Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

TINH THẦN CỦA BẢN HIẾN PHÁP MỸ

Vào năm 1789 nước Mỹ chỉ có khoảng bốn triệu dân. 13 bang của Mỹ lúc đó chỉ mới gắn bó với nhau được khoảng 10 năm. Trước đó, họ chỉ là các thuộc địa riêng biệt của người Anh.

Vì là các thuộc địa riêng biệt nên mọi người có những cách sống khác nhau. Kinh tế và các tập tục của các thuộc địa cũng khác nhau. Do đó, nguồn gốc người Mỹ đã là những người có tính độc lập rất mãnh liệt. Nhưng cuộc Cách mạng giành độc lập nổ ra đã làm cho họ gắn bó với nhau.

Họ đã cùng nhau ăn mừng ngày 04 tháng 07, ngày Mỹ tuyên bố độc lập khỏi Anh quốc. Họ đã cùng nhau chiến đấu chống lại các đội quân người Anh để biến lời tuyên bố thành một sự thật chính trị. Họ đã cùng nhau đi theo câu cổ ngữ Latin “E Pluribus Unum” – “Một người vì nhiều người.”

Và khi chiến tranh đã chấm dứt, những người lính lại trở về những bang quê hương của mình. Nhưng khi đó họ vẫn còn nghĩ họ là những người New York, người Virginia hoặc người Maryland. Lúc đó họ vẫn chưa có được suy nghĩ họ là những người dân của một quốc gia.


Nước Mỹ vào năm 1789 có những bất đồng sâu sắc về việc thiết lập một chính quyền trung ương (chính quyền kiểm soát các chính quyền từng bang-ND). Nhiều người sợ rằng chính quyền trung ương mới sẽ không thể tồn tại. Một số khác thì lại sợ tình trạng vô chính phủ sẽ xảy ra nếu chính quyền đó thất bại. Có một số khác lại muốn chính quyền đó thất bại. Họ muốn các bang có những chính quyền mạnh nhưng không muốn có một chính quyền trung ương mạnh.


Những người ủng hộ cho chính quyền trung ương có nhiều lý do mạnh mẽ để hy vọng thành công. Nước Mỹ lúc đó có những nguồn lực thiên nhiên rất lớn. Con người thì trung thực và chăm chỉ. Hơn nữa, nền kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục sau những tàn phá của cuộc chiến Cách mạng. Nông nghiệp, thương mại và nghành đóng tàu đang phát triển trở lại. Đường xá, cầu cống, kênh rạch đang được hối hả xây dựng để thúc đẩy giao thông và thông tin.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng có nhiều khó khăn. Hai vấn đề chính cần được giải quyết ngay là việc thanh toán các khoản vay trong cuộc Cách mạng để xây dựng quân đội. Vấn đề thứ hai là việc hình thành hệ thống tiền tệ quốc gia. Cả hai vấn đề đều cần phải hành động không chậm trễ.


Nhưng trước khi chính quyền trung ương mới đi vào hoạt động thì chính quyền cũ vẫn phải xử lý nhiều công việc: quyết định nơi đặt thủ đô cho quốc gia mới, tổ chức bầu ra một tổng thống và một quốc hội. Đầu tiên là về thủ đô. Sau khi các bang đã phê chuẩn bản Hiến pháp mới, Quốc hội Lục địa (continental) đã nhóm họp tại thành phố New York. Vì vậy New York đã được quyết định là nơi đặt thủ đô – nơi làm việc của chính phủ mới. Sau đó, thủ đô lại được chuyển đến Philadelphia trong một thời gian ngắn. Và cuối cùng được chuyển về Washington D.C.


Tiếp theo là việc Quốc hội Lục địa phải quyết định thời điểm các bang bầu ra một tổng thống. Thời điểm đó được nhất trí vào ngày 04 tháng 03 năm 1789. Lúc đó bản Hiến pháp đã có hiệu lực.


11 bang đã phê chuẩn bản Hiến pháp phải chọn ra các cử tri để bầu tổng thống. Kết quả cuối cùng không gây ra bất ngờ. Mọi người đã lựa chọn vị anh hùng của cuộc Cách mạng: George Washington. Không có ai bỏ phiếu chống. Washington biết được kết quả bầu cử khi ông đang ở nhà mình tại Mount Vernon thuộc Virginia. Sau đó ông đã đến New York và nhậm chức vào ngày 30 tháng 04 năm 1789.


Các đại biểu của Quốc hội mới đã được bầu vào ngày 04 tháng 03 năm đó.


Và lần đầu tiên, người Mỹ có được điều mà nhiều người trước đó đã nói đến, đó là một chính quyền trung ương. Song, còn rất nhiều việc phải làm vì bộ máy của chính quyền là hoàn toàn mới, chưa được thử nghiệm bao giờ. Cần phải có những quyết định nhanh chóng để quốc gia non trẻ có thể sống còn và phát triển.


Một trong những công việc đầu tiên của Quốc hội là tổ chức một cuộc tranh luận lại về bản Hiến pháp. Nhiều bang đã đưa ra những điều kiện để phê chuẩn văn bản Hiến pháp. Họ cho rằng bản Hiến pháp cần phải bổ sung thêm Luật về các Quyền ( Bill of Rights) nhằm qui định rõ các quyền của người dân.

