Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

SỰ HÌNH THÀNH HỆ THỐNG LƯỠNG ĐẢNG Ở MỸ

SỰ HÌNH THÀNH HỆ THỐNG LƯỠNG ĐẢNG Ở MỸ (phần 1)

Khi lên làm Tổng thống, George Washington không thuộc đảng phái chính trị nào và vào thời điểm đó, nước Mỹ cũng chưa có đảng phái chính trị. Điều đó không có nghĩa là mọi người Mỹ lúc đó đều có cùng một chính kiến. Nước Mỹ lúc đó có nhiều quan điểm chính trị khác nhau, nhưng chưa có một tổ chức nào được lập ra để đưa người ra ứng cử.

Sau đó có hai tổ chức dần dần được hình thành trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của George Washington. Một tổ chức có tên là Người Liên bang, do bộ trưởng tài chính Alexander Hamilton lãnh đạo. Tổ chức thứ hai có tên là Người Cộng hòa, đứng đầu là bộ trưởng ngoại giao Thomas Jefferson. Mỗi tổ chức đều bày tỏ quan điểm chính trị của người đứng đầu.

Hamilton và Người Liên bang muốn có một chính quyền trung ương mạnh với một tổng thống có nhiều quyền và các tòa án kèm theo. Người Liên bang có chính sách ủng hộ giới chủ ngân hàng và tầng lớp doanh nhân giàu có. Họ chủ trương thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ với Anh quốc. Người Liên bang không thích dân chủ, cái họ thường mô tả là quyền lực của đám dân đen.

Đảng người Liên bang thành lập sau này cũng do Alexander Hamilton lãnh đạo nhưng không hoàn toàn giống như tổ chức có tên Người Liên bang trước đó. Tên gọi này cũng được sử dụng để chỉ những người ủng hộ cho việc xây dựng Hiến pháp mới. Còn những người phản đối Hiến pháp thì được gọi là Người chống Liên bang.

Một số người trước đây của tổ chức Người Liên bang, như Alexander Hamilton, sau này đã trở thành đảng viên Đảng người Liên bang. Họ là những người có nhiều quyền lực. Họ là những người kiểm soát Quốc hội suốt thời kỳ George Washington làm Tổng thống và gần như kiểm soát được cả Washington bằng những ảnh hưởng của Alexander Hamilton.

Thomas Jefferson và Người Cộng hòa cũng ủng hộ Hiến pháp như một bản thiết kế chính quyền. Nhưng họ không cho rằng Hiến pháp trao cho chính quyền trung ương những quyền lực không giới hạn. Người Cộng hòa có chính sách trợ giúp nông dân và các doanh nhân nhỏ. Họ thúc đẩy quan hệ với người Pháp, những người đang nổi dậy chống lại quyền lực của vua. Người Cộng hòa đòi hỏi nhiều quyền hơn và nhiều dân chủ hơn cho toàn thể nhân dân Mỹ.

Hai vị lãnh đạo của hai tổ chức này là hai con người rất khác nhau.

Alexander Hamilton thuộc những người Liên bang quí tộc nhưng lại không được sinh ra trong một gia đình giàu có và ổn định. Ông là con ngoài giá thú, được sinh ra ở West Indies (một quần đảo ở vịnh Ca-ri-bê –ND). Tuy nhiên Hamilton được học ở Mỹ và ông đã đạt được một địa vị xã hội khi kết hôn với con gái của một chủ đất giàu có ở bang New York. Tiền và địa vị xã hội đối với Hamilton là những điều quan trọng. Ông tin rằng sẽ tốt hơn khi người có tiền và có địa vị xã hội nắm quyền lãnh đạo quốc gia.

Trong khi Thomas Jefferson - thuộc những người Dân chủ Cộng hòa, lẽ ra phải là người được Alexander Hamilton ưa chuộng, nhưng thực tế lại khác hẳn. Thomas Jefferson có họ xa bên ngoại với giới quí tộc Anh. Ông thích ăn ngon, uốn rượu ngon, thích đọc sách và nghe nhạc. Nhưng Jefferson lại rất kính trọng những người nông dân chất phác và những người đã khai phá vùng đất phía Tây cho những người định cư. Ông cho rằng cả hai nhóm người này đều có quyền lãnh đạo quốc gia.

Trong khi cả hai, Alexander Hamilton và Thomas Jefferson, đều là những người Mỹ yêu nước, họ lại có những quan niệm hoàn toàn mâu thuẫn nhau trong việc làm thế nào để vận hành một chính quyền.

Những bất đồng cá nhân của họ đã trở thành những cuộc tranh cãi trước công luận khi cả hai người là thành viên trong nội các của Tổng thống George Washington. Tuy nhiên, hai người không phản bác nhau trực tiếp trước công luận, họ thường luận chiến với nhau trên hai tờ báo.

Cả hai đều hiểu rõ sức mạnh của báo chí. Đặc biệt là Jefferson, ông cảm nhận được sự cần thiết của báo chí đối với dân chủ. Ông tin tưởng rằng báo chí là cách thức duy nhất để công chúng có thể biết được sự thật. Jefferson đã có lần phát biểu: “Nếu tôi phải lựa chọn giữa một chính quyền không có báo chí và báo chí không có chính quyền, thì tôi sẽ lựa chọn báo chí không có chính quyền.”

Hamilton lại là người đã có kinh nghiệm sử dụng báo chí cho mục đích chính trị. Trong cuộc Cách mạng giành độc lập, khi Hamilton làm trợ lý cho Tổng chỉ huy George Washington. Một trong những nhiệm vụ của Hamilton là đảm bảo tiền và nhu yếu phẩm cho quân đội. Hamilton đã đề nghị chính quyền 13 bang lúc đó và cả Quốc hội (khi đó có rất ít quyền lực) để được giúp đỡ, nhưng gần như không ai đáp ứng. Từ đó, Hamilton nhận thấy hệ thống chính trị do các Điều khoản Liên bang (thỏa thuận chính trị chung trước khi có Hiến pháp năm 1787-ND) tạo ra yếu và vô tổ chức. Ông cho rằng các bang không cần có quá nhiều quyền lực. Cái nước Mỹ cần , ông nói, đó chính là một chính quyền trung ương mạnh. Nếu không có điều đó, Liên bang sẽ tan rã.

Hamilton thể hiện quan điểm của mình qua rất nhiều bài báo. Ông không ký tên thật cho các bài báo của mình, mà dùng bút danh “Người Lục địa”.

Không lâu sau đó, Hamilton trở thành một trong những người ủng hộ mạnh nhất cho việc triệu tập một hội nghị để tu chính các Điều khoản Liên bang. Hội nghị đó đã được tổ chức tại Philadelphia vào năm 1787 và kết quả là tạo ra Hiến pháp Mỹ.

Hamilton là một trong các đại biểu của Hội nghị và sau đó còn là người góp phần vào việc viết các bài báo kêu gọi sự ủng hộ cho Hiến pháp. Đó là những bài trên tờ báo có tên là Người Liên bang, viết chung với James Madison và John Jay.

Khi Hamilton trở thành bộ trưởng tài chính dưới thời Tổng thống George Washington, ông vẫn tiếp tục sử dụng báo chí cho công việc của chính quyền. Nhưng, duy nhất lần này, Hamilton sử dụng báo chí nhằm cuốn hút ủng hộ cho các chính sách của riêng ông. Hamilton phát biểu qua một tờ báo có tên là Gazette nước Mỹ (Gazette of the United States), tổng biên tập là John Fenno.

Trong khi đó Jefferson cũng được nhiều chủ báo khác ủng hộ, nhưng họ không thuộc phong trào chính trị của ông. Ông cho rằng cần phải có một tờ báo làm ngôn luận riêng cho mình. Sau đó, James Madison đã giúp Jefferson có được một tờ báo, do Philip Freneau, bạn của Madison làm tổng biên tập. Tờ đó có tên là Gazette Quốc gia.

Phần lớn những người ủng hộ Hamilton sống tại các đô thị vùng Đông-Bắc. Họ là những chủ ngân hàng, doanh nhân lớn, là những luật sư, bác sỹ và các linh mục.

Jefferson tôn trọng uy quyền chính trị của Hamilton, nhưng ông thấy Hamilton không có được sự ủng hộ rộng lớn từ những người dân thường.

Vào những năm 1790, chín mươi phần trăm dân Mỹ làm trang trại, lao động chân tay hoặc buôn bán nhỏ. Những người này tỏ ra bất bình với chính sách của chính quyền thường chỉ trợ giúp giới chủ ngân hàng, chủ đất lớn và giới doanh nhân giàu có. Họ không có đảng chính trị nào để ủng hộ họ. Đó chính là những người mà Jefferson đang muốn nhắm đến.

Mục tiêu của Jefferson rất khó khăn vì lúc đó nhiều người Mỹ biết rất ít về những gì xảy ra ở ngoài vùng họ đang sống, nhiều người còn chưa được phép bầu cử vì họ không có tài sản. Jefferson nghiên cứu tình hình từng bang và thấy hầu như ở khắp nơi các nhóm chính trị đều phản đối các đạo luật trợ giúp cho người giàu. Đó chính là điều Jefferson đang cần. Jefferson cho rằng, nếu các nhóm chính trị đó được kết hợp với nhau thành một tổ chức ở tầm quốc gia thì khi đó sẽ có một tổ chức đối trọng lại với Đảng người Liên bang.


Đảng của Jefferson có cả người giàu và người nghèo, họ cùng liên kết với nhau để phản bác quan điểm sai lầm về sử dụng quyền lực trong chính quyền trung ương của Đảng người Liên bang.
(còn tiếp).



Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 11/2008
(Nguồn: program #30 of THE MAKING OF A NATION , http://www.voanews.com/specialenglish/archive/2008-04/2008-04-23-voa1.cfm)




SỰ HÌNH THÀNH HỆ THỐNG LƯỠNG ĐẢNG Ở MỸ (phần 2)


Thomas Jefferson và Alexander Hamilton có những ý tưởng trái ngược nhau về cách thức điều hành quốc gia. Chính sự mâu thuẫn của họ đã giúp tạo nên hệ thống chính trị lưỡng đảng của Mỹ.

Đảng Người Liên bang, do Bộ trưởng Tài chính Alexander Hamilton lãnh đạo, ủng hộ cho một chính quyền trung ương mạnh với một tổng thống uy lực và một hệ thống tòa án kèm theo. Người


Liên bang cho rằng những người giàu và có địa vị xã hội nên giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Vào đầu những năm 1790, Người Liên bang đã tạo được ảnh hưởng khiến cho những lãnh đạo quốc gia Mỹ là những người như thế.

Đảng Người Liên bang giành được quyền kiểm soát Quốc hội. Họ cũng có ảnh hưởng lớn đối với Tổng thống đầu tiên, George Washington.

