Thứ Ba, 2 tháng 9, 2008

DÂN CHỦ CHO CUỘC SỐNG

DÂN CHỦ CHO CUỘC SỐNG

NHỮNG THÔNG TIN VÀ TRAO ĐỔI CẦN THIẾT CHO SỰ NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ DÂN CHỦ

Hà Nội 03/2002

Lời dẫn

Như Quí vị đã biết hình thức quản lý, lãnh đạo theo kiểu Dân chủ đã xuất hiện từ trước công nguyên, nhưng vấn đề này vẫn luôn mới mẻ và lại càng có tính thời sự khi một tổ chức, một xã hội đang thực sự kiếm tìm con đường hiệu quả nhất cho phát triển. Với mong muốn được góp một phần nào đó cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi xin giới thiệu với Quí vị các bản dịch sau đây từ tạp chí điện tử “Các vấn đề Dân chủ” số tháng 05/2000 của bộ Ngoại giao Hoa kỳ (Issues of Democracy) trên trang web www.usembassy.state.gov/vietnam của đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam:
Hướng tới một cộng đồng các quốc gia dân chủ (bản dịch của Phạm Hồng Sơn và Đoàn Mạnh từ nguyên bản Towards A “Community of Democracies “ trên trang web
www.usembassy.state.gov/vietnam , xin gửi kèm theo đây).
Quyền được hưởng Dân chủ (bản dịch của Phòng thông tin đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam từ nguyên bản The Right to Democracy, tạm thời xin xem trên trang web
www.usembassy.state.gov/vietnam mục Translated documents, do font tiếng Việt chưa in được).
Dân chủ: Quyền của tất cả các dân tộc (bản dịch của Phòng thông tin đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam từ nguyên bản Democracy: A Right of all Nations, tạm thời xin xem trên trang web
www.usembassy.state.gov/vietnam mục Translated documents, do font tiếng Việt chưa in được).
Vận động Dân chủ: Trọng tâm chính yếu trong trật tự mới của thế giới (bản dịch của Phạm Hồng Sơn và Đoàn Mạnh từ nguyên bản Democracy Promotion: A Key Focus in a New World Order trên trang web
www.usembassy.state.gov/vietnam ; xin gửi kèm theo đây).
Tìm kiếm sự dung hòa giữa Dân chủ và Nhân quyền (bản dịch của Phòng thông tin đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam từ nguyên bản Sovereigneity and Human Rights: The Search for Reconciliation, tạm thời xin xem trên trang web
www.usembassy.state.gov/vietnam mục Translated documents, do font tiếng Việt chưa in được).
Mặc dầu những bài viết này đã công bố cách đây gần 02 năm, nhưng chúng tôi hy vọng chúng vẫn sẽ mang lại cho chúng ta những suy nghĩ , gợi mở cho vấn đề cấp thiết của đất nước Việt nam: Làm thế nào để có được một cách quản lý xã hội tối ưu giúp cho sự phát triển đất nước?; Làm thế nào để dân tộc Việt nam có thể được tận hưởng các thành tựu rực rỡ chung của nhân loại về vật chất và tinh thần như phần lớn các dân tộc văn minh khác trên thế giới hiện đã đạt được?
Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục giới thiệu với Quí vị những bản dịch hoặc những trao đổi liên quan tới vấn đề Dân chủ trong thời gian tới, tuy nhiên “Một cây làm chẳng nên non”, nếu được sự góp sức của Quí vị, chắc chắn chúng ta sẽ có những bản dịch, những thông tin tốt hơn và cập nhật hơn cho vấn đề cấp thiết này. Xin trân trọng cảm ơn sự lưu tâm và góp ý của Quí vị.
Một lần nữa chúng tôi xin chân thành cảm ơn đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam đã giúp đỡ chúng tôi về tư liệu và thiện chí cho các bản dịch trên đây được hoàn thành.
