Giữ vững được ý chí và niềm tin cá nhân vào lý tưởng khi ở trong tù luôn là một thách thức hết sức lớn, và đặc biệt khó hơn khi nền tảng đạo đức của xã hội đã bị mục từ lâu và còn đang bị lật xuống. Sự khó khăn còn lớn hơn nữa khi cả một tập thể đấu tranh cùng lúc bị lâm nạn và (chắc) đã phải xem sự chao đảo, ngã lòng của nhiều người cùng chí hướng.
« Cách mạng » là một từ luôn gợi lên sự lớn lao và thiêng liêng, nhưng người dấn thân trên con đường cách mạng không phải là thánh thần.
Các anh Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội cũng chỉ là những con người, và có thể còn có nhiều điểm yếu và khiếm khuyết. Nhưng, sự thể hiện của các anh trong các phiên tòa sơ thẩm vừa qua đã cho thấy một khí phách cần có của người làm cách mạng. Thật trân trọng và xúc động!
Các phiên tòa sơ thẩm dành cho các anh đã khép lại. Sự bất công của tòa án đã được thể hiện một phần qua chính tiếng kêu ai oán từ một số người vợ lam lũ của các anh là: « tàn bạo », « dã man », « quá đáng ».
Có Tiến bộ nào, có Tự do nào không cần phải gắng sức, hy sinh ?
«Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai ?» (1)
Những người làm việc thiện nguyện cho cộng đồng luôn hiểu điều đó và tin rằng, tự hào rằng họ đang góp một phần (rất) nhỏ bé cho tiến bộ của xã hội mai sau. Trong xã hội tiến bộ đó sẽ có thế hệ con cháu của riêng họ và của cả những người, ngày hôm nay, đang bức hại họ.
Xin nghiêng mình chúc mừng các anh và gia đình các anh. Và mừng thêm cho cả xã hội.
Phạm Hồng Sơn
10/10/2009
(Một ngày sau loạt phiên tòa sơ thẩm tại Hà nội và Hải phòng dành cho Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Kim Nhàn và Nguyễn Mạnh Sơn, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội và Vũ Hùng)
(1) Lời trong bài hát "Một rừng cây, một đời người" của Trần Long Ẩn