Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Cách ly xã hội và tường lửa (firewall)

Theo xã hội học, cách ly xã hội (social isolation) là tình trạng một cá thể không được tiếp xúc hay giao tiếp với các cá thể khác của cùng một loài. Cách ly xã hội là một chủ đề nghiên cứu của các nhà xã hội học nhằm chứng minh tầm quan trọng của xã hội hóa (socialization) (1) trong quá trình phát triển của con người (human development). Cách ly xã hội thường được nghiên cứu thông qua những thực nghiệm trên động vật linh trưởng (không thuộc giống người) và các trường hợp con người đã bị cách ly khỏi xã hội. Các sách giáo khoa về xã hội học thường trích dẫn hai điển cứu về cách ly xã hội được tìm thấy như sau :

1. Anna là một cô gái được sinh ra ngoài ý muốn từ một phụ nữ có bệnh lý về tinh thần, vào năm 1932. Cô bị nuôi nhốt trong một buồng kho trên tầng mái của nhà người ông ngoại. Anna chỉ được quan tâm sao cho không bị chết, ngoài ra không được chăm sóc gì khác. Nhà xã hội học Kingsley Davis (1940) đã mô tả tình trạng của Anna khi cô được phát hiện vào năm 1938, khi đã lên 6 tuổi : Anna không hề có dấu hiệu của ngôn ngữ và tuyệt đối không có khả năng đi lại, không có cảm nhận về điệu bộ, không có một chút khả năng tự ăn ngay cả khi thức ăn để ở trước mặt, không hiểu gì về sạch bẩn. Cô ta có vẻ ngoài thờ ơ đến mức là rất khó có thể biết là cô ta có khả năng nghe ta nói hay không. Và đó là tất cả biểu hiện của một người đã được gần 6 tuổi.

Khi Anna được đưa tới chăm sóc ở một trường học đặc biệt, Anna đã dần học được cách đi lại, nói và tự quan tâm đến bản thân. Anna đã học được cách định hướng, nói với những câu ngắn, rửa tay, đánh răng và giúp đỡ bạn, nhưng đã chết vào lúc 10 tuổi, (Davis, 1940)

2. Genie, một cô gái được tìm thấy vào năm 1970 khi đã 13 tuổi. Genie bị khóa chặt ở trong buồng ngủ một mình và cứ định kỳ lại bị buộc chặt vào chiếc ghế bô (để đi đại, tiểu tiện) hoặc buộc vào một túi ngủ. Tình trạng này kéo dài suốt từ khi Genie được 20 tháng tuổi cho đến khi được phát hiện (13 tuổi). Genie chỉ được cho ăn bằng thức ăn của trẻ sơ sinh và luôn bị đánh bằng một mái chèo gỗ khi khóc. Genie không hề được nghe tiếng người vì không ai nói gì với cô và trong phòng cũng không có TV hay radio (Curtis, 1977 ; Pines, 1981). Genie sau đó đã được đưa vào một bệnh viện nhi khoa và được một nhà tâm lý học mô tả lại như sau : Vào lúc nhập viện, Genie gần như không có biểu hiện gì về mặt con người (trừ hình dạng). Cô không thể đứng được thẳng, miệng chảy rãi liên tục, không biết đi vệ sinh (như người bình thường), không có khả năng kiểm soát việc tiểu tiện hay đại tiện. Genie không thể ăn được thức ăn rắn và có chiều cao, cân nặng và hình dạng như một đứa trẻ chỉ bằng nửa tuổi của cô. Nếu đưa một đồ vật cho Genie, cô sẽ giơ tay chạm vào nó, cầm lấy nó và dùng ngón tay sờ soạng như không nhìn thấy đồ vật. Cô ta cọ nó vào má để cảm nhận nó. Khi tôi đến bên giường cô, và giơ tay về phía cô, cô cũng đón lấy và thận trọng sờ từng ngón tay tôi rồi cũng đưa lên cọ vào má cô. Genie có biểu hiện như một trẻ mù (Rymer, 1993 : 45).

Các biện pháp chăm sóc đặc biệt đã được áp dụng cho Genie nhằm xã hội hóa và phát triển khả năng ngôn ngữ cho cô. Tuy nhiên, các kết quả đạt được chỉ ở mức hạn chế và đến những năm 1990, Genie vẫn phải sống trong môi trường chăm sóc đặc biệt.(2) (hết trích)

Mặc dù hai trường hợp cách ly xã hội được ghi nhận trên đây có tính chất điển hình (bị cách ly xã hội gần như tuyệt đối) và có thể nói rằng không thể trở thành phổ biến trong xã hội (con người). Tuy nhiên, hai điển cứu đã cho thấy các mức độ cách ly xã hội tuyệt đối hoặc tương đối đều gây ra những thiếu hụt và cả những tàn phá rất khó hồi phục đối với sự phát triển của con người. Nói theo ngôn ngữ dân dã, hạn chế việc giao tiếp với xã hội có thể biến một con người tài năng thành một con người « ngớ ngẩn », hết sức thương tâm.

