Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

Sự cần thiết của hệ thống tòa án liên bang Mỹ


Một vấn đề lớn khác được đưa ra tranh luận trong Hội nghị (Hội nghị Lập hiến tại Philadelphia tháng 05-09/1787-ND) là hệ thống các tòa án và thẩm phán cấp liên bang.

Các đại biểu đều là những người am hiểu vấn đề này. Trong số họ, có 34 đại biểu là luật sư, 08 người là thẩm phán tại các bang. Nhưng có một câu hỏi lớn vẫn bỏ ngỏ: Các bang đã có các tòa án và thẩm phán riêng rồi. Vậy chính quyền trung ương có cần thêm như thế không?

Nhiều đại biểu cho rằng không cần. Roger Sherman đến từ Connecticut nói rằng các tòa án hiện tại ở các bang là đã đủ rồi. Hơn nữa, ông ta nói thêm, thêm một hệ thống tòa án cấp trung ương sẽ gây thêm rất nhiều chi phí.

John Rutledge đến từ South Carolina phản đối hệ thống tòa án trung ương ở cấp thấp. Nhưng ông ta lập luận ủng hộ cho một tòa án Tối cao.

Hội nghị đã bỏ phiếu đồng ý cho cả hai ý tưởng này. Sẽ có một Tòa án Tối cao và một hệ thống tòa án trung ương cấp thấp hơn. Các tòa án trung ương sẽ phân xử các vụ việc liên quan đến các luật liên bang, đến quyền lợi của các công dân Mỹ và các sai phạm của người nước ngoài trên đất Mỹ.

Hệ thống tòa án các bang vẫn sẽ tiếp tục phân xử các vụ việc liên quan tới luật của các bang.

Vấn đề tiếp theo liên quan tới việc bổ nhiệm các thẩm phán trung ương. Một số đại biểu cho rằng các thẩm phán phải do cơ quan lập pháp trung ương bổ nhiệm. Một số khác cho rằng để tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán.

James Wilson đến từ Pennsylvania lập luận ủng hộ việc để một cá nhân bổ nhiệm các thẩm phán. Ông ta nói rằng kinh nghiệm cho thấy các cơ quan không thể thực hiện việc bổ nhiệm một cách công bằng hoặc công khai.

John Rutledge phản đối mạnh mẽ. Chả có lý nào, ông nói, lại để tổng thống bổ nhiệm thẩm phán. Ông cho rằng cách đó quá giống với chế độ quân chủ.

Benjamin Franklin lại kể một câu chuyện vui. Ở Scotland, Franklin nói, các thẩm phán do chính các luật sư bổ nhiệm. Họ thường chọn luật sư tốt nhất để làm thẩm phán. Sau đó họ phân chia công việc cho nhau.

Các đại biểu tiến hành bỏ phiếu. Nhưng họ chỉ thống nhất được với việc lập ra một Tòa án Tối cao. Còn các chi tiết cho toàn bộ hệ thống sẽ để cho cơ quan lập pháp liên bang và tổng thống quyết định.

Cơ quan lập pháp sẽ quyết định số lượng thẩm phán trong Tòa án Tối cao. Tổng thống sẽ bổ nhiệm thẩm phán. Cơ quan lập pháp có thể lập thêm các tòa án cấp thấp hơn. Tổng thống cũng là người bổ nhiệm các thẩm phán đó.

Qua suốt mùa hè năm 1787, các tranh luận phần lớn dựa trên mô hình chính quyền do các đại biểu từ Virginia đề xuất. Nhưng mô hình Virginia không phải là mô hình duy nhất được đề xuất. Còn có một mô hình khác đến từ New Jersey.

Đại biểu William Paterson từ New Jersey trình bày một mô hình chính quyền sau khi hội nghị đã bắt đầu được khoảng một tháng. Các đại biểu khác ngay lập tức nhận ra mô hình này đối lập trực tiếp với mô hình Virginia.

Mô hình Virginia đề cập đến một chính quyền trung ương. Trong đó, một cơ quan lập pháp trung ương, một cơ quan hành pháp trung ương và cơ quan tư pháp trung ương sẽ có quyền lực tối cao bao trùm lên tất cả các bang. Trong khi mô hình New Jersey nói đến một chính quyền liên bang. Trong đó, mỗi bang vẫn sẽ giữ quyền lực độc lập với quyền lực của cả tổng thể liên bang.

Mô hình New Jersey chỉ đề xuất một số thay đổi trong các Điều khoản Liên bang hiện tại. Mô hình này không đưa ra một hệ thống chính quyền mới hoàn toàn.

Theo mô hình New Jersey, chính quyền liên bang sẽ có một cơ quan lập pháp trung ương chỉ với một viện. Mỗi bang sẽ có một đại biểu trong cơ quan lập pháp đó. Bang lớn hay nhỏ đều bình đẳng như nhau. Chính quyền liên bang sẽ có cơ quan hành pháp do nhiều hơn một người lãnh đạo. Không có hệ thống tòa án liên bang cấp thấp. Quyền lực của chính quyền liên bang do các bang quyết định, không phải do…nhân dân quyết định.