Hà nội, ngày 04/03/2002Phạm Hồng Sơn [*]72B Thụy Khuê - Hà nội.Tel. 847 3583; 0903 21 3776.E-mail:
sonhqv@hn.vnn.vn

HƯỚNG TỚI MỘT “CỘNG ĐỒNG CÁC QUỐC GIA DÂN CHỦ”

Thông điệp của các nhà tổ chức

Thể chế dân chủ đã đứng vững qua sự thử thách của thời gian và đã được thừa nhận bởi nhân dân khắp các miền địa lý và văn hóa như một phương cách lãnh đạo, quản lý thích hợp nhất cho các khát vọng của dân chúng. Phong trào dân chủ hiện đang làm cho thế giới hồi sinh sau cuộc chiến tranh thế giới thứ II, rất nhiều các dân tộc đã giành lại được quyền tự do và độc lập từ chế độ thuộc địa. Phong trào này lại trỗi dậy lần nữa với cuộc cách mạng hòa bình của Bồ Đào Nha năm 1974, sự quay trở lại chế độ dân chủ và công dân của nam và trung Mỹ, sự sụp đổ chủ nghĩa cộng sản tại Ðông Âu và ở Liên bang Xô-viết, và sự chấm dứt chế độ đàn áp A-pac-thai tại nam Phi. Dân chủ và tự do đã nở hoa trên khắp thế giới trong suốt thập kỷ vừa qua. Chưa có một thời kỳ nào của lịch sử lại có nhiều các cựu tù nhân lương tâm được lên nắm quyền lãnh đạo cao nhất thông qua sự bầu cử của dân chúng: Lech Walesa, Vaclav Havel, Nelson Mandela, Kim dea-jung, tất cả đều là những chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ.

Lịch sử đã dạy cho chúng ta thấy rằng tiến trình dân chủ không chỉ dành cho một nhóm quốc gia hay nền văn minh nào. Và hiện nay, xu thế phát triển hướng tới dân chủ là điều không thể tránh khỏi. Đó là một tiến trình luôn phát triển chứ không phải là một trạng thái bất động, tiến trình này đòi hỏi những cố gắng liên tục và sự sáng tạo. Ngày nay, phong trào dân chủ thế giới buộc phải sánh kịp với những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu. Các nền dân chủ cho dù là già cỗi hay non trẻ đều phải vượt qua được các trở ngại để tiến tới sự phát triển vững chắc và tăng trưởng về kinh tế; giải quyết các vấn đề chia rẽ sắc tộc, tôn giáo; đấu tranh với tội ác và tham nhũng; và thúc đẩy xây dựng một nền văn hóa công dân để trang bị cho các cá nhân các hiểu biết và kỹ năng trong việc đấu tranh giành các quyền công dân, đảm nhận các trách nhiệm và tham gia một cách hiệu quả vào đời sống công cộng.

Sự hợp tác giữa nhân dân và các chính phủ dân chủ có cùng một cam kết hướng tới một nền dân chủ tiên tiến chính là điều kiện quan trọng để tạo ra một môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của dân chủ. Liên hợp quốc (đặc biệt là Ủy ban nhân quyền của Liên hợp quốc) và các tổ chức như Liên hiệp châu Âu (EU), Ủy ban châu Âu (Council of Europe), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổ chức các bang Hoa kỳ (OAS) và Tổ chức Thống nhất châu Phi đã làm rất nhiều việc để duy trì và tăng cường việc thực hiện dân chủ trên toàn thế giới. Hội nghị quốc tế về các nền dân chủ mới và cải tổ (International Conference of New or Restored Democracies ), Phong trào thế giới vì Dân chủ (World Movement for Democracy), và Diễn đàn của các nền Dân chủ mới nổi (Emerging Democracies Forum) cũng đã đóng góp cho nỗ lực quan trọng đó với sự tài trợ của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, vẫn chưa có một cuộc đối thoại nào giữa các chính phủ để cùng nhau tìm hiểu xem làm cách nào để các nền dân chủ có thể tăng cường sức mạnh cho các định chế và các tiến trình một cách tốt hơn. Đây chính là thời điểm đã tới để tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các ngoại trưởng của tất cả các quốc gia cùng cam kết đi theo đường lối dân chủ nhằm nâng cao sự lãnh đạo dân chủ. Thông thường, khi các nhà lãnh đạo dân chủ gặp nhau là sẽ có các tranh luận về các vấn đề thời sự hoặc các vấn đề song phương, tuy nhiên, các vấn đề song phương sẽ không đưa ra bàn trong diễn đàn này. Việc tập hợp đầy đủ mọi quốc gia trên thế giới đang thực hiện đường lối dân chủ sẽ cho chúng ta một cơ hội chưa bao giờ có để trao đổi các kinh nghiệm, nhận biết được các kinh nghiệm hay nhất và xây dựng được một chương trình nghị sự cho việc hợp tác quốc tế nhằm thực hiện được đầy đủ các tiềm năng của dân chủ.
