Phạm Hồng Sơn
Lại vừa xảy ra một cuộc tranh cãi gay gắt về lá cờ vàng ba
sọc đỏ – cờ của chính thể quá cố Việt Nam Cộng Hòa. Lần này
cuộc tranh cãi liên quan tới ca sỹ Mai Khôi, một nghệ sỹ trẻ đã có một
số biểu hiện cổ xướng, đứng về phía tự do, dân chủ, nhân quyền.
Tranh cãi, tranh luận là một điều kiện cơ bản để con
người tìm ra chân lý, hiểu được sự thật. Nhưng tranh luận về lá cờ
vàng hiện nay có hai trở ngại chính. Thứ nhất, chế độ đương quyền
tại Việt Nam vẫn là một chế độ độc tài bất dung khác biệt chính
trị và bất dung mọi thứ có thể tổn hại tới sự độc quyền quyền
lực của nó. Thứ hai, lá cờ vàng là lá cờ của một chính thể là
đối thủ của, và đã thua, chế độ đương quyền Việt Nam trong cuộc nội
chiến 1954-1975.
Trở ngại thứ nhất đưa tới những hệ quả cơ bản: các
thông tin xác thực về cờ vàng cùng chính thể song hành vẫn bị ngăn
chặn/bóp méo/cắt xén khiến cho nhiều người hiểu sai về cờ vàng; những
người còn sợ độc tài/còn muốn dựa dẫm, hưởng lộc độc tài không
thể/không dám/không muốn bày tỏ thái độ khách quan/đúng mực về cờ
vàng.
Trở ngại thứ hai dễ đưa tới hai xúc cảm thái quá
trái ngược nhau: hoặc quá nuối tiếc, quá thương cảm một cái đã mất
thành ra tình cảm ủng hộ quá mạnh; hoặc quá thiếu thiện cảm, quá
khinh miệt vì coi đó thuộc về bên thất bại, cùng với sự thu nhận
thông tin bị cắt xén/bóp méo, thành ra xúc cảm dị ứng quá lớn. Hai
xúc cảm này đều dễ đưa tới những trao đổi thiếu kiềm chế, miệt
thị, xúc phạm nhau quá mạnh – những điều không lợi cho xác định lẽ
phải, dễ đưa tới các chia rẽ, đổ vỡ.
Nhưng tranh luận sẽ bế tắc và gần như vô ích nếu một
bên thuộc nhóm người thứ hai trong hệ lụy của trở ngại thứ nhất kể
trên. Mọi lý lẽ, bằng cớ khách quan, xác thực, và ôn tồn đến đâu,
chắc chắn sẽ không thể thuyết phục được những người này công khai nhìn
nhận/ủng hộ sự thật/điều đúng chừng nào họ vẫn chưa thoát được
nỗi sợ/qui phục độc tài. Đơn giản hơn, để thấy lý lẽ, thật đáng
quí, nhưng nhiều khi vô ích: Hồ Chí Minh không bao giờ công nhận Việt
Cách hay Việt Quốc là những tổ chức chính nghĩa, ái quốc có quyền
bình đẳng trong việc tham chính trị nước; rất khó, nếu không phải
bất khả, kỳ vọng Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông đưa ra cương lĩnh
“kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nghịch lý,
dối trá”.
Trong một số bài viết của tôi, và nhiều bài viết của
người khác, đã chứng minh chính thể quá cố Việt Nam Cộng Hòa, cùng
những biểu tượng liên quan, đáng được trân trọng. Sự trân trọng này không
dựa trên tình cảm yêu-ghét, thân-sơ, mà dựa trên so sánh về mức độ văn
minh-man dã, tự do-nô lệ, dân chủ-độc tài, bao dung-hẹp hòi, nhân
bản-phi nhân và ái quốc-phản quốc. Cố nhiên, chính thể Việt Nam Cộng
Hòa đã thua, đã chết. Đó là một sự thật không thể nói khác. Nhưng
xét đúng-sai, tốt-xấu, thiện-ác không thể dựa trên thắng-thua,
được-mất. Lịch sử nhân loại và lịch sử Việt Nam đã từng xảy ra rất
nhiều biến cố trong đó cái Thiện, cái tiến bộ bị thất bại, bị tiêu
diệt; cái Ác, cái man khai hơn đã ngạo nghễ chiến thắng, thống trị
trong một thời gian, đôi khi khá dài. Nhưng không vì thế mà nhân loại tiến
bộ lãng quên, xa lánh, xúc xiểm Socrates, Thomas More, Bruno, Nguyễn
Trãi, Cao Bá Quát, Pétrus Ký, Cộng Hòa La Mã hay thành-bang dân chủ A Ten. Ngoài ra, nếu tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về lịch sử cuộc nội chiến
Việt Nam 54-75, tôi tin tưởng chúng ta sẽ biết nhiều hơn và hiểu hơn các
nguyên nhân đã đưa tới thất bại của Việt Nam Cộng Hòa – theo tôi, cũng
là thất bại chung của mọi người Việt Nam muốn có chung một Tổ quốc
tự do, nhân bản và lành mạnh.
