Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Luật Hiến pháp và Chính trị học (12)

Xem các phần: (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11)


Nguyễn Văn Bông

PHẦN THỨ HAI: THẾ GIỚI CHÍNH TRỊ HIỆN ĐẠI

THIÊN THỨ NHẤT: NHỮNG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ CỔ ĐIỂN

CHƯƠNG I: CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ HOA KỲ
HIỆP CHÚNG QUỐC MỸ là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng chế độ Tổng thống và cũng là nơi mà Hiến pháp duy trì được một cuộc sinh hoạt chính trị ổn định.
Với tất cả tài nguyên và nhân lực của tân đại lục, với một tinh thần dân chủ thực sự cùng một chế độ chính trị vững chắc, Hoa Kỳ đã vượt khỏi những biến chuyển của thời đại và trở thành một quốc gia dân chủ và hùng mạnh nhất thế giới ngày nay.
Để có một cái nhìn thực tế, chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu chế độ Hoa Kỳ qua hai mục: khung cảnh pháp lí và thực tại chính trị.
Mục I: KHUNG CẢNH PHÁP LÍ

Đoạn 1: MỘT QUỐC GIA LIÊN BANG

A. Tiểu bang và quốc gia Liên bang

Hoa Kỳ là một quốc gia Liên bang và có thể nói rằng một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng chế độ Liên bang. Chế độ Liên bang có thể định nghĩa là một cơ cấu chính quyền trong ấy quyền lực và chủ quyền được phân chia giữa chính quyền trung ương và các đơn vị địa phương. Quốc gia Liên bang là một quốc gia bao gồm nhiều quốc gia nhỏ gọi là Tiểu bang.
Thực vậy, chính từ năm 1787, Hoa Kỳ là một quốc gia gồm 13 Tiểu bang, 13 thuộc địa Anh Quốc vừa thâu hồi độc lập. Và ngày nay Hoa Kỳ bao gồm 50 Tiểu bang. Chế độ Liên bang Hoa Kỳ có những đặc điểm sau đây:
1. Trên phương diện quốc tế, các Tiểu bang không có chủ quyền đối ngoại, nghĩa là không một Tiểu bang nào có quyền cử cũng như có đại diện ngoại giao, có quyền kí kết Hiệp ước Quốc tế. Giữa các Tiểu bang với nhau, cũng không có sự bang giao được xem như bang giao quốc tế. Tóm lại, chính quốc gia Liên bang mới được coi là một đơn vị trong cộng đồng quốc tế và đại diện cho tất cả Tiểu bang trong mọi liên lạc ngoại giao.

2. Trên phương diện quốc nội, trái lại, giữa Liên bang và Tiểu bang có sự phân chia thẩm quyền tế nhị và các Tiểu bang có một sự tự trị về chính trị lẫn hành chính khá quan trọng. Cần phải nhận định ngay rằng, trong một chế độ Liên bang người ta nhìn thấy có một sự chồng chất lên nhau hay một sự sống với nhau của hai trật tự pháp lí, hai hệ thống pháp lí cùng một không gian và chung cho một số người.
Thật vậy, bất cứ một công dân Hoa Kỳ nào, bất cứ một lãnh thổ Hoa Kỳ nào cũng bị chi phối bởi Hiến pháp, pháp luật, hành chính, công lí của quốc gia Liên bang và đồng thời bởi Hiến pháp, pháp luật, hành chính, công lí của Tiểu bang.
Phân chia thẩm quyền giữa quốc gia Liên bang và Tiểu bang thường được ấn định trong Hiến pháp Liên bang. Nguyên tắc là tất cả những vấn đề nào không được ghi trong bản Hiến pháp và được xem là thuộc thẩm quyền Liên bang, đều thuộc thẩm quyền các Tiểu bang.
Mặc dù nguyên tắc là thế nhưng với sự đòi hỏi của tình thế và nhất là với sự giải thích rộng rãi của án lệ Hoa Kỳ, thẩm quyền của cơ quan Trung ương Liên bang càng ngày càng được tăng cường và khuynh hướng tập trung quyền lực này được thể hiện qua sự can thiệp của Chính phủ Liên bang vào nhiều lĩnh vực, trên nguyên tắc thuộc thẩm quyền các Tiểu bang như: quy định thể lệ thương mại giữa các Tiểu bang, ấn định sắc thuế Liên bang đánh vào các Tiểu bang, v.v… Gần đây vụ án Little Rock làm chấn động dư luận Quốc tế, khi Chính phủ Liên bang phái quân đội đến bảo vệ cho một học sinh da đen được tiếp tục theo học tại một trường da trắng tại một Tiểu bang nổi tiếng kỳ thị đã chứng tỏ sự can thiệp của Chính phủ Liên bang đối với Chính quyền Tiểu bang mỗi ngày một rõ rệt hơn.
Tuy nhiên, không nên quên rằng thẩm quyền các Tiểu bang vẫn còn nhiều và rất rộng rãi. Mỗi Tiểu bang có riêng Hiến pháp, Quốc hội và Tòa án. Hành pháp giao phó cho một Thống đốc do dân cử. Tất cả những vấn đề quan trọng như giáo dục, y tế, quyền cảnh sát đều thuộc thẩm quyền Tiểu bang miễn là những quyết định của Tiểu bang, như trên đã nói, không được trái với Hiến pháp Liên bang.
Tóm lại, chế độ Liên bang là một giải pháp dung hòa hai hệ thống giá trị chống đối nhau nhưng đều được ưa chuộng như nhau: một giá trị địa phương và một giá trị trung ương. Giá trị trung ương tức là tính cách thống nhất của quốc gia được biểu dương bởi cơ quan trung ương, chung cho tất cả Tiểu bang và trên hết tất cả Tiểu bang. Giá trị địa phương tức là sự tự trị về nếp sống tinh thần cũng như về phương cách tổ chức của mỗi Tiểu bang.

B. Chế độ Liên bang và định chế chính trị
Chế độ Liên bang không thể không ảnh hưởng nhất định đến định chế chính trị. Như ta đã nói, chế độ Liên bang là một giải pháp dung hòa hai giá trị, giải pháp dung hòa này được thể hiện qua các định chế của Liên bang. Và mối tương quan giữa chế độ Liên bang Hoa Kỳ và định chế chính trị có những đặc điểm sau đây:
1. Quốc hội lưỡng viện
Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ phản ảnh sự dung hòa giữa tính cách thuần nhất và bất thuần nhất của Liên bang. Để thuyết phục một số Tiểu bang ngần ngại gia nhập vào Liên bang và đồng thời vẫn giữ tính cách thống nhất của Liên bang nhà lập hiến Hoa Kỳ ấn định một Quốc hội lưỡng viện: một Viện đại diện toàn thể công dân của Liên bang và một Viện đại diện các Tiểu bang. Giải pháp này là hậu quả của một sự dàn xếp chính trị và là một đặc điểm của chế độ Liên bang.
2. Tổng thống Phủ
Tổng thống Phủ là một đặc điểm của tổ chức chính quyền Mỹ Quốc. Trước năm 1787, khi chính phủ Liên bang ra đời, hình thể quốc gia cũ là một hình thể Bang liên. Với hình thể này, các quốc gia kết hợp lại do một hiệp định quốc tế và các quốc gia trong tổ chức Bang liên vẫn giữ tư cách quốc gia trên phương diện quốc tế. Kinh nghiệm cho biết rằng hình thể này rất rời rạc, yếu ớt không đáp ứng với nhu cầu tình thế vì thiếu một cơ quan chỉ huy Hành pháp duy nhất có uy thế.
3. Kiểm soát hiến tính của các đạo luật
Như chúng ta đã thấy, trong chế độ Liên bang có sự hiện diện của hai trật tự pháp lí chồng chất lên nhau và cùng chung sống với nhau. Sự kiện này phát sinh ra nhiều trường hợp xung đột pháp lí một mặt giữa chính quyền trung ương và Chính phủ địa phương và mặt khác giữa những chính quyền địa phương với nhau.
Để giải quyết các xung đột này bởi những giải pháp pháp lí và đồng thời để thống nhất luật lệ trong Liên bang, một hệ thống tòa án toàn quyền giải thích Hiến pháp là một điều tối cần.
Đoạn 2: MỘT HIẾN PHÁP CƯƠNG TÍNH

A. Ưu thế của Hiến pháp

Như chúng ta đã có dịp nhận xét khi bàn về Hiến pháp nói đến Hiến pháp cương tính là xác nhận rằng Hiến pháp có ưu thế trong hệ thống luật pháp của quốc gia. Và tính cách ưu thế này đưa đến một hậu quả quan trọng: Hiến pháp cương tính là một Hiến pháp khó sửa đổi. Hay nói một cách khác, thủ tục sửa đổi Hiến pháp là một thủ tục long trọng với những điều kiện chặt chẽ, đặc biệt. Đó là tình trạng của Hoa Kỳ.
Thật vậy, ở Mỹ, một đạo luật thường là một văn kiện được biểu quyết, với một đa số tương đối, bởi Thượng và Hạ Nghị viện Liên bang: văn kiện này, được phê chuẩn, và ban hành bởi Tổng thống, trở thành một đạo luật.
Thủ tục mà chúng ta vừa thấy đó không áp dụng cho công việc sửa đổi Hiến pháp. Sửa đổi Hiến pháp tại Hoa Kỳ, đòi hỏi hai điều kiện và đồng thời là hai hành vi quan trọng: một tu chính án Hiến pháp, một sự phê chuẩn tu chính ấy.