Chính phủ Balan đã đồng ý đón tiếp cuộc gặp cấp bộ trưởng vào ngày 25-27 năm 2000 tại Vác-sa-va. Chính phủ Cộng hòa Séc, Chi lê, Ấn độ, Cộng hòa Triều tiên, Ma li, Hoa kỳ cũng đã đồng ý tham gia cùng với Ba lan trong việc tổ chức cuộc gặp gỡ này. Đồng thời với cuộc gặp cấp bộ trưởng, các nhà tư tưởng và các nhà vận động khai phá cho dân chủ từ khắp nơi trên thế giới cũng sẽ nhóm họp tại Vác-sa-va để thảo luận về các vấn đề và tư tưởng mang tính bổ xung. Những vị đại diện cho đời sống trí tuệ và xã hội dân sự đó sẽ đóng góp những hiểu biết và kinh nghiệm chuyên môn của họ cho các cuộc họp bộ trưởng, trình bày các ý tưởng cho vấn đề làm cách nào để chính phủ và các công dân có thể cùng nhau tăng cường và bảo tồn nền dân chủ.
(Người dịch: Phạm Hồng Sơn và Đoàn Mạnh)
VẬN ĐỘNG DÂN CHỦ: TRỌNG TÂM CHÍNH YẾU TRONG TRẬT TỰ MỚI CỦA THẾ GIỚI
Thomas Carothers
Người Mỹ thường rất quan tâm tới việc vận động và phát triển dân chủ, đặc biệt khi quốc gia của họ đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trên vũ đài quốc tế. Cựu tổng thống Hoa kỳ Woodrow Wilson rõ ràng là người đã đi trước thời đại khi đương thời ông đã thúc đẩy việc xây dựng một thế giới an toàn cho dân chủ. Trong bài viết mang tính khơi gợi tư tưởng đối với vấn đề vận động dân chủ trong những năm qua của thế kỷ 20, Thomas Carothers, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thuộc Quĩ tài năng Carnegie dành cho Hòa bình quốc tế và là tác giả của cuốn sách Trợ giúp Dân chủ ở hải ngoại: Một bài học mới (Learning curve), đã xem xét chúng ta đã làm được những gì và lời kêu gọi của tổng thống Woodrow Wilson đang chuyển thành chính sách quốc gia đối với tiến trình thế giới như thế nào.
Bắt đầu từ giữa những năm 1980, trợ giúp dân chủ đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại và trợ giúp nước ngoài của Hoa kỳ. Vào khoảng cuối những năm 1990, chính phủ Hoa kỳ đã chi phí hơn 700 triệu đô-la Mỹ mỗi năm cho trợ giúp dân chủ cho khoảng 100 quốc gia, đầu tiên bằng cách thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID), và sau đó, đồng thời thông qua cả Quĩ quốc gia cho dân chủ (NED), bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng, Qũi châu Á và Quĩ Âu-Á.
Mặc dù làn sóng hiện tại của các chương trình dân chủ đã đạt được một số kết quả như Kế hoạch Marshall thời kỳ đầu sau chiến tranh thế giới thứ II, các chương trình “hiện đại hóa “ và phát triển chính trị trong những năm 1960, hiện nay Hoa kỳ vẫn đang tiếp tục những cố gắng một cách mạnh mẽ và hệ thống hơn bao giờ hết nhằm thúc đẩy dân chủ trên khắp thế giới.