Những người ủng hộ cho mô hình của New Jersey nói về mục đích đích thực của Hội nghị Philadelphia. Họ cho rằng các bang gửi các đại biểu đến đây để thảo luận để cải tiến cho các Điều khoản Liên bang[1] . Họ cho rằng các đại biểu không có quyền phế bỏ các Điều khoản đó đi. Nếu sự liên hợp dưới các Điều khoản là thực sự sai lầm, họ nói, thì hãy để chúng tôi quay về với các bang của mình. Cần phải đợi để các bang cho chúng tôi nhiều quyền hơn trong việc đàm phán. Đừng để chúng tôi phải cáng đáng những trách nhiệm đó.

Sau đó, James Wilson từ Pennsylvania phát biểu. Ông ta diễn giải suy nghĩ riêng của mình về mục đích của Hội nghị. Mục đích của Hội nghị không phải đi đến sự thống nhất cho mọi vấn đề. Nhưng Hội nghị có thể đề xuất và thảo luận bất cứ vấn đề nào đó.

Wilson cũng đặt vấn đề về quyền của các đại biểu trong việc phát ngôn cho dân chúng. Phải chăng là không đúng khi ý kiến của những người khác thường bị nhầm lẫn cho rằng đó là ý kiến của dân chúng?

Ông ghi nhận rằng một số đại biểu tin chắc là nhân dân sẽ không chấp nhận một chính quyền trung ương. Rằng nhân dân sẽ không bao giờ từ bỏ quyền của riêng các bang của họ.

Wilson nghi hoặc: “Tại sao một chính quyền trung ương lại không có uy tín? Phải chăng là nó ít danh giá hơn? Hay các công dân sẽ ít tự do hoặc ít được bảo trợ hơn? Hay công dân của một bang sẽ ít được tôn trọng hơn khi trở thành công dân của Hợp chủng quốc Hoa kỳ?”

Edmund Randolph từ Virginia phát biểu tiếp theo. Ông nói, Hội nghị không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách xây dựng một chính quyền trung ương cho quốc gia. Sẽ là một hành động phản quốc nếu không làm mọi điều cần thiết để cứu lấy nước cộng hòa. Và, ông nói, chỉ có một chính quyền mới, có quyền lực bao quát mới làm được điều đó.

“Thời khắc này là thời khắc cuối cùng để có thể thiết lập một chính quyền trung ương,” Randolph nói tiếp. “Sau thời điểm này, tất cả mọi người dân sẽ không hy vọng gì nữa.”

Tranh luận về mô hình của New Jersey diễn ra vào thứ Bảy, ngày 16 tháng Sáu. Ngày thứ Hai, cả Hội nghị nghe trình bày về một mô hình chính quyền khác do đại biểu đến từ New York, Alexander Hamilton trình bày.

Hamilton trước đó nói rất ít. Nhưng vào ngày thứ Hai đó, Hamilton đã phát biểu trong 5 tiếng đồng hồ. Hamilton nói những ý tưởng của ông không phải là một đề xuất riêng, nó chỉ nên coi là những thay đổi thêm vào mô hình của Virginia. Sau đó ông đọc to lên các chi tiết.

“Tôi muốn thấy ở nước Mỹ có một vị lãnh đạo cơ quan hành pháp. Người đó sẽ do các đại cử tri lựa chọn. Người đó có quyền phủ quyết luật và quyền phủ quyết đó không thể bị bác bỏ. Người đó sẽ phụng sự chức vụ đó cho đến hết đời. Và cơ quan lập pháp trung ương sẽ có hai viện. Viện ở trên sẽ gọi là thượng viện. Viện ở dưới sẽ gọi là hạ viện. Giống như vị trí lãnh đạo của hành pháp, các thượng nghị sỹ sẽ do các đại cử tri bầu ra cho nhiệm kỳ hết đời. Các thành viên của hạ viện sẽ được nhân dân bầu trực tiếp cho một nhiệm kỳ ba năm.”

Sau đó, Hamilton nói về các bang. Theo mô hình của ông, các bang sẽ mất đi nhiều quyền hiện nay họ đang có. Thống đốc bang sẽ do chính quyền trung ương bổ nhiệm. Các bang sẽ không còn quân đội riêng nữa.

Hamilton cho rằng mô thức chính quyền hiện tại của Mỹ sẽ không phù hợp khi đất nước trở nên lớn hơn. Ông tin rằng nước Mỹ nên theo mô hình chính quyền của Anh quốc. Ông gọi đó là chính quyền tốt nhất trên thế giới.

Không một ai cắt ngang bài phát biểu dài của Hamilton. Các sử gia cho rằng đó là một sự kiện khác lạ. Vì các ý tưởng của Hamilton có tính cực đoan. Quan điểm công khai của ông ủng hộ mô hình chính quyền Anh lúc đó không được hoan nghênh. Các phát biểu của ông không được ai trong Hội nghị chấp nhận.

Thời tiết nóng bức và bài phát biểu dài làm cho các đại biểu quyết định nghỉ và tiếp tục làm việc vào một ngày khác.

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ theo sự cho phép của VOA.
Tháng 02/2009
(Nguồn:http://www.voanews.com/specialenglish/archive/2008-02/2008-02-13-voa1.cfm program #20 of THE MAKING OF A NATION)



[1] Trước khi có Hội nghị Lập Hiến, 13 bang của nước Mỹ, sau khi tuyên bố độc lập khỏi Anh, chỉ liên kết lỏng lẻo với nhau qua một văn bản có tên là các Điều khoản Liên bang (Articles of Confederation). (ND)