Tu chính Hiến pháp – tức là sửa đổi Hiến pháp, phải được Thượng và Hạ Nghị viện Hoa Kỳ biểu quyết – và trong mỗi Viện – phải đa số 2/3.
Một khi Quốc hội Liên bang – tức Thượng và Hạ Nghị viện biểu quyết tu chính Hiến pháp, mỗi viện với đa số 2/3 rồi, tu chính này cần phải được phê chuẩn. Phê chuẩn tức là chấp thuận. Ai chấp thuận? Tu chính này cần phải được ¾ các Quốc hội các Tiểu bang chấp thuận, nghĩa là hiện giờ, 38 Tiểu bang. Như thế, biểu quyết một tu chính Hiến pháp nghĩa là một Hiến luật đòi hỏi những điều kiện khó khăn nhiều hơn một đạo luật thường. Ưu thế của Hiến pháp là ở chỗ đó.
Từ ngày Hiến pháp Hoa Kỳ được thiết lập – tức là từ năm 1787 đến nay, tổng cộng có hết thảy là 22 tu chính Hiến pháp[1]. Tu chính án thứ 22 – tức là tu chính án chót, được biểu quyết năm 1951. Nội dung của nó quy định Tổng thống chỉ có thể tái cử một lần.
Tu chính án này – để nhắc lại sự khó khăn của một tu chính án – được Quốc hội Liên bang biểu quyết năm 1947 và mãi đến 1951 mới được ¾ các Tiểu bang phê chuẩn.
B. Kiểm soát hiến tính các đạo luật

1. Một Hiến pháp cương tính không những có nghĩa là một văn kiện có tính cách ưu thế mà còn có ý nghĩa là những đạo luật thường không thể đi ngược lại tinh thần cùng nội dung của bản Hiến pháp. Một đạo luật đi ngược lại Hiến pháp tức là một đạo luật bất hợp hiến. Mà bất hợp hiến là bất hợp pháp.
Vấn đề kiểm soát hiến tính của các đạo luật là một hậu quả tất nhiên của một Hiến pháp cương tính, vì nếu không đặt vấn đề kiểm soát và không phương tiện kiểm soát thì ưu thế Hiến pháp không còn nữa và một đạo luật thường có thể thay đổi Hiến pháp.
Tại Hoa Kỳ vấn đề kiểm soát hiến tính của các đạo luật được đặt ra với tất cả hậu quả thực tiễn của nó. Thực ra, vấn đề này không được nhà Lập hiến năm 1787 quy định. Mãi đến năm 1803, chính Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, trong vụ án nổi tiếng Marbury chống Madison mới đặt một nguyên tắc căn bản: Pháp viện có quyền và nhiệm vụ từ chối áp dụng một đạo luật tỏ ra đi ngược lại một điều khoản của Hiến pháp một cách rõ rệt. Tác giả của quyết nghị nổi tiếng đó là ông John Marshall, Chánh án Tối cao Pháp viện trong thời gian 1801-1835.
2. Cần phải nhắc lại rằng, “quyền kiểm pháp” tại Hoa Kỳ không có nghĩa là quyền của các tòa án hủy bỏ một cách trực tiếp đạo luật được xem là phản hiến. Không phải thế, Pháp viện Hoa Kỳ chỉ có quyền từ chối không áp dụng và không bắt dân chúng phải tuân theo, một đạo luật đương tranh chấp trong một vụ kiện được đệ lên Pháp viện nếu xét ra đạo luật này vi phạm một điều khoản của Hiến pháp. Ví dụ: nhân một vụ kiện trước Tòa: một bên xin áp dụng một đạo luật. Bên kia xin Tòa không áp dụng đạo luật đó viện lẽ là tính cách bất hợp hiến của nó. Tòa án, trong trường hợp này, trước khi phán quyết về nội dung vụ kiện, phải xem trước coi đạo luật đương tranh chấp đó có hợp hiến không. Nếu có, đạo luật sẽ được áp dụng để xét xử. Nếu không, Tòa tuyên bố không áp dụng đạo luật đó. Đạo luật bất hợp hiến này không bị hủy bỏ, vẫn còn tồn tại, nhưng không được áp dụng trong vụ kiện này.
Tuy nhiên, hậu quả của việc tuyên bố không áp dụng không kém gì việc tiêu hủy. Vì, mặc dù còn tồn tại, đạo luật được xem là bất hợp hiến đó – nhất là khi bị Tối cao Pháp viện tuyên bố, như thế – sẽ không có giá trị nào nữa, bởi lẽ giản dị là các Tòa án khác sẽ không áp dụng đạo luật đó.
Đoạn 3: MỘT CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG
Chế độ Hoa Kỳ là một chế độ Tổng thống. Xin nhắc lại Tổng thống chế không có nghĩa là chế độ trong ấy có một Tổng thống. Cũng như Nghị viện chế không có nghĩa là chế độ trong ấy có một Nghị viện. Như chúng ta đã thấy khi đề cập đến Tổng thống chế, đặc tính của chế độ này là: một sự độc lập của Hành pháp, một sự độc lập của Lập pháp và một sự phân quyền rõ rệt giữa hai cơ quan.
Sở dĩ danh từ Tổng thống được gán cho chế độ này là vì Tổng thống là vị chỉ huy Hành pháp do dân bầu lên qua một cuộc phổ thông đầu phiếu và Tổng thống và các cộng sự viên của ông không chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội.
Để có một ý niệm rõ rệt về chế độ Tổng thống Hoa Kỳ, chúng ta sẽ lần lượt trình bày 3 cơ quan công quyền chính, đó là: Tổng thống, Quốc hội, Tối cao Pháp viện.
A. Tổng thống

1. Thể thức bầu cử và điều kiện ứng cử Tổng thống

a. Thể thức bầu cử

Chiểu theo Hiến pháp, Tổng thống Hoa Kỳ do toàn dân bầu lên, nhưng theo lối đầu phiếu gián tiếp. Nhà lập hiến năm 1878 sợ rằng, nếu được bầu bởi một cuộc phổ thông đầu phiếu trực tiếp, Tổng thống, với một sự tấn phong của toàn dân như thế, sẽ có nhiều uy tín, dễ lấn áp Quốc hội và có khuynh hướng đi đến độc tài. Tuy nhiên, với sự tiến triển của cuộc sinh hoạt chính trị, mặc dù vẫn áp dụng thể thức gián tiếp, ngày nay trong thực tế, Tổng thống Hoa Kỳ được xem là do chính quốc dân bầu thẳng.
Thực vậy, trên nguyên tắc, cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ diễn ra qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: đề cử ứng cử viên ra tranh cử Tổng thống. Giai đoạn này là giai đoạn của chính đảng và cũng là giai đoạn tối quan trọng trong cuộc vận động tuyển cử. Các chính đảng họp Đại hội toàn quốc để chỉ định ứng cử viên của mình. Kinh nghiệm cho biết rằng, vận động để được chính đảng đề cử lắm lúc còn khó hơn là vận động để được đắc cử trong nhân dân. (Kennedy và Stevenson)
- Giai đoạn thứ nhì: đến ngày thứ hai, tuần thứ hai tháng mười một năm tuyển cử, cử tri toàn quốc bầu những cử tri đệ nhị cấp, cử tri để bầu Tổng thống. Mỗi Tiểu bang sẽ bầu một số cử tri đệ nhị cấp tương đương với số dân biểu ở Thượng và Hạ Nghị viện mà họ có.
- Giai đoạn thứ ba: đến ngày thứ hai, tuần thứ ba tháng giêng, các cử tri đệ nhị cấp họp lại để bầu Tổng thống. Chính giai đoạn thứ ba này, trên phương diện pháp lí, mới là quan trọng, vì Tổng thống được chính thức bầu từ ngày này. Nhưng trong thực tế, giai đoạn này chỉ còn có tính cách hình thức mà thôi. Vì, khi mà cử tri đệ nhị cấp được bầu rồi nghĩa là ở giai đoạn thứ nhì, chỉ cần xem có bao nhiêu cử tri đệ nhị cấp thuộc Đảng Dân chủ hay Cộng hòa là biết ngay ai sẽ đắc cử Tổng thống. Vì mỗi cử tri đệ nhị cấp cam kết rằng sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình. Bởi thế, sau khi giai đoạn thứ nhì kết liễu, báo chí đăng tít to lớn kết quả cuộc bầu cử Tổng thống mặc dù kết quả này chỉ có được vài tháng sau.
Tóm lại, trong thực tế Tổng thống Hoa Kỳ có thể nói rằng được bầu cử bởi toàn dân qua cuộc phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Tuy nhiên có hai trường hợp mà Tổng thống không thể được xem là do đa số công dân bầu lên.
- Trường hợp thứ nhất: không có ứng cử viên nào chiếm đa số tuyệt đối trong cử tri đoàn đệ nhị cấp. Và đa số này là 279 phiếu. Trong trường hợp này Hiến pháp trù liệu rằng Hạ Nghị viện Liên bang chọn Tổng thống trong số ba ứng cử viên được nhiều phiếu nhất. Trong lịch sử Hoa Kỳ đã xẩy ra một lần với việc bầu Tổng thống John Quincy Adam năm 1824. Trường hợp này thiếu chút nữa cũng đã xảy ra trong cuộc bầu cử 1968 vừa qua. Thực vậy, đến gần phút chót, khi chỉ còn ba Tiểu bang, ông Nixon mới được 261 phiếu cử tri đoàn, trong khi ứng viên thứ hai, ông Humphrey chỉ được 191 thăm. Nếu ông Humphrey hay Wallace thắng tại ba Tiểu bang này thì cả ba ứng viên không ai đủ đa số tuyệt đối thăm cử tri đoàn. Cuối cùng ông Nixon đã thắng tại cả ba Tiểu bang chót và đắc cử Tổng thống với số phiếu 283 cử tri đoàn.
- Trường hợp thứ hai Tổng thống đắc cử với đa số cử tri đệ nhị cấp nhưng đồng thời có thiểu số phiếu trong nhân dân. Trường hợp này đã xảy ra hai lần, năm 1876 (Tilden-Hayes) và 1888 (Harrison-Cleveland).

