAC, biến nó trở thành trung tâm quyền lực thứ hai trong Đảng. Và khi Bo đã ở trong cương vị cầm đầu PLAC, Bo có thể, lúc thời cơ đã chín muồi, sử dụng lực lượng 1,5 triệu nhân viên Cảnh sát vũ trang nhân dân hùng hậu để lật đổ Xi, đoạt lấy quyền lực. Và chiến dịch triệt phá Falun Gong vẫn sẽ được tiếp tục.

Những việc thiết yếu nhất cho kế hoạch này đã được triển khai, thì bất ngờ Wang Lijun bỏ trốn đến Chengdu.

Nhằm vào Jiang và Zhou

Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 18, Hu Jintao đã tiến hành nắn gân Jiang Zemin để xem sức mạnh của ông ta tới đâu. Hu đã dàn dựng cho một giới chức trong Đảng tiết lộ cho truyền thông Hong Kong biết một mẩu tin về việc Jiang đã chết. Hu rất muốn biết phản ứng của những thành viên trong bộ sậu của Jiang ra sao và thái độ của nhân dân Trung Quốc trước bản tin này như thế nào, và qua đó sẽ buộc Jiang phải xuất đầu lộ diện, lúc ấy Hu có thể biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe thực của Jiang.

Người dân Trung Quốc đã đốt pháo ăn mừng khi nghe tin Jiang chết, còn bộ sậu của Jiang lại không thể hiện điều gì đặc biệt.

Khi vụ bê bối của Wang nổ ra cũng là lúc Hu đã chuẩn bị nắm lấy cơ hội và lợi dụng ngay vụ bê bối đó để triệt hạ Bo Xilai. Như vậy là Hu Jintao đã nhắm cú đánh vào Jiang qua việc hạ bệ Bo.

Trong khi đó, Hu và Wen bắt đầu khống chế Zhou Yongkang và ra sức lợi dụng nhà hoạt động xã hội, luật sư mù Chen Guangcheng (Trần Quang Thành) nhằm gây suy yếu hơn nữa thế lực của Zhou.

Khoảng ngày 27 tháng Tư, Chen Guangcheng, trong khi vẫn đang bị PLAC quản thúc tại nhà rất khắc nghiệt tại thành phố Linyi, tỉnh Shandong, bất ngờ chạy trốn được vào đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, cách xa nhà hàng trăm cây số.

Trong một băng ghi hình, Chen nói rằng PLAC dưới quyền điều khiển của Zhou là một tổ chức bất chấp luật pháp, và Chen liệt kê một loạt những ngược đãi mà ông đã phải chịu đựng nhiều năm liền. Chen đã hướng trực tiếp một câu hỏi tới Wen Jiabao: Có phải giới chức địa phương tự ý vi phạm pháp luật hay là họ đã đuợc giới chức chính quyền trung ương chỉ đạo? Chen còn nói thêm, vẫn nhắm trực tiếp tới Thủ tướng Wen, rằng: “Tôi nghĩ ông nên sớm cho nhân dân biết câu trả lời.”

Băng ghi hình của Chen đã tạo một áp lực lớn cho ĐCSTQ về vụ Zhou.

Thực chất việc Chen đào thoát khỏi Linyi không phải do may mắn hoặc một sự trùng hợp. Những giới chức cao cấp trong Đảng đã ngầm hỗ trợ để nó được thực hiện trót lọt.

Nhưng ngay khi các bên bắt đầu tập trung nhắm vào Zhou, thì Hu Jintao bắt đầu gặp phải các chống đối.

Phản đòn

Zhou sử dụng tờ Global Times (Toàn Cầu Thời Báo) và những cơ quan thông tấn khác do ông ta kiểm soát để lên án Hu đã rước “Mỹ can thiệp vào nội tình của Trung Quốc.”

Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sau sáu ngày để cho Chen rời khỏi tòa đại sứ, nhưng Zhou đã ngăn cản và buộc Chen phải ra ngoại quốc sống lưu vong. Đồng thời, Zeng Qinghong cũng bắt đầu thôi thúc các cựu lãnh đạo đảng phải gây áp lực với Hu và Wen để ngưng ngay chiến dịch hạ bệ Zhou Yongkang.

Nổi cộm nhất trong số những đảng viên lão thành mà Zeng kêu gọi là anh em nhà họ Ye, Ye Xuanping và Ye Xuanning. Họ là con trai của tướng Ye Jianying, một trong những nhà sáng lập ĐCSTQ, và người nào cũng có rất nhiều quyền lực trong vị thế của mình.

