Theo thuyết Âm dương và thuyết Ngũ hành của người Á Đông cổ đại, thế giới tự nhiên luôn biến hóa không ngừng và cần các yếu tố đối lập để ước chế, điều hòa nhằm có được sự phát triển cân bằng, lành mạnh nhất. Theo quan niệm của người xưa, vũ trụ khi mới sinh ra là một khối rất lớn gọi là thái cực. Rồi, thái cực sinh ra hai nghi (lưỡng nghi) là âm và dương. Âm dương kết hợp với nhau để tạo ra năm hành (ngũ hành) là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Từ ngũ hành sẽ tạo ra ba thể (tam tài) của vũ trụ là thiên (trời), địa (đất) và nhân (người). Trong mỗi thể đó đều có sự kết hợp chặt chẽ và cân bằng giữa âm, dương và các thành phần của ngũ hành.
Thuyết Âm dương cho rằng âm dương là một thuộc tính nội tại của mọi sự vật, hiện tượng. Từ đất trời, mặt trăng mặt trời cho đến lục phủ ngũ tạng, tính khí buồn vui của con người hay màu sắc trắng đen cũng đều được qui vào âm hay dương. Tuy nhiên, âm dương không phải là một vật chất cụ thể mà là một thuộc tính mâu thuẫn, đối lập nằm trong mọi sự vật, hiện tượng. Tuy đối lập nhưng âm dương còn có tác dụng, ý nghĩa sinh ra nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Do đó biểu tượng cho thuyết âm dương là một hình tròn chia đôi bằng nhau bằng một ranh giới mềm mại, bên trắng là dương và bên đen là âm, nhưng bên trắng lại có một nhân đen và bên đen cũng có một nhân trắng. Người xưa thường nói âm ở trong để giữ gìn cho dương, dương ở ngoài để giúp đỡ cho âm. Như vậy, thiếu âm hay thiếu dương, mọi sự vật hiện tượng đều không thể phát triển được bình thường. Nói cách khác, để khôi phục sự phát triển bình thường cần xem xét để nuôi dưỡng, phục hồi lại phần đối lập đã bị mất hoặc nhược.
Thuyết Ngũ hành về căn bản cũng là một cách thừa nhận và biểu thị qui luật mâu thuẫn, đối lập tất yếu và cần thiết của vũ trụ. Thuyết Ngũ hành cho rằng mọi sự vật hiện tượng đều do năm loại chất tạo thành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mỗi loại vật chất này đều có những tính chất và công dụng đặc trưng mà loại khác không thể thay thế được và chúng kết hợp, tác động tới nhau theo một tinh thần cơ bản là cộng tác và ước chế mà người xưa gọi là Luật tương sinh, Luật tương khắc và Luật chế hóa. Theo Luật tương sinh thì năm loại chất đó có mối quan hệ đều là nguồn gốc của nhau, sinh ra nhau theo một chu trình khép kín: thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy lại sinh mộc và cứ tiếp diễn mãi như thế. Luật tương khắc lại qui định các chất có mối quan hệ đối nghịch, kiềm chế lẫn nhau: mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc và mộc lại khắc thổ. Còn Luật chế hóa là sự phối hợp của tương sinh, tương khắc nhằm giữ cho sự vật, tự nhiên được phát triển trong thế quân bình, không để cho một lực lượng, vật chất nào trở thành thống soái hay phát triển thái quá (đều là hại). Ví dụ: Mộc khắc thổ, thổ sinh kim, nhưng kim lại khắc mộc, vậy, nếu mộc khắc thổ một cách thái quá thì “con” của thổ là kim tất sẽ khắc mộc để kìm chế sự thái quá của mộc. Tương tự, hỏa khắc kim, kim sinh thủy, thủy lại khắc hỏa, v.v. Như vậy, theo thuyết Ngũ hành thì sinh và khắc đều cần thiết cho sự phát triển và giữ gìn thế cân bằng trong vũ trụ, để không một lực lượng, vật chất nào có thể trở thành duy nhất, độc đoán.
Nhìn vào thực trạng tự nhiên hiện nay của trái đất cũng có thể thấy thuyết âm dương, ngũ hành vẫn còn nguyên giá trị. Hai cực của trái đất và sa mạc Sahara là những nơi mất cân bằng lớn về âm dương đều là những nơi có sự sống, sự phát triển rất khó khăn và nghèo nàn. Còn nơi đâu âm dương cân bằng, ngũ hành đầy đủ, nóng lạnh đồng đều, mưa nắng thuận hòa thì sản vật, muôn loài đều trù phú, dễ dàng sinh sôi, nảy nở. Nhưng đó mới chỉ nói đến hai thể đầu tiên của tam tài là Thiên và Địa.
Còn nếu nhìn vào xã hội của Con người (Nhân) thì cũng thấy các quốc gia phát triển cân bằng nhất, lành mạnh nhất hiện nay đều là các quốc gia tôn trọng (một cách vô tình hay hữu ý) thuyết Âm dương, thuyết Ngũ hành, cho dù quốc gia đó đang ở Đông hay Tây. Trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội của các quốc gia Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan), Bắc Mỹ (Canada, Mỹ) hay các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, qui luật âm dương, tương sinh, tương khắc, chế hóa của thuyết Âm dương, Ngũ hành đều hiển hiện rõ ràng, được yêu mến và tôn trọng nghiêm ngặt. Ở đó có đảng cầm quyền thì lại có đảng đối lập, có báo chí nhà nước thì cũng có báo chí tư nhân, có cánh tả thì lại có cánh hữu, nhà nước có cảnh sát thì dân chúng có quyền biểu tình, v.v. Không lực lượng nào có quyền tuyệt đối hay dám tự nhận là lực lượng “tiến bộ”, “ưu tú” của xã hội. Và bản thân ngay trong một đảng, một lực lượng cũng có những “phần tử” đối lập, chống đối nhưng vẫn được tôn trọng, được sống, được sinh hoạt yên bình một cách “tương sinh, tương khắc” với các đồng đảng và các thành phần khác trong xã hội. Việc thay đổi quan điểm chính trị hay từ bỏ đảng tịch cũng được coi là một chuyện tự nhiên đúng như “trong âm có âm dương, trong dương có dương âm, âm đến cực độ sinh ra dương, dương đến cực độ sinh ra âm.”
Vì vậy, nếu một đảng cầm quyền đang tha hóa, cần chỉnh đốn, sửa chữa mà lại có những đảng viên dám nêu lên những quan điểm đối lập với nghị quyết, với cương lĩnh của đảng thì đó là một hiện tượng không chỉ hợp với qui luật tự nhiên, với triết học Á Đông mà còn là một nhân tố quí cho sự tiến bộ của chính đảng đó và đất nước đang phải chịu sự lãnh đạo của nó. Những ý nghĩ không đồng tình với quan điểm đối lập đó cũng là lẽ tự nhiên, nhưng sẽ trái tự nhiên, chống lại Trời Đất và phản lại tiến bộ nếu lại coi sự đối lập là “thù địch” hay muốn “xử trí nghiêm khắc” những nhân tố đối lập đó.
Phạm Hồng Sơn
12/01/2011