b. Điều kiện ứng cử
Ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ, để có quyền ra tranh cử phải hội đủ ba điều kiện sau đây:
·         Ít nhất 35 tuổi
·         Có quốc tịch Hoa Kỳ
·         Đã sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ ít nhất 14 năm.
Nhiệm kì của Tổng thống là 4 năm. Trước năm 1951, Tổng thống có thể được tái cử vĩnh viễn. Nhưng Tổng thống Washington đã từ chối ra tranh cử lần thứ ba, quyết định này đã trở thành một tập tục mà các Tổng thống kế tiếp noi theo. Cho đến khi Tổng thống Roosevelt được đắc cử, Roosevelt không tôn trọng tập tục kể trên và ông được tái cử lần thứ ba năm 1940, và lần thứ tư năm 1944. Để tránh tình trạng một người giữ chức Tổng thống quá lâu – vì có thể trở thành một nhà độc tài – một tu chính án thứ 22 được Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ biểu quyết năm 1947 và được đa số Tiểu bang phê chuẩn năm 1951, tu chánh án quy định rằng Tổng thống chỉ được tái cử một lần. Tập tục mà Washington là tác giả đã thành một hiến luật.
Đó là thể thức bầu cử cùng điều kiện ứng cử Tổng thống. Trước khi chấm dứt điểm này, cần phải có vài lời về Phó Tổng thống. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng Phó Tổng thống được bầu một lần với Tổng thống và chung một danh sách.
Vai trò chính của Phó Tổng thống là thay thế Tổng thống trong trường hợp bất ngờ mà Tổng thống lâm bệnh, mệnh chung hay là từ chức, nghĩa là trường hợp mà nhiệm vụ của Tổng thống chấm dứt trước nhiệm kì 4 năm.
Phó Tổng thống không có chức vụ gì khác ngoài việc chủ tọa Thượng Nghị viện Liên bang. Tuy nhiên, như đã nói, vì một lí do gì mà Tổng thống rời bỏ nhiệm vụ, Phó Tổng thống đương nhiên trở thành Tổng thống. Và kinh nghiệm cho thấy rằng chức vụ Phó Tổng thống có một tầm quan trọng khá đặc biệt. Trường hợp thứ nhất, năm 1944, Tổng thống Roosevelt mệnh chung vài tuần lễ sau khi ông đắc cử lần thứ tư, một chính trị gia không tên tuổi thời ấy, Phó Tổng thống Truman thay ông, đảm nhiệm chức vụ này và điều khiển chiến tranh và đã lấy một quyết định lịch sử là dùng bom nguyên tử chống Nhật Bản. Trường hợp thứ hai, Phó Tổng thống Johnson năm 1964 thay thế Tổng thống Kennedy.
2. Nhiệm vụ của Tổng thống Mỹ

a. Tổng thống, trước hết là vị Quốc trưởng. Đây là một đặc điểm của chế độ Tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống Phủ là cơ quan Hành pháp hợp nhất hai nhiệm vụ của hai người trong một chức vụ. Như các bạn cũng đã biết, trong nhiều quốc gia và thường thường, có hai nhân vật phân chia nhiệm vụ Hành pháp: một nhà vua hoặc một vị Chủ tịch giữ địa vị nguyên thủ quốc gia tượng trưng cho quốc gia và vị Thủ tướng nắm thực sự chính quyền. Tại Mỹ, trái lại, Tổng thống vừa là chỉ huy Hành pháp và là nguyên thủ tượng trưng.
Với nhiệm vụ thứ nhất này – nhiệm vụ của một Quốc trưởng – Tổng thống Mỹ phải dành nhiều thì giờ cho những cuộc tiếp tân, đón tiếp thượng khách, các phái đoàn công dân Mỹ từ các miền trong xứ đến yết kiến Tổng thống, tuyên cáo với quốc dân… Tóm lại, chiểu theo Hiến pháp Mỹ, có một sự phối hợp cương vị với quyền hành Thủ tướng trong một chức vụ dân cử.
b. Tổng thống là vị chỉ huy Hành pháp. Chính Hiến pháp chỉ định Tổng thống có bổn phận chăm lo cho luật pháp quốc gia được thi hành đúng đắn và trung thành. Chỉ huy Hành pháp, Tổng thống kiểm soát, đôn đốc hoạt động hằng ngày và thường xuyên của hằng triệu công chức trong chính phủ quốc gia. Tổng thống có bổn phận, soạn thảo ngân sách, ấn định luật lệ cho các công sở và – một cách tổng quát – khuyến khích, đôn đốc để bộ máy hành chính được hữu hiệu liêm khiết.

c. Nhiệm vụ thứ ba của Tổng thống là Tổng Tư lệnh Quân lực. Trong thời bình cũng như trong thời chiến, Tổng thống là vị Tổng Tư lệnh Tối cao Quân lực. Nhiệm vụ này là một trong những hậu quả quan trọng và đồng thời cũng là một sự bảo đảm cho niềm tin của dân Mỹ, của nguyên tắc quyền dân sự đứng trên quyền quân sự.
Trong thời bình, Tổng thống coi sóc việc huấn luyện kiểm soát cũng như tuyển mộ và cấp đẳng tất cả các lực lượng quân sự. Với sự trợ lực của Bộ trưởng Quốc phòng, các vị Tham mưu Trưởng Hỗn hợp và Hội đồng An ninh Quốc gia, Tổng thống luôn luôn quan tâm đến nền anh ninh Quốc gia và nhất là nhiệm vụ tối quan trọng là luôn luôn chuẩn bị để kịp thời ứng phó với mọi cuộc tấn công của quân thù.
Trong thời chiến, quyền hành của Tổng thống về quân sự còn quan trọng hơn nữa. Với tư cách Tổng Tư lệnh Tối cao, Tổng thống là vị độc nhất phê chuẩn tất cả các quyết định tế nhị và lớn lao về chiến lược cũng như về chiến thuật.
d. Nhiệm vụ thứ tư: Một nhà ngoại giao tối cao của Mỹ Quốc
Cần phải nhận định rằng quyền hành liên hệ đến lãnh vực ngoại giao – chiểu theo Hiến pháp – được giao phó cho Tổng thống và Quốc hội, nhất là Thượng Nghị viện Hoa Kỳ – trong việc chấp nhận hiệp ước và bổ nhiệm ngoại giao. Tuy nhiên thực tế đã đưa đến tình trạng là Tổng thống lãnh đạo quyền ngoại giao này. Vì trong lúc mà Quốc hội là diễn đàn công cộng của những quyền lợi và quan điểm chống đối nhau, chính Tổng thống Phủ mới là nơi mà sự bí mật, mau lẹ cũng như sự thống nhất và liên tục đảm bảo chắc chắn cho một chính sách ngoại giao thắng lợi.
Một nhà ngoại giao, một vị Tổng Tư lệnh Quân lực, một Thủ tướng và một Quốc trưởng, các nhiệm vụ quan trọng này tập trung trong tay Tổng thống. Và Tổng thống sử dụng quyền hạn và thi hành nghĩa vụ của mình một cách hoàn toàn độc lập. Như thế có nghĩa là không có vấn đề lật đổ chính phủ, không có vấn đề bất tín nhiệm Tổng thống bởi Quốc hội. Tổng thống và các Bộ trưởng – cộng sự viên do ông chọn lựa và trách nhiệm với ông – thi hành nhiệm vụ một cách độc lập và vô trách nhiệm.
3. Tổng thống và Quốc hội
Tổng thống độc lập với Quốc hội. Nhưng Tổng thống không thể làm tròn nhiệm vụ nếu không có sự đồng ý của Quốc hội. Mối tương quan giữa Tổng thống và Quốc hội đặt trên nhiều lĩnh vực và Hiến pháp Hoa Kỳ cũng có trù liệu biện pháp để điều hòa mối tương quan giữa hai cơ quan công quyền này.
a. Cũng như Tổng thống, Quốc hội cũng rất hãnh diện là một Quốc hội hoàn toàn độc lập. Quốc hội Hoa Kỳ là một trong số ít Quốc hội trên thế giới mà quyền Hành pháp không thể giải tán được bất cứ vì lí do nào.

b. Tổng thống đối với Quốc hội, có quyền phủ quyết. Trong trường hợp mà Quốc hội thông qua một dự luật mà Tổng thống cho rằng không được sáng suốt, không thực tế hoặc không hợp hiến, Tổng thống có quyền gửi trở lại Quốc hội mà không kí ban hành. Quốc hội bắt buộc phải phải tái xét dự luật đã được biểu quyết hoặc theo quan điểm của Tổng thống, hoặc vẫn cố giữ quan điểm của mình nhưng trong trường hợp này phải có đa số 2/3.

