Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Vụ Cù Huy Hà Vũ: điều lớn hơn ở một bản án


Trước khi bị bắt Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ đã bày tỏ nhiều quan điểm mạnh mẽ, rõ ràng, có tầm chiến lược cho việc bảo vệ và phát triển đất nước. Trong đó có một quan điểm liên quan đến vấn đề thời sự rất nóng bỏng hiện nay của nước nhà: bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và chủ quyền dân tộc trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Theo Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, để giải quyết được vấn đề này thì Việt Nam cần phải sớm trở thành “đồng minh quân sự với Mỹ.” Những diễn biến thời sự sau khi Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt và ngay gần đây càng cho thấy quan điểm của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ là đúng đắn. Ngay cả Đảng Cộng sản Việt Nam, mặc dù vẫn còn e sợ (một cách sai lầm) quan hệ thân thiết thực sự với Mỹ, cũng đã phải tiến hành nhiều hoạt động quân sự gắn bó hơn với Mỹ. Nếu bây giờ có một cuộc thăm dò xã hội (kín, một cách độc lập) thì chắc tỷ lệ người dân Việt Nam ủng hộ việc thiết lập quan hệ đồng minh toàn diện, không chỉ về quân sự, với Mỹ sẽ thuộc về đa số áp đảo, và trong đa số đó cũng sẽ có rất nhiều đảng viên cộng sản. Dĩ nhiên, chúng ta cần phải loại bỏ triệt để một ngộ nhận hay một lối nghĩ lạc hậu rằng đồng minh với Mỹ nghĩa là dựa dẫm, ỷ lại, hay lệ thuộc, thần phục chính quyền Mỹ (như chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã từng dựa dẫm, ỷ lại hay chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã lệ thuộc, thần phục đối với đồng minh Liên Xô và Trung Quốc). Đồng minh với Mỹ cũng không nhằm mục đích để khiêu khích quân sự hay tấn công một quốc gia khác mà chỉ là xu thế tất yếu của các quốc gia đang bị mộng bá quyền hung hãn của Trung Quốc đe dọa trực tiếp. Chúng ta cũng cần phải nhìn thấy sức mạnh, giá trị đáng học hỏi nhất của Mỹ không phải ở bom nguyên tử, tiền bạc hay tàu khu trục. Sức mạnh và giá trị của Mỹ chỉ nằm ở hai chữ Dân Chủ.

Một quan điểm khác của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ cũng đang được chứng minh là đúng đắn, đáp ứng đúng nhu cầu hàn gắn vết thương của dân tộc Việt Nam vốn chịu nhiều xung đột, hận thù. Trong các ngày 24 và 27 tháng Bảy vừa qua, dù vô tình hay hữu ý, nhiều nhân sỹ, trí thức hàng đầu trong xã hội đã bày tỏ công khai, mạnh mẽ sự tán đồng, xiển dương quan điểm của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc: “Những người chiến thắng phải đi bước trước, mà giang tay ôm vào lòng những người anh em chiến bại để tỏ chữ Hiếu đối với Mẹ Chung - Tổ Quốc, để mọi người Việt dẫu chính kiến có khác biệt lại xum họp Một Nhà!

Phiên tòa xử phúc thẩm Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ sẽ diễn ra vào ngày 02/08/2011 tới đây. Tất cả những người có lương tri đều đang hướng đến phiên tòa và đòi hỏi phán quyết có “hiệu lực pháp luật” của phiên tòa đó phải theo hướng “vô tội” vì mọi hành vi của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, như bản cáo trạng đã nêu, đều là những hành động, tâm tư của một người trí thức cương trực, yêu nước và hoàn toàn trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng, dù phán quyết của phiên tòa sắp tới vẫn tiếp tục đi ngược lương tri và công lý thì điều có ý nghĩa nhất vẫn là những tâm tư, quan điểm đúng đắn của Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ vẫn sẽ tiếp tục được quan tâm, chia sẻ, phổ biến và nhiều điều chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không xa. Bởi đó là những tâm tư, quan điểm phù hợp với xu hướng tiến bộ của thời đại, trùng hợp với khát khao của giới trí thức cấp tiến và hoàn toàn vì chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng của dân tộc.

Như thế, việc tống tù một con người không những không thể vùi dập được quan điểm, tư tưởng của người đó mà có khi lại còn giúp cho quan điểm, tư tưởng đó được phổ biến, thăng hoa mạnh mẽ hơn. Việc người cầm quyền thù ghét những quan điểm đối lập không phải là chuyện lạ của loài người nhưng việc dùng nhà tù hay bạo lực để đối phó với quan điểm đối lập đã thuộc về ấu trĩ xa xưa của nhân loại tiến bộ.

