Sau khi ông Lê Đình Kình bị bắn chết và bị phanh thây, không dưới 20 nhà hoạt động dân chủ, hoạt động xã hội trong đó có cả những nhân sỹ, trí thức, giáo sư, tiến sỹ khoa học nối nhau treo ảnh đã từng chụp cùng với nạn nhân (khi còn sống) lên mạng lưới toàn cầu để bày tỏ cảm thông sâu sắc và phản đối kẻ độc tài. Song, cho tới nay, những tấm hình đó vừa chẳng làm cho người chết sống lại cũng không thể giúp gì cho những nạn nhân còn sống thoát án tử hình, chung thân. Theo một nguồn tin của người viết, giới luật sư bên bị còn tư vấn cho các bị cáo nên nhận tội hoặc nhũn nhặn trước “tòa” hầu được thuyên giảm án phạt. Tuy nhiên, “phiên tòa phúc thẩm” đã cho thấy luật sư đã làm cho những người lĩnh án tử hình sẽ phải chết ngược với những uy dũng họ đã có. Lịch sử chống độc tài của Việt Nam đã mất hẳn một chương anh hùng. Kẻ độc tài đã tránh được một cái tát thẳng vào mặt.
Nhưng lịch sử không dừng ở đây và có thể sẽ vẫn diễn ra như cũ. Bài viết cũ sau đây chỉ muốn lịch sử sẽ phải thay đổi. Đó chính là lý do người viết cho đăng lại ở đây để trình độc giả.
Đồng Tâm: Phải nghĩ khác
Vụ Ðồng Tâm lại là một thắng lợi to lớn cho kẻ cầm quyền.
1. Kẻ cầm quyền đã làm cho toàn giới bị trị thấy rõ bọn chúng vẫn hoàn toàn dư sức mạnh và thừa tự tin để dập tắt mọi ý muốn, hành động chống cự lại các quyết định vô lý của chính quyền. Sức mạnh vẫn còn lớn tới mức chúng sẵn sàng huy động hàng nghìn binh lính cùng thiết bị quân sự hiện đại chỉ để tấn công, tiêu diệt một thủ lĩnh nông dân già trong tay chỉ có vài chục quân với vài vũ khí tự tạo, thô sơ. Sự tự tin của kẻ cầm quyền vẫn dư thừa để tiếp tục chẳng cần phải đắn đo để tráo trở, lật lọng, tàn ác.
2. Trước những hành động ngang tàng, độc ác trắng trợn như thế, phản ứng nói chung của kẻ bị trị vẫn chỉ giới hạn ở kêu xin, kiến nghị, cùng lắm là chửi đổng, thậm chí nhiều kẻ còn bày tỏ tin tưởng vào chế độ, kỳ vọng vào sự công minh, sáng suốt của kẻ thống trị. Phản ứng này là chứng cớ không thể nghi ngờ cho sự tự tín đúng đắn của kẻ cầm quyền trước khi quyết định giải quyết dứt điểm vụ Ðồng Tâm, đồng thời là lời khuyên gián tiếp cho nhiều kẻ bị trị khác: chớ nên cương cường với chính quyền.
3. Ðối với nhóm người phản kháng có tổ chức, ngoài thủ lĩnh đã bị hạ sát ngay trong buồng ngủ và bị làm nhục thân xác, tất cả đều tỏ thái độ ăn năn, sám hối hoặc hết sức nhũn nhặn trước ống kính ghi hình hoặc trước công đường. Sự thay đổi thái độ này không chỉ củng cố thêm tính rụt rè, nhút nhát cho công chúng mà còn làm cho nhiều kẻ bị trị khác ngộ nhận về sự chính trực của kẻ cầm quyền đàn áp.
4. Giới luật sư rất hồ hởi, tích cực tham gia vào quá trình tố tụng mặc dù nghề nghiệp, kinh nghiệm cá nhân, thực tế vụ án đã chứng minh rõ “pháp luật”, “điều tra” và “tòa án” chỉ là công cụ của kẻ đàn áp. Hành động này của giới luật sư (vô tình) đã đóng góp không nhỏ cho việc bảo dưỡng vỏ bọc dân chủ của chế độ và nuôi dưỡng các ảo vọng công lý trong giới bị trị.
Ðó là 4 hệ quả tốt đẹp nhìn ở phương diện đối nội cho kẻ đương quyền.
Về đối ngoại:
1. Vụ Ðồng Tâm là một thông điệp mạnh và hấp dẫn cho giới tư bản ngoại quốc. Họ có thể an tâm loại đi hẳn ít nhất hai rủi ro cho các dự án đầu tư (bất ổn xã hội; tranh chấp chủ-thợ) miễn là duy trì được quan hệ tốt đẹp với giới cầm quyền.
2. Các chính quyền trên thế giới bớt đi các phân vân về sự vững chắc của chế độ độc tài hiện nay sau vụ Ðồng Tâm.
3. Những chính quyền có toan tính thôn tính hoặc sử dụng chủ quyền Việt Nam cho các lợi ích của họ sẽ gia tăng hỗ trợ, gắn bó chặt chẽ hơn với kẻ thống trị sau vụ Ðồng Tâm.
Những điểm thành công kể trên của kẻ cầm quyền có thể khiến nhiều người không đồng tình hoặc, có thể, phẫn nộ với người viết vì cho rằng những điều này làm nản lòng, nhụt chí nhiều người đấu tranh chống độc tài tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như chúng ta không nhìn nhận trong vụ Ðồng Tâm, người dân Việt Nam lại bị thất bại rất bẽ bàng trước kẻ cầm quyền đồng tộc, thì một thành công khác đối với kẻ cầm quyền cần phải ghi thêm:
– Sau vụ Ðồng Tâm, giới bị trị vẫn giữ nguyên phép thắng lợi tinh thần AQ để tự huyễn hoặc mình và tiếp tục nhẫn nhịn đón nhận những bóc lột, đàn áp mới, có thể khốc liệt hơn.