Và không chỉ một mình Hoa kỳ. Các nước khác, đặc biệt là các nước dân chủ thịnh vượng ở tây Âu cũng như rất nhiều các định chế quốc tế khác do các chính phủ trợ giúp, cũng đang rất cố gắng ủng hộ dân chủ, đặc biệt đối với các quốc gia trong quá trình chuyển đổi gần đây đang gặp những khó khăn trong việc từ bỏ dạng chuyên chế và độc đoán trong lãnh đạo.
Cố gắng này là sự đáp lại cho hai xu hướng phát triển chính trị chủ yếu: Đầu tiên, là sự gia tăng của xu hướng toàn cầu đối với dân chủ trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, xu hướng này đã thúc đẩy dân chủ trở thành trọng tâm của chương trình nghị sự về chính sách quốc tế và thách thức các quốc gia dân chủ hưởng ứng lại; thứ hai, sự chấm dứt chiến tranh lạnh đã hạ thấp các rào cản quốc tế trở thành sự hợp tác về chính trị và chuyển các chính sách đối ngoại của Hoa kỳ từ trọng tâm chống cộng sang vấn đề quan tâm lớn hơn là trợ giúp dân chủ. Chắn chắn, cam kết của Hoa kỳ đối với dân chủ không phải là tất cả. Cũùng như các quốc gia khác, Hoa kỳ vẫn có những lợi ích kinh tế và an ninh đôi khi mâu thuẫn với mục tiêu trợ giúp dân chủ. Nhưng, như rất nhiều các chính khách Hoa kỳ đã phát biểu trong thập kỷ vừa qua là vấn đề đã trở nên ít quan trọng hơn trong thời kỳ chiến tranh lạnh khi Hoa kỳ - theo một số người là cần thiết- buộc phải xây dựng các liên minh với các chế độ phi dân chủ nhằm đảm bảo các yêu cầu về an ninh do cạnh tranh với Liên bang Xô-viết cũ.
CHIẾN LƯỢC TRỌNG TÂM
Chiến lược của Hoa kỳ đối với trợ giúp dân chủ trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh, trước tiên được dựa trên 03 vấn đề có tính chất tương quan lẫn nhau: thứ nhất, sử dụng nền dân chủ Hoa kỳ như một mô hình hay khuôn mẫu; thứ hai, coi dân chủ hóa là một quá trình “ tạo khuôn các định chế”, trong đó các nước đang dân chủ hóa sẽ rập khuôn lại các dạng định chế đã có trong các nước dân chủ; và thứ ba là thừa nhận dân chủ hóa là một quá trình bao gồm các giai đoạn có tính chất tự nhiên và có thứ tự chặt chẽ.
Do 03 vấn đề đó đã mâu thuẫn với thực tế của các quá trình chuyển đổi chính trị, chiến lược nói trên của Hoa kỳ đã bắt đầu thay đổi và cải thiện. Một số nhà vận động dân chủ Hoa kỳ hiện nay đã ít nhấn mạnh tới mô hình Mỹ, họ quan tâm tới các thông tin và các ý kiến từ các nền dân chủ đã được thiết lập khác hoặc từ các nền dân chủ mới thành công có sự liên đới rõ ràng. Đôi khi họ cũng cố gắng giúp đỡ các xã hội khác phát triển các dạng dân chủ thật phù hợp với văn hóa và lịch sử riêng của họ.
Càng ngày, các nhà vận động dân chủ càng thừa nhận sự cần thiết phải chú ý tới các lợi ích cơ bản và các quan hệ quyền lực mà các định chế bị ràng buộc. Sự thay đổi dân chủ buộc phải được hiểu không phải là sự rập khuôn các kiểu định chế mà là sự đạt tới một loạt các quá trình chính trị nhằm sinh ra một nền văn hóa dân chủ.