Còn việc Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ đã dùng pháp luật để công kích, khởi kiện cả người đứng đầu chính phủ, hay tố giác, lên án những người có quyền có thể là một việc rất không dễ chịu đối với người cầm quyền độc đoán. Nhưng nhìn ở góc độ khác, đó lại có thể là một ẩn ý muốn chỉ ra hay tạo ra cơ hội lịch sử cho những người cầm quyền độc đoán vượt khỏi sự tầm thường. Lịch sử đã cho thấy việc ủng hộ, thúc đẩy hay tạo ra sự đột phá về tinh thần tôn trọng pháp luật đích thực trong các thể chế chính trị phi dân chủ luôn là điều chắc chắn mang lại sự kính phục hay sự vĩ đại cho người cầm quyền độc đoán.

Những người cầm quyền chưa có tư tưởng dân chủ thường chỉ thấy quyền lực có sức mạnh trấn áp, sức mạnh nhũng lạm. Nhưng quyền lực còn có những sức mạnh khác – sức mạnh cải cách, sức mạnh mở ra một trang mới tiến bộ hơn cho lịch sử.

Phạm Hồng Sơn
29/07/2011

Hải Cụt



Thật bàng hoàng khi đọc lá đơn Khiếu nại của bà Dương Thị Tân gửi Cơ quan an ninh điều tra (thành phố Hồ Chí Minh) và Bộ Công an ngày 17/07/2011 được đưa lên mạng vào ngày 21/07/2011, trong đó có thông tin Trung tá Đặng Hồng Điệp cho biết “Anh Hải bị mất tay”. Nếu như thông tin đó là đúng thì đó có thể là nguyên nhân chính lý giải cho việc tại sao cơ quan công quyền lại phải giam giữ lén lút, che giấu mọi thông tin về anh Nguyễn Văn Hải suốt gần 09 tháng qua như thế. Nhưng thông tin anh Nguyễn Văn Hải “bị mất tay” vẫn chưa đủ, vẫn là kiểu mập mờ, rất thiếu minh bạch, khuất tất như trong đơn bà Tân yêu cầu phải cho biết rõ việc anh Nguyễn Văn Hải bị “mất tay ở đâu và trong trường hợp nào”. Và còn mức độ mất ra sao, mất đến cẳng tay hay đến cánh tay, một tay hay cả hai tay?

Như vậy sau hàng tháng trời đi lại, truy vấn ráo riết, không mệt mỏi, bà Dương Thị Tân, các con và những người yêu mến Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày cũng đã được biết chút ít về tình trạng của anh, nhưng lại là tình trạng thân thể anh không còn nguyên vẹn.

Lại thêm một đau xót nhỏ cho một đau xót lớn. Chắc đến khi những thỏa thuận giữa “đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam” Hồ Xuân Sơn với lãnh đạo Trung Quốc vào ngày 25/06/2011 vừa qua được bạch hóa hay phải tiết lộ một phần nào đó sẽ còn làm cho con dân nước Việt bàng hoàng, đau xót hơn nhiều. Anh Hải Điếu Cày của chúng ta nhiều phần chắc đã trở thành Hải cụt chỉ vì yêu nước, muốn bảo vệ Biển Đông. Còn Biển Đông của ta nhiều phần chắc hơn đã bị cụt thêm nhiều chỉ vì những lãnh đạo hèn với giặc, có dã tâm bán nước.