Trong cuộc tranh luận đang nói, và những cuộc tranh
luận tương tự, còn cho thấy có một thái độ khác, ẩn tính hơn, nhưng
rất đáng bàn. Đó là thái độ tỏ ra trung lập, không ủng hộ lá cờ
nào của hai chính thể đối nghịch, cộng sản hay cộng hòa. Thái độ
này thường cơ bản tự lấy cơ sở dựa trên quyền tự do bày tỏ (freedom
of expression) hay tự do ngôn luận (freedom of speech) để khéo léo ủng
hộ quan điểm/thái độ xa lánh, miệt
thị cờ vàng.
Thoạt nhìn thái độ trung lập này rất có lý, vì dựa
vào các nhân quyền cơ bản đang là vấn đề thời thượng. Nhưng nhìn kỹ
chúng ta sẽ thấy thái độ trung lập này không ổn, hoặc là ngộ nhận
hoặc là ngụy biện cho một ẩn đích nào đó. Bởi, thứ nhất, trong
những cuộc tranh luận chúng ta đang nói tới, không có bên nào đàn áp
tự do bày tỏ/ngôn luận của bên nào, chỉ thuần túy hai bên cùng bày
tỏ quan điểm trái ngược nhau, vì vậy đưa quyền tự do ra ở đây để
biện hộ là lạc đề; thứ hai, vấn đề mấu chốt của cuộc tranh
luận/tranh cãi là việc phải xác định cờ vàng có đáng được trân
trọng hay đáng bị miệt thị thì thái độ trung lập này không hề đề
cập.
Thái độ trung lập này còn đưa thêm những lý lẽ phụ khác
như “chỉ quan tâm tới nhân quyền và tự do chứ không quan tâm tới chính
trị/chính quyền/cờ quạt”; hoặc viện dẫn lịch sử nội chiến Mỹ để
chứng minh “ủng hộ lá cờ nào cũng không quan trọng.”
Trong lý lẽ phụ thứ nhất vừa nói đã ẩn chứa một
thái độ lẩn tránh, nếu không phải là thiếu trung thực. Vì những ai
đã trải nghiệm sống tại Việt Nam từ 40 năm qua đều không thể không
nhận ra hiện trạng mất nhân quyền, tự do có sự gắn bó máu thịt với
chế độ chính trị/chính quyền – một biểu tượng của nó là “lá cờ
quốc gia” nền đỏ sao vàng.
Lý lẽ phụ thứ hai, có vẻ sang trọng và học thuật
hơn, đã tự cho thấy một tư duy so sánh/liên hệ khập khiễng, trái bối
cảnh. Bởi, thứ nhất, bên chiến thắng trong nội chiến Mỹ không đàn
áp, không sỉ nhục những người thuộc phía thua là “thù địch”, “bán
nước”; thứ hai, bên chiến thắng đã ý thức thiết lập một chế độ dân
chủ biết bao dung và bảo vệ đa nguyên chính trị, các quyền tự do căn
bản, trong đó có quyền tự do bày tỏ yêu ghét cả hai lá cờ từng là
đối địch. Nhưng cuộc nội chiến 54-75 tại Việt Nam không đưa tới kết
quả như thế, và hệ thống đương quyền cũng không cho thấy muốn đưa tới
những kết quả như vậy. Nói cách khác, thực trạng ở Việt Nam hiện
nay là tình trạng trong đó cái Ác đang thống trị, đang lấn át cái
Thiện. Vì vậy, nếu thực đứng về cái Thiện và đủ hiểu biết, bản
năng lương tâm con người không thể cho phép phát ra những thông điệp ‘trung lập’, thờ ơ giữa hai lá cờ, càng không thể biện luận để đánh đồng
cờ vàng với cờ đỏ hay cờ đỏ cũng như cờ vàng, Thiện Ác lẫn lộn.
Nhìn lại những ngày đen tối, rùng rợn của Thế chiến
II, chúng ta không khỏi lạnh mình nếu tưởng tượng những con người như Albert
Einstein, Julius Robert Oppenheimer, hay Deithich Bonhoeffer cứ tỏ ra cao đạo ‘trung lập’,
vờ khinh bỉ chính trị để thụ hưởng êm ấm, bổng lộc cho bản thân.
Thực trạng nội chiến giành giật Ác-Thiện của Việt Nam 54-75 cũng cho
thấy ‘trung lập’, dù thật hay giả, sập bẫy hay cố ý, đều đã tiếp tay cho cái Ác thống trị toàn xã hội.
Dĩ nhiên, như đã nói, vẫn có những đồng bào chỉ vì
sợ hãi, vì thiếu thông tin nên chưa nhìn ra, chưa dám bảo vệ sự thật.
Nhưng nếu chỉ có vậy, chúng ta có thể an tâm và hoàn toàn tin, tin
vào sự chân thành, sẽ có một ngày những đồng bào đó sẽ tự tin bày
tỏ lòng trân quí một lá cờ của một chính thể dân chủ, nhân bản nhất
(cho tới nay) của người Việt Nam đã từng tồn tại trong lịch sử.○
*Cập nhật 11:49 AM, 18/01/2017: Trong cụm từ "...không thể thuyết phục được những người này công khai nhìn nhận/ủng hộ sự thật/điều đúng chừng nào..." chữ "công khai" là chữ vừa được bổ sung.