Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Một chuyện Tết đặc biệt tại Đà Lạt


Vừa trở về Hà nội cùng với gia đình sau mấy ngày ăn Tết tại Đà Lạt cùng với mẹ tôi và các anh chị, tôi vội đi thăm một số bà con và người thân quen. Trong một cuộc thăm gặp, một cụ già tuổi cao và thâm trầm nói rằng “Đi Đà Lạt có chuyện gì đặc biệt không kể lại cho ta nghe”. Tôi ngập ngừng nói rằng:”Thưa cụ, có chuyện đúng là đặc biệt nhưng không được vui, nếu kể ngay bây giờ thì con sợ rằng sẽ làm “sái” cả một năm.”, “Cứ kể, không sợ. Có gì cứ nhìn thẳng, việc đã đến thì né cũng không tránh được. Dữ có khi lại là lành.” Nghe lời cụ tôi mới tự tin kể cho cụ nghe và dưới đây là tóm tắt những gì tôi đã kể cho cụ:

Gia đình tôi vào Đà Lạt trước Tết khoảng vài ngày, chúng tôi ở nhà của anh trai tôi, ngôi nhà nằm ở trên gần một đỉnh đồi còn khá thưa thớt dân tại phường 8 Đà Lạt. Khí hậu, phong cảnh và môi trường Đà Lạt vẫn còn là nơi hết sức lý tưởng và tuyệt vời so với Hà nội, thủ đô mến yêu của tôi và (chắc là) của tất cả mọi người Việt nam khác. Sáng mồng Một Tết (tức ngày 3/2/2011) khoảng 09h, cả nhà “xuất hành” bằng việc đi lễ chùa ở ngay ngôi chùa Vạn Hạnh gần nhà. Tôi có nhiệm vụ chở hai cậu út ít nhất nhà (con út tôi và con út anh trai tôi, tuổi vừa đến một giáp) bằng chiếc xe máy Honda. Xe vừa bò lên gần đỉnh dốc, tôi chợt nhìn thấy hai người đàn ông mặc quần áo tối màu đứng cạnh một chiếc xe máy dưới lùm một cây thông tán rộng ở phía đầu dốc. Linh tính và kinh nghiệm nhiều năm qua bảo tôi rằng “các “anh ấy” đấy!” Đúng như thế. Qua gương chiếu hậu tôi nhìn thấy hai người đàn ông đó dắt xe và nổ máy bám theo tôi ngay. Sáng mồng Một Tết đã được chăm sóc như thế thì có lẽ khó mà không cảm thấy một chút chút “đặc biệt” trong người. Nhưng tôi vốn luôn quan niệm rằng “việc của ai người đó làm” và “việc của mình mình làm”, nên tôi dường như không có bất kỳ một vấn vương gì, coi như không có chuyện gì và quyết định không nói cho ai biết. Tiếng ríu rít, hồn nhiên, líu lo, tinh nghịch của hai cậu bé (anh em) lâu ngày mới được gặp lại nhau, cứ văng vẳng trong gió ngay sau tôi làm tôi thấy cuộc đời thật thú vị biết bao, luôn chất chứa bao điều bí ẩn, thi vị và thách thức. Nắng rực rỡ, độ cao, tầm nhìn ngút ngàn, các con dốc và những làn gió lạnh tinh nghịch, nhưng không “gắt gỏng”, của Đà Lạt, thật đẹp, thật quyến rũ. Khi gửi xe và đi bộ vào trong chùa, tôi mới biết không phải chỉ có hai người đàn ông đã đi theo tôi từ trên đỉnh đồi gần nhà mà còn vài người nữa, trong đó có cả một cô gái tuổi còn khá trẻ. Sau đó tôi mới biết không phải tôi là người duy nhất trong gia đình phát hiện ra những “du khách” đặc biệt đó.


Vài “du khách” đặc biệt trong ngày mồng Một Tết Tân Mão tại bãi giữ xe chùa Vạn Hạnh Đà Lạt.
Kể từ đó mỗi khi tôi rời khỏi nhà luôn có ít nhất hai người trên một xe máy theo tôi khắp nơi. Tôi vẫn sinh hoạt, đi lại một cách bình thường, không hề lo lắng một chút gì, vẫn đến những nơi dự định đến, vẫn đi về như việc cần phải thế. Tôi thường tự đi lại, cố gắng không để cuộc sống trở nên bị gò bó, đảo lộn hay làm phiền đến người khác. Nhưng tôi thấy có một điều “đặc biệt” là đây là lần đầu tiên trong nhiều lần vào Đà Lạt tôi “được” chăm sóc “đặc biệt” như thế. Nhưng tôi nghĩ chắc sự “chăm sóc” này cũng giống như nhiều lần “chăm sóc” khác ở Hà nội thôi.