c. Tổng thống không có sáng quyền lập pháp cũng như không quyền đề nghị ngân sách. Nhưng thực tế đã đưa đến tình trạng là chính cơ quan Hành pháp mới đủ phương tiện và đủ thẩm quyền để đề nghị những đạo luật xét ra cần thiết và thích nghi, và nhất là về phương diện tài chính. Để tránh nguyên tắc cứng rắn này – và đồng thời  vẫn tôn trọng Hiến pháp – thường thường Tổng thống nhờ một vị dân biểu của đảng mình đề nghị dự án luật hay ngân sách mà chính Tổng thống đã soạn thảo.
d. Vẫn biết rằng Tổng thống hoàn toàn độc lập, nhưng hành động của ông cũng bị kiểm soát bởi Quốc hội trong ba lãnh vực:
- Tất cả những sự bổ nhiệm công chức Liên bang và nhất là các vị Bộ trưởng phải được Thượng Nghị viện Hoa Kỳ chấp thuận.
- Không có một hiệp ước quốc tế nào có hiệu lực nếu không được Thượng Nghị viện phê chuẩn.
- Quốc hội có khuynh hướng tăng cường con số thẩm quyền của các ủy ban và trong thực tế, cho gọi nhân viên Hành pháp đến chất vấn – xuyên qua các cuộc đối thoại ấy, Quốc hội kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Hành pháp.
B. Quốc hội
Một Giáo sư đã viết như thế này khi đề cập đến Quốc hội:
“Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội Hoa Kỳ phải nhóm họp ít nhất mỗi năm một lần, bắt đầu từ trưa ngày mồng 3 tháng Giêng nếu các nghị sĩ không ấn định một ngày nào khác. Trong phiên họp khai mạc, sẽ có cầu kinh, các nghi thức tôn nghiêm được cử hành, các vị tân nghị sĩ tuyên thệ, các ủy ban và các trưởng ban được tuyển chọn và người ta chuẩn bị để nghênh đón trang trọng Tổng thống tới đọc bài diễn văn hàng năm về Tình trạng Liên bang. Sau khi những thể thức trên được cử hành một cách đoan trang, 537 vị nghị sĩ bắt đầu nhóm họp liên tục, cho tới tháng 8 và đôi khi tới tháng 9”.
1. Vị trí và cơ cấu của Quốc hội
Một số sự kiện làm nổi bật tầm quan trọng của Quốc hội và phân biệt rõ cơ quan Lập pháp Hoa Kỳ với mọi cơ quan Lập pháp khác trên thế giới.
a. Sự kiện thứ nhất: Quốc hội chỉ là một trong ba ngành chính quyền đồng đều và độc lập. Quốc hội làm luật, Tổng thống thi hành luật và Tối Cao Pháp viện giải thích luật và bắt công dân tuân theo. Giữa ba ngành này, có những mối giây liên hệ nhưng mỗi ngành có quyền hạn riêng biệt và phương tiện riêng để tự vệ khi có sự xung đột với các ngành khác. Thật vậy, các nghị sĩ có thể biểu quyết một luật pháp mà họ muốn. Tuy nhiên nếu luật lệ đó thiếu thực tế và khôn ngoan, họ sẽ không ngạc nhiên khi thấy Tổng thống từ khước ban hành với quyền phủ quyết. Và nếu đạo luật đó có tính cách phản hiến, thì họ càng không ngạc nhiên khi thấy Tối cao Pháp viện phản đối, không áp dụng và không chịu để cho dân chúng tuân theo. Quốc hội là đại diện của nhân dân thật nhưng quyền lực của Quốc hội không phải hoàn toàn độc đoán.

b. Sự kiện thứ nhì: Quốc hội Hoa Kỳ là một Quốc hội trong một hệ thống Liên bang. Như chúng ta đã biết, người dân Mỹ sống dưới nhiều đạo luật do các Nghị viện khác đặt ra mà Quốc hội không có quyền kiểm soát. Mỗi Tiểu bang trong số 50 Tiểu bang đều có Nghị viện riêng và các Nghị viện này làm luật cho Tiểu bang về nhiều vấn đề khác nhau và trong đại Quốc hội chỉ có thể điều khiển với sự hợp tác của Tiểu bang. Tu chính án thứ X luôn luôn nhắc nhở Quốc hội rằng: “Những quyền hành mà Hiến pháp không ủy thác cho Liên bang và không cấm các Tiểu bang sử dụng thì được ủy thác cho Tiểu bang hoặc cho nhân dân”.
Như thế, hoạt động của Quốc hội bị hạn chế rất nhiều trong hệ thống Liên bang Hoa Kỳ.
c. Sự kiện thứ ba: Quốc hội Hoa Kỳ là một Quốc hội lưỡng viện và một Quốc hội lưỡng viện trên lí thuyết cũng như trong thực tế. Sở dĩ phải nhấn mạnh như thế là vì trong đa số các nước mà cơ quan Lập pháp gồm hai Viện, trong thực tế chỉ có một viện là thực sự nắm chủ quyền. Ở Hoa Kỳ, trái lại Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện là hai cơ quan riêng biệt về quyền hành cũng như về thế lực.
- Thượng Nghị viện tương đối nhỏ hơn Hạ Nghị viện, gồm 100 Thượng nghị sĩ (với nhiệm kì 6 năm). Mỗi Tiểu bang cử hai vị không kể lớn hay nhỏ. Thượng Nghị viện đại diện các Tiểu bang và được thế giới biết tiếng nhiều vì Thượng Nghị viện có hẳn độc quyền mà Hạ Nghị viện không có: đó là quyền phê chuẩn các hiệp ước do Tổng thống kí bằng đa số 2/3 và quyền biểu quyết xác nhận những sự bổ nhiệm các công chức cao cấp của Tổng thống.
- Hạ Nghị viện gồm 437 Nghị sĩ bầu với nhiệm kì là 2 năm. Hạ Nghị viện có một đặc quyền là đưa ra “mọi đạo luật để tăng thêm lợi tức”. Tức là đại diện toàn thể nhân dân, Hạ Nghị viện có ưu thế về các đạo luật liên hệ đến tài chính; các đạo luật này được thảo luận trước tiên tại Hạ Nghị viện.
- Mặc dù quyền hạn và thủ tục khác nhau, giữa hai Viện có một sự bình đẳng. Một dự luật phải được hai Viện thông qua dưới hình thức tương tự, trước khi chuyển sang Tổng thống Phủ ban hành. Không một Viện nào có quyền gì bắt Viện kia phải theo quan điểm của mình về một đạo luật nào.
Về tổ chức nội bộ, xin nhớ rằng mỗi Viện gồm có một số ủy ban. Hạ Nghị viện gồm 20 ủy ban thường trực, mọi vị nghị sĩ thường có chân trong một ủy ban. Thượng Nghị viện có 17 ủy ban, mỗi thượng nghị sĩ thường tham dự 2 ủy ban. Đó là những ủy ban thường xuyên, không kể ủy ban hỗn hợp để nghiên cứu những vấn đề rộng lớn và mới mẻ, và các ủy ban đặc biệt để điều tra. Các Chủ tịch ủy ban được liệt vào số những người có thế lực nhất trong chính quyền Mỹ Quốc.
2. Nhiệm vụ của Quốc hội

a. Thứ nhất: Ban hành luật pháp: tức là làm luật, ấn định chính sách và cung cấp phương tiện cho Hành pháp. Phạm vi thẩm quyền của Quốc hội về luật pháp được ấn định trong Hiến pháp: phạm vi này gồm thương mại, tiền tệ, tín dụng, di trú, phòng thủ. Ngoài ra, Quốc hội còn có những quyền khác thường như khai chiến, chấp nhận Tiểu bang mới vào Liên bang. Đó là những vấn đề đã được ấn định rõ bởi Hiến pháp, tức là vấn đề mà nhà lập hiến năm 1787 nghĩ tới. Từ năm 1787 đến nay, thời gian qua, bao nhiêu vấn đề được đặt ra liên hệ đến nền văn minh tân tiến mà nhà lập hiến năm 1787 không hề nghĩ đến, ví dụ như vấn đề quy tắc về lương bổng, quy tắc về số giờ làm việc, xây đắp công trình công ích, chế độ hưu bổng trên toàn quốc v.v… Trên nguyên tắc, Quốc hội không quyền thông qua, biểu quyết đạo luật liên quan đến các vấn đề này, vì Hiến pháp không có trù liệu. Tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ đã biểu quyết nhiều đạo luật về các vấn đề này và Quốc hội đã dựa trên một điều khoản rất nhỏ, rất kín đáo nhưng rất nổi danh của bản Hiến pháp. Đó là điều khoản cho phép Quốc hội thông qua những đạo luật xét ra là “cần thiết và thích nghi” để Quốc hội thi hành quyền hạn mà Hiến pháp ủy thác cho, Điều khoản nhỏ bé nhưng nổi danh này được khai thác, vì áp lực của nền văn minh và với sự giải thích trên quan niệm tân tiến của Tối cao Pháp viện, nên Quốc hội Hoa Kỳ ngày nay có quyền biểu quyết nhiều vấn đề – không trù liệu rõ ràng bởi Hiến pháp – nhưng có một tầm quan trọng đối với quốc gia.
Cũng trong nhiệm vụ luật pháp cần phải thêm rằng Quốc hội giữ trách nhiệm tu chính Hiến pháp. Và xin nhắc rằng tu chính án phải thuộc mỗi Viện chấp thuận với đa số 2/3 và sau đó phải được ¾ các Nghị viện Tiểu bang phê chuẩn.
b. Nhiệm vụ thứ nhì: biểu quyết ngân sách quốc gia. Chính Quốc hội có nhiệm vụ “đánh thuế, vay và tiêu tiền” cho cuộc phòng thủ chung và nền an lạc chung của Hoa Kỳ. Quốc hội để dành nhiều, một phần lớn các phiên họp để mổ xẻ các đạo luật về thu chi, và quyền thu chi là một quyền mà Quốc hội Mỹ để ý nhiều nhất.

