Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Yêu nước thật không thể chịu như thế


Vừa rồi chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đã có một số thể hiện làm cho nhiều người yêu nước hy vọng rằng không phải tất cả các lãnh đạo cao cấp hiện nay của chế độ độc đảng đều hèn nhát, cúi đầu trước sự ngạo mạn, xấc xược của chính quyền Trung Quốc.

Ngày 8/6/2011 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dõng dạc tuyên bố: “Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình.” Ngày 10/6/2011 bà Nguyễn Phương Nga phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lần đầu tiên mạnh dạn thổ lộ: “Mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình ổn định ở khu vực Biển Đông đều được hoan nghênh.” Ngày 13/6/2011 chính phủ Việt Nam còn cho phép Bộ Quốc phòng thực hiện diễn tập bắn đạn thật trên biển ngay gần vùng Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải và đang có tin quân đội Việt Nam sẽ tham gia tập trận chung với Mỹ trên biển Đông. Cho dù lần phản ứng này của chính phủ Việt Nam đối với việc Trung Quốc cắt cáp (phá hủy phương tiện sản xuất của chính phủ) lại mạnh hơn rất nhiều so với những lần Trung Quốc đã bắn giết, bắt giữ, ngược đãi nhiều ngư dân Việt Nam thì những phát ngôn và hành động vừa kể của chính phủ Việt Nam cũng đáng ghi nhận là một thay đổi tiến bộ trong cách ứng xử với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người yêu nước vẫn còn nghi ngại động cơ thật đằng sau những phát ngôn và hành động tiến bộ đó.

Rất đáng tiếc thực tế đang cho thấy những nghi ngại đó lại có cơ sở. Bởi không một chính phủ nào muốn tìm cách bảo vệ tổ quốc lại đi cấm đoán, xúc phạm, bắt bớ, giam giữ những người muốn bày tỏ lòng căm hờn kẻ xâm lấn tổ quốc. Không một chính quyền nào muốn được cộng đồng quốc tế chia sẻ, trợ giúp để chống trả mộng bá quyền hung hãn của Trung Quốc lại để cho tờ báo của đảng mình phê phán một cách lố bịch việc NATO (khối quốc gia văn minh, hùng mạnh nhất thế giới) đang giúp đỡ nhân dân Lybia chống lại chế độ độc tài của Gaddafi là hành động “phản nhân đạo”, “răn đe các chính quyền tiến bộ khác ở khu vực...
Như vậy, không hiểu những biểu hiện mâu thuẫn đó là do lãnh đạo của chính phủ Việt Nam chưa xử lý được tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay là chính phủ Việt Nam vẫn chỉ lo lắng quẩn quanh cho quyền lợi riêng tư của mình, hơn là sự tồn vong của quốc gia, dân tộc? Nhưng một điều chắc chắn rằng nếu lãnh đạo của chính phủ Việt Nam hay của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt đầu có thiện tâm vì nước, vì dân thì những mâu thuẫn kiểu đó phải sớm được chấm dứt. Vì đã biết yêu nước, biết nhục khi lòng yêu nước bị sỉ nhục, không ai lại chịu để như thế.

Phạm Hồng Sơn
14/06/2011

Còn sợ dân chủ là…hỏng


Những diễn biến bên trong các cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 5 tháng Sáu vừa qua tại Hà Nội và Sài Gòn lại một lần nữa cho thấy không phải chính quyền Việt Nam (do Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát toàn diện) không uất ức trước sự khinh thường, ngỗ ngược của “người bạn bốn tốt”. Vấn đề là chính quyền Việt Nam còn rất sợ những hoạt động tập hợp dân chúng trên đường phố, dù chỉ là kết quả của một kế hoạch kín đáo với sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, có thể sẽ chuyển thành hoặc mở ra những cơ hội mới cho công cuộc dân chủ hóa - cuộc đấu tranh nhằm bãi bỏ chính thể phi dân chủ hiện hành.