Chiều muộn ngày mồng Bốn Tết (tức ngày 06/02/2011), tôi lấy xe máy một mình đi đến nhà chị gái để hàn huyên và nũng nịu bà chị và ông anh rể vừa qua tuổi 60 (theo lịch ta). Nấn ná qua cả giờ ăn cơm tối đã hẹn ở nhà và phải mang xe về cho bà chị dâu đi có việc, tôi quyết định phải về vì không muốn lỡ hẹn, nhưng sau khi “điều đình” thì tôi được tiếp tục ở lại ăn cơm ở nhà chị gái và nhờ con gái của chị mang xe về đưa cho bà chị dâu. Đến tận 22h hơn tôi mới đứng lên ra về nhưng thay vì tôi định lấy xe của anh chị đi một mình thì ông anh rể cứ nhất quyết cầm lái đưa tôi về. Phố xá Đà Lạt vào lúc mới chỉ hơn 22h ngày Tết mà thật vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng mới thấy tiếng xe máy hoặc ô-tô xoẹt qua vội vã trong ánh đèn vàng và cái lạnh đã giá hơn nhiều so với chỉ vài giờ trước đó. Ra ngoài đường, ông anh rể tôi tự nhiên lại đi ngược với hướng mà tôi và mọi người vẫn thường đi. Trên chiếc xe máy phóng nhanh trong đêm, hai anh em gần như phải im lặng hoàn toàn trước những làn gió mạnh và lạnh phất vào mặt. Tôi không phát hiện thấy ai đi theo cả và thầm nghĩ chắc muộn rồi nên các “anh ấy” về nghỉ và cũng biết chắc là giờ này mình còn đi đâu nữa. Khi đến gần con dốc của đường Phù Đổng Thiên Vương, chỗ gần lên khu vực chùa Vạn Hạnh, đây là đường duy nhất để trở về nhà, tôi và ông anh rể để ý thấy phía trước có một nhóm người đứng lố nhố ngay dưới lòng đường phía bên phải, trong đó có một người dáng điệu hơi nghiêng ngả đứng ở giữa đường. Ngay lúc đó cũng có một chiếc xe máy từ phía sau phóng vụt qua chúng tôi và từ từ đi qua đám người đó nhưng vô sự. Sau đó tôi thấy có một người đàn ông trong đám người chạy ra ôm và kéo người có dáng nghiêng ngả lui vào phía trong một chút như có ý mở đường cho chúng tôi qua. Nhưng khi xe của tôi đến gần nơi thì người có dáng nghiêng ngả đó nhảy xổ ra, tôi thấy xe loạng choạng và “xoạt” một cái rất mạnh, tôi thấy rát ở phía nửa dưới má phải và cằm. Xe tôi vẫn tiếp tục phóng đi, thoát hẳn khỏi đám người và chạy về đến nhà vô sự. Đến lúc đó ông anh rể tôi mới nói anh bị kẻ đó đấm thẳng vào mặt và không biết trời xui đất khiến thế nào anh đã cúi được đầu xuống nên cú đấm trượt vào phía trên mũ bảo hiểm. Tôi chỉ nói với anh rể tôi là “may quá chắc là chỉ gặp bọn say rượu thôi nên anh em mình mới thoát.” Nhưng lúc va chạm với người đó cả hai anh em tôi đều không nhận thấy mùi rượu thường thấy khi ở bên kẻ say rượu.