c. Nhiệm vụ thứ ba: Giám thị và kiểm soát ngành Hành pháp. Đây là một nhiệm vụ lịch sử của bất cứ cơ quan Lập pháp nào trong một nền dân chủ hợp hiến. Nhưng Quốc hội Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn trong nhiệm vụ này vì lí do quan trọng là Hành pháp hoàn toàn độc lập; nhất là vị Tổng thống là người do dân bầu ra không có dính dáng gì với Quốc hội và không thể bắt buộc từ chức bởi một sự bất tín nhiệm của Quốc hội. Và với sự phân quyền cứng rắn của chế độ Tổng thống ở Mỹ, Quốc hội không thể yêu cầu một cách trực tiếp Tổng thống tường trình chính sách hoặc các hoạt động thường ngày.
Tuy nhiên, vai trò giám thị và kiểm soát Hành pháp của Quốc hội được thể hiện qua nhiều phương tiện nhỏ nhưng không kém hiệu lực, ví dụ:
Như mời các nhân vật phụ tá cao cấp ra cung khai trước các ủy ban của hai Viện.
Như điều khiển các cuộc điều tra. Thường thường các cuộc điều tra do các ủy ban của hai Viện đảm nhiệm và phạm vi của điều tra bao gồm hầu hết mọi địa hạt của đời sống chính trị. (Kỉ luật trong Quân đội, mánh lới làm tiền bằng hăm dọa công đoàn, nguyên nhân các tai nạn máy bay, các vụ đấu thầu của Chính phủ, nạn thiếu nhi phạm pháp v.v…) Qua những cuộc điều tra, Quốc hội góp phần quan trọng vào sức mạnh nền dân chủ Mỹ bằng cách luôn luôn chỉnh trấn những căn bệnh vừa chớm nở trong Chính phủ, trong quân lực cũng như trong giới doanh thương, lao động và giáo dục.
C. Tối cao pháp viện
Điều 3 Hiến pháp Hoa Kỳ: “Quyền tư pháp Mỹ quốc được trao cho một Tối Cao Pháp viện và các tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thỉnh thoảng chỉ định và thiết lập”
Điều khoản này nhấn mạnh tầm quan trọng của một ngành thứ ba trong hệ thống chính quyền Mỹ: đó là nghành tư pháp. Chúng ta sẽ lần lượt trình bày những điểm chính của nghành này.
1. Tầm quan trọng của ngành Tư pháp
Ngành Tư pháp Hoa Kỳ và nhất là Tối cao Pháp viện tại Hoa Thịnh Đốn có một tầm quan trọng đặc biệt, vượt hẳn mọi ngành Tư pháp trong đa số các quốc gia khác và có thể xem là một trong những yếu tố căn bản của nền dân chủ Hoa Kỳ. Những phán quyết của Tối cao Pháp viện đã có một giá trị quyết định trong lịch sử nước Mỹ. Sau đây là vài thí dụ:
- 1803 Madison: quyền kiểm hiến của Tối cao Pháp viện
- 1937, Tối cao Pháp viện đã duy trì một đạo luật Wagner thiết lập Ban liên lạc Lao động Quốc gia (National Labor Relations Board). Đạo luật này thường được xem là bản Hiến chương của giới lao động có tổ chức tại Mỹ. Với quyết định quan trọng này, Tối cao Pháp viện xác nhận và củng cố quyền hạn của Quốc hội trong việc quy định mối tương quan giữa lao động và chủ nhân các ngành kĩ nghệ lớn.
- 1952, Tối cao Pháp viện từ khước lời yêu cầu của Tổng thống Truman xin được quyền xung công và sử dụng các lò đúc thép của tư nhân trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.
- 1954, Tối cao Pháp viện quyết định rằng mọi kì thị chủng tộc trong các trường học là bất hợp hiến và phán quyết chấn chỉnh thủ tục áp dụng trong các Tiểu bang của miền Nam không cho học sinh da đen học chung với học sinh da trắng.
Các phán quyết của Tối cao Pháp viện thường thường được đón tiếp bởi công luận Mỹ một cách khác trong Tiểu bang, giai cấp xã hội và khuynh hướng chính trị. Từ ủng hộ nồng nhiệt đến chống đối mãnh liệt. Nhưng với những phán quyết quan trọng, Tối cao Pháp viện chiếm một địa vị then chốt trong việc giải thích luật lệ quốc gia và điều hành cơ quan công quyền Mỹ Quốc.
2. Cơ cấu của nền Tư pháp Hoa Kỳ
Hai hệ thống: Liên bang và các Tiểu bang
a. Tòa án Liên bang: Tòa án Quận, Tòa Thượng thẩm và Tối cao Pháp viện
- Tòa án Quận: trên khắp nước Mỹ có 91 Tòa án Quận có nhiệm vụ xét xử tất cả các vụ án Liên bang.
- Tòa Thượng thẩm: 11 có nhiệm vụ tái thẩm những nghị quyết của Tòa án Quận.
- Tối cao Pháp viện ở Hoa Thịnh Đốn, chỉ xét xử những vụ án Liên bang quan trọng nhất và có quyền chung quyết, và tái xét những phán quyết của những Tòa án chuyên môn (xét xử trong địa hạt chuyên môn, ví dụ như Tòa án Quan thuế, Tòa án khiếu nại (dân kiện chính phủ xin bồi thường).
b. Tòa án các Tiểu bang
Hệ thống các Tòa án Liên bang vừa kể chỉ là một bộ phận nhỏ của một hệ thống Tòa án rộng lớn của nước Mỹ.
Thật vậy, trong mỗi Tiểu bang của 50 Tiểu bang ở Hoa Kỳ, đều có một hệ thống tư pháp riêng biệt và luật pháp riêng biệt. Và thường thường mỗi hệ thống tư pháp của mỗi Tiểu bang là một đơn vị độc lập trong đó Tòa án cao cấp của họ có quyền có những quyết định tối hậu. Tuy nhiên với thời gian và sự thống nhất luật pháp, tất cả các vụ án liên hệ đến luật pháp, quyền hạn và vấn đề có tính cách quốc gia chung đều thuộc thẩm quyền các Tòa án Liên bang. Và mặc dù Tối cao Pháp viện không trực tiếp kiểm soát các Tòa án Tiểu bang, các Tòa án này vẫn phải tuân theo đạo luật của Quốc hội mà Tối cao Pháp viện đã giải thích.
3. Thành phần và thủ tục của Tối cao Pháp viện
a. Tối cao Pháp viện gồm một vị chánh án và 8 vị phụ tá. Tất cả 9 vị này do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Thượng Nghị viện. Tất cả đều được chọn lựa trong số các luật gia nổi tiếng và được giao phó giữ chức vụ “trong thời gian họ có hạnh kiểm tốt”. Câu này rất quan trọng, nó có nghĩa là các vị thẩm phán ở Tối cao Pháp viện giữ chức vụ trọn đời cho đến chết, nếu họ đủ khả năng làm tròn trách nhiệm. Mặc dù khi đến 70 tuổi họ có quyền về hưu và tiếp tục hưởng lương bổng, họ vẫn có quyền, nếu họ muốn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ. Các vị thẩm phán chỉ có thể bị truất chức trong trường hợp “phản bội”, hối lộ hoặc các trung và khinh tội khác”. Trong các trường hợp này Hạ Nghị viện sẽ làm bản cáo trạng và Thượng Nghị viện – đa số 2/3 xác nhận.
Với những điều kiện an ninh như thế – không sợ bị bãi chức, không phải lo âu về các vấn đề tái nhiệm hoặc tái cử, với số lương bổng rất cao, các Thẩm phán Tối cao Pháp viện hoàn toàn độc lập về tinh thần cũng như vật chất để thi hành nhiệm vụ.
b. Thủ tục: Niên khóa Tư pháp bắt đầu tháng 10 và kết thúc vào tháng 6. Tối cao Pháp viện có những phiên nhóm công khai và phiên nhóm kín. Những phiên nhóm công khai của Tối cao Pháp viện đã nổi tiếng về nghi thức cũng như về phẩm cách. Các quan tòa mặc áo choàng đen, chăm chú theo dõi những lời biện hộ, chú trọng đến các hồ sơ của đương sự và đặt nhiều câu hỏi sắc bén. Không ai dám cất tiếng nói to trước Tối cao Pháp viện. Các phiên họp kín là những phiên họp mà các vị tòa thảo luận và phán quyết. Ông chánh án chủ tọa phiên họp, lần lượt nghe ý kiến của từng vị thẩm phán theo thứ tự niên kỉ (già, trẻ) rồi các vị tòa bỏ phiếu, lần này, theo thứ tự trẻ già. Các phán quyết của Tối cao Pháp viện thường thường có tính cách đồng thanh. Tuy nhiên, có nhiều vụ án quan trọng, nhất là các vụ án về nguyên tắc, chỉ có tính cách đa số tương đối mà thôi. Và tỉ lệ thẩm phán thuận hay nghịch có thể là 6-3 hoặc 5-4. Các thẩm phán hoàn toàn có quyền trình bày quan điểm của mình dù đồng ý hay không đồng ý với đa số. Và lịch sử nền Tư pháp Hoa Kỳ đã chứng minh rằng một số quan điểm “bất đồng” đã gây một ảnh hưởng quan trọng cho án lệ về sau. Dù sao, để tóm lại, với những điều kiện an ninh cá nhân và với thủ tục đầy bảo đảm, các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện hoàn toàn có tính cách độc lập, độc lập với Quốc hội, với Tổng thống và công luận, và độc lập giữa họ với nhau nữa.
4. Nhiệm vụ Tối cao Pháp viện

a. Nhiệm vụ phán quyết: một hành động thuần túy của một cơ quan tài phán. Tối cao Pháp viện có quyền chung quyết trong mọi cuộc tranh chấp về pháp luật và giữa các đương sự khác nhau. Cần phải nhấn mạnh rằng mọi quyết nghị của Tối cao Pháp viện đều được toàn thể các tòa án trong nước và các tòa án Tiểu bang nghiên cứu kĩ và thường thường được tuân theo.

b. Nhiệm vụ bảo đảm sự tôn trọng pháp luật và để thực hiện hoạt động này, Tối cao Pháp viện có thể đưa ra mệnh lệnh hoặc sự trừng phạt gắt gao để làm hậu thuẫn cho những viên chức có trọng trách thi hành luật pháp.