Ye Xuanning được xem là lãnh đạo tinh thần của nhóm thái tử đỏ của Đảng – con cháu của thế hệ sáng lập Đảng. Ye Xuanning đã kiểm soát hệ thống tình báo quân đội từ rất lâu và đang nắm có rất nhiều ảnh hưởng trong giới quân sự.

Trong khi đó một điều rất lo đối với gia đình Ye là nếu Zhou bị hạ bệ, thì ĐCSTQ sẽ sụp đổ.

Vì vậy Hu đành quyết định từ bỏ ý muốn bắt giam Zhou Yongkang và tìm cách đối phó với Zhou theo cách khác.

Đầu tháng Năm năm nay, 200 giới chức cao cấp của ĐCSTQ nhóm họp tại Khách sạn Jingxi, mà hãng thông tấn Reuters mô tả là đã được triệu tập nhằm “tăng cường đoàn kết và chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 18.”

Theo nguồn tin thân thiết với cuộc họp, Hu đã đưa ra những chỉ đạo như sau: Zhou phải về hưu hẳn. Sau khi bàn giao quyền lực, ông ta cũng sẽ mất nốt quyền chỉ định người kế vị lãnh đạo PLAC. Zhou sẽ được phép cắt đứt mọi liên hệ với vụ Bo, và được phép tại vị cho đến sau Đại hội Đảng lần thứ 18.

Những người có mặt tại cuộc họp cuối cùng đã đạt được đồng thuận vẫn để cho Zhou giữ được hình ảnh quan trọng trước công chúng để tạo ra một vẻ ổn định và hòa hợp nhằm đảm bảo việc chuyển giao quyền lực diễn ra được suôn sẻ.

Đồng thời, họ cũng đạt được một thỏa thuận nữa, trong đó có cả nhóm bảo thủ do Bộ trưởng Bộ tuyên truyền Li Changchun và Zhou cầm đầu, đồng ý với những đề nghị cải cách chính trị của Wen Jiabao. Mặc dù những cải cách đã được thông qua chỉ là những thay đổi rất giới hạn, nhưng trong đó có một điều khoản được tả như kiểu “bầu cử tự do ở cấp cao.” Tỉnh Guangdong đã được chọn là nơi đầu tiên sẽ thí điểm chương trình ”bầu cử tự do ở cấp cao“ đó.

Những thỏa thuận đó có vẻ như đã vạch ra một con đường tất đưa đến sự chia tách Đảng. Nhưng tất cả chúng sớm muộn sẽ được thay đổi.○

Người dịch: Việt Hùng



Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

“Xin khoan hồng” và “Thuốc nổ”


Phạm Hồng Sơn

Ba cơ quan chức năng của Việt Nam (Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An) vừa phối hợp họp báo để thông báo về việc sinh viên 20 tuổi Nguyễn Phương Uyên cùng một nam thanh niên 24 tuổi đã “nhận tội” và “xin khoan hồng” cùng với thông tin sự vụ liên quan tới “2,54kg hóa chất để chế tạo thuốc nổ”. 

Dù các thông tin này chưa thể coi là sự thật và mức độ gây thất vọng (nếu là thật) trong trường hợp này cũng không phải là vấn đề lớn nhưng qui mô của cuộc họp báo và các thông tin vừa kể một lần nữa cho thấy chính quyền độc tài luôn kiên trì để dựng bằng được chân dung của những người đang dấn thân vì tiến bộ hiện nay rút cục chỉ là những người bồng bột, kém chịu đựng và/hoặc chỉ là những kẻ cực đoan bạo động muốn gây đổ máu mà thôi. Đây chính là hai mục tiêu nòng cốt nhằm làm tan rã một phong trào đấu tranh bất bạo động trong thời đại ngày nay, chứ không hẳn là những án tù dài dằng dặc hay những bạo lực tàn ác.

Một phong trào bị trấn áp thẳng tay bằng những án tù dài hay bạo lực tàn ác vẫn có thể phát triển và thành công vì sự trấn áp luôn làm gia tăng thiện cảm, sự chia sẻ của công chúng cho phong trào và càng làm cho bộ mặt của chính quyền thêm phần khó chấp nhận. Nhưng một phong trào không có được niềm tin, sự tôn trọng trong công chúng và lại kèm thêm những hình ảnh bạo lực, manh động trong một xã hội đã rất sợ chiến tranh và trong một thế giới đang rất ngại kẻ khủng bố thì phong trào đó không thể tránh được thất bại.