Đọc bài viết «Dân chủ là gốc và sự tương hỗ giữa tự do và dân chủ » của Như Hà (đăng trên exodusforvietnam.wordpress.com/2009/06/11/dan-chủ-la-gốc-va-sự-tương-hỗ-giữa-tự-do-dan-chủ/), tôi thấy có nhiều điều sai lầm cơ bản. Bài viết sau đây nhằm làm rõ những điểm đó:
1. Về khái niệm Tự do:
- Sau khi dẫn giải khá dài, Như Hà có đưa ra kết luận: “Vì vậy tự do là một trong các quyền thiết yếu mang tính đương nhiên, bất khả nhượng của con người (không mua, bán, chuyển nhượng với bất kỳ hình thức nào). Tự do là nền tảng, là cái gốc cơ bản để thi triển và giải quyết mọi vấn đề khác trong đời sống xã hội.”
Theo tôi Như Hà đã sai lầm trầm trọng khi hạ thấp ý nghĩa của Tự do chỉ còn là một trong các quyền của con người. Khái niệm Tự do đúng nghĩa đã được thừa nhận một cách phổ quát từ năm 1948 là “phẩm giá vốn có của tất cả các thành viên thuộc gia đình nhân loại, cũng như các quyền bình đẳng và không thể tước bỏ được của họ, là nền tảng của tự do,..” (Trích lời nói đầu của Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền). Như vậy khái niệm tự do là khái niệm được xác định bằng các quyền con người chứ không phải tự do là một quyền con người. Và như thế tự do phải là mục tiêu cuối cùng (cứu cánh) của mọi hoạt động trong xã hội loài người, nhằm khẳng định, bảo vệ và duy trì phẩm giá của con người.
- Như Hà có phân loại tự do thành hai loại là “Tự do có điều kiện và tự do vô điều kiện”: Đây là cách hiểu hoàn toàn sai so với quan niệm về tự do đến nay đã được thế giới (trong đó có chính quyền Việt Nam) thừa nhận (trong Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, như trích dẫn trên đây). Như vậy, nếu ta thừa nhận tự do là phẩm giá đương nhiên của con người, sự tồn tại của tự do (phẩm giá con người) không thể phụ thuộc vào ý chí của một cá nhân hay một thế lực nào, thì việc đặt điều kiện cho tự do (phẩm giá con người) là sự xúc phạm con người hoặc tự hạ thấp phẩm giá bản thân.
- Như Hà có viết :”Nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa thấy có một văn bản hay qui định của quốc gia nào giới hạn trong khuôn khổ quyền tự do. Đây là một khiếm khuyết rất lớn. Vì khái niệm và ranh giới của quyền tự do chưa được phân định rõ ràng đã dẫn đến tình trạng hiểu sai hay lạm dụng quyền tự do.” “Vì vậy việc cổ vũ cho các quyền tự do, thì phải song song cụ thể hóa, giới hạn của quyền tự do với các điều kiện kèm theo, để chế tài ngăn chặn việc lạm dụng quyền tự do đó.”