c. Nhiệm vụ làm luật: làm luật bằng án lệ. Thường thường trong những án lệ quan trọng. Tối cao Pháp viện thường đặt ra những nguyên tắc căn bản. Những nguyên tắc này được áp dụng trong các vụ khác trước các tòa án khác, lần lần biến thành luật – luật do toà án làm ra nhưng trong thực tế được coi là luật pháp.

d. Nhiệm vụ giải thích và bảo vệ Hiến pháp. Với nhiệm vụ này, Tối cao Pháp viện trở thành một cơ quan quyết định tối hậu bảo đảm rằng mọi đạo luật do Quốc hội hay của Tiểu bang thông qua, hoặc mọi hành động của Chính phủ không vi phạm đến Hiến pháp. Nói một cách khác, Tối cao Pháp viện giữ cho Tổng thống và Quốc hội khỏi vượt qua đường ranh giới phân chia hệ thống chính quyền Mỹ làm 3 phần cách biệt nhau. Hơn nữa, không những duy trì thế quân bình giữa ba ngành khác biệt, Tối cao Pháp viện còn có nhiệm vụ duy trì thế quân bình cho chủ nghĩa Liên bang, nghĩa là bảo vệ cơ cấu, quyền lợi quốc gia chống lại những lấn át của các Tiểu bang và đồng thời bảo vệ quyền lợi tương tự của các Tiểu bang chống lại chính quyền quốc gia. Hai điều khoản quan trọng của Hiến pháp là hậu thuẫn cho nhiệm vụ này.
- Điều 6, đoạn 2, mệnh danh là “Khoản về quyền tối thượng” thiết lập quyền tối thượng của luật Liên bang đối với luật Tiểu bang trong những tranh chấp rõ rệt.
- Tu chính án số 10: dành cho Tiểu bang tất cả quyền hành của Hiến pháp, không cấm họ hoặc không trao cho Chính phủ quốc gia.
Qua sự giải thích, Tối cao Pháp viện đã đưa ra những chính sách dưới hình thức những phán quyết quan trọng đối với đời sống quốc gia và ảnh hưởng rất nhiều đối với lịch sử Mỹ Quốc.

Mục III: THỰC TẠI CHÍNH TRỊ
Đoạn 1: MỘT HỆ THỐNG CHÍNH ĐẢNG DUY NHẤT
Nhìn kĩ lại cuộc sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ, một trong những đặc điểm là Hoa Kỳ có một hệ thống chính đảng kỳ lạ, đặc biệt. Nói một cách khác, Hoa Kỳ có một hệ thống lưỡng đảng và một hệ thống đa đảng. Tuy nhiên, hệ thống lưỡng đảng bề ngoài và một hệ thống đa đảng thực sự.
A. Một hệ thống lưỡng đảng
Thoạt tiên mọi người đều cho rằng Hoa Kỳ áp dụng một hệ thống lưỡng đảng. Vì chúng ta chỉ nghe nói đến hai chính đảng: Cộng hòa và Dân chủ. Và hai chính đảng này chiếm độc quyền trong cuộc sinh hoạt chính trị Mỹ Quốc. Và chúng ta có thể nói rằng không một ứng cử viên nào – ngoài hai ứng cử viên Cộng hòa và Dân chủ – có hi vọng đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Tuy nhiên đó chỉ là tính cách lưỡng đảng bề ngoài. Thật vậy, có một hệ thống lưỡng đảng trong một quốc gia không phải chỉ có nghĩa là quốc gia ấy chỉ có hai chính đảng. Điều cần thiết phải là mỗi chính đảng ấy đại diện cho một khuynh hướng chính trị có mạch lạc và có kỉ luật nội bộ. Hai điều này, không một chính đảng nào ở Hoa Kỳ thực hiện. Chúng ta có thể quả quyết rằng Đảng Cộng hòa, cũng như Đảng Dân chủ không có chương trình riêng biệt. Cách đây hơn một thế kỉ, sự khác biệt giữa Cộng hòa và Dân chủ dựa trên tiêu chuẩn Liên bang: Đảng Cộng hòa ủng hộ giải pháp tăng cường quyền trung ương, trong lúc ấy Đảng Dân chủ bảo vệ quyền lợi Tiểu bang. Ngày nay, sự khác biệt này không còn nữa và để phân biệt Cộng hòa và Dân chủ, chúng ta có thể nói rằng Đảng Cộng hòa đại diện giới kinh doanh, kĩ nghệ gia; Đảng Dân chủ có cảm tình với giới thợ thuyền, nghiệp đoàn và trí thức. Tóm lại, Cộng hòa thân hữu và Dân chủ thân tả. (Hai khuynh hướng này chỉ có tính cách tương đối.)

Đây là một ý niệm tổng quát. Thực ra khuynh hướng chính trị trong mỗi chính đảng rất là phân li và không có tính cách mạch lạc. Để lấy một thí dụ cụ thể: Đảng Dân chủ được xem là chính đảng khuynh tả, nhưng trong chính đảng này lại có rất nhiều phần tử hoàn toàn phản động[2], có tính cách thủ cựu nhất là những Tiểu bang miền Nam: kỳ thị chủng tộc và quan niệm kinh tế bảo thủ.

Sở dĩ như thế là vì các chính đảng ở Hoa Kỳ không phải là đảng có ý thức hệ. Thật vậy, các chính đảng Hoa Kỳ gạt một bên mọi ý thức hệ về chủ trương cũng như hành động. Hai đảng lớn bao gồm những niềm tin khác biệt nhau trong số các đảng viên và trong số lãnh tụ của họ. Người ta ví các chính đảng Hoa Kỳ là “những tạo vật thỏa hiệp, những liên kết quyền lợi trong đó các nguyên tắc không được phát biểu.”
Thật vậy, về chính sách đối nội, trước một số vấn đề, các đảng viên Dân chủ miền Nam và miền Bắc đồng ý nhau, trong khi về vài vấn đề khác các đảng viên Dân chủ miền Nam gần đảng Cộng hòa hơn. Về vấn đề dân quyền chẳng hạn, Đảng Cộng hòa và nhóm Dân chủ miền Bắc bắt tay nhau, còn Dân chủ miền Nam cô lập ít nhiều trong việc chống đối.
Tóm lại, trong Quốc hội thường thường người ta thấy một liên hiệp Dân chủ và Cộng hòa bỏ phiếu chấp thuận một đạo luật và một liên hiệp Dân chủ, Cộng hòa khác chống đối lại. Nguyên nhân là không phải ý thức hệ của Đảng mà trái lại ý kiến và quyền lợi của cử tri ở các Tiểu bang và các khu bầu cử của họ đã chỉ thị cho các nghị sĩ cách thức bỏ phiếu.
Không có khuynh hướng chính trị mạch lạc, chính đảng Hoa Kỳ lại không có kỉ luật nội bộ. Chúng ta có thể nói rằng không có gì bắt buộc Thượng nghị sĩ hay Hạ nghị sĩ Mỹ bỏ phiếu theo một đường lối do đảng ấn định. Nghị sĩ Hoa Kỳ bỏ phiếu tùy theo quan niệm riêng biệt của mình, tùy theo sức mạnh của đoàn thể áp lực địa phương hay quyền lợi của Tiểu bang chứ không theo mệnh lệnh của chính đảng.
Sự thiếu kỉ luật nội bộ này là hậu quả của một sự tản quyền của các chính đảng tại Hoa Kỳ. Ủy ban toàn quốc hay Chủ tịch toàn quốc của đảng không có một phương tiện nào trong tay để bắt buộc các tổ chức địa phương hay ở cấp Tiểu bang tuân theo quan điểm của mình. Không có một đảng nào, trong hai đảng lớn, tùy thuộc một văn phòng trung ương. Cấp bực cao nhất là Đại hội toàn quốc chỉ nhóm họp, bốn năm một lần, để chỉ định ứng cử viên tranh chức Tổng thống và Phó Tổng thống, soạn thảo chương trình. Trong khoảng thời gian của Đại hội ấy, không có một cơ cấu chỉ đạo duy nhất nào được công nhận và tuân hành bởi các đảng viên.
Thí dụ điển hình nhất là tình trạng của Tổng thống Hoa Kỳ trước một Quốc hội mà đa số thuộc về chính đảng với Tổng thống. Kinh nghiệm cho thấy rằng Tổng thống không bao giờ chắc chắn được sự ủng hộ đa số ấy – luôn luôn có một số nghị sĩ thuộc về đảng ông bỏ phiếu chống ông, chống tất cả đề nghị của ông. Về phương diện này, trường hợp Nghị sĩ dân chủ Fulbright thường chống các đề nghị của Tổng thống dân chủ Johnson, nhất là các dự án thuộc vấn đề Việt Nam. Vụ chống tăng ngân sách viện trợ phát triển Quốc tế thuộc tài khóa 1968 đã đưa đến kết quả Quốc hội xén hẳn một nửa dự án tài trợ Chánh phủ từ 4 tỷ giảm còn 2 tỷ khiến chương trình bình định tại Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều. Ngược lại, có một số nghị sĩ thuộc đảng đối lập ủng hộ ông. Đó là một tình trạng rất quái lạ. Và chúng ta chỉ có thể hiểu tình trạng quái lạ này nếu chúng ta nhận thấy rằng hệ thống chính đảng Hoa Kỳ là một hệ thống đa đảng.
B. Một hệ thống đa đảng thực sự
Hay nói cho đúng hơn, một hệ thống chính đảng có tính cách địa phương. Chúng ta có thể nói – một cách quá đáng một chút – rằng Hoa Kỳ có một trăm chính đảng. Để có một ý niệm đúng đắn về hệ thống chính đảng Hoa Kỳ, cần phải nhận thức hai đặc điểm sau đây:
1. Chính đảng Hoa Kỳ trước nhất là một bộ máy. Nghĩa là một tổ chức nhằm mục tiêu chiếm chính quyền. Chương trình, đường lối, khuynh hướng chính trị v.v… chỉ có tính cách thứ yếu, không quan trọng và chỉ là phương tiện cho một mục tiêu duy nhất: chiếm chính quyền và giữ chính quyền. Người ta thường so sánh chính đảng ở Hoa Kỳ với các đoàn thể thể thao. Thật vậy, mục tiêu của chính đảng ở Mỹ, và cũng như ở một đoàn thể thể thao là đoạt giải vô địch, nghĩa là chiếm ghế Tổng thống và đa số ở Quốc hội. Muốn đoạt giải vô địch thì cần phải có huấn luyện viên, có những người ủng hộ, những cầu thủ xuất sắc. Mà cầu thủ xuất sắc, huấn luyện viên hay những người ủng hộ, chính đảng tìm thấy ở những nhân vật có tiếng tăm trong giới kinh doanh, luật gia hoặc nghiệp đoàn. Tóm lại là tất cả những ngôi sao chỉ biết đưa ê-kíp của mình đến chiến thắng.