Trong khi Đảng Người Cộng hòa, do Bộ trưởng Ngoại giao Thomas Jefferson lãnh đạo, lại không muốn một chính quyền trung ương mạnh đến mức với những quyền lực không giới hạn. Người Cộng hòa cho rằng sẽ tốt hơn nếu quyền lực chính trị được phân tán vào trong dân chúng.

Hai Đảng đều thực hiện luận chiến trên những tờ báo của đảng. Các sử gia cho rằng chính Hamilton là tác giả của phần lớn các bài luận chiến trên tờ báo Người Liên bang. Trong khi Jefferson, theo các sử gia, chỉ đóng vai trò tư vấn cho tờ báo Người Cộng hòa.

Cả hai tờ báo đều cho đăng những bài báo vô danh nhằm công kích phía bên kia. Và cả hai cùng cho đăng những câu chuyện không có thực. Thỉnh thoảng có cả những bài công kích cá nhân. Nhiều người cảm thấy hai vị bộ trưởng đã đi quá giới hạn của một cuộc tranh luận về những vấn đề chung của xã hội.

Khi gần hết nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, George Washington nhận được một lá thư của Jefferson. Trong thư, vị Bộ trưởng Ngoại giao xin từ chức. Jefferson nói rằng ông không đồng ý với phần lớn các chính sách điều hành và quan điểm ngoại giao của chính phủ. Jefferson không nhắc đến tên Hamilton. Điều đó không cần thiết vì Washington hiểu ngay, chính Hamilton là người đã chủ trương các chính sách đó.

Vị Tổng thống đã cố gắng dàn hòa hai người. Washington yêu quí và tôn trọng cả hai. Ông hiểu rằng đất nước non trẻ cần tài năng của cả hai con người đó. Tuy nhiên, sự bất đồng đã đi quá xa, vượt quá vấn đề bất đồng của hai cá nhân mạnh mẽ. Đó là cuộc đấu của hai triết lý khác nhau hoàn toàn về việc quản lý đất nước.
Wasington không dàn hòa nổi hai người. Nhưng Jefferson đã rút lại quyết định từ chức. Trong một bức thư gửi con gái, Jefferson viết:”Những công kích cha đã làm thay đổi quyết định mà cha đã nghĩ là không thể thay đổi. Cha phải ở lại để đấu tranh.”

Khi đó, ý tưởng về các đảng chính trị là những điều còn mới mẻ ở Mỹ. Lúc đó không có luật nào chỉ rõ các đảng được hay không được làm cái gì. Cũng không có các hạn chế các thành viên chính phủ trong các hoạt động chính trị. Do đó, trong khi vẫn đảm trách công việc Bộ trưởng Ngoại giao, Jefferson bắt đầu vận động để đưa người của mình vào Quốc hội. Ông cho rằng đó là cách duy nhất để đánh bại Hamilton. Tổng tuyển cử đã được lên kế hoạch vào năm 1792.

Lúc đó không có bất đồng gì về vị trí lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Mọi người đều muốn George Washington giữ thêm một nhiệm kỳ Tổng thống. Nhưng, nhiều người Cộng hòa thấy không nên để John Adams tiếp tục làm phó Tổng thống. Adams là một người yêu nước và cần mẫn phục vụ đất nước, nhưng ông ta không phải là người có đầu óc dân chủ. Adams không giấu diếm quan điểm cho rằng những người sinh ra trong các gia đình quyền quí nên trở thành lãnh đạo đất nước.

Người Cộng hòa đã tìm thấy một lý do để chống lại Người Liên bang. Chính sách tài chính của Hamilton đã tạo điều kiện cho các chủ ngân hàng và những người cho vay có thể đầu tư vào mọi lĩnh vực. Một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính đã thực hiện một phi vụ kinh doanh bằng những thông tin riêng của Bộ. Việc đầu tư của người này đã gặp khó khăn và sau đó thất bại. Sự thất bại đó đã gây ra một loạt các thất bại khác, dẫn đến sự suy sụp tài chính ở New York, trung tâm tài chính nước Mỹ.

Người Liên bang có cơ sở rất mạnh ở vùng Đông-Bắc. Trong khi Người Cộng hòa có sức mạnh ở khắp mọi nơi. Người Cộng hòa đã giành được thế mạnh trong Hạ viện sau Tổng tuyển cử năm 1792. Tuy nhiên, Người Cộng hòa đã không thắng trong cuộc tranh cử chức Phó Tổng thống. Một lần nữa, John Adams lại giữ vị trí Phó Tổng thống. Kết quả này có thể là do nhiều người Mỹ lúc đó nghĩ rằng Tổng thống Wasington vẫn muốn John Adams tiếp tục phụ tá cho ông. Nhưng, lần này Adams chỉ hơn các đối thủ khác rất ít phiếu. Có bốn bang đã bỏ phiếu cho George Clinton – một người thuộc Đảng Cộng hòa ở New York. Một bang bỏ phiếu cho Jefferson cho dù ông không ra ứng cử.

Năm 1793 bắt đầu xuất hiện những biến đổi quyền lực của Alexandre Hamilton. Người Cộng hòa ở Hạ viện chất vấn các kế hoạch tài chính của Hamilton. Tại sao Bộ trưởng Tài chính đã từ chối cung cấp cho Quốc hội các chứng cứ, tài liệu liên quan đến các chương trình vay, cho vay và đánh thuế?

Trong suốt bốn năm, Hạ viện đã thông qua tất cả các dự luật do Hamilton đề xuất mà không được nghe giải trình. Theo Hamilton, đó là cách duy nhất để quản lý đất nước. Bây giờ chính là lúc Hạ viện cần phải biết nhiều hơn nữa.

Hamilton đã coi chất vấn đó là một xúc phạm. Ông đáp lại ngay. Hamilton đã làm bốn bản giải trình về các hoạt động của Bộ Tài chính. Người Cộng hòa nghiên cứu kỹ các bản giải trình đó để hòng chứng minh Hamilton và Người Liên bang đã dối trá. Nhưng không một chứng cứ nào như thế được tìm thấy. Người Cộng hòa không kết tội được Hamilton đã biển lận tiền bạc cho bản thân, và họ đã chuyển tấn công sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, họ cho rằng Hamilton đã không tuân theo chỉ đạo của Tổng thống Washington trong việc xử lý các khoản vay nước ngoài, Hamilton đã trả lãi suất quá cao cho Ngân hàng Quốc gia Mỹ và đã không tuân thủ chặt chẽ các luật (đã được Quốc hội thông qua) liên quan đến chi tiêu ngân sách của chính phủ.

Người Liên bang trong Quốc hội cũng đáp trả các cáo buộc. Người Liên bang luôn lên tiếng rằng Người Cộng hòa không thể chứng tỏ Bộ trưởng Tài chính đã phạm luật trong bất cứ hành động nào.

Nỗ lực phế truất Hamilton ra khỏi Quốc hội đã thất bại. Nhưng Hamilton lại sẵn sàng ra đi. Hamilton cảm thấy hài lòng với công việc mà ông đã thực hiện. Hơn bất kỳ ai khác, Hamilton là người đã định hình các chính sách cho nước Mỹ trong suốt năm năm đầu tồn tại (kể từ khi có Hiến pháp-ND). Hamilton tin rằng quốc gia non trẻ sẽ tiếp tục được điều hành bởi các quan điểm chính trị mà ông đã khởi xướng và ủng hộ. Hamilton trở về New York, làm luật sư và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Đa phần dân chúng Mỹ lúc đó không quan tâm đến những cuộc tranh cãi giữa Đảng Người Liên bang và Đảng Người Cộng hòa về những vấn đề như Ngân hàng Quốc gia Mỹ. Nông dân và người lao động chân tay không hiểu các vấn đề kinh tế. Nhưng đối với cuộc Cách mạng Pháp lại là một vấn đề khác.

Người Liên bang phản đối cuộc Cách mạng Pháp. Họ lên án việc sử dụng bạo lực và hành động xử tử vua và nữ hoàng. Người Liên bang cũng muốn có quan hệ kinh tế, chính trị tốt hơn với nước Anh. Trong khi đó, Người Cộng hòa lại chào đón cách mạng. Họ cho rằng đó là cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ - y như họ đã đấu tranh chống lại người Anh. Hơn nữa, Người Cộng hòa cho rằng nước Anh không phải là bạn của Mỹ.

Nước Anh đã vi phạm hiệp ước hòa bình đã được ký giữa hai nước khi vẫn cố chiếm giữ đất ở phía tây nước Mỹ. Nước Anh vẫn dùng tiền hòng xúi giục người Da đỏ bản địa hạ sát người nhập cư da trắng. Nước Anh vẫn bắt cóc thủy thủ Mỹ để làm lính trên các chiến hạm Anh.

Cuộc Cách mạng ở Pháp đã đưa nước Mỹ vào một tình thế khó khăn. Tình hình càng khó khăn hơn khi các hoàng gia châu Âu cùng gửi quân sang để chống lại nước cộng hòa non trẻ mới được thành lập ở Pháp. Nước Mỹ trước đó đã có một hiệp ước với Pháp, có qui đinh rằng Mỹ sẽ giúp đỡ Pháp khi Pháp bị tấn công. Song, Tổng thống Washington đã xác quyết là Mỹ không nên tham dự vào chính sự ở châu Âu. Và Washington đã tuyên bố Mỹ sẽ trung lập.


Lời tuyên bố đó là một chiến thắng cho Người Liên bang. Họ vẫn còn giữ được ảnh hưởng lớn đối với Tổng thống Washington. Nhưng tình hình sẽ ra sao sau năm 1796? Nhiệm kỳ hai của Washington sẽ kết thúc vào năm đó. Trong khi Washington đã tuyên bố trước đó là ông sẽ không ra tranh cử nữa. Vào lúc đó, Hiến pháp Mỹ chưa giới hạn số nhiệm kỳ của Tổng thống. Nhưng George Washington cảm thấy hai nhiệm kỳ là đã đủ.

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 12/2008
(Nguồn:This is program #31 of THE MAKING OF A NATION,
http://www.voanews.com/specialenglish/archive/2008-04/2008-04-30-voa1.cfm)

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

Một cuộc tập dượt thành công


Hai mảnh đất có giá hàng trăm triệu Đô-la Mỹ đã trở lại phục vụ cộng đồng, tám người bị kết tội, nhưng không nhận tội, đã đoàn tụ với gia đình. Đó là thành quả dễ thấy nhất từ những cuộc cầu nguyện của hàng trăm, hàng nghìn đồng bào Công giáo tại Thái Hà và Nhà Chung đã diễn ra không ngưng nghỉ suốt hàng tháng trời, giữa những đêm giá rét nhất trong lịch sử đất nước hay trong bầu khí ngột ngạt của sự khiêu khích, hăm dọa.