Những nhận xét và đề nghị này của Như Hà đều không đúng. Định nghĩa và liệt kê cụ thể của tự do đã được minh xác trong nhiều công pháp quốc tế (Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền của LHQ 1948, Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của LHQ 1966, Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của LHQ 1966,…) và đã ghi rõ trong nhiều bản hiến pháp. Còn việc Như Hà lo lắng về việc “lạm dụng quyền tự do”, có thể Như Hà đã nhầm lẫn với vấn đề phải làm sao để quyền tự do của một cá nhân không bị xâm hại bởi những cá nhân hay thế lực khác. Đây chính là nhiệm vụ hàng đầu của các chính quyền “của dân, do dân và vì dân” – đảm bảo cho mọi cá nhân được bảo toàn về tự do của bản thân, chứ đó không thuộc vấn đề của tự do. Như Hà có viết:” Ví dụ nhiều người hiểu sai là quyền tự do ngôn luận là có quyền nói bất cứ điều gì họ nghĩ. Chẳng hạn việc nhận xét, đánh giá mà không có bằng chứng, dẫn chứng cụ thể sẽ dẫn đến tình trạng vu khống, xúc phạm người khác”. Đây là một lo lắng chính đáng nhưng chưa đúng đắn vì nếu có vấn đề này xảy ra thì cũng không việc gì phải hạn chế quyền tự do ngôn luận, vấn đề ở đây là người bị (cho) là vu khống, xúc phạm sẽ tự động lên tiếng ngay (nếu đúng có tự do ngôn luận) và đòi hỏi những “bằng chứng”, “dẫn chứng” và như thế, kể cả trường hợp chưa có được một cơ quan nhà nước công minh để phân xử, thì ít nhất công luận cũng đã “nghe” được cả “hai tai”. Hơn nữa, với vị thế là dân thường (người bị quản lý), cái trước tiên chúng ta cần lo lắng cho tự do phải là sự lạm dụng tự do đến từ các thế lực nhà nước.
2. Về khái niệm dân chủ:
- Như Hà viết: ”Vấn đề dân chủ và khái niệm dân chủ là một khái niệm hết sức mới mẻ, nhất là từ khi con người xây dựng thành công mô hình xã hội dân chủ cho đến nay chưa có tài liệu nào diễn giải hay định nghĩa dân chủ một cách đầy đủ và hoàn thiện. Vì những nhược điểm cơ bản này đã khiến nhiều người hiểu lầm hay chưa hiểu thấu đáo thế nào là dân chủ.” Tôi không hiểu rõ ý cụ thể chữ “mới mẻ” của Như Hà dùng trong câu này, nhưng, theo các sử liệu, thuật ngữ Dân Chủ (democracy, démocratie) đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại (thế kỷ IV, V trước CN, dēmokratía, δῆμος (dêmos) nghĩa là “nhân dân” và κράτος (krátos), nghĩa là “quyền lực”, “sức mạnh" ). Khái niệm Dân chủ cũng đã được đề cập, làm rõ trong nhiều tác phẩm chính trị kinh điển như Hai khảo luận về chính quyền (Two Treatises of Government) của John Locke năm 1689, Bàn về tinh thần pháp luật (De l’esprit des Lois) của Montesquieu năm 1748, Bàn về khế ước xã hội (Du contrat social) của J.J Rousseau năm 1762,…Cho đến nay, có thể còn phải bàn nhiều về vấn đề dân chủ, nhưng đã có sự thống nhất trong giới học thuật quốc tế về thuật ngữ Dân chủ: “sự cai trị của dân” (the rule of the people) hoặc “một chính phủ được thành lập bởi nhân dân, trong đó quyền lực tối cao được trao cho nhân dân và được thực hiện bởi nhân dân hoặc bởi các đại diện được bầu ra từ một hệ thống bầu cử tự do“. Như vậy rất không nên tranh luận thêm về thuật ngữ “dân chủ”.
- Như Hà có phân loại các hình thức chế độ dân chủ bằng những tiêu chí như “Nguyên tắc dân chủ”, “Cơ cấu dân chủ”, “Sinh hoạt (thực hành) dân chủ”: Ở đây Như Hà đã nhầm lẫn, đưa các thiết chế và cách vận hành của một chế độ dân chủ với các hình thức nhà nước dân chủ đang tồn tại hiện nay (nhà nước dân chủ theo mô hình nghị viện hay mô hình tổng thống). Cũng xin nói thêm trong phần phân loại dân chủ này, Như Hà diễn giải còn rất sơ lược và chứa nhiều điểm mâu thuẫn (ví dụ: Như Hà có viết nguyên tắc dân chủ “theo thể thức quyền lực cao nhất thuộc về đa số”, đúng ra phải là “quyết định được hình thành dựa trên đa số với sự tôn trọng và đảm bảo quyền của các nhóm thiểu số khác”.