Theo lẽ tự nhiên, những người đang cầm quyền độc đoán sợ “dân chủ hóa” hay “diễn biến hòa bình” là đúng. Bởi những người cầm quyền độc đoán không thể không hoảng sợ khi nghĩ đến lúc phải đối diện với công lý vì những hành động nhẫn tâm, ngược đãi con người một cách tùy tiện. Đó cũng là một đặc điểm chung của tâm lý học tội phạm. Đấy là chưa kể tới lòng tham những đặc quyền vô bờ mà người cầm quyền và gia đình họ đang thoải mái tận hưởng sẽ phải chấm dứt ngay lập tức một khi các thiết chế dân chủ của nhà nước và xã hội được hình thành.

Nhưng trong tình hình hiện nay, việc sợ hãi “dân chủ hóa” hay “diễn biến hòa bình” là nỗi sợ thiếu sáng suốt. Trước ngày 26/5/2011, chắc rằng vẫn có nhiều người tin rằng Trung Quốc có thể nuốt chửng cả Việt Nam nhưng vẫn dành cho Đảng Cộng sản Việt nam một chỗ dung thân. Niềm tin (kỳ cục) đó, đã được truyền tụng trong dân chúng bao năm qua bằng câu “Đi với Mỹ, mất Đảng. Đi với Tàu, mất nước.”, chắc chắn nay không thể còn khi Trung Quốc đã cắt thẳng vào cáp thăm dò “tiền bạc” của chiếc tàu Bình Minh 2 của Chính phủ Việt Nam (tức cũng là của Đảng Cộng sản Việt nam). Như vậy, tất cả mọi người Việt Nam hiện nay, từ quốc nội đến hải ngoại, từ trong Đảng đến ngoài Đảng, đều phải nhận thấy rõ tất cả đang có một kẻ thù chung là: mộng bá quyền Trung Quốc.

Mà để chống được kẻ thù chung thì không còn con đường nào khác là phải đoàn kết, đoàn kết thực sự giữa mọi tầng lớp nhân dân với chính quyền-một yêu cầu tiên quyết ở mọi thời đại. Nhưng chừng nào người cầm quyền còn e sợ người dân nổi dậy lật đổ mình, chừng nào người khát khao dân chủ còn chưa thể tin được vào người cầm quyền thì chừng đó sự rạn nứt, chia rẽ dân tộc vẫn chưa thể hàn gắn được. Khi đó mọi “đoàn kết dân tộc” do chính quyền khởi xướng sẽ chỉ là những tập hợp lỏng lẻo, thiếu hụt, nhất thời và đầy âm mưu. Chỉ có dân chủ hóa một cách chủ động và từng bước mới có thể xóa dần mọi nghi kỵ giữa các thành phần dân tộc, để tiến tới một “đoàn kết dân tộc” thực sự đủ để chặn đứng dã tâm xâm lược đang ngày càng táo tợn. Lịch sử cũng cho thấy hiểm họa mất nước luôn tạo cơ hội vàng cho những người cầm quyền lập công hiển hách hay đái tội tày đình. Hơn nữa, những kinh nghiệm và hiểu biết của nhân loại cho tới nay đã đủ để cho nhiều người Việt Nam phải hiểu rằng dân chủ hóa không nhằm để tước bỏ quyền lợi của ai mà để tạo ra sự bình đẳng về cơ hội cho tất cả mọi người, không phải để trả thù cho những đau khổ cũ vì sự trả thù chỉ gây khó khăn cho dân chủ. Các cổ xúy cho dân chủ cũng không phải là luận điệu nhằm để gài bẫy các nhà cầm quyền độc đoán bởi dân chủ có những giá trị nền tảng là đàm phán, thỏa hiệp và khoan dung.

Rạn nứt, chia rẽ có thể che đậy được đối với người cùng một nước nhưng là không thể đối với những kẻ có dã tâm xâm lược. Chỉ bốn ngày sau hai cuộc biểu tình “tự phát” vẫn còn âm vang ở hai đầu đất nước, Trung Quốc không chỉ yêu cầu chính quyền Việt Nam phải “nỗ lực” hơn nữa mà còn tiếp tục “cắt cáp”. Nhưng, sự ngang ngược, thách thức của Trung Quốc cũng có cái lý của họ: Còn gì phải đắn đo trước một dân tộc đang bị chia rẽ? Việc gì phải tôn trọng một chính quyền đang e sợ chính đồng bào của nó?

Phạm Hồng Sơn
10/06/2011