Trong quá trình xã hội hóa, con người có thể gặp phải những chuyện không như ý muốn hoặc thậm chí bị lừa gạt hay đầu độc. Nhưng về luật pháp cũng như đạo đức, không ai có quyền « cách ly xã hội » người khác, kể cả là tạm thời.(3) Chưa kể, sự trưởng thành đích thực của con người, ngoài việc được bồi đắp qua những giao tiếp tích cực, cũng cần phải biết cả những trải nghiệm tiêu cực hay kinh nghiệm xấu xa của xã hội. Các thực nghiệm « cách ly xã hội » cũng bị đạo đức nghề nghiệp và luật pháp nghiêm cấm thực hiện trên con người.

Qui mô và chiều sâu tương tác của con người với xã hội trên thế giới luôn được mở rộng và sâu sắc thêm, đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia là hiện tượng có thể nhìn thấy trong thời đại ngày nay. Sự phát triển kinh ngạc của các phương tiện truyền thông qua Internet chính là thể hiện cho khát khao của con người muốn phá bỏ mọi « cách ly xã hội » để có thể phát triển bản thân một cách hoàn thiện hơn và hiệu quả hơn.

Cho dù một xã hội, một dân tộc không thể qui đơn giản như một cá nhân. Nhưng, nếu hình dung một xã hội, một dân tộc như một con người, chúng ta có thể cảm nhận được sự tai hại thương tâm khi cả xã hội đó hay dân tộc đó bị « cách ly xã hội » với xã hội nhân loại rộng lớn.

Trên thực tế, không một nhà độc tài nào có thể « cách ly xã hội » từng người dân vào một căn phòng riêng biệt. Và xã hội hóa không chỉ thực hiện qua những tương tác bằng những phương tiện hiện đại trên Internet. Nhưng, khi một dân tộc bị những bức tường lửa (firewall) ngăn cách với các phương tiện xã hội hóa tiện lợi như facebook, twitter v.v, hoặc ngăn cách với kho tàng trí tuệ nhân loại trên Internet thì có thể nói cả dân tộc đó đang ở trong tình trạng bị « cách ly xã hội ».

Một dân tộc đã bị « cách ly xã hội » thì chắc chắn không thể nào phát triển được bình thường, không thể có khả năng « sống » một cách bình thường với xã hội nhân loại. Một dân tộc đã không thể phát triển được bình thường thì những mục tiêu cao đẹp như « dân giàu, nước mạnh » hay « sánh vai với các cường quốc năm châu » chỉ là sự tự huyễn hoặc hay dối trá, không hơn !

Kết tội không phải là mục đích của các nhà xã hội học, do đó trong hai điển cứu kể trên, thủ phạm hầu như không được nhắc tới. Tuy nhiên, việc « cách ly xã hội » đối với con người, đã được tất cả thừa nhận, là một tội ác.