Vào lúc khởi thảo bản Hiến pháp, phần lớn các bang đều đã có các bộ luật về quyền công dân. Do vậy, một số đại biểu trong hội nghị dự thảo hiến pháp cho rằng một bộ luật về quyền ở mức quốc gia là không cần thiết. Những người khác thì phản biện rằng Hiến pháp sẽ là một bộ luật cao nhất, cao hơn các luật của các bang. Vì vậy một bộ luật ở mức độ quốc gia về quyền sẽ là cần thiết để đảm bảo các quyền cho mọi công dân của quốc gia mới.

Thời gian đã chứng tỏ đề nghị này là một quyết định sáng suốt. Bộ luật về các Quyền đã làm cho Hiến pháp có thêm một sức mạnh đặc biệt. Nhiều người Mỹ xem Luật về các Quyền đã mang lại sức sống và là tinh thần chính yếu của bản Hiến pháp Mỹ.

Luật về các Quyền gồm những gì mà lại quan trọng đến thế đối với các công dân của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ? Luật về các Quyền được thể hiện trong mười tu chính đầu tiên của Hiến pháp.

Tu chính thứ nhất là sự tuyên bố khái quát về các quyền tự do của người Mỹ, nhằm bảo vệ sự tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí.


Tu chính thứ nhất đảm bảo rằng tôn giáo và chính quyền sẽ phải tách rời nhau trên đất Mỹ. Tu chính này nói rõ Quốc hội không được ra luật để thiết lập bất kỳ một tôn giáo chính thống nào. Quốc hội không được can thiệp vào quyền thờ tự của người dân. Tu chính thứ nhất cũng qui định Quốc hội không được tạo ra luật để hạn chế quyền của người dân trong việc tụ họp ôn hòa và quyền của người dân yêu sách chính quyền.


Tu chính thứ hai đảm bảo quyền của người dân được sở hữu vũ khí như những tổ chức vũ trang.

Tu chính thứ ba qui định người dân không phải bắt buộc chứa chấp quân đội trong nhà mình trong thời bình.

Từ Tu chính thứ tư đến Tu chính thứ tám đều bảo vệ các quyền của người dân trước các vấn đề tư pháp.

Tu chính thứ tư không cho phép các cuộc khám xét, thu giữ không có lý do chính đáng. Nếu cảnh sát muốn khám xét nhà hay tài liệu của một người tình nghi, cảnh sát buộc phải có được sự cho phép của một thẩm phán. Văn bản cho phép của thẩm phán phải nói chính xác vật (hoặc người) mà cảnh sát đang cần tìm kiếm và chỉ rõ nơi cần khám xét.

Tu chính thứ năm qui định rằng không ai bị đưa ra tòa vì một tội trạng nguy hiểm nếu chưa có sự xem xét và đồng ý trước đó của một đoàn bồi thẩm. Không ai bị xét xử hai lần cho cùng một tội trạng. Và không ai buộc phải tự đưa ra chứng cớ có hại cho mình trước tòa án.


Tu chính thứ năm cũng qui định việc tước đi quyền tự do, tài sản hay mạng sống của bất cứ ai cũng phải căn cứ theo qui định của pháp luật. Và nhà nước không được lấy bất cứ tài sản nào của người dân vào mục đích công cộng nếu không đền bù thỏa đáng.


Tu chính thứ sáu chỉ rõ mọi người bị buộc tội đều có quyền được tranh luận trong môt phiên tòa công bằng và công khai do một đoàn bồi thẩm điều khiển. Tu chính này đảm bảo cho người dân không bị giam giữ kéo dài khi không có ý kiến của một đoàn bồi thẩm. Tu chính thứ sáu cũng đảm bảo cho quyền của người bị cáo buộc (bị can, bị cáo –ND) được trợ giúp bởi luật sư. Bên bị (người bị cáo buộc và luật sư –ND) phải được thông báo về lý do và nội dung những cáo buộc. Bên bị có quyền được đối diện để chất vấn bên cáo buộc (bên nguyên-ND)

Tu chính thứ bảy qui định người dân có quyền sử dụng thẩm phán để phân xử những tranh cãi pháp lý với người khác.

Tu chính thứ tám nghiêm cấm mọi hình phạt độc ác và bất bình thường.

Tu chính thứ chín bảo đảm các quyền khác cho công dân cho dù không được đề cập trực tiếp trong Hiến pháp.

Tu chính thứ mười qui định rằng mọi quyền mà Hiến pháp không trao cho chính quyền trung ương thì thuộc về các bang hoặc thuộc về chính người dân.

Cho tới cuối năm 1791, đa số các bang đều thông qua Luật về các Quyền. Như chúng ta vừa thấy, các Tu chính này đã hạn chế quyền lực của chính quyền trung ương, do đó nhiều người trước đó có quan điểm chống lại hình thức Liên bang đã không phản đối nữa. Họ đã chấp nhận nhà nước mới với một chính quyền trung ương. Và nhiều người trong số họ đã đồng ý tham chính để xây dựng một quốc gia mới.

Tổng thống Washington lúc đó mong muốn những con người tốt nhất – dù là người Liên bang hay người chống Liên bang, tham gia vào bộ máy hành pháp. Nước Mỹ non trẻ lúc đó đang cần sự lãnh đạo sáng suốt. Và Tổng thống Washington đã mang lại cho nước Mỹ được điều đó.

Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ ( tháng 10/2008)
( Nguồn: program #26 of THE MAKING OF A NATION http://www.voanews.com/specialenglish/archive/2008-03/2008-03-26-voa1.cfm …)