Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Ủng hộ bà Ba Sương

Theo tinh thần trọng pháp của Hàn Phi cách đây hơn hai ngàn năm “Pháp luật bất vị thân” (“Pháp luật không hùa theo người sang. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không thể tránh.) hay theo tinh thần Nhà nước Pháp quyền hiện đại “Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng” thì việc phản đối bản án phúc thẩm 08 năm tù giam và buộc bồi hoàn hơn hơn 4,3 tỷ đồng đối với bà Trần Ngọc Sương (cựu giám đốc Nông trường Sông Hậu) bằng những lý do như có nhân thân tốt (có cha và bản thân đều được phong danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều công lao khác) hoặc có hơn 100 người đã ký đơn “xin ở tù thay” đều không thuyết phục.

Trong một xã hội tôn trọng pháp luật thực sự, thì việc đưa ra những yếu tố tình cảm hay công trạng để biện minh cho sự vô tội không chỉ không cần thiết mà còn có thể làm cho những “thẩm phán” nghiêm minh càng nghiêm khắc hơn.

Nếu bản thân bà Ba Sương và những người ủng hộ bà có niềm xác tín vào những việc mình làm là thuộc về lẽ phải thì bà và những người ủng hộ cần hết sức tự tin, sáng suốt và lạc quan để bảo vệ lẽ phải bằng các công cụ pháp lý với những chứng cứ và lập luận thuyết phục.

Khi lâm vòng lao lý mà vẫn có được sự bảo vệ, chia sẻ công khai từ những người đã từng là cấp dưới, hay nhận được cả sự lên tiếng ủng hộ của cựu Phó Chủ tịch nước như bà Ba Sương thực sự là một hiện tượng hiếm có trong xã hội thời nay và là một lợi thế tinh thần quí giá cho người đang bị cáo buộc. Tuy nhiên, nếu tin rằng một người có danh vị như bà Ba Sương đã bị kết tội bất công, thì lỗi “gốc” không nằm ở các thủ tục tố tụng hay chỉ là vấn đề “quá bất công cho cô ấy”. Nếu không truy được lỗi “gốc” hay chỉ coi đó là trường hợp cá biệt thì xã hội vẫn còn có nhiều bà “Ba Sương” nữa. Hoặc nếu mong cầu sự rủ lòng thương của những kẻ cố tình bách hại thì có thể chỉ nhận được thêm sự khinh thường.

Dĩ nhiên, trong một xã hội mà pháp luật vẫn chỉ là công cụ cho những toan tính của những người có quyền thì việc tranh biện pháp lý cần phải thừa nhận là vô vọng. Nhưng không vô nghĩa. Bởi, bảo vệ lẽ phải luôn cần sự tự tin, đàng hoàng và cả sự chấp nhận thách thức. Trong một xã hội đầy bất công, sự vững vàng, bất khuất của những người đã có danh vị xã hội trong việc bảo vệ lẽ phải lại càng giá trị. Đối với người yêu mến lẽ phải, lao lý không phải là sự thua thiệt.

Phạm Hồng Sơn
22/11/2009