Đồng thời, các nhà vận động dân chủ cũng đang gặp một vấn đề là các quá trình chuyển đổi dân chủ thường không đi theo một tiến trình có thứ tự. Càng ngày, các nhà vận động dân chủ càng tạo ra nhiều loại giúp đỡ khác nhau về dân chủ nhằm thích nghi với các bối cảnh đa dạng đó thay cho sự thừa nhận đó là một quá trình tự nhiên. Sẽ không có một chiến lược kỳ diệu nào thích hợp cho tất cả các quốc gia.
Mặc dù danh sách các chương trình giúp đỡ dân chủ về cơ bản ngày nay vẫn giống như cách đây 15 năm - với 03 chương trình trợ giúp chính nhắm vào bầu cử, các định chế nhà nước và xã hội dân sự. Nhưng trọng tâm thì đã thay đổi. Tầm quan trọng của trợ giúp bầu cử hiện tại đã giảm đi do giai đoạn bầu cử sơ khai (break-through elections) đã được thực hiện trên một qui mô lớn.
Trợ giúp cho một xã hội dân sự hiện nay đang được quan tâm rất lớn, do ý tưởng này đang được ủng hộ và sự thất bại của ý tưởng quá tập trung vào trợ giúp các định chế nhà nước. Tuy nhiên, mô hình nền dân chủ tam quyền vẫn đang ngự trị tất cả; phần lớn các thay đổi đã xảy ra đều phản ánh sự phát triển các quan điểm tiếp cận trong mỗi lĩnh vực cụ thể sau đây:
· BẦU CỬ
Bộ phận này của quá trình vận động dân chủ đã trải qua những thay đổi lớn. Sự quan sát bầu cử ngày càng trở nên tinh vi hơn và sự giúp đỡ để cải tiến quản lý bầu cử cũng được triển khai tốt, và trở thành một vấn đề thứ yếu (subfield of its own). Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các cuộc bầu cử kém cỏi được tiến hành ở các nước đang chuyển đổi ngay cả khi có các trợ giúp về quản lý và sự có mặt của giới quan sát.
Các nhà vận động dân chủ đã lại thừa nhận rằng trong những năm 1990, các cuộc bầu cử không tương xứng với dân chủ. Vẫn có rất nhiều các hỗ trợ cho các đảng chính trị nhưng ngày càng có xu hướng giúp cho sự phát triển các đảng và sử dụng các chuyên gia không theo các tiêu chuẩn Hoa kỳ. Cho dù các cố gắng đó vẫn đang tiếp tục, trong phần lớn các nước đang chuyển đổi, các đảng chính trị vẫn còn là các mắt xích mỏng manh của cả một sợi dây xích dân chủ hóa.
· CÁC CƠ QUAN KHÔNG THUỘC HÀNH PHÁP
Các chương trình trợ giúp cho cải cách tư pháp và lập pháp và các định chế nhà nước khác được tổ chức xoay quanh ý tưởng nhằm tăng cường sức mạnh cho các bộ phận không thuộc hành pháp của các chính phủ cồng kềnh (top-heavy govements). Đó là các hoạt động có qui mô lớn nhất của 03 loại trợ giúp chính cho dân chủ. Kinh nghiệm trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu và các nhà vận động dân chủ cũng còn khó khăn trong việc từ bỏ các mô hình cố định của họ và các quan niệm máy móc về vấn đề làm thế nào để thúc đẩy sự thay đổi trong các định chế rộng lớn.
Các nhà tài trợ ngày càng nhận thấy là nếu như có sự thay đổi thì thiện chí cải cách cũng phải được dựa trên các định chế của nhà nước. Họ cũng bắt đầu chấp nhận là sự phản kháng lại cải cách ít nhất ở một số mức độ nào đó trong các định chế nhà nước nhất định là do vấn đề thống trị hơn là do việc phản đối. Việc thừa nhận là cải cách định chế đòi hỏi phải có các thay đổi sâu sắc hơn nữa trong các cấu trúc lợi ích và các quan hệ quyền lực là một vấn đề nhận thức cần thiết và giúp chúng ta bớt lo lắng hơn khi các thay đổi điễn ra khó khăn và chậm chạp.