3. Một số điểm liên quan giữa tự do và dân chủ:
- Như Hà viết: “Bấy lâu nay rất nhiều người quan niệm rằng, đã là chế độ dân chủ thì phải tôn trọng nhiều ý kiến khác biệt và có nhiều đảng phái hoạt động. Có nghĩa đã dân chủ là phải đa nguyên đa đảng. Nhưng họ lầm lẫn khái niệm trên là khái niệm thuộc về lĩnh vực quyền tự do Tự do phát biểu ý kiến, tự do lập đảng phái vv..Còn dân chủ chỉ là sự lựa chọn của đa số cho ý kiến đúng, cho đảng phái nào phục vụ nhân dân tốt mà thôi. Trong lịch sử dân chủ ra đời trước đáng phái hàng ngàn năm, nền dân chủ Atena đã chứng minh điều đó.” Nhận xét này của Như Hà không rõ nghĩa, dễ gây nên hiểu lầm. Đúng ra cần phải tách bạch rằng tự do của con người trong đó có các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận (phát biểu ý kiến), tự do báo chí, tự do hội họp, hay tự do lập hội (đảng phái,…),…là mục tiêu tối hậu của phương thức quản lý quốc gia theo kiểu dân chủ. Nghĩa là chế độ dân chủ được sinh ra để bảo vệ các quyền tự do đó (kể cả tự do lập đảng phái). Có thể khái niệm dân chủ đã ra đời trước khái niệm đảng phái “hàng ngàn năm” (theo Như Hà), nhưng quyền tự do của con người (phẩm giá con người) đã gắn với con người ngay từ khi sinh ra.
- Như Hà có viết: “Quyền trưng cầu dân ý, là một những quyền quan trọng bậc nhất cho một xã hội mang tính dân chủ,…” Đây là một nhận xét sai về lý thuyết và ngộ nhận về thực tế. Về lý thuyết, trưng cầu dân ý (referendum) chỉ là một cách thức thể hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến (freedom of expression) một cách trực tiếp của một cộng đồng cho một vấn đề xác định, trong một thời hạn nhất định. Về thực tế, nếu trưng cầu dân ý trong bối cảnh không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí (hệ thống truyền thông, báo chí không có tính độc lập), không có tự do hội họp thì kết quả trưng cầu dân ý chắc chắn chỉ có lợi cho những cá nhân, thế lực có khả năng khống chế các quyền đó.
- Như Hà có viết: “Chúng ta thấy rất nhiều quốc gia đã thực hiện chế độ dân chủ theo hình thức trao quyền làm chủ cho người dân trước, để từ đó người dân sẽ tham gia vào quá trình hình thành và xây dựng chế độ dân chủ. Đi tiên phong trong việc này là các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã thực hiện trước tiên. Sau này đa phần các quốc gia khác đều làm theo cách này và cách làm này tỏ ra hiệu quả và bền vững.” Có thể Như Hà đã nhầm lẫn trong nhận xét này. Trên thực tế, vấn đề quan tâm nhất của những người thảo ra bản Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 là thiết kế ra một chính quyền trung ương trên cơ sở tự quản (self-government) và bảo tồn được các quyền cá nhân (individual liberties). Chính 10 tu chính đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ (được gọi là the Bill of Rights – luật về quyền con người) là yếu tố quan trọng để giúp 13 bang của nước Mỹ non trẻ chịu ở lại trong Hợp chủng (union) và có thể yên tâm chịu sự quản lý của một chính quyền trung ương (liên bang). Trong khi đó, quyền đi bỏ phiếu (quyền làm chủ) vào lúc Hiến pháp Mỹ được thông qua mới chỉ được trao cho những người đàn ông da trắng và có tài sản.
