Không biết trong những phiên tòa tới đây dành cho các anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn, Vũ Hùng và Phạm Văn Trội, các thẩm phán sẽ xử trí ra sao để luận tội những bị cáo này?
Không lẽ các thẩm phán lại chất vấn các bị cáo với các câu hỏi như thế này:
- Đề nghị bị cáo cho biết động cơ nào đã đẩy bị cáo đi đến chỗ đưa ra lời kêu gọi “Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo Việt Nam.” trong khi nước bạn Trung quốc đang ráo riết thôn tính, chiếm giữ từng tấc đất, hòn đảo của chúng ta?
- Yêu cầu bị cáo phải thành khẩn cho biết ai đã xúi giục bị cáo trương khẩu hiệu “Kiên quyết đấu tranh tiêu diệt bọn tham nhũng!”, trong khi nhân dân đang rất bất bình về cách xử lý các vụ án như PCI hay PMU 18 hay Đề án 112?
- Bị cáo phải khai rõ tại sao lại đi treo khẩu hiệu “Yêu cầu ĐCSVN chấp nhận đa nguyên, đa đảng” giữa chốn đông người, trong tình hình các cụ lão thành cách mạng đang hết sức bức xúc về sự suy đồi của Đảng? (1)
Không phải chỉ có thời nay những người yêu nước Việt Nam mới bị đọa đày, xử phạt. Lịch sử Việt Nam đã cho thấy mỗi khi chủ quyền đất nước bị khống chế hoặc bị rơi hoàn toàn vào tay lực lượng ngoại bang hoặc những thế lực phản động, những người yêu nước bất khuất thường phải trở thành những tội đồ trước sự phán xét của những người đồng bào phải làm việc với giặc hoặc cố ý làm tay sai cho giặc. Nhưng, không phải bất cứ ai cộng tác với giặc, làm việc với giặc cũng có cùng một dã tâm với giặc. Tạp chí Xưa & Nay cũng vừa có bài nhắc lại lòng yêu nước, thương nòi của một đại thần triều Nguyễn đã khôn khéo và quyết đoán ủng hộ và cứu được mạng sống của một người yêu nước có tên là Phan Châu Trinh, trước sức ép đòi “trảm quyết” (tức “chém ngay”) của tên quan đô hộ Khâm sứ Pháp Lévecque.(2)
Những người sắp ra tòa trong những ngày tới có thể không có sự sang trọng như nhiều người khác hoặc không thể sánh được tầm vóc của chí sỹ yêu nước tiền bối Phan Châu Trinh. Nhưng chắc chắn, những hành động quả cảm vì đất nước của họ là điều không còn nghi ngờ.
Chủ nghĩa dân tộc mù quáng là điều cần phải tránh, ngay cả khi Tổ quốc lâm nguy. Nhưng trong những phiên tòa sắp tới, hy vọng vẫn sẽ có những con người nhớ đến một truyền thống nhân văn của người Việt Nam: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Sức ép của các thế lực đen tối, có thể rất ghê gớm, nhưng hy vọng , sẽ phải lùi lại trước sức mạnh của tình đồng bào và lòng yêu nước.
Phạm Hồng Sơn
05/10/2009
(02 ngày trước các phiên tòa xử các anh Vũ Hùng, Phạm Văn Trội, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn.)
(1)Những chữ trong ngoặc “ “ viết nghiêng là trích từ bản kết luận điều tra (BỘ CÔNG AN-CƠ QUAN NĐT Số 17 / KLĐT, ngày 17/05/2009)
(2) Nguyễn Hồng Trân, Ý thức và tinh thần đối nhân xử thế của Thượng thư Lê Trinh, Xưa & Nay, số 339, tháng 09/2009