· XÃ HỘI DÂN SỰ
Bản thân sự chú trọng đang gia tăng vào Xã hội dân sự cũng là một phần của bài học mới (learning curve) cho các nhà vận động dân chủ. Họ đang cố gắng vượt qua được các vấn đề bầu cử và các định chế nhà nước để chuyển các hình thức dân chủ thành thực chất dân chủ. Rất nhiều các trợ giúp cho xã hội dân chủ trong làn sóng thứ nhất trợ giúp các tổ chức phi chính phủ (NGO) có hoạt động ủng hộ các lợi ích công cộng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm có được, các nhà vận động dân chủ đang xem xét kỹ hơn nữa đối với vai trò của các tổ chức phi chính phủ.
Các nhà vận động dân chủ đang tự cố gắng và thúc đẩy những nước nhận tài trợ trên các vấn đề Đại diện, Duy trì và Mở rộng diện ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ mà họ đang cam kết bảo trợ. Với các kinh nghiệm đang được huy động cho sự nghiệp vận động xã hội dân sự, các nhà vận động dân chủ đã phát hiện ra một vấn đề là: mặc dù xã hội dân sự là một cửa ngõ hết sức dễ dàng cho trợ giúp dân chủ tiếp cận nhưng đó cũng vẫn là một bộ phận rộng lớn và phức tạp của nền dân chủ - mà bản thân cũng là cái không dễ phát triển.
Khi xem lại 03 dạng cơ bản của trợ giúp dân chủ, chúng ta thấy sự khác nhau về hiệu quả là rõ rệt nhưng không quá cách biệt. Các hiệu quả của cả 03 dạng đó thường đều có tính chất khuyếch tán và gián tiếp, lớn hơn rất nhiều so với các cách tiếp cận duy lý của các nhà vận động dân chủ mong muốn. Các chương trình đều hướng vào các định chế và các tổ chức nhưng lại tác động lên các cá nhân và tác động lớn nhất thường là sự truyền tải các ý tưởng sẽ giúp cho việc thay đổi nhận thức, thái độ của người dân đối với các vấn đề khác vào những lúc khác.
· ĐỊA PHƯƠNG HÓA
Trợ giúp dân chủ thường vấp phải khó khăn trong giai đoạn thực hiện. Các nhà vận động dân chủ đã gặp nhiều thất bại khi muốn tạo ra một sự hiểu biết sâu sắc đối với các xã hội mà họ đang hoạt động, họ thường bằng lòng với các ý tưởng sai lầm là chỉ bằng vốn hiểu biết về dân chủ của họ là đủ để phát triển và nuôi dưỡng thể chế dân chủ. Họ cũng luôn có gắng để trở thành các tác nhân cho sự thay đổi chính trị trong các xã hội chuyển đổi và họ quan hệ với các chính khách địa phương chỉ như các trợ lý. Có rất nhiều các dự án bị phá sản do các nước nhận trợ giúp không có quyền sở hữu thực sự đối với các dự án đó.
Tuy nhiên, một tin mừng là giai đoạn thực hiện đang được cải thiện từng bước ở khắp nơi, do mọi người đã nhận thức được tầm quan trọng của tính địa phưong hóa - phải làm việc thông qua và cùng với các nhân viên và các tổ chức địa phương- là những người hiểu các điều kiện của địa phương một cách rõ ràng và đầy đủ. Tuy nhiên, đó cũng là một công việc khó khăn và tới nay cũng chỉ thành công được phần nào.
Các nhà vận động dân chủ cũng không dễ dàng từ bỏ được niềm tin là dân chủ có thể vận động theo cách “ một cỡ vừa cho nhiều loại “, và tin là sự vận động dân chủ có thể tách biệt đối với các trợ giúp phát triển truyền thống khác. Hơn nữa, họ cũng rất hay tránh làm việc quá nhiều với các nhân viên địa phương với lo sợ sẽ mất quyền kiểm soát các trợ giúp của họ. Do đó, một cách nghĩ mới là điều cần thiết cho vấn đề này: Xây dựng dân chủ không phải là cái “chúng ta” làm cho “họ” mà là công việc của những người dân nước sở tại phải thực hiện, đôi khi với sự giúp đỡ của chúng ta.