- Như Hà có viết: “Tự do và dân chủ là hai yếu tố liên quan mật thiết không thể thiếu được, nếu thiếu một trong hai yếu tố đó sẽ không xây dựng được một xã hội dân chủ. Vì vậy sẽ không có sự khác nhau giữa dân chủ và tự do. mà trái lại tự do dân chủ luôn luôn tương hỗ, bổ trợ cho nhau một cách mật thiết.” Bản thân kết luận này của Như Hà đã có sự tự mâu thuẫn. Thứ nhất, Như Hà khẳng định “Tự do và dân chủ là hai yếu tố liên quan mật thiết không thể thiếu được,..” Trong khi sự liên quan mật thiết của hai yếu tố không thể qui định cho tính chất giống nhau của chúng, và hai yếu tố chỉ có thể “tương hỗ, bổ trợ” cho nhau khi chúng khác nhau. Do vậy Như Hà hoàn toàn sai khi kết luận: “không có sự khác nhau giữa dân chủ và tự do.”
4. Thay cho lời kết.
- Ở Việt Nam chúng ta từ nhiều thập niên qua đã xảy ra hiện tượng đánh tráo khái niệm, làm sai lệch ý nghĩa nguyên thủy của ngôn ngữ. Ví dụ: sự dối trá trong giáo dục hay các lĩnh vực khác thì được gọi chệch đi là “bệnh thành tích”; sự vô trách nhiệm thì được gọi là “thiếu trách nhiệm”; sự lan tràn khắp xã hội của một thói xấu thì được gọi là “một bộ phận”; các yếu kém, tiêu cực, hư hỏng của một tổ chức, một qui trình thì được gọi là “bất cập”; bầu cử không có tự do thì được gọi là “đảng cử, dân bầu”; kẻ có “quyền sinh, quyền sát” thì được gọi là “đày tớ”…Đối với các khái niệm đã trở nên phổ quát như Tự do, Dân chủ hay Nhân quyền cũng không tránh được xu thế xấu này. Vì vậy việc trong xã hội Việt Nam hiện vẫn có người nhận thức sai lầm hay lệch lạc về các khái niệm vừa kể không phải là điều khó hiểu, nhưng rất cần phải sửa.
- Đối với tình cảnh Việt Nam hiện nay, để có một cuộc tổng bầu cử tự do, công bằng và có cạnh tranh thực sự (dân chủ) vẫn là một việc phải phấn đấu ngoan cường. Nhưng nhìn vào mục tiêu tối hậu của con người là Tự do, là Phẩm giá làm người thì một cuộc tổng bầu cử như thế vẫn chưa thể yên tâm. Vấn đề này thiết nghĩ đã được Fareed Zakaria chứng minh rất rõ trong bài tiểu luận ““Sự trỗi dậy của các chế độ Dân chủ phi tự do””. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với qui luật thông thường: kể cả khi đã có một phương tiện tốt (dân chủ), kết quả đem lại (tự do) của phương tiện đó vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào sự hiểu biết và kỹ năng của người sử dụng (nhân dân). Bài viết “Sự khác nhau giữa Dân chủ và Tự do” của Hà Sĩ Phu chính là thể hiện sự lo lắng, trăn trở đó. Quan điểm của tôi là hoàn toàn đồng ý.
- Công cuộc dân chủ hóa như đã diễn tiến ở nhiều quốc gia cho thấy luôn cần đến đóng góp của tất cả các cá nhân, các tổ chức trong xã hội. Sẽ là không đúng đắn và không có lợi cho dân chủ hóa nếu chúng ta phân biệt, xúc phạm sự đóng góp chân thành của bất kỳ ai cho công cuộc to lớn này. Hơn nữa, một chế độ dân chủ tự do cũng bao hàm những thiết chế quan sát độc lập và tinh tường.
- Những phản biện của tôi trên đây chỉ căn cứ vào những điểm tôi cho là sai lầm quan trọng nhất trong bài viết trên đây của Như Hà. Hy vọng việc phản biện với một người mà danh tính vẫn còn là một ẩn số vẫn mang lại lợi ích thiết thực cho công cuộc dân chủ hóa xã hội Việt Nam.
Phạm Hồng Sơn
13/06/2009 (ngày Công an theo sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam bắt Luật sư Lê Công Định)
Note: Bài chỉ gửi cho vietnamexodus.org