Một nhu cầu chính đáng
Muốn có một Thân phận Xã hội (Social Status) tốt đẹp cho sự hiện diện ngắn ngủi trên trái đất là một nhu cầu tự nhiên của con người. Dù là vô thức hay có ý thức, từ những hình thức sơ khai như vết khắc trên vách đá cho đến việc cầu kỳ như cắm cờ trên mặt trăng, các biểu tượng tạo nên đều thể hiện một nhu cầu khẳng định Social Status của cá nhân, cộng đồng hay quốc gia.
Hàng thế kỷ trở lại đây, chưa thấy có phương tiện nào vượt được qua sức hấp dẫn và tính phổ biến của phương cách in sách để khẳng định Social Status của cá nhân, bên cạnh nhiều ý nghĩa khác của việc xuất bản sách. Không chỉ thường dân mới hân hoan khi thấy tên mình được xuất hiện trang trọng trong các ấn phẩm. Từ trước tới nay, các nhân vật lịch sử (vĩ nhân hay đại ác nhân), gần như tất cả, đều cùng có một điểm đến là viết và xuất bản sách. Có lẽ dù công nghệ xuất bản có thay đổi đến đâu, những ấn phẩm sách bằng chất liệu giấy sẽ vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong việc ghi nhận và khẳng định Social Status của con người.
Do đó việc một tác phẩm viết đã được xuất bản dưới các dạng khác sách giấy (e-book, online, qua báo chí hay photocopy), tác giả vẫn có ước mong xuất bản tác phẩm dưới dạng sách giấy truyền thống là điều đương nhiên. Ngoài mục đích mở rộng “phổ” độc giả, tác giả của công trình viết còn muốn củng cố, tôn tạo thêm Social Status cho tác phẩm và cho bản thân. Đây là một nhu cầu chính đáng.
Một quan niệm sai lầm
Tuy nhiên việc chấp nhận việc “biên tập” đến mức làm thay đổi, làm mất những giá trị về học thuật, tư tưởng (xin gọi kiểu “biên tập” này là “biên tập phá hoại”) để cho tác phẩm được xuất bản là một sai lầm.
Có thể những tác giả đã chấp nhận việc “biên tập phá hoại” chỉ đơn giản nghĩ là chấp nhận để tác phẩm của mình được xuất bản (do sự câu thúc của nhu cầu tự thân củng cố Social Status) hoặc tự an ủi theo kiểu dù sao những nội dung khác (được giữ nguyên) vẫn đến được với nhiều độc giả hơn. Nhưng nếu nhìn kỹ, việc nghĩ đơn giản và kiểu tự an ủi này chỉ mang lại thiệt hại cho Social Status của tác giả. Vì Social Status của một tác giả chỉ phụ thuộc vào nội dung của tác phẩm.
Dĩ nhiên, một nội dung tốt được truyền bá bằng một hình thức (xuất bản) tốt là điều lý tưởng. Nhưng ngay thực tế ngặt nghèo về tự do tư tưởng như tại Việt Nam cũng cho thấy, nhiều tác phẩm không được phép xuất bản (thậm chí bị công an săn đuổi) vẫn đến được với công chúng, với số lượng độc giả chắc chắn lớn hơn rất nhiều con số 1.000 (một nghìn, số bản in trung bình của một tựa sách hiện nay). Và rất nhiều tác giả được dư luận kính trọng nhất hiện nay là những tác giả có những tác phẩm (đã) không được phép xuất bản. Các quốc gia đã qua thời cộng sản hay độc tài cũng cho thấy các tác giả đã bị hệ thống xuất bản cấp phép ghẻ lạnh là những người rất được kính trọng. Điều này cho thấy việc xuất bản bằng con đường có phép ở Việt Nam hiện tại không phải là cách thức quan trọng để phổ biến tác phẩm hay để củng cố cho Social Status của tác giả. Hình như nhiều tác giả Việt Nam đã quên mất, từ khởi nguồn, chính tác giả là người đã “đẻ” ra xuất bản và một nhà xuất bản đáng trân trọng phải là nhà xuất bản biết trân trọng, chắp thêm cánh cho tư tưởng của tác giả.
Nếu nhìn dưới góc độ rộng hơn. Mỗi một tác phẩm viết đều mang ít nhiều chức phận “khai dân trí”, việc chấp nhận lối “biên tập phá hoại” không khác gì chấp nhận mang đến cho dân chúng những sản phẩm què cụt, dị dạng (về tư tưởng, học thuật). Mỗi một tác phẩm chấp nhận việc “biên tập phá hoại” đã tự mang trong nó một ý đồ “ngu dân”, dù điều này có thể nằm ngoài ý thức của tác giả và người biên tập. Một tác phẩm làm “ngu dân” thì Social Status của tác giả không thể tăng thêm giá trị.