ĐÁNH GIÁ CÁC CHƯƠNG TRÌNH VẬN ĐỘNG DÂN CHỦ
Trong nhiều vấn đề của vận động dân chủ thì việc đánh giá là một vấn đề ít có sự cải thiện nhất. Các chuyên viên đánh giá luôn bị thách thức đối với các chương trình dân chủ do sự khó khăn trong việc thống nhất các tiêu chuẩn chính xác cho sự thành công trong lĩnh vực dân chủ và trong việc xây dựng các tương quan nhân quả một cách rõ ràng giữa các dự án cụ thể và các xu thế chính trị có phạm vi rộng lớn hơn.
Trong những năm 1990, phần lớn các dự án đều không được đánh giá hoặc chỉ được đánh giá một cách hời hợt bởi những điều tra viên thiếu tính độc lập thực sự. Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhà tài trợ đã bắt đầu thực hiện việc đánh giá nghiêm túc hơn và thậm chí còn quá phức tạp để đạt hiệu quả, do các tác động của các chương trình dân chủ phải mất nhiều năm mới thể hiện được đầy đủ và cần phải được đánh giá trong bối cảnh các điều kiện xã hội , kinh tế, chính trị hiện thời.
Do đó, các nhà tài trợ cần phải từ bỏ quan niệm cho rằng các tác động của trợ giúp dân chủ có thể đo lường được bằng máy tính. Họ cần phải chấp nhận quan niệm là việc phân tích chất lượng theo chiều sâu (in-depth qualitative analysis) chỉ là cách để hiểu được các sự kiện chính trị và các tác động của nó, nhưng còn rất nhiều những kết quả quan trọng nhất của các chương trình dân chủ lại có tính tâm lý, đạo đức, chủ quan, gián tiếp và tác dụng chậm.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các nhà vận động dân chủ cần phải có được một sự hiểu biết đầy đủ các thực tế chính trị của xã hội mà họ trợ giúp. Sự tiến bộ qua các bài học mới không chỉ đơn giản là vấn đề tập trung hay tích lũy kinh nghiệm. Tóm lại, các nhà vận động dân chủ cần phải xem xét lại các ý tưởng của họ về chính trị và tiến tới dung hòa các hành động của họ với mức độ hiểu biết thực sự của họ về sự thay đổi chính trị trong các xã hội khác.
Họ cũng phải xem xét lại chính các phương pháp hoạt động của họ và đặt nghi vấn nghiêm túc về những động cơ thực sự đã xây dựng nên các chương trình của họ và việc thực hiện có thể cải thiện được bằng cách nào. Tất cả các bộ phận của bài học mới (learning curve) đều quan trọng nhưng không như nhau. Một điểm đáng được nhấn mạnh là cần phải triển khai các phương pháp hiệu quả trong khi thực hiện . Các yếu tố tạo nên các phương pháp hiệu quả đã được chuẩn bị sẵn sàng và điều đó có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong các dự án.
Có ba vấn đề lớn hơn cũng đáng được chú ý nhiều hơn là:
Thứ nhất, các nhà vận động dân chủ nên thúc đẩy việc xây dựng mối quan hệ giữa sự trợ giúp cho dân chủ và các loại trợ giúp lớn hơn và vững chắc hơn của trợ giúp cho phát triển kinh tế, xã hội. Vẫn còn rất nhiều các công việc cần phải làm để xác định được các liên hệ chính yếu giữa các hiện tượng chính trị và kinh tế.
