Aaron Burr là cựu phó tổng thống Mỹ với nhiệm kỳ chấm dứt vào năm 1805. Lúc đó Burr đang ở trong tình trạng nợ nần chồng chất với một tương lai chính trị xám xịt.
Nhưng không phải Burr không còn tham vọng. Ông đã từng có ý tưởng đoạt lấy Mexico từ tay người Tây Ban Nha. Burr đã thiết lập được nhiều quan hệ bí mật và ông cố thuyết phục họ bằng mọi cách để được ủng hộ và giúp đỡ về tài chính cho kế hoạch của mình.
Mục đích thật sự của Aaron Burr là gì ? Có phải để chiếm lấy Mexico ? Hay để lập ra một quốc gia riêng với một số vùng phía tây nước Mỹ ? Cho đến nay, tất cả những nghi vấn này vẫn chưa được rõ.
Vào mùa xuân năm 1805 Burr du hành về phía tây. Chuyến đi đưa ông xuôi theo các sông Ohio và Missisipi tới tận thành phố cảng New Orleans, tại đây, Burr đã có những trao đổi với nhiều người giàu có và quyền thế. Ông đã trình bày kế hoạch của mình cho họ và được họ ủng hộ trong việc chấm dứt sự kiểm soát của Tây Ban Nha đối với Mexico.
Sau đó Burr chuẩn bị quay lại ngay phía đông để bắt tay thực hiện kế hoạch.
Trên đường về, Burr có dừng lại ở Saint Louis để thăm Tướng James Wilkinson, thống đốc Lãnh thổ Louisiana . Wilkinson đã cùng với Burr bàn tính kế hoạch.
Nhưng cùng lúc đó Wilkinson đang làm gián điệp cho Tây Ban Nha và Wilkinson lại không muốn mất khoản tiền được Tây Ban Nha trả cho những thông tin do ông cung cấp. Wilkinson bắt đầu nghĩ đến cách rút khỏi kế hoạch của Burr.
Wilkinson khuyên Burr tốt nhất là nên quên Mexico đi với lý do là thời điểm thực hiện không thuận lợi. Ông đề nghị được giúp Burr trở lại chính trường bằng cách trở thành dân biểu bang Indiana. Nhưng Burr đã bác bỏ đề nghị của Wilkinson và vẫn không chịu từ bỏ giấc mơ về Mexico. Burr đã từng hy vọng kế hoạch Mexico sẽ bắt đầu vào mùa xuân năm 1806. Tuy nhiên, vì thiếu tài chính nên không có việc gì được thực hiện.
Ông đã cố gắng để được giúp đỡ vật chất từ những người hy vọng được chia nguồn tài nguyên giàu có tại Mexico. Nhưng ông đã thất bại. Kết quả cũng tương tự khi ông nhờ cậy người Anh trợ giúp về tài chính và tàu thuyền.
Tạo ra chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha là một phần quan trọng trong kế hoạch của Burr. Ông cho rằng cần phải có cuộc chiến như thế để những người ở miền tây sẽ cùng với Burr chống lại người Tây Ban Nha tại Mexico. Không có chiến tranh, kế hoạch sẽ thất bại.
Sau khi trở lại Washinton, Burr đã nhận được những tin tức xấu cho kế hoạch. Burr đã gặp Tổng thống Thomas Jefferson và Tổng thống đã thể hiện rõ là sẽ không có chiến tranh với Tây Ban Nha.
Sau lần gặp Tổng thống, Burr bắt đầu nghĩ ra các kế hoạch mới. Ông có thể đã tạm quên kế hoạch xâm chiếm Mexico. Thay vào đó, Burr nói là sẽ xây dựng một khu định cư tại Louisiana và đang chờ một thời điểm thuận lợi hơn.
Trong khi Aaron Burr còn đang đi về phía tây, các tin tức đã lan truyền khắp nơi về các hoạt động của Burr. Các báo đã đi đến mức gần như kết tội ông có âm mưu chia rẽ Hợp chủng. Mọi người dường như sẵn sàng tin vào các báo. Và đó chính là cơ hội để Tướng Wilkinson thoát khỏi kế hoạch của Burr.
Wilkinson viết một lá thư cho Tổng thống Jefferson, nói rằng có một đội quân gồm một vạn người đang tiến về New Orleans. Ông ta nói rằng đó là một phần trong một chiến dịch nhằm chống lại Mexico. Ông ta đưa ra các chi tiết của chiến dịch đó nhưng nói rằng không biết ai là người cầm đầu. Ông còn cảnh báo tổng thống rằng lực lượng đó có thể sẽ chiếm cả Louisiana cũng như Mexico.
Đó không phải là bức thư đầu tiên báo về kế hoạch Mexico của Burr gửi tới Jefferson. Đó cũng không phải lần đầu tiên Jefferson nghe nói rằng Burr đang có kế hoạch tách các bang miền tây khỏi Hợp chủng. Tuy nhiên, không như các thư khác, lần này Jefferson xem bức thư của Wilkinson như một chứng cớ chắc chắn cho tội của Burr.
Tổng thống triệu tập ngay nội các để bàn cách đối phó. Cuộc họp đi đến quyết định: Tất cả các tư lệnh quân đội được lệnh bắt ngay Burr.
Tổng thống Jefferson đã tuyên bố công khai ngay sau đó là đang có một kế hoạch vũ trang bí mật chống lại người Tây Ban Nha và bất cứ ai dính líu đến kế hoạch này nên từ bỏ ngay lập tức. Lời tuyên bố không nói gì đến tên Aaron Burr.
Jefferson cũng đề cập đến một kế hoạch vũ trang bí mật trong Thông điệp Liên bang hàng năm của tổng thống trước Quốc hội. Sau đó Quốc hội đề nghị cung cấp thêm thông tin. Trong một phát biểu đặc biệt khác, tổng thống còn nói rằng Burr có nhiều kế hoạch khác nhau, trong đó có việc tách các bang miền tây khỏi Hợp chủng và một kế hoạch khác là chiếm Mexico. Tổng thống nói Burr đang cố làm mọi người tin rằng ông ta đang xây dựng một khu định cư ở Louisiana, nhưng theo tổng thống, đó chỉ là một mưu mẹo.
Tổng thống nói rằng Burr đã phát hiện ra người dân ở các bang miền tây không ủng hộ việc tách họ khỏi Hợp chủng nên Burr đã quyết định sẽ chiếm lấy New Orleans. Jefferson cho rằng không còn điều gì nghi ngờ việc Burr đã phạm tội.
Tòa án sau này đã không chứng minh được tội của Burr. Nhưng, đối với nhiều người Mỹ, những nhận định của Jefferson được coi như sự thật. Một số người còn yêu cầu kết Burr vào hình phạt tử hình do đã phản bội tổ quốc.
Tội phản bội tổ quốc, như được giải thích trong Hiến pháp Mỹ, là một hành động của một công dân gây ra chiến tranh chống lại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Burr bị bắt vào tháng Hai năm 1807 và bị giải về Richmon, bang Virginia để chờ một đại bồi thẩm đoàn liên bang (federal grand jury) xem xét có đủ chứng cứ để đưa Burr ra xét xử không. Vào tháng Sáu năm đó, bồi thẩm đoàn liên bang đã chính thức cáo buộc Burr vào tội phản quốc. Burr sẽ phải ra trước tòa do John Marshall, Chánh án Tòa án Tối cao của Hợp chủng Quốc Hoa kỳ làm chủ tọa.
Tại tòa có lần Burr đã tự bào chữa cho mình. Burr nói rằng « Phản bội tổ quốc không thể thực hiện được khi không có hành động. Trong khi vào lúc này đây, tôi bị cáo buộc không phải vì những hành động của tôi mà chỉ vì những tin tức sai lệch về những điều tôi có thể sẽ làm. Rõ ràng là cả nước đang chống lại một mình tôi. Đó có phải là công lý không ? Ông Wilkinson đã làm tổng thống lo sợ về tôi. Sau đó, đến lượt tổng thống lại làm cho tất cả mọi người lo sợ.”
Đúng là Tổng thống Jefferson đã muốn chứng minh Burr có tội. Ông đã lệnh cho các nhân viên chính quyền ở khắp nơi phải tìm ra nhân chứng để đưa ra chứng cớ chống lại Burr.
Một số đối thủ của Jefferson nói rằng Jefferson làm điều đó để biến phiên tòa thành một cuộc đấu về chính trị. Họ cho rằng Jefferson muốn sử dụng hồ sơ của tòa án để tấn công Chánh án Tối cao (Chief Justice) Marshall – một thành viên của đảng đối lập Federalist. Jefferson đã từng phản đối cách Marshall kiểm soát Tòa án Tối cao. Jefferson cho rằng Marshall đã sử dụng vị thế của mình để đe dọa quyền lực của tổng thống và Quốc hội.
Chánh án Tối cao Marshall đã biết trong việc cáo buộc Burr có một phần ý muốn của Jefferson. Vì vậy ông đã hết sức thận trọng và công bằng trong việc đưa ra ý kiến và quyết định.
Vào cuối tháng Tám, Chánh án Tối cao Marshall quyết định chấm dứt việc thu thập chứng cớ. Ông nói với tòa rằng, theo qui định của Hiến pháp, một cáo buộc phản quốc bắt buộc phải được chứng minh bằng hai nhân chứng, nhưng cáo buộc của chính phủ trong trường hợp này thậm chí còn không có lấy một nhân chứng. Sau đó ông ra lệnh cho bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết vụ án.
Ngày 01 tháng Chín, bồi thẩm đoàn công bố phán quyết. Phán quyết viết rằng: “ Chúng tôi, thuộc bồi thẩm đoàn, tuyên bố rằng các chứng cớ đưa ra đã không chứng minh được Aaron Burr có tội. Vì vậy, chúng tôi thấy ông ta không có tội.” Burr và các luật sư của ông hết sức tức giận và phản đối quyết liệt cách viết trong phán quyết. Burr và các luật sư nói rằng bồi thẩm đoàn không có quyền nói nhiều hơn chữ “có tội” hoặc “không có tội.” Marshall đồng ý và lệnh cho viết lại phán quyết chỉ đơn giản là “không có tội.” Phiên tòa kết thúc.
Aaron Burr còn sống thêm 29 năm nữa. Có thời gian ông sang châu Âu và sau đó trở về thành phố New York. Chỉ vài giờ trước khi qua đời, một người bạn của ông đã hỏi có bao giờ ông âm mưu chiếm Mexico với mục đích làm tan rã Hợp chúng chưa. Burr trả lời: ” Chưa! Nếu có thể tôi đã phải nghĩ ngay đến việc chiếm lấy mặt trăng và báo cho các bạn biết là tôi sẽ chia cho các bạn.”
Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Không hoàn thiện là một đặc tính tự thân của thế giới tự nhiên. Nhưng đối với xã hội loài người, sự không hoàn hảo ngoài lý do tự nhiên, còn có thêm những lý do do chính con người gây ra, một cách vô tình hay cố ý. Hoàn thiện bản thân, hoàn thiện xã hội luôn là ước mơ, khao khát chính đáng của loài người từ hàng ngàn năm nay.
Để ước mơ và khao khát chính đáng đó trở thành hiện thực, không có cách nào khác hơn là phải tích cực và chủ động đấu tranh với các nhân tố, thế lực đang gây ra hay giấu đi những yếu kém, khuyết tật, suy đồi của bản thân cũng như của xã hội. Vì vậy đấu tranh đã nghiễm nhiên là một đặc tính và là một bổn phận của mọi công dân trong các xã hội, kể các xã hội văn minh nhất. Tuyên ngôn Nhân quyền hay các Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của Liên Hợp Quốc không chỉ là việc minh xác những quyền tối thiểu của con người trong một xã hội văn minh mà chính là sự cổ vũ, thúc đẩy cho mọi đấu tranh để các quyền đó đến được với tất cả mọi người. Đối với các xã hội mà nhà nước không phải do dân bầu lên, cuộc đấu tranh đó đương nhiên phải bức thiết và cam go hơn rất nhiều. Bởi quyền con người, dù có được thừa nhận tại những nơi đó, không chỉ thiếu hụt hay thực thi hời hợt mà nó còn bị các thế lực quyền thế kìm giữ cho riêng chúng một cách hung hãn.
Dùng sức mạnh cơ bắp hay vũ khí để bảo vệ bản thân chống lại cái ác đến từ đồng loại hay thiên nhiên là dạng đấu tranh có tính chất sơ khai, bản năng nhất của con người. Do đó một xã hội muốn thoát khỏi sự man rợ phải là một xã hội biết thừa nhận và cổ vũ các phương pháp đấu tranh bất bạo động - chỉ dùng lý lẽ và các cách thức ôn hòa để tạo áp lực nhằm cải biến, sửa chữa các khuyết tật của cá nhân, tổ chức hay toàn xã hội. Một nhà nước muốn xã hội văn minh hơn thì phải biết cổ vũ, khuyến khích các phương pháp đấu tranh bất bạo động. Một nhà nước muốn người dân thực sự là Con Người thì không bao giờ ngăn cản hay đe dọa các sáng kiến đấu tranh bất bạo động.
Các xô xát hay bạo lực có thể xảy ra trong các cuộc đấu tranh bất bạo động, trước tiên phải thuộc trách nhiệm nhà nước. Với một hệ thống pháp luật minh bạch và được thực thi đúng đắn, cùng với các phương tiện và nguồn lực khác, một nhà nước có thiện ý hoàn toàn có khả năng kiểm soát và ngăn chặn được mọi nguy cơ bạo lực có thể xảy ra trong các phương thức đấu tranh bất bạo động của dân chúng. Nếu một nhà nước thoái thác việc đảm bảo an ninh cho một cuộc tuần hành để phản đối sự nhũng lạm trắng trợn tiền thuế của dân hay một cuộc biểu tình ngồi trên quảng trường nhằm xiển dương lòng yêu nước trước sự ngang ngược của quốc gia láng giềng, nhà nước đó có còn đủ tư cách là một nhà nước của dân? Gánh thêm một nhiệm vụ có thể sẽ làm cho trách nhiệm của một nhà nước thêm phức tạp. Nhưng đổi lại, và chỉ có thế, nhà nước đó mới chứng tỏ được tính chất của dân, do dân và vì dân và, quan trọng hơn, nhà nước đó có thêm một sức mạnh để ngăn chặn hay loại bỏ các hư hỏng, khuyết tật lỳ lợm nhất của chính bản thân nó một cách hữu hiệu.
Đấu tranh bất bạo động đã chứng tỏ không chỉ đem lại được độc lập cho nhiều quốc gia bị thực dân đô hộ hàng trăm năm mà nó còn là phương thức để chuyển hóa nhiều chính quyền độc đoán, ác nghiệt, thiếu tự chủ sang chính quyền đa nguyên, nhân ái và tự chủ.
Đương nhiên vẫn có những cá nhân, thế lực, nhà nước không muốn dân chúng đấu tranh thực sự với các bất công, các khuyết tật của xã hội hay chế độ chính trị, dù là đấu tranh bất bạo động. Nhưng đối với người dân, không thể không tự tìm hiểu, nghiên cứu các phương pháp đấu tranh bất bạo động nếu không muốn bản thân và con cháu mãi vẫn ở trong cái vòng luẩn quẩn của áp bức, chiến tranh và lại áp bức.
Sự tước đoạt tự do của một cá nhân thường là không thể thấm với sự tước đoạt lãnh thổ của một quốc gia hay sự nhục mạ danh dự của một dân tộc. Song, việc bắt Luật sư Lê Công Định đã không còn là chuyện trấn áp một cá nhân.
Giữa lúc biên thùy đang rên xiết, quốc thổ nơi xung yếu bị thao túng. Sao dám đang tâm tống ngục người đòi «Trả lại hào khí Diên Hồng » ?
Ngay khi nguyên khí quốc gia đang gắng gượng trở dậy. Sao có thể lưu đày nhân sỹ đang nỗ lực «Khai dân trí » ?
Trong lúc dân đen đang khốn đốn vì bị chặn đường ra biển. Sao lại triệt đi một tinh thần dám «Vươn ra biển lớn» ?
Thường nghe, kẻ làm vua túng quẫn xưa kia khi chạy sang phương Bắc cũng chưa bao giờ dám thất thố với kẻ sỹ, chả dám lên giọng mắng mỏ thần dân, cũng không xuẩn đến mức hả hê, tự đắc với thân phận tôi đòi.
Sự thách thức tinh thần dân tộc là điều đã rõ. Trò nhạo báng danh dự quốc gia là điều đang hiển hiện. Âm mưu dọa nạt lương tri đang thức tỉnh là điều không còn bàn cãi.
Sự tồn vong của dân tộc, nền độc lập của giang sơn đang ngóng chờ một thái độ dứt khoát của mỗi con dân nước Việt trước các thách thức, nhạo báng, dọa nạt lịch sử. Bóng của những âm mưu trấn áp vẫn đang rình rập ngày đêm khắp không gian nước Việt. Nhưng, chúng sẽ phải hoảng hồn tan biến khi tiếng hô đồng thanh cất lên: Hãy bắt tôi đi !
Phạm Hồng Sơn
16/06/2009
(Tất cả các từ đặt trong « « là nhan đề bài viết hoặc diễn đàn đã tham gia của Luật sư Lê Công Định)
Note: 1. Chữ "...đang tâm..." do Thongluan.org sửa giúp từ chữ "...đang tay..."