Nghe xong, cụ già nói: “May thì may rồi nhưng phải hiểu đó là cái may do cả của trời và của người nữa. Anh ạ.”. “Cụ có thể nói cho con rõ hơn không?” Cụ vuốt râu, tợp một ngụm rượu và nói: “Nó là thế này. Trước hết là phải nói về người, mặc dù người phải kính trời. Thứ nhất là “họ” cũng mới chỉ có kế hoạch xuống tay ở mức độ “cảnh cáo” thôi chứ không phải là “kết thúc”. Thứ hai là có thể người thực hiện cũng có “duyên” với anh nên sự ra tay chưa chính xác nên các anh gần như không bị xây xát gì, cho dù có hơi rát mặt. Đúng không nào? Thứ ba, cũng phải kể là ông anh rể anh là người có phản xạ nhanh hoặc là may mắn lại có phản xạ nhanh vào đúng lúc đó nên tránh được cú “thôi sơn chính diện”. Nhưng theo tôi cái này không cơ bản. Nếu họ muốn “kết thúc” hay muốn “chính xác” thì không có gì khó cả đâu.” “Thưa cụ thế còn cái may do trời?”, tôi nôn nóng hỏi cụ. “À.”, cụ dừng một lúc, nhíu mày, tay vẫn nắm cốc rượu. “Tôi thì tôi thấy thế này. Nếu như tối hôm đó mà mọi việc cứ xảy ra như thường lệ theo bản tính và thói quen của anh thì sự việc có thể khác rất nhiều rồi. Cái cơ may ngẫu nhiên hôm đó là anh, đúng ra là vô tình các anh, đã làm đảo lộn một chút kế hoạch của họ. Thứ nhất là anh không về theo lộ trình bình thường. Thứ hai là anh không về một mình. Thứ ba là anh về muộn hơn bình thường. Thứ tư là anh ngẫu nhiên lại đội chiếc mũ bảo hiểm có che cả mặt, nhất là mắt. Mỗi thứ nó khác một chút thôi nhưng có thể làm sự việc thay đổi hẳn.” “Dạ vâng” tôi đỡ lời cụ. “Tỷ dụ như do chờ lâu nên tay chân không được chuẩn hay đúng lúc đó kẻ hành sự lại đau bụng chẳng hạn. Nhưng cái bao trùm nhất là ta vẫn không thể giải thích được hết là tại sao những điều ngẫu nhiên đó lại xảy ra như thế mà không xảy ra thế khác. Đó mới gọi là cái “cơ huyền diệu” của Trời. Chả có kẻ nào định đoán được. Nhưng nói là trời ta vẫn phải hiểu cũng là do người cả đấy thôi. Người mà không có thì làm gì biết đến trời. Người mà không cố gắng, tử tế thì trời cũng chịu. Thế nên người ta mới nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, nhưng người ta cũng phải biết câu “tận nhân lực tri thiên mệnh”.” “Dạ vâng.”, tôi lại hứng lời cụ và nói: “Vậy, thưa cụ, con nên xử sự thế nào sau sự việc này, ạ?”. Cụ lại tợp một ngụm rượu và thong thả nói: “Trung ngôn thì nghịch nhĩ. Trung ngôn cũng dĩ nạn. Nhưng chính “nạn” mới chứng tỏ “ngôn” là “trung”. Thân xác con người là quí vì đó là tinh cha huyết mẹ, là tác thành của trời đất. Đừng coi thường thân xác, liều lĩnh tấm thân gầy. Nhưng đó mới chỉ là một phần của con người thôi. Cái quan trọng hơn, cái làm thành con người, nhưng khó thấy hơn, nhất là ở thời loạn, là cái “tinh thần”.” “Dạ vâng. Thưa cụ.” tôi nói nhỏ để tiếp cụ. Cụ giơ bàn tay phải ra phía trước, mở ra nắm lại mấy cái rồi nhìn đăm đăm vào lòng bàn tay, nói: “Thân xác cố giữ thì được bao lăm. Bất quá chỉ thêm được vài chục xuân mà thôi, bõ bèn gì so với hóa công. Mà ai định được thiên cơ, định được sự chết? Sinh có hạn tử bất kỳ. Đấy, tôi chỉ dám nói thế để anh tự nghĩ và quyết định thì hơn.” Cụ nhìn tôi trầm ngâm và trong đôi mắt già dưới hàng lông mày như cước ánh lên một điều gì đó sâu lắng, khó tả, nhưng thân thương.

Khi chia tay cụ ra về, cụ nói với tôi: “Chuyện anh kể đúng là đặc biệt, nhưng không làm “sái” cái gì đâu. Kẻ giấu đời, trốn đời, hại đời mới làm “sái” và tự “sái”. “

Chia tay cụ về tôi cảm thấy vui và cứ nghĩ miên man những điều cụ nói. Căn cứ vào những gì tôi hiểu qua buổi trò chuyện với cụ già kể trên, tôi cũng tin không có gì là “sái” khi chia sẻ câu chuyện này với mọi người trong dịp đầu xuân. Khi đi qua một số chùa ở Hà nội tôi thấy khói hương vẫn nghi ngút, người ra vào đông lắm, bãi gửi xe bao la, có cả những chiếc xe ô tô bóng lộn có biển số màu xanh.

Phạm Hồng Sơn
08/02/2011
(6 tháng Giêng năm Tân Mão)