Phạm Hồng Sơn
22/07/2011

Mai tôi không đi biểu tình


Vừa bước chân ra khỏi nhà tắm, chuông cửa nhà kêu: “boong, boong.” Vợ tôi nói vọng xuống từ tầng trên: “Chắc anh L. công an khu vực đấy, anh ạ. Lúc tối đã đến nhưng anh chưa về.” Nhìn đồng hồ, đúng 11h. Tôi vội xuống tầng một, bật đèn cổng và mở cửa. “Chắc lại đến “chuyện trò” trước biểu tình giống như hôm 18/06 vừa rồi”. Nhìn qua cửa cổng thấy đúng anh L., công an khu vực, nhưng lại có một bóng người lấp ló phía sau, hóa ra là một dân phòng mặc bộ đồng phục màu nâu xám. “Anh L. đấy à, có việc gì không anh?”, tôi vừa hỏi vừa xỏ dép đi ra sân, tiến sát vào cửa cổng. “Chào anh Sơn, có chút việc.”, “Việc gì mà muộn thế anh?”, “Cho tôi vào để kiểm tra nhân khẩu.” “Sao lại kiểm tra muộn thế này. Thôi tôi biết rồi, anh không phải lo. Anh cứ về đi, coi như là anh xong việc rồi, cho đỡ mệt.” “Không, anh cứ mở cửa để chúng tôi kiểm tra nhân khẩu.” “Sao lại kiểm tra muộn thế này. Tôi từ chối. Các con tôi đã đi ngủ rồi. Bây giờ vào không tiện lắm. Có gì anh cứ trao đổi luôn ở đây đi.”, “Nhưng, chúng tôi không làm gì ảnh hưởng đến các cháu đâu.”, “Nếu thế thì anh cứ nghe tôi luôn ở đây là nhân khẩu hiện đủ, không có người nào khác ở đây cả. Còn nếu không thì các anh phải đi kiểm tra từng phòng thì mới biết được có người nào trốn ở đâu không chứ?”, “Nếu vậy thì chúng tôi khám nhà à? Không. Chúng tôi chỉ kiểm tra nhân khẩu thôi.”, “Ồ, nếu vậy thì các anh cứ nghe tôi luôn ở đây là đủ rồi.”, tôi cười: “Mà có gì anh cứ nói luôn ra đi.”, “Thôi…” , anh L. ấp úng, “Thôi, nói thật với anh là ngày mai anh đừng ra đấy nữa.”, “Đấy, tôi biết ngay mà. Có gì anh cứ nói luôn ngay có phải đỡ mất thời gian không. Nhưng, các anh không phải lo chuyện đó.”, “Anh đừng ra để tránh phiền hà.”, “Thế ai chỉ đạo anh phải nói với tôi như thế? Anh có thể cho biết tên và chức vụ không?”, “Không…Không có ai.”, tôi cười: “Tôi không tin. Anh đâu phải là người kém hiểu biết như thế. Thôi, tôi biết anh đang phải thực hiện nhiệm vụ, nhưng anh nên biết đang phải làm một việc trái pháp luật và trái đạo lý đấy.”, tôi lại cười: ”Thôi các anh cứ yên tâm, có gì mà phải lo. Tôi đi hay không đó là vấn đề của riêng tôi. Mà nói thật nếu tôi không muốn đi thì các anh có đến giục tôi cũng không đi đâu.”, “Thôi anh Sơn à. Tôi cũng đang muốn về nhà nhanh vì ở nhà đang có việc cần.”, “Vâng, vậy anh nhé. Anh nên về sớm, không gia đình mong. Hôm nào tiện hơn thì mời anh và bác vào nhà.”

Anh công an khu vực L. với cả bộ sắc phục và quân hàm trung tá, cùng người dân phòng từ lúc đến chỉ im lặng nghe, lặng lẽ quay người đi ra.

Thú thực là từ tối đến giờ tôi cứ suy nghĩ mãi về việc ngày mai có nên “biểu tình” hay không, nếu đặt giả thiết mình là người được ra quyết định về vấn đề này vì mới có một diễn biến mới khá hay. Vào lúc sát nút (đầu giờ tối nay, 09/07/2011) phía chính quyền đã có một “thiện chí”, đúng hơn là một “nhượng bộ” trước yêu cầu kiên quyết của một số nhân sỹ, trí thức về việc Em Phương (người đọc tuyên cáo ngày 3/07 tại Nhà Hát Lớn) bị mời đi làm việc. Trước đó, các nhân sỹ, trí thức đã xác quyết sẽ bày tỏ “biểu tình” mạnh hơn nếu Em Phương vẫn bị mời vào ngày mai (10/07/2011). Vậy, khi chính quyền đã có “thiện chí” như thế thì người biểu tình cũng nên có một “thiện chí” đáp lại thì hay hơn. Đó cũng là cách thể hiện của người quân tử theo Nho Giáo và cũng đúng với lý thuyết hiện đại về dân chủ cần phải xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau (mutual trust) giữa các bên, nhất là các bên đang không tin lẫn nhau.

“Biểu tình” thì không biểu tình hôm nay thì có thể biểu tình hôm khác, tuần khác, tháng khác, còn rất nhiều thời gian và những vấn đề khác để biểu tình. Nhưng cơ hội để xây dựng “lòng tin” thì rất hiếm, và nếu lỡ hôm nay thì sẽ rất khó cho tương lai. Vậy, ngày mai (10/07/2011) nên không “biểu tình” thì hay hơn, mọi người sẽ cùng tận hưởng những phút giây đặc biệt “chủ động không biểu tình” và cũng là để các anh chị em an ninh, dân phòng, cảnh sát cơ động,v.v.” và cả “chính quyền vì dân” được một Chủ Nhật đỡ căng thẳng, dù đó là chỉ là cái căng thẳng chả cần thiết.

Vậy, đối với riêng tôi, tôi sẽ không đi biểu tình vào ngày mai 10/07/2011.

Phạm Hồng Sơn
09/07/2011