Thứ hai, các nhà vận động dân chủ nên chú ý nhiều hơn tới vai trò của phụ nữ trong quá trình dân chủ hóa. Mặc dù những cố gắng trong việc huấn luyện cho phụ nữ thường không vượt qua được những cấu trúc quyền lực cơ bản và những e ngại của phụ nữ, nhưng không phải là chúng không bị cản trở bởi chính những mối bận tâm đặc biệt bất thường và sự nhiệt tình do chính các chương trình dân chủ tạo ra.
Thứ ba, các nhà vận động dân chủ phải có trách nhiệm (hiện vẫn chưa đạt yêu cầu) giúp đỡ chính phủ và công dân của các nước chuyển đổi nhận thức được vấn đề trợ giúp dân chủ và giúp họ trở nên chủ động hơn nữa. Tính minh bạch và đại chúng là vấn đề cốt yếu để các công dân hiểu, tham gia và hưởng lợi thực sự từ những trợ giúp đó.
TƯƠNG LAI CỦA SỰ VẬN ĐỘNG DÂN CHỦ
Những thành quả của dân chủ đạt được trên thế giới trong hai thập kỷ vừa qua là điều rõ ràng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức quan trọng ở phía trước đối với những người cam kết hoạt động cho trợ giúp dân chủ ở nước ngoài. Điều đau buồn vẫn phải ghi nhận là còn nhiều nước hiện nay tình trạng dân chủ đang bị suy yếu, thất bại hoặc vẫn chưa có dân chủ.
Việc phân tích trợ giúp dân chủ ở đây đã nhấn mạnh nhiều vấn đề trong một bài học trọng tâm có tính cảnh báo: không nên trông chờ các kết quả nhanh chóng hay kịch tính từ những hoạt động vận động dân chủ, đặc biệt trong trường hợp những nước vẫn tồn tại các lực lượng kinh tế, xã hội và chính trị thù địch đối với sự phát triển dân chủ.
Trợ giúp dân chủ, cũng như các công cụ bổ trợ của chính sách ngoại giao và kinh tế - củ cà-rốt và cây gậy, có thể gây ra những ảnh hưởng nhỏ nhằm thay đổi các cấu trúc cơ bản về chính trị, kinh tế và xã hội và các điều kiện hình thành nên đời sống chính trị trong các nước khác.
Việc thừa nhận là phần lớn các nỗ lực của vận động dân chủ không mang tới các thay đổi nhanh chóng hay quyết định không có nghĩa cho rằng Hoa kỳ và các quốc gia, các tổ chức khác sẽ ít quan tâm hơn hay từ bỏ cam kết thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài. Điều đó chỉ có nghĩa là việc vận động dân chủ cần phải được hiểu, là một công việc có tính lâu dài và có nhiều điều bất trắc.
Các nhà hoạch định chính sách phải chuẩn bị cho những mục tiêu có tính lâu dài hàng thập kỷ, cho những đảo lộn của tình hình và tìm được cách để tự vấn và tự phê phán các phương pháp của chính họ sẽ được sử dụng để hoạt động với một nỗ lực thực sự cao cả. Tóm lại, chúng ta cần phải mang tới cam kết vận động dân chủ một sự hiểu biết thận trọng và thực tế đối với những khả năng có thể có. Nếu dựa trên một chính sách đối ngoại hướng tới dân chủ trên cơ sở thừa nhận sự ảnh hưởng bao trùm của Mỹ đối với gia tài chính trị của các quốc gia khác thì chỉ có thể dựng nên một tiền đồ chính trị cho sự sụp đổ.
Người Mỹ thường rất quen với việc tranh luận chính sách đối ngoại với các quan niệm xuất phát từ chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng, do đó các quyền lợi và khả năng của Mỹ đều bị thể hiện không đúng mức một cách hệ thống, bị giảm nhẹ hoặc bị cường điệu hóa.
Một quan điểm dựa trên các khát vọng lý tưởng lại bị kiềm chế bởi các suy xét thực tế một cách kỹ càng là điều không hề dễ chịu. Tuy nhiên, đối với vận động dân chủ, đó lại là cách lựa chọn thực tế duy nhất.
(Người dịch: Phạm Hồng Sơn và Đoàn Mạnh)