Thành quả này tuy vẫn còn rất khiêm tốn so với những khát khao tiến bộ của toàn xã hội hiện nay, nhưng đó là một thành quả chưa từng có nếu không tự cho là một kỳ tích trong hơn 50 năm qua trên miền Bắc và hơn 30 năm qua trên khắp mảnh đất có tên Việt Nam. Trong suốt thời gian đó và trong khắp không gian đó, chưa có một vụ án chính trị nào mà bị cáo lại xuất hiện đàng hoàng, tự tin trong vòng vây của đám đông dân chúng thể hiện công khai sự ủng hộ và cũng tự tin như thế!

Phán quyết miễn chấp hành hình phạt tù (án treo), cải tạo không giam giữ hay cảnh cáo vẫn chưa phải là công lý nhưng điều chắc chắn là song sắt nhà tù đã nằm lại phía sau. Các bị cáo, những người thân và công chúng quan tâm đã trút bỏ được nhiều ưu phiền. Và áp lực đối với người cầm quyền cũng phần nào được giảm bớt. Thật đáng tiếc khi hệ thống truyền thông của người cầm quyền vẫn chưa thoát được áp lực bắt bẻ cong sự thật hiển nhiên trong phiên tòa. Thật có lý khi nhiều người dân vẫn chưa hài lòng hoặc vẫn cảnh giác với động cơ nằm sau phán quyết sơ thẩm. Và có thể phán quyết của tòa án cũng chỉ là một quyết định khiên cưỡng của người cầm quyền. Nhưng dân chủ hóa sẽ là gì nếu không phải là một quá trình nhằm tiến đến những nhượng bộ và nhượng bộ nhiều hơn của quyền lực độc đoán, là nhằm mở ra những cơ hội cho người cầm quyền phải ưu tư hơn, đáp ứng nhiều hơn với nguyện vọng của dân chúng.

Phiên tòa sơ thẩm đã khép lại. Những người đóng vai “quan tòa” đã trở về với công việc hàng ngày. Những nhân viên công lực lại tiếp tục nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh cho xã hội. Các bị cáo đã trở lại cuộc sống đời thường. Những dư âm của xô xát, bôi nhọ, hăm dọa đồng bào Công giáo đang lùi xa vào dĩ vãng. Nhưng hình ảnh đoàn người cùng tám người vừa bị kết tội hân hoan trở về trên con đường lớn được đảm bảo an toàn bởi hai hàng cảnh sát với khí tài lủng lẳng trên người, với những khuôn mặt nghiêm trang, đúng mực sẽ mãi còn là một hình ảnh đẹp cho dân tộc Việt.

Đó là một hình ảnh khó tin nếu ai không được chứng kiến tận mắt. Nhưng đó đã là sự thật. Sự thật cho thấy hòa bình và trân trọng nhau trong sự bất đồng là một điều có thật. Sự thật cho thấy cách mạng không nhất thiết phải đi kèm bạo lực. Sự thật cho thấy nỗi ám ảnh “đa nguyên đa đảng sẽ gây rối loạn” là rất thiếu căn cứ. Như thế, những thành quả đã đạt được cho đến nay trong vụ Thái Hà, Khâm sứ có thể coi là một cuộc tập dượt thành công cho cả người dân và người cầm quyền. Xin nghiêng mình chúc mừng những đồng bào, bè bạn đã góp phần trực tiếp cho một thành công của toàn xã hội!

Phạm Hồng Sơn
09/12/2008 (Một ngày sau phiên sơ thẩm xử tám bị cáo Công giáo Thái Hà-Khâm Sứ)

Lời cầu chúc trước phiên tòa ngày 08/12/2008


Trước khi có những cuộc cầu nguyện của người Công giáo kéo dài hàng tháng trời, người Hà Nội mơ mộng nhất cũng không bao giờ dám nghĩ đến hai khu đất lớn tại Thái Hà và phố Nhà Chung nằm giữa thủ đô lại được chuyển thành vườn hoa công cộng.

Trong khi giá nhà đất của Hà Nội đang được xếp vào loại đắt nhất thế giới và quyền lực Nhà nước vẫn tỏ ra bất lực trước việc các “công bộc” lạm dụng nhà công vụ hoặc cả gan bẻ cong cả một con đường dân sinh thì động lực làm cho hai khu đất “vàng” trên trở thành công viên thật đáng khâm phục.

Bất luận thế nào, những người đóng góp vào động lực đó đã giúp cho quyền lực Nhà nước tìm lại được uy quyền (cần có) trước các thế lực núp bóng Nhà nước nhằm trục lợi hai mảnh đất trên đây. Những người đã tham gia cầu nguyện chắc chắn cũng không có mong ước gì hơn là hai mảnh đất trên phải được sử dụng vì lợi ích cộng đồng. Điều suy đoán này đã được minh chứng bằng việc các cuộc cầu nguyện đã tự chấm dứt khi hai mảnh đất trên đã được chuyển thành nơi vui chơi cho tất cả mọi người dân.

Uy quyền của Nhà nước có thể đã được định hình ngay khi thiết lập hoặc cũng có thể được bồi tạo hoặc sói mòn trong khi vận hành. Một cách thẳng thắn, những căng thẳng không đáng có như xô xát giữa người cầu nguyện và nhân viên công lực, những chiến dịch bôi nhọ, hăm dọa, tấn công bằng truyền thông hay con người đối với cộng đồng Công giáo đều là những sói mòn lớn cho uy quyền Nhà nước và uy tín của người cầm quyền. Nhưng quyết định chuyển hai khu đất thành công viên là một quyết định có thể khởi tạo lại những uy tín bù đắp cho những sói mòn đã mất nếu những người có quyền (với tư cách là một bộ máy) dám vượt qua sự băn khoăn cá nhân để quyết định thêm một bước nữa là ghi nhận công lao những người đã kiên trì cầu nguyện hay đã góp công sức để dỡ bỏ bức tường cần phải phá bỏ cho việc xây dựng công viên được diễn ra như chính quyền đã tiến hành.

Những người cầu nguyện và góp công sức đó có thể hàng trăm hàng ngìn người, nhưng trước hết cần ghi nhận tám người đầu tiên: Chị Nguyễn Thị Nhi, Chị Ngô Thị Dung, Chị Nguyễn Thị Việt, Chị Lê Thị Hợi, Anh Lê Quang Kiện, Anh Phạm Chí Năng, Anh Nguyễn Đắc Hùng, Anh Thái Thanh Hải.

Thực tế đã rõ ràng là chừng nào hai công viên Thái Hà và Hàng Trống còn là vườn hoa công cộng thì hình ảnh của tám người kể trên cũng đã trở thành một phần trong sự biết ơn của nhân dân sở tại hoặc những du khách hàng ngày tới công viên du ngoạn. Do đó việc Nhà nước chối bỏ hay quên lãng công lao của tám công dân trên đây không thể phù hợp với uy quyền của một Nhà nước chính nghĩa. Trong khi sự ghi nhận trong trường hợp này chỉ cần một hành động rất khiêm tốn và đơn giản là phán quyết “ Vô Tội” cho cả tám công dân nói trên vào phiên tòa ngày 08/12/2008 sắp tới. Phán quyết này chắc chắn sẽ xóa tan mọi căng thẳng không đáng có giữa bộ máy Nhà nước đang cần sự ủng hộ của dân chúng và cộng đồng Công giáo hơn sáu triệu người, sẽ mở ra nhiều niềm hân hoan cho xã hội. Phán quyết đó cũng hoàn toàn đúng đắn về phương diện pháp luật!

Trong trường hợp ngược lại, khi tòa án vẫn cố cáo buộc tám công dân trên như cáo trạng đã viết thì đó là một quyết định không chỉ làm vô giá trị quyết định chuyển thành công viên mà còn là một quyết định cực kỳ lạc thời, vì có biết bao linh hồn đang yên nghỉ trong nghĩa trang Mai Dịch hay nghĩa trang Thủ Đức cũng đã từng bị kết tội “Gây rối trật tự công cộng” hay “Hủy hoại tài sản”. Vậy xin chân thành cầu chúc để linh hồn các bậc tiền nhân không bị khuấy động trong ngày 08/12/2008 tới đây.

Phạm Hồng Sơn
06/12/2008

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

Tranh cử không nên là bước đầu tiên của dân chủ




Bầu cử có cạnh tranh (tranh cử) là một định chế quan trọng trong một nền dân chủ đại diện. Đây là thủ tục bắt buộc để người dân hiện thực hóa ý chí, nguyện vọng của mình trong việc lựa chọn những người sẽ đại diện cho mình để quản lý xã hội (trong đó có bản thân cá nhân người dân). Mặc dù ý chí và nguyện vọng của người dân có thể phải trả giá cho những nhầm lẫn hoặc sai lầm khi lựa chọn. Song, trong một nền dân chủ đại diện, không ai được phép giành lấy quyền lựa chọn đó. Quyền lựa chọn đã bao hàm cả việc chọn ra những người đại diện tiềm năng (các ứng cử viên). Như vậy, mục đích tối thiểu của một cuộc bầu cử dân chủ là phải thể hiện được đúng sự ưng thuận (ý chí, và nguyện vọng) của người dân đối với các cơ quan quyền lực Nhà nước.

Những chủ tịch nước (tổng thống), thủ tướng, chủ tịch quốc hội (nghị viện), đại biểu quốc hội (nghị sỹ) hay các hội đồng nhân dân chỉ là kết quả đầu ra của một cuộc bầu cử, nhưng không hẳn những cá nhân, những cơ quan công quyền đó đã đúng với mong muốn của (đa số) dân chúng.

Với độ lớn về số lượng, độ phân tán cao về địa lý trong một cộng đồng (quốc gia, thành phố, thị trấn, xã,…) cùng với thuộc tính đa dạng và dễ thay đổi trong nhận thức của dân chúng, việc nắm bắt và phản ánh đúng nguyện vọng, ý chí của dân chúng là một công việc khó khăn về kỹ thuật. Nhưng đây là việc không thể không xúc tiến nếu muốn có một cuộc bầu cử dân chủ.

Người dân sẽ im lặng hoặc hiếm khi phát biểu đúng suy nghĩ, nguyện vọng của họ, nếu thực tế cuộc sống không có những thiết chế bảo hiểm hữu hiệu để người dân có thể an tâm bày tỏ mọi ý kiến (kể cả những phê phán, chỉ trích người có quyền lực cao nhất). Đây cũng chính là căn cứ để xác định quyền tự do ngôn luận (thường được ghi rõ trong nhiều bản hiến pháp) có được thực thi hay không.

Sẽ không thể thu thập đầy đủ và phản ánh đúng những ý kiến, suy nghĩ đa dạng của dân chúng nếu chủ sở hữu của các cơ quan thu thập và phản ánh tin tức (báo chí) không phải là chính người dân và được độc lập về quan điểm. Đây cũng là căn cứ để đánh giá mức độ tự do của báo chí trong một xã hội.

