Tối qua cả nhà lại làm chuyến đi bộ lang thang quanh khu phố cổ. Dọc Hàng Mắm, Hàng Bạc rẽ sang Hàng Đào, vòng lại Hàng Buồm, Hàng Giầy, Mã Mây, Hàng Bạc. Nhiều điều buồn trong “Hà nội Băm sáu phố phường” của Thạch Lam vẫn còn nguyên và có phần thêm cái mà Thạch Lam không nói tới là rác. Không biết rác lúc đó có bị “sỗ sàng” “khinh rẻ”, phải nằm vương vãi dọc vỉa hè hay cạnh các thùng rác đẹp to đùng như hôm nay? Các cửa hàng buôn bán tuy được trang hoàng bằng nhiều thứ ánh sáng điện hay biển hiệu cắt chữ vi tính cầu kỳ, nhưng xem ra không có vẻ lộng lẫy như Thạch Lam mô tả, chưa kể còn thấy xen vào các quán nước nhỏ “xập xệ” với vài món đồ rẻ tiền (nước chè, kẹo cao su, mực nướng) có người chủ ngồi lầm lũi, nép vào bên cạnh ngõ nhỏ sâu tối hay bên bờ tường xam xám.
Dọc một đoạn Hàng Đào, không thấy bất kỳ “con thú hiền lành” nào của Thạch Lam nữa. Trong câu chuyện với anh bán giầy năm xưa, nay đã bán quần áo, có nhắc đến bà Bô, một chứng nhân đặc biệt của Hàng Ngang, Hàng Đào. “Cũng xong rồi”,...”Bị lừa”,…
Quán “Chí Mà Phù” nổi tiếng của nghệ sỹ hài Phạm Bằng trông khiêm tốn lẫn vào con phố nhỏ, tấp nập. Nhưng nhìn kỹ thấy ngay được sự đắt hàng ghê gớm. Dải ghế nhựa nhỏ trải dài từ trong ngõ (và chính là quán) ra suốt vỉa hè bên ngoài với trai thanh nữ tú đang lúi húi, say mê với bát với thìa trên tay. Phạm Bằng trông nhẵn nhụi, gọn gàng đứng ngay ngoài vỉa hè, ra chừng đón khách, nhưng nụ cười, hình như, đã bị bỏ lại trên sàn diễn. Người phụ nữ trạc tuổi trên 30, nhỏ nhắn và trông cũng hơi nền nã đứng thu tiền và cũng là người xếp chỗ cho khách, dường như coi khách đến ăn là chuyện đương nhiên nên không cần phải đon đả hay tỏ ra welcome, nhưng cũng sẵn sàng chỉ dẫn cho khách bằng buông những câu ngắn ngủn, không cần chủ ngữ, “ngồi đây”, “hết trôi rồi”. Đi sâu vào trong quán mới thấy được “mặt sau” (“mặt thật”?) của cuộc sống vẫn còn quá lam lũ, nhếch nhác. Một cái nền ngõ gạch ẩm ướt, có khoảng trời riêng trên một sân chung, nhưng nhìn lên và xung quanh thấy sự tối tăm, cũ nát hiện rõ. Những ống nước bắc thêm, bồn nước nằm bụi bặm, người rửa bát ngồi giữa các chậu bát, xô nước to sụ, đang lần mò trong một chậu nhựa to, nước trong đó có mầu đục rất khó tả nhưng sự nhớt nhát như cảm thấy ngay trên tay mình. Chắc nước ở đây vẫn là thứ hiếm? Một điểm ấn tượng là ở trên mái quán (mái ngõ) có một cây si khá to, chơi vơi, gốc rễ đang cố bám miết vào mặt bức tường ở trên cao, nhưng cành lá vẫn xanh um, tỏa ra xung quanh và các chùm rễ khí vẫn ngạo nghễ thõng xuống.
Trở về gặp cuốn sách của NXB Thông Tấn “Chuyện của thời bao cấp”, với những câu chuyện về thời “ngăn sông cấm chợ”, lật qua thấy những cảnh khổ sở, vô lý được kể với một giọng tưng tửng. Nhìn qua thấy nhiều tác giả là người đã có đóng góp để duy trì thời kỳ khốn khổ đó. Kỳ cục nhất là lời giới thiệu có những câu đại ý như “Mặc dù khó khăn như thế nhưng nhân dân ta vẫn vượt qua được” và “Thế hệ trẻ cần phải biết trân trọng và sống xứng đáng với sự hy sinh của lớp cha anh”.
Nhìn ra ngoài thấy một chiếc BMW 2.0 đỗ xịch trước vỉa hè, thanh niên ngồi sau tay lái mở cửa bước ra chỉ với chiếc quần đùi và áo T-shirt.
Nhiều cái khổ, cái thiếu thốn của xã hội trước đây đã mất. Nhưng những thói thô thiển, xuề xòa, hợm hĩnh, ngông nghênh, cam chịu, ngờ nghệch và lừa mỵ vẫn tỏ ra còn nhiều và nặng lắm.
30/10/2009