Có thể nhiều tác giả, đã chấp nhận việc “biên tập phá hoại”, cũng nhận thấy sự vụt qua rất nhanh của cảm giác lâng lâng khi nắm chặt vào lòng cuốn sách đầy đặn, đẹp đẽ, nhưng bên trong đã không còn lành lặn. Song, với một xã hội vẫn ngập tràn những hoạt động thiên về sự hào nhoáng, gấp gáp thì việc dứt khỏi cám dỗ “ta có (thêm) sách được in” (1) không phải là việc một sớm, một chiều.
Biên tập viên và trách nhiệm của tác giả
Không cần tìm hiểu sâu xa cũng có thể khẳng định, người làm nghề biên tập trong các nhà xuất bản của Việt Nam hiện nay (dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam) thuộc hệ thống phục vụ cho công tác tuyên truyền, bảo vệ tư tưởng chính trị độc quyền cho ĐCS Việt nam. Như vậy, một nhiệm vụ quan trọng được giao cho biên tập viên là phải loại bỏ, phá đi những tư tưởng, những điều bất lợi cho sự độc quyền chính trị của Đảng CS Việt nam. Đương nhiên vẫn có ngoại lệ không thực thi nhiệm vụ đó, có thể do sai sót về kỹ thuật (nghĩ rằng không ảnh hưởng đến độc quyền chính trị) hoặc do sự táo bạo của người biên tập (muốn nâng đỡ tư tưởng cho người viết và công chúng). Nhưng các ngoại lệ đó, từ trước tới nay, đều bị xử lý nghiêm khắc.
Tuy nhiên, chưa hẳn người biên tập đã cảm thấy thoải mái khi phải thực hiện nhiệm vụ “biên tập phá hoại”. Nhưng nếu tác giả dễ dàng chấp nhận việc “biên tập phá hoại”, khi đó người biên tập sẽ dễ có cảm giác hữu ích khi thực hiện sự “phá hoại”. Và mặc cảm tội lỗi (nếu có) sẽ nhanh chóng được thay thế bằng sự tận hưởng cảm giác “hoàn thành công việc” và “chiến thắng đối thủ”. Đây chính là một trong các nguyên nhân sâu xa của sự tha hóa. Vô hình chung tác giả (chấp nhận “biên tập phá hoại”) đã tiếp tay cho việc hình thành và duy trì phản xạ “biên tập phá hoại” của giới biên tập.
Dĩ nhiên việc xác định thế nào là “biên tập phá hoại” không phải luôn đơn giản và bất biến. Việc xác định hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức, hiểu biết và đạo đức của tác giả và biên tập viên. Và phán xét cuối cùng thuộc về công luận, cùng với thời gian.
Một cách công bằng, không phải mọi sách xuất bản theo con đường có phép hiện nay đều là dở. Nhưng các ấn phẩm “ngu dân” hiện vẫn tràn ngập xã hội và những người dám dấn thân chống lại lối “biên tập phá hoại” vẫn còn quá ít. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều bức xúc, phẫn nộ trước các tác giả chấp nhận lối “biên tập phá hoại” để được xuất bản có phép. Khi tư tưởng vẫn còn là đối tượng quản lý chặt chẽ của người cầm quyền thì việc công luận bày tỏ sự bất bình trước sự lùi bước của các tác giả là một phản ứng tích cực và đáng lắng nghe.
Một cách công bằng nữa, không thể đánh giá công cuộc giành lại quyền xuất bản tự do bằng một lối nhìn cứng ngắc. Nhưng những tác giả đang giữ quan điểm cứng ngắc (2), không chịu chấp nhận mọi cắt xén tác phẩm cũng đang giữ một vai trò như ngọn hải đăng trong đêm cho các con tàu đang lênh đênh trên biển.
Hy vọng những va chạm, tranh luận, phê phán dù gay gắt sẽ hướng đến các cách thức xuất bản tôn trọng tư tưởng của tác giả. Vì, trong sâu thẳm, chắc không có tác giả nào lại muốn đứa con tinh thần của mình bị người khác thô bạo sửa đổi. Và người có trách nhiệm bảo vệ trước tiên, không ai khác, phải là tác giả - cha của đứa con tinh thần.
Phạm Hồng Sơn
15/12/2009
(1) Câu này ở bản đăng trên Talawas viết là " miễn là có sách được in".
(2) Talawas khi đăng đã chuyển 2 chữ "cứng ngắc" thành "cứng nhắc".