Do đó nếu không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, sẽ không bao giờ biết được đúng ý chí và nguyện vọng của dân chúng – cơ sở nền tảng cho một cuộc bầu cử dân chủ. Hơn nữa, sự cạnh tranh trong bầu cử sẽ vô nghĩa khi chính những người ứng cử vào vị trí đại diện cho dân chúng lại không biết đúng ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Chưa kể các thông tin về phẩm chất, năng lực của các ứng cử viên sẽ không có đảm bảo về độ trung thực, tính đầy đủ và công bằng khi thiếu các phương tiện thu thập, phản ánh tin tức độc lập.

Vì vậy mọi ý tưởng về cải cách bầu cử, cho dù có thực tâm theo hướng dân chủ, nếu không là bước tiếp theo hoặc (ít ra) đồng thời cùng với cải thiện thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, cũng sẽ không hơn những lời kêu gọi dân chủ của các nhà chuyên chính, độc tài. Hơn nữa, những phát sinh do những thay đổi hình thức bầu cử sẽ chỉ làm tăng thêm tiêu phí vật chất cho xã hội và hao tổn niềm tin của dân chúng.

Mặc dù một cuộc bầu cử trong một nền dân chủ trưởng thành cần đòi hỏi nhiều hơn nữa (hệ thống vũ trang phải trung lập; có các thiết chế đảm bảo chống mua chuộc, cưỡng ép cử tri; có hệ thống tòa án độc lập, đủ năng lực để phân xử các bất đồng; các hội đoàn dân sự phải rộng và mạnh đủ để đối trọng với các cơ quan công quyền; sự cân bằng của các đảng phái chính trị;...), nhưng rõ ràng tự do ngôn luận và tự do báo chí phải là cái cần có trước khi muốn có một cuộc bầu cử dân chủ.

Diễn tiến của các nước đang chuyển đổi thể chế từ chuyên chính, độc tài sang dân chủ như ở Nga, Belarus, Iraq, Afghanistan cũng cho thấy chỉ một định chế bầu cử có cạnh tranh là hoàn toàn chưa đủ để mang lại quyền lực cho người dân và sự ổn định cho đất nước. Dĩ nhiên không nên nhầm lẫn giữa nỗi thống khổ triền miên của người dân mất quyền tự do trong một chế độ độc đoán, chuyên chế với những đảo lộn cuộc sống tạm thời của người dân trong một chế độ đang quyết tâm hoàn thiện nền dân chủ.

Ở Việt Nam gần đây liên tục xuất hiện một số ý tưởng, đề xuất có tính cải cách định chế bầu ra người lãnh đạo (tranh cử cho chức thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã (vừa bị "Quốc hội" bác bỏ) hay đề xuất tổ chức tranh cử chức chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng). Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy có một nhu cầu điều chỉnh hệ thống chính trị ngay trong Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng để những điều chỉnh chính trị mang lại lợi ích cho dân chúng thì rõ ràng chỉ điều chỉnh định chế bầu cử không thôi là chưa đủ. Như vậy, dù với động cơ nào, việc "Quốc hội" vừa bác bỏ đề án thí điểm bầu trực tiếp chủ tịch xã là một quyết định có lợi cho dân. Và để xây dựng một xã hội dân chủ, cũng không nên bắt đầu bằng việc tổ chức các cuộc bầu cử có cạnh tranh.

Phạm Hồng Sơn
28/11/2008

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Một đồng thuận cần để có bộ sử chính thống trung thực


Giới sử học chính thống vừa tổ chức Hội thảo “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX” (diễn ra từ ngày18-19 tháng 10 năm 2008 tại Thanh Hóa) nhân kỷ niệm 450 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng rời xứ Thanh vào nhậm chức trấn thủ Thuận Hóa, bắt đầu công cuộc khai khẩn về phía nam cho dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giới sử học chính thống đã đưa ra những nhận định khác với quan điểm chính thống từ trước luôn kết án nhà Nguyễn là “thời kỳ chuyên chế và phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.”[1] Bản tổng kết Hội thảo cho biết Hội thảo đã đạt được sự đồng thuận cao, khẳng định những cống hiến to lớn của Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Bản tổng kết có đoạn viết như một lời kêu gọi:“Nhận thức lịch sử một cách khách quan, trung thực, công bằng là trách nhiệm của giới sử học và các thế hệ hôm nay, biểu thị một thái độ song phẳng đối với quá khứ.”[2]

Trong ba phẩm chất được nêu lên (khách quan, trung thực, công bằng) trong câu trích dẫn vừa nêu, thì khách quan và công bằng là hai phẩm chất có tính kỹ thuật, đòi hỏi con người phải qua lĩnh hội tri thức và rèn luyện mới đạt được. Trong khi đó phẩm chất trung thực là một phẩm chất tự nhiên, con người đã có ngay từ khi sinh ra.

Để có thể khách quan, con người phải qua trải nghiệm hoặc lĩnh hội tri thức mới nhận thức được những định kiến, những mối liên hệ của bản thân đối với sự vật, hiện tượng có thể làm sai lệch sự nhận biết bản chất sự vật, hiện tượng và từ đó con người tìm ra các cách (kỹ thuật) để hạn chế, thoát khỏi sự tác động của các yếu tố đó. Để có thể công bằng, con người cũng phải qua trải nghiệm hoặc lĩnh hội tri thức mới biết được bản thân một sự vật, hiện tượng đã phải chịu tác động của các sự vật, hiện tượng khác và đến lượt chúng cũng tạo ra những hệ quả khác nhau cho các đối tượng khác nhau và từ đó con người tìm ra những cách (kỹ thuật) để hạn chế sự thiếu sót, phiến diện trong việc xem xét, đánh giá mối tương quan, tác động của chúng với các sự vật, hiện tượng khác. Trong khi để Trung thực thì con người chỉ cần nói ra, biểu hiện ra đúng những gì chúng ta nghĩ, chúng ta cảm nhận được, mặc dù những điều nghĩ, điều cảm nhận đó có thể sai. Như vậy, một cá nhân có thể phải trau dồi thêm những hiểu biết hoặc kỹ thuật để có một tư duy khách quan, công bằng hơn, nhưng để trung thực con người lại gần như cần phải vượt qua những kinh nghiệm sống (thận trọng, e ngại, xấu hổ, sợ hãi,…) để giữ cho được sự hồn nhiên vốn có của bản thân (a) và trung thực rõ ràng là không cần kỹ thuật.



Vì vậy có thể nói, Khách quan và Công bằng là hai phẩm chất thuộc lý trí (tài năng) còn Trung thực là phẩm chất thuộc về phạm trù luân lý, nhân cách, đạo đức của con người. Do đó, Trung thực mặc nhiên đã phải được coi là phẩm chất cần có của mọi con người và đối với giới làm khoa học – những người hướng đạo cho xã hội tiến bộ thì Trung thực phải được coi là một phẩm chất tối thiểu. Thực tế cũng chỉ thấy những người làm khoa học đi học thêm, thực tập thêm về kiến thức, về kinh nghiệm khoa học, kỹ thuật, chứ không thấy nhà khoa học nào đi học thêm, thực tập thêm về trung thực. Câu thành ngữ Việt Nam “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” và câu chuyện “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của Andersen là hai đúc kết xúc tích của nhân loại cho thấy phẩm chất Trung thực là một bản tính tự nhiên của con người, nhưng (đáng tiếc) phẩm chất này có thể bị suy yếu, tha hóa bởi môi trường xã hội. Vì vậy, vấn đề là con người có vượt qua được hoàn cảnh để bảo tồn được phẩm chất trung thực hay không và nếu không trung thực thì hai phẩm chất khách quan và công bằng cũng trở thành vô nghĩa.


Do vậy, sự thừa nhận bước đầu của giới sử học chính thống về sự giả dối (thiếu trung thực) đã xảy ra trong các nghiên cứu về nhà Nguyễn có thể là một tín hiệu tốt cho sự bắt đầu của một cuộc xét lại lớn hơn, sâu hơn đối với toàn bộ các giai đoạn khác của lịch sử Việt Nam (đặc biệt là giai đoạn từ 1945 cho đến nay). Vì, một cách khách quan và công bằng, sự giả dối, xuyên tạc không thể chỉ xảy ra đối với riêng thời kỳ nhà Nguyễn (và không chỉ đối với lĩnh vực khoa học lịch sử). Tuy nhiên, để những sự bắt đầu đó mang lại sự trung thực, vấn đề chính là phải làm sao để giới nghiên cứu sử học chính thống (những người nghiên cứu dưới sự bảo trợ của Nhà nước) có một môi trường an toàn thoát được khỏi “thói độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy, tùy tiện qui kết của một số người có quyền, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.”[3] Và để có một môi trường như thế, giới sử học và những người quan tâm không thể bỏ sót việc xét lại hệ thống chính trị đã để cho “thói độc quyền tư tưởng” ngang ngược bóp chết sự trung thực của giới khoa học (nói một cách khác, những người có quyền lực chính trị đã sử dụng giới khoa học cho mục đích duy trì quyền lực của họ). Xã hội nào, thời đại nào cũng đều có thể có những con người tự đại, độc đoán muốn áp đặt suy nghĩ của họ lên thiên hạ, nhưng không phải chế độ chính trị nào cũng dung dưỡng “thói độc quyền tư tưởng”đến mức khống chế cả giới khoa học trong một thời gian đã kéo dài trên nửa thế kỷ.


Chính đó mới là vấn đề mấu chốt để những tư liệu sử học chính thống có tiếp tục là những tài liệu tuyên truyền chính trị của một nhóm người có quyền hay sẽ được trở lại là những tư liệu khoa học (trung thực, khách quan, công bằng) để không chỉ “ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc.”[4]


Chỉ khi đạt được sự đồng thuận như thế, người Việt Nam chúng ta mới hy vọng có thể có một bộ sử chính thống trung thực và thực sự có một “thái độ sòng phẳng”, không chỉ đối với quá khứ.

Phạm Hồng Sơn

23/11/2008

[1] “…Thời kỳ nhà Nguyễn bị kết án là thời kỳ chuyên chế, phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khuynh hướng đó gần như trở thành quan điểm chính thống trong biên soạn sách giáo khoa đại học và phổ thông.” Phan Huy Lê, “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tạp chí Xưa&Nay số 317.
[2] Phan Huy Lê, “Tổng kết hội thảo Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, tạp chí Xưa&Nay số 318.

[3] “Cùng với vấn đề phương pháp luận sử học của các nhà nghiên cứu, cần phải nói thêm là thói độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy, tùy tiện qui kết của một số người có quyền, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đã là nguyên nhân trực tiếp và kéo dài khiến cho nhiều sự thật lịch sử đã không được trình bày một cách khách quan, trung thực.” Tương Lai, Tính trung thực lịch sử, tạp chí Xưa&Nay số 318.

