Tuy nhiên “Thượng tôn pháp luật” (với ý nghĩa sơ khai vừa nêu) không những chưa đủ để con người tránh được sự tàn ác, xảo trá của kẻ cầm quyền, mà, như lịch sử và thực tại cho thấy, còn trở thành vỏ bọc “hợp pháp” cho sự thống trị, đàn áp của những kẻ cầm quyền độc đoán. Adolf Hitler đã dùng luật để tiễu trừ người Do thái, các lãnh đạo cộng sản trong thế kỷ XX đã tạo ra luật để cướp đoạt tài sản, “ngăn sông cấm chợ” và nẫng đi những tự do vốn đã ít ỏi của dân chúng và ngay gần đây, Taliban đã dùng luật để phá tan hai pho tượng Phật độc nhất vô nhị của loài người!
“Thượng tôn pháp luật” với ý nghĩa đầy đủ và hiện đại phải được gắn kết một cách hữu cơ với sự tổ chức, vận hành của các cơ quan quyền lực của nhà nước, xã hội và có mục đích tối hậu nhằm bảo vệ quyền con người. Để “Thượng tôn pháp luật” đáp ứng được đúng ước mơ nguyên thủy của con người, các học giả hiện đại đã chỉ rõ “Thượng tôn pháp luật” phải được đặt trên bốn nền tảng sau đây:
1. Pháp luật phải có khả năng dễ dàng buộc các cơ quan nhà nước và mọi nhân viên của nó phải có trách nhiệm, phải trả giá thích đáng cho mọi hành vi sai phạm.
2. Pháp luật phải rõ ràng, công khai, ổn định và công bằng và phải nhằm mục đích bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
3. Qui trình phê chuẩn pháp luật, thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật phải đảm bảo tính hiệu lực, công bằng và tính sẵn sàng chịu sự giám sát và chấp nhận nhu cầu thay đổi của dân chúng.
4. Quá trình phán xử (bảo vệ công lý) phải do những thẩm phán, luật sư có đạo đức, độc lập và đủ năng lực thực thi. Các viên chức tư pháp phải có đủ về số lượng, được đảm bảo thích đáng về nguồn lực, phương tiện khi thi hành công vụ và họ phải thể hiện được tính đa nguyên trong cấu trúc xã hội.
“Thượng tôn pháp luật” cũng như “Nhà nước pháp quyền” ngày nay đã trở thành những tiêu chuẩn, nền tảng của một xã hội văn minh. Những nguyên tắc này đã phổ quát và đúng đắn đến mức mọi chính quyền độc đoán đều không thể từ chối tán thành, bất chấp cả nguồn gốc phương Tây. Chỉ khác là những chính quyền độc đoán luôn trắng trợn giấu diếm và ngang ngược biện bạch cho sự thiếu vắng bốn nền tảng kể trên.
Cách nay hơn 250 năm Montesquieu đã có một nhận định bất hủ ”Kẻ cầm quyền độc đoán chả có pháp luật gì ngoài sự tùy tiện tai hại cho toàn xã hội.” (le despote n'a aucune règle, et ses caprices détruisent tous les autres). Điều đó cũng có nghĩa là nhân dân chẳng cần phải tôn trọng pháp luật, nếu pháp luật đó chỉ do những kẻ độc đoán quyền lực và thuộc hạ của chúng tạo ra.
Phạm Hồng Sơn
27/01/2010