2. Chính đảng Hoa Kỳ là một chính đảng địa phương. Và đây là một đặc điểm quan trọng. Vì tính cách Liên bang của Hoa Kỳ, cho nên vấn đề chiếm chính quyền được đặt nhiều không phải tại trung ương – Hoa Thịnh Đốn – mà chính ngay ở địa phương. Hoạt động của chính đảng Hoa Kỳ là những hoạt động lẻ tẻ, rời rạc, từng địa phương và trên bình diện quận, thành phố, Tiểu bang.
Chính đảng Hoa Kỳ thực sự chỉ có mặt ở địa phương. Ở đây hoạt động của chính đảng liên hệ rất nhiều đến hành chính hàng ngày, đến những cuộc tuyển cử không ngừng. Trái lại, trên bình diện quốc gia, chính đảng Hoa Kỳ chỉ là một liên hiệp của những bộ máy địa phương. Và sự liên kết này chỉ có tính cách nhất thời – nghĩa là cách 4 năm một lần – chung quy để đề cử và ủng hộ một nhân vật chiếm giải vô địch cho đoàn thể mình – nghĩa là đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Đấy là hệ thống đa đảng Hoa Kỳ là như thế. Chính đảng Hoa Kỳ chỉ có mặt thực tại địa phương. Và cái mà người ta gọi là Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ thật ra chỉ là một cuộc đối thoại hay là một cuộc tranh đấu giữa những nhân vật tiếng tăm, có nhiều ảnh hưởng trong một thành phố nào, trong một Tiểu bang nào đó.
Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng Hoa Kỳ có hai đảng: nhưng phải tức tốc thêm rằng hệ thống lưỡng đảng cũng chỉ có trong vòng vài tháng và 4 năm một lần. Qua thời gian ấy, Hoa Kỳ có thực sự một hệ thống đa đảng.