« Nhiều lãnh đạo trên thế giới tỏ ra sẵn sàng nhường vị thế thống trị châu Á cho Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc chưa thể đủ khả năng cho vai trò này. »
Ngày càng có nhiều học giả châu Á và phương Tây tuyên bố rằng thời điểm của Trung Quốc cuối cùng cũng đã tới. Ai có thể phản bác được họ? Khi Hoa Kỳ đang phải gắng vật lộn với sự suy giảm nghiêm trọng về kinh tế và phải khôi phục lại hình ảnh đã bị hoen ố do hai cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục như vô tận, Trung Quốc đang lớn lên và khuếch trương ảnh hưởng ra thế giới. Sự tự tin có thể sờ được ở mọi chỗ trên khắp «Vương quốc Trung nguyên » (Middle Kingdom). Tháng trước, tại Diễn đàn Bác-Ngao (câu trả lời của Bắc Kinh đối với Diễn đàn Davos), một loạt các diễn giả Trung Quốc đã không còn lên tiếng với vẻ khiêm nhường thường có nữa và còn chế nhạo Washington về chuyện yếu kém trong quản lý tài chính. Những diễn giả này kêu gọi thiết lập một loại tiền dự trữ mới thay cho Đô-La và đòi hỏi có nhiều ảnh hưởng hơn trong hệ thống kinh tế thế giới. Vài ngày sau đó, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh, lần đầu tiên, đã phô cho thế giới thấy hai tầu ngầm hạt nhân và tuyên bố lực lượng hải quân của họ sẽ sớm phóng sức mạnh ra Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
Nhưng điều gây ngạc nhiên đặc biệt về sự trỗi dậy của Trung Quốc là việc mọi người rất ít xem lại thực lực của nó có phù hợp với vị thế quốc gia đứng đầu châu Á không. Thực trạng này cũng diễn ra ngay cả ở Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế gấp 10 lần Trung Quốc. Hoạt cảnh Bắc Kinh đang giữ một vai trò đứng đầu tại các cuộc gặp thượng đỉnh, nơi mà Tokyo nhìn chung không nổi bật, cũng dường như đang được chào đón ở khắp nơi như một sự tưởng thưởng gấp gáp. Ngày càng có thêm các lãnh đạo ở khắp thế giới âm thầm cúi đầu trước Trung Quốc như một siêu cường với hết thảy động lực cho kinh tế. Đó cũng là thông điệp không nói ra khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, ngay tháng trước, đã xin lỗi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về việc đã tiếp kiến Đức Dalai Lama, hoặc khi Hoa Kỳ lặng lẽ dừng việc lên án Trung Quốc thao túng đồng tiền nội địa. Các báo phát hành từ London cho tới Seoul đều đang chạy các tin về sự nổi lên của Trung Quốc như một quốc gia điều khiển thế giới, và nhà báo Martin Jacques gần đây còn dự báo trong tờ The Guardian là Thượng Hải sẽ sớm thay New York làm «trung tâm tài chính thế giới ». Ông ta còn không nhắc đến những đối thủ khác trong vùng như Tokyo, Singapore hay Seoul.
Các học giả như David Kang của UCLA (Đại học California, Los Angeles) thậm chí còn cho rằng sự nổi dậy của một trật tự thế giới xoay quanh Trung Quốc có thể là một tiến triển tích cực và mang lại sự ổn định. Trong phần lớn của hai nghìn năm qua, ông ta ghi nhận, rằng người châu Á đã coi sự thống trị của Trung Quốc như một phần của cuộc sống. Và sự thống trị đó thường là hiền lành: trong khi đế chế Trung Quốc muốn các nước láng giềng thừa nhận sự thống lĩnh của nó và phục dịch nó thì ngược lại nó cũng thường để cho các nước đó được yên thân. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc đã chứng tỏ rõ ràng tính ổn định và mềm dẻo. Kang còn nói « Nếu nhìn vào lịch sử, bạn sẽ không thể kết luận ngay được là Trung Quốc càng lớn thì càng nguy hiểm. »
Có thể thực tế đã đúng như những nhận định vừa nêu. Nhưng sẽ đích đáng để xem xem Trung Quốc đã thực sự sẵn sàng làm thủ lĩnh, ngay ở mức độ trong khu vực, hay chưa. Trong khi châu Á hiện tại vẫn còn hỗn độn, đa cực về sức mạnh, nó chưa thể tự gò mình vào một thứ tôn ti nào. Trung Quốc đúng là lớn hơn rất nhiều các nước láng giềng về qui mô kinh tế, nhưng với các thước đo khác như công nghệ, GDP/đầu người hoặc sức mạnh của các định chế trong xã hội, Trung Quốc còn xa mới tới được vị trí số 1. Nhà quan sát châu Á Bill Emmott đã viết trong cuốn « Rivals » (các đối thủ) mới ra gần đây, rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc đang bị mắc kẹt vào các loại đầu tư hoang phí, các xuất khẩu vốn qui mô lớn (massive capital export), dự trữ ngoại hối kiểu phô trương và nạn ô nhiễm trầm trọng. Chính thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, gần đây đã nói rằng các sai lầm về cấu trúc đang gây ra tình trạng « phát triển bất ổn định, bất cân bằng, bất đồng điệu và bất bền vững. »
Mô hình Trung Quốc hiện tại khó có thể giúp Trung Quốc vượt qua được các đối thủ để lãnh đạo châu Á. Nhật Bản hiện tại kém xa Trung Quốc về tham nhũng và được quản lý tốt hơn, và vẫn đang giữ một vị trí vững chắc đứng đầu về công nghệ. Trong khi nền kinh tế Nhật Bản hướng về xuất khẩu đang phải chịu một suy giảm lớn từ suy sụp tài chính toàn cầu, các công ty giàu vốn của Nhật vẫn đang tiếp tục dồn tiền vào Nghiên cứu-Phát triển (R&D) cho đủ loại sản phẩm, từ điện tử cho tới sắt thép. Chính vì thế mà Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới về công nghệ xe hơi «xanh », và Trung Quốc không thể theo kịp. Charles Gassenheimer, Tổng giám đốc của hãng xe hơi-« xanh » Ener1 của Hoa Kỳ, cho rằng tổng đầu tư của Nhật Bản vào việc phát triển loại ắc-qui tối tân nhất đã luôn gấp 10 lần Hoa Kỳ suốt một thập niên qua (từ năm 1998). Trong khi Trung Quốc chỉ mới bước vào cuộc chơi (dù với một tốc độ cao).
Ngay cả Nam Hàn – một nước khó chịu với thân phận bị gọi là «hạng tôm tép giữa đám cá voi » - cũng đã và đang nổi lên như một sức mạnh, đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất, có tính sáng tạo nhất và có công nghệ cao nhất thế giới. Theo Chỉ số Đổi mới Quốc tế (International Innovation Index) gần nhất, Nam Hàn đứng thứ nhì thế giới, còn Trung Quốc thứ 27. Nam Hàn là một ví dụ cho thấy châu Á ngày nay có rất nhiều thủ lĩnh tùy theo lĩnh vực : Trung Quốc xuất chúng trong việc tạo ra các sản phẩm giá thấp, nhưng Nhật Bản và Nam Hàn lại đứng đầu về đổi mới và sản phẩm công nghệ cao.
Do vậy, dưới nhiều phương diện, ý nghĩa trọn vẹn của Số 1 đã trở nên lỗi thời. Một số chuyên gia cho rằng người châu Á vẫn bị đóng chặt vào ý nghĩa đó của Số 1 là do ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử-nhấn mạnh phải tôn trọng hệ thống thứ bậc có tôn ti, trật tự. Nhưng, hãy nhìn cách Singapore đang khai thác giá trị gia tăng của công nghệ thông tin để chiếm một vị thế trên thế giới khác với mức nhỏ bé về lãnh thổ. Hoặc hãy xem cách tác động của hoạt động thương mại thế giới và mạng Internet làm cho Bắc Kinh ngày càng thấy gay go trong việc duy trì trật tự ở trong nước. Rõ ràng thời đại toàn cầu hóa không chấp nhận quan điểm thứ bậc tôn ty của Khổng Tử.
Những chiến lược gia về ngoại giao theo quan điểm duy thực vẫn thích chỉ ra thực tế của khu vực chưa bao giờ thấy cả hai (Trung Quốc và Nhật Bản) cùng mạnh một lúc. Những chuyên gia này lo ngại sự tiến triển đó có thể dẫn đến xung đột và sợ rằng sức mạnh hải quân Trung Quốc, có thể bị các đảo của Nhật Bản vây hãm khi có xung đột, đã được điều đi thăm dò hệ thống phòng vệ của Nhật Bản rồi. Trong khi đó Tokyo đang tăng cường Lực lượng Bảo vệ Bờ biển quanh các đảo có tranh chấp và đưa máy bay tới kiểm soát các dàn khoan dầu của Trung Quốc. Aaron Friedberg, nhà nghiên cứu chính trị tại Princeton, đã so sánh châu Á hiện đại với châu Âu trong thế kỷ 19 khi các nước lớn vẫn còn dùng mánh «diễu võ giương oai» để giành quyền kiểm soát.
Điều này nhấn mạnh vào việc phải xem còn bao xa Trung Quốc mới đạt được vị thế thống trị trong khu vực. Vào thế kỷ 19, không có một dân tộc đơn lẻ nào tại châu Âu có khả năng khống chế cả châu Âu. Tương tự, không có gì chắc chắn cho thấy Trung Quốc có thể thắng Nhật ngay cả trong một cuộc xung đột nhỏ, và khả năng càng ít hơn đối với một xung đột lớn-sẽ làm người đồng minh lớn nhất của Nhật phải tham dự. Hơn nữa: dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có tăng liên tục trên 10% hàng năm thì cũng cần phải ít nhất một thập niên nữa Trung Quốc mới có thể hạ thủy được tàu sân bay đầu tiên – dấu chỉ của hải quân đủ khả năng áp đặt được sức mạnh (trong khi Hoa Kỳ hiện đã có 11 chiếc).
Dĩ nhiên Trung Quốc không tuyên bố bất kỳ khát vọng nào về thống trị quân sự hay bá chủ kinh tế, và cũng có thể Trung Quốc đang cần giữ gìn về lời ăn tiếng nói. Vấn đề quan trọng hiện nay là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có một ràng buộc lớn theo kiểu chủ nợ-con nợ và kẻ mua-người bán. Điều tương tự cũng đang xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ để trở thành bạn hàng số 1 của Nhật Bản vào năm 2007. Một nước Nhật già cỗi đang tận dụng nhân công giá rẻ của Trung Quốc, trong khi các nhà máy tại Đồng bằng Sông Ngọc (đông nam Trung Quốc-ND) thường dùng các máy móc và công nghệ made in Japan. Hợp tác cấp thế giới và vùng đang có ý nghĩa rất lớn cho lợi ích của cả hai quốc gia.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có lý do để các nước láng giềng phải chuẩn bị cho một Trung Quốc hung hãn hơn. Vẫn có các nỗ lực nhằm xây dựng một tổ chức tự vệ khu vực chung, nhưng đang gặp trở ngại do những khác biệt về nguồn lực và ý thức hệ và do cả nỗi e ngại có thể làm Bắc Kinh tức giận. Nhưng vẫn có nhiều cách khác để thúc đẩy một châu Á tiến theo chiều đa cực. Chính quyền Obama dường như đang đi theo hướng này : khi tới thăm châu Á tháng Hai vừa qua, Hillary Clinton đã tới Nhật Bản trước tiên, sau đó là Seoul, nhằm thúc giục hai bên hợp tác với nhau. Sau đó Hillary Clinton tới Indonesia, một chế độ dân chủ lớn và mới hình thành. Chỉ sau đó, Hillary Clinton mới dừng ở Bắc Kinh và kêu gọi Trung Quốc, Nhật Bản hợp tác với nhau trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đó chính là một dạng vấn đề liên quốc gia cần đến sự hợp tác, chứ không cần kiểu « giễu võ, dương oai » - một mánh lới đang trở nên phổ biến, nhưng chỉ là kiểu «múa rìu qua mắt thợ».
Phạm Hồng Sơn dịch
27/05/2009
(Nguồn: Why Bow to China? Newsweek No21, May 25, 2009
Đọc bài viết «Dân chủ là gốc và sự tương hỗ giữa tự do và dân chủ » của Như Hà (đăng trên exodusforvietnam.wordpress.com/2009/06/11/dan-chủ-la-gốc-va-sự-tương-hỗ-giữa-tự-do-dan-chủ/), tôi thấy có nhiều điều sai lầm cơ bản. Bài viết sau đây nhằm làm rõ những điểm đó:
1. Về khái niệm Tự do:
- Sau khi dẫn giải khá dài, Như Hà có đưa ra kết luận: “Vì vậy tự do là một trong các quyền thiết yếu mang tính đương nhiên, bất khả nhượng của con người (không mua, bán, chuyển nhượng với bất kỳ hình thức nào). Tự do là nền tảng, là cái gốc cơ bản để thi triển và giải quyết mọi vấn đề khác trong đời sống xã hội.”
Theo tôi Như Hà đã sai lầm trầm trọng khi hạ thấp ý nghĩa của Tự do chỉ còn là một trong các quyền của con người. Khái niệm Tự do đúng nghĩa đã được thừa nhận một cách phổ quát từ năm 1948 là “phẩm giá vốn có của tất cả các thành viên thuộc gia đình nhân loại, cũng như các quyền bình đẳng và không thể tước bỏ được của họ, là nền tảng của tự do,..” (Trích lời nói đầu của Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền). Như vậy khái niệm tự do là khái niệm được xác định bằng các quyền con người chứ không phải tự do là một quyền con người. Và như thế tự do phải là mục tiêu cuối cùng (cứu cánh) của mọi hoạt động trong xã hội loài người, nhằm khẳng định, bảo vệ và duy trì phẩm giá của con người.
- Như Hà có phân loại tự do thành hai loại là “Tự do có điều kiện và tự do vô điều kiện”: Đây là cách hiểu hoàn toàn sai so với quan niệm về tự do đến nay đã được thế giới (trong đó có chính quyền Việt Nam) thừa nhận (trong Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, như trích dẫn trên đây). Như vậy, nếu ta thừa nhận tự do là phẩm giá đương nhiên của con người, sự tồn tại của tự do (phẩm giá con người) không thể phụ thuộc vào ý chí của một cá nhân hay một thế lực nào, thì việc đặt điều kiện cho tự do (phẩm giá con người) là sự xúc phạm con người hoặc tự hạ thấp phẩm giá bản thân.
- Như Hà có viết :”Nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa thấy có một văn bản hay qui định của quốc gia nào giới hạn trong khuôn khổ quyền tự do. Đây là một khiếm khuyết rất lớn. Vì khái niệm và ranh giới của quyền tự do chưa được phân định rõ ràng đã dẫn đến tình trạng hiểu sai hay lạm dụng quyền tự do.” “Vì vậy việc cổ vũ cho các quyền tự do, thì phải song song cụ thể hóa, giới hạn của quyền tự do với các điều kiện kèm theo, để chế tài ngăn chặn việc lạm dụng quyền tự do đó.”
Những nhận xét và đề nghị này của Như Hà đều không đúng. Định nghĩa và liệt kê cụ thể của tự do đã được minh xác trong nhiều công pháp quốc tế (Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền của LHQ 1948, Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của LHQ 1966, Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của LHQ 1966,…) và đã ghi rõ trong nhiều bản hiến pháp. Còn việc Như Hà lo lắng về việc “lạm dụng quyền tự do”, có thể Như Hà đã nhầm lẫn với vấn đề phải làm sao để quyền tự do của một cá nhân không bị xâm hại bởi những cá nhân hay thế lực khác. Đây chính là nhiệm vụ hàng đầu của các chính quyền “của dân, do dân và vì dân” – đảm bảo cho mọi cá nhân được bảo toàn về tự do của bản thân, chứ đó không thuộc vấn đề của tự do. Như Hà có viết:” Ví dụ nhiều người hiểu sai là quyền tự do ngôn luận là có quyền nói bất cứ điều gì họ nghĩ. Chẳng hạn việc nhận xét, đánh giá mà không có bằng chứng, dẫn chứng cụ thể sẽ dẫn đến tình trạng vu khống, xúc phạm người khác”. Đây là một lo lắng chính đáng nhưng chưa đúng đắn vì nếu có vấn đề này xảy ra thì cũng không việc gì phải hạn chế quyền tự do ngôn luận, vấn đề ở đây là người bị (cho) là vu khống, xúc phạm sẽ tự động lên tiếng ngay (nếu đúng có tự do ngôn luận) và đòi hỏi những “bằng chứng”, “dẫn chứng” và như thế, kể cả trường hợp chưa có được một cơ quan nhà nước công minh để phân xử, thì ít nhất công luận cũng đã “nghe” được cả “hai tai”. Hơn nữa, với vị thế là dân thường (người bị quản lý), cái trước tiên chúng ta cần lo lắng cho tự do phải là sự lạm dụng tự do đến từ các thế lực nhà nước.
2. Về khái niệm dân chủ:
- Như Hà viết: ”Vấn đề dân chủ và khái niệm dân chủ là một khái niệm hết sức mới mẻ, nhất là từ khi con người xây dựng thành công mô hình xã hội dân chủ cho đến nay chưa có tài liệu nào diễn giải hay định nghĩa dân chủ một cách đầy đủ và hoàn thiện. Vì những nhược điểm cơ bản này đã khiến nhiều người hiểu lầm hay chưa hiểu thấu đáo thế nào là dân chủ.” Tôi không hiểu rõ ý cụ thể chữ “mới mẻ” của Như Hà dùng trong câu này, nhưng, theo các sử liệu, thuật ngữ Dân Chủ (democracy, démocratie) đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại (thế kỷ IV, V trước CN, dēmokratía, δῆμος (dêmos) nghĩa là “nhân dân” và κράτος (krátos), nghĩa là “quyền lực”, “sức mạnh" ). Khái niệm Dân chủ cũng đã được đề cập, làm rõ trong nhiều tác phẩm chính trị kinh điển như Hai khảo luận về chính quyền (Two Treatises of Government) của John Locke năm 1689, Bàn về tinh thần pháp luật (De l’esprit des Lois) của Montesquieu năm 1748, Bàn về khế ước xã hội (Du contrat social) của J.J Rousseau năm 1762,…Cho đến nay, có thể còn phải bàn nhiều về vấn đề dân chủ, nhưng đã có sự thống nhất trong giới học thuật quốc tế về thuật ngữ Dân chủ: “sự cai trị của dân” (the rule of the people) hoặc “một chính phủ được thành lập bởi nhân dân, trong đó quyền lực tối cao được trao cho nhân dân và được thực hiện bởi nhân dân hoặc bởi các đại diện được bầu ra từ một hệ thống bầu cử tự do“. Như vậy rất không nên tranh luận thêm về thuật ngữ “dân chủ”.