[4] Trần Trọng Kim, Tựa, “Việt Nam sử lược”, Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, 1971.

(a) Câu này đã được chỉnh lại vào ngày 16/10/2010

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2008

Lụt có đẩy cải cách?


Bộ máy vô hiệu

Theo ý của một bài viết trên mạng thì những vị lãnh đạo của Hà Nội đã không “nhạy cảm” trước một thảm họa thiên nhiên (mưa to kéo dài) đe dọa tới cuộc sống của nhiều người dân Thủ đô. Nhìn lại hệ thống tổ chức chính trị và đoàn thể ở cấp cơ sở mới thấy các nhà lãnh đạo có thừa tổ chức và lực lượng để không bị sót hay chậm trễ về thông tin phản hồi từ xã hội. Trong các đơn vị quản lý dân cư nhỏ nhất như cụm, tổ dân phố đều có các nhân tố nằm dưới sự chỉ đạo của Đảng và chính quyền (ủy ban nhân dân) như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Dân phòng, Cảnh sát, Quân đội, Mặt trận tổ quốc, Bí thư chi bộ, Đảng viên xuất sắc,…tất cả đều có thể được nối kết với nhau ngay tức khắc bằng hệ thống thông tin hiện đại hoặc thô sơ. Nhưng cả hệ thống đồ sộ và phân tầng chặt chẽ đó đã hầu như không thấy hiện diện trước nhu cầu cấp thiết của dân chúng trong các vùng ngập nước.

Đến hôm nay (04 tháng 11 năm 2008), với những gì mà chính quyền đã thể hiện, không ai có thể hài lòng với bộ máy đã được dựng lên với khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân”.

Thảm họa luôn rình rập

Theo thông tin mới nhất, Hà Nội thiệt hại hơn 3000 tỷ Đồng và hơn 20 sinh mạng đã chết do đợt mưa to vừa qua tại Hà Nội, trong đó có những trẻ em đang đến trường. Nhiều gia đình chắc chắn sẽ rất đau lòng khi nhớ đến trận lũ năm nay. Nhưng, những cái chết oan nghiệt như thế đã xảy ra nhiều lần cả khi thiên nhiên vẫn rất hiền hòa. Rất nhiều trẻ nhỏ đã chết đuối hoặc bị thương tật do những lỗ cống trên đường không có nắp. Có nhiều mạng người đang đi trên đường đã bị dây điện thoại thít cổ lôi đi. Và bao nhiêu năm nay, cứ đều đặn mỗi ngày Hà Nội có nhiều người phải bỏ mạng vì xe cộ. Và còn biết bao những rủi ro, thảm họa khác khó nhìn thấy hơn nhưng hệ lụy lại to lớn hơn đang ngày càng hiện rõ trong giáo dục, môi trường, xã hội.

Rủi ro, đe dọa đối với cuộc sống con người luôn là yếu tố thường trực từ khi con người xuất hiện. Là một thực thể tự nhiên, cuộc sống con người đã phải đối mặt với nhiều đe dọa tự nhiên. Con người phải chống đỡ với các nguy cơ không nhìn thấy như vi khuẩn, vi-rút đến những đe dọa rõ ràng hơn như lụt lội, sấm sét, gió bão, động đất, sóng thần… Là một thành tố trong xã hội, con người còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro như tai nạn trong lao động, sinh hoạt, những rối loạn về kinh tế, tệ nạn xã hội, bất ổn về chính trị, xâm lấn từ ngoại bang, đầu độc về tư duy…Như thế, cuộc sống của bản thân con người trong xã hội đã luôn bị rình rập bởi những rủi ro cá nhân hoặc những thảm họa tập thể. Với những rủi ro đơn lẻ đến sự an toàn của con người, những con người cá nhân có thể đủ khả năng để xử lý, chống đỡ, nhưng đối với những rủi ro lớn, trên diện rộng thì một cá nhân hay nhiều cá nhân đơn lẻ đều không thể giải quyết được. Đó chính là lý do mọi người dân cần phải đóng thuế để nuôi một bộ máy công quyền – đảm bảo an toàn cho các thành viên trong xã hội qua công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống, huy động nguồn lực, điều phối hoạt động cứu trợ, phục hồi.

Với vị trí nằm tại vùng khí hậu nóng ẩm, nhiệt đới và những cảnh báo biến đổi khí hậu khắc nghiệt đã róng lên từ hơn một thập kỷ trở lại đây, công tác phòng chống lụt lội ở Việt Nam không còn là một nhu cầu mới.

Như vậy, thiệt hại do trận lũ vừa qua là điều đã phải nằm trong nghị sự của các nhà lãnh đạo mọi cấp. Vấn đề là sau trận lũ này, Hà Nội nói riêng và xã hội chúng ta nói chung có ý thức tốt hơn để có những hành động đúng, kịp thời trước những bất ổn, thảm họa trong tương lai (không chỉ do thiên nhiên) không?

Thêm một bài học cho tất cả

Chắc chắn sau những bức xúc kín đáo hay công khai của dân chúng, những vị đang hoặc sẽ nắm vị trí lãnh đạo có thể sẽ rút ra được nhiều bài học cho cách ứng xử để đỡ mất lòng dân hơn hoặc những hành động ứng phó bớt vô cảm hơn trong tương lai. Nhưng vấn đề là vị trí lãnh đạo nếu không xuất phát từ nguyện vọng và đòi hỏi của người dân thì tư duy lãnh đạo sẽ không bao giờ có được sự nhạy cảm tinh tế cần có để xử lý tốt những rủi ro, nhu cầu đa dạng, luôn biến đổi của cuộc sống. Chỉ có những người trong cuộc mới có thể có được sự nhạy cảm đó. Những thể hiện nhẫn nại và thực dụng của người dân Hà Nội trong đợt lũ đã cho thấy khả năng ứng phó của người trong cuộc bao giờ cũng rất khẩn trương, thực tế và vô cùng linh hoạt.

Những lời chê trách dân chúng của người lãnh đạo cao nhất của Hà Nội chắc khó được người dân nào hoan nghênh nhưng nó cũng có tác dụng làm rõ hơn một sự thật là đừng bao giờ hy vọng được người cầm quyền coi trọng nếu chúng ta vẫn im lặng trước các phi lý hay vào hùa cùng các hoạt động mỵ dân của kẻ có quyền.

Con nước trên các phố Hà Nội vừa qua không kiêng nể ai trên đường đi của nó cũng có thể làm nhiều người chợt nhận ra rằng lấy sự toàn tâm vào gia đình, tổ ấm của riêng mình (dù là một nhu cầu chính đáng) để quên đi những bất công, phi lý của xã hội cũng không thể tránh được một ngày nào đó (có thể không xa) phải hứng chịu ngay những hệ lụy cay nghiệt của chính cái xã hội đó.

Những bản tin nhanh, chi tiết và những bài bình luận sâu sắc của cư dân mạng ngay sau đêm 30 tháng 10 đã cho thấy tư duy lãnh đạo, nếu biết cầu thị, có thể được “bồi thêm” bằng những giải pháp, phát kiến, gợi ý từ chính những cây viết tự do, vô danh, hoặc bất đồng chính kiến.

Nếu nâng cấp hệ thống thoát nước, chống lũ cho Hà Nội đã cho thấy là một yêu cầu cấp bách thì việc cải tiến hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay là một yêu cầu quan trọng hơn vì chỉ có một hệ thống chính trị có những cơ chế độc lập để giám sát và ràng buộc trách nhiệm người lãnh đạo trước dân chúng mới có thể giải quyết được những nan đề như hệ thống thoát nước, chống lũ cho Hà Nội. Những yêu cầu này đều khó khăn và cần thời gian để có những nghiên cứu, thiết kế thấu đáo cho những cải tạo chính xác, hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa những đảo lộn có thể cho cuộc sống của người dân, và đều cần một tư duy cải tạo hệ thống, triệt để. Mọi cải tiến, thay đổi có tính bộ phận hoặc đối phó chỉ mang lại những rủi ro, thiệt hại lớn hơn. Các sự cố liên tiếp gần đây như sập cầu Cần Thơ, Hyundai-Vinashin, “sập” thị trường chứng khoán, hụt tăng trưởng kinh tế, PMU18, PCI, VeDan, …đều là hệ quả của lối tư duy cải cách nửa vời và hình thức trong thời gian vừa qua.

Thực trạng môi trường và xã hội của Việt Nam hiện nay cho thấy sẽ còn có thể xảy ra nhiều rủi ro, thảm họa khó lường. Các thảm họa đều có thể giáng xuống bất cứ ai. Nhưng trong bất kỳ thảm họa nào, dân chúng cũng luôn là tầng lớp dễ bị tổn thương và hứng chịu nhiều hậu quả nhất. Vậy nếu cải cách bị ngăn chặn hay trì hoãn, ai sẽ cứu giúp dân chúng?


Phạm Hồng Sơn
04/11/2008



Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

TINH THẦN CỦA BẢN HIẾN PHÁP MỸ

Vào năm 1789 nước Mỹ chỉ có khoảng bốn triệu dân. 13 bang của Mỹ lúc đó chỉ mới gắn bó với nhau được khoảng 10 năm. Trước đó, họ chỉ là các thuộc địa riêng biệt của người Anh.

Vì là các thuộc địa riêng biệt nên mọi người có những cách sống khác nhau. Kinh tế và các tập tục của các thuộc địa cũng khác nhau. Do đó, nguồn gốc người Mỹ đã là những người có tính độc lập rất mãnh liệt. Nhưng cuộc Cách mạng giành độc lập nổ ra đã làm cho họ gắn bó với nhau.

Họ đã cùng nhau ăn mừng ngày 04 tháng 07, ngày Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc. Họ đã cùng nhau chiến đấu chống lại các đội quân người Anh để biến lời tuyên bố thành một sự thật chính trị. Họ đã cùng nhau đi theo câu cổ ngữ Latin “E Pluribus Unum” – “Một người vì nhiều người.”

Và khi chiến tranh đã chấm dứt, những người lính lại trở về những bang quê hương của mình. Nhưng khi đó họ vẫn còn nghĩ họ là những người New York, người Virginia hoặc người Maryland. Lúc đó họ vẫn chưa có được suy nghĩ họ là những người dân của một quốc gia.


Nước Mỹ vào năm 1789 có những bất đồng sâu sắc về việc thiết lập một chính quyền trung ương (chính quyền kiểm soát các chính quyền từng bang-ND). Nhiều người sợ rằng chính quyền trung ương mới sẽ không thể tồn tại. Một số khác thì lại sợ tình trạng vô chính phủ sẽ xảy ra nếu chính quyền đó thất bại. Có một số khác lại muốn chính quyền đó thất bại. Họ muốn các bang có những chính quyền mạnh nhưng không muốn có một chính quyền trung ương mạnh.


Những người ủng hộ cho chính quyền trung ương có nhiều lý do mạnh mẽ để hy vọng thành công. Nước Mỹ lúc đó có những nguồn lực thiên nhiên rất lớn. Con người thì trung thực và chăm chỉ. Hơn nữa, nền kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục sau những tàn phá của cuộc chiến Cách mạng. Nông nghiệp, thương mại và nghành đóng tàu đang phát triển trở lại. Đường xá, cầu cống, kênh rạch đang được hối hả xây dựng để thúc đẩy giao thông và thông tin.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng có nhiều khó khăn. Hai vấn đề chính cần được giải quyết ngay là việc thanh toán các khoản vay trong cuộc Cách mạng để xây dựng quân đội. Vấn đề thứ hai là việc hình thành hệ thống tiền tệ quốc gia. Cả hai vấn đề đều cần phải hành động không chậm trễ.


Nhưng trước khi chính quyền trung ương mới đi vào hoạt động thì chính quyền cũ vẫn phải xử lý nhiều công việc: quyết định nơi đặt thủ đô cho quốc gia mới, tổ chức bầu ra một tổng thống và một quốc hội. Đầu tiên là về thủ đô. Sau khi các bang đã phê chuẩn bản Hiến pháp mới, Quốc hội Lục địa (continental) đã nhóm họp tại thành phố New York. Vì vậy New York đã được quyết định là nơi đặt thủ đô – nơi làm việc của chính phủ mới. Sau đó, thủ đô lại được chuyển đến Philadelphia trong một thời gian ngắn. Và cuối cùng được chuyển về Washington D.C.


Tiếp theo là việc Quốc hội Lục địa phải quyết định thời điểm các bang bầu ra một tổng thống. Thời điểm đó được nhất trí vào ngày 04 tháng 03 năm 1789. Lúc đó bản Hiến pháp đã có hiệu lực.


11 bang đã phê chuẩn bản Hiến pháp phải chọn ra các cử tri để bầu tổng thống. Kết quả cuối cùng không gây ra bất ngờ. Mọi người đã lựa chọn vị anh hùng của cuộc Cách mạng: George Washington. Không có ai bỏ phiếu chống. Washington biết được kết quả bầu cử khi ông đang ở nhà mình tại Mount Vernon thuộc Virginia. Sau đó ông đã đến New York và nhậm chức vào ngày 30 tháng 04 năm 1789.


Các đại biểu của Quốc hội mới đã được bầu vào ngày 04 tháng 03 năm đó.


Và lần đầu tiên, người Mỹ có được điều mà nhiều người trước đó đã nói đến, đó là một chính quyền trung ương. Song, còn rất nhiều việc phải làm vì bộ máy của chính quyền là hoàn toàn mới, chưa được thử nghiệm bao giờ. Cần phải có những quyết định nhanh chóng để quốc gia non trẻ có thể sống còn và phát triển.


Một trong những công việc đầu tiên của Quốc hội là tổ chức một cuộc tranh luận lại về bản Hiến pháp. Nhiều bang đã đưa ra những điều kiện để phê chuẩn văn bản Hiến pháp. Họ cho rằng bản Hiến pháp cần phải bổ sung thêm Luật về các Quyền ( Bill of Rights) nhằm qui định rõ các quyền của người dân.

Vào lúc khởi thảo bản Hiến pháp, phần lớn các bang đều đã có các bộ luật về quyền công dân. Do vậy, một số đại biểu trong hội nghị dự thảo hiến pháp cho rằng một bộ luật về quyền ở mức quốc gia là không cần thiết. Những người khác thì phản biện rằng Hiến pháp sẽ là một bộ luật cao nhất, cao hơn các luật của các bang. Vì vậy một bộ luật ở mức độ quốc gia về quyền sẽ là cần thiết để đảm bảo các quyền cho mọi công dân của quốc gia mới.

Thời gian đã chứng tỏ đề nghị này là một quyết định sáng suốt. Bộ luật về các Quyền đã làm cho Hiến pháp có thêm một sức mạnh đặc biệt. Nhiều người Mỹ xem Luật về các Quyền đã mang lại sức sống và là tinh thần chính yếu của bản Hiến pháp Mỹ.

Luật về các Quyền gồm những gì mà lại quan trọng đến thế đối với các công dân của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ? Luật về các Quyền được thể hiện trong mười tu chính đầu tiên của Hiến pháp.

Tu chính thứ nhất là sự tuyên bố khái quát về các quyền tự do của người Mỹ, nhằm bảo vệ sự tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí.


Tu chính thứ nhất đảm bảo rằng tôn giáo và chính quyền sẽ phải tách rời nhau trên đất Mỹ. Tu chính này nói rõ Quốc hội không được ra luật để thiết lập bất kỳ một tôn giáo chính thống nào. Quốc hội không được can thiệp vào quyền thờ tự của người dân. Tu chính thứ nhất cũng qui định Quốc hội không được tạo ra luật để hạn chế quyền của người dân trong việc tụ họp ôn hòa và quyền của người dân yêu sách chính quyền.


Tu chính thứ hai đảm bảo quyền của người dân được sở hữu vũ khí như những tổ chức vũ trang.

Tu chính thứ ba qui định người dân không phải bắt buộc chứa chấp quân đội trong nhà mình trong thời bình.

Từ Tu chính thứ tư đến Tu chính thứ tám đều bảo vệ các quyền của người dân trước các vấn đề tư pháp.

Tu chính thứ tư không cho phép các cuộc khám xét, thu giữ không có lý do chính đáng. Nếu cảnh sát muốn khám xét nhà hay tài liệu của một người tình nghi, cảnh sát buộc phải có được sự cho phép của một thẩm phán. Văn bản cho phép của thẩm phán phải nói chính xác vật (hoặc người) mà cảnh sát đang cần tìm kiếm và chỉ rõ nơi cần khám xét.

Tu chính thứ năm qui định rằng không ai bị đưa ra tòa vì một tội trạng nguy hiểm nếu chưa có sự xem xét và đồng ý trước đó của một đoàn bồi thẩm. Không ai bị xét xử hai lần cho cùng một tội trạng. Và không ai buộc phải tự đưa ra chứng cớ có hại cho mình trước tòa án.


Tu chính thứ năm cũng qui định việc tước đi quyền tự do, tài sản hay mạng sống của bất cứ ai cũng phải căn cứ theo qui định của pháp luật. Và nhà nước không được lấy bất cứ tài sản nào của người dân vào mục đích công cộng nếu không đền bù thỏa đáng.


Tu chính thứ sáu chỉ rõ mọi người bị buộc tội đều có quyền được tranh luận trong môt phiên tòa công bằng và công khai do một đoàn bồi thẩm điều khiển. Tu chính này đảm bảo cho người dân không bị giam giữ kéo dài khi không có ý kiến của một đoàn bồi thẩm. Tu chính thứ sáu cũng đảm bảo cho quyền của người bị cáo buộc (bị can, bị cáo –ND) được trợ giúp bởi luật sư. Bên bị (người bị cáo buộc và luật sư –ND) phải được thông báo về lý do và nội dung những cáo buộc. Bên bị có quyền được đối diện để chất vấn bên cáo buộc (bên nguyên-ND)

Tu chính thứ bảy qui định người dân có quyền sử dụng thẩm phán để phân xử những tranh cãi pháp lý với người khác.

Tu chính thứ tám nghiêm cấm mọi hình phạt độc ác và bất bình thường.

Tu chính thứ chín bảo đảm các quyền khác cho công dân cho dù không được đề cập trực tiếp trong Hiến pháp.

Tu chính thứ mười qui định rằng mọi quyền mà Hiến pháp không trao cho chính quyền trung ương thì thuộc về các bang hoặc thuộc về chính người dân.

Cho tới cuối năm 1791, đa số các bang đều thông qua Luật về các Quyền. Như chúng ta vừa thấy, các Tu chính này đã hạn chế quyền lực của chính quyền trung ương, do đó nhiều người trước đó có quan điểm chống lại hình thức Liên bang đã không phản đối nữa. Họ đã chấp nhận nhà nước mới với một chính quyền trung ương. Và nhiều người trong số họ đã đồng ý tham chính để xây dựng một quốc gia mới.

Tổng thống Washington lúc đó mong muốn những con người tốt nhất – dù là người Liên bang hay người chống Liên bang, tham gia vào bộ máy hành pháp. Nước Mỹ non trẻ lúc đó đang cần sự lãnh đạo sáng suốt. Và Tổng thống Washington đã mang lại cho nước Mỹ được điều đó.

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ ( tháng 10/2008)
( Nguồn: program #26 of THE MAKING OF A NATION http://www.voanews.com/specialenglish/archive/2008-03/2008-03-26-voa1.cfm …)

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2008

CẠNH TRANH VÌ ĐẤT NƯỚC(1)

Lời giới thiệu: Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ tư tại Hoa Kỳ năm 1800 là một cuộc cạnh tranh sát sao giữa hai ứng cử viên, đương kim tổng thống John Adams của đảng Liên bang (Federalist Party) và đương kim phó tổng thống Thomas Jefferson của đảng Cộng hòa (Republican Party). Thậm chí trong quá trình vận động tranh cử, đảng Liên bang đã dùng cả thủ đoạn mua chuộc thành viên của đảng Cộng hòa để loại bỏ Thomas Jefferson. Cuối cùng, phải qua 36 lần bỏ phiếu tại Hạ viện, trong đó có những cuộc phải làm việc qua đêm, mới quyết định được Thomas Jefferson là người đắc cử. Ngày 04 tháng 03 năm 1801, Thomas Jefferson chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ. Sau đây là bài phát biểu nhậm chức của ông trước Quốc hội Hoa kỳ.

Thưa các quí vị, thưa đồng bào yêu quí,


Tôi vừa được giao trọng trách đảm nhiệm chức vụ đứng đầu cơ quan hành pháp của đất nước chúng ta. Thông qua các quí vị, tôi xin được gửi lời cảm ơn tới tất cả những đồng bào đã đặt niềm tin nơi tôi. Tôi cũng xin chân thành thổ lộ với quí vị sự lo lắng của tôi khi đảm nhiệm một trọng trách vượt quá khả năng của tôi. Nhiệm vụ của một tổng thống là vô cùng to lớn. Nhưng tôi tuyệt không cảm thấy nản lòng, vì chính sự hiện diện của quí vị ở đây đã nhắc tôi nhớ đến sự thông tuệ của những người đã viết ra bản Hiến pháp của chúng ta, rằng tôi sẽ không đơn độc, tôi sẽ có được sự sáng suốt, phẩm hạnh và sự tận tụy để vượt qua mọi khó khăn của trọng trách to lớn này. Tôi xin mạnh mẽ đặt niềm tin nơi quí vị, những người được nhân dân giao phó cho quyền tối cao về lập pháp, và tôi cũng đặt niềm tin ở tất cả những quí vị bên cơ quan tư pháp, sẽ cùng hợp sức với tôi để tìm cách lái con tàu đất nước vượt qua mọi hiểm nguy.

Chúng ta vừa trải qua một năm bầu cử náo động với những tranh luận, những đối chọi về quan điểm giữa hai đảng chính trị. Chúng ta đã vừa cho toàn thế giới thấy rõ tại đất nước Hoa Kỳ, tất cả mọi người đều có quyền nói, quyền viết, quyền nghĩ mọi điều một cách tự do. Lúc này đây, cuộc tranh luận đã được phân định bởi ý nguyện của nhân dân, kết quả bầu cử đã được công bố theo qui định của Hiến pháp. Bây giờ chính là lúc tất cả mọi ý nguyện cần tuân thủ pháp luật, cần phải được gắn bó với nhau vì lợi ích chung của đất nước.

Tất cả chúng ta cũng cần phải ghi nhớ rằng nguyên tắc thiêng liêng đa số để bầu ra người lãnh đạo luôn phải được tôn trọng. Nhưng chúng ta cũng buộc phải khắc cốt ghi tâm rằng những người thuộc về thiểu số vẫn có những quyền ngang bằng với những người thuộc phía đa số và những quyền đó phải được pháp luật bảo vệ một cách công bằng. Mọi sự xâm phạm sẽ bị trừng phạt.

Thưa đồng bào, chúng ta hãy đoàn kết lại bằng cả con tim và khối óc! Tất cả chúng ta hãy đến với nhau bằng tình thân ái! Tự do và cuộc sống sẽ trở nên nguy hiểm nếu thiếu vắng tình thân ái. Chúng ta cần phải nhớ rằng tự do tôn giáo mà chúng ta đang có trên đất Hoa Kỳ sẽ trở thành vô nghĩa nếu chúng ta không có tự do chính trị, nếu chúng ta để mặc cho con người bị bách hại chỉ vì họ không đồng ý với đa số người khác. Hàng trăm năm qua tại châu Âu, con người đã phải trả giá cho cuộc tìm kiếm tự do bằng nước mắt, máu và sinh mạng. Vì vậy sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như mọi người trên mảnh đất này không cùng chung ý kiến với nhau. Nhưng sự khác biệt về chính kiến không có nghĩa là khác biệt về luân lý. Chúng ta cùng là con người với những tên gọi khác nhau mà thôi. Tất cả chúng ta đều là người Cộng hòa, tất cả đều là người Liên bang. Nếu như có ai trong chúng ta muốn tách sự thống nhất trong Liên hiệp các bang của đất nước này hoặc muốn chấm dứt hình thức nhà nước cộng hòa này, xin hãy đảm bảo an toàn cho những quí vị đó được nói lên chính kiến của mình và cũng để cho những ý kiến khác được tự do chất vấn trở lại. Không có điều gì nguy hiểm với đất nước này khi con người được tự do nói lên mọi suy nghĩ của mình. Tôi cũng hiểu rằng có nhiều quí vị đã chân thành lo sợ rằng chính thể cộng hòa không đủ tạo nên sức mạnh cho đất nước chúng ta. Nhưng liệu một người ái quốc chân chính có từ bỏ một chính thể đã mang lại cho dân chúng sự tự do và thịnh vượng trong suốt 10 năm qua chỉ vì quá lo sợ rằng hình thức chính thể cộng hòa không đủ mạnh? Tôi tin là không. Tôi tin rằng, ngược lại, chính thể cộng hòa hiện nay của chúng ta là chính thể mạnh nhất trên trái đất này. Tôi tin rằng đó là chính thể duy nhất hiện nay đảm bảo cho mọi người tuân thủ pháp luật, làm cho mọi người đều có ý thức lo lắng cho cộng đồng như việc của riêng mình. Đôi khi có người cho rằng trong chính thể cộng hòa, người dân không đủ khả năng để tự lập ra nhà nước cho mình. Vậy có chính thể nào tốt hơn? Phải chăng là chính thể quân chủ? Xin hỏi những ông vua vẫn là người hay là thánh thần? Xin hãy để lịch sử trả lời cho câu hỏi này.

Xin hãy duy trì sự thống nhất của chúng ta, hãy bảo vệ nhà nước do dân chúng lập nên bằng các cuộc bầu cử. Chúng ta đang là những người rất may mắn được sống trên vùng đất mới này.

Đại dương mênh mông đang giúp chúng ta tránh xa những cuộc chiến, những chế độ độc tài đang diễn ra ở châu Âu. Nơi đây, chúng ta không phải trải qua những đau khổ như người châu Âu đang chịu đựng. Nơi đây, chúng ta có đất đai rộng lớn và trù phù, chúng ta có đủ tiềm năng phát triển cho hàng trăm, hàng ngàn thế hệ con cháu trong tương lai. Chúng ta và các thế hệ con cháu của đất nước Hoa Kỳ đều có mọi quyền ngang nhau. Con người được tin cậy, được tôn vinh không phải vì công lao của cha anh họ mà chính bởi giá trị của con người đó. Chúng ta không phán xét con người theo tôn giáo. Trên đất nước này, mọi người có quyền thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo theo nhiều cách khác nhau. Mọi tôn giáo đều hướng chúng ta đến điều thiện, lẽ phải, sự tu thân, lòng tri ân và tình nhân ái. Chúng ta cùng cầu nguyện Thượng đế sẽ mang lại hạnh phúc cho tất cả.

Vâng, chúng ta đã là những kẻ may mắn. Nhưng còn điều gì cần thêm để chúng ta trở nên hạnh phúc? Vẫn còn một thứ chúng ta cần thêm, thưa đồng bào, đó là một chính quyền khôn ngoan. Một chính quyền biết giữ cho mọi người không làm tổn hại tới nhau. Một chính quyền để cho người dân được tự do quyết định cuộc đời và công việc của họ trong hòa bình. Một chính quyền không tước đi những thành quả lao động của người dân. Đó là một chính quyền tử tế, một chính quyền thiết thực cho hạnh phúc của dân chúng.

Khó có thể trình bày với quí vị về tất cả những gì liên quan đến trọng trách sắp tới của tôi trong bài phát biểu này. Nhưng tôi xin trình bày với quí vị những nguyên tắc sau đây, tôi cho là tối quan trọng đối với nhà nước của chúng ta. Đó là:

- Phải thiết lập một nền tảng công lý như nhau cho tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, tư tưởng chính trị hay giai cấp.

- Phải xây dựng mối quan hệ hòa bình, thương mại và hữu nghị với tất cả các quốc gia khác. Không liên kết chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào.

- Ủng hộ quyền riêng biệt của chính quyền các tiểu bang như những thành trì bảo vệ nền cộng hòa của chúng ta.

- Xây dựng một chính quyền trung ương mạnh đủ để bảo vệ hòa bình trong Liên bang và đảm bảo an ninh của chúng ta trên thế giới.

- Phải bảo vệ quyền bầu cử của người dân trong việc lựa chọn những người đại diện cho họ. Đây là cách thức an toàn nhất để thay đổi một chính quyền, một nhà nước đã sai phạm hay yếu kém. Không có quyền bầu cử, chúng ta sẽ phải hứng chịu những cuộc phản kháng đổ máu.

- Phải bảo vệ nguyên tắc đa số trong bầu cử. Đây chính là nền tảng của nền cộng hòa. Không bảo vệ được nguyên tắc đa số, chúng ta sẽ chỉ có một chính quyền độc tài.

- Cần phải có một quân đội tự nguyện, kỷ luật làm điểm tựa cho hòa bình và làm lá chắn cho những đe dọa chiến tranh. Từng bước tiến tới một quân đội chuyên nghiệp. Nhưng cần phải lưu ý quyền lực quân sự phải đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan dân sự.

- Kiến tạo một nền kinh tế quan tâm đến toàn xã hội, giảm nhẹ gánh nặng cho dân chúng. Khuyến khích nông nghiệp và giao dịch thương mại để trợ giúp nông dân.

- Quyền con người phải được coi là mối quan tâm lớn nhất của nhà nước. Thông tin, tri thức và các ý kiến phải được trao đổi dễ dàng và nhanh chóng. Chúng ta sẽ phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo, quyền tự do báo chí, quyền được phán xét không chậm trễ có tội hay vô tội bởi những thẩm phán được chọn lựa một cách công bằng.

Những nguyên tắc này chính là những giá trị, mà vì nó, cha anh chúng ta đã phải gian khổ tranh đấu trong quá trình lập quốc. Sự sáng suốt của những bậc cha anh thông thái đã khởi ra những giá trị thiêng liêng này. Và sự can đảm của những vị anh hùng đã giúp cho chúng được tồn tại. Những giá trị này cần phải trở thành niềm tin cho những tư tưởng chính trị, là nền tảng cho rường cột của xã hội và là thước đo đối với những người lãnh đạo chính quyền. Và một lúc nào đó, nếu có sơ suất rời xa những giá trị này, xin chúng ta hãy mau chóng tìm cách để trở lại với chúng, vì đó chính là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình, tự do và an toàn.

Kính thưa các quí vị. Tôi đang bắt đầu đảm nhận trọng trách mà quí vị đã giao phó. Tôi không phải là George Washington. Vì vậy tôi không thể đề nghị quí vị tin vào tôi như đã tin vào con người vĩ đại đó, Người đã lãnh đạo chúng ta thắng lợi trong cuộc cách mạng giành độc lập, Người sẽ luôn là người được yêu mến nhất. Tôi chỉ dám đề nghị quí vị hãy dành cho tôi niềm tin và sự ủng hộ trong giới hạn thẩm quyền của quí vị. Tôi hiểu rằng tôi có thể sẽ mắc những sai lầm do yếu kém. Nhưng ngay cả khi tôi hoàn toàn đúng đắn, tôi vẫn có thể bị cho là sai lầm bởi những người có đánh giá thiếu toàn diện. Tôi mong quí vị hãy lượng thứ cho những sai lầm thành thực của tôi và dành cho tôi sự bảo vệ trước những thành kiến của người khác. Sự ủng hộ của quí vị trong cuộc bầu cử vừa qua đã là sự ban thưởng to lớn đối với tôi. Vì vậy khát khao sắp tới của tôi sẽ phải làm cho tất cả mọi người dân Hoa Kỳ, kể cả những người ủng hộ tôi hay không ủng hộ tôi, được tự do hơn và hạnh phúc hơn.

Tôi rất cần sự bảo trợ thiện chí của quí vị để đảm nhận trọng trách to lớn của một Tổng thống Hoa Kỳ. Và tôi xin sẵn sàng rời bỏ chức vụ đó vào bất cứ khi nào quí vị và nhân dân Hoa Kỳ nhận thấy có một con người khác tốt hơn cho vị trí này. Xin cầu nguyện đấng Thiên nhiên sẽ chỉ giúp chúng ta biết được điều tốt nhất và phù trợ cho quí vị hạnh phúc, bình an.

Thomas Jefferson (1743-1826)

Phạm Hồng Sơn biên dịch

(1) Đầu đề của người dịch .

Nói về “chảy máu chất xám”

“Chảy máu chất xám” thường ám chỉ hiện tượng những nhân lực cao cấp rời bỏ đất nước hay cơ quan nhà nước để ra nước ngoài hoặc ra làm việc cho khu vực tư nhân. Hiện tượng này không mới đối với Việt Nam, nhưng gần đây có thêm điều đặc biệt là đã có một số công chức cao cấp (lãnh đạo cơ quan cấp sở, cấp vụ thuộc các thành phố trực thuộc trung ương) đã bỏ ra ngoài làm việc. 

Có quan điểm cho rằng cần phải ngăn cấm hiện tượng đó vì những công chức đó đã được Nhà nước chu cấp kinh phí, điều kiện để được học tập, đào tạo, nên không thể để dùng tiền của Nhà nước để phục vụ cho Tư nhân được. Có một số người khác còn cho rằng phải buộc những công chức đó bồi hoàn mọi chi phí đào tạo do Nhà nước chu cấp trước khi rời khỏi cơ quan nhà nước. Những quan điểm này có vẻ ngoài rất trách nhiệm với Nhà nước. Nhưng nếu xét trên quan niệm “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” thì hoàn toàn không đúng đắn.

Nhà nước bình đẳng với Tư nhân

Trong một xã hội dân chủ, chức năng của Nhà nước (quốc hội, chính phủ, tòa án,…) và các tổ chức, hội đoàn phi nhà nước (tư nhân) đều bình đẳng theo ý nghĩa cùng đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Các cơ quan nhà nước chỉ là các tổ chức được người dân (tư nhân) giao phó cho nhiệm vụ quản lý, điều hành các công việc chung của xã hội với kinh phí hoạt động hoàn toàn do người dân chu cấp (thông qua các loại thuế, phí, đóng góp khác,…). Nhiệm vụ tối cao của Nhà nước chính là phải đảm bảo cho khu vực Tư nhân (mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội) có một môi trường phát triển tốt nhất (đảm bảo an ninh, đảm bảo công bằng, tạo lập các điều kiện tối ưu cho phát triển,…).

Một cách ngắn gọn, toàn bộ dân chúng (Tư nhân theo nghĩa tương phản với Nhà nước) bỏ kinh phí ra lập nên Nhà nước để phục vụ cho mình (xã hội). Như thế, một cá nhân dù làm ở cơ quan nhà nước hay làm ở khu vực tư nhân đều có thể mang lại lợi ích hay gây thiệt hại cho xã hội.

Một viên quản lý nhà hàng tư nhân tốt (tạo ra việc làm ổn định, tuân thủ pháp luật) sẽ có ích cho xã hội hơn là một viên bộ trưởng tham nhũng trong bộ máy nhà nước. 

Nhà nước cũng phải cạnh tranh để có công chức tốt

Nhà nước với tư cách là một cơ quan phục vụ dân, như mọi cơ quan khác cũng phải hoạt động trên nền tảng căn bản là phải có tính hiệu suất (efficiency), nghĩa là phải đạt được mục tiêu đề ra với những đầu tư ít nhất (tiền, thời gian,…). 

Để đảm bảo cho bộ máy nhà nước hoạt động, Nhà nước (chủ sử dụng lao động) cũng cần phải có những người làm việc cho mình (gọi là công chức). Việc xây dựng đội ngũ công chức của Nhà nước đã phải bao hàm vấn đề tuyển chọn, đào tạo và đảm bảo môi trường để các công chức có thể mang lại hiệu suất cao nhất cho bộ máy Nhà nước. Để có các công chức tốt, Nhà nước cũng phải cạnh tranh với các tổ chức, đoàn thể thuộc khu vực Tư nhân trong việc tuyển dụng (và duy trì) nhân viên có năng lực ở trong xã hội.Với vị trí của người chủ sử dụng lao động, Nhà nước đương nhiên phải tự chịu trách nhiệm để sao cho có đội ngũ công chức hiệu quả nhất với những chi phí đã được người dân cung cấp. Do đó, việc đầu tư kinh phí đào tạo hay cấp phương tiện làm việc cho công chức không thể được coi là sự ban ơn hay ưu đãi, vì những đầu tư đó có nguồn gốc từ mọi người dân (gồm cả những công chức) với kỳ vọng nhận lại được sự phục vụ (làm việc) cho bộ máy Nhà nước. 

Hơn nữa, người quyết định đầu tư (lãnh đạo cơ quan nhà nước) phải là người chịu trách nhiệm trong việc dự đoán và chấp nhận mọi rủi ro cho các quyết định đầu tư xây dựng đội ngũ công chức. Cụ thể, những công chức đứng đầu các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc tạo dựng đội ngũ công chức sao cho hiệu quả nhất trong giới hạn của nguồn lực (ngân sách, thẩm quyền) đã được phân bổ. Nhà nước yếu kém khi không giữ được công chức giỏi. 

Để người lao động gắn bó và mẫn cán với công việc, người sử dụng lao động không chỉ phải đáp ứng những điều kiện tối thiểu như lương, phương tiện làm việc mà còn phải đáp ứng rất nhiều yếu tố khác tùy theo mong muốn riêng của từng người lao động (cơ hội thăng tiến, tính thách thức của công việc, trân trọng ý kiến cấp dưới, sự công bằng, chính trực của môi trường làm việc,…). 

Việc tìm được người đúng khả năng theo đòi hỏi của công việc mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là làm thế nào để bầu nhiệt huyết của người làm việc luôn tràn đầy. Mọi biện pháp có tính cưỡng bách hay ràng buộc có thể giữ được người lao động, nhưng sẽ không thể có được sự nhiệt tình, cảm hứng - cái cốt lõi của hiệu suất làm việc. Do đó, việc có những công chức rời bỏ cơ quan nhà nước chứng tỏ cơ quan nhà nước đã tuyển dụng không đúng người theo yêu cầu công việc hoặc không đáp ứng đủ những điều kiện làm việc cho công chức. Đặc biệt, nếu những người rời bỏ cơ quan nhà nước là những người có thực lực thì đó là dấu hiệu trung thực chứng tỏ cơ quan nhà nước yếu kém về quản lý nhân sự/hoặc không chú trọng vào trách nhiệm phục vụ người dân – những người nuôi sống bộ máy nhà nước.

Chảy máu chất xám” may mắn hơn hơn “chất xám không thể chảy”

Từ “chảy máu chất xám” có tính chất hình ảnh nói lên sự mất mát đối với người sử dụng lao động. 

Tuy nhiên, ở góc độ toàn xã hội, hiện tượng công chức nhà nước rời bỏ những vị trí cao (kèm theo nhiều đặc quyền, bổng lộc) là dấu hiệu tích cực của xã hội. Thứ nhất, điều đó cho thấy tính phụ thuộc của người dân đối với Nhà nước đã giảm đi, điều này cũng đồng nghĩa với việc đã có sự lớn mạnh của khu vực tư nhân (lẽ ra đã phải được lớn mạnh). Thứ hai, “chất xám” của con người đã có thể thoát được sự trói buộc, đày ải của bộ máy nhà nước như đã từng xảy ra trong quá khứ. Thứ ba, với một bộ máy nhà nước nổi tiếng về chuyện mua quan, bán chức, đục khoét ngân sách, tài nguyên, thì hiện tượng “ chảy máu chất xám” trên đây cho thấy đạo đức xã hội vẫn còn hy vọng được phục dựng trở lại.

Cách đây chưa lâu, có một suất biên chế với đồng lương ít ỏi trong cơ quan nhà nước là ước mơ của đại bộ phận người lao động. Những con người có khả năng lớn như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, trong hàng chục năm cuối đời (những năm1960, 1980), đã hết sức cơ cực trong việc mưu sinh khi bị Nhà nước “hắt hủi”. Nếu những “chất xám” của những người như Đặng Thái Sơn, Nguyễn Quang Riệu, Điền Lê (Jonathan Lee), Ngô Bảo Châu (và rất nhiều người khác) không được (bị) “chảy” ra ngoài Việt Nam, liệu nhân loại và Việt Nam có được những Đặng Thái Sơn, Nguyễn Quang Riệu, Điền Lê (Jonathan Lee), Ngô Bảo Châu như hôm nay?

Ở góc độ nhân loại, dù “chất xám” được sử dụng và đóng góp ở đâu, ở quốc gia nào thì cũng là đóng góp cho tiến bộ, cho phát triển chung của nhân loại. Vấn đề đáng nói là tại sao một cơ quan nhà nước hay một quốc gia không giữ được những người tài hoặc không thể làm xuất hiện được những người tài.

Yêu cầu cải tổ Nhà nước

Một Nhà nước không thu hút, không giữ được người tài thì Nhà nước đó không thể làm tốt chức năng phục vụ dân chúng. Nói một cách khác, Nhà nước đó không còn hữu ích cho nhu cầu của dân chúng, Nhà nước đó đang gây thiệt hại cho dân chúng (gồm cả những đảng viên cộng sản). Như vậy, vấn đề cốt yếu cần rút ra từ hiện tượng “chảy máu chất xám” là cần phải cải tổ bộ máy nhà nước để có một bộ máy nhà nước tốt hơn. Tuy nhiên, như mọi hệ thống khác, bộ máy nhà nước không thể tự cải tổ nếu không có sự tác động từ bên ngoài hệ thống. 

Trong khi đó bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là sự xếp đặt của Đảng cộng sản Việt Nam (được che đậy dưới hình thức có tên là Bầu cử quốc hội), do đó việc cải tổ bộ máy nhà nước, dù có nhiều đảng viên cộng sản hiện nay thực tâm rất muốn, sẽ không thể có kết quả triệt để khi bộ máy nhà nước chưa thoát được sự khống chế của đảng cộng sản để được là bộ máy do chính người dân tạo lập, nuôi dưỡng và kiểm soát (thông qua các cuộc bầu cử tự do với các ứng cử viên độc lập hoặc từ các đảng chính trị khác nhau). Vì vậy, mọi người dân (cộng sản hay không cộng sản) muốn có một Nhà nước thực sự “của mình, do mình, vì mình”, nhất thiết phải cùng nhau lên tiếng bày tỏ nhu cầu và nỗ lực thúc đẩy để hệ thống chính trị chuyển đổi từ độc đảng thành đa đảng.


Phạm Hồng Sơn

06/2008
Nguồn: báo Tổ Quốc, số 44 (01/07/2008)