Đoạn 2: MỘT CHÍNH THỂ ĐẠI NGHỊ TRÁ HÌNH
Như chúng ta đã biết, chế độ Tổng thống Hoa Kỳ là một chế độ phân quyền rõ rệt. Tuy nhiên thực tế chính trị đưa đến một tình trạng là Hoa Kỳ ngày nay là một chế độ đại nghị thực sự bởi lí do quan trọng là cơ quan công quyền Mỹ cộng tác với nhau thi hành nhiệm vụ.
A. Chính thể đại nghị và chính thể Tổng thống
Xin nhắc lại rằng người ta thường hay định nghĩa chế độ đại nghị là một chế độ áp dụng nguyên tắc hợp quyền. Tuy nhiên, thực tế chính trị cho thấy rằng hệ thống chính đảng đảo lộn tất cả các nguyên tắc pháp lí. Và trường hợp Anh Quốc chẳng hạn là trường hợp điển hình. Trên thực tế, chúng ta không thể nói rằng chế độ Anh Quốc là một chế độ hợp quyền. Vì không thể tìm thấy một sự hợp quyền nào cả. Chế độ Anh Quốc là một chế độ của một chính đảng chống một chính đảng.
B. Chính thể Hoa Kỳ là một chính thể đại nghị ở hành lang
Trái lại, chế độ Tổng thống Hoa Kỳ – thường được định nghĩa là một chế độ áp dụng nguyên tắc phân quyền cứng rắn – trong thực tế lại là một chế độ hợp quyền. Lí do rất dễ hiểu. Như chúng ta đã biết, không một cơ quan nào có thể tiêu diệt cơ quan khác trong hệ thống chính quyền ở Mỹ. Tổng thống không quyền giải tán Quốc hội, Quốc hội không quyền truất phế Tổng thống. Kết quả là phải có nhường nhịn để sống chung với nhau và thay vì xa nhau, hai cơ quan công quyền phải trao đổi, dàn xếp, thảo luận ở hành lang, vì Hiến pháp cấm không có sự hợp tác chính thức – và vì thế mà một chính trị gia Hoa Kỳ cho rằng Hoa Kỳ áp dụng chính thể đại nghị ở hành lang. Hiểu như vậy, chúng ta mới không ngạc-nhiên khi thấy bộ máy công quyền Hoa Kỳ vẫn hoạt động điều hòa khi Tổng thống thuộc đảng này mà đa số Nghị sĩ hay dân biểu lại là người đảng khác. Đó là trường hợp hiện nay của Hoa Kỳ: Tổng thống Nixon người Đảng Cộng hòa, trong khi Đảng Dân chủ chiếm đa số ghế tại cả Thượng lẫn Hạ Nghị viện.
Trong thực tại, sự hợp tác chặt chẽ và có thể nói không ngừng giữa Tổng thống và Quốc hội là một đặc điểm của cuộc sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ.
Đoạn 3: MỘT NỀN DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN BỞI MỘT CÁ NHÂN
Nền dân chủ Hoa Kỳ có tính cách phức tạp. Vì dân chủ được thực hiện song song với uy tín của một cá nhân.
A. Đặc tính của nền dân chủ Hoa Kỳ
Không ai có thể phủ nhận tính cách dân chủ của cuộc sinh hoạt chính trị Mỹ Quốc. Tuy nhiên tính cách dân chủ ấy đượm nhiều khía cạnh địa phương và hỗn loạn.
Quốc hội Hoa Kỳ chẳng hạn có thể ví như một Quốc hội trong ấy hệ thống đa đảng được áp dụng. Thật vậy, trong Quốc hội Hoa Kỳ, ranh giới các chính đảng rất lu mờ, cũng như chính kiến không được rõ rệt. Tổng thống Hoa Kỳ không thể luôn luôn tin tưởng ở đa số chính đảng của ông. Ông cũng không phải luôn luôn gặp sự chống đối của đảng đối lập.
Cử tri tại Mỹ đa số chỉ nghĩ đến các vấn đề có tính cách địa phương, không liên hệ nhiều đến các vấn đề quốc gia hay quốc tế trọng đại mà Quốc hội Hoa Kỳ đề cập và giải quyết.
Một hệ thống chính đảng vô kỉ luật và trọng tâm chính trị là địa phương, chính hai yếu tố này đưa đến một tình trạng ưu thế của Tổng thống Hoa Kỳ.
B. Một cá nhân đại diện nền dân chủ Hoa Kỳ
Tổng thống Hoa Kỳ, như chúng ta đã biết, do chính toàn dân bầu lên, một cách trực tiếp, tượng trưng cho quốc gia, đầy thẩm quyền quyết định và không chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Chúng ta có thể nói rằng ý chí của toàn dân, thể hiện qua cuộc bầu cử Tổng thống. Trong những cuộc bầu cử liên tục tại Hoa Kỳ – vì ở Hoa Kỳ dân chúng bầu liên miên (Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ, Thống đốc, Tòa án, Hội đồng v.v…) chỉ có cuộc bầu cử Tổng thống là dịp để cử tri Hoa Kỳ nhận thức được tầm quan trọng của lá phiếu của mình, họ có cảm giác rằng họ sẽ quyết định cái gì. Mặc dù chương trình của hai chính đảng – hay là của hai ứng cử viên có vẻ mơ hồ hay không khác nhau cho lắm – mặc dù thế, những ứng cử viên phác họa một phần nào tương lai chính trị của Quốc gia. Một người dân bầu cho ông Kennedy chắc chắn rằng tương lai của Hoa Kỳ với ông Kennedy sẽ khác tương lai của Hoa Kỳ với ông Nixon (Johnson và Golwater).
Cuộc sinh hoạt chính trị tại Mỹ có tính cách thiết yếu đối với cuộc sinh hoạt kinh tế. Thường thường trong cuộc sinh hoạt hàng ngày, chính trị là tất cả những tranh luận về ngôi thứ, về tiền bạc, về những vấn đề địa phương với những đoàn thể áp lực và những chính trị gia chuyên môn.
Nhưng, 4 năm một lần, cử tri Hoa Kỳ được gọi để quyết định vận mạng của nước họ: chính là lúc bầu cử Tổng thống. Và trong lịch sử nước Mỹ, chức vụ Tổng thống đã được đưa lên một địa vị vinh quang, lấn cả Quốc hội, và Tối cao Viện, và được xem là tượng trưng cho nền dân chủ Hoa Kỳ. Những lí do nào đã đưa đến một tình trạng như thế:
1. Lí do thứ nhất là sự phát triển nhanh chóng của một nền văn minh kĩ nghệ. Thâu hoạch những thắng lợi của cuộc cách mạng kĩ nghệ ở Âu Châu, nền văn minh kĩ nghệ Hoa Kỳ phát triển mau lẹ, và trên đường diễn biến ấy đã đặt bao nhiêu vấn đề trọng đại, mật thiết liên hệ đến toàn dân. Để giải quyết hàng vạn vấn đề ấy, Quốc hội phải tạo ra một nền hành chính khổng lồ với hàng triệu nhân viên. Kết quả là Tổng thống, vị chỉ huy Hành pháp, nhân vật mà Hiến pháp chỉ định có bổn phận đôn đốc cho pháp luật được thi hành một cách trung thực, đã được đem lên một địa vị về quyền thế hành chính không tiền khoáng hậu trong lịch sử dân chủ Tây phương.
2. Lí do thứ nhì là tình trạng khẩn cấp đã xẩy ra trong nước và ngoài nước mà Hoa Kỳ cũng như bao quốc gia khác trên thế giới, đồng thời sự tham gia tích cực và càng ngày càng bành trướng của Mỹ vào quốc tế sự vụ để tăng quyền hành của Tổng thống lên một cách thường trực.
3. Lí do thứ ba là sự tham gia liên tục của toàn dân vào cuộc phát triển chính trị. Từ ngày Hiến pháp được thành lập đến nay, chức vụ Tổng thống đã được nhân dân Mỹ xem là công cụ đặc biệt của họ và là đại diện của họ. Trong lúc Quốc hội là cơ quan đại diện nhân dân – nhưng đại diện dưới hình thức một tập thể về quyền lợi và khu vực, thì Tổng thống là đại diện cho toàn thể nhân dân dưới hình thức một quốc gia. Và lịch sử nước Mỹ đã chứng minh rằng cá nhân của Tổng thống đã đóng một vai trò tối quan trọng trong cuộc tiến triển của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Thật vậy, không một biến cố quan trọng nào mà Tổng thống không trực tiếp ảnh hưởng và lắm khi uốn nắn tình hình theo sở nguyện. Và để có những ví dụ thực tiễn xin kể ra đây vài trường hợp chứng minh rằng nền dân chủ Mỹ Quốc được đại diện bởi một cá nhân.
- Tổng thống George Washington (1789-1797) vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ Quốc, là một nông gia Tiểu bang Virginia, ông đã trở thành một vị chỉ huy những đạo quân chiến thắng trong cuộc cách mệnh Mỹ. Với uy tín sẵn có, Tổng thống Washington đã giành cho tổ quốc ông một địa vị xứng đáng trong đại gia đình các quốc gia trên thế giới, và với những hành động quả quyết, ông đã đem lại sức mạnh và độc lập cho chức vụ Tổng thống mới được đặt ra. Với uy tín ấy và những điều kiện lịch sử đương thời Washington có thể xưng vương hay trở nên một nhà độc tài. Nhưng triệt để tôn trọng Hiến pháp, Ông Washington đã và chỉ là một Tổng thống. Sự kiện mà ông tự ý trở “về vườn” sau 8 năm làm Tổng thống – sự kiến ấy đã trở thành một tập tục và sau cùng là hiến luật như chúng ta đã biết – là một trong những biến cố vĩ đại trong lịch sử của nền tự do Mỹ.
- Tổng thống Thomas Jefferson (1801-1809) vị Tổng thống thứ ba của Mỹ quốc. Như Washington, Jefferson cũng là một nông gia Tiểu bang Virginia. Nhưng Jefferson, khác với Washington đã xông pha nhiều trong trường chính trị, Jefferson là người sáng lập Đảng Dân chủ và đã khôn khéo lãnh đạo đảng này tại Quốc hội. Và việc mua lại lãnh thổ Louisiana của Nã Phá Luân năm 1803 là một quyết định táo bạo của ông.
- Tổng thống Adrew Jackson (1829-1837) vị Tổng thống thứ bảy. Đặc điểm của ông Jackson là đã thấu hiểu rõ ràng sự kiện quan trọng này: chức vụ Tổng thống đã suy nhược một cách trầm trọng trong thời gian từ 1800-1829 vì Quốc hội lấn át quyền Hành pháp và ông đã cương quyết giành lại tính chất độc lập cho quyền này. Chính ông Jackson là người đầu tiên đã áp dụng quyền phủ quyết một cách mạnh mẽ và hữu hiệu. Và điều đáng ghi và đó là thành công nhất của ông là ông thuyết phục được nhân dân Mỹ rằng chức vụ Tổng thống là một lợi khí chính quyền có tính cách dân chủ chứ không phải có tính cách quý tộc.
- Tổng thống Abraham Lincoln, người Tiểu bang Illinois, vị anh hùng được mến yêu nhất của Mỹ Quốc (1861-1865). Sau khi ông đắc cử Tổng thống, mỗi một Tiểu bang miền Nam mưu toan tách khỏi Liên bang và thành lập các Chính phủ độc lập riêng biệt. Nhưng Abraham Lincoln đã có một quyết định nhanh chóng và rõ ràng: Liên bang Mỹ phải được bảo vệ và nếu cần, bằng võ lực. Trong suốt bốn năm trường, Tổng thống Lincoln đã khích lệ nhân dân và chỉ huy quân đội của các Tiểu bang trung thành với Liên bang. Và ông đã thành công trong cuộc chiến tranh đẫm máu và khốc liệt ấy.
Đó là bốn ví dụ của thế kỉ 19. Trong thế kỉ 20 này, người ta có thể kể ra một số nhân vật như T. Roosevelt (1901-1909), Wodrow Wilson (1913-1921), F. Roosevelt (1933-1945) cũng như gần đây Truman, Eisenhower, Kennedy, toàn là những nhân vật đã đem thêm lại cho chức vụ Tổng thống một sự quan trọng mới mẻ.
Tóm lại, nói đến lịch sử chính trị Hoa Kỳ không thể không nói đến hành động cùng ảnh hưởng của mỗi vị Tổng thống. Và đặc điểm của chức vụ của Tổng thống là ông vừa là một lãnh tụ của một chính đảng vừa là vị lãnh đạo quốc gia.
KẾT LUẬN: Để kết luận chế độ chính trị Hoa Kỳ, chúng ta nhấn mạnh rằng khung cảnh pháp lí và thực tại chính trị đã cùng nhau ảnh hưởng hỗ tương, phối hợp để tạo thành một chính thể có một sắc thái đặc biệt. Điều đáng ghi nhận là chế độ Tổng thống Hoa Kỳ đã là một thành công. Và người ta có thể tự hỏi tại sao chế độ độc tài không được thích hợp tại nước Mỹ? Một cá nhân đầy uy tín, với tất cả quyền hành đã không đưa đến một chế độ độc tài là một việc hi hữu. Người ta giải thích sự kiện này bằng một số lí do:
- Hoa Kỳ là quốc gia Liên bang: sự tự trị của mỗi Tiểu bang nay vẫn là một thực tại. Một khuynh hướng độc tài của một Tổng thống, một sự đàn áp tự trị của Tiểu bang có thể đem đến sự đổ vỡ của Liên bang.
- Hoa Kỳ là một nước giàu mạnh: điều này cũng rất quan trọng. Đã giàu, thì ít có những cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, và nếu có đi nữa, có thể giải quyết nhanh chóng và êm đẹp. Tránh những khủng hoảng kinh tế, tránh những cuộc đấu tranh gay cấn, khốc liệt có thể đưa đến một cuộc cách mạng xã hội, mà một nhà độc tài có thể lợi dụng dễ dàng.
- Tinh thần tự do của nhân dân Hoa Kỳ. Và tinh thần này ăn sâu vào tâm não của chính trị gia Hoa Kỳ. Nhà cầm quyền Mỹ Quốc là những người chú trọng nhiều nhất đến dư luận: mỗi thay đổi dư luận ảnh hưởng không ít đối với chính quyền. Vì thế mà chính quyền Mỹ luôn luôn giải thích và cố thuyết phục nhân dân và chính sách của mình. Mà để ý đến công luận như thế thì không thể có óc độc tài được. Cũng nên nhắc rằng dân Hoa Kỳ đã là một dân bị trị và tinh thần quật cường chống lại sự đàn áp vẫn còn uy tín trong công dân Mỹ ngày nay.
- Thế lực ngang nhau của chính đảng Hoa Kỳ và tính cách đặc biệt của chính đảng này.
Uy thế của hai chính đảng Hoa Kỳ – khi chúng ta nói hai chính đảng chúng ta nghĩ ngay đến cuộc bầu cử Tổng thống – có thể nói ngang nhau. Đảng này coi chừng đảng kia, rất khó một chính đảng có thể lợi dụng quyền hành của mình. Hơn nữa, như chúng ta đã biết, tình trạng vô kỉ luật của chính đảng Hoa Kỳ làm cho Tổng thống khó lòng mà tin tưởng ở đa số của chính đảng mình. Như chúng ta đã thấy, nếu chính đảng Hoa Kỳ là một chính đảng có kỉ luật, thì khi mà Tổng thống và đa số tại Quốc hội cùng chung một đảng thì không lí do nào có thể ngăn cản một khuynh hướng độc tài phát hiện. Nhưng tại Mỹ, chính vì sự vô kỉ luật mà Tổng thống không thể luôn luôn được đa số sau lưng mình. Tính cách đặc biệt này là một trong những yếu tố quan trọng làm cho chính quyền vẫn giữ mãi được tính cách dân chủ của nó.
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Văn Bông, Luật Hiến pháp và Chính trị học. In lần thứ hai. Sài Gòn 1969. Bản điện tử do pro&contra thực hiện.

[1] Tính tới thời điểm năm 1967 (thời điểm xuất bản cuốn sách này), Hiến pháp Mỹ đã có 24 tu chính án. Cho tới nay, năm 2013, Hiến pháp Hoa Kỳ đã có 27 tu chính án. (p&c)
[2] Lưu ý chữ “phản động” ở đây tác giả dùng với nghĩa rất bảo thủ như những diễn giải thêm sau đó, hoàn toàn khác với chữ phản động như báo chí nhà nước Việt Nam hiện nay đang dùng. (p&c)