Phạm Hồng
Sơn
Từ phiên tòa xét xử “bọn gián điệp, phản cách mạng phá hoại hiện hành: Nguyễn Hữu
Đang và Thụy An” tới
phiên tòa sắp tới xử Huỳnh Thục Vy là hơn 58 năm.
Trong suốt thời gian hơn nửa thế kỷ đó, dưới chế độ
chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dựng lên và kìm giữ, có
vô số phiên tòa tương tự đã được mở ra để xét xử những người bị
gọi hay được gọi là “phản động” với những tội trạng khác nhau, với
những phán quyết khác nhau, và với những kết cục đau thương khác nhau
dội xuống cuộc đời các bị cáo cùng gia đình của họ. Hình thức và
các thủ tục tố tụng của các phiên tòa đó cũng đã thay đổi nhiều. ĐCSVN
đã biết làm cho các “phiên tòa” trở nên hấp dẫn hơn, thu hút hơn và
“cởi mở” hơn bằng gia giảm nhiều chi tiết: sự hiện diện đôi khi rất
hùng hậu của luật sư bên bị, sự tham dự của giới ngoại giao quốc tế
qua màn hình, sắp xếp lại ghế ngồi trong phòng xử, bãi bỏ khung
hình móng ngựa, thậm chí các bài bào chữa không kém hùng biện cũng
cho vang lên ngay tại tòa,…
Nhưng một đặc điểm không hề thay đổi: tất cả những
nhân vật chủ chốt thực hiện quá trình tố tụng, kể cả thẩm
phán-quan tòa, đều là thành viên của ĐCSVN; và các bản án luôn triệt
hạ các mầm mống tiến bộ, lương thiện của dân tộc. Dưới chế độ độc
đảng độc tài toàn trị kéo dài, người ta thường coi đó là một điều
hiển nhiên, không cần cật vấn.
Nhưng, nếu chúng ta chấp nhận gọi những phiên xét xử người
bất đồng chính kiến là một “tòa án” – với ý nghĩa là nơi phân định
công lý, đúng-sai, chúng ta cần đặt
lại vấn đề đối với các “tòa án” này.
Dù muốn hay không, tất cả những người đã bị đảng
cộng sản liệt vào dạng “phản động” đều là những người có tư tưởng
hoặc hành động đối lập, chống lại đảng cộng sản. Nói cách khác,
các phiên xét xử những người bất đồng chính kiến là các cuộc phân
định đúng-sai về bất hòa, xung đột giữa hai bên: một bên là đảng
cộng sản và bên kia là những cá nhân, những tổ chức, hội đoàn đối
lập với đảng cộng sản.
Từ góc nhìn này chúng ta thấy ngay điều kiện tiên
khởi để các phiên xử án có khả năng, chỉ là có khả năng, đạt được mục
tiêu tối hậu định rõ sự thật, đúng-sai, tòa án đó bắt buộc phải
được điều khiển bởi những người không có những lợi ích, ràng buộc
với cả hai bên: ĐCSVN, những người bị cáo buộc.
Thế nhưng, cho đến nay, tất cả các “thẩm phán” trong
các phiên tòa xử người bất đồng chính kiến luôn là đảng viên ĐCSVN.
Không chỉ “thẩm phán”, các “kiểm sát viên” – người buộc tội bị cáo -
và các thành phần liên đới khác trong tổ chức của phiên tòa, như “thư
ký tòa án” hay các “hội thẩm viên nhân dân”, thậm chí người dự khán,
đều là đảng viên ĐCSVN hoặc là người được chọn lựa kỹ càng bởi
ĐCSVN.
Tính chất giễu cợt, phỉ báng công lý, công luận của
những “phiên tòa” đó đã được giấu bớt đi bởi những thủ tục, tên gọi
phức tạp và hình thức của một chế định văn minh của loài người.
Nhưng chúng ta sẽ thấy ngay sự khốn nạn, chua cay khi
một kẻ lừa đảo luôn đóng vai trò tổ chức trong việc phán định công
lý cho nạn nhân.
Song, chúng ta càng chua cay bao nhiêu, kẻ lừa đảo càng
hí hửng, mừng rỡ bấy nhiêu.
Chấm dứt sự khốn nạn của quân lừa đảo có thể cần
phải nhiều thời gian, nhiều nỗ lực hơn nữa. Nhưng chúng ta có thể
chấm dứt ngay nỗi chua cay của chúng ta, chấm dứt ngay sự hí hửng,
hả hê của quân lừa đảo bằng cách: dứt khoát tẩy chay những “phiên
tòa” do chính quân lừa đảo dựng lên. ⃝
*Đính chính: tên của nhà hoạt động nhân quyền Huỳnh Thục Vy ban đầu đã bị viết sai là Huỳnh Thục Vi. Xin cáo lỗi chị Huỳnh Thục Vy và độc giả. (09:20 CET 15/11/2018)