Chưa kể, trong vụ Ðồng Tâm, những thành công kể trên của kẻ cầm quyền chưa phải là tất cả. Ngay cả sự kiện người thủ lĩnh can trường – cụ già Lê Ðình Kình – dù quyết tâm chống trả quyết định của chính quyền và đã tự trải nghiệm các hành động hèn hạ, tàn độc của chính quyền vẫn một mực thể hiện sự tin tưởng vào chế độ – cũng phải được tính là một thành công lớn cho kẻ cầm quyền về mặt chính trị: Sự sai trái chỉ thuộc cấp thực thi, còn kẻ cầm quyền tối cao, đảng lãnh đạo độc tôn vẫn luôn anh minh, xứng đáng cầm quyền muôn năm!
Một chế độ đã tỏ rõ bộ mặt “hèn với giặc, ác với dân” nhưng tất cả các nhân sĩ cấp tiến nhất trong xã hội đều cố tình phát đi, gián tiếp hoặc trực tiếp, một thông điệp rằng: Tôi không chống chính quyền! Ðây cũng không thể không tính là thành công lớn cho kẻ độc tài có mộng cầm quyền muôn thuở.
Người viết không thể xót xa khi viết ra những điều này. Nhưng, chính trị không bao giờ thể tất cho tình cảm, cảm tính.
Chính trị, về bản chất, muôn thuở là mối quan hệ đối kháng mất còn giữa kẻ cầm quyền và dân chúng. Chính trị luôn là cuộc đấu sống mái giữa kẻ thống trị và kẻ bị trị. Kẻ mạnh hơn, khôn ngoan hơn sẽ thắng; kẻ yếu, kẻ ngu ngơ hơn sẽ phải thua, phải bị kẻ khác thống trị hoặc bị tiêu diệt.
Chế độ dân chủ đã được sinh ra nhằm loại bỏ tính khốc liệt của mối quan hệ thống trị-bị trị nhưng bản chất đối kháng và quy luật được thua-khôn dại, mạnh yếu của cuộc chơi vẫn giữ nguyên. Người dân và chính quyền luôn ở hai phía đối kháng; lá phiếu, phản ứng khôn dại, mạnh yếu của cử tri sẽ quyết định mức độ phục vụ dân chúng cao hay thấp của chính quyền. Các cuộc biểu tình nhiều ít bạo lực nhắm vào chính quyền hay các cuộc bố ráp, giữ trật tự nhiều ít vũ lực quá đà nhắm vào dân chúng luôn tồn tại trong các chế độ dân chủ. Ðể phòng bị sự đàn áp của kẻ cầm quyền, các chế độ dân chủ không bao giờ để kẻ cầm quyền có thể tự tiện, dễ dàng điều khiển các lực lượng vũ trang – cảnh sát, quân đội.
Tập hợp, biểu tình, thị uy, bố ráp chính quyền là những quyền đương nhiên của người dân trong các quốc gia dân chủ.
Có quốc gia dân chủ còn thận trọng, cảnh giác hơn với kẻ cầm quyền bằng cách trao quyền sở hữu vũ khí cho mọi người dân để khi cần: Toàn dân đồng loạt cầm súng đứng lên lật đổ chính quyền.
Các dân tộc khôn ngoan đã đạt được chế độ dân chủ vẫn chẳng phút nào quên lãng hay lơ là với quyền, với khả năng phải chống lại chính quyền.
Người dân trong các chế độ dân chủ đang được hưởng những ưu việt của một chế độ, một chính quyền không dám hành dân nếu không muốn bị trừng trị là điều hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.
Người Việt của chúng ta hôm nay rõ ràng đang thất bại. Nhưng sự thất bại không phải định mệnh. Thất bại cũng không chắc chắn sẽ phải lặp lại trong tương lai, thậm chí ngày mai. Người dân của các quốc gia dân chủ cũng đã phải trải qua nhiều lần thất bại, và nhiều khi tưởng chừng không thể thành công, trước khi bắt được kẻ cầm quyền phải tuân thuận pháp luật, lập nên một chính thể không thể đàn áp dân chúng nếu không muốn bị lật đổ. Tuy thế, thất bại cũng vẫn là một khả năng có thể xảy ra hoặc đôi khi vẫn xảy ra đối với người dân trong các quốc gia dân chủ.
Người Việt chúng ta trong lịch sử không phải không có lúc đã hành động và khí phách khiến tất cả mọi kẻ cầm quyền đều phải kính nể.
Cách đây 90 năm, Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng sự chống chính quyền thực dân Pháp bước lên máy chém công khai giữa ban ngày. Tất cả đều hiên ngang, bình thản đưa đầu vào máy chém. Phó Ðức Chính, đề nghị được ngửa mặt nhìn thẳng vào lưỡi chém, rồi ông hô vang “Việt Nam vạn tuế!”. Nguyễn Thái Học chậm rãi bước lên máy chém sau cùng, từ chối uống chén rượu an thần, khẳng khái đọc thơ xác quyết lý tưởng và hô vang “Việt Nam vạn tuế!” khi lưỡi chém lao xuống. Lúc đó Phó Ðức Chính 23 tuổi, Nguyễn Thái Học 28 tuổi.
Khí phách đó và một nhận thức chính trị đúng đắn chắc chắn sẽ đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi gọng kìm của một đảng chính trị đốn mạt.
PHS (13/09/2020)
(trong những ngày chờ tuyên án của “phiên tòa sơ thẩm bỏ túi” vụ Đồng Tâm). In trên báo Trẻ 1209, 17/09/2020