Phạm Hồng Sơn
27/11/2009


(1) Khái niệm “xã hội hóa” ở đây khác với “xã hội hóa” được định nghĩa trong một số từ điển tiếng Việt xuất bản ở trong nước (Từ điển tiếng Việt 1994 của NXB Khoa học Xã hội và Trung tâm Từ điển học và Từ điển tiếng Việt của NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học 2009 đều ghi là “làm cho trở thành của chung của xã hội”) hoặc theo nghĩa đang được dùng phổ biến trên các phương tiện đại chúng của Việt nam hiện nay (có ý nói đến việc huy động thêm sự đóng góp, tham gia của khu vực tư nhân vào các công việc từ trước chỉ do nhà nước đảm nhiệm, ví dụ: Xã hội hóa trường học, xã hội hóa y tế,…). Trong xã hội học, “Xã hội hóa” (socialization) có nhiều định nghĩa với những khác biệt ít nhiều. Xin giới thiệu hai định nghĩa sau: 1. “Là quá trình tương tác suốt đời của một cá nhân với xã hội, thông qua đó, cá nhân tạo được bản sắc riêng của mình và thu được các kỹ năng về xã hội, về hoạt động thể chất và tinh thần cần cho sự tồn tại trong xã hội.” (Diana Kendall, ”Sociology in our times, The Essentials”, 4th Edition 2004, Baylor University, Thomson-Wadsworth. Trang 77) 2. “Xã hội hóa là quá tình tương tác giữa người này với người khác, kết quả là một sự chấp nhận những khuôn mẫu hành động và sự thích nghi với những khuôn mẫu” (Fitcher, trong Xã hội học đại cương do Vũ Quang Hà, Nguyễn Thị Hồng Xoan biên soạn, NXB Đại học quốc gia Hà nội, 2003, trang 131)
(2) Diana Kendall, ”Sociology in our times, The Essentials”, 4th Edition 2004, Baylor University, Thomson-Wadsworth. Trang 80, 81. (trường hợp cách ly xã hội thứ hai được dẫn ở đây có một sự trùng hợp rất trớ trêu là cô gái Genie có cái tên gợi đến một từ tiếng Pháp “Génie” có nghĩa là tài năng thiên bẩm, người thiên tài. PHS)
(3) Đối với các án phạt tù dành cho tội phạm, luật pháp cũng chỉ cho phép hạn chế các giao tiếp xã hội ở một mức độ nhất định và không áp dụng đối với người chưa thành niên (chưa trải qua quá trình xã hội hóa, được hiểu là đủ để đạt được những hiểu biết, kỹ năng cơ bản của con người xã hội). Đối với án phạt tử hình: xu thế của thế giới hiện nay là tiến tới bãi bỏ loại trừng phạt này.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Ủng hộ bà Ba Sương

Theo tinh thần trọng pháp của Hàn Phi cách đây hơn hai ngàn năm “Pháp luật bất vị thân” (“Pháp luật không hùa theo người sang. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không thể tránh.) hay theo tinh thần Nhà nước Pháp quyền hiện đại “Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng” thì việc phản đối bản án phúc thẩm 08 năm tù giam và buộc bồi hoàn hơn hơn 4,3 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương (cựu giám đốc Nông trường Sông Hậu) bằng những lý do như có nhân thân tốt (có cha và bản thân đều được phong danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều công lao khác) hoặc có hơn 100 người đã ký đơn “xin ở tù thay” đều không thuyết phục.

Trong một xã hội tôn trọng pháp luật thực sự, thì việc đưa ra những yếu tố tình cảm hay công trạng để biện minh cho sự vô tội không chỉ không cần thiết mà còn có thể làm cho những “thẩm phán” nghiêm minh càng nghiêm khắc hơn.

Nếu bản thân bà Ba Sương và những người ủng hộ bà có niềm xác tín vào những việc mình làm là thuộc về lẽ phải thì bà và những người ủng hộ cần hết sức tự tin, sáng suốt và lạc quan để bảo vệ lẽ phải bằng các công cụ pháp lý với những chứng cứ và lập luận thuyết phục.

Khi lâm vòng lao lý mà vẫn có được sự bảo vệ, chia sẻ công khai từ những người đã từng là cấp dưới, hay nhận được cả sự lên tiếng ủng hộ của cựu Phó Chủ tịch nước như bà Ba Sương thực sự là một hiện tượng hiếm có trong xã hội thời nay và là một lợi thế tinh thần quí giá cho người đang bị cáo buộc. Tuy nhiên, nếu tin rằng một người có danh vị như bà Ba Sương đã bị kết tội bất công, thì lỗi “gốc” không nằm ở các thủ tục tố tụng hay chỉ là vấn đề “quá bất công cho cô ấy”. Nếu không truy được lỗi “gốc” hay chỉ coi đó là trường hợp cá biệt thì xã hội vẫn còn có nhiều bà “Ba Sương” nữa. Hoặc nếu mong cầu sự rủ lòng thương của những kẻ cố tình bách hại thì có thể chỉ nhận được thêm sự khinh thường.

Dĩ nhiên, trong một xã hội mà pháp luật vẫn chỉ là công cụ cho những toan tính của những người có quyền thì việc tranh biện pháp lý cần phải thừa nhận là vô vọng. Nhưng không vô nghĩa. Bởi, bảo vệ lẽ phải luôn cần sự tự tin, đàng hoàng và cả sự chấp nhận thách thức. Trong một xã hội đầy bất công, sự vững vàng, bất khuất của những người đã có danh vị xã hội trong việc bảo vệ lẽ phải lại càng giá trị. Đối với người yêu mến lẽ phải, lao lý không phải là sự thua thiệt.

Phạm Hồng Sơn
22/11/2009