- Như Hà có phân loại các hình thức chế độ dân chủ bằng những tiêu chí như “Nguyên tắc dân chủ”, “Cơ cấu dân chủ”, “Sinh hoạt (thực hành) dân chủ”: Ở đây Như Hà đã nhầm lẫn, đưa các thiết chế và cách vận hành của một chế độ dân chủ với các hình thức nhà nước dân chủ đang tồn tại hiện nay (nhà nước dân chủ theo mô hình nghị viện hay mô hình tổng thống). Cũng xin nói thêm trong phần phân loại dân chủ này, Như Hà diễn giải còn rất sơ lược và chứa nhiều điểm mâu thuẫn (ví dụ: Như Hà có viết nguyên tắc dân chủ “theo thể thức quyền lực cao nhất thuộc về đa số”, đúng ra phải là “quyết định được hình thành dựa trên đa số với sự tôn trọng và đảm bảo quyền của các nhóm thiểu số khác”.
3. Một số điểm liên quan giữa tự do và dân chủ:
- Như Hà viết: “Bấy lâu nay rất nhiều người quan niệm rằng, đã là chế độ dân chủ thì phải tôn trọng nhiều ý kiến khác biệt và có nhiều đảng phái hoạt động. Có nghĩa đã dân chủ là phải đa nguyên đa đảng. Nhưng họ lầm lẫn khái niệm trên là khái niệm thuộc về lĩnh vực quyền tự do Tự do phát biểu ý kiến, tự do lập đảng phái vv..Còn dân chủ chỉ là sự lựa chọn của đa số cho ý kiến đúng, cho đảng phái nào phục vụ nhân dân tốt mà thôi. Trong lịch sử dân chủ ra đời trước đáng phái hàng ngàn năm, nền dân chủ Atena đã chứng minh điều đó.” Nhận xét này của Như Hà không rõ nghĩa, dễ gây nên hiểu lầm. Đúng ra cần phải tách bạch rằng tự do của con người trong đó có các quyền tự do cơ bản như tự do ngôn luận (phát biểu ý kiến), tự do báo chí, tự do hội họp, hay tự do lập hội (đảng phái,…),…là mục tiêu tối hậu của phương thức quản lý quốc gia theo kiểu dân chủ. Nghĩa là chế độ dân chủ được sinh ra để bảo vệ các quyền tự do đó (kể cả tự do lập đảng phái). Có thể khái niệm dân chủ đã ra đời trước khái niệm đảng phái “hàng ngàn năm” (theo Như Hà), nhưng quyền tự do của con người (phẩm giá con người) đã gắn với con người ngay từ khi sinh ra.
- Như Hà có viết: “Quyền trưng cầu dân ý, là một những quyền quan trọng bậc nhất cho một xã hội mang tính dân chủ,…” Đây là một nhận xét sai về lý thuyết và ngộ nhận về thực tế. Về lý thuyết, trưng cầu dân ý (referendum) chỉ là một cách thức thể hiện quyền tự do bày tỏ ý kiến (freedom of expression) một cách trực tiếp của một cộng đồng cho một vấn đề xác định, trong một thời hạn nhất định. Về thực tế, nếu trưng cầu dân ý trong bối cảnh không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí (hệ thống truyền thông, báo chí không có tính độc lập), không có tự do hội họp thì kết quả trưng cầu dân ý chắc chắn chỉ có lợi cho những cá nhân, thế lực có khả năng khống chế các quyền đó.
- Như Hà có viết: “Chúng ta thấy rất nhiều quốc gia đã thực hiện chế độ dân chủ theo hình thức trao quyền làm chủ cho người dân trước, để từ đó người dân sẽ tham gia vào quá trình hình thành và xây dựng chế độ dân chủ. Đi tiên phong trong việc này là các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã thực hiện trước tiên. Sau này đa phần các quốc gia khác đều làm theo cách này và cách làm này tỏ ra hiệu quả và bền vững.” Có thể Như Hà đã nhầm lẫn trong nhận xét này. Trên thực tế, vấn đề quan tâm nhất của những người thảo ra bản Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 là thiết kế ra một chính quyền trung ương trên cơ sở tự quản (self-government) và bảo tồn được các quyền cá nhân (individual liberties). Chính 10 tu chính đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ (được gọi là the Bill of Rights – luật về quyền con người) là yếu tố quan trọng để giúp 13 bang của nước Mỹ non trẻ chịu ở lại trong Hợp chủng (union) và có thể yên tâm chịu sự quản lý của một chính quyền trung ương (liên bang). Trong khi đó, quyền đi bỏ phiếu (quyền làm chủ) vào lúc Hiến pháp Mỹ được thông qua mới chỉ được trao cho những người đàn ông da trắng và có tài sản.
- Như Hà có viết: “Tự do và dân chủ là hai yếu tố liên quan mật thiết không thể thiếu được, nếu thiếu một trong hai yếu tố đó sẽ không xây dựng được một xã hội dân chủ. Vì vậy sẽ không có sự khác nhau giữa dân chủ và tự do. mà trái lại tự do dân chủ luôn luôn tương hỗ, bổ trợ cho nhau một cách mật thiết.” Bản thân kết luận này của Như Hà đã có sự tự mâu thuẫn. Thứ nhất, Như Hà khẳng định “Tự do và dân chủ là hai yếu tố liên quan mật thiết không thể thiếu được,..” Trong khi sự liên quan mật thiết của hai yếu tố không thể qui định cho tính chất giống nhau của chúng, và hai yếu tố chỉ có thể “tương hỗ, bổ trợ” cho nhau khi chúng khác nhau. Do vậy Như Hà hoàn toàn sai khi kết luận: “không có sự khác nhau giữa dân chủ và tự do.”
4. Thay cho lời kết.
- Ở Việt Nam chúng ta từ nhiều thập niên qua đã xảy ra hiện tượng đánh tráo khái niệm, làm sai lệch ý nghĩa nguyên thủy của ngôn ngữ. Ví dụ: sự dối trá trong giáo dục hay các lĩnh vực khác thì được gọi chệch đi là “bệnh thành tích”; sự vô trách nhiệm thì được gọi là “thiếu trách nhiệm”; sự lan tràn khắp xã hội của một thói xấu thì được gọi là “một bộ phận”; các yếu kém, tiêu cực, hư hỏng của một tổ chức, một qui trình thì được gọi là “bất cập”; bầu cử không có tự do thì được gọi là “đảng cử, dân bầu”; kẻ có “quyền sinh, quyền sát” thì được gọi là “đày tớ”…Đối với các khái niệm đã trở nên phổ quát như Tự do, Dân chủ hay Nhân quyền cũng không tránh được xu thế xấu này. Vì vậy việc trong xã hội Việt Nam hiện vẫn có người nhận thức sai lầm hay lệch lạc về các khái niệm vừa kể không phải là điều khó hiểu, nhưng rất cần phải sửa.
- Đối với tình cảnh Việt Nam hiện nay, để có một cuộc tổng bầu cử tự do, công bằng và có cạnh tranh thực sự (dân chủ) vẫn là một việc phải phấn đấu ngoan cường. Nhưng nhìn vào mục tiêu tối hậu của con người là Tự do, là Phẩm giá làm người thì một cuộc tổng bầu cử như thế vẫn chưa thể yên tâm. Vấn đề này thiết nghĩ đã được Fareed Zakaria chứng minh rất rõ trong bài tiểu luận ““Sự trỗi dậy của các chế độ Dân chủ phi tự do””. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với qui luật thông thường: kể cả khi đã có một phương tiện tốt (dân chủ), kết quả đem lại (tự do) của phương tiện đó vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào sự hiểu biết và kỹ năng của người sử dụng (nhân dân). Bài viết “Sự khác nhau giữa Dân chủ và Tự do” của Hà Sĩ Phu chính là thể hiện sự lo lắng, trăn trở đó. Quan điểm của tôi là hoàn toàn đồng ý.
- Công cuộc dân chủ hóa như đã diễn tiến ở nhiều quốc gia cho thấy luôn cần đến đóng góp của tất cả các cá nhân, các tổ chức trong xã hội. Sẽ là không đúng đắn và không có lợi cho dân chủ hóa nếu chúng ta phân biệt, xúc phạm sự đóng góp chân thành của bất kỳ ai cho công cuộc to lớn này. Hơn nữa, một chế độ dân chủ tự do cũng bao hàm những thiết chế quan sát độc lập và tinh tường.
- Những phản biện của tôi trên đây chỉ căn cứ vào những điểm tôi cho là sai lầm quan trọng nhất trong bài viết trên đây của Như Hà. Hy vọng việc phản biện với một người mà danh tính vẫn còn là một ẩn số vẫn mang lại lợi ích thiết thực cho công cuộc dân chủ hóa xã hội Việt Nam.
Phạm Hồng Sơn
13/06/2009 (ngày Công an theo sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam bắt Luật sư Lê Công Định)
“The Rise of Illiberal Democracy”, Foreign Affairs, November 1997
Người dịch: Phạm Hồng Sơn (với sự cho phép của tạp chí Foreign Affairs).
Người hiệu đính: Mai Thái Lĩnh.
-Tháng 5 năm 2009-
Làn sóng sắp tới
Nhà ngoại giao người Mỹ Richard Holbrooke trằn trọc suốt đêm trước ngày bầu cử tại Bosnia vào tháng Chín năm 1996, cuộc bầu cử nhằm khôi phục lại đời sống dân sự cho đất nước bị tàn phá do xung đột. “Cứ giả thiết rằng cuộc bầu cử là tự do và công bằng,” ông ta nghĩ, “và những người được bầu lại là những người có tư tưởng phân biệt chủng tộc, phát-xít hoặc ly khai - những người đang công khai chống lại tiến trình hòa bình và tái hòa nhập”. Đó thực sự là một tình thế tiến thoái lưỡng nan không chỉ đối với Liên bang Nam Tư cũ mà còn là tình trạng đang trở nên phổ biến trên thế giới. Các chính quyền được bầu lên một cách dân chủ, nhất là các chính quyền được bầu lại hoặc được tái xác nhận thông qua trưng cầu dân ý, thường bất chấp các giới hạn quyền lực do hiến pháp qui định và thường tước đi các quyền và tự do căn bản của người dân. Từ chính quyền tại Peru đến các cơ quan quyền lực của Palestine, từ chính quyền ở Sierra Leone, Pakistan đến Slovakia hay Philippines, chúng ta đều thấy sự trỗi dậy của một hiện tượng đáng lo ngại trong đời sống quốc tế. Đó là sự trỗi dậy của chế độ Dân chủ phi Tự do.
Rất khó để nhận ra vấn đề này, vì suốt gần một thế kỷ qua tại phương Tây, dân chủ thường được hiểu là dân chủ tự do – một hệ thống chính trị được xác định không chỉ bằng thiết chế bầu cử tự do và công bằng, mà còn bằng chế độ pháp trị (rule of law), sự chia tách quyền lực và thiết chế bảo vệ các tự do cơ bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tôn giáo và tự do sở hữu tài sản. Trên thực tế, tập hợp các quyền tự do vừa kể - chúng ta có thể gọi chúng bằng thuật ngữ “chủ nghĩa tự do hiến định” (constitutional liberalism), về lý thuyết là khác và về lịch sử là tách biệt với từ dân chủ. Như nhà chính trị học, Philippe Schmitter, đã chỉ rõ:”Chủ nghĩa tự do, với tư cách là một quan niệm về tự do chính trị hay một học thuyết kinh tế, có thể đã trùng hợp với sự trỗi dậy của dân chủ. Nhưng nó (chủ nghĩa tự do –ND) chưa bao giờ được gắn một cách bất biến hay rõ ràng với việc thực hành dân chủ.” Hiện nay, hai thành tố đó của nền dân chủ tự do (liberal democracy), được bện chặt với nhau trong các hệ thống chính trị phương Tây, lại đang tự lan truyền sang phần còn lại của thế giới một cách riêng rẽ. Dân chủ đúng là đang nở rộ. Nhưng chủ nghĩa tự do hiến định thì không.
118 trong tổng số 198 quốc gia trên toàn thế giới hiện nay đã trở thành dân chủ, bao gồm một đa số của cư dân toàn thế giới (chính xác là chiếm 54,8%), là một phát triển rộng lớn trong một thập niên đã qua. Với sự thành công như thế, lẽ ra người ta có thể đã háo hức trông đợi các chính trị gia và trí thức phương Tây sẽ còn tiến một bước xa hơn cả E.M.Forster[1] và nhiệt liệt ăn mừng cho dân chủ. Nhưng thay vì thế, thế giới lại đang lo lắng hơn cho sự gia tăng nhanh các cuộc bầu cử đa đảng, đang diễn ra tại khắp nam-trung Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, có thể vì những gì đã xảy ra sau các cuộc bầu cử đó. Những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Boris Yeltsin[2] tại Nga, Carlos Menem[3] tại Argentina đang phớt lờ cả quốc hội và đang cai trị bằng các sắc lệnh tổng thống – những hành vi đang gây xói mòn các thiết chế hiến định. Trong khi đó, quốc hội Iran – đã được bầu ra một cách tự do hơn hầu hết các quốc gia khác tại Trung Đông, lại đang áp đặt các biện pháp khắc nghiệt đối với ngôn luận, hội họp và thậm chí cả về trang phục, làm giảm đi sự tự do vốn đã rất ít ỏi của đất nước này. Chính phủ tuyển cử tại Ethiopia lại đang dùng lực lượng an ninh để đối xử với nhà báo và các đối thủ chính trị, gây ra những tổn hại thường xuyên cho quyền con người và cả tính mạng con người.
Theo lẽ tự nhiên, hiện đang có một “phổ chính trị”[4] của thể chế dân chủ phi tự do, bắt đầu từ những loại ít hà khắc nhất như Argentina cho tới các loại gần-như-bạo-quyền (near-tyrannies) như Kazakstan và Belarus, và ở giữa là các nước như Romania hay Bangladesh. Phần lớn trong “phổ” này, các cuộc bầu cử đều ít khi được tự do và công bằng như tại phương Tây hiện nay, nhưng chúng đều phản ánh một hiện thực là dân chúng đã tham gia vào sinh hoạt chính trị và ủng hộ những người đắc cử. Các ví dụ cho hiện thực này không phải là cá biệt hay phi điển hình. Cuộc điều tra của Freedom House thực hiện năm 1996-1997 phản ánh qua báo cáo “Tự do trên Thế giới” (Freedom in the World)[5], đã xếp hạng riêng hai loại tự do chính trị và tự do dân sự, hai yếu tố gần tương đương với hai khái niệm dân chủ và tự do hiến định. Trong số các quốc gia nằm giữa thể chế độc tài cứng ngắc và thể chế dân chủ trưởng thành, có 50% thực hiện tự do chính trị tốt hơn tự do dân sự. Nói một cách khác, một nửa số các quốc gia đang dân chủ hóa hiện nay là các thể chế dân chủ phi tự do (illiberal democracy)[6].
Đúng là thể chế dân chủ phi tự do đang phát triển. Cách đây 7 năm chỉ có 22% các quốc gia đang dân chủ hóa có thể được xếp vào loại này, và chỉ hai năm sau đó, chỉ số này đã tăng lên tới 35%. Đến hôm nay, chỉ có một vài nền dân chủ phi tự do đã chuyển được sang dân chủ tự do, số còn lại thì đang chuyển sang xu hướng phi tự do tăng cường. Dù đã thoát xa khỏi giai đọan tạm thời hay quá độ, nhưng dường như phần lớn các quốc gia đó đang chuyển thành một dạng chính quyền pha trộn giữa một mức độ đáng kể về dân chủ với một mức độ đáng kể về chủ nghĩa phi tự do. Chính vì các quốc gia trên khắp thế giới hiện nay đã trở nên sung túc với nhiều biến thể của chủ nghĩa tư bản, nên chúng cũng có thể chấp nhận dễ dàng và duy trì nhiều dạng thức dân chủ khác nhau. Nền dân chủ tự do phương Tây có thể đang chứng tỏ không phải là đích đến cuối cùng trên con đường dân chủ, nhưng đúng là một trong nhiều lối thoát có thể có[7].
Dân chủ và Tự do
Từ thời Herodotus[8] cho đến nay, dân chủ luôn có nghĩa, đầu tiên và trước hết, là sự cai trị của dân. Quan niệm này về dân chủ - với ý nghĩa là một qui trình để chọn lựa ra chính quyền, đã được nhiều học giả nói rõ, từ Alexis de Tocqueville[9] đến Joseph Schumpeter[10], Robert Dahl[11], vẫn được các nhà xã hội học hiện nay sử dụng một cách rộng rãi. Trong tác phẩm Làn Sóng Thứ Ba (The Third Wave), Samuel P. Huntington đã lý giải tại sao:
Bầu cử, với đặc tính mở rộng, tự do và công bằng, là cốt lõi của dân chủ, một điều kiệnthiết yếu không thể thiếu. Song, các chính quyền được tạo ra bởi các cuộc bầu cử có thể không hiệu suất[12], đồi bại, thiển cận, vô trách nhiệm, bị chế ngự bởi những lợi ích riêng và không có khả năng chấp nhận các chính sách theo đòi hỏi của lợi ích công. Những phẩm chất xấu vừa kể tạo nên một chính quyền không mong muốn, nhưng chúng lại không làm cho các chính quyền đó trở thành thiếu dân chủ. Dân chủ là một phẩm hạnh công, nhưng không phải là độc nhất. Và mối quan hệ giữa dân chủ với các phẩm hạnh công và các tật xấu khác của xã hội, chỉ có thể nhận biết được nếu dân chủ được phân biệt rõ ràng với các đặc trưng khác của hệ thống chính trị.
Định nghĩa vừa nói về dân chủ cũng phù hợp với nhận thức phổ thông về thuật ngữ này. Khi một quốc gia tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng, có cạnh tranh, chúng ta sẽ gọi quốc gia đó là dân chủ. Khi tỷ lệ dân chúng tham gia vào chính trị tăng lên, ví dụ khi phụ nữ được thừa nhận quyền bầu cử, chúng ta sẽ coi đó là dấu hiệu của gia tăng dân chủ. Đương nhiên, một cuộc bầu cử phải có tính mở và công bằng và điều này đòi hỏi phải có sự bảo vệ ở một mức độ nào đó đối với quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Tuy nhiên, chỉ khi vượt qua được định nghĩa tối thiểu này và chỉ xếp một quốc gia vào dân chủ khi quốc gia đó đảm bảo được một danh mục đầy đủ, toàn diện về các quyền xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo; từ “dân chủ”, lúc đó, mới trở thành một danh hiệu nhằm tôn vinh hơn là một phạm trù để mô tả. Saucùng, Thụy Điển có một hệ thống kinh tế mà nhiều người cho là cắt xén các quyền sở hữu cá nhân, nước Pháp cho đến gần đây vẫn còn độc quyền nhà nước về truyền hình, và nước Anh có một tôn giáo được công nhận chính thức[13]. Nhưng tất cả các quốc gia đó đều là những nền dân chủ rõ ràng và có thể nhận dạng. Do vậy, nếu nhận định một cách chủ quan, cho rằng có dân chủ là có "một chính quyền tốt” (a good government), thì định nghĩa này sẽ làm cho khái niệm “dân chủ” trở thành vô dụng[14].
Mặt khác, chủ nghĩa tự do hiến định không liên quan đến các thủ tục để chọn ra chính quyền, mà đúng hơn là nói đến các mục tiêu của chính quyền. Nó (chủ nghĩa tự do hiến định-ND) dựa trên truyền thống lâu đời của các nước phương Tây luôn tìm cách bảo vệ tính tự trị của cá nhân và phẩm giá con người chống lại sự áp bức có thể đến từ bất cứ nguồn gốc nào - nhà nước, giáo hội hay xã hội. Thuật ngữ này hàm chứa hai ý niệm đã được bện chặt với nhau. Ý niệm Tự do được rút ra từ xu hướng triết học nhấn mạnh tự do cá nhân[15], khởi đầu từ các triết gia Hy lạp. Ý niệm Hiến định dựa vào truyền thống pháp trị (rule of law), khởi đầu từ những người La Mã. Chủ nghĩa tự do hiến định (constitutional liberalism) đã phát triển tại Tây Âu và nước Mỹ với ý nghĩa là phương tiện bảo vệ cho quyền sống, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân. Nhằm đảm bảo an toàn cho các quyền đó, chủ nghĩa tự do hiến định nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát đối với quyền lực của mỗi ngành trong chính quyền, sự bình đẳng trước pháp luật, các thẩm phán và tòa án không thiên vị, và sự tách rời giữa nhà nước và giáo hội. Những nhân vật đại diện kinh điển cho trường phái này có nhà thơ John Milton[16], luật gia William Blackstone[17]; các chính trị gia như Thomas Jefferson[18], James Madison[19], và các triết gia như Thomas Hobbes[20], John Locke[21], Adam Smith[22], Nam tước Montesquieu[23], John Stuart Mill[24]và Isaiah Berlin[25]. Hầu như tất cả các biến thể của chủ nghĩa tự do hiến định đều công nhận rằng con người có những quyền tự nhiên (hay “không thể chuyển nhượng”) và rằng chính quyền phải chấp nhận một đạo luật cơ bản, nhằm hạn chế chính quyền lực của nó, và bảo toàn các quyền tự nhiên đó. Vì lẽ đó, năm 1215 tại Runnymede, các quý tộc của nước Anh đã buộc nhà vua phải tuân thủ một số luật về đất đai đã ổn định và dựa trên tập quán lâu đời. Tại các thuộc địa ở châu Mỹ, những điều luật như thế cũng đều được tuyên bố rõ ràng và vào năm 1638 thị trấn Hartford đã thông qua một hiến pháp thành văn đầu tiên trong lịch sử hiện đại. Trong những năm 1970, các quốc gia phương Tây đã điển pháp hóa các chuẩn mực ứng xử cho các chế độ trên toàn thế giới. Magna Carta[26], Các quy định cơ bản Connecticut[27], Hiến pháp Hoa Kỳ và Tuyên bố chung tại Helsinki (Helsinki Final Act)[28] đều là những biểu hiện của chủ nghĩa tự do hiến định.
Đường tới nền Dân chủ Tự do
Kể từ năm 1945 đa phần các chính quyền tại phương Tây đều thể hiện cả hai yếu tố dân chủ và chủ nghĩa tự do hiến định. Vì vậy thật khó hình dung được hai yếu tố đó lại có thể tách biệt nhau: dưới dạng dân chủ phi tự do (illiberal democracy) hay dạng độc đoán tự do (liberal autocracy). Trên thực tế thì cả hai hình thức đó đã từng hiện hữu trong quá khứ và vẫn tồn tại đến ngày nay. Cho đến đầu thế kỷ 20, phần lớn các quốc gia Tây Âu vẫn chỉ là các chế độ độc đoán tự do hoặc khá nhất là nửa-dân chủ (semi-democracy). Quyền bầu cử lúc đó vẫn bị hạn chế chặt chẽ, cơ quan lập pháp do tuyển cử chỉ có chút ít quyền hạn. Vào năm 1830, nước Anh, ở một mức độ nào đó là nước dân chủ nhất ở châu Âu lúc đó, cũng chỉ cho phép 2% dân số đi bầu một viện của Nghị viện, sau đó tăng lên 7% vào sau năm 1867 và đạt được khoảng 40% vào những năm 1880. Chỉ đến cuối những năm 1940, phần lớn các quốc gia phương Tây mới trở thành các nền dân chủ có “đủ lông, đủ cánh”, với hệ thống bầu cử phổ thông cho tất cả người thành niên. Nhưng, 100 năm trước đó, quãng cuối những năm 1840, phần lớn các quốc gia đó đều đã thừa nhận các thành tố quan trọng của chủ nghĩa tự do hiến định: nguyên tắc pháp trị, quyền sở hữu tài sản tư nhân và với mức độ ngày càng tăng, công nhận sự chia tách giữa các quyền lực, cũng như các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp. Trong phần lớn lịch sử hiện đại, cái làm thành đặc trưng và tạo ra sự khác biệt giữa các chính quyền tại châu Âu và Bắc Mỹ với các chính quyền khác trên toàn thế giới không phải là dân chủ mà chính là chủ nghĩa tự do hiến định. Biểu tượng tốt nhất của “Mô hình phương Tây” không phải là hệ thống bầu cử đại chúng mà chính là vị quan tòa không thiên vị.
Lịch sử hiện đại của các quốc gia Đông Á cũng đang đi theo lộ trình phương Tây. Sau giai đoạn ngắn ngủi ve vãn chế độ dân chủ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phần lớn các chế độ tại Đông Á đều chuyển thành độc đoán. Rồi dần dần chuyển từ độc đoán sang độc đoán tự do hóa và, đối với một số trường hợp, chuyển tiếp sang nửa-dân chủ tự do hóa[29]. Đa phần các chế độ tại Đông Á hiện tại vẫn chỉ là nửa-dân chủ, với những lãnh đạo kiểu gia trưởng hoặc với hệ thống độc đảng chỉ tiến hành các cuộc bầu cử nhằm tạo bộ mặt hợp pháp cho quyền lực chứ không phải là tranh cử thực sự. Tuy nhiên, các chế độ này đã chấp nhận cho các công dân một không gian rộng hơn về các quyền kinh tế, dân sự, tôn giáo và các quyền chính trị có giới hạn. Giống như tại phương Tây, quá trình tự do hóa tại Đông Á cũng bao gồm tự do hóa về kinh tế - yếu tố chủ chốt để thúc đẩy cả tăng trưởng kinh tế lẫn dân chủ tự do. Lịch sử đã cho thấy các yếu tố có quan hệ mật thiết nhất với một nền dân chủ tự do trưởng thành là: kinh tế tư nhân (chủ nghĩa tư bản), một giai cấp tư sản và một chỉ số cao về tổng sản phẩm quốc dân (GNP:gross national product) tính theo đầu người. Tình hình hiện nay tại Đông Á, cũng gần giống như các chính phủ phương Tây vào khoảng năm 1900, là sự pha trộn giữa dân chủ, tự do, tư bản, độc quyền chính trị và tham nhũng.
Chúng ta đã thấy chủ nghĩa tự do hiến định đã dẫn đến dân chủ, nhưng dân chủ thì dường như không mang lại chủ nghĩa tự do hiến định. Tương phản với các con đường của phương Tây và Đông Á, trong vòng hai thập niên qua tại Mỹ Latinh, châu Phi và một số nơi khác ở châu Á, các chính thể độc tài với một chút ít nền móng của chủ nghĩa tự do hiến định đã mở đường cho dân chủ. Nhưng kết quả vẫn không đáng khích lệ. Ở bán cầu phía tây, không tính đến Cuba, với tất cả các cuộc bầu cử được tiến hành ở tất cả các nước, một nghiên cứu của học giả Larry Diamond năm 1993 đã cho thấy 10 trong số 22 quốc gia quan trọng tại Châu Mỹ La tinh “đã có mức độ xâm phạm nhân quyền không tương thích với sự củng cố chế độ dân chủ (tự do)”[30]. Tại châu Phi, quá trình dân chủ hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh đặc biệt. Chỉ trong 6 tháng của năm 1990, rất nhiều các quốc gia dùng tiếng Pháp đã bãi bỏ lệnh cấm hoạt động đa đảng. Nhưng cho dù phần lớn các quốc gia cận Sahara (gồm 45 quốc gia), từ năm 1991, đã tổ chức bầu cử (riêng năm 1996 đã có 18 cuộc bầu cử), đã có sự thụt lùi về tự do tại nhiều nước. Một trong những nhà quan sát cẩn trọng nhất về làn sóng dân chủ hóa tại châu Phi là Michael Chege đã rút ra một bài học là lục địa này “đã quá nhấn mạnh vào các cuộc bầu cử đa đảng…và một cách tương ứng đã sao nhãng những nguyên tắc cơ bản của cách lãnh đạo quốc gia theo kiểu tự do.” Tại Trung Á, các cuộc bầu cử khá tự do, như tại Kyrgyzstan và Kazakstan, đã tạo ra các bộ máy hành pháp mạnh, và các cơ quan lập pháp và tư pháp yếu ớt và chỉ có một chút tự do về dân sự và kinh tế. Còn trong thế giới Hồi giáo, từ cơ quan quyền lực của Palestine cho tới Iran, Pakistan, dân chủ hóa đều đưa đến sự gia tăng vai trò của chính trị thần quyền, gây xói mòn truyền thống của chủ nghĩa thế tục và tính khoan dung đã được định hình từ lâu. Tại nhiều quốc gia Hồi giáo như Tunisia, Morocco, Ai-Cập và một số quốc gia vùng Vịnh sẽ có những cuộc bầu cử vào nay mai, nhưng có một điều gần như chắc chắn là các chính quyền sau các cuộc bầu cử đó sẽ thiếu tính tự do hơn các chính quyền hiện nay.
Nhưng mặt khác, nhiều nước Trung Âu đã chuyển đổi thành công từ chế độ cộng sản sang chế độ dân chủ tự do bằng cách trải qua một quá trình tự do hóa mà không có dân chủ giống như các nước châu Âu khác đã làm trong thế kỷ 19. Thực vậy, đế quốc Áo-Hung, mà hầu hết các nước Trung Âu lúc đó trực thuộc, đã từng là một chế độ độc đoán tự do (liberal autocracy) cổ điển. Thậm chí ở ngoài châu Âu, nhà chính trị học Myron Weiner đã phát hiện ra một liên hệ đáng ngạc nhiên giữa chế độ hiến định trong quá khứ với chế độ dân chủ tự do hiện tại. Ông chỉ ra rằng, cho đến năm 1983, “tất cả các quốc gia độc lập trong Thế giới thứ Ba, nổi lên từ chế độ thuộc địa sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, với ít nhất một triệu dân (cùng với hầu hết các thuộc địa nhỏ hơn) và có một kinh nghiệm dân chủ liên tục, đều là cựu thuộc địa Anh quốc.”[31] Cách cai trị của người Anh thời thuộc địa không phải là dân chủ (chế độ thực dân theo định nghĩa là chế độ phi dân chủ) nhưng là chế độ theo chủ nghĩa tự do hiến định. Di sản của chế độ thực dân Anh về pháp luật và quản trị hành chính đã chứng tỏ có ích hơn chính sách của Pháp trao quyền bầu cử cho một số dân chúng tại thuộc địa.
Như vậy chế độ chuyên chế tự do có thể đã có mặt trong quá khứ, nhưng ai có thể hình dung được là nó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay? Mãi cho đến gần đây thôi, vẫn có một chế độ điển hình như thế, nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, phát triển ngay cạnh lục địa châu Á - đó là Hồng Công. Trong suốt 156 năm, tới tận ngày 01 tháng 07 năm 1997, Hồng Công được đặt dưới sự cai trị của Nữ Hoàng Anh, thông qua một Toàn quyền được bổ nhiệm. Tới năm 1991, Hồng Công chưa bao giờ tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử có ý nghĩa nào, nhưng chính quyền của nó luôn là hình ảnh thu nhỏ của chủ nghĩa tự do hiến định: bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, điều hành một hệ thống tòa án và một bộ máy hành chính công bằng. Bài xã luận ngày 08 tháng 09 năm 1997 trên tờ Washington Post đã giật một tít buồn bã “Đang giải thể chế độ dân chủ Hồng Công.” Nhưng thực tế, Hồng Công có quá ít dân chủ đáng giá để giải thể. Cái mà nó có chỉ là một khung rõ ràng cho các quyền công dân và pháp luật. Các đảo quốc nhỏ có thể không đem lại nhiều ý nghĩa thực tiễn trong thế giới hôm nay, nhưng chúng có thể giúp cho người ta lượng định được tương quan về giá trị tương đối giữa chế độ dân chủ và chế độ tự do hiến định. Ví dụ, khi bạn cần lựa chọn nơi để sống giữa Haiti – một chế độ dân chủ phi - tự do và Antigua – một chế độ nửa-dân chủ tự do. Sự lựa chọn của bạn chắc sẽ không phải dựa vào yếu tố thời tiết, là cái đều dễ chịu ở cả hai nơi, mà phải dựa vào không khí chính trị, là cái mà ở hai nơi không giống nhau [32].
Quyền lực tuyệt đối
JOHN STUART MILL đã mở đầu cuốn luận văn kinh điển Bàn về Tự do (On Liberty) của ông bằng sự ghi nhận là khi một quốc gia trở thành dân chủ, dân chúng có xu hướng tin rằng “người ta đã quá quan trọng hóa việc giới hạn bản thân quyền lực. Đó…là một sự đáp trả nhằm chống lại những kẻ cai trị có lợi ích đi ngược lại lợi ích của nhân dân.” Một khi nhân dân đã tự gánh vác trách nhiệm thì sự thận trọng là không còn cần thiết. “Dân tộc không cần sự bảo vệ để chống lại ý chí của chính nó.”[33]Để khẳng định lại những lo sợ của Mill, chúng ta hãy xem lại những lời nói của Alexandr Lukashenko[34]sau khi được bầu làm Tổng thống Belarus với kết quả đa số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử tự do năm 1994. Khi được hỏi về việc giới hạn quyền lực của ông ta, Lukashenko tuyên bố: “Chế độ độc tài sẽ không có ở đây. Tôi thuộc về nhân dân, vì vậy tôi sẽ cống hiến vì nhân dân.”
Sự căng thẳng giữa chủ nghĩa tự do hiến định và dân chủ nằm ở vấn đề phạm vi của quyền lực của chính quyền. Tự do hiến định nói đến việc hạn chế quyền lực còn dân chủ lại nói đến việc tích tụ và sử dụng quyền lực. Do đó, nhiều học giả theo trường phái tự do của thế kỷ 18 và 19 đã nhìn thấy trong dân chủ một sức mạnh có thể gây tổn hại cho tự do. James Madison đã lý giải trong Federalist[35] rằng “nguy cơ đàn áp” trong chế độ dân chủ bắt nguồn từ “phe đa số của cộng đồng.” Tocqueville cũng cảnh báo về “bạo quyền của phe đa số,” và ông viết “bản chất thực sự của một chính quyền dân chủ nằm ở chủ quyền tuyệt đối của phe đa số.”
Khuynh hướng của một chính quyền dân chủ tin rằng nó có chủ quyền tuyệt đối (về quyền lực) có thể dẫn đến sự tập trung quyền lãnh đạo, thường bằng các biện pháp vượt ra khỏi hiến pháp và với những hệ lụy tàn nhẫn. Một thập niên vừa qua cho thấy nhiều chính phủ được bầu ra mặc dù tuyên bố là đại diện cho nhân dân nhưng luôn xâm phạm quyền lực và quyền tự do của các thành phần khác trong xã hội, một sự tiếm quyền trên cả chiều dọc (các cơ quan quyền lực cấp vùng và cấp địa phương, cũng như các doanh nghiệp tư nhân hay các tổ chức phi chính phủ) và chiều ngang (các nhánh khác của chính quyền quốc gia). Lukashenko và Alberto Fujimori[36] của Peru chỉ là các tấm gương xấu nhất của thực tiễn đó. (Trong khi các hành động của Fujimori như giải tán quốc hội và đình chỉ hiến pháp làm cho chế độ của ông ta khó được gọi là dân chủ, thì điều đáng nói là ông ta đã thắng cả hai cuộc bầu cử và hết sức được lòng dân cho đến tận gần đây.) Thậm chí nhà cải cách tốt bụng như Carlos Menem đã ban bố gần 300 sắc lệnh tổng thống chỉ trong 8 năm cầm quyền, gấp gần 3 lần toàn bộ các sắc lệnh mà các tổng thống trước đó của Argentina đã từng ban bố, tính từ năm 1853 trở lại đây. Askar Akayev[37] của Kyrgyzstan, được bầu lên với 60% số phiếu, đã đề xuất việc tăng thêm quyền lực cho ông ta bằng cách trưng cầu dân ý, và đã được thông qua một cách dễ dàng vào năm 1996. Quyền lực mới của ông ta bao gồm việc bổ nhiệm tất cả các quan chức cao cấp nhất – chỉ trừ chức thủ tướng, nhưng ông ta lại có quyền giải tán quốc hội nếu cơ quan này bác bỏ ba người mà ông đề cử vào chức thủ tướng.
Sự tiếm quyền theo chiều ngang - thường do các tổng thống tiến hành, thì dễ thấy hơn, nhưng sự tiếm quyền theo chiều dọc lại xảy ra phổ biến hơn. Trong ba thập niên qua, chính quyền của Ấn Độ thường giải tán các cơ quan lập pháp cấp bang vì những lý do vu vơ để đặt các địa phương dưới sự kiểm soát trực tiếp của New Delhi. Bằng một biện pháp ít kịch tính hơn nhưng lại có tính điển hình, chính quyền tuyển cử của Cộng Hòa Trung Phi mới gần đây đã chấm dứt tính độc lập đã có từ lâu của hệ thống giáo dục đại học, biến nó thành một bộ phận của bộ máy nhà nước.
Tiếm quyền đặc biệt lan rộng tại Mỹ La-tinh và các quốc gia trong khối Liên bang Xô-viết cũ, có lẽ vì cả hai vùng này phần lớn đều theo chế độ tổng thống. Hệ thống này có xu hướng tạo ra các nhà lãnh đạo mạnh mẽ, những người thường tin rằng họ đang phát ngôn cho dân chúng – ngay cả khi họ được bầu với số phiếu không quá bán (như Juan Linz đã nêu, Salvador Allende được bầu làm Tổng thống Chi Lê năm 1970 chỉ với 36% số phiếu). Trong những trường hợp tương tự (dưới chế độ nghị viện - ND), một thủ tướng sẽ phải chia sẻ quyền lực trong một chính phủ liên hiệp[38]. Các tổng thống thường đưa các thành phần thân hữu vào nội các hơn là bổ nhiệm các nhân vật cao cấp trong đảng, nhằm duy trì việc kiểm soát nội bộ không đáng kể đối với quyền lực của họ. Và khi quan điểm của họ xung đột với bên lập pháp hoặc thậm chí với bên tòa án, các tổng thống có xu hướng “viện đến toàn dân tộc” để lẩn tránh những khó khăn khi phải thương lượng hay phải xây dựng liên minh. Trong khi các học giả vẫn đang tranh luận về những ưu điểm của hệ thống chính quyền kiểu tổng thống so với kiểu nghị viện, sự tiếm quyền đều có thể xảy ra ở cả hai mô hình một khi thiếu vắng các “trung tâm quyền lực có khả năng chế ước, bổ trợ lẫn nhau” (alternate centers of power) đã phát triển cao như: cơ quan lập pháp mạnh, các tòa án, các đảng chính trị, các chính quyền địa phương, các trường đại học độc lập và hệ thống truyền thông. Mỹ La-tinh hiện nay là sự kết hợp giữa mô hình tổng thống với hệ thống đại diện theo tỷ lệ đang sản sinh ra các lãnh đạo kiểu dân túy (populist)[39] và quá nhiều đảng phái – một sự kết hợp không bền vững.
Nhiều chính phủ và học giả ở phương Tây đang khuyến khích việc hình thành các nhà nước tập quyền mạnh trong Thế giới thứ Ba. Lãnh đạo tại các quốc gia đó lập luận rằng họ cần có quyền lực để kéo đổ chế độ phong kiến, làm rạn vỡ các liên minh cố thủ, gạt bỏ quyền lợi được ban phát và mang lại trật tự cho xã hội đang rối loạn. Nhưng lý luận này đang gây nhầm lẫn giữa nhu cầu cần có một chính quyền chính đáng (legitimate)[40] với nhu cầu có một chính quyền mạnh. Các chính quyền được xem là chính đáng thường có khả năng duy trì được trật tự và theo đuổi những chính sách kiên quyết, mặc dù chậm rãi, bằng việc xây dựng các liên minh. Sau cùng, một vài người lại cho rằng chính quyền tại các nước đang phát triển không nên có lực lượng cảnh sát mạnh; sự rối loạn có nguồn gốc từ tất cả các lực lượng chính trị, xã hội và kinh tế mà các nước đó đang tích lũy. Trong các cuộc khủng hoảng (như nội chiến chẳng hạn), các chính quyền hiến định có thể không có khả năng để lãnh đạo một cách hiệu quả, nhưng phương án thay thế – tức là các nhà nước với bộ máy an ninh rộng lớn đã đình chỉ các quyền hiến định, lại thường không tạo ra được trật tự, cũng không tạo ra được “chính quyền tốt” (good government). Điều thường thấy hơn là các nhà nước đó trở thành những kẻ cướp bóc, duy trì được một trật tự nào đó, nhưng lại bắt bớ những người đối lập, bịt miệng phía bất đồng chính kiến, quốc hữu hóa các cơ sở công nghiệp và tịch thu tài sản. Trong khi tình trạng vô chính phủ có những nguy cơ của nó, thì những đe dọa lớn nhất đối với tự do và hạnh phúc của conngười trong thế kỷ này lại không bắt nguồn từ sự mất ổn định mà đến từ các nhà nước tập quyền mạnh và tàn bạo như nước Đức Phát-xít, nước Nga Xô Viết và Trung Hoa của Mao. Thế giới thứ Ba đã bị rải đầy những công trình đẫm máu của các nhà nước mạnh.
Về mặt lịch sử, sự tập trung quyền lực thiếu kiểm soát đã từng và vẫn là kẻ thù của nền dân chủ tự do. Khi sự tham gia chính trị của dân chúng được mở rộng tại châu Âu trong thế kỷ 19, quá trình tập trung quyền lực đã được chấp nhận một cách êm ả tại các nước như Anh và Thụy Điển, nơi mà các thiết chế hội họp (assemblies) thời trung cổ[41], các chính quyền địa phương hay các hội đồng cấp vùng vẫn còn được duy trì mạnh mẽ. Mặt khác, ở các nước như Pháp và Phổ (Prussia), nơi mà chế độ quân chủ đã có quyền lực tập trung một cách hiệu quả (theo chiều dọc lẫn chiều ngang), thì thường kết thúc bằng các chế độ phi tự do và phi dân chủ. Không phải là sự ngẫu nhiên đối với Tây Ban Nha trong thế kỷ 20, thành trì cho chế độ tự do lại nằm ở Catalonia, nơi qua nhiều thế kỷ đã là một vùng độc lập và tự trị một cách ngoan cường. Tại Hoa Kỳ, sự hiện diện của rất nhiều thiết chế với nhiều dạng phong phú - ở cấp bang, cấp địa phương hoặc thiết chế tư nhân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp nhận sự mở rộng quyền bỏ phiếu một cách nhanh chóng và mạnh mẽ ngay từ đầu thế kỷ 19. Arthur Schlesinger Sr.[42] đã chứng minh bằng tư liệu cho thấy, trong 50 năm đầu tiên của quốc gia Mỹ, hầu như tất cả các bang, các nhóm quyền lợi và các phe phái đã cố làm suy yếu và thậm chí làm sụp đổ chính quyền liên bang như thế nào.[43] Và ngay gần đây thôi, chế độ nửa - dân chủ tự do của Ấn Độ đã sống sót được là nhờ dựa vào - chứ không phải bất chấp, các vùng mạnh mẽ, ngôn ngữ và văn hóa đa dạng và thậm chí nhờ vào các đẳng cấp (castes). Điểm thiết yếu mang tính logic –ngay khi cần phải lặp lại, là: sự đa nguyên trong quá khứ đang giúp đảm bảo sự đa nguyên chính trị trong hiện tại.
Năm mươi năm trước, các chính trị gia tại các nước đang phát triển muốn có một quyền lực phi thường để thực hiện các học thuyết kinh tế thời thượng vào lúc đó như quốc hữu hóa các ngành công nghiệp. Ngày nay, các vị kế nhiệm của họ lại muốn một quyền lực tương tự để tư hữu hóa chính các ngành công nghiệp đó. Sự biện minh của Menem cho các phương pháp của ông ta là: chúng cực kỳ cần thiết để tiến hành các cải cách kinh tế gai góc. Abdala Bucarem của Ecuador và Fujimori cũng đưa ra các lý luận tương tự. Các định chế cho vay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng cảm với những lời cầu khẩn đó và thị trường trái phiếu đã trở nên rất sôi động. Nhưng, ngoại trừ trong những trường hợp khẩn cấp như chiến tranh, các biện pháp phi-tự do, về dài hạn, là không phù hợp với các mục tiêu tự do nhằm giải phóng con người. Một chính quyền hiến định, trên thực tế, vẫn là cái chìa khóa dẫn đến một đường lối cải cách kinh tế thành công. Kinh nghiệm từ Đông Á và Trung Âu đang gợi ý rằng khi các chế độ dù là độc đoán (như tại Đông Á) hoặc dân chủ tự do (như tại Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech) bảo vệ được các quyền cá nhân - như sở hữu tài sản và ký kết hợp đồng, và tạo ra được một khuôn khổ về luật pháp và quản trị thì chủ nghĩa tư bản và tăng trưởng sẽ đến liền ngay sau đó. Trong bài phát biểu mới đây tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson tại Washington, khi giải thích về những yếu tố đang giúp cho chủ nghĩa tư bản nở rộ, Chủ tịch Cục dự trữ Liên Bang Alan Greenspan đã kết luận là “cơ chế dẫn đạo của một nền kinh tế thị trường tự do…là một bộ luật về các quyền con người, được thực thi bởi một hệ thống tư pháp không thiên vị.”
Điều cuối cùng, nhưng có lẽ là quan trọng hơn, là quyền lực được tích lũy nhằm để làm điều tốt sau đó lại có thể được sử dụng để làm điều tồi tệ. Khi Fujimori giải tán quốc hội, tỷ lệ ủng hộ ông ta đã vọt lên tới mức cao nhất. Nhưng các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy phần lớn những người đã từng ủng hộ ông ta, bây giờ lại ước muốn ông ta cần bị khống chế nhiều hơn nữa. Năm 1993 Boris Yeltsin đã nổi tiếng khi tấn công (đúng theo nghĩa đen) quốc hội Nga, nguyên do từ các hành động vi hiến của chính quốc hội. Nhưng sau đó ông ta đã đình chỉ tòa án hiến pháp, giải tán hệ thống chính quyền địa phương và sa thải nhiều thống đốc ở tỉnh. Từ cuộc chiến Chechnya cho tới các chương trình kinh tế, Yeltsin đều thể hiện sự thiếu quan tâm thường có đối với các thủ tục (tiến hành) và các giới hạn được qui định trong hiến pháp. Yeltsin rất có thể có “cái tâm” của một nhà dân chủ tự do, nhưng những hành động của ông đã tạo ra một quyền lực siêu - tổng thống của nước Nga. Chúng ta chỉ có thể hy vọng người kế nhiệm của ông sẽ không lạm dụng điều này[44].
Trong nhiều thế kỷ, giới trí thức phương Tây luôn có xu hướng nhìn chủ nghĩa tự do hiến định như một cách thực hành cổ lỗ, kỳ quặc trong việc ban hành các quy định (rulemaking), hay chỉ là một thứ chủ nghĩa hình thức nhằm dựa vào cái thứ yếu (nguyên văn: back seat) để chống lại những cái ác to lớn hơn trong xã hội. Sự phê phán hùng hồn nhất đối với quan điểm này cho đến nay vẫn là đoạn trao đổi trong vở kịch “Một người của mọi thời” (A Man For All Seasons) của Robert Bolt[45]. Chàng trai cuồng nhiệt William Roper đang khát khao chiến đấu với cái xấu, đã bị tinh thần sùng bái pháp luật của quí ông Thomas More gây tức tối. Quí ông More chỉ nhẹ nhàng phản ứng:
More: Thế con sẽ làm gì? Sẽ phá tan pháp luật để lấy đường đuổi theo con quỉ ư?
Roper: Vâng, con sẽ cắt bỏ mọi dây rợ luật pháp ở Anh để làm điều đó!
More: Thế nếu khi luật pháp bị hạ gục hết cả rồi và con Quỉ quay lại tấn công, con sẽ ẩn nấp ở nơi nào, khi mà tất cả luật pháp đã bị san bằng?
Xung đột sắc tộc và chiến tranh
Vào ngày 08 tháng 12 năm 1996 Jack Lang[46] đã gây ra một cú hích đầy kịch tính cho Belgrade. Chính trị gia nổi tiếng người Pháp, cựu bộ trưởng văn hóa, trước đó đã bị phấn khích bởi các cuộc biểu tình của sinh viên đang lôi cuốn hàng chục ngàn người chống lại Slobodan Milosevic[47], và như thế một con người mang tên Lang và nhiều trí thức phương Tây đã nhận lấy trách nhiệm đối với cuộc chiến tại vùng Balkan. Lang muốn đem lại sự hỗ trợ tinh thần cho phe đối lập trong Liên bang Nam Tư. Nhưng các lãnh đạo của phong trào đối lập đã tiếp ông ta trong văn phòng của họ - khoa triết học- chỉ để đá ông ta ra ngoài và tuyên bố ông ta là “kẻ thù của người Serbia,” và lệnh cho ông ta phải rời khỏi nước này. Hóa ra là các sinh viên chống lại Milosevic không phải vì tội khởi động cuộc chiến, mà vì đã thất bại trong cuộc chiến.
Sự bối rối của Lang làm nổi bật hai suy diễn thông thường, và thường là nhầm lẫn, khi cho rằng sức mạnh của dân chủ là sức mạnh của sự hài hòa sắc tộc và của hòa bình. Nhưng cả hai đều không nhất thiết là đúng. Các chế độ dân chủ tự do trưởng thành luôn có khả năng dung nạp các chia rẽ sắc tộc mà không có bạo lực hoặc khủng bố và sống hòa bình với các nền dân chủ tự do khác. Nhưng nếu thiếu nền tảng của chủ nghĩa tự do hiến định, việc đưa thiết chế dân chủ vào một xã hội đang bị chia rẽ trong thực tế đã kíchđộng chủ nghĩa dân tộc, xung đột sắc tộc và thậm chí cả chiến tranh. Một loạt các cuộc bầu cử được tổ chức tới tấp ngay sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Liên bang Xô Viết và Liên bang Nam Tư cũ đã mang lại chiến thắng cho các nhóm ly khai dân tộc chủ nghĩa và dẫn đến sự tan rã của các quốc gia đó. Tự thân các cuộc bầu cử này không phải là xấu, bởi vì các quốc gia đó đã bị ràng buộc với nhau bằng bạo lực. Nhưng quá trình giải thể vội vã, thiếu những cơ chế bảo hiểm, những định chế hoặc quyền lực chính trị dành cho các nhóm sắc tộc thiểu số trong các quốc gia mới, đã gây ra những vòng xoắn nổi loạn, đàn áp và tại những nơi như Bosnia, Azerbaijan hay Georgia, đã gây ra chiến tranh.
Bầu cử là thiết chế đòi hỏi các chính trị gia phải cạnh tranh để lấy phiếu cử tri. Các xã hội thiếu một truyền thống chắc chắn về hội nhập hay về các nhóm đa sắc tộc chính là nơi dễ nhất để tổ chức lực lượng ủng hộ dựa trên đường lối có tính chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo. Khi một nhóm dân tộc nắm được quyền, nó có xu hướng loại bỏ các nhóm dân tộc khác. Khi đó gần như không thể có sự thỏa hiệp; bởi vì người ta có thể thương lượng về các vấn đề vật chất như nhà ở, bệnh viện hay đồ cứu trợ, nhưng làm sao có thể phá vỡ sự bất đồng về một tôn giáo của quốc gia? Các cuộc cạnh tranh chính trị, vốn đã gây ra chia rẽ, có thể nhanh chóng suy thoái thành bạo lực. Các phong trào đối lập, các nhóm khởi nghĩa vũ trang và các cuộc đảo chính tại châu Phi vẫn thường bị hướng vào việc chống lại các chế độ dựa trên sắc tộc, rất nhiều trong số đó đã nắm quyền thông qua bầu cử. Nghiên cứu sự sụp đổ của các nền dân chủ tại châu Phi và châu Á những năm 1960, hai học giả đã kết luận rằng dân chủ “là cái khó có thể sống được trong môi trường căng thẳng về xu hướng sắc tộc.” Các nghiên cứu gần đây, đặc biệt là về châu Phi và Trung Á, cũng khẳng định thêm cho nhận định bi quan này. Donald Horowitz - một chuyên gia uy tín về xung đột sắc tộc, đã kết luận: “Đối diện với bản báo cáo khá u buồn…về những thất bại cụ thể của dân chủ trong các xã hội bị chia rẽ…người ta cảm thấy muốn bỏ cuộc. Đâu là lợi ích của bầu cử nếu tất cả chỉ mang lại kết cục là đưa một chính quyền bị-Bemba-khống-chế để thay cho một chính quyền bị-Nyanja-khống-chế tại Zambia, cả hai đều hẹp hòi như nhau; hoặc đưa một chế độ miền nam thay cho một chế độ miền bắc tại Benin, trong khi không chế độ nào chịu thu nhận nửa bên kia vào bộ máy nhà nước?”[48]
Suốt thập niên qua, một trong những tranh luận sôi nổi nhất của các học giả chuyên về quan hệ quốc tế là vấn đề “hòa bình mang tính dân chủ” (democratic peace) - với sự xác nhận là không có hai quốc gia dân chủ hiện đại nào gây chiến tranh với nhau. Cuộc tranh luận làm dấy lên các câu hỏi thú vị có tầm quan trọng về thực tiễn (Cuộc nội chiến của Mỹ có giá trị gì không? Vũ khí hạt nhân có đem lại sự biện minh tốt hơn cho hòa bình không?) và thậm chí các số liệu thống kê còn dẫn đến những bất đồng đáng quan tâm. Như học giả David Spiro đã chỉ ra, dựa trên một số lượng nhỏ các nền dân chủ và các cuộc chiến trong suốt hai trăm năm qua, cơ may để lý giải cho việc không có chiến tranh giữa các quốc gia dân chủ thật quá mong manh. Chưa có thành viên nào của gia đình dân chủ đã thắng được trong trò chơi may rủi và chỉ có ít trường hợp đem lại lý giải cho mối tương quan đầy ấn tượng đó. Nhưng ngay cả khi các số liệu thống kê là chính xác, thì cái gì giải thích được những trường hợp đó? Kant, người đề xuất khái niệm hòa bình mang tính dân chủ, đã lập luận rằng trong các quốc gia dân chủ, người phải trả giá cho chiến tranh – nghĩa là công chúng – cũng là người quyết định, do vậy, điều dễ hiểu là họ sẽ phải thận trọng. Nhưng nhận định đó chỉ gợi ý rằng các chế độ dân chủ hiếu hòa hơn các nhà nước khác. Trên thực tế, các chế độ dân chủ lại tỏ ra hiếu chiến hơn, tham gia chiến tranh nhiều hơn và với mức độ mãnh liệt hơn so với phần lớn các nhà nước khác. Như vậy, chỉ trong các nền dân chủ khác[49], hòa bình mới được giữ vững.
Khi ngẫm kỹ nguyên nhân nằm ở phía sau mối tương quan giữa hòa bình và dân chủ, ta sẽ thấy rõ một vấn đề: hòa bình mang tính dân chủ đúng ra là hòa bình của tự do. Khi đặt bút viết vào thế kỷ 18, Kant tin rằng các chế độ dân chủ đều là bạo ngược, do đó ông đã loại bỏ chúng ra khỏi quan niệm của ông về chính quyền «cộng hòa” - những chính quyền sống trong một khu vực hòa bình. Chủ nghĩa cộng hòa (republicanism), theo Kant, là sự chia tách giữa các quyền lực, sự kiểm soát và giữ cân bằng, chế độ pháp trị, bảo vệ quyền cá nhân và một mức độ đại diện nào đó trong chính quyền (dù không có gì liên quan tới phổ thông đầu phiếu). Cách giải thích khác của Kant về “hòa bình vĩnh viễn” giữa các nền cộng hòa đều gắn liền mật thiết với đặc tính hiến định và tự do của chúng: một sự tôn trọng lẫn nhau đối với quyền của các công dân khác, một hệ thống kiểm soát và giữ cân bằng để đảm bảo không có bất cứ một nhà lãnh đạo nào có thể kéo đất nước vào chiến tranh, cùng với các chính sách tự do kinh tế cổ điển, quan trọng nhất là chính sách thương mại tự do – cái sẽ tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau và đến lượt nó lại khiến cho chiến tranh trở nên quá tốn kém và sự hợp tác trở thành hữu ích. Michael Doyle, học giả hàng đầu về vấn đề này đã khẳng định trong cuốn sách Ways of War and Peace (Những nẻo đường chiến tranh và hòa bình, xuất bản năm 1997) rằng một khi thiếu chủ nghĩa tự do hiến định, bản thân nền dân chủ sẽ không có những phẩm chất kiến tạo hòa bình:
Kant không tin vào chế độ dân chủ dựa trên sự cai trị của một đa số không bị trói buộc, và lập luận của ông không hề ủng hộ quan điểm nói rằng tất cả các thực thể chính trị tham dự - tức là các nền dân chủ - đều yêu hòa bình, dù là theo nghĩa chung cho tất cảhay giữa các nền dân chủ hữu hảo với nhau. Nhiều thực thế chính trị tham dự là những chế độ phi-tự do. Hai nghìn năm trước thời hiện đại, sự cai trị của toàn dân (tức nền dân chủ thời cổ đại, N.D)đã luôn đi cùngvới tính xâm lược (theo nhận xét của Thucydides[50]) hoặc với thắng lợi của đế quốc (theo nhận xét của Machiavelli[51])…Sự lựa chọn có tính quyết định của các cử tri trung gian rất có thể bao hàm cả chính sách “thanh lọc sắc tộc” nhằm chống lại các thực thể chính trị khác trong nền dân chủ.
Sự phân biệt giữa các nền dân chủ tự do và phi tự do đã rọi sáng vào một mối tương quan có tính thống kê đáng chú ý khác. Các nhà chính trị học Jack Snyder và Edward Mansfield, bằng các số liệu ấn tượng, đã chỉ ra rằng trong 200 năm vừa qua các nhà nước đang dân chủ hóa đã tham gia chiến tranh nhiều hơn một cách đáng kể so với các chế độ độc đoán bền vững hoặc các nền dân chủ tự do. Tại các nước thiếu nền tảng của chủ nghĩa tự do hiến định, sự trỗi dậy của dân chủ thường kéo theo chủ nghĩa dân tộc quá khích và tinh thần hiếu chiến. Khi hệ thống chính trị được mở cửa, các nhóm khác nhau với những lợi ích xung khắc nhau sẽ tiếp cận được quyền lực và thúc ép những nhu cầu của họ. Các thủ lĩnh chính trị và quân sự, thường là những tay chân rường cột của thể chế độc đoán cũ, sẽ nhận thức được rằng để chiến thắng thì cần phải tập hợp được đám đông quần chúng bằng động cơ dân tộc. Hệ quả bất biến luôn là những lời hiệu triệu hùng hồn và các chính sách hung hăng, những cái thường lôi các quốc gia vào sự đối đầu và chiến tranh. Rất nhiều ví dụ để minh họa cho tình trạng vừa nói, từ Napoleon III của Pháp, Wilhelmine của Đức và Taisho của Nhật Bản đến những trường hợp đang phô bày trên báo chí ngày nay như Armenia, Azerbaijan và Serbia của Milosevic. Hóa ra, hòa bình mang tính dân chủ có rất ít mối liên quan với chế độ dân chủ.
Con đường Mỹ
Một học giả Mỹ gần đây đã tới Kazakstan, theo một chương trình do chính phủ Mỹ tài trợ, để giúp quốc hội mới ở nước này soạn thảo luật về bầu cử. Đối tác của ông ta, một thành viên cao cấp của quốc hội Kazakstan, đã gạt bỏ nhiều đề xuất do chuyên gia Mỹ phác thảo và nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi muốn quốc hội của chúng tôi cũng tương tự như quốc hội của các ngài.” Vị chuyên gia Mỹ đã hoảng hốt và nhớ lại “Tôi đã cố để nói cái gì đó khác với ba từ vừa nảy ra trong đầu tôi lúc đó: ”Không, không thể!” Cách nhìn này không phải là hiếm gặp. Người Mỹ trong các công việc về dân chủ thường có xu hướng nhìn hệ thống của họ như một cỗ máy khó điều khiển mà các nước khác không nên dùng. Nhưng thực tế, việc thừa nhận một số nét của khung hiến pháp Mỹ có thể cải thiện được nhiều vấn đề gắn liền với chế độ dân chủ phi tự do. Triết lý nằm phía sau Hiến pháp Mỹ, tức là nỗi sợ về quyền lực bị tích lũy, đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự như vào năm 1789. Như những gì đang diễn ra, Kazakstan cần phải có một quốc hội mạnh mẽ như Quốc hội Mỹ để chế ngự sự thèm khát vô độ của tổng thống nước này.
Điều kỳ quặc là Hoa Kỳ lại rất hay ủng hộ cho các cuộc bầu cử và nền dân chủ trưng cầu dân ý ở nước ngoài. Đặc điểm của hệ thống Mỹ không phải là ở chỗ nó dân chủ như thế nào mà là phi dân chủ như thế nào, bằng cách thực hiện nhiều loại kiềm chế đối với các khối đa số cử tri. Trong ba nhánh quyền lực nhà nước, có một nhánh – có thể coi là cao nhất - được điều hành bởi chín người (nam và nữ) không thông qua bầu cử, với nhiệm kỳ suốt đời (tức Tòa án Tối cao - ND). Thượng viện của nó lại là thượng viện ít có tính đại diện nhất thế giới, không kể tới trường hợp đặc biệt duy nhất là Viện Quý tộc (House of Lords, tức Thượng viện Anh - ND) – một cơ quan không có quyền lực. (Mỗi bang đều gửi 2 thượng nghị sỹ đến Washington không tính đến dân số lớn nhỏ - California với 30 triệu dân cũng có số đại diện tại Thượng viện như Arizona với 3,7 triệu dân – nghĩa là các thượng nghị sỹ đại diện cho 16% dân số toàn quốc cũng có thể ngăn cản được một dự án luật.) Tương tự, trong các cơ quan lập pháp trên khắp Hoa Kỳ, điều gây ngạc nhiên không phải là quyền lực của đa số mà là quyền của thiểu số. Để kiểm soát kỹ hơn quyền lực quốc gia, chính quyền ở các bang và các địa phương đều mạnh và luôn đấu tranh một cách mạnh mẽ chống mọi sự can thiệp của liên bang vào lĩnh vực riêng của mình. Các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ - mà Tocqueville gọi là các hiệp hội trung gian (intermediate associations), cũng tạo thành một tầng lớp (stratum) khác trong lòng của xã hội.
Hệ thống Mỹ được xây dựng trên một quan niệm bi quan không úp mở về bản chất loài người, quan niệm cho rằng những người có quyền lực là không thể tin được. Madison đã nổi danh khi viết: “Nếu con người là thánh thần, thì không cần phải có chính quyền.” Một mô hình khác của sự lãnh đạo kiểu dân chủ đã có trong lịch sử phương Tây là dựa trên tinh thần cuộc Cách mạng Pháp. Mô hình Pháp đặt niềm tin vào lòng tốt của loài người. Một khi nhân dân đã là nguồn gốc của quyền lực thì không nên hạn chế nó, để cho nó đủ khả năng tạo ra một xã hội công bằng. (Cuộc Cách mạng Pháp, như Lord Acton[52] đã quan sát, không nhằm vào việc hạn chế quyền lực tối cao mà là phá bỏ mọi quyền lực trung gian trên đường đi của nó.) Đa phần các quốc gia không phải là phương Tây đều chấp nhận mô hình Pháp - đặc biệt là bởi vì giới ưu tú trong chính trị thích thú với viễn tượng trang bị quyền lực cho nhà nước vì điều đó cũng đồng nghĩa với việc trao quyền cho chính bản thân họ - phần lớn những nước này đều đang rơi vào các cơn rối loạn, bạo quyền, hoặc cả hai. Điều này đúng ra phải dự liệu được từ trước. Vì xét cho cùng, chính cuộc Cách mạng Pháp cũng đã phải trải qua hai nền quân chủ, hai đế chế, một nền độc tài kiểu phát-xít và năm nền cộng hòa.[53]
Dĩ nhiên các nền văn hóa đang biến đổi và các xã hội khác nhau sẽ đòi hỏi những khuôn khổ chính quyền khác nhau. Đây không phải là lời biện hộ cho việc chấp nhận hoàn toàn con đường Mỹ mà đúng ra là lời mời gọi cho một quan niệm đa dạng hơn về thể chế dân chủ tự do, một thể chế nhấn mạnh đến cả hai phần đã có trong cụm từ (dân chủ và tự do - ND). Trước khi những chính sách mới có thể được thông qua thì một nhiệm vụ đã được đặt ra: đó là việc nghiên cứu nhằm khôi phục truyền thống của chủ nghĩa tự do hiến định - vấn đề cốt lõi đối với kinh nghiệm phương Tây cũng như đối với sự hình thành và phát triển các chính quyền tốt (good government) trên khắp thế giới. Tiến bộ về chính trị trong lịch sử phương Tây là kết quả của sự thừa nhận ngày càng mạnh mẽ, trải qua hàng thế kỷ, như bản Tuyên ngôn Độc lập (của Hoa Kỳ-ND) đã xác quyết, rằng con người có “một số quyền không thể chuyển nhượng” và rằng “chính nhằm để bảo vệ cho những quyền đó mà các chính quyền được thiết lập.” Như thế, nếu một nền dân chủ không bảo tồn được tự do và luật pháp thì nền dân chủ đó chỉ còn là một niềm an ủi nhỏ nhoi.
Giải phóng chính sách đối ngoại
Một đánh giá đúng về chủ nghĩa tự do hiến định có nhiều hàm ý phong phú đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Trước tiên, nó gợi ra một thái độ khiêm tốn nào đó. Trong khi rất dễ áp đặt các cuộc bầu cử ở một quốc gia thì việc thúc đẩy chủ nghĩa tự do hiến định cho đất nước đó là khó khăn hơn nhiều. Quá trình tự do hóa hay dân chủ hóa đích thực là một quá trình lâu dài và tiệm tiến, trong đó mỗi cuộc bầu cử chỉ là một bước. Thiếu sự chuẩn bị phù hợp, bầu cử có thể là một bước đi sai lầm. Do nhận thức được vấn đề này nên các chính quyền hay các tổ chức phi chính phủ đang gia tăng các biện pháp đa dạng để ủng hộ chủ nghĩa tự do hiến định trong các nước đang phát triển. NED (The National Endowment for Democracy, Quỹ quốc gia vì dân chủ) đang thúc đẩy thị trường tự do, phát triển các phong trào lao động độc lập, và các đảng phái chính trị. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (The U.S. Agency for International Development)đang tài trợ cho các tổ chức tư pháp độc lập. Nhưng rốt cục các cuộc bầu cử lại đang làm nhòa đi mọi thứ. Khi một quốc gia tổ chức bầu cử, Washington và thế giới sẽ khoan dung rất nhiều đối với chính quyền mới được tạo ra, như đã đối đãi với Yeltsin, Akayev và Menem. Trong thời đại của hình ảnh và biểu tượng, các cuộc bầu cử là cái dễ dàng đưa được lên màn ảnh. Nhưng cuộc sống của người dân sau các cuộc bầu cử lại là điều không dễ đưa lên màn ảnh (Và làm sao có thể ghi hình được chế độ pháp trị?)
Ngược lại, sự thiếu vắng các cuộc bầu cử tự do và công bằng nên được nhìn nhận là một khiếm khuyết, chứ không phải là sự định nghĩa của bạo quyền. Bầu cử là một phẩm hạnh công quan trọng của lãnh đạo quốc gia, nhưng không phải là phẩm hạnh duy nhất. Các chính quyền cũng nên được đánh giá bằng thước đo liên quan đến chủ nghĩa tự do hiến định. Các quyền tự do về kinh tế, dân sự và tôn giáo là cốt lõi của tính tự trị và phẩm giá của con người. Nếu một chính quyền có sự hạn chế về dân chủ nhưng liên tục mở rộng các quyền tự do này thì không nên dán cho nó cái nhãn chế độ độc tài. Mặc dù có sự hạn chế về lựa chọn chính trị, nhưng các nước như Singapore, Malaysia, Thailand đã tạo ra một môi trường tốt hơn cho đời sống, tự do và hạnh phúc của công dân so với các chính thể độc tài như Iraq, Libya hay các chế độ dân chủ phi tự do như Slovakia và Ghana. Và các áp lực từ chủ nghĩa tư bản toàn cầu cũng có thể thúc đẩy quá trình tự do hóa nhiều hơn nữa. Thị trường và đạo đức có thể cùng nhau họat động. Ngay cả Trung Quốc, một nước vẫn còn là một chế độ đàn áp tàn bạo, cũng đã đem lại cho công dân của họ nhiều tính tự quản và nhiều quyền tự do kinh tế hơn so với các thế hệ trước. Mặc dù còn rất nhiều thứ phải làm để có thể gọi Trung Quốc là một chế độ độc đoán đang tự do hóa (liberalizing autocracy), nhưng điều này không nên che khuất một thực tế là đã có nhiều thứ thay đổi.
Cuối cùng, chúng ta cần phải làm sống lại chủ nghĩa hiến định. Một hệ lụy của việc quá nhấn mạnh vào dân chủ thuần túy là có rất ít nỗ lực dành cho việc xây dựng các bản hiến pháp giàu suy tư cho các nước đang chuyển đổi. Chủ nghĩa hiến định, như được hiểu bởi những người diễn giải vĩ đại nhất vào thế kỷ 18, như Montesquieu và Madison, là một hệ thống phức tạp của các thiết chế kiểm soát và giữ cân bằng, được thiết kế để ngăn chặn sự tích tụ quyền lực và lạm dụng chức vụ. Mục tiêu này được thực hiện không chỉ bằng việc lập một danh sách các quyền con người mà phải bằng việc xây dựng một hệ thống trong đó chính quyền không thể xâm phạm các quyền đó. Nhiều nhóm người khác nhau phải được đưa vào hệ thống đó và đều được trang bị quyền lực bởi vì, như Madison lý giải, “tham vọng phải được tạo ra để chống lại tham vọng.” Hiến pháp cũng nhằm để thuần hóa các đam mê của công chúng, để không chỉ tạo ra một chính quyền dân chủ mà còn là một chính quyền có khả năng bàn bạc để quyết định. Rất đáng tiếc là vô số các loại tổ chức được bổ nhiệm, cách bầu cử gián tiếp, những sự dàn xếp cấp liên bang, các cơ chế kiểm soát và giữ cân bằng vốn là đặc trưng của nhiều bản hiến pháp chính thức hoặc không chính thức ở châu Âu lại đang bị xem xét với sự ngờ vực. Cái được gọi là « Hội chứng Weimar » (dựa theo tên của bản hiến pháp được xây dựng khá đẹp đẽ của nước Đức trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới nhưng đã không ngăn cản được chủ nghĩa phát-xít) đã gây cho người dân một thành kiến là chỉ nhìn hiến pháp như những văn bản hành chính không thể tạo ra nhiều thay đổi. (Như thể bất kỳ hệ thống chính trị nào ở Đức cũng có thể dễ dàng tránh được thất bại về quân sự, cách mạng xã hội, Đại Suy thoái hay siêu lạm phát.) Các thủ tục gây cản trở dân chủ trực tiếp vẫn được xem là không thành thật và chỉ nhằm bịt miệng dân chúng[54]. Hiện nay, trên khắp thế giới, chúng ta đang thấy nhiều biến thể của cùng một chủ đề dựa trên đa số. Nhưng cái rắc rối của những hệ thống «kẻ-thắng-được-tất-cả» (winner-take-all systems) này chính là: trong hầu hết các nước đang tiến hành dân chủ hóa, kẻ chiến thắng đang thật sự đoạt lấy tất cả.
Những bất bình của dân chủ
Chúng ta hiện đang sống trong thời đại dân chủ. Nhưng trong phần lớn lịch sử của loài người, sự đe dọa đối với mạng sống, tự do và hạnh phúc của cá nhân lại đã đến từ quyền lực tuyệt đối của các chế độ quân chủ, từ giáo điều của các giáo hội, từ sự khủng bố của các chế độ độc tài và từ bàn tay sắt của chế độ toàn trị. Những tên độc tài và một vài chế độ toàn trị rải rác vẫn còn ở đâu đó, nhưng chúng đang ngày càng trở nên lỗi thời trong một thế giới của thị trường toàn cầu, của thông tin và truyền thông. Ngày nay đã không còn phương án đáng tôn trọng nào để thay thế cho dân chủ. Dân chủ đang là một phần của bộ trang phục thời thượng của tính hiện đại. Do đó các vấn đề về lãnh đạo quốc gia trong thế kỷ 21 sẽ có thể là các vấn đề nội tại của chế độ dân chủ. Điều này làm cho các vấn đề trở thành rất khó xử lý vì chúng được bọc trong chiếc áo khoác của tính chính đáng (legitimacy).
Các chế độ dân chủ phi tự do đang giành được tính chính đáng, và tiếp đó là sức mạnh, vì thực tế là chúng có tính dân chủ một cách hợp lý. Đổi lại, mối nguy hiểm lớn nhất mà nền dân chủ phi-tự do đang gây ra – khác với mối nguy hiểm dành cho chính nhân dân của nó - là nó sẽ làm mất uy tín chính bản thân chế độ dân chủ tự do, phủ một bóng đen lên cung cách lãnh đạo quốc gia kiểu dân chủ. Điều này đã từng có tiền lệ. Mọi làn sóng dân chủ cho đến nay đều đã kéo theo sau chúng những bước thụt lùi, trong đó hệ thống chính trị bị đánh giá là không thỏa đáng và các thủ lĩnh đầy tham vọng cùng với những đám đông hiếu động lại phải tìm kiếm những hệ thống thay thế khác. Như thời kỳ sau cùng của sự tỉnh ngộ ở châu Âu - trong những năm giữa hai cuộc chiến, đã bị các nhà mỵ dân thâu tóm, nhiều người trong số họ lúc đầu đã được lòng dân và thậm chí còn được nhân dân bầu lên. Ngày hôm nay, đối diện với con vi-rút của chủ nghĩa phi tự do đang lan rộng, vai trò hữu ích nhất mà cộng đồng quốc tế - và quan trọng nhất là Hoa Kỳ, có thể đảm nhiệm chính là : thay cho việc tìm kiếm những vùng đất mới để dân chủ hóa hay những địa điểm mới để tổ chức bầu cử, hãy củng cố dân chủ ở nơi nó đã bén rễ và thúc đẩy sự phát triển từng bước của chủ nghĩa tự do hiến định ra khắp thế giới. Dân chủ thiếu chủ nghĩa tự do hiến định không chỉ là không đầy đủ mà còn là nguy hiểm, mang theo nó là sự xói mòn tự do, lạm dụng quyền lực, chia rẽ sắc tộc và cả chiến tranh. Tám mươi năm trước, Woodrow Wilson đã đưa nước Mỹ vào thế kỷ 20 với một lời mời gọi «làm cho thế giới an toàn vì dân chủ ». Và hôm nay, khi sắp bước vào thế kỷ tiếp theo, nhiệm vụ của chúng ta là phải «làm cho nền dân chủ an toàn vì thế giới ».
(Tháng 5/2009)
Nguyên tác: Fareed Zakaria, “The Rise of Illiberal Democracy”, Foreign Affairs, November 1997
[1]Edward Morgan Forster (1879 – 1970), nhà văn Anh. Trong tiểu luận «Tôi tin tưởng vào điều gì?» (What I believe?) viết vào năm 1939 , Forster hoan nghênh dân chủ vì hai lý do : (1) Dân chủ coi trọng cá nhân (ít nhất là so với các chế độ độc đoán) và (2) Chế độ dân chủ cho phép phê bình. Do đó, ông kêu gọi « hai lần hoan hô dân chủ », nhưng lập luận rằng lần thứ ba là không cần thiết. Hai lần hoan hô dân chủ (Two Cheers for Democracy) cũng là nhan đề của tuyển tập xuất bản vào năm 1951, có đăng bài tiểu luận nói trên.
[2]Boris Yeltsin (1931 – 2007): là thành viên của Bộ chính trị Đảng cộng sản Liên Xô từ năm 1986, ông bị buộc phải từ bỏ chức vụ bí thư thủ đô Moscow vào năm 1987 và sau đó rời khỏi Bộ chính trị. Tháng 5.1990, ông trở thành Chủ tịch Xô-viết tối cao (tức Quốc hội) của nước Nga và một năm sau, trở thành Tổng thống nước Cộng hòa xô-viết Nga (thuộc Liên Xô). Tháng 8.1991, ông góp phần làm thất bại cuộc đảo chính của phái bảo thủ nhằm lật đổ Tổng thống Gorbachev (tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên Xô). Sau khi Liên Xô tan rã, ông (Boris Yeltsin) được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga (nhiệm kỳ 1991-1999).
[3]Carlos Menem (sinh 1930): luật sư, chính trị gia. Tổng thống Argentina trong hai nhiệm kỳ (1989–99).Giai đoạn cầm quyền của ông được ghi dấu bằng nhiều tai tiếng về tham nhũng.
[4] Nguyên văn : spectrum. Tác giả dùng từ này với ý nghĩa như political spectrum (phổ chính trị).
[5]Freedom House (Ngôi nhà Tự do) là một tổ chức quốc tế phi-chính phủ đặt trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu và bảo vệ dân chủ, tự do chính trị và nhân quyền. Nhà ngôn ngữ học bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Mỹ - Noam Chomsky, một trí thức có quan điểm vô chính phủ (anarchist) và tự do phóng túng xã hội chủ nghĩa (libertarian socialist), đã chỉ trích tổ chức này nhận tiền và hỗ trợ quyền lợi của chính phủ Mỹ. Một số quốc gia như Cuba, Trung Quốc,… cũng cực lực chỉ trích tổ chức này. Tuy nhiên, bản báo cáo thường niên của tổ chức này – “Freedom in the World” (Tự do trên Thế giới), là một bản đánh giá hàng năm về mức độ nhận thấy được về các quyền tự do dân chủ trong từng nước, lại thường được dùng trong nghiên cứu khoa học chính trị.
[6] Roger Kaplan, ed., Freedom Around the World, 1997, New York: Freedom House, 1997, pp. 21-22. Bản điều tra xếp hạng các quốc gia theo hai thang 7 điểm, thang cho quyền chính trị và thang cho tự do dân sự (điểm thấp hơn thể hiện tiến bộ hơn). Tôi đã coi tất cả các quốc gia có điểm phối hợp giữa 5 và 10 là đang trong quá trình dân chủ hóa. Số phần trăm (%) dựa trên số liệu của Freedom House, nhưng trong trường hợp cá biệt của từng quốc gia, tôi không dựa hẳn vào xếp hạng của bản điều tra. Mặc dù bản Điều tra là một kỳ công đặc biệt – toàn diện và trí tuệ - nhưng phương pháp luận của nó lại đánh đồng một số quyền hiến định với các thủ tục dân chủ, gây lẫn lộn các vấn đề. Hơn nữa, tôi đã sử dụng các quốc gia làm ví dụ (mặc dù không có trong bảng dữ liệu) như Iran, Kazakstan và Belarus, những quốc gia này thậm chí về các điều khỏan thủ tục cũng chỉ được cùng lắm là nửa-dân chủ. Nhưng các quốc gia này vẫn đáng viện dẫn để làm rõ các vấn đề quan tâm, vì phần lớn các nhà lãnh đạo trong các quốc gia đó đều là những người đã được đắc cử, tái đắc cử hay vẫn đang được lòng dân. (F.Z.)
[7] Freedom in the World: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties, 1992-1993, pp. 620-26; Freedom in the World, 1989-1990, pp. 312-19. (F.Z.)
[8]Herodotus hay Herodotus xứ Halicarnassus: sử gia Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, thường được coi là “người cha của sử học” trong nền văn hóa phương Tây. Tác phẩm duy nhất của ông là cuốn Historíai (ἱστορίαι) – một cuốn ghi chép bao gồm những điều tra nhằm truy tìm nguồn gốc của cuộc Chiến tranh Hy Lạp-Ba Tư (490-479 trước c.n.). Historíai trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là «điều tra», «truy tìm», về sau được chuyển thành từ historia trong tiếng La-tinh trước khi mang ý nghĩa là “lịch sử, sử học” (history, histoire) như ngày nay chúng ta thường hiểu.
[9]Alexis de Tocqueville (1805–1859): Nhà khoa học chính trị, sử học, và chính trị gia người Pháp, nổi tiếng với tác phẩm Démocratie en Amérique (Nền dân chủ ở Mỹ, bản dịch tiếng Việt của Phạm Toàn có nhan đề “Nền Dân Trị Mỹ” - Nxb Trí Thức, 2007), một phân tích sâu sắc về hệ thống chính trị và xã hội của Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19.
[10]Joseph A. Schumpeter (1883-1950): nhà kinh tế học và xã hội học người Mỹ gốc Moravia (lúc đó thuộc đế quốc Áo-Hung, nay thuộc Cộng hòa Czech). Nổi tiếng về các lý thuyết bàn về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và các chu kỳ kinh doanh. Các tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực lý thuyết kinh tế.
[11]Robert Alan Dahl (sinh 1915), giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Là cựu chủ tịch của Hội Khoa học Chính trị Mỹ (American Political Science Association) và là một trong những nhà chính trị học xuất sắc nhất của nước Mỹ đương đại.
[12]Nguyên văn “inefficient” (vẫn tạo ra được kết quả mong muốn nhưng với chi phí tốn kém)
[13]Giáo hội chính thống ở Anh là Anh giáo (the Church of England, Anglican Church).
[14] Như ta sẽ thấy trong phần sau, Zakaria cho rằng một chính quyền dân chủ chưa phải đã là một chính quyền tốt, mà một “chính quyền tốt” trước hết phải là một chính quyền bảo đảm các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do hiến định.
[15] Thuật ngữ « liberal » được sử dụng ở đây theo nghĩa cổ hơn của châu Âu, hiện nay thường được gọi là chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism). Hiện tại ở Mỹ, từ này đang chuyển sang một ý nghĩa hoàn toàn khác: cụ thể là các chính sách ủng hộ nhà nước phúc lợi hiện đại. (F.Z.)
[16]John Milton II (1608–1674): một trong những nhà thơ lớn nhất trong văn chương ngôn ngữ Anh. Ông cũng là một sử gia, một học giả, và là một công chức dưới thời Cộng hòa Anh (Commonwealth of England). Trong số các nhà thơ của nước Anh, Milton được xếp thứ hai, chỉ sau Shakespeare. Bài thơ nổi tiếng của ông, Paradise Lost, được đánh giá là bài sử thi hay nhất trong ngôn ngữ Anh.
[17]Sir William Blackstone (1723– 1780): nhà luật học người Anh và là một giáo sư, tác giả của Commentaries on the Laws of England (Chú giải về luật của nước Anh) - một tác phẩm kinh điển về thông luật (common laws). Công trình này trở thành nền tảng của giáo dục luật học ở Anh và Mỹ.
[18]Thomas Jefferson (1743- 1826): người sọan thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ (1801-09). Trong một thời gian dài là “vị thánh tông đồ của tự do”, trong phạm vi học thuật ông lại trở thành đối tượng chỉ trích do bởi quan niệm về chế độ nô lệ (tin rằng xã hội Mỹ là lãnh địa của người da trắng). Vực thẳm ngăn cách giữa sự bày tỏ các lý tưởng tự do và thực tế của cuộc đời ông biến ông thành vị anh hùng đầy nghịch lý và, theo ý kiến của nhiều người, là vị anh hùng khó hiểu nhất của nước Mỹ.
[19]James Madison (1751-1836): Tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ (1809–17) và là một trong những người sọan thảo Hiến pháp Mỹ. Là thành viên của Hạ viện, ông bảo trợ mười tu chính án đầu tiên của Hiến pháp, thường được gọi là Đạo luật về Nhân quyền (Bill of Rights).
[20]Thomas Hobbes (1588-1679): Nhà triết học và lý thuyết chính trị người Anh, tác giả của cuốn Leviathan. Các quan niệm của ông về an ninh cá nhân (individual security) và khế ước xã hội (social contract) là những phát biểu quan trọng, mở đường cho cả hai xu hướng: chủ nghĩa tự do (liberalism) và chủ nghĩa chuyên chế tuyệt đối trong lĩnh vực chính trị (political absolutism).
[21]John Locke (1632-1704): nhà triết học người Anh, là người mở đường cho thời kỳ Khai sáng (Enlightment) ở Anh và Pháp, là tác giả của Hai khảo luận về chính quyền (Two Treatises of Government, 1689) - mộttác phẩm có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành của chủ nghĩa tự do hiến định. Bản dịch tiếng Việt (phần khảo luận thứ hai) của Lê Tuấn Huy có nhan đề Khảo luận thứ hai về chính quyền - chính quyền dân sự, Nxb Tri Thức, 2007.
[22]Adam Smith (1723-1790): nhà triết học xã hội và kinh tế chính trị học người Scotland. Là tác giả của hai tác phẩm nổi tiếng Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết về tình cảm đạo đức, 1759) và The Wealth of Nations (Sự giàu có của các Quốc gia, 1776), ông được coi là người sáng lập cả hai khoa: triết học đạo đức và kinh tế học hiện đại. Trong cuốn Sự giàu có của các quốc gia, Smith giải thích rằng thị trường tự do, tuy bề ngòai có vẻ hỗn lọan và không bị kiềm chế, trên thực tế chịu sự điểu khiển của một “bàn tay vô hình” (invisible hand), do đó việc sản xuất ra số lượng và chủng lọai hàng hóa được điều chỉnh một cách hợp lý. Ông tin rằng khi một cá nhân theo đuổi lợi ích riêng của mình, anh ta hỗ trợ cho lợi ích của xã hội nhiều hơn là khi anh ta có ý định làm điều tốt cho xã hội. Là người bảo vệ cho thị trường tự do, ông cho rằng cuộc cạnh tranh vì lợi ích riêng trong thị trường tự do sẽ có xu hướng làm lợi cho xã hội xét như một tòan thể bằng cách giữ cho giá thấp, trong khi vẫn khích lệ sự đa dạng của các chủng lọai hàng hóa và dịch vụ.
Mặc dù được coi là nhân vật tiêu biểu của chủ nghĩa tự do trong kinh tế (economic liberalism), nhưng theo một số nhà nghiên cứu gần đây (như nhà viết lịch sử kinh tế Jacob Viner), Adam Smith không hề ủng hộ một cách giáo điều cho chủ trương tự do kinh tế - không can thiệp (laisser-faire) như một số người đã giải thích một cách cường điệu. Ông vẫn có thái độ thận trọng đối với giới doanh nhân và chống sự hình thành của các độc quyền kinh tế.
[23]Montesquieu(1689-1755): là bút danh của Charles Louis de Secondat, nam tước (baron) của lãnh địa La Brède (thừa kế từ người mẹ) và lãnh địa Montesquieu (thừa kế từ một người chú từ năm 1716). Là một nhà triết học chính trị người Pháp thuộc thế kỷ Ánh sáng, tác giả của De l’esprit des Lois - một trong những cuốn “tân thư” được truyền bá vào nước ta từ đầu thế kỷ 20 qua bản chữ Hán nhan đề “Vạn pháp tinh lý”. Bản dịch tiếng Việt (chưa đầy đủ) của Hoàng Thanh Đạm có nhan đề Bàn về tinh thần của pháp luật, Nxb Lý luận chính trị, 2006.
[24]John Stuart Mill (1806 – 1873): nhà triết học, kinh tế chính trị học người Anh, một nhà tư tưởng cổ điển theo chủ nghĩa tự do có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ 19. Tác giả của On liberty (1859, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Trọng có đầu đề Bàn về tự do - Nxb Trí Thức, 2005).
[25]Sir Isaiah Berlin (1909–1997): triết gia, nhà viết lịch sử tư tưởng người Anh gốc Latvia, được coi là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của phái tự do trong thế kỷ 20.
[26]Magna Carta (Great Charter, Đại hiến chương): là bản hiến chương về các quyền tự do do Vua John ban hành tại Anh vào năm 1215 dưới áp lực của giới quý tộc. Được xem là một biểu tượng chống áp bức, bản hiến chương này cũng là một trong những nguồn gốc sớm nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ. Magna Carta có ảnh hưởng rất lớn đến luật pháp của các nước Anglo-Saxon, nhất là nội dung liên quan đến Lệnh định quyền giam giữ (writ of habeas corpus). Lệnh định quyền giam giữ là một lệnh triệu tập có hiệu lực như một lệnh tòa án được gửi đến người đang giam giữ (vd: một viên chức của nhà tù), yêu cầu phải đưa người bị giam giữ (tù nhân) ra trước tòa án cùng với những bằng cớ để tòa xác định xem người giam giữ có quyền hợp pháp để bắt giam hay không, nếu không thì phải trả tự do ngay cho người đó. Người bị bắt giam hay một người khác nhân danh người đó có quyền thỉnh cầu tòa án hay một thẩm phán phát hành lệnh định quyền giam giữ. Quyền thỉnh cầu để có được một lệnh định quyền giam giữ từ lâu đã nổi tiếng là cách bảo vệ tốt nhất đối với quyền tự do của cá nhân.
[27]Các quy định cơ bản (The Fundamental Orders) được Thuộc địa Connecticut công nhận vào năm 1638. Các quy định này mô tả cơ cấu của chính quyền tự quản của các thị trấn trên bờ sông Connecticut. Nó có những đặc điểm của một bản hiến pháp thành văn và được một số học giả coi là bản hiến pháp thành văn sớm nhất trong truyền thống phương Tây.
[28]Tuyên bố chung Helsinki (Helsinki Final Act): còn gọi là Tuyên bố Helsinki (Helsinki Declaration) hay Thỏa ước Helsinki (Helsinki Accords): là bản Tuyên bố chung của Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (Conference on Security and Co-operation in Europe) năm 1975 họp tại Helsinki (thủ đô Phần Lan). Được ký bởi 35 quốc gia (Mỹ, Canada và tất cả các nước châu Âu chỉ trừ Albania và Andorra) vào ngày 1.8.1975, bản Tuyên bố này lúc đầu được coi là một nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa phương Tây với khối Cộng sản. Nhưng trong thực tế, nó không giải thể được cả NATO lẫn Liên minh quân sự Varsaw. Điều bất ngờ nhất xuất phát từ bộ khuyến cáo thứ ba (thường được gọi là giỏ thứ ba, basket III) liên quan đến vấn đề nhân quyền. Chính những khuyến cáo này là nguồn gốc của sự hình thành một số tổ chức phi-chính phủ và phi-lợi nhuận nhằm theo dõi vấn đề nhân quyền trong các nước cộng sản và trên thế giới. Một trong những tổ chức nổi tiếng nhất là Quan sát Helsinki (Helsinki Watch) ra đời vào năm 1978, đến năm 1988 trở thành Human Rights Watch (« Tổ chức theo dõi nhân quyền » hoặc « Tổ chức quan sát nhân quyền », HRW) – một tổ chức thường bị báo chí chính thống của Việt Nam gán cho cái âm mưu là « hoạt động chống phá Việt nam », mặc dù phạm vi họat động của họ không nhằm vào riêng Việt Nam mà nhằm vào tất cả các nước trên thế giới. Vào ngày 2 tháng 3 năm 2005, HRW đã đệ đơn kiện Donald Rumsfeld (bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó) tại tòa án tại Illinois, cáo buộc Rumsfeld đã cố tình dung túng cho việc tra tấn trong các trại giam của quân đội Hoa Kỳ.
[29]Indonesia, Singapore và Malaysia là những ví dụ cho các chế độ độc đoán đang tự do hóa (liberalizing autocracies), trong khi Nam Hàn, Đài Loan và Thailand là các chế độ nửa-dân chủ có tính tự do (liberal semi-democracies). Cả hai nhóm này, dầu sao, cũng có nhiều tính tự do hơn là tính dân chủ, đây cũng là đặc điểm đúng với trường hợp dân chủ tự do duy nhất trong vùng là Nhật Bản. Papua New Guinea và ở mức độ kém hơn là Philippines chỉ là các ví dụ của nền dân chủ phi tự do (illiberal democracy) ở Đông Á. (F.Z.)
[30] Larry Diamond, "Democracy in Latin America," in Tom Farer, ed., Beyond Sovereignty: Collectively Defending Democracy in a World of Sovereign States, Baltimore: JohnsHopkinsUniversity Press, 1996, p. 73. (F.Z.)
[31] Myron Weiner, "Empirical Democratic Theory," in Myron Weiner and Ergun Ozbudun, eds., Competitive Elections in Developing Countries, Durham: Duke University Press, 1987, p. 20. Hiện nay tuy có những nền dân chủ đang vận hành trong Thế giới Thứ ba không phải là cựu thuộc địa của Anh, nhưng đa số các nền dân chủ đó đều là cựu thuộc địa của Anh.(F.Z.)
[32] Ngụ ý của tác giả là ta có thể chọn Antigua (nơi có nhiều quyền tự do) hơn là chọn Haiti (nơi ít quyền tự do).
Trong khi trích câu này, Zakaria đã sử dụng «a response» (sự đáp trả) thay cho « a resource » (một nguồn lực) trong nguyên văn.
[34]Alexandr Lukashenko (hay Alexander Lukashenko) (sinh 1954): cựu đảng viên cộng sản, từ 1992 là chính trị gia độc lập, không đảng phái; Tổng thống Belarus (Bạch Nga) từ 20.7.1994 đến nay. Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông từng là sĩ quan quân đội, giám đốc nông trường, giám đốc nhà máy. Nổi tiếng là một nhân vật chống tham nhũng, khi bản hiến pháp mới của Belarus cho phép bầu cử Tổng thống một cách dân chủ vào tháng 7 năm 1994, với khẩu hiệu dân túy « đánh bại mafia », Lukashenko thắng trong vòng hai của cuộc bầu cử với 80,1% số phiếu bầu. Sau nhiệm kỳ đầu tiên (1994-2001), ông lại thắng cử một nhiệm kỳ thứ hai (2001-2006) với 75.65% số phiếu ngay từ vòng 1. Năm 2004, sau một cuộc trưng cầu dân ý cho phép gỡ bỏ hạn chế về nhiệm kỳ tổng thống, Lukashenko lại ra ứng cử một nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2006, và thắng với số phiếu áp đảo 84,2%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quyền tự do về ngôn luận, báo chí, hội họp, biểu tình của Belarus ngày càng bị thắt chặt và trấn áp. Kết quả của các cuộc bầu cử năm 2001 và 2006 đều bị các tổ chức đối lập trong nước và nhiều tổ chức quan sát quốc tế cho là gian lận. Cựu bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice miêu tả chế độ của Lukashenko là « chế độ độc tài cuối cùng ở châu Âu » mặc dù ông này đã được bầu bởi đa số phiếu qua ba cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp với nhiều ứng cử viên cạnh tranh.
[35]Federalist Papers (Văn tập Federalist): nguyên là 85 bài báo do Alexander Hamilton, James Madison, và John Jay viết (với cùng bút danh là Publius) nhằm vận động dân chúng thông qua bản dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Các bài báo đăng trên một số tờ báo tại New York, từ tháng 10/1787-tháng 08/1788, bàn về bản chất và các nguyên tắc của chính quyền cộng hòa, về sau được tập hợp lại thành một cuốn sách lấy tên là The Federalist. Sau này Thomas Jefferson đánh giá The Federalist là “cuốn bình luận xuất sắc nhất từng có về các nguyên lý của chính quyền”.
[36]Alberto Fujimori (sinh năm 1938): chính trị gia người Peru gốc Nhật Bản, là Tổng thống Peru từ tháng 7 năm 1990 đến tháng 11 năm 2000. Là một khuôn mặt gây tranh cãi, ông được tín nhiệm vì đã đánh bật gốc chủ nghĩa khủng bố ở Peru cũng như đã phục hồi được sự ổn định kinh tế trên phạm vi vĩ mô, nhưng mặt khác ông lại bị lên án vì đã sử dụng những phương pháp độc đóan và vi phạm nhân quyền. Cuối năm 2000, đối diện với một vụ tai tiếng về tham nhũng, ông trốn sang Nhật Bản, tuyên bố từ chức và sống lưu vong ở đó. Quốc hội Peru đã bác bỏ tuyên bố từ chức của ông và thông qua một quyết định phế truất Tổng thống, đồng thời phát lệnh truy nã Alberto Fujimori trên lãnh thổ Peru về tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền Tháng 11 năm 2005, ông bị bắt giữ nhân một chuyến đi thăm Chile và đến tháng 9 năm 2007, bị dẫn độ về Peru để chịu xét xử về tội vi phạm nhân quyền. Ngày 7.4.2009, Fujimori bị kết án 25 năm tù vì vi phạm nhân quyền do trách nhiệm của ông trong những vụ ám sát và bắt cóc mà “biệt đội tử thần” Grupo Colina đã thực hiện trong cuộc chiến chống lại các du kích quân cánh tả vào thập niên 1990. Trước đó, vào tháng 12 năm 2007, trong một phiên tòa khác, ông đã bị kết án 6 năm tù vì tội lạm dụng quyền lực.
Bản án ngày 7.4.2009 đánh dấu sự kiện lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia được bầu lên một cách hợp pháp đã bị dẫn độ trở về nước và bị xét xử, kết án về những vi phạm nhân quyền.
[37]Askar Akayevich Akayev (sinh 1944): Tổng thống của Kyrgyzstan từ 1990 cho đến khi bị lật đổ vào tháng 3 năm 2005 trong cuộc Cách mạng Hoa Tulip (Tulip Revolution).
Xuất thân là một công nhân luyện kim, Akayev phấn đấu trở thành một nhà khoa học hàng đầu của đất nước. Là chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Kirghiz (1989), nhà khoa học này không mấy quan tâm đến chính trị mãi cho đến khi ông bất ngờ được Xô-viết Tối cao (tức Quốc hội) chọn làm Tổng thống nước Cộng hòa Xô-viết Kirghizvào ngày 27.10.1990. Tháng 12 năm 1990, Xô-viết Tối cao Kirghiz quyết định đổi tên nước thành nước Cộng hòa Kyrgyzstan (năm 1993 lại đổi tên thành Cộng hòa Kyrgyz). Sau cuộc đảo chính bất thành ở Liên Xô (tháng 8 năm 1991), Kyrgyzstan tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên Xô. Akayev được bầu làm tổng thống của quốc gia mới độc lập trong một cuộc bầu cử trực tiếp không có cạnh tranh vào ngày 12.10.1991. Ông được tái cử vào chức vụ Tổng thống hai lần nữa (năm 1995 và năm 2000).
Trong thời gian đầu, Akayev tích cực thực hiện chính sách tư hữu hóa và một đường lối chính trị phóng khoáng, được đánh giá là tổng thống dân chủ nhất trong các nước Trung Á. Dần dần, do tác động của các yếu tố bên ngoài và bên trong, đường lối chính trị của ông ngày càng trở nên cứng rắn. Lòng say mê quyền lực và chủ nghĩa gia đình trị (nepotism) đã làm hư hỏng chế độ chính trị. Cuối 2002, trước những cuộc biểu tình đòi Tổng thống từ chức, Akayev hứa sẽ không tìm cách tiếp tục ứng cử khi nhiệm kỳ của ông chấm dứt vào tháng 10.2005. Nhưng kết quả bầu cử cơ quan lập pháp đầu năm 2005 khiến công chúng nghi ngờ có một âm mưu gian lận để duy trì quyền lực của gia đình Akayev, do đó nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Ngày 24.3.2005, những người biểu tình xông vào trụ sở của chính quyền ở thủ đô Bishkek và nắm quyền kiểm sóat ở thủ đô cũng như ở các thành phố quan trọng. Cùng ngày, Akayev trốn sang nước láng giềng Kazakhstan và sau đó đến nước Nga – nơi đây ông được Tổng thống Vladimir Putin đồng ý cho cư trú. Ngày 4.4.2005, Akayev chính thức xin từ chức Tổng thống khi một phái đoàn của Quốc hội từ Kyrgyzstan đến gặp ông tại Nga. Một tuần sau đó, Quốc hội Kyrgyz chấp thuận đề nghị từ chức, sau khi đã tước bỏ mọi đặc quyền của Akayev và gia đình mà Quốc hội khóa trước đã ban tặng.
Hiện nay Akayev vẫn đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Lomonosov ở Moskva (M. V. Lomonosov Moscow State University).
[38] Trong chế độ nghị viện (parliamentary system), một đảng không đạt đủ đa số phiếu sẽ phải liên minh với một hay vài đảng khác để thành lập một chính phủ liên hiệp. Chính phủ này được gọi là chính phủ thiểu số.
[39] Populist: Các chính trị gia chú tâm lấy lòng tầng lớp dân thường, nghèo, ít hiểu biết. Tổng thống Iran hiện nay, Mahmoud Ahmadinejad, được các nhà chính trị học và giới báo chí đánh giá là một nhà dân túy.
[40] Chính đáng = legitimate, legitimacy khác với hợp pháp = legal, legality. Hai từ “legitimate” và “legal” có khi trùng ý nghĩa, nhưng trong chính trị học lại có chỗ khác nhau. Một chính quyền chính đáng đương nhiên là hợp pháp, nhưng một chính quyền hợp pháp có khi lại không phải là chính đáng.
[41] Ở Thụy Điển, từ cấp làng xã (härad, hundred) cho đến cấp tỉnh (land, province) đều có các hội nghị (thing hay ting, assembly) – nơi người dân địa phương hội họp để bàn các công việc ở địa phương.
[42]Arthur M. Schlesinger, Sr. (1888-1965), nhà sử học người Mỹ, giáo sư tại Đại học Havard. Con trai ông là Arthur M. Schlesinger, Jr. (1917-2007), cũng là một nhà sử học Mỹ và đã từng là phụ tá đặc biệt của Tổng thống John F. Kennedy từ năm 1961 cho đến khi Kennedy bị ám sát .
[43]Arthur Schlesinger, Sr., New Viewpoints in American History, New York: Macmillan, 1922, pp. 220-40. (F.Z.)
[44] Trong thực tế, người kế nhiệm của Yeltsin (tức Putin) chẳng những đã lạm dụng quyền lực đó mà còn nâng cấp nó lên một bước nữa: bản thân ông ta giữ chức vụ nào thì chức vụ đó lập tức trở thành siêu – quyền lực.
[45]Robert Oxton Bolt (1924 –1995) là một nhà viết kịch người Anh hai lần đoạt giải Oscar về viết kịch bản. Vở kịch “Con người của mọi thời” (tên trong tiếng Pháp là “Con người vĩnh cữu, Un homme pour l'éternité) là một kịch bản viết cho đài phát thanh BBC vào năm 1954, nhưng sau đó được viết lại để dựng kịch, và được công diễn lần đầu vào năm 1960. Cốt truyện dựa trên một chuyện có thật về Sir Thomas More, Tể tướng của nước Anh vào thế kỷ 16, người không ủng hộ Vua Henry VIII trong việc ly dị với người hoàng hậu già nua Catherine of Aragon – người không đẻ cho ông một đứa con trai, để có thể cưới Anne Boleyn, em của một tình nhân cũ của nhà vua. Vở kịch miêu tả More như một con người nguyên tắc – một người được các đối thủ như Thomas Cromwell phải ghen tị và được người dân thường cũng như gia đình yêu mến. Bị xử tử hình năm 1535, Thomas More được tuyên phúc vào năm 1886 và được phong thánh vào năm 1935. Thomas More cũng chính là tác giả của tác phẩm nổi tiếng Utopia (Vùng đất không tưởng, bản dịch tiếng Việt của Trịnh Lữ có nhan đề Địa đàng trần gian, Nxb Hội nhà văn, 2007). William Roper, người đối thọai với More trong đọan này là con rể của More, cũng là tác giả của một cuốn tiểu sử viết về cuộc đời của Thomas More.
[46]Jack Lang (sinh 1939): chính trị gia người Pháp, đảng viên đảng Xã hội Pháp (Parti socialiste). Bộ trưởng Văn hóa Pháp (1981-1986, 1988-1992), bộ trưởng Giáo dục Pháp (1992-93, 2000-2002).
[47]Slobodan Milošević (1941-2006): lãnh tụ cộng sản người Serbia, Tổng thống Serbia (1989-1997), sau đó là Tổng thống Nam tư (1997-2000). Từ chức Tổng thống giữa lúc có phong trào biểu tình xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Ngày 31.3.2001, ông bị nhà cầm quyền Nam tư bắt giam vì tình nghi phạm tội tham nhũng và lạm quyền. Ông cũng bị Tòa án Tội phạm Quốc tế về Nam Tư cũ (International Criminal Tribunal for the former Yugoslavia) – một tiểu ban của Liên Hiệp Quốc, kết tội diệt chủng, và bị đưa ra xét xử tại Tòa án Hague (La Haye). Milošević tự bào chữa, nhưng phiên tòa kết thúc mà không có bản án vì ông chết vì đau tim trong quá trình xét xử - kéo dài gần 5 năm.
[48]Alvin Rabushka and Kenneth Shepsle, Politics in Plural Societies: A Theory of Democratic Instability, Columbus: Charles E. Merill, pp. 62-92; Donald Horowitz, "Democracy in Divided Societies," in Larry Diamond and Mark F. Plattner, eds., Nationalism, Ethnic Conflict and Democracy, Baltimore: The Johns Hopkins University Press, 1994, pp. 35-55. (F.Z.)
[49] Tức là những nền dân chủ dựa trên tự do hiến định.
[50]Thucydides (khỏang 460-395 trước công nguyên): nhà sử học Hy Lạp, tác giả của Lịch sử chiến tranh vùng Peloponnese (History of the Peloponnesian War).
[51]Niccolò Machiavelli (1469-1527): Chính khách, nhà văn người Ý, tác giả của tác phẩm nổi tiếng The Prince (Quân vương), được xem như một trong những người đặt nền móng cho triết học lịch sử và khoa học chính trị hiện đại.
[52]John Emerich Edward Dalberg-Acton, Đệ nhất Nam tước Acton, (1834–1902), thường được biết với cái tên đơn giản là Huân tước Acton (Lord Acton) : Xuất thân từ một gia đình theo Công giáo La Mã, Acton ngay từ lúc còn trẻ đã có một tình yêu sâu xa đối với nghiên cứu sử học – với chức năng là một công cụ phê bình. Trong lĩnh vực chính trị, ông là một nhà tự do (liberal) nhiệt thành, là bạn thân và là người thường xuyên trao đổi thư từ với William Gladstone (1809-1898) - lãnh tụ của Đảng Tự do (Liberal Party), bốn lần làm Thủ tướng nước Anh. Acton cũng thường lui tới các trung tâm trí thức ở châu Âu và ở Hoa Kỳ, và có nhiều người bạn rất nổi tiếng - trong đó có Alexis de Tocqueville. Năm 1895, ông được Hòang gia Anh bổ nhiệm vào chức vụ giáo sư môn Lịch sử hiện đại tại Đại học Cambridge. Bộ Lịch sử Hiện đại của trường Cambridge (Cambridge Modern History) đã được dàn dựng theo kế hoạch biên tập của ông, mặc dù ông qua đời trước khi bộ sách hòan thành. Acton viết không nhiều, di sản về học thuật của Acton chủ yếu nằm trong các bài giảng ở đại học, nhiều bài đã được sưu tập và xuất bản sau khi ông qua đời, nhưng thông qua những bài viết và bài giảng của mình, Lord Acton gây ảnh hưởng lớn lao đến quan niệm hiện đại về tự do. Kiên quyết bảo vệ quyền của cá nhân, ông cho rằng sự tập trung quyền lực là có hại cho cả Giáo hội Công giáo lẫn nhà nước. Có một câu được trích trong một lá thư của ông : « Quyền lực có xu hướng hư hỏng, và quyền lực tuyệt đối thì hư hỏng một cách tuyệt đối » (Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely), ngày nay đã trở thành một câu cách ngôn quen thuộc trên tòan thế giới.
[53] Bernard Lewis, "Why Turkey Is the Only Muslim Democracy," Middle East Quarterly, March 1994, pp. 47-48. (F.Z.)
[54] Có một số trường phái chính trị đề cao dân chủ trực tiếp (trong đó có những người mác-xít, là những người lên án gay gắt hình thức dân chủ đại diện). Nhưng theo quan điểm của tác giả, các hình thức dân chủ trực tiếp (direct democracy) không phải là hay, vì số đông thường là chỗ dựa để người được bầu lên tước đọat quyền của tất cả. Hơn nữa số đông khi thiếu kiến thức về chính trị, xã hội sẽ rất dễ bị mua chuộc bởi